Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Người phụ nữ Việt Nam: Nguồn thơ của Hồ Dzếnh

Người phụ nữ Việt Nam: Nguồn thơ của Hồ Dzếnh PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Sáu, 20 Tháng 8 Năm 2010 19:38

Nhà thơ Hồ Dzếnh (1916-1991), nguồn thơ trong sáng nhất là người phụ nữ Việt Nam.

 Nhà thơ Hồ Dzếnh, tên thật Hà Triệu Anh, có mẹ là người Việt, cha là người Trung Hoa.

Sau năm 1954 ông kẹt lại miền Bắc như nhiều thi sĩ tiền chiến nổi danh khác, mà sau này còn được người ta nhắc đến vì trong suốt hai mươi năm sống với cộng sản ông đã không vì miếng ăn hay bị lôi cuốn để viết ra nhưng câu thơ phản lại lòng yêu mến của người đọc, mà ông đã tạo dựng được, từ sau những tác phẩm như Quê Ngoại, hay các bài thơ nhan đề Chiều (hay Màu Cây Trong Khói), và nhất là bài Cô Gái Việt Nam.

 Trong số các thi sĩ Việt Nam, Hồ Dzếnh là người có những bài thơ ca gợi phụ nữ Việt Nam hay nhất, thật lòng nhất, là đề tài của bài viết nhỏ này.

Thân sinh Hồ Dzếnh là Hà Kiến Huân người Quảng Ðông. Ông Huân qua nước Việt từ cuối thế kỷ XIX, ít lâu sau quen biết và thành hôn với một cô lái đò ở trên sông Ghép, Thanh Hóa, tên là Ðặng Thị Văn.

Năm 1916 Hà Triệu Anh ra đời. Những năm thơ ấu ông sống trong môi trường thiên nhiên rừng núi, nhờ người cha làm nghề buôn gỗ ngược xuôi giữa rừng núi và thành phố.

Hoàn cảnh đổi thay khi Hà Triệu Anh còn niên thiếu, ông theo mẹ về ở hẳn quê mẹ. Quê mẹ vùng Thanh Hóa và tình mẫu tử của người mẹ Việt tần tảo nuôi con đã in sâu trong tâm hồn ông.

 Ở Thanh Hóa, theo học ở trường Thiên Chúa Giáo, gọi là Trường Nhà Chung, mà ảnh hưởng đã khiến ông viết bài “Jésus Christ, ý nghĩa đêm Noel,” và các bài thơ có bóng dáng Chúa trong đó như “Hồn Chiều,” “Hiu Quạnh.”

Sống ở Hà Nội, Hồ Dzếnh bắt đầu bước vào làng văn, làng báo trong khoảng 1931, cộng tác với các báo Trung Bắc Chủ Nhật, Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

 Về sự nghiệp văn chương, Hồ Dzếnh đã cho xuất bản các tác phẩm văn, thơ như sau: Chân Trời Cũ (1942), Một Chuyện Tình Mười Lăm Năm Về Trước (1942-ký Lưu Thị Hạnh), Quê Ngoại (1943), Cô Gái Bình Xuyên (1946), Hoa Xuân Ðất Việt (1946), Người Cứu Thương Trung Hoa (1947), Những Vành Khăn Trắng , Dĩ Vãng, Hai Mối Tình (1948), Ðường Kế Mã (1943), Nhà Nhiều Con, Quê Ngoại II, Tiếng Hát Thiên Nga (1993).

Thi phẩm Quê Ngoại khi mới xuất bản (1943) đã được tuần báo Tri Tân nhận xét: “Tên tuổi của người Minh Hương ấy, văn học quốc ngữ không nề gì mà chẳng đón tiếp như đã đón tiếp bao nhiêu nhà văn hữu tài.”

Một trong những bài thơ của ông được nhắc nhở đến nhiều nhất là bài Chiều, đã trở thành lời nhạc (nguyên văn) trong một nhạc phẩm cùng tên. Có điều cần ghi nhận là, trong thi ca Việt Nam, Hồ Dzếnh có những lời ngợi ca về phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong khá nhiều bài, điển hình nhất là bài Cô Gái Việt Nam, (đề tặng Hồng Nhật - bài này cũng còn tên khác là Cảm Xúc) với giọng thơ hết sức chân tình, cảm động:

Cô Gái Việt Nam

Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi.

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là khi đã
Bồng bế con thơ đón tuổi già!

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi.

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt lòng cô vẫn đợi chờ.

Dải lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười,
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

Hồ Dzếnh cũng là một trong một số hiếm hoi những nhà thơ làm thơ về người vợ của mình:

Bài thơ tặng vợ
Gửi Nguyễn Thị Hồng Nhật

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?

Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!

(1986)

Nhân vật phụ nữ trong thơ Hồ Dzếnh có nhiều vóc dáng, từ một người trong lịch sử (Mỵ Châu, bài Phong Châu), đến cô khách qua đò (Lỡ Ðò), “chị tôi” (bài Quê Hương), Bích Câu (Ðất Mẹ Ngày Xuân), Thúy Kiều (Mối Tình Ðầu).

Bài viết nhỏ này cũng nhờ nhân kỳ trước Trang Thời Sự Nhân Văn nói về các Thi Thần (Muses), hay các Thần tượng Nghệ thuật. Nàng thơ, hay nguồn cảm hứng của một nhà thơ, là ánh sáng thi ca dẫn dắt nhà thơ khi gieo vần, lựa điệu. Với Hồ Dzếnh, đó là người phụ nữ Việt Nam.

Trong các thi sĩ Việt Nam cùng thời với tác giả Quê Ngoại, hình như không một người nào đạt tới chỗ trong sáng, chỗ tinh hoa, chỗ thiên thần mà đơn giản trong lành như Hồ Dzếnh khi làm thơ về phụ nữ.