THE GRAPES OF WRATH: Tác phẩm sinh đôi của văn hào John Steinbeck |
Tác Giả: Trọng Đạt |
Thứ Bảy, 05 Tháng 12 Năm 2009 15:37 |
John steinbeck sinh ngày 27-2-1902 tai Salinas, California, mất 20-12-1968, ông và Hemingway là hai cây bút thuộc vào hàng cự phách của nền văn học Mỹ cũng như trên văn đàn thế giới. Hemingway, một tác giả quen thuộc của Sàigòn năm xưa với các tác phẩm Lão Ngư ông Và Biển Cả (The Old Man and The Sea) Giã Từ Vũ Khí (Farewell to Arms), Mặt Trời Vẫn Mọc (The Sun also Rises)... Tác giả sống tại ngoại quốc lâu năm nên các đề tài của ông đều đã bắt nguồn từ các nước non xa lạ bên Âu Câu, Phi Châu, nào chiến tranh, đấu bò, đánh cá. Trong khi Hemingway mải mê với các chân trời xa lạ, John Steimbeck quay về với các đề tài ngay tại quê hương ông, cuối thập niên 30, ông chú trọng tới giai cấp lao động qua các tác phẩm In Dubious Battle (1936), Of Mice And Men (1937) và The Grapes Of Wrath (1939). Trong số ba tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Grapes of Wrath, East of Eden (1952) và Of Mice And Men, cuốn The Grapes Of Wrath được đề cập tới nhiều hơn cả. Of Mice and Men chỉ là một truyện ngắn quay thành phim nhiều lần, gần đây nhất là năm1992, khá hay nhưng khó hiểu. John Steinbeck sinh tại Salinas, California năm 1902, có theo học Ðại học văn khoa tại Stanford University mấy năm nhưng không đỗ đạt gì, ông đi làm lao động chân tay sinh sống, sau viết báo, làm quản gia. . tác phẩm của ông phản ảnh rất hiện thực đời sống của nhân dân lao động Mỹ. The Grapes Of Wrath được coi như tác phẩm hay nhất của John Steinbeck (... the book considered by many his finest) cũng có dư luận coi nó như tác phẩm hay nhất của nền văn chương Mỹ, ít có truyện nào sánh kịp(…. has few peers in American fiction - Robert Demott), được giải Pulitzer 1940, dài 600 trang, cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1939, trên 400 ngàn cuốn, đã được dịch ra trên 30 thứ tiếng, được giảng dậy như sách giáo khoa tại các trường trung học, đại học từ cấp học sinh cho tới bậc sinh viên tiến sĩ. Truyện cũng đã tạo nhiều tranh luận sôi nổi nhất tại Mỹ từ trước đến nay, hồi trước tại nhiều nơi người ta đã đem đốt nó đi hoặc cấm lưu hành vì cho rằng nó mang tính chất tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng Sản, phảng phất cái không khí đấu tranh giai cấp. Tác phẩm cũng đã được nhiều người bênh vực vì nó phản ảnh được, nói lên được những nỗi cay đắng uất hận của bọn di dân Ohklahoma đi tìm cơm áo tại miền đất hứa California cũng như đã tranh đấu cho nhân phẩm và quyền sống của con người. Sang năm sau 1940, truyện đã được hãng 20th Century-Fox quay thành phim, đạo diễn John Ford, tài tử Henry Fonda, tiền bản quyền là 70 ngàn đồng thời ấy. Phim vẫn giữ nguyên nội dung mang khuynh hướng xã hội của nó như tác giả đã yêu cầu. Cuốn phim đoạt 2 giải Oscars và sau này được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ (American film institute list of the all-time best American film), giá trị nghệ thuật rất cao, John Steinbeck phải khen “hay quá, y như phim tài liệu vậy”. Một tác phẩm văn chương bất hủ biến thành cuốn phim hay nhất mọi thời đại, một tác phẩm đã được hai lần bất hủ đó là trường hợp hy hữu, đặc biệt vì những phim được xếp trong số những phim hay nhất mọi thời đại hoặc hay nhất thế giới như Rashomon (Nhật, 1951), Bẩy Người Hiệp Sĩ (Nhật, 1953), La Strada (Ý, 1954), La Grande Illusion (Pháp, 1937). . đều được quay từ những truyện không ai biết tới, thậm chí Rashomon do một truyện ngắn mà thành. Lại nữa những tác phẩm lớn bất hủ như Anna Karenine (Nga), Les Frères Karamazov (Nga), Notre Dame De Paris (Pháp), Giờ thứ Hai Mươi Lăm (Lỗ Ma Ni)… đã được quay thành những phim hay vào hạng “hay trung bình”. Trước 1975 chúng ta vẫn thường gọi truyện này là Chùm Nho Uất Hận do một bản dịch từ tiếng Pháp ra Les Raisins de la Colère, nghe thì cũng hay nhưng không được sát nghĩa. Chữ Colère trong tiếng Pháp và Wrath tiếng Anh có nghĩa là cơn phẫn nộ, còn uất hận để chỉ sự căm hờn. Chữ Wrath diễn tả cơn giận sôi sục của bọn di dân nghèo đói đứng nhìn bọn điền chủ cho đổ thực phẩm xuống sông để giữ giá hàng. John Steinbeck đã làm sống lại cuộc di cư vĩ đại và bi thảm đầy nước mắt của các nhà nông Oklahoma đã bị truất hữu đất đai tài sản trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, họ đã kéo nhau trên các xe vận tải hướng về California hy vọng tìm được việc làm tại các nông trại vượt qua khó khăn gian khổ trước mắt. Tom Joad mới ở tù ra, tội giết người tự vệ, án bẩy năm, nhưng được về sớm mấy năm hiện còn trong thời kỳ quản chế. Về tới nơi thấy nhà cửa trống trơn, chàng cùng ông đạo (preacher) Casy sang nhà ông chú, tại đây đại gia đình ông bà nội ba (pa) mẹ (ma), em trai, em gái và hai đứa út. . đã tụ tập đông đủ chuẩn bị lên đường. Ðất đai cằn cỗi, trồng bông gòn không sinh lời nên ngân hàng quyết định lấy lại đất, cho xe ủi hết nhà cửa để bán lại cho cơ sở khác, sống chết mặc bay. Thu góp được hơn hai trăm mua chiếc xe vận tải cũ kỹ hơn bẩy chục rồi bầu đoàn thê tử lên xa lộ hướng về miền Tây. Chưa ra khỏi tiểu bang ông nội chết vì già yều quá, gia đình quyết định chôn ngay bên đường với mảnh giấy giải thích “nhà nghèo không có tiền lo mai táng”. Cuộc hành trình gian nan, chiếc xe nhỏ bị hư hỏng dọc đường phải sửa chữa vất vả. Ðến biên giới tiểu bang Arizona, họ bị cảnh sát nhắc nhở phải tiếp tục con đường còn lại không được trú ngụ tại đây. Họ bị khinh miệt, xua đuổi, bị gọi bằng cái tên khinh thị Okies. Tới California cả gia đình mừng rỡ, họ nhìn những đồn điền trồng cây xinh tươi mênh mông bát ngát, nơi thu hút nhiều nhân công hái trái cây, ai nấy trong lòng chứa chan hy vọng. Bà nội cũng mất vì giá yếu, mẹ Tom nói: “bà cụ sẽ được chôn cất ở nơi xinh tươi xanh tốt. . cụ phải được nằm xuống tại california”
Ðất Cali xưa thuộc Mễ, những người Mỹ đi khai phá miền Tây võ trang súng đạn chiếm đất đuổi bọn bản xứ về phía Nam. Nay canh tác trở thành kỹ nghệ, nông trại ngày càng lớn mạnh, chủ nhân càng ít đi. Bọn di dân ngoại quốc Tầu, Nhật, Phi Luật Tân, Mễ. . bị đối xử như nô lệ, bị đánh đập, bắn giết. Gia đình Tom Joad đã tới miền đất hứa, họ dừng chân tại trại Hooverville, đó là một khu tụ tập gần bờ sông của các gia đình di dân, họ làm lều, nhà giấy các tông, lợp cỏ tạm bợ sống qua ngày chờ việc. Những trại tạm cư tự lập thường thấy tại California dơ bẩn, đông đúc, khiến chính quyền lo sợ, Bộ y tế thường cho lệnh giải tỏa, đốt trại để xua đuổi bọn nghèo đói đi, sống chết mặc bay. Bà mẹ Tom Joad đem đồ ra nấu ăn, bọn trẻ đói khát kéo lại gần nhìn bằng cặp mắt thèm thuồng, bà cụ không nỡ xua đuổi chúng, chia phần cho mọi người trong gia đình xong bà chừa lại một chút dưới đáy nồi cho bọn trẻ, chúng xúm lại múc vét. Gia đình đến ở tạm tại một trại của chính phủ thuộc bộ canh nông. Sở định cư có lập một số trại có điện nước, có tiêu chuẩn vệ sinh, tự quản không có cảnh sát an ninh ăn hiếp di dân. Họ rất thích không khí tại đây song không tìm được việc lại phải dời trại. Không khí tại đây thiếu tự do thoải mái như ở trại chính phủ, có an ninh kềm kẹp, số người di dân đến xin việc ngày một đông, chủ trại được thể bóc lột nhân công xương tủy. Một buổi tối Tom đi rong chơi rồi lạc bước đến một cái lều và tình cờ gặp lại bạn cũ, ông đạo Casy, người đánh cảnh sát nay được thả vào làm việc tại đây. Tối ấy Casy bàn chuyện đình công vì họ hạ lương xuống còn một nửa chưa đủ ăn cho một miệng người. Cảnh sát biết tin bèn tìm đến, mọi người bỏ chạy, Tom và Casy lần xuống một con lạch, một tên cảnh sát hung dữ dùng gậy đập chết Casy, Tom giựt cây gậy đập chết tên này để trả thù cho bạn rồi thoát được về nhà, chàng bị đánh ở mặt, sưng một bên má. Sáng hôm sau gia đình phải rời trại ngay vì Tom đang bị lùng bắt, chàng chui dưới tấm nệm trong xe nên thoát nạn. Cuộc sống khả quan hơn, bà mẹ mua thịt, bột mì, khoai về làm đồ ăn, cả nhà hy vọng vào ngày mai, bỗng một hôm đứa con gái nhỏ trong gia đình vô tình nói với bọn trẻ hàng xóm anh nó Tom Joad đã giết người đang trốn. Bà mẹ sợ quá vội tìm chàng, tối ấy bà đưa cho chàng bẩy đồng nói chàng phải đi ngay vì sợ bại lộ, Tom từ biệt mẹ chàng nói. Gia đình chuyển đến một trại bông gòn nhỏ hơn, họ trả khá hơn song rất nhiều người tới làm, chỉ một lúc là hết việc. Người ta thường nói nước Mỹ là thiên đường vật chất khi nhìn cuộc sống sung túc giầu có và nền kinh tế phồn thịnh của nó. Nhưng không phải rằng của cải vật chất ấy tự trên trời rơi xuống, không phải rằng nước Mỹ đã được thiên nhiện ưu đãi với rừng vàng biển bạc, mà những con người cần cù của đất nước rộng rãi bao la này đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu xương máu để tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng như chúng ta thấy hiện nay. Họ cũng đã trải qua bao nhiêu phấn đấu cam go gian khổ và bao nỗi thăng trầm. The Grapes Of Wrath đã làm sống lại giai đoạn cam go, cay đắng đầy nước mắt ấy. Khi mới xuất bản, cuốn truyện đã bị nhiều dư luận chỉ trích kịch liệt, nhất là những người đã bị đụng chạm. Một số trí thức cho là truyện không có nghệ thuật, không thuyết phục được ai, một số trường học thư viện cấm lưu hành vì sợ nó xúi dục bạo loạn và dùng ngôn ngữ trắng trợn. Các ông lớn, tu sĩ hữu khuynh, hiệp hội nông dân, chính trị gia… tố cáo tác phẩm có khuynh hướng thân Cộng Sản, không có giá trị đạo đức, suy thoái, sai sự thật. Một vị dân biểu Oklahoma cho rằng truyện này láo khoét, sự sáng tạo của một bộ óc điên loạn, một tu sĩ dòng Tên kết án nó tuyên truyền cho Cộng sản. John Steinbeck cho rằng khi tài sản tập trung trong tay một số ít người nó sẽ bị lấy đi, khi đa số người dân là nghèo đói thì họ sẽ dùng vũ lực để chiếm lấy (When a majority of the people are hungry and cold they will take by force what they need). Cuốn tiểu thuyết được viết trong mấy tháng nhưng Steinbeck đã bỏ nhiều năm thu thập dữ kiện và sửa soạn, năm 1938 ông đi thăm các trại di cư ở Visalia và Nipomo, mấy ngàn gia đình đói khát bệnh tật, nhiều người chết vì đói, tỉnh và tiểu bang không giúp gì họ vì cho đó là những người ngoài. Các điền chủ lớn ngày càng phát tài, thịnh vượng, họ có máy đóng hộp đào, lê, táo để tới năm sau cũng được. Chủ nhỏ nhiều người phải bán rẻ dất đai cho chủ lớn vì không có máy đóng hộp không giữ được sản phẩm, tài sản ngày càng tập trung trong tay một số ít người, đó là đặc điểm của nền kinh tế tư bản. Trong con mắt của những người di dân đói khát, niềm phẫn nộ dâng lên, trong tâm trí của bọn điền chủ chùm nho phẫn nộ dâng cao vì vụ mùa nho thất bại (…The Grapes of Wrath are filling and growing heavy) Mặc dù tác giả chỉ đề cập đến những người di dân da trắng không nói đến bọn di dân Tầu, Nhật, Mễ… số này khá đông, nhưng truyện cũng được coi như có giá trị nhân bản, tranh đấu cho nhân phẩm và quyền sống của con người: Một gia đình di dân vật lộn với cuộc sống gian truân để tới miền đất hứa, nhiều ngàn vạn người khác cũng di cư tìm đất hứa, đây cũng là truyện di cư của nước Mỹ, nhìn xa hơn ta cũng có thể coi nó như cuộc di cư của nhân loại đi tìm đất hứa. Nay đa số các nhà phê bình phân tích cho rằng The Grapes of Wrath chỉ là một tác phẩm văn chương không phải là một tài liệu tuyên truyền, nó đã diễn tả và phá tan huyền thoại “đất hứa California”. Con người, tiêu biểu là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết Tom Joad ước mơ một xã hội công bằng, tự do, tôn trọng nhân phẩm, con người tự gặt hái thành quả của chính mình. The Grapes Of Wrath một tác phẩm nghệ thuật có giá trị văn chương rất cao đã diễn tả chân thực những ảo tưởng tan vỡ, những nỗi đau khổ của con người, những niềm hy vọng treo trên sợi chỉ mành mong manh. Trên thế giới vẫn còn quá nhiều khổ đau, The Grapes Of Wrath cũng đã đóng góp một phần trong sự diễn tả một cách hiện thực những nỗi cay đắng của con người ngay cả tại phần đất đã được coi như phồn thịnh nhất thế gian này. Toàn bộ tác phẩm dài 600 trang gồm nhiều đoạn đối thoại dài lê thê nhất là lúc mới vào truyện, Tom Joad gặp lại ông đạo Casy và người bạn Muley, những mẩu chuyện hàn huyên không liên hệ với nội dung là mấy. Lời văn bình dị, không chau chuốt nhưng cảm động đầy nước mắt, John Steinbeck bắt chước ngôn ngữ bình dân trong văn đối thoại cho thêm phần hiện thực, có nhiều tiếng lóng tiếng lái vừa dễ hiểu mà cũng khó hiểu, trong bản thảo có nhiều tiếng chửi thề đù má đù mẹ, người ta đề nghị bỏ đi vì sợ vô phép với độc giả, ông đã đồng ý. Tên truyện do bà vợ đầu của ông đặt ra, rút từ một bài hát, nó không phù hợp với nội dung chủ đề là mấy. Ðộc giả nhiều người không hiểu tại sao lại gọi là The Grapes Of Wrath, theo chúng tôi biết nó chỉ được nhắc lại có một lần trong toàn bộ tác phẩm... In the eyes of the hungry there is a growing wrath, in the souls of the people the grapes of wrath are filling and growing heavy, growing heavy for the vintage... ý nói người nghèo đói giận dữ vì thực phẩm đổ xuống sông, điền chủ phẫn nộ vì vụ mùa nho thất bại, làm rượu không kết quả... The Grapes Of Wrath không phải chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một tài liệu lịch sử có giá trị về xã hội kinh tế của thời khủng hoảng với đầy đủ dữ kiện chân thực và sống động, những người bị đụng chạm đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì những quyền lợi riêng tư của họ. Bênh vực cho những người nông dân nghèo đói bị kết án khuynh tả, tuyên truyền cho Cộng sản là không đúng vì bênh vực cho những người nghèo đói không phải là độc quyền của Cộng sản, đó chỉ là chụp mũ. “... Chỗ nào có đấu tranh cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt! Chỗ nào có công an cảnh sát đánh người, con sẽ tới nơi....” Năm 1940 truyện đã được quay thành phim, hãng Twentieth Century Fox mua bản quyền 70 ngàn đồng, cam kết giữ nguyên nội dung xã hội của tác phẩm. Bất chấp mọi phản đối, Darryl F. Zanuck thuê Johnson, ký giả viết lại truyện phim và John Ford đạo diễn. Sau này này nhà đạo diễn cho biết tại quê hương ông bên Ái Nhĩ Lan người ta cũng truất hữu đất đai của bọn tá điền nghèo khiến cho họ lang thang ngoài đường đói rách y như bọn Oklahoma, ông cũng thích đề tài này, thích gia đình Tom đi tìm đất hứa. Mặc dù chỉ là phim đen trắng đơn sơ nhưng sự diễn tả cũng đầy ý nghĩa, với kỹ thuật thô sơ non kém từ nửa thế kỷ qua nhưng giá trị hiện thực của nó thật là tuyệt vời, nhờ tài dàn cảnh của nhà đạo diễn lỗi lạc John Ford cũng như diễn xuất điêu luyện của các vai chính vai phụ từ trẻ em cho đến ông già bà cả. Mặc dù không nói lên được nhiều như tác phẩm 600 trang nhưng cũng đủ làm sống lại một giai đoạn đen tối của xã hội Mỹ thời khủng hoảng depression, nó thể hiện bằng cách tả chân nỗi nhục nhằn cay đắng của đám di dân đi tìm đất hứa bị kỳ thị, khinh miệt, chà đạp, bóc lột xương tuỷ. Người ta bỏ bớt đi những đoạn dài dòng văn tự vì phim ảnh không thể quay sát hoàn toàn một cuốn tiểu thuyết tràng giang đại hải được. Mặc dù đơn sơ ngắn gọn nhưng hình ảnh của nó đôi khi lại hiện thực và linh động hơn tác phẩm như cảnh bọn trẻ đáng thương đói khát lem luốc thèm thuồng miếng ăn vây quanh bà cụ đang nấu nướng hoặc cảnh trại Hooverville, người cảnh sát bắn thường dân bị Casy đánh chết giấc, hoặc buổi tối ở trại Hooper Ranch bọn an ninh đánh chết Casy. Những hình ảnh sống động ấy cho ta thấy một xã hội còn đầy rẫy bất công, đàn áp, kỳ thị địa phương. Trong truyện gia đình ở trại chính phủ sau mới sang trại hái đào và cuối cùng đi hái bông gòn, Tom Joad trốn ở ngoài đồng nhưng trong phim người ta đổi ngược lại, gia đình ở trại hái đào, Tom Joad đánh chết cảnh sát và gia đình trốn đến trại của chính phủ, trong truyện chàng từ biệt mẹ ngoài đồng nhưng trong phim từ biệt mẹ tại trại chính phủ. Nhưng những lời chàng từ biệt mẹ đã được giữ nguyên văn y như trong truyện không sai đến một câu một chữ vì người ta cho đó là những lời hay nhất ý nghĩa nhất của tác phẩm. Có thể nói đây là một cuốn phim hiếm hoi của nền điện ảnh Mỹ với giá trị hiện thực không khác gì trong các phim xã hội Ý, người Ý rất sở trường về đề tài hiện thực xã hội và bây giờ nhà đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu cũng rất say mê chiều hướng này và đã đạt được những bước tiến rất xa. Chúng tôi chưa thấy cuốn phim Mỹ nào hiện thực như vậy, nó đã làm sống lại chặng đường gian khổ đầy nước mắt mà xã hội Mỹ đã trải qua cùng những ảo tưởng tan vỡ của đám di dân đi tìm đất hứa. Cuốn phim cũng là tiếng nói bênh vực cho nhân quyền, nhân vị của những người thấp cổ bé họng đã bị chèn ép, áp bức, khinh thị tủi nhục, ta không thể nào quên được Tom Joad, hình ảnh của người hùng đứng lên đương đầu với bạo lực vì công bằng, nhân phẩm con người. The Grapes Of Wrath rất xứng đáng được xếp trong số mười phim hay nhất của Mỹ từ trước đến nay, với hình ảnh đen trắng đơn sơ nhưng nghệ thuật điêu luyện, nội dung cảm động sâu sắc diễn tả được tất cả những nỗi khổ đau của con người, của xã hội loài người. Tiếng khóc nghẹn ngào của bà mẹ từ biệt con và nhìn chàng ra đi cũng quá đủ để nói lên tất cả và những lời chàng từ biệt mẹ khiến cho khán giả không cầm được nước mắt. “Con sẽ ở khắp nơi, chỗ nào mẹ muốn tìm. Chỗ nào có đấu tranh cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt. Chỗ nào có công an cảnh sát đánh người con sẽ tới nơi. . .chỗ nào có tiếng cười của trẻ em đói khát khi thấy bữa ăn, khi người dân ăn miếng bánh họ làm ra và ở trong căn nhà do họ dựng lên, con sẽ đến tận nơi”. |