Home Đời Sống Dinh Dưỡng Trả phần ăn búp-phê giá ấn định - Vào xơi thả giàn, lợi hại ra sao?

Trả phần ăn búp-phê giá ấn định - Vào xơi thả giàn, lợi hại ra sao? PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ru   
Thứ Bảy, 14 Tháng 5 Năm 2011 07:11

Tạp ghi khi thực phẩm giá tăng khách lại năng đi hàng quán

Dạo này thiên hạ tại Sydney có xu hướng rủ nhau đi ăn “búp-phê” một cách “hằm bà lằng” có nghĩa là bất cứ dịp lễ lộc nào chẳng riêng gì sanh nhựt, mừng thọ, đãi bạn từ Việt Nam qua mà ngay cả kỷ niệm ngày cưới, hai hoặc ba chục năm ở Úc bà con cũng dung dăng dung dẻ đến nơi “ăn cho đã thì thôi”, khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại vậy? Câu trả lời tìm thấy dễ dàng thôi. Đó là vì đồng tiền trong túi bị giới hạn nên chỉ thích tới những nơi ăn giá cả được ấn định sẵn, thức ăn lại đa dạng và mặc sức xơi; vậy thì chẳng đâu bằng “búp phê” – ăn thét rồi người ta phải gọi những nơi bán thức ăn theo lối búp-phê bằng “Quán Bụng-phệ”!

Lai lịch của Búp-phê

Chữ buffet đến từ ngữ vựng Pháp và cũng chính bởi nước Pháp là quốc gia đầu tiên tổ chức đãi ăn uống theo kiểu “tự tiếp” này ngay từ bốn, năm trăm năm nay. Có người vui miệng kể rằng: hồi cuối thế kỷ thứ 16, một nhà quyền quý nọ tại nước Pháp nhân ngày mừng con thành đạt có mời thật đông khách quý đến dùng cơm tối. Nữ chủ nhân cắc cớ cho tất cả người làm ẩn lánh, trốn biệt một nơi sau khi họ đã dọn bày thức ăn, chén đĩa, dao, nĩa, muỗng sẵn trong phòng ăn và phủ bằng lớp vải mỏng. Khách đến đông đủ, nữ chủ nhân trịnh trọng xếp cất khăn vải mỏng để lộ ra những khay thức ăn đầy ắp thật phong phú; bà lên tiếng khai mạc và mời “thực khách” tự chọn lựa món ăn theo sở thích rồi cũng chọn lấy nơi ngồi cùng bạn bè quen biết để trò chuyện. Đối với thời đó và trong gia đình quan quyền, lối đãi ăn ấy được xem rất “ngộ nghĩnh” nhưng tự nhiên được nhiều người quyền quý khác hưởng ứng và dần dà từ xã hội thượng lưu lan ra xã hội thứ dân. Qua giữa thế kỷ 17 cả nước Pháp đều biết và “mê” hình thức buffet khi đãi đằng đông người! Đến thế kỷ thứ 18, hình thức ăn theo kiểu buffet của Pháp được người Ăng-lê “cọp-dê” và kế đó người Mỹ cũng bắt chước anh em mình. Vậy là qua hình thức đãi ăn theo kiểu buffet một vài nguyên tắc thành hình như chủ nhân không phải chuẩn bị “kẻ hầu người hạ” cũng không phải gắp mời ông khách này, gắp mời bà khách nọ mà theo lối đãi đằng kiểu cách nếu lỡ bỏ quên mời tiếp ai đó thì thế nào cũng có tiếng xầm xì trách cứ. Riêng tại Úc, tiệm ăn dưới dạng buffet và “ăn uống mặc sức” được khai triển rộng rãi từ năm 1990; nhưng thực sự đông khách mới từ năm 2000 và nhất là rất gần đây. Hình thức buffet tại Sydney rất đa dạng nào Pizza Buffet, Seafood Buffet, International Cuisine Buffet và nhiều Buffet chỉ bán riêng thức ăn đặc biệt của một sắc tộc, chẳng hạn buffet về các món ăn Ý, Nhật, Đại Hàn, món Trung Hoa, v.v. Gần đây, tại Sydney có một số tiệm ăn thấy hình thức buffet thu hút thực khách nên tuy cũng đề bảng là Buffet nhưng khi vào ăn thì thực khách chỉ được chọn chẳng hạn 3 trong những món bày bán hoặc thêm món thì phải thêm tiền; thậm chí ở những khách sạn sang trọng cũng tổ chức dưới hình thức buffet để khách lưu lại tha hồ thưởng thức và no nê vào mỗi bữa ăn sáng.

Thức ăn và thực khách

Trong phạm vi bài viết này, kính mời quý độc giả cùng dạo qua những loại buffet “ăn đã thì thôi” loanh quanh khu đông bà con người mình thí dụ như buffet tại RSL (Câu lạc bộc Cựu Quân nhân) ở Auburn. Bankstown hay Mounty Club ở Mt Pritchard. Mặc dầu chủ cơ sở những nơi đây đều là người Úc rặc nhưng phần vụ buffet đều do người Úc gốc Á châu hay nôm na là người Tầu đứng ra chuẩn bị, trông coi. Các quày bày thức ăn đại loại được chia làm 4 nhóm: thức ăn đồ biển như trai hến, cá, mực ống; thức ăn thịt hầm, nướng; các món rau xào; bánh mì và khoai tây chiên hoặc nướng. Thêm một quày bày các thức ăn tráng miệng như bánh kem, bánh nướng, thạch, kem, trái cây tươi; trà và cà phê. Nếu cần liệt kê tên của từng món ăn cũng phải dài hơn 23 dòng trong đó có cả xá-xíu, thịt vịt, thịt heo quay, sushi, gà nướng, bò om, cừu hầm, cơm chiên, càng cua “giả”, bào ngư “khoai tây”, con điệp “bột mì”. Riêng nước uống phải “mua 1 ly không” rồi lại máy tự rót cho đầy và uống hết rót thêm. Tiền vào cửa khoảng $20 cho người lớn (kẻ luôn cả thiếu niên từ 16 tuổi trở lên) ; trẻ em từ 4 tuổi đến 15 thì mỗi năm tuổi là $1. Tất nhiên ở những phòng ăn như vậy thực khách tự chọn thức ăn theo sở thích và ăn bao nhiêu, ngồi bao lâu cũng không ai rày rà!

Nhìn chung, thực khách của buffet cũng rất “đa dạng” như các món ăn đa dạng vậy. Người tứ xứ Tây, Ta, Tầu, Hải đảo, Trung đông, Âu châu đều có. Họ đi với nhau theo cặp đôi nhưng nhiều nhất là từng gia đình hoặc từng nhóm bạn hữu. Một ghi nhận đáng chú ý là trong số thực khách, tới 40%  là “người to con”, có nghĩa là ít gì cân nặng cũng trên 70 kí lô. Dường như ai đến đây cũng cốt để ăn cho “đáng đồng tiền bát gạo”, họa hoằn mới do được mời nên phải đến. Gặp người ăn ít đến đây, thật chẳng”bõ công” và cũng chẳng “bõ tiền”! Nếu đến chỉ để ăn có 4 con chem chép ($1), 2 khoanh sushi ($0.80), 1 chén súp bắp ($1.20), 1 đùi gà nướng ($3), vài muỗm thịt bò hầm ($1.50), dăm nát thịt heo quay ($1), 1 miếng cá chiên ($1), dăm con tôm luộc ($2), 1 đĩa cải xanh xào tôm ($3), rau trộn ($1), khoai tây và bánh mì ($1); ăn ít cái bánh ($1.5) và uống 2 ly cà-phê ($2) thì hoàn toàn vừa vốn! Nói là vừa vốn vì ăn đúng như đồng tiền đã trả ra để vào cửa; còn lỗ cái công đứng xếp hàng (chờ vào và chờ chọn thức ăn, không được dọn ăn – chỉ được dọn đĩa chén); bởi vậy người ốm yếu” vô buffet là “phê” mà không phệ bụng; còn người lớn con – sức ăn như cá voi (trung bình mỗi ngày cá voi phải ăn vào tương đương với 6% sức nặng); giả sử một người nặng 75 kí nếu ăn như cá voi thì phải cần khoảng 4 kí rưỡi thức ăn mỗi ngày; nếu vào buffet, ít ra phải xơi 4 đĩa như vừa kể!

Chủ nhân các nhà hàng bán theo buffet ăn đã thì thôi rất “kỵ” người đến theo cặp đôi cặp ba, vì đến ít như thế mà thích vào buffet thì phần đông là những tay có “bao tử lớn” sức chứa thật là gồ ghề; còn như đi đông thì người nọ bù người kia, nhà hàng “kiếm ăn” được. Nhưng khi đón tiếp bà con Á châu, viên quản lý phải nói nhỏ nhân viên phục dịch “chầm chậm” tiếp tế đồ biển bằng không chỉ có nước “le lưỡi” than Trời! Dân Á châu khoái ăn tôm; dù tôm luộc vừa bóc vỏ vừa chấm muối tiêu xơi hay tôm xào trong rau nhai kêu sừn sựt đều được chuộng tất! Một kí tôm khoảng 30 con giá $15; gặp vài người ăn đua, nội tôm không cũng lên tới hơn kí và chưa kể tới các món khác; chủ buffet nhìn thấy mà phát rét! Bù lại khi thấy mấy ông bà ốm yếu, ngồi trò chuyện cho vui chứ ăn có là bao, mỗi người không đáng $8; thế là quản lý gục gặc đầu và cười khoái trá! Vào những ngày cuối tuần, buffet của RSL thường đông nghẹt; lúc nào cũng đầy ắp khoảng 350 thực khách; nếu bắt đầu từ 5 giờ chiều và đóng cửa lúc 10 giờ đêm, ít gì mỗi tối (cuối tuần, ngày lễ) cũng có trên 1200 người ăn, thu vô khoảng 15 ngàn đô là ít! Vì mục đích của buffet để giảm người phục dịch nên chi phí phần lương lậu chỉ khoảng ba ngàn đô, thức ăn tốn kém phỏng chừng 5 ngàn, thế là nhà kinh doanh gom về 8 ngàn đô dễ dàng!

Lợi và hại của buffet

Lợi ở đây nói về hai mặt. Bỏ tiền ra để ăn và ăn được nhiều đó là một cái lợi; chỉ trả một phần tiền nhưng có nhiều món để “thưởng thức” đó là cái lợi khác. Hại cũng có hai mặt. Bỏ tiền ra mà không ăn đủ phần thì thà đến tiệm nào đó xơi một tô bún bò Huế, một tô phở gà hay bò tái, hoặc giả bún thịt nướng xem còn đỡ tốn hơn đi buffet– đó là hại về tiền. Nhưng cái hại ở mặt này mới đáng sợ đó là ăn quá xá là ăn; ăn đến căng hết da bụng để mỗi ngày dạ dày một dãn rộng thêm thì thật đáng ngại.

Tuy là đi ăn buffet có cả hại và cả lợi nhưng điều đó cũng tùy từng người. Để thực khách chúng ta phải là người “chiến thắng” trong mỗi lần đi ăn búp-phê, có người đề nghị một vài “bí quyết”.

Nếu nói đi ăn buffet loại “ăn đã thì thôi” (all-you-can-eat), ngay trước khi bước ra khỏi nhà, thực khách cần phải “chuẩn bị tâm lý”; vì đến buffetù nhất định là “phải ăn”, nên trước hết cần tạo cho mình một sự thích thú; nghĩ ngay đến những món ăn nóng, ngon đang chờ đợi mình chứ đừng nghĩ “nhiều dầu mỡ” quá làm mất khẩu vị! Hôm nào mà thấy không vui và không thích ăn, tốt hơn đừng đi buffet. Cũng có người để bụng “rỗng” trước vài tiếng đồng hồ; điều này không nên vì như vậy tức đang chuẩn bị “trả thù bao tử” đấy; việc ấy rất dễ gây bất ổn cho hệ tiêu hóa! Nhưng phải chuẩn bị những câu chuyện vui để kể cho nhau nghe và phải dành nhiều thời giờ cho một buổi ăn buffet; đừng vội vàng ăn chưa đến đâu đã muốn “bỏ cuộc”. Khi đến buffet rồi, hãy đi một vòng để xem có những món ăn nào hầu bố trí “lịch trình ăn uống” cho thích hợp; món ăn nhẹ dễ tiêu như rau, tôm, cá nên ăn trước; món ăn nặng như thịt, các thứ chiên nên ăn sau. Không nên gắp quá đầy đĩa bởi ăn hết thì đến lấy thêm, ăn xong mấy thứ này lại quày thức ăn chọn mấy thứ khác; chẳng phiền gì hết; chứ bỏ đầy đĩa nội nhìn không cũng phát “ớn” bảo sao ăn cho ngon miệng được! Nghĩ kỹ trước khi lựa món ăn. Chỉ lựa những món mình ưa thích hay tạm được; vào buffet không phải là để “nếm” hoặc thử; vì để nếm và thử mình dại gì lại chi ra một số tiền do chủ nhà hàng ấn định! Tuy nhiên cũng đừng vì mình thích ăn mà lại lấy quá nhiều – cứ từ từ, ăn chậm dễ tiêu, ăn mau mắc nghẹn! Điều quan trọng không nên quên là buffet bày nhiều món ăn chẳng những “rởm” (vì không phải thứ thiệt) mà còn không mấy tốt cho sức khỏe; vì vậy nếu lỡ gắp vào đĩa thì tìm cách loại ra bằng cách thay đĩa mới. Đừng ngại mà lại đi “ngốn” vào chẳng lấy ra được đâu và làm như vậy tất nhiên mất cơ hội thưởng thức món mình thích! Cũng nên cẩn thận, nhiều món ăn con mắt mình nhìn thấy ngon, khi ăn vào mới biết “dở ẹc”; tốt hơn “đợt” đầu gắp vừa phải (ngoại trừ những món mình đã từng trải); nếu khoái khẩu trở lại gắp thêm - đi đi lại lại càng tốt trong lúc này – dễ tiêu mà lỵ. Nhất là khi nhà hàng đông thực khách, phải xếp hàng chờ tới lượt mới chọn được thức ăn, một số người có tánh “háu ăn” bèn “lủm, lủm, lủm” – điều này chẳng hay ho gì; hãy đợi về tới bàn rồi hãy ăn vì chúng ta đi “ăn nhà hàng” chứ đâu phải “xếp hàng ăn”! Ăn búp-phê khỏi cần kiểu cách “ăn coi nồi ngồi coi hướng” như tại nhà bè bạn. Cứ thoải mái tự nhiên tùy dạ dày và ưa thích của mình. Tại mỗi quày trưng bày thức ăn để lựa, thường có mái che bằng nhực trong, xin chớ khom người dưới mái ấy vì như vậy sẽ tiếp cận gần thức ăn dễ “gieo” vi-khuẩn vào thức ăn mà mình không hay; mái che chẳng những giữ hơi nóng cho thức ăn mà còn giới hạn thực khách tiến quá sát vào thức ăn; nếu có các trẻ em đi cùng cũng đừng để các bé đưa thẳng hơi thở vào thức ăn; giữ vệ sinh chung ấy mà. Cố gắng đừng phung phí thức ăn bằng cách để mứa trên đĩa, làm vậy vừa mất hứng thú cho chính mình, lại làm giảm hứng thú của người bên cạnh và nhất là “phí của Trời”. Thức ăn bày biện quá nhiều, thấy món nào “hồ nghi” không ngon, chắc chắn không ngon nên chẳng cần “động thủ” mất công, mất thời giờ và sẻ uổng phí – hãy để người khác thưởng thức. Riêng món “soup” cần cẩn thận, có những món nhìn quen quen nhưng nếm vào lại thấy là lạ vì đầu bếp nêm gia vị lạ, do đó hãy dùng thử ít cho lần thứ nhất; nếu ngon sẽ làm “chén thứ hai; đi đâu mà vội! Và cuối cùng, nếu cảm thấy trong mình không khỏe, tốt hơn đừng đi ăn buffet. Không khí buffet rất “sống động và phức tạp”, thức ăn trong buffet được cung cấp để nhiều người “chạm đũa chạm muỗng”, chỗ ngồi trong buffet rất “sát nách” như đi xem đá banh, không khí trong buffet “ngột ngạt, ồn ào” và lại “thả giàn ăn” . . . chỉ bằng ấy thứ đủ cho người không khỏe rất dễ “nhiễm bệnh”.

Thực tế, chẳng phải đến nhà hàng buffet mới được thưởng thức nhiều món. Một số bạn bèn quen biết, chọn ngày cuối tuần nào đó, mỗi gia đình nấu một món “ruột” rồi đem đến dùng chung, mạnh ai lấy “tiếp” và ăn tuy không thả giàn nhưng cũng no bụng thì có khác gì buffet tại nhà hàng. Ở Hội Thánh Quê Hương (góc Leonard St. & Stanley St., Bankstown, đt 9885 0637) cũng thường có buffet; nhiều gia đình trong Hội Thánh hoặc Ban Phụ-nữ của Hội Thánh cung cấp thức ăn đa dạng và phong phu; đồng hương, tín hữu vừa thưởng thức món ăn (tất nhiên miễn phí) vừa trò chuyện như trong không khí ấm cúng của gia đình; ấy cũng chính là một dạng buffet hẳn hòi vậy.

Đi ăn buffet hiện nay là một hình thức phổ thông, vừa hợp túi tiền trong thời buổi kinh tế ọp ẹp vừa là cơ hội thưởng thức món ăn (bàn về lượng chứ không đề cập tới phẩm) đồng thời bảo đảm chắc chắn no nê. Nhưng đừng vì vậy mà không để ý đến sức khỏe; chớ coi buffet như là nơi ăn vã, tự do quá cỡ để một ngày từ ngữ búp-phê biến thành từ ngữ bụng-phệ thì khó coi lắm đấy.

Nguyễn Ru