Home Đời Sống Dinh Dưỡng Cơm nắm muối vừng - ngọc thực chốn trần gian

Cơm nắm muối vừng - ngọc thực chốn trần gian PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigon Echo sưu tầm   
Thứ Tư, 16 Tháng 12 Năm 2009 22:48

Không biết người Việt mình đã ăn cơm nắm từ bao giờ. Có điều với người xưa kia cơm nắm thường gắn với người có viêc phải đi xa. Nắm cơm nắm mang theo ăn dọc đường như một món ăn nhanh, vừa no vừa ngon lành bổ dưỡng, đỡ “sểnh nhà ra thất nghiệp” tốn tiền quà.

 Miếng cơm trắng phau, đưa lên chưa tới miệng đã ngửi thấy mùi hương gạo mới, vị ngon của phù sa, cả vị đậm của mồ hôi người mẹ, người vợ. Miếng cơm nắm bé nhỏ nhưng chứa đựng hình bóng quê nhà. Những lúc ấy, miếng cơm nắm quý giá vô cùng, như là miếng “ngọc thực” giữa chốn trần gian vậy.

 Bây giờ, cứ ngỡ cơm nắm sẽ không còn chỗ đứng nữa trong tâm tư người dân phố thị chứ đừng nói đến với hiện hữu sờ sờ nơi góc phố hay cửa chợ. Nhưng mà rồi cơm nắm vẫn cứ tồn tại và thậm chí còn phát triển nữa mới hay. Ở Hà Nội, người ta vẫn dừng xe ghé vào bất kỳ hè phố nào để mua nắm cơm mang tới cơ quan tranh thủ ngồi ăn đầu giờ sáng.

 Cơm nắm thường ăn với muối vừng, như thế sẽ tôn được cái vị riêng. Nhưng ăn với ruốc, với giò, chả… cũng ngon chẳng kém gì. Nắm cơm tròn tròn, dẹt dẹt, được xếp thành thành từng miếng nhỏ lại dài, đều tăm tắp như xếp hàng chứ không được bẻ. Khi ăn phải cầm bằng tay mà chấm vào muối vừng. Chớ có gắp bằng đũa không đúng kiểu, lại vừa mất hương vị riêng.

 Người Hà Nội từ lâu đã rất quen thuộc với những tiếng rao cơm nắm muối vừng. Nhưng ít ai biết rằng chỉ cách Hà Nội không xa có một nơi làm nên thứ quà quê ngon và tinh tế này. Nơi đó là xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

 “Bà tổ” của nghề cơm nắm
 Cụ Đảo được người dân trong xã coi như là “bà tổ” của nghề cơm nắm nơi đây  và là một trong những người đầu tiên có công trong việc phát triển việc làm cơm nắm ở Lạc Đạo.

 Cách đây mấy chục năm trước, cụ Đảo cùng một số người dân trong làng hay bán quà vặt cho khách đi tàu Bắc Nam. Đồ chủ yếu chỉ là quả trứng, cái bánh. Vì là người bán hàng nên không thể về nhà ăn cơm trưa, cụ mang theo vài nắm cơm để ăn. Có người khách nhìn thấy mới hỏi mua. Hôm sau, cụ về nắm thêm một vài chục nắm thử bán. Không ngờ, hết sạch. Đã thế lại còn được nhiều người khen ngon. Thấy bán được dễ dàng, cụ Đảo bảo một số người trong làng cùng nắm cơm để bán.
 Lúc đầu cả làng chỉ có lác đác vài người nắm cơm bán, dần dần cả một xóm làm. Và đến giờ thì cả xã, hầu như nhà nào cũng làm cơm nắm hoặc có người đi bán cơm nắm ở khắp các tỉnh lân cận. Bán cơm nắm muối vừng trở thành một nghề nuôi sống cho cả làng Lạc Đạo.

 Cơm nắm chỉ đơn giản là gạo được nấu thành cơm rồi được nắm lại. Thế nhưng để có được một nắm cơm trắng tinh, mềm, dẻo và bùi lại không hề đơn giản.
 Để có được những gói cơm nắm đúng giờ giao cho những người đi bán rong, phải dậy từ 1h sáng để vo gạo và nấu cơm. Muốn cơm trắng thì khâu vo gạo là quan trọng nhất. Nước dùng để nấu cơm cũng phải được lọc qua nhiều lần, nhưng theo anh Biên -chủ một lò cơm nắm lớn ở Lạc Đạo-thì nếu gạo được nấu bằng nước mưa thì là tốt nhất, vì khi ăn sẽ có vị ngọt và đậm đà hơn.

 Nấu cơm để nắm thành nắm không giống như nấu cơm ăn hằng ngày, nghĩa là cơm sẽ phải nát hơn một chút thì khi nắm mới dẻo.

 Dụng cụ để nắm cơm cũng rất đơn giản, chỉ là một mảnh vải trắng thun có độ co giãn. Cứ một muôi cơm là thành một nắm. Đặc biệt, phải nắm lúc nóng thì mới được, để nguội, cơm sẽ rời rạc và không dẻo nữa. Lúc nắm phải chắc tay, day thật đều để cơm mềm ra.

Tại Sài Gòn, có thể tìm mua cơm nắm muối mè ở quán Ngon