Máu Ta Từ Thành Văn Lang Dồn Lại … |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Phước | |
Chúa Nhật, 03 Tháng 4 Năm 2011 15:06 | |
Thế hệ của tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước chia đôi. Khi chiến tranh leo thang, tin tức chiến tranh tràn lan trên báo chi, tôi phải di chuyển từ miền trung chiến tranh nghèo đói vào Sài gòn. Tuổi thiếu niên của tôi phải chung đụng và lạc lõng giữa một thế giới phồn hoa của một đất nước đầy khói lửa. Những vấn đề về quê hương đất nước bắt đầu nhen nhúm trong tâm hồn tôi. Đến cuối năm lớp 10, thằng bạn thân nhất của tôi bị gọi nhập ngũ. Nhìn người bạn thân mặt búng ra sữa, xúng xính trong bộ áo trận về thăm nhà tôi không khỏi xót xa. Tương lai của thế chúng tôi mù mịt trong chiến tranh và đắm chìm trong khói của lựu đạn cay trong thành phố. Sống trong một đất nước chiến tranh dưới sự lãnh đạo của những người không có tâm và tầm nhìn dân tộc, cả một thế hệ thanh thiếu niên miền nam lớn lên và mất định hướng. Lòng yêu nước của thế hệ của chúng tôi không có lãnh đạo. Chúng tôi, có đứa biến mất khỏi thành phố đi theo Việt cộng vì có thân nhân trong chiến khu. Những đứa còn lại vùi đầu vào học hành, sách vỡ, kiến thức để nuôi chút hy vọng trong tương lai. Có những đứa con nhà giàu biến thành những tay ăn chơi. Có đứa sửa soạn để lên đưòng nhập ngũ. Chúng tôi cũng lao đầu vào những sinh hoạt hướng đạo, nhà thờ, thanh niên Phật Tử. Có đứa tham gia xuống đường. Thập niên 1960-1970 tràn đầy giòng nhạc mới. Những thiên tài âm nhạc Việt Nam đã xuất hiện ở học đường rồi lan ra xã hội. Những bài hát của Trịnh Công Sơn với lời ca về thân phận người Việt Nam da vàng đưa tôi về với tình tự quê hương. Những tình ca của Từ công Phụng, Vũ thành An, Ngô thụy Miên, Lê Uyên Phương, Vũ Đức Sao biển, tình ca Tôn thất Lập, v.v. đã ru tuổi thiếu niên của tôi. Giữa những dòng nhạc tình ca, và những bài ca về thân phận, tôi bắt gặp dòng nhạc của Nguyễn Đức Quang với bài Việt nam Quê Hưong Ngạo Nghễ với lời ca chất chứa niềm hy vọng và lòng yêu nước. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là liều thuốc tinh thần làm cho tôi có ý thức về dân tộc và lịch sử dựng nước và giữ nưóc của cha ông. Mỗi khi nghe … Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xưong thĩt nầy cha ông miệt mài … tôi cảm nhận đưọc cái gì rất thiêng liêng từ năm ngàn năm trưóc đổ dồn vào con ngưòi nhỏ bé của minh. Tôi có cảm cảm tưởng tôi không phải chỉ là tôi mà là cả một dòng sử Việt chảy trong tôi. Sau nầy, khi được đọc Lý Đông A …” ta sống muôn năm ở trong ta lấy sức sống mà làm nên thời đại 2000” viết từ năm 1940, thì tôi càng thấm ý nghĩa của lời ca của Nguyễn Đức Quang. Với tôi, Nguyễn Đức Quang, cũng như Lý Đông A, chính là ngôn sứ của tiền nhân, giúp cho tâm hồn tôi nối kết được với linh thiêng của đất nước, để bắt gặp những người bạn cùng nhịp điệu, cùng những rung động về quê hương trong nước và ngoài nước. Anh đã đem lại cho thế hệ chúng tôi niềm tin yêu vào tưong lai dân tộc để thế hệ chúng tôi “xin nhận nơi nầy làm quê hương” với niềm “hy vọng đã vươn lên trong ưu phiền mùa chinh chiến.” Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ giúp cho tuổi trẻ cảm chiêu đươc hồn sử dân tộc và nhận thức đưọc sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trước hiện tình đất nước. Nó sẽ tiếp tục kích động lòng yêu nước của thế hệ thanh niên đang lớn lên trong đất nước dưới gót giày xâm lược của Đại Hán, như đã kích động lòng yêu nước của tôi thời kỳ chiến tranh. Tôi mong rằng một này nào đó khi dân chủ tự do tái lập trên quê hương, khi bóng quân thù không còn trên lãnh hải và lãnh thổ quê hương, thì Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ được quốc dân chọn là bản quốc ca cho một nước Việt Nam mới để ghi nhớ bài hát đã thúc dục lòng yêu nước từ thế hệ nầy qua thế hệ khác. Anh đã ra đi, nhưng Việt Nam Quê Hưong Ngạo Nghễ sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng dân tộc Việt Nam, như một ngọn lửa thiêng, tiếp tục hun đúc lòng yêu nước của một thời kỳ dân tộc Việt phải sống với những trang lịch sử đầy nghịch lý. Nguyễn Xuân Phước Thưa Quý Vị và Các Bạn thân mến, Trong bài “Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ” cuả Nguyễn Đức Quang có câu này mà tôi rất thích: “Hỡi những ai GỤC XUỐNG NGOI DẬY LỒM CỒM ĐI LÊN!” Nó diễn tả hình ảnh một người bị kiệt sức, ngã gục, có thể là ngã xuống nước hay một đám sình lầy nhưng quyết không bỏ cuộc, cố gắng ngoi dậy, và khi dậy được rồi thì vội vã lê bước lếch thếch đi tới ngay, có thể là bò, là trườn, chứ chưa đi thẳng người được…Tôi thích câu này lắm. Tiếc thay không biết ai đó khi phổ biến các bài du ca cho quần chúng lại tự ý sưả lại thành “Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy HÙNG CƯỜNG đi lên!” Người bị gục ngã, vưà ngoi ngóp bò dậy, làm sao tiến bước một cách “hùng cường” được. Vả lại, hùng cường không phải là trạng từ để nói về cách đi. Đi oai hùng, đi hùng dũng…thì có, chứ đi hùng cường thì không nghe ai nói, trừ trong bài Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ bị sưả lời này. Khi Anh nguyễn Đức Quang tới Boston cách nay 6 năm, vợ chồng tôi có hỏi anh về việc ấy, anh xác nhận rằng lời nguyên thuỷ là LỒM CỒM, không phải là HÙNG CƯỜNG. Anh không đồng ý với chữ hùng cường, nhưng anh nói một cách hiền lành: “Có người còn chịu hát là được rồi, sai một chút không sao!” Dầu vậy tôi vẫn tiếc chữ LỒM CỒM cuả Nguyễn Đức Quang nên tôi mạo muội đề nghị chúng ta dùng lại nó trong Việt Nam Quê Hương ngạo nghễ, vừa để tỏ lòng kính trọng Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang, vưà giữ được hai chữ thật hay, thật gợi hình và đầy ý nghiã cuả bài hát. Trân trọng, |