Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Phạm Ðình Chương, tài năng âm nhạc lớn

Phạm Ðình Chương, tài năng âm nhạc lớn PDF Print E-mail
Tác Giả: Du Tử Lê   
Thứ Ba, 10 Tháng 5 Năm 2011 08:19

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của loài người, về phương diện nhân chủng học, là phát hiện về yếu tố di truyền (danh từ khoa học gọi là “genetics.”)

 
Từ trái qua: Hoài Bắc Phạm Ðình Chương, Thái Thanh, Hoài Trung.

“Genetics” không chỉ giải mã cho chúng ta, sự truyền giống, bệnh hoạn mà còn giải thích được phần nào về những thiên tài của nhân loại. Nhất là trong lãnh vực nghệ thuật, văn học.

Trường hợp Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương nói riêng, các anh, chị, em của ông nói chung, là điển hình cụ thể cho những yếu tố di truyền vừa kể.

Là con trai út của cụ ông Phạm Ðình Phụng và người vợ thứ hai, cụ bà Ðinh Thị Ngọ, nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. (1) Cụ ông vốn nổi tiếng hào hoa với nhiều ngón đàn. Trong khi cụ bà lại là người có giọng hát và, tài ngâm thơ.

Theo phần tiểu sử chi tiết nơi trang đầu của tập nhạc “Mười bài ngợi ca tình yêu,” tuyển tập nhạc Phạm Ðình Chương, xuất bản ở Saigon đầu thập niên (19)70 thì, họ Phạm được học nhạc rất sớm. Khi ông mới 13 tuổi. Năm năm sau, ở tuổi 18, ông đã sáng tác nhạc. Ông nổi tiếng ngay, với sáng tác đầu tay: Ca khúc “Ra đi khi trời vừa sáng.” (2)

Sau đó, ca khúc “Ðược Mùa” của họ Phạm cũng đã được trao một giải thưởng âm nhạc lớn, khi ông chưa bước vào tuổi 19.

Phải đặt người trẻ tuổi mang tên Phạm Ðình Chương vào những năm giữa thập niên (19)40, khi nền tân nhạc của chúng ta bị chiếm lĩnh bởi các tên tuổi rực rỡ như Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Hoàng Quý, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý, Ðoàn Chuẩn & Từ Linh, v.v... với những tình khúc lãng mạn, như những đỉnh điểm chói gắt nhất của ngọn triều hâm mộ, ta mới cảm nhận được hết, tài năng, bản lãnh của họ Phạm, khi ông đánh ra đường kiếm khác.

Ðó là một Phạm Ðình Chương trẻ trung, phơi phới với những ca khúc rộn rã, vui tươi. Lấp lánh tiếng cười. Óng ả hy vọng. Một Phạm Ðình Chương thiếu niên, tự tách lìa mình khỏi những tàng cây rậm rạp. Ông toàn thành cho mình, ngay tự bước khởi hành thứ nhất, một lộ trình riêng, lẻ.

Theo tôi, ý thức mở đường, đi một mình, với chiếc bóng (đôi khi đìu hiu, lẻ bạn) của họ Phạm, đã là định mệnh khơi nguồn, xuyên suốt cuộc đời người nhạc sĩ tài danh này.

Nhìn lại quá trình sáng tác của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương từ ngày ông được sinh ra, tới ngày từ trần (22 tháng 8 năm 1991, tại miền Nam California, Hoa Kỳ), với khoảng trên sáu mươi ca khúc, đủ loại, như những viên kim cương âm nhạc, bất hoại; hầu hết đã được thời gian thực chứng; người ta mới thấy rõ hơn, chiều kích lớn lao dường nào của ông.

Nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông, từ sáng tác đầu tay, tới sáng tác sau cùng, tỷ lệ đó, không dưới tám mươi phần trăm tổng số sáng tác.

Ðể đối chiếu, chúng ta có thể liên tưởng tới một số nhạc sĩ cùng thời với ông - Những người có số lượng sáng tác nhiều lần hơn ông. Con số có thể lên tới vài trăm, thậm chí cả ngàn. Nhưng tỷ lệ ca khúc vượt được ngưỡng cửa giai đoạn, một thời, thường chỉ ở mức ba, bốn mươi phần trăm mà thôi.

Sự lớn lao hay tính cách “ngoại khổ” của tài năng Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương, theo tôi, cũng không giới hạn trong lãnh vực sáng tác ca khúc. Ông còn là người có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng. Ðó là sự thành công lớn lao, vang dội của ban Hợp Ca Thăng Long.

Ban Hợp Ca Thăng Long.
 
Ở lãnh vực này, ban Hợp Ca Thăng Long, do Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương điều hợp, còn là một mở đường tốt đẹp cho những tam ca, tứ ca, ngũ ca... sau đó nữa.

Nhiều người vẫn nhớ, trước linh cữu cố nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương, tại một tang môn quán ở thành phố Westminster, Nam California, khi được ban tổ chức tang lễ mời nói vài lời tiễn biệt tác giả “Mười bài ngợi ca tình yêu,” nhạc sĩ Phạm Duy nhấn mạnh:

“...Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương mới đích thực là linh hồn của ban Hợp Ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối...”

Những người nghiên cứu về cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương cho biết, họ không ngạc nhiên về tính đa dạng của tài năng họ Phạm. Theo những người này thì, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương không chỉ hấp thụ được tinh hoa văn học, nghệ thuật từ chiếc nôi nghìn năm văn vật Hà Nội mà, ông con được thừa hưởng thổ ngơi Hà Ðông, vùng đất nổi tiếng về tơ tầm, vải lụa của quê cha và, Sơn Tây, đất văn học của quê mẹ.

Lại nữa, ngay từ năm 1945, khi mới 16 tuổi, ông đã gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến, lưu động thuộc liên khu 3 và liên khu 4. Ông đem tiếng hát cùng nhân dáng nghệ sĩ của mình đi cùng khắp các dải đất thuộc hai liên khu này...

Ở tất cả những nơi đi qua, với tâm hồn và trái tim như những tờ giấy chậm, ông thẩm thấu được hơi thở cá biệt của từng vùng đất qua ca dao, điệu hò... Tất cả những ở lại trong thời thanh, thiếu niên kia, đã là một thứ vốn quý cho sáng tác sau này của ông.

Họ Phạm kể, năm 1951, ông cùng đại gia đình, rời kháng chiến trở về Hà Nội. Gần như ngay sau đó, gia đình ông đã vào hết Saigon.

Tại Saigon, vùng đất mới, với nghệ danh Hoài Bắc, ông đã cùng với một người anh là ca sĩ Hoài Trung, chị là ca sĩ Thái Hằng và, em gái là ca sĩ Thái Thanh, thành lập Ban Hợp Ca Thăng Long.

Sinh thời, họ Phạm cho biết, ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” để nhớ thời gian gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội, tại địa điểm là Chợ Ðại, vùng Việt Bắc, gia đình ông mở một quán nhỏ lấy tên là quán “Thăng Long,” nơi dừng chân của hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến.

Tác giả “Ra đi khi trời vừa sáng” cho biết thêm, năm 1949, khi chiến tranh lan tràn tới vùng Chợ Ðại, gia đình ông phải di chuyển về liên khu 4, do ông tướng nổi tiếng quý trọng văn nghệ sĩ là Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh. Chính tại vùng trấn nhậm của Tướng Nguyễn Sơn, đám cưới người chị lớn của ông, ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra, do sự tác hợp và, chủ trì của ông tướng văn nghệ này.

Quán Thăng Long không còn nữa, từ đó. Nhưng hai chữ “Thăng Long” đã trở thành một tên gọi, một biểu tượng đẹp đẽ, được coi là gắn liền với thời đầu trong sáng, ý nghĩa nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, (3) một “quái kiệt” của miền Nam, người từng có thời gian đi hát chung với Ban Hợp Ca Thăng Long từ Nam ra Bắc thì, khi Ban Hợp Ca Thăng Long ra đời tại Saigon, ban này đã như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc nhiều sân khấu miền Nam.

Trong một cuộc xuất hiện ở quận hạt Orange County, giữa thập niên (19)80, hát cho một quán café văn nghệ ở đường số 5th, Santa Ana, họ Trần kể:

“Mỗi xuất hiện của họ (Ban Hợp Ca Thăng Long,) khi ấy là một ‘cơn nóng sốt’ đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng... như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...”

Nghệ sĩ Trần Văn Trạch cũng cho biết, ông vẫn nhớ sự phối hợp rất bắt mắt, duyên dáng, sinh động của Hợp Ca Thăng Long khi họ trình diễn những bài ca như “Ngựa Phi Ðường Xa,” “Sáng Rừng,” “Tiếng Dân Chài,” “Ðược Mùa,” “Ô Mê Ly” Hay “Hò Leo Núi” v.v...

“Nhất là cái tài giả tiếng ngựa hí của ca sĩ Hoài Trung thì bà con không thể nào không mê mẩn được. Chưa kể sau đó, Ban Hợp Ca Thăng Long còn có thêm tiếng hát và tài diễn của nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ Hoài Bắc nữa...”

Trước những thành công vang dội như thế, kể từ năm 1952, Ban Thăng Long đã được mời đi trình diễn khắp nơi. Lần trình diễn đầu tiên, nhưng cũng là sau cùng của Thăng Long ở giữa thủ đô Hà Nội, nơi sinh trưởng của tài hoa âm nhạc Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương là năm 1954. Có mặt cùng với Thăng Long là “quái kiệt” Trần Văn Trạch của ban Dân Nam, thời bấy giờ.

Tôi viết, đó là cũng buổi diễn cuối cùng của Hợp Ca Thăng Long trên đất... Thăng Long, vì sau đó, Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt. Và Thăng Long, đã sớm biến thành một Thăng Long khác!

Chú thích:

(1): Người vợ đầu của cụ Phạm Ðình Phụng sinh được hai người con là Phạm Ðình Sỹ và Phạm Ðình Viêm. Nghệ sĩ Phạm Ðình Sỹ có vợ là kịch sĩ Kiều Hạnh là thân phụ của nữ ca sĩ Mai Hương, hiện cư ngụ tại miền Nam California. Riêng ông Phạm Ðình Viêm tức ca sĩ Hoài Trung (1920-2002), giọng ca nam của Ban Hợp Ca Thăng Long. Ca sĩ Hoài Trung có tài giả tiếng ngựa hí, đánh lưỡi, giả tiếng vó ngựa qua ca khúc “Ngựa phi đường xa” của Lê Yên, cùng nhiều “side effect” nhân tạo khác. Ngoài giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm của mình, những tài riêng vừa kể của Hoài Trung, đã phần nào góp thêm sự thành công cho Ban Thăng Long.

(2) Tuyển tập “Mười bài ngợi ca tình yêu” do nhà Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản tại Saigon, với tựa của cố nhà văn Mai Thảo, nhà Hiện Ðại tổng phát hành. Không phải do phòng trà “Ðêm mầu hồng” của cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương ấn hành, như một vài tài liệu đã phổ biến.