Chuyện tình giữa ca sĩ Họa Mi và nhạc sĩ Lê Tấn Quốc có tất cả tính chất bi tráng, oan khiên và hệ lụy của những cặp tình nhân, đã gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau và xa nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một giai đoạn lịch sử đầy thảm khốc.
|
Đối với sinh hoạt về đêm ở Sài Gòn trước cũng như sau năm 75 và cho đến hiện nay, Lê Tấn Quốc là một nhạc sĩ sử dụng kèn được nhiều người biết tới.Một phần vì khả năng nhuần nhuyễn của anh qua các loại kèn saxo, nổi bật hơn cả là Tenor sax. Phần khác, anh là một nhạc sĩ khiếm thị, nhưng tài nghệ đã khiến nhiều người trong nghề cảm phục.Lê Tấn Quốc sinh tại Sài Gòn năm 1953. Song thân anh có 7 người con, không kể một số con riêng của cha anh với 2 đời vợ trước. Lê Tấn Quốc còn có hai người anh cũng là những nhạc sĩ quen thuộc của các vũ trường Sài Gòn từ rất lâu, biệt danh là Paul và Jacques.
Lê Tấn Quốc lập gia đình với ca sĩ Họa Mi 1976.
Đến tháng giêng năm 88, Họa Mi sang Pháp trình diễn. Sau đó, Họa Mi đã quyết định ở lại và không hề báo cho Quốc biết trước quyết định này.Lê Tấn Quốc tâm sự thêm là sau khi Họa Mi ra đi, anh biết là cuộc sống hôn nhân của anh đã chấm dứt: “Khi Họa Mi đi coi như xong rồi, coi như tan vỡ rồi. Đó là định mệnh”. Và khi biết Họa Mi không trở lại Việt Nam: “Lúc đó mình thấy cũng hụt hẫng lắm. Đi làm về thấy 3 đứa con nằm ngủ lăn lóc rất tội nghiệp.”Lê Tấn Quốc cho rằng Họa Mi đi Pháp ở là do tình trạng kinh tế khó khăn của gia đình chứ không có lý do gì khác. Vì sau đó vợ anh cũng đã hoàn tất thủ tục cho chồng con cùng sang đoàn tụ tại Pháp.Năm 1990, Lê Tấn Quốc cùng 3 con sang Pháp với Họa Mi. Vấn đề đầu tiên là hai người tìm cách chữa trị bệnh mắt của anh. Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết họ cũng bó tay.
|
Sau vài tháng ở Pháp, Họa Mi đề nghị làm thủ tục để Quốc được hưởng qui chế tỵ nạn, nhưng Quốc nhất định từ chối, anh quyết định quay trở lại Việt Nam. Anh cũng không giấu diếm những mặc cảm của mình. Anh cho biết sẽ chỉ ở lại nếu mắt của mình có thể chữa được. Anh nói: “Tới bây giờ em chưa bao giờ ân hận vì đã trở về. Em để các con ở lại cho chúng nó ăn học”.Lê Tấn Quốc quay trở lại Sài Gòn vào cuối năm 1990, để lại 3 con sống với Họa Mi. Con trai lớn của 2 người năm nay 31 tuổi và đã có gia đình, người con trai kế 27 tuổi và cô con gái út năm nay 24.Lê Tấn Quốc cũng cho biết Họa Mi đã không giấu diếm khi tâm sự với anh là có cảm tình với một người Việt lớn hơn chị 12 tuổi trong thời gian sống ở Pháp. Người này là giám đốc một công ty sản xuất kem và bánh ngọt. Anh mừng cho Họa Mi đã gặp được một người tốt.Nguyên nhân khiến họ chia tay không phải đến từ sự đổ vỡ hạnh phúc. Và cũng chẳng phải do lỗi lầm của một ai hoặc do một sự xung đột nào đó. Mà chỉ do đầu óc thực tế của cả đôi bên. Vì thật sự cho đến lúc quyết định như vậy, cả hai đều vẫn dành cho nhau những tình cảm rất tốt đẹp sau khi đã có với nhau 3 người con.
Chuyện tình giữa ca sĩ Họa Mi và nhạc sĩ Lê Tấn Quốc có tất cả tính chất bi tráng, oan khiên và hệ lụy của những cặp tình nhân, đã gặp nhau, yêu nhau, cưới nhau và xa nhau trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một giai đoạn lịch sử đầy thảm khốc. Chàng nhạc sĩ khiếm thị ngày nay có thể không còn nhìn rõ mặt người yêu như những ngày đầu còn mặn nồng 1976 và cô ca sĩ ngày nay trên chiếc thuyền mới của cuộc đời với tất cả trách nhiệm gia đình trên đôi vai bé nhỏ.Thế nhưng trong tâm hồn họ vẫn còn một góc dành cho nhau, và góc riêng tư đó không cần nhìn bằng đôi mắt, góc riêng tư đó không có thời gian và không có không gian, góc riêng tư đó chỉ có tiếng chim Họa Mi hót bên dòng suối Saxo ngọt ngào mãi mãi.
|
Họa Mi yêu ca hát từ nhỏ và rất được sự khuyến khích của mẹ: "Nếu sợ ba con rầy thì con cứ hát nhỏ nhỏ cho má nghe cũng được", đó là lời Họa Mi tâm tình trên video Paris By Night Thúy Nga. Sinh ngày 1 tháng 5 năm 1955, Họa Mi tốt nghiệp trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Việt Nam và được sự hướng dẫn về nghệ thuật của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ.
Rời Việt Nam năm 1988, Hoạ Mi được nhiều cơ hội tham gia tích cực vào những sinh hoạt văn nghệ hải ngoại và đã từng trình diễn ở rất nhiều quốc gia: Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hòa Lan, Na Uy, Úc, Nhật Bản, Anh, Hoa Kỳ và ngay cả Liên Sô (trước 1988). Trong phong thái trình diễn rất nhẹ nhàng thoải mái, với tiếng hát ấm và trong, Họa Mi đã từng làm say mê khán thính giả trong những ca khúc trữ tình lãng mạn. Nhạc phẩm "Đưa Em Xuống Thuyền" của Nhạc Sĩ Hoàng Thi Thơ đã được Họa Mi lựa chọn để trình diễn trong lần đầu tiên ra mắt khán thính giả tại nhà hàng Maxim's Sài Gòn. Những ai đã từng ái mộ tiếng hát Họa Mi chắc không thể quên được nhạc phẩm "Em Đi Rồi" của nhạc sĩ Lam Phương đã được Họa Mi trình bày một cách xuất sắc, chừng như tiéng nức nở nghẹn ngào của từng âm thanh rung động trên vành môi, người ca sĩ đáng yêu kia đã gởi gấm đâu đây một phần đời của chính mình? Họa Mi yêu màu trắng và thích nhấn con số 8 (đây là con số "Phát tài" theo sự tin tưởng của người Trung Hoa). Cho đến nay, Họa Mi đã xuất hiện rất nhiều trên băng Paris By Night cũng như đã thâu băng và CD. Ngoài ra, cô còn cộng tác với 1 số vũ trường tại Paris. Đối với Họa Mi, trong tình yêu, sự thành thật là yếu tố quan trọng hàng đầụ Họa Mi cho rằng được có một mái ấm gia đình là cả một hạnh phúc lớn, còn về cuộc đời, Họa Mi thấy rất ngắn ngủi và mong manh.
Nhiều người có nhận xét rằng Họa Mi rất đẹp không những trên sân khấu mà kể cả ở ngoài đời và cô có một giọng hát trong, thánh thót ở những nốt nhạc cao và ấm áp, tình cảm ỡ những nốt nhạc thấp hơn.
Yêu nhau một thời, xa nhau một đời
Hơn hai mươi năm rời sân khấu, rời Sài Gòn, Họa Mi đã có một cuộc đời khác. Hai mươi năm nhiều biến động, có thể nói là những biến động nghiệt ngã nhất của đời người, đã làm Họa Mi bình tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn vào những tháng năm này.
|
Nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, phát hành album đầu tay "Một thời yêu nhau" khi bước vào tuổi 54. Khi số phận bắt chị phải lựa chọn, chị đã lựa chọn gia đình và những đứa con. Phía sau cuộc ra đi nhiều sóng gió của Họa Mi năm 1988 tới Pháp, ít ai biết, đó là cả một sự hy sinh thầm lặng đến quên mình…
Sài Gòn là một ký ức đẹp, mà ở đó chị đã có tất cả. 18 tuổi, khi đang học Trường Quốc gia âm nhạc (nay là Nhạc viện TPHCM), Họa Mi được nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ mời đến hát tại nhà hàng Maxim's, một trong những nhà hàng nổi tiếng nhất Sài Gòn khi ấy. Và ngay từ những bài hát đầu tiên "Đưa em xuống thuyền", "Đưa em qua cánh đồng vàng", Họa Mi đã là một hiện tượng không trộn lẫn. Họa Mi được đánh giá là một trong những ca sỹ hiếm hoi được học thanh nhạc bài bản, có nền tảng tốt. Chị nhớ lại, tên chị là Trịnh Thị Mỹ, khi bắt đầu được đi hát, chị lấy tên là Trường My, nhưng ngay buổi đầu tiên đi hát, chị được ông bầu Hoàng Thi Thơ giới thiệu là Họa Mi, và đó chính là cái tên theo chị suốt cuộc đời ca hát.
Sau khi 1975, Họa Mi nghĩ mình sẽ không còn cơ hội để ca hát nữa. Khi ấy chị hai mươi tuổi và bắt đầu theo học ngành Luật. Cho đến một ngày, nhạc sỹ Ngọc Chánh đến tìm chị. Anh nói, thành phố thành lập một đoàn ca nhạc hát chung với đoàn Kim Cương. Và anh muốn chị đi hát lại. Khi ấy, đoàn ca nhạc gồm hầu hết những gương mặt quen thuộc trong giới ca nhạc sau này, như Thanh Phong, Phương Đại, Thái Châu, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Sơn Ca… Và chị đã tiếp tục con đường ca hát, với một phong cách mới. Bài hát đầu tiên trên sân khấu là "Bóng cây Kơ nia", Họa Mi đã hát với tình yêu say đắm của tuổi hai mươi khi ấy.
Năm 1976, Họa Mi lập gia đình với nghệ sỹ saxophone Lê Tấn Quốc. Họa Mi nói, khi ấy cả anh và chị đều có hoàn cảnh giống nhau, nên rất dễ thương nhau. Họa Mi mất ba từ năm 11 tuổi và năm 18 tuổi mẹ chị cũng rời trần thế, bỏ lại chị một mình trong thành phố những ngày nhiều biến động. Hai người yêu nhau 6 tháng thì cưới. Anh vẫn thổi kèn cho chị hát. Và họ đã là một biểu tượng của hạnh phúc. Nhà báo Cát Vũ nói, hình ảnh vợ chồng Họa Mi - Lê Tấn Quốc là "nguồn cảm hứng" cho lứa nhà báo trẻ của chị khi ấy. Bởi ở họ thể hiện được rất rõ khí chất và tình nghệ sỹ lâu bền... Họ đã sống với nhau hơn 10 năm và có với nhau 3 đứa con.
Lê Tấn Quốc với chứng bệnh mắt bẩm sinh, mắt ngày càng kém hơn. Cuộc sống thành phố những năm 80 của thế kỷ trước bộn bề gian khó. Cặp vợ chồng nghệ sỹ vật lộn tìm đường sống để nuôi ba con nhỏ. Hạnh phúc tưởng như trọn vẹn, nhưng lại không dễ dàng. Và năm 1988, Họa Mi có chuyến đi biểu diễn tại Pháp. Chuyến đi ấy chị đã không trở về.
Sự không trở về của Họa Mi gây ra những sóng gió lớn. Những chuyện sau này, có rất nhiều sự thêu dệt về sự ra đi của chị. Và người ta từng nghĩ, chị sẽ bị… cấm vận vĩnh viễn. Và việc chị ra đi, bỏ lại người chồng mắt bị lòa là một việc làm nhẫn tâm, vô tình vô nghĩa. Nhà văn Nguyễn Đông Thức, một trong những người bạn của Họa Mi nhớ lại, khi ấy Họa Mi rất yêu chồng. Và việc chị tìm cách ở lại Pháp, không phải để mưu cầu hạnh phúc riêng tư, cũng không phải vì mục đích chính trị hay bất cứ ham muốn nào khác, mà chỉ vì mục đích là tìm đường chữa đôi mắt cho chồng. Khi ấy, VN chấp nhận cho chị đưa nhạc sỹ Lê Tấn Quốc và ba con sang Pháp để anh có điều kiện chữa mắt. Nhưng, đôi mắt ấy không bao giờ có thể chữa lành. Ngay cả những bác sỹ giỏi nhất tại Pháp cũng đành ngậm ngùi lắc đầu. Và, người nghệ sỹ từ nhỏ đã sống với cây kèn, quen với những đêm diễn, bỗng chốc phải thay đổi đột ngột, không còn không gian cho âm nhạc nữa, khiến Lê Tấn Quốc trở nên tuyệt vọng. Và anh trở về Việt Nam… Cuộc chia tay ấy mang nhiều nước mắt. Bởi, họ vẫn còn rất yêu nhau. Nhưng cá tính nghệ sỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Câu chuyện tình yêu của Họa Mi - Lê Tấn Quốc đã thành giai thoại trong giới âm nhạc Sài Gòn. Bao nhiêu năm qua đi, câu chuyện ấy vẫn là một minh chứng sống của tình nghệ sỹ.
Chia tay nhau, xa cách đầy giông bão. Số phận đã buộc họ phải lựa chọn. Nhưng Họa Mi không còn cách nào khác, không thể quay về, buộc phải tiếp tục hành trình sống nơi xứ người, tìm cách mưu sinh và nuôi con. Họ vẫn quan tâm đến nhau, như những người bạn tri kỷ. Mỗi khi chị về nước, đều tìm đến thăm anh. Và khi Họa Mi làm đám cưới với người chồng mới tại nhà hàng Maxim's, cả gia đình và người vợ mới của Lê Tấn Quốc cũng đến dự.
Phía sau sự xa cách định mệnh lại là những tháng ngày thái bình. Bởi hơn ai hết, cả hai người từng yêu nhau đắm say, hiểu được cái giá của mất mát. Và, đến lúc này, họ vẫn thường xuyên quan tâm tới nhau. Trong đĩa nhạc mới sắp phát hành của Họa Mi, Lê Tấn Quốc vẫn thổi kèn đệm cho chị hát. Trong âm nhạc, họ chưa bao giờ xa nhau.
Họa Mi nhớ lại, khi qua Pháp chị phải tìm mọi cách để được sống tốt và nuôi các con. Khi ấy, chị đi hát vì mưu sinh trong một nhà hàng của người Hoa. Thực khách của nhà hàng rất đa dạng, nhưng những người nghe chị hát không nhiều. Đó là những ngày rất buồn. Khi phải gắn đời nghệ sỹ vào với cơm áo, là khi người nghệ sỹ phải thỏa hiệp và chấp nhận nhiều thua thiệt. Khi ấy, cũng có những lời mời từ các trung tâm biểu diễn tại hải ngoại, nhưng Họa Mi không thể để bỏ các con lại, với những chuyến lưu diễn dài ngày. Thật lâu, chị tham gia vài chương trình ghi hình rồi vội vã trở về Pháp.
Năm 1995, Họa Mi lập gia đình với một kỹ sư gốc Sa Đéc. Anh đã sống nhiều năm ở Pháp và hoàn toàn không biết chị… hát gì. Nhưng họ đã yêu nhau thành thật. Cô con gái của họ đã bước vào tuổi 14 và anh cũng không còn làm kỹ sư nữa. Hai vợ chồng chị mở một xưởng sản xuất bánh ngọt giao cho những nhà hàng tại Paris.
Họa Mi nói, thực ra suốt nhiều năm tôi không đi hát chỉ vì nghĩ mình buộc phải lựa chọn gia đình. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống của những đứa trẻ trong những gia đình thiếu hụt. Tôi đã không giữ được cho con tôi một mái ấm khi qua Pháp, thì phải ráng giữ sao cho con khỏi thiệt thòi. Khi tôi lập gia đình với người chồng mới cũng vì một điều, anh thực sự biết chia sẻ và nâng đỡ các con tôi.
Họa Mi, ở tuổi 54, đã tìm đường trở về Việt Nam, bắt đầu cho những dự định ca hát dang dở. Kể như là một kế hoạch đã muộn. Nhưng chị vẫn làm. Làm cho mình và tri ân những người vẫn còn lưu nhớ giọng hát chị. Một đĩa nhạc tình quen thuộc, nhưng lần đầu tiên chị hát. Trong lời đề từ đĩa nhạc "Một thời yêu nhau", Họa Mi viết: "Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu"…
Chị đã không lựa chọn cộng đồng người Việt tại Mỹ để xuất hiện, dù biết những khán giả đó mới là khán giả chính yêu thích những bản nhạc tình xa xưa. Chị nói, chị đã có những ngày tháng đẹp ở thành phố này. Chị ra đi và chị trở về, như một sự trở lại, tìm đến những ân tình cũ. Chị không có ý định gì to lớn, ngoài việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Họa Mi cười, chị đang tìm cách thuyết phục chồng chị về định cư tại Việt Nam. Vì năm tháng xa xôi đã đủ để chị biết, nơi này vẫn là nơi chị đáng sống nhất, trong những ngày còn lại của đời mình…
|