Quốc Nam, nửa thế kỷ cầm bút mưu sinh |
Tác Giả: Quốc Nam | ||||||||||
Thứ Hai, 26 Tháng 9 Năm 2011 21:22 | ||||||||||
* Kẻ sống sót sau 2 lần bị thương trận và 2 lần bị ám sát trong cuộc chiến VN.
Có thể tôi là một trong những người Việt gặp nhiều may mắn nhất nhì trên hành tinh này. Tôi mưu sinh được bằng một nghề yêu thích (cầm bút) liên tục nửa thế kỷ (1961-2011), kể cả 2 thời điểm khó khăn nhất: Cầm súng gìn giữ đất nước tự do (1965-1971), và biến cố 30 tháng tư đen. Trong thời gian là một Sĩ Quan Hiện Dịch trong QLVNCH tôi vẫn viết văn được trả nhuận bút cho một vài tờ báo hoặc tạp chí. Ngày 30 tháng tư năm 1975, tôi được chuyến tàu định mệnh Trường Xuân đưa tới tị nạn ở Hongkong. Ngay tháng 5 năm đó, tôi đã là Chủ Bút bán tuần san Tre Xanh của trại tị nạn Harcourt Road (Hongkong), với người hợp tác rất nổi tiếng là bác sĩ/tác giả Trần Đại Sỹ hiện ở Paris, Pháp. Không may mắn sao được khi quyển sách thứ 13 tức tập thơ thứ nhất của tôi nhan đề “Tình Ca Lính Alpha Đỏ” đã tìm lại được sau hơn 4 thập niên mất tích. Khi “Người Tình Alpha Đỏ” của tôi vẫn “dấu trong tim bóng một người” dành cho tôi hơn 45 năm trời (1966-2011). Trong 19 quyển sách đã xuất bản của tôi, tập thơ “Quê Hương Nước Mắt” may mắn được độc giả ủng hộ bất ngờ, ấn hành lần đầu năm 1987 và tái bản 4 lần nữa (mỗi lần 1 ngàn ấn bản). Cuối năm 2009, tôi tình cờ tìm lại được con gái của tôi đã thất lạc suốt 41 năm qua (1968-2009). Tên cháu là Nguyễn Xuân Tuyết Hương. Tôi là người Việt đầu tiên được 10 Tổ Chức VN uy tín ở hải ngoại tuyên dương trước cộng đồng là “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam”. [Tiến sĩ/ bình luận gia Phạm Lễ trong ngày 30 tháng tư đen năm 2008 đã định nghĩa rằng: Nếu danh xưng “CHIẾN SĨ VĂN HÓA VIỆT NAM” để gọi một người Việt Nam chỉ biết cầm súng và cầm bút mưu sinh trong quãng đời 47 năm, thì nhà thơ nhà báo Quốc-Nam quả đúng là mẫu người mà chúng ta thương mến gọi tên ông một cách đúng nghĩa như vậy]. Tôi đã được vinh danh 2 lần cùng trong một năm 2009: Ngày 16/5 vinh danh “Tác Giả 30 năm Thung Lũng Hoa Vàng” tại San Jose CA & ngày 31/10 vinh danh “50 năm thi ca Quốc-Nam” tại Houston TX. Cũng trong năm 2009, tôi bỗng trở thành Chủ Nhân Global SRBS-HD Radio (một đài Việt Ngữ đầu tiên trên thế giới phát thanh suốt ngày đêm qua làn sóng hiện đại HD-FM Digital), với website: www.saigonhdradio.com. Tại trụ sở Đài này, đồng bào đã gởi tặng 50 ngàn (50000) bóng đèn nhỏ, để thắp sáng rực khuôn viên Đài trong buổi lễ “Tạ Ơn Trời & Cuộc Đời” nhân Thanksgiving’s Day năm 2009. Ngoài ra, tôi đã đóng góp cho cộng đồng VN 3 mỹ danh: Thung Lũng Hoa Vàng (San Jose, CA 1979), Cao Nguyên Tình Xanh (Seattle, WA 1988) & Hồng Hoa Phố (Portland, OR 2006) Trước đó, vào đầu đệ tam thiên niên kỷ, tôi đại diện Đông-Phương Foundation đứng ra tổ chức thành công “Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa Việt Nam Mừng Thế Kỷ XXI” tại Tacoma Dome (cầu trường mái bằng gỗ lớn nhất địa cầu) ngày 27 tháng 5 năm 2000, với Pho Tượng Vàng cao 17 feet quay tròn trên sân khấu lớn. Theo dõi sự kiện văn hóa này, cố tác giả Duy Năng (cựu SVSQ Khóa 14 Dalat) đã kinh ngạc viết lên giấy ngày 5/6/2000 rằng: “10 năm ở Mỹ, có lẽ chưa lần nào tôi biết được một đại hội văn hóa lớn như thế và đã thành công lớn. Tôi tưởng trong đời người, chỉ 1 lần làm vậy là đã thành danh”. Tại Việt Nam, trước năm 1975 tôi may mắn là kẻ sống sót sau 2 lần bị thương nặng ngoài mặt trận, và 2 lần bị ám sát vì đấu tranh bênh vực những đồng bào bị áp bức. Tôi còn được Ơn Trên ban cho 3 nghề chuyên nghiệp: 1) Cầm bút mưu sinh liên tục suốt 50 năm qua (không một ngày nào đứt quãng, kể cả biến cố tháng tư oan nghiệt năm 1975). 2) Cầm súng chuyên nghiệp. Tôi đã trực tiếp góp máu xương bảo vệ đất nước, bởi tôi là Sĩ Quan Hiện Dịch xuất thân Khóa 22 Trường Võ Bị Quốc Gia VN (Dalat). 3) Cầm “micro” chuyên nghiệp, bởi tôi hành nghề phát thanh 18 năm, và đã đứng trên sân khấu hơn 300 chương trình nhạc hội hoặc thơ nhạc lớn nhỏ suốt 36 năm qua.
*** Ghi dấu ngày sinh nhật thứ 67, tôi viết bài tạp ghi này gởi tới quý đồng nghiệp, thân hữu và đồng bào khắp nơi: Ngược dòng dĩ vãng, tôi tình cờ vào nghề cầm bút mưu sinh từ năm 1961, nhờ ông Giám Đốc nhà xuất bản Thành Phương gặp tôi ở quán café Thăng Long (gần Ngã Ba Ông Tạ, đô thành Sài-Gòn) yêu cầu viết truyện thiếu nhi cho ông. Năm 1964, ông Thành Phương giới thiệu tôi với văn thi sĩ Nguyễn Thạch Kiên (Chủ Nhiệm tuần san giáo dục Tinh Hoa), và tôi trở thành người Thư Ký Toà Soạn Tuần Báo có lẽ trẻ tuổi nhất của làng báo Việt Nam vào thời điểm đó (hơn 19 tuổi). Trong khoảng thời gian từ năm 1961 tới 1965, tôi đã viết cho Nhà xuất bản Thành Phương 12 quyển truyện thiếu nhi. Tháng 12/1965, tôi giã từ đời làm báo và sinh viên Đại Học để lên Cao Nguyên Lâm-Viên, nhập học Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Dalat, khóa 22. Ngay từ 8 tuần lễ sơ khởi, trong trái tim tôi đã say mê màu Alpha Đỏ rực rỡ trời mây. Tôi đã dùng bút chì nghệch ngoạc 4 câu thơ như sau: "Ta bỏ lại đời sinh viên mộng mị, Thi sĩ Đông Anh tức cựu Trung Tá Nguyễn Đình Tạo (dạo đó là Cán Bộ Đại Đội Trưởng ĐĐ-H Liên Đoàn SVSQ Khóa 22) nhận xét rằng: “Phải có nỗi đam mê ghê gớm, người SV Quốc Nam mới có những câu thơ đầu đời Võ Bị như vậy”. Sau 4 câu thơ nêu trên, tôi tiếp tục lén lút làm thơ rồi bỏ vào ba-lô, trong các buổi tác xạ, thực tập chiến thuật bên hồ Than Thở hoặc trong rừng núi Lâm-Viên. Tháng 12/1967, tôi mang lon Thiếu Úy trở lại Sài-Gòn. Trong thời gian ở đơn vị tác chiến, tôi sắp xếp lại các bài thơ sáng tác trong thời gian 2 năm thụ huấn tại quân trường Dalat, để được nhà xuất bản Hương Việt xuất bản tập thơ thứ nhất của mình. Đó là thi tập “Tình Ca Lính Alpha Đỏ” ấn hành năm 1968. Tập thơ này vừa xuất bản, tôi được thi sĩ thời danh Kiên Giang Hà Huy Hà (tác giả bài thơ bất tử “Hoa trắng thôi cài trên áo tím”) khen ngợi và tận tình giới thiệu trong chương trình thi ca Mây Tần của đài phát thanh Saigon. Sau đó, tập thơ còn được thi nhạc sĩ Thục Vũ giới thiệu trong chương trình Thơ Nhạc Giao Duyên trên đài Saigon. Rồi một số văn nghệ sĩ giúp tôi tổ chức nhiều “Đêm Alpha Đỏ” tại một số quán café văn nghệ như Quán Thơ của gia đình Nam-Lộc, Quán Ly Tao của danh ca Ngọc Long v.v... Những văn nghệ sĩ thân hữu của tôi đã chứng kiến sự kiện này, như: Nam Lộc, Trường Kỳ, Ngọc Long, Quốc Tuấn, Đoàn Chính, Triều Hoa Đại, Phạm Quang Ngọc v.v... Báo chí Saigon năm 1968 cũng đã đề cập khá nhiều tới tập thơ “Tình Ca Lính Alpha Đỏ”. Có lẽ nhờ vậy, nhóm chữ “Alpha Đỏ” kể từ đó được quần chúng biết tới nhiều hơn (đặc biệt là quý nữ SVHS khắp miền đất nước Nam VN). Từ ngày lưu vong nơi hải ngoại, tôi nhận được rất nhiều lời yêu cầu của một số Cựu SVSQ Dalat và quý bà/cô yêu cầu tôi tái bản thi tập “Tình Ca Lính Alpha Đỏ”. Đặc biệt là một nữ sinh Trung Học Nha Trang hiện ở Úc Châu bày tỏ lòng yêu mến những dòng thơ Alpha Đỏ nhất trong đời chị, và tuy chưa từng gặp mặt Tác Giả nhưng chị đã ủng hộ tôi hơn một ngàn Mỹ-kim để xuất bản sách. Cũng ở Úc, hiền thê của một cựu SVSQ Võ Bị Khóa 29 cũng mến mộ dòng thơ Alpha Đỏ từ dạo còn là nữ sinh lớp đệ tam Trung Học Trưng Vương (nay chị là Bác Sĩ Nha Khoa)... Thực ra, tôi yêu thơ từ thuở nhỏ, sáng tác được bài thơ đầu tiên năm 1956 tựa đề “Quê Em” và đăng trên bích báo trên tường của trung học Hồ Ngọc Cẩn. Tuy nhiên, vì làm thơ đăng báo không được trả nhuận bút, nên tôi viết văn để kiếm tiền từ năm 1961. Tôi làm thơ không nhiều, hơn 5 thập niên qua tôi chỉ sáng tác được khoảng 500 bài; nhưng bị tản lạc tứ tung. Hiện nay tôi chỉ còn lưu lại được hơn 300 bài thơ mà thôi, trong số này có khoảng 30 bài đã được phổ nhạc bởi một số nhạc sĩ tên tuổi. *** Trong thời gian hơn 3 thập niên lưu vong ở hải ngoại, tôi đã nhắn tin trên mọi phương tiện truyền thông và internet để tìm bản sao (copy) của 2 thi tập Tình Ca Lính Alpha Đỏ và Người Vào Cuộc Chiến, và xin hậu tạ thật cao. Nhưng các nhắn tin đều vô vọng. Ngày 16 tháng 5/2009, tôi đến San Jose để được vinh danh là Tác Giả “30 năm Thung Lũng Hoa Vàng”, thì được gặp cựu SVSQ Vũ Đình Vịnh (Khóa 23 Võ Bị, mà tôi là Cán Bộ Tân Khóa Sinh) cho biết vợ chồng anh đã mang tập thơ TCLAĐ qua Mỹ. Nhưng lại bị thất lạc đâu đó trong nhà. Bốn tháng sau, tôi được Niên Đệ Vịnh cho biết nhân dịp dọn nhà mới, anh đã tìm lại được tập TCLAĐ, và nói sẽ gởi ngay lên cho tôi bằng đường Bưu Điện. Tôi mừng rỡ quá sức, và nói với anh không nên gởi tập sách đó qua Bưu Điện, lỡ thất lạc 1 lần nữa thì khổ đau lắm lắm. Tôi sẽ “bay” xuống San Jose để nhận nó. Dù mua vé máy bay gấp khá đắt tiền, tôi cũng đã đến San Jose bằng chuyến bay Alaska Airlines ngày 17 tháng 10 năm 2009. Đúng 12:15G trưa Chủ Nhật ngày 18/10, tôi đã nhận lại được tập thơ “Tình Ca Lính Alpha Đỏ” đã bị mối mọt đục khoét, và sách được đóng lại bìa khác (bìa nguyên thủy đã bị rách mất). Qua câu chuyện trao đổi giữa vợ chồng Vũ Đình Vịnh và tôi. Được biết tập thơ này tôi đã tặng cho cựu SVSQ Khóa 23 Tô Văn Hưng tháng 12 năm 1969, khi tôi trong vai trò Nhà Báo lên Trường Mẹ để tham dự Lễ Mãn Khóa 22B. Rồi Hưng tặng tập TCLAĐ cho Vịnh, vì biết anh rất yêu thơ, nhất là dòng thơ Alpha Đỏ. Sau ngày Miền Nam VN thất thủ vào tay CSVN, anh Vũ Đình Vịnh bị bọn VC bỏ tù 6 năm rưỡi. Khi qua Mỹ theo diện H.O., vợ chồng anh đã mang theo tập thơ TCLAĐ trong gói hành trang sang Mỹ tị nạn chính trị. Như vậy là thi tập TCLAĐ đã qua một hành trình dài 40 năm. Từ năm 1969 tôi tặng sách cho Niên Đệ Tô Văn Hưng, qua tay Niên Đệ Vũ Đình Vịnh. Sau tháng tư 1975, gia đình Vịnh vẫn lưu giữ thi tập TCLAĐ trong nhà, khi mà hầu hết các gia đình Miền Nam VN khác đã hủy bỏ tất cả những sách báo & tài liệu có dính dáng tới chế độ VNCH. Anh Vịnh lại đi tù VC (cải tạo) khoảng 78 tháng. Và cuối cùng thi tập TCLAĐ đã trở về với Tác Giả QN sau 4 thập niên lưu lạc. Tôi cho đây là sự may mắn và kỳ diệu chưa từng thấy, như sự kiện khó xảy ra trên cuộc đời quá nhiều biến động này, nhất là nó diễn ra giữa cuộc chiến Quốc-Cộng khốc liệt 7 thập niên qua.
Tối hôm đó, tôi mời vợ chồng Vũ Đình Vịnh dùng bữa cơm gia đình. Tôi cố gắng mời một nhân vật họ Vũ rất nổi tiếng để cùng tôi đón tiếp anh chị Vịnh. Đó là nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm (cựu Sĩ Quan Cao Cấp xuất thân Khóa 1 Trừ Bị Nam Định, tác giả nhạc phẩm bất hủ “Gọi Người Yêu Dấu” ). Trong câu chuyện trao đổi, tôi được biết Vũ Đình Vịnh là một tay kèn “clarinet” nổi tiếng của miền Bắc California. Anh từng là Trưởng Ban Kèn Đồng của giáo xứ Saint Patrick (San Jose, CA) với khoảng 40 tay kèn đủ loại. Tôi phải cám ơn vợ chồng Vũ Đình Vịnh đã mang đến cho tôi một niềm vui to lớn bất ngờ: Tình Ca Lính Alpha Đỏ. Nhờ vậy, tôi đã quyết định tái bản thi tập TCLAĐ vào năm 2011, sau lần thứ nhất xuất bản 43 năm về trước. *** Năm 1979, nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc và nhiếp ảnh gia/nhà thơ Uyên Ngữ Võ Thạnh Văn đã tổ chức cho nguyệt san Đông-Phương giới thiệu tại thành phố San Jose (miền Bắc California). Dạo đó, vùng này chưa hề có tờ báo định kỳ nào xuất bản. Dịp này, tờ báo chúng tôi thêm được ngót 600 độc giả dài hạn. Khi trở lại Seattle, tôi viết bản tin về buổi giới thiệu báo Đông Phương thành công rực rỡ tại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose. Năm 1993, gia đình tôi tái định cư ở San Jose, và tôi đăng trên báo Đông Phương bài thơ “Mùa Xuân trên Thung Lũng Hoa Vàng” số đầu năm 1994. Bài thơ này được nhiều đồng bào yêu thích, nên mỹ danh Thung Lũng Hoa Vàng được phổ biến rộng rãi khắp nơi, và quen thuộc với dư luận trong và ngoài nước VN. Nhưng ít người biết tôi là Tác Giả của mỹ danh này. Mãi đến ngày 16 tháng 5 năm 2009, Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt và một số Hội Đoàn tổ chức buổi thơ nhạc “30 năm Thung Lũng Hoa Vàng” tại San Jose vinh danh Quốc Nam là Tác Giả, thì người ta mới biết rõ tôi là người đã sáng tác mỹ danh TLHV. Trong thập niên 1980, Hòa Thượng/thi sĩ Tuệ Đàm Tử (Pháp Duyên Tịnh Xá) và tôi đã cùng một số chủ báo tại Bắc California khởi xướng Chiến Dịch Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời quyên góp tài chánh cứu giúp đồng bào vượt biển. Chỉ trong 2 tháng đầu của Chiến Dịch, chúng tôi đã thu được hơn 100 ngàn Mỹ-Kim. Nhờ vậy, San Jose được gọi là “Thủ Phủ Tình Thương” của Người Việt Hải Ngoại. Năm 1987 ngày 2 tháng 7, tập thơ thứ ba “Quê Hương Nước Mắt” tức quyển sách thứ 17 của tôi được ra mắt tại ca vũ trường Maxim’s (San Jose). Người tham dự đứng ngồi chật cứng nhà hàng/vũ trường 450 ghế ngồi. Trong số này có 2 nhân vật uy tín cộng đồng là cựu Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm (Chủ Tịch sáng lập Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia VN) và nhạc sĩ lão thành Anh Việt tức cựu Đại Tá Trần Văn Trọng (Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH). Trong bài phát biểu, cựu Tướng Lãnh họ Bùi sau khi khen ngợi nỗ lực đóng góp cho nền Văn Hóa VN của Quốc Nam, ông đã nhấn mạnh rằng: “Tác giả là một cựu sĩ quan hiện dịch QLVNCH, từng được tuyên dương công trạng 3 lần và bị thương trận 2 lần trong cuộc chiến chống bọn CS Bắc Việt. Tập thể Võ Bị đã hãnh diện có một chiến sĩ vẫn tiếp tục cầm bút thề trở về giải phóng quê hương như Quốc Nam”. Trong ngày này và sau đó khoảng 5 tuần lễ, 1 ngàn quyển thơ “Quê Hương Nước Mắt” được bán hết sạch. Lý do là QHNM vừa phát hành đã được quý vị lãnh đạo Phật Giáo & Công Giáo mua mỗi nơi 10 quyển. Riêng một vị Hòa Thượng ở Nam Cali đã bán giúp 100 quyển. Tháng 8 năm 1987, nhà xuất bản in lần thứ hai, rồi trong vòng 16 năm, tập thơ QHNM in đi in lại tới 5 lần.
Cũng trong năm 1987, sau khi được sự cố vấn tích cực của nhị vị nhạc sĩ lão thành Phạm Duy và Anh Việt, tôi đã sáng lập Giải Quốc Tế Tượng Vàng Việt Nam. Đại Hội Tuyển Lựa Ca Sĩ Tượng Vàng VN kỳ đầu tiên đã thành công vượt bực. Trong vòng 2 thập niên qua, Giải này đã thực hiện 14 Đại Hội đều thành công tốt đẹp cùng gần 100 buổi tuyển lựa ca sĩ sơ khảo/bán kết ở một số địa phương thuộc Canada & một số tiểu bang Hoa Kỳ. Điều đáng nói là không một thí sinh nào khiếu nại mọi công bố kết quả các buổi thi tuyển. Bởi Ban Sáng Lập Giải là một cơ sở văn hóa bất vụ lợi, không phải là Đài Truyền Hình, Ca Vũ Trường, Trung Tâm Nhạc v.v... nên không hề có sự thiên vị khi công bố kết quả do Ban Giám Khảo quyết định. Quý Vị Giám Khảo hầu hết là những ca nhạc sĩ / văn nghệ sĩ tên tuổi, hoặc nhà tổng phát hành băng nhạc uy tín. Ban Giám Khảo hùng hậu nhất là Đại Hội năm 1990, gồm: quý nhạc sĩ Anh Việt, Anh Bằng, Vũ Đức Nghiêm, Lam Phương, Đức Huy, nhạc sư Anh Mỹ, thi sĩ/đạo diễn điện ảnh Hoàng Anh Tuấn, và nữ danh ca/bác sĩ Thu Hà. Đại Hội năm 2000 được tổ chức khá vĩ đại, nằm trong Chương Trình kéo dài 10 tiếng đồng hồ “Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa VN Mừng Thế Kỷ XXI” tại Tacoma Dome (the World’s Largest Wood Dome). Tính cho tới năm 2006, tổng số tiếng hát trẻ khắp năm châu ghi danh dự thi là 7153 thí sinh. Khá nhiều thi sinh đoạt Giải Tượng Vàng đã phát hành CDs trên thị trường. Trong số này có 2 nữ ca sĩ từng cộng tác với Trung Tâm Thúy Nga Paris là Hương Giang & Angela Trâm Anh. Giải Quốc Tế Tượng Vàng VN (The VN’s International Golden Awards) đã khởi xướng những chương trình tuyển lựa ca sĩ thật công bình suốt 2 thập niên. Vai trò của chúng tôi về “tuyển lựa ca sĩ” đã hoàn tất tốt đẹp. Ngày nay, nhiều Tổ Chức đã và đang thực hiện các chương trình tuyển lựa tài năng mới, nên Đông-Phương Foundation do tôi điều hành đang chuyển hướng qua các giải thưởng giá trị khác, như: Thi ca, văn chương, điện ảnh, tân & cổ nhạc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh v.v... Ngày 5 tháng 5 năm 1991, Đông-Phương Foundation và Hội Cao Niên Đông Dương Bắc Cali đã tổ chức “Ngày Thi Ca Việt Nam” đầu tiên hải ngoại, tại Hội trường Call Me Dragon (San Jose). Khoảng 500 quan khách và đồng bào đã mua vé dự chương trình thơ nhạc khá đặc sắc do tôi sắp xếp. Các nghệ sĩ trình diễn đều là người địa phương, chỉ có 2 nghệ sĩ nổi tiếng góp mặt là danh ca Hùng Cường và giọng ngâm vàng di tản Quỳnh Như. Hiện diện trong ngày này có 4 thi sĩ, gồm: Nguyên Sa Trần Bích Lan, Hà Thượng Nhân, Hoàng Anh Tuấn và Quốc Nam tôi. Chính tác giả “Áo Lụa Hà Đông” Nguyên Sa ngạc nhiên về sự thành công của chương trình thơ nhạc như vậy, khiến ông đã lên sân khấu gọi San Jose là “Thủ Đô Văn Hóa” của Người Việt Hải Ngoại. Ngày 21 tháng 8 năm 1999, chúng tôi đã thực hiện một khu vườn nhỏ tại Seattle gọi là “Công Viên Tượng Vàng VN” để làm Căn Cứ Địa của Giải Quốc Tế Tượng Vàng. Tám vị lãnh đạo các Tôn Giáo (Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài) đã đến cắt băng khánh thành, và lễ tế cáo Trời Đất diễn ra rất long trọng. Năm đầu của đệ tam thiên niên kỷ, Đông-Phương Foundation & SRBS Radio đã tổ chức một chương trình sinh hoạt quy mô nhằm chào mừng Thế Kỷ Mới, vào cuối tháng 5 năm 2000 tại Tacoma Dome. Tôi là Trưởng Ban Tổ Chức “Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa Việt Nam Mừng Thế Kỷ XXI”. Chúng tôi mất gần 3 năm trời để thực hiện dự án lớn lao này. Tacoma Dome là cầu trường mà Nhóm chúng tôi ao ước một show VN được tổ chức trong đó một lần trong đời. Cầu trường này tọa lạc cạnh xa lộ liên bang số 5 (I-5 Freeway), rộng 6.1 mẫu tây. Diện tích thực dụng trong cầu trường là 130 ngàn bộ vuông. Đường kính dài 530 feet, cao 152 feet (bằng chiều cao của một tòa nhà 15 tầng). Mái hình cong của Tacoma được kiến tạo với 1.6 triệu mét khối các loại gỗ quý. Hệ thống âm thanh trong cầu trường này được thiết kế qua dạng Reverbration of 2.5 seconds, nên âm thanh dội lại rất nhanh và ấm. Chúng tôi đặt cọc để giữ chỗ cho Show này trước ngày mở hội gần 3 năm. Quốc Tế Đại Hội diễn ra 10 tiếng đồng hồ tại Exhibition Hall 3500 ghế ngồi. Khách tham dự khi vào hội trường đã thích thú ngay khi nhìn thấy Pho Tượng Vàng cao 17 feet quay tròn trên sân khấu lớn. Chương Trình có 3 phần: 1. Đại Nhạc Hội Ca Sĩ Tượng Vàng năm thứ 13; 2. Triển lãm tranh nghệ thuật; 3. Dạ Vũ Tình Hè. Tổng số nghệ sĩ cũ và mới xuất hiện trình diễn trên sân khấu là 49 khuôn mặt, Trong dịp đầu thế kỷ 21, nhân loại lo ngại về biến cố Y2K có thể làm đảo lộn mọi trật tự đời sống và xã hội. Tập thể người Việt trong và ngoài nước Việt Nam có lẽ cũng lo sợ như vậy, nên không thấy một cơ sở hoặc nhà cầm quyền VN nào tổ chức một đại-lễ-hội chào đón thế kỷ mới trong năm 2000. Đông-Phương Foundation & SRBS Radio đã gồng mình tổ chức Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa VN Mừng Thế Kỷ XXI trong lòng một cầu trường lừng danh thế giới: Tacoma Dome. Cơ Sở chúng tôi đã xử dụng 7 máy video của công ty NVideo quay bộ phim tài liệu về Quốc Tế Đại Hội độc nhất vô nhị nêu trên, để lưu lại cho mai sau. Trước đó, tối 26 tháng 5 năm 2000, đông đảo quan khách Việt-Mỹ đã tham dự Dạ Tiệc Người Việt Thế Kỷ XXI, tại Hongkong Seafood Restaurant. Họ đến Seattle từ khắp phương trời hải ngoại (Âu Châu, Úc Châu, Canada và một số tiểu bang Hoa Kỳ). Trong số này có sự hiện diện của nhiều nhân vật tên tuổi, gồm: Hòa Thượng/Thi Sĩ Tuệ Đàm Tử, nhà báo Duy Sinh (Chủ Tịch Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Việt Ngữ tại Hoa Kỳ), giáo sư Trần Văn Ân (cựu Dân Biểu VNCH), nhân sĩ Lê Quyền (Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Virginia, Maryland & DC), nhà văn Thanh Quang (Đại Diện chương trình Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do); quý nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng (Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH), Lê Dinh, Nguyễn Đức Quang, Vũ Thành An, Nam Lộc, Nhật Trường Trần Thiện Thanh; nữ danh ca Giao Linh; nữ nghệ sĩ Như Hảo (Chủ Nhân Đài/Tạp Chí Mẹ Việt Nam) v.v... Trong 2 ngày Quốc Tế Đại Hội, quan khách và đồng bào tham dự khoảng 3 ngàn 500 người. Tổng chi cho Đại Hội này là gần 101 ngàn Mỹ kim, nhưng số thu về chỉ có 75 ngàn MK. Sau 1/4 thế kỷ liên tục hoạt động, Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương đã thực hiện một chương trình tri ân đồng bào đã hỗ trợ chúng tôi đạt khá nhiều thành quả tốt đẹp, ngay tại Thủ Đô Tị Nạn Little Saigon (Miền Nam California). Đó là “Đêm Ân Tình Việt Nam” tại ca vũ trường Majestic 650 ghế ngồi ngày 26 tháng 10 năm 2001. Ngày này, tôi bắt đầu nhận lãnh vai trò Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Cơ Sở Văn Hóa Đông-Phương, thay thế thi sĩ Lam Nguyên. Đa số nhân vật cộng đồng và văn hóa tên tuổi tại Nam & Bắc Cali đã hiện diện. Đồng bào tham dự cũng ngồi/đứng chật cứng ca vũ trường. Đặc biệt 2 Tổ Chức Truyền Thông quan trọng nhất hải ngoại đều có mặt: Hội Ký Giả VN Hải Ngọai và Hiệp Hội Truyền Thông Báo Chí Việt Ngữ tại Hoa Kỳ. Mọi người đã vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt bộ video “Quốc Tế Đại Hội Văn Hóa VN Mừng Thế Kỷ XXI” khi trình chiếu trên màn ảnh lớn một phần bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ đó. Dịp này, 2 Tổ Chức uy tín (Tổng Hội Cựu SVSQ Trường Võ Bị Quốc Gia VN & Hội Ký Giả VN Hải Ngoại) đã tuyên dương trước cộng đồng Quốc Nam tôi là “Chiến Sĩ Văn Hóa Việt Nam”. Trong thập niên đầu thế kỷ XXI, Saigon Radio chúng tôi được quý đồng hương yêu mến đặc biệt. Họ gọi Đài phát thanh chúng tôi là “Đài Quốc Nam”. Một số tổ chức cộng đồng, tôn giáo & quý thính giả đã tự nguyện đóng góp tài chánh để chúng tôi thực hiện được 3 sự việc khá ngoạn mục sau đây: 1.- Quý Mạnh Thượng Quân tặng Công Viên Tượng Vàng 16 ghế đá, trị giá mỗi ghế từ 200 Mỹ Kim đến 400 MK. 2.- Kỳ Đài Việt-Mỹ với 2 trụ cờ cao 36 feet được khánh thành ngày 25 tháng tư năm 2004, do sự ủng hộ tiền bạc từ quý đồng hương. 3.- Lễ Thanksgiving năm 2009, một số Hội Đoàn và quý đồng hương đã tặng 50 ngàn bóng đèn nhỏ thắp sáng rực trụ sở SRBS Radio. Thượng tuần tháng 10 năm 2005, sau 10 năm vận động và chuẩn bị, chúng tôi đã tổ chức thành công 3 ngày Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ Việt Nam Toàn Cầu Kỳ I, nhằm tuyên dương giới phụ nữ tài năng Việt Nam Hải Ngoại. Trưởng Ban Sáng Lập & Tổ Chức Đại Hội này là Quốc Nam tôi. Để nói lên vai trò quan trọng của phụ nữ VN ngày nay, tôi đã cố gắng thực hiện 3 điểm độc đáo trong Đại Hội này là: 1) Nhờ 1 vị Sĩ Quan Cao Cấp QLVNCH gióng lên 3 hồi chuông trên cỗ “Liberty Bell lịch sử” nặng 4500 lbs; 2) Diễn hành Cờ Vàng chào mừng giới Phụ Nữ Tài Năng trên đại lộ South Jackson xuyên qua International District của đô thị Seattle; 3) Một số Đại Diện Cộng Đồng & văn nghê sĩ cùng 18 phụ nữ tài năng đã giăng Cờ VNCH trên công viên của núi Rainier cao nhất Tây Bắc Mỹ Châu (14 ngàn 410 feet). Đồng thời, trong Đại Hội này chính tôi đã đề nghị “trao nhiệm vụ lịch sử cho nữ giới” trong thế kỷ XXI. Ngày 15 tháng 8 năm 2010 tại Thủ đô Mỹ Quốc, Quốc Nam tôi và nữ văn sĩ Phong Thu (Trưởng Ban Tổ Chức Đại Hội Văn Chương Phụ Nữ VN Toàn Cầu kỳ II) đã vinh danh 6 nhân vật nữ đóng góp khá lớn vào nền văn hóa Việt Nam, gồm: Vi Khuê, Như Hảo, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Thu Nga, Kiều Mộng Hà & Nguyễn Lê Mộng Tuyền. Đầu tháng 10 năm 2006, chúng tôi đã thực hiện ở Thủ Đô Tị Nạn Little Saigon 2 ngày Hội Ngộ Văn Hóa đánh dấu “30 năm hoạt động của Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương”. Đây có thể coi là lần đầu tiên tại hải ngoại diễn ra cuộc hội ngộ giữa giới phụ nữ tài năng và một số ca sĩ trẻ Việt đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tối thứ sáu ngày 6 tháng 10 là Quốc Tế Đại Hội Ca Sĩ Tượng Vàng VN năm thứ 19, tại ca vũ trường Majestic, Nam California. Chiều Thứ Bảy ngày 7 tháng 10 là Chương Trình thơ nhạc chủ đề “Áo Dài Quê Hương”, chào mừng quý phụ nữ tài năng đến từ khắp hải ngoại. Hai diễn giả chính là nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh (Chủ Tịch Sáng Lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại) và văn sĩ Trường Sơn Lê Xuân Nhị (cây bút từng được xưng tụng là Nhà Văn của Thập Niên 90). Hai MCs giới thiệu toàn bộ chương trình là nữ văn sĩ Thu Nga (Giám Đốc Saigon Dallas Radio AM-890 & SBTN-TV Bắc Texas) và nữ chủ báo Nguyễn Lê Mộng Tuyền (Arizona). Ngày 7 tháng 10 năm 2007, chúng tôi đã tổ chức Đại Hội Áo Dài Quê Hương tại Aki Kurose’s Auditorium, đô thị Seattle, nhằm vinh danh “Chiếc Áo Dài của Nam & Nữ”. Hội trường đã tràn ngập những tà áo dài của quý Ông và quý Bà/Cô. Phần chính là chương trình thơ nhạc chủ đề do nhà văn nhà báo Sao Biển và nữ nghệ sĩ Như Hảo thực hiện. Nội dung gồm một số nhạc phẩm trữ tình và dòng thơ quê hương của Quốc Nam (diễn ngâm bởi Hoàng Oanh, Hà Phương & Bích Ty), qua những lời giới thiệu óng mượt viết bởi cây bút gạo cội Sao Biển. Điểm nổi bật nhất là khoảng 200 tà áo dài quê hương dàn hàng chật ních sân khấu rộng lớn, để được Ban Tổ Chức vinh danh trước cộng đồng. Ngày 31 tháng 10 năm 2009, một số Hội Đoàn và văn nghệ sĩ đã tổ chức “50 năm thi ca Quốc Nam” tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Houston (tiểu bang Texas), nhằm vinh danh nửa thế kỷ làm thơ của tôi. Trưởng Ban Tổ Chức là thi sĩ Cù Hòa Phong (nguyên Chủ Tịch Hội Tây Sơn Bình Định Houston). 4 diễn giả đã lên nói về sự nghiệp thi ca của Quốc Nam tôi. Đó là quý thi sĩ Lan Cao, Vô Tình; quý nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, Nguyễn Thế Giác (Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ). MC giới thiệu chương trình là thi sĩ/võ sư Yên Sơn Trương Nguyên Thuận (Tổng Thư Ký Trung Ương Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại). Dịp này, Đại Diện Hội Phụ Nữ VN Houston đã choàng vòng hoa danh dự quanh cổ tôi. Tháng 6 năm 2011, giữa lúc dư luận ồn ào vì một kẻ từng lãnh đạo Miền Nam VN đã nhận ông khai sinh Ngày Quân Lực VNCH 19/6. Lập tức tôi cùng một số cựu Sĩ Quan Hiện Dịch Dalat & Trừ Bị Thủ Đức tổ chức Ngày Vinh Danh QLVNCH 18/6 đầu tiên tại hội trường Cổ Lâm Pagoda (ngôi chùa VN đồ sộ nhất tiểu bang Washington). 4 diễn giả đã lên sân khấu vinh danh QLVNCH gồm: Linh Mục Trần Đức Phương (Sĩ Quan Tuyên Úy Công Giáo 3 quân trường hàng đầu Nam VN là Trường Võ Bị Quốc Gia VN, Đại Học Chiến Tranh Chính Trị & Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp), cựu Thiếu Tá LLĐB Nguyễn Minh Đường (Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Washington), cụu Đại Úy Nguyễn Công Ba (Chủ Tịch Hội Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức Washington), và Quốc Nam tôi (cựu Trung Úy Chủ Tịch Hội Phế Binh Quân Khu 3). Đông đảo cựu quân nhân QLVNCH đã tham dự Ngày này. Trong khi đó, một nhóm khác tổ chức Ngày Quân Lực VNCH 19/6 ở trường Gatzert (Seattle) lại phạm lầm lẫn nghiêm trọng khi giăng trước khán đài tấm biểu ngữ lớn ghi rõ “Honoring the RNV Armed Forces” (Sao lại vinh danh QĐ Miền Bắc?!) *** Cho đến giờ phút này, tôi ít thấy phê bình gia văn học VN nào công minh trong khi nhận xét về tác phẩm/tác giả đương thời. Phần lớn họ phê bình theo cảm tính. Tôi từng thấy có ông nhà văn được phe phái tung hô lên tận mây xanh, rồi lại bày trò viết tổng luận văn học. Ông này thấy cây bút nào cùng quê nhà với mình thì khen ngợi, trong khi chính ông viết văn thì mấy ai vạch ra những khiếm khuyết của ông! Tệ nạn phe đảng này đã làm hao hụt biết bao nhân tài văn chương của dân tộc ta!!! Đáng tiếc thay! Thông cảm với nỗi bất công như vậy, tôi luôn luôn tìm cách giúp đỡ những người sáng tác mới (kể cả văn chương lẫn ca nhạc). Khi hỗ trợ các bạn văn nghệ mới, tôi dùng tất cả tấm lòng và mọi phương tiện khả thi để đưa họ lên... Tại hải ngoại, chúng tôi đã khởi động phong trào “tuyển lựa ca sĩ” đầu tiên và lâu dài nhất, với sự cộng tác của đông đảo ca nhạc sĩ tên tuổi. Trong lãnh vực văn chương, Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương do tôi điều hành đã xuất bản nhiều tác phẩm mới, và tận tình “lăng xê” một số nhà văn nhà thơ, trong số này 3 cây bút thành danh mau chóng nhất là Trường Sơn Lê Xuân Nhị, Nguyễn Ngọc Ngạn và Vũ Thị Dạ Thảo. Trước tháng tư năm 1975, tôi cũng từng giúp đỡ một số bạn trẻ vào nghể cầm bút hoặc báo chí. Tôi nhớ lại vào cuối thập niên 1960, một cô bé nhờ tôi hướng dẫn vào nghề phóng viên. Tôi chở cô tới một vài cơ sở để lấy tin. Hồi đó, một vài đồng nghiệp tưởng cô bé là tình nhân của tôi. Nhưng thực ra cô và tôi hoàn toàn không có chút liên hệ tình cảm nào cả. Sau này, tôi rất thương cảm khi nghe tin cô nằm trong thảm kịch Kora với bọn hải tặc trên Biển Đông. Qua Hoa Kỳ, cô và người chồng cũng hành nghề truyền thông, nhưng mang tiếng là kẻ cướp giật một đài phát thanh mà ân nhân đã đặt để anh này làm Giám Đốc. Ngoài ra, có thể do ghen tương, anh chồng lên tiếng phủ nhận việc tôi hướng dẫn cô vợ anh ta vào nghề cầm bút. Nhưng có hề chi, vì họ đã từng phản bội ân nhân mình mà! Ngay như nam ca sĩ A.K. khi chân ướt chân ráo từ miền Trung vào Saigon hành nghề ca hát. Y năn nỉ tôi giúp đỡ, và tôi đã viết bài đầu tiên lăng xê y trên nhật báo Saigon Mới đầu thập niên 1970. Thế mà khi gặp tôi ở Nam Cali năm vừa qua, A.K. làm lơ, coi như không biết tôi là ai! Trong thời gian cầm bút ở Việt Nam, tôi từng là Thư Ký Tòa Soạn tuần san giáo dục Tinh Hoa (1964-1965), Chủ Biên kiêm Phó Giám Đốc hãng thông tấn Tin Miền Nam (1970-1975), Chủ Tịch Hội Phế Binh Quân Khu 3 (1971-1973), Phó Bí Thư Tỉnh Đảng Bộ Đại Việt Cách Mạng Hậu Nghĩa (1970-1975), và Cán Bộ Trung Ương Tổng Liên Đoàn Lao Công VN (1970-1975). Trong vị thế đó, tôi được dịp quen biết đông đảo nhân vật trong nhiều lãnh vực, như: Văn Nghệ Sĩ, Truyền Thông Báo Chí, Dân Cử, Tướng Tá Quân Đội Miền Nam VN, Ca Nhạc Sĩ; quý vị Lãnh Đạo Tôn Giáo, Chính Trị, Cách Mạng, Lao Động, Cộng Đồng v.v... Bài viết này, tôi chỉ nêu lên vài hoạt động đặc biệt trong quãng đời 50 năm cầm bút của tôi mà thôi. Các chi tiết về những diễn biến và hàng trăm nhân vật mà tôi được biết rành rẽ, sẽ được ghi lại đầy đủ trong tập hồi ký “Quốc Nam 70 năm cuộc đời” dự trù ấn hành vào năm 2014. Dĩ nhiên, tôi sẽ ghi đủ tên tuổi và cung cách của từng nhân vật (cả tốt lẫn xấu một cách trung thực). Riêng sinh hoạt văn hóa, tôi chơi thân với giới văn nghệ sĩ Miền Nam nhiều hơn Miền Bắc Di Cư. Nhưng khi văn phòng Hãng Tin Miền Nam đặt trên lầu phòng trà Đêm Mầu Hồng trong Khách sạn Catinat năm 1970, thì tôi lại ở cùng dãy phòng với mấy ông Bắc Kỳ, gồm: thi sĩ/đạo diễn Hoàng Anh Tuấn, quý nhà báo Thanh Thương Hoàng & Ngọc Hoài Phương. Qua nhà thơ họ Hoàng, tôi quen thân với thi sĩ Nguyên Sa (giáo sư triết Trần Bích Lan). Tôi kém hai ông thi sĩ này đúng một giáp thời gian, nhưng nhị vị cứ coi tôi là “bạn vong niên”. Trong hoạt động xã hội, tôi quen biết khá thân thiết với một số Nghị Sĩ và Dân Biểu tại Lưỡng Viện Quốc Hội VNCH. Tôi là phụ tá thân cận nhất của Nghị Sĩ Hoàng Xuân Tửu (Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH). Tôi còn có người bạn thân là giáo sư Ngô Xuân Thọ (con trai của Cụ Chủ Tịch Giám Sát Viện Ngô Xuân Tích). Năm 1971, Đại Hội Phế Binh VN Toàn Quốc tổ chức 3 ngày ở khách sạn Majestic. Ba Chủ Tịch Tỉnh Hội thuộc 12 Tỉnh/Thị Hội Miền Đông ứng cử chức vụ Chủ Tịch Hội Phế Binh Quân Khu 3 trong tổ chức Tổng Hội Phế Binh VN. Tôi trẻ tuổi nhất, nhưng lại được các Đại Biểu bầu phiếu cao nhất, và trở thành Chủ Tịch Hội PB/QK3, lãnh đạo trên 20 ngàn cựu chiến binh góp máu xương bảo vệ đất nước (họ là Hội Viên chính thức của Tổ Chức chúng tôi trong lãnh thổ QK3). Qua Mỹ, tôi và anh bạn thân là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Phạm Thông đã khai sinh một cơ sở văn hóa kỳ cựu nhất hải ngoại là Đông-Phương Foundation. Khi tái định cư tại Thung Lũng Hoa Vàng San Jose, tôi lại thân thiết với ông Nguyễn Kim Bảng (người khai sinh nhiều tờ báo nhất tại hải ngoại). Ông Bảng sáng lập Việt Nam Nhật Báo ở Bắc Cali, và nhờ tôi lên sân khấu Rosa II phong chức Chủ Nhiệm cho cô QT ngày 3 tháng 6 năm 1990. Chiều thứ hai ngày 19 tháng 11 năm 1990, ông Bảng đã tự thiêu trước trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, để lại 8 lá thư tuyệt mạng. Trong số này có 1 lá thư kêu gọi lương tâm nhân loại cứu giúp các thuyền nhân VN đang bị thanh lọc. Tối 23 tháng 11/1990, 13 ngàn thuyền nhân đã đốt đuốc rực sáng trại tị nạn Bidong (Mã Lai) để làm lễ truy điệu cố nhà báo Nguyễn Kim Bảng. Trước khi ông Bảng lên đường lên Thủ Đô Mỹ Quốc tự thiêu, ông đã dành riêng cho tôi một cuộc nói chuyện cuối cùng tại San Jose. Hiện tôi cất giữ cuốn băng bí ẩn này, và sẽ công bố một ngày gần đây. Năm 1986, ông Nguyễn Kim Bảng đã góp công sức ấn hành nhật báo Báo Động, tờ báo khổ lớn hàng ngày đầu tiên ở hải ngoại. Chủ Nhiệm là nhà báo Vũ Xuân Vĩ và Chủ Bút là tiến sĩ Phạm Lễ, với sự cộng tác của nhà báo Vũ Bình Nghi. Một năm sau, ông Vĩ rút lui, thì ông Bảng chuyển thành Việt Nam Nhật Báo. Khi đề cập đến tình trạng báo chí ở hải ngoại, có người viết dám cả quyết rằng nhật báo Người Việt là tờ báo Việt Ngữ hàng ngày đầu tiên ở hải ngoại, là không đúng. Năm 1986, nhật báo Người Việt còn đang là tuần báo với chủ nhiệm là ông Đỗ Ngọc Yến. Trong thời gian cầm bút và cầm micro trên Cao Nguyên Tình Xanh Washington 18 năm nay, tôi bị một ông triệu phú tìm mọi cách hại tôi. Ông ta mở Chương Trình phát thanh 2 tiếng đồng hồ hàng ngày đặt tên là QM (chùm gởi vào một Đài từ Hoa Thịnh Đốn), và tuyên bố xanh rờn rằng “Ra Đài để giết Đài thằng Quốc Nam”, nhưng Đài này chỉ chịu đựng được 2 năm là tắt lịm luôn! Hận đời, ông QM mướn một gia đình “kiểu Chí Phèo ăn vạ” xuống Nam Cali đầu tháng 10/2006 giăng biểu ngữ biểu tình phản đối Quốc Nam dùng truyền thông ăn hiếp thiên hạ. Sau đó, ông triệu phú bỏ tiền cho gia đình Chí Phèo xuất bản 1 quyển sách dày tới 214 trang để vu cáo Quốc Nam tôi và Hội Đồng Hương Quảng Nam-Đà Nẵng WA một số điều không thể có thực. Họ khoe là phát hành tới 1900 quyển. Một vài bạn đồng nghiệp khôi hài tôi rằng: “Ông chỉ là thằng cầm bút mà người ta coi trọng ông quá đáng. Ông vừa được biểu tình và còn được in thành sách nữa. Lãnh tụ chính trị cũng chưa ai được như vậy. Nhất ông đấy nhé!” Trong hơn 3 thập niên hoạt động văn hóa và cộng đồng ở hải ngoại, tôi và Đông-Phương Foundation đã cố gắng đóng góp liên tục. Khoảng 150 nhân vật đã gởi lời khen ngợi đến cá nhân tôi. Trong số này, học giả Vũ Ký (người cầm bút VN từng được đề nghị dự tranh Giải Nobel Văn Chương) mà tôi rất ngưỡng mộ ông về tài năng, tư cách và tinh thần Quốc Gia Dân Tộc sáng chói, nhưng chưa hân hạnh được quen biết. Tôi chỉ gặp ông 1 lần trong đời. Không ngờ ông vẫn theo dõi những sinh hoạt văn hóa và thơ văn của tôi từ lâu. Trước khi tạ thế, học giả Vũ Ký đã dành cho tôi một tiểu luận công phu, và gọi Quốc Nam tôi là “nhà văn hóa Việt Nam nổi bật của thời đại ly hương”. Thực tình, tôi không dám nhận danh xưng lớn lao này. Tôi chỉ xin tiếp tục làm một người cầm bút hoạt động văn hóa suốt đời mà thôi.
*** Từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam VN, khi tôi lên học lớp Đệ Thất trung học Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) năm 1956, mới luận ra rằng: Bất cứ một mục tiêu nào, nếu mình cứ liên tục nhắm vào 1 điểm thì tất nhiên phải thành công (lửa phải bùng cháy). Đó là kim chỉ nam của tôi trong đời sống mỗi khi tôi làm một việc gì. Luôn luôn nhắm tới mục tiêu, bất chấp mọi trở ngại, và tôi tập tính kiên nhẫn từ thuở nhỏ. Có lẽ bởi vậy mà tôi gặp biết bao may mắn suốt từ thuở ấu thơ đến tận ngày hôm nay? Trên cõi đời này, tôi biết có nhiều người giỏi giang hoặc thông minh hơn tôi bội phần. Có lẽ họ không thích phục vụ đồng bào vất vả như tôi, nên họ không thèm hành động cho tha nhân... Qua một số việc đóng góp ghi trên của Quốc Nam tôi trong nhiều việc làm trải dài suốt 50 năm, tôi đã được 4 nhân vật tên tuổi nhận định như sau (xin trích đoạn): * Cố nhạc sĩ ANH VIỆT Trần Văn Trọng (Đại Tá Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội VNCH): Để thực hiện được những sinh hoạt văn hóa quy mô, người chủ trương phải có cái nhìn sáng tạo, thích ứng với nhu cầu của cộng đồng người Việt, hiểu biết sâu rộng vấn đề, có khả năng chuyên môn trong ngành truyền thông, uyển chuyển tùy tình thế, tinh thần bất vụ lợi, và nhất là sự can đảm vượt qua bao khó khăn trở ngại, hầu đạt được kết quả mong muốn. Thi sĩ Quốc Nam nguyên là một sĩ quan được đào tạo bởi quân trường Võ Bị Dalat, nơi trui luyện ý chí cương quyết và lòng hăng say quả cảm, nên anh đã thành công trong các sinh hoạt quần chúng. Anh đã góp phần xây dựng và bảo vệ tinh thần Quốc Gia, giúp phát triển nền văn hóa Dân Tộc trong các cộng đồng người Việt hải ngoại. * Nữ sĩ/tác giả Vi Khuê (nguyên Hiệu Trưởng trung học đệ nhị cấp Văn Học, Dalat): Trên con đường gian nan khúc khuỷu của kiếp lưu vong -đường đi càng khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì đoạn trường vượt núi băng sông, đương đầu với cả đại dương ầm ầm sóng vỗ- ông bạn Quốc Nam của chúng ta đã có đủ can trường, tài năng và nhẫn nhục san bằng bao chướng ngại, để trở nên một người có tầm vóc, thành công về nhiều phương diện. * Thi nhạc sĩ/tác giả Huy Trâm (nguyên Thẩm Phán Công Tố VNCH): Từ xuất bản báo chí, đến in sách, mở đài phát thanh, tổ chức Giải Tượng Vàng để tuyển lựa các tài năng mới trong ngành âm nhạc, người bàng quan đã thấy rõ thiện chí và khả năng của Quốc Nam, trong chiều hướng dấn thân phục vụ Cộng Đồng VN. Điều đáng quý là những công trình do anh thực hiện đều vô vụ lợi. * Nữ sĩ/tác giả Cao Mỵ Nhân (ngưyên Sĩ Quan Cấp Tá QLVNCH): ...Nhà thơ Quốc Nam lao vào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, làm được nhiều công tác rộng lớn có tính cách của những tổ chức, cơ quan, hội đoàn, phải cần nhiều bàn tay chung sức, thì Quốc Nam chỉ một mình hô hoán, chủ trương. Vâng, trong hơn 36 năm qua, nhóm chúng tôi đã làm công tác văn hóa để phục vụ đồng bào, hoàn toàn vô vụ lợi. Hầu hết những chương trình hoặc công tác truyền thông báo chí chúng tôi phục vụ, đều lỗ lã hay huề vốn là may lắm rồi. Nhóm chúng tôi chưa làm thương mại như nhiều cơ sở khác. Chúng tôi rất thiếu nhân sự và phương tiện tài chánh, nhưng nhóm chúng tôi vẫn thực hiện được một số công trình mà một số tổ chức lớn chưa làm được (kể cả 2 đảng VC & VT). Ai cũng biết Đảng VC rất nhiều phương tiện nhân sự và tiền bạc, nhưng bao lâu nữa họ mới cho dân chúng trong nước nghe được làn sóng hiện đại HD Radio (FM Digital)? Đầu thế kỷ XXI, vì sao 2 Đảng kia không biết tổ chức một chương trình vĩ đại chào mừng Thế Kỷ Mới như một số quốc gia khác? *** Thuở trung niên, tôi cũng coi một số phim bộ Trung Hoa, và chỉ thích bộ phim “Cô Gái Đồ Long”. Tôi khoái đoạn anh chàng Trương Vô Kỵ (Giáo Chủ Minh Giáo) đã từ bỏ mọi quyền cao chức trọng để ở nhà kẻ lông mày cho Người Tình là Triệu Minh. Ngoài ra, tôi thích đoạn bi tráng trong phim, lúc Quang Minh Đỉnh (thánh địa của Minh Giáo) bị lục đại môn phái bao vây thì các giáo chúng đồng hát bản thánh ca của họ là “Hỏa Ca” để quyết sống chết bên nhau. Riêng tôi đã mơ ước được kẻ lông mày cho mỹ nhân thời áo trắng, nhưng cho đến bây giờ vẫn chỉ là ảo mộng ... Trong bài thơ “Tình Say” của tôi do nữ nhạc sĩ Nhật Hạnh đã phổ thành ca khúc, có 2 câu lục bát: Mai qua phố cũ, tỉnh say, Vâng, tôi muốn được viết lên đây bài tạp ghi này, nhằm đánh dấu nửa thế kỷ cầm bút sống được, mà phục vụ xã hội và nền văn hóa Việt Tộc, cũng như để gởi lời cám ơn muộn màng đến những người nữ đã đi qua đời tôi. Cuối cùng, may mắn nhất cuộc đời này chính là tôi còn sống sót đến ngày hôm nay, để được viết đôi dòng tâm sự nêu trên, trước khi linh hồn bay về cõi vĩnh hằng. Nguyện cầu Thượng Đế phò hộ chúng ta, và cho ngôn ngữ Việt bất diệt trong bất cứ nghịch cảnh nào. Cao Nguyên Tình Xanh Mùa Thu 2011. |