Home Đời Sống Tôn Giáo Thánh Phao-Lô Có Kỳ Thị Phụ Nữ ?

Thánh Phao-Lô Có Kỳ Thị Phụ Nữ ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Phê-rô Phạm Duy Khánh O.P.   
Thứ Ba, 08 Tháng 3 Năm 2011 09:27

 Chúng ta chỉ có thể ghi nhận rằng thánh Phao-lô rất trân trọng những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin mừng cũng như vai trò của họ trong việc xây dựng và củng cố các cộng đoàn.

Về lập trường đối với phụ nữ, nhiều người trong chúng ta hẳn hay thắc mắc tự hỏi thánh Phao-lô là một con người như thế nào? Có phải ngài là người có một cái nhìn mang tính Cánh chung theo kiểu chẳng còn người Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà (xc. Gl 3,28)? Phải chăng ngài là một người chủ trương hạ thấp vai trò của người nữ, rằng họ phải im lặng trong những buổi hội họp của cộng đoàn (xc. 1Cr 14,34-35)? Hay thánh nhân là một người biết đánh giá đúng và trân trọng sự lãnh đạo của những người nữ trong cộng đoàn thời sơ khai (xc. Rm 16,1-16)? Con người Phao-lô đích thực là gì đây? Quả thực tìm hiểu về vấn đề này chẳng dễ chút nào, đến nỗi tác giả Pierre Debergé đã phải thốt lên: “Nếu có một khảo luận nào về vấn đề này, khảo luận ấy sẽ là ngòi nổ lớn! Người ta không chỉ tố cáo thánh Phao-lô là ghét phụ nữ, nhưng người ta còn bắt thánh nhân chịu trách nhiệm về việc hạ giá tính dục cũng như chủ trương bài phụ nữ trong Giáo hội.”[1]

Bài viết này không có tham vọng châm ngòi cho một cuộc nổ lớn, giải quyết rốt ráo về những vấn đề vẫn còn gây tranh cãi về những vấn đề nhạy cảm trên. Trong khả năng của mình, bài viết chỉ cung cấp một góc nhìn về vấn đề có chăng thánh Phao-lô là một con người có tư tưởng trọng nam khinh nữ? Thiết nghĩ để giải quyết chúng, có hai nguồn có thể cung cấp cho ta một cái nhìn mờ mờ về con người Phao-lô trong mối tương quan với phụ nữ, đó là các thư của ngài và sách Công Vụ Tông Đồ. Dĩ nhiên, để tìm hiểu về con người Phao-lô, các thư của ngài là những chọn lựa ưu tiên. Bên cạnh đó, Sách Công Vụ Tông Đồ cũng là một nguồn đáng lưu tâm.

Những dấu vết của sự kỳ thị

Khi biết tôi đang tìm hiểu về đề tài này, một người bạn đã nói với tôi rằng phí sức làm gì, đàng nào thì thánh nhân cũng khinh thường phụ nữ. Bằng chứng rõ nhất là trong 1Cr 14,34-35 có viết: “Phụ nữ phải làm thinh trong các buổi họp, vì họ không được phép lên tiếng; trái lại, họ phải sống phục tùng như chính Lề Luật dạy. Nếu họ muốn tìm hiểu điều gì, thì cứ về nhà hỏi chồng, bởi vì phụ nữ mà lên tiếng trong cộng đoàn thì không còn thể thống gì.”

Ở một chỗ khác, ta đọc thấy đàn ông là thủ lãnh của phụ nữ, giống như Đức Kitô là thủ lãnh của mọi người, và Thiên Chúa là thủ lãnh của Đức Kitô (1 Cr 11,3). Và không chỉ trong kết hiệp hôn nhân, mà tự nhiên còn là thế. Quả thực, đàn ông không được rút ra từ đàn bà, nhưng đàn bà từ đàn ông (1 Cr 11,8). Adam được tạo dựng đầu tiên, tiếp đó mới tới Eva (1 Tm 2,13), do đó họ phải phục tùng đàn ông. “Khi nghe lời dạy dỗ, đàn bà phải thinh lặng và hết lòng phục tùng. Tôi không cho phép đàn bà giảng dạy hay thống trị đàn ông, trái lại họ phải thinh lặng, vì Adam được tạo dựng trước, rồi mới đến Eva. Cũng không phải Adam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi bị dụ dỗ. Tuy nhiên, người đàn bà sẽ được cứu nhờ sinh con cái, nếu kiên trì giữ đức tin, đức mến và sự thánh thiện, với lòng đơn sơ giản dị” (1 Tm 2,11-15).

Bên cạnh đó, đàn ông là hình ảnh và phản chiếu Thiên Chúa, phụ nữ là hình ảnh của đàn ông (1 Cr 11,7). Đàn ông không được tạo dựng vì đàn bà, nhưng đàn bà vì đàn ông (1 Cr 11,9). Không phải Adam đã bị cám dỗ, nhưng là người nữ, một khi bị cám dỗ, đã phạm tội (1 Tm 2,14).

Từ những dẫn chứng trên cho thấy có nhiều khả năng trong tư tưởng của thánh nhân có sự kỳ thị về phía phụ nữ.

Và những ý kiến bất đồng

Thế nhưng sự thật có phải là thánh nhân thuộc lập trường những người nam trị không?

Căn cứ vào thư 1Cr 14,34-35 một số nhà chú giải như N. Flanagan, E. H. Snyder, P. W. Odell-Scott, đoạn trên không phải là do thánh Phao-lô viết ra. Có lẽ chúng là phần cho thêm vào.[2] Bởi nếu thánh nhân viết những lời đó, ra như thánh nhân mâu thuẫn với chính mình. Vì nhiều chỗ khác, thánh nhân đã công nhiên khen ngợi và nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong việc lãnh đạo cộng đoàn[3]. Cụ thể hơn ta có thể quan sát thấy sự mâu thuẫn ngay cùng trong là thư. Ở 1Cr 11,5 ta nhận ra thánh Phao-lô kể phụ nữ trong cộng đoàn có thể nói tiên tri, cầu nguyện. Điều đó cho thấy tính chủ động của người nữ. Còn trong 1Cr 14,34-35 dường như họ buộc phải chịu sự thụ động trong những lần hội họp. Từ những tiểu tiết như thế cho thấy chắc hẳn đoạn văn (14,34-35) không do thánh Phao-lô viết ra. Giả như đoạn ấy mà do thánh nhân viết đi chăng nữa, chúng ta cũng cần lưu ý rằng chủ đích của lá thư này chính là việc xây dựng cộng đoàn tại Cô-rin-tô. Khi buộc các bà phải yên lặng, thánh nhân không có ý định xác định vị trí của các bà cho bằng việc ngài đang cố điều chỉnh một vài lộn xộn trong cộng đoàn như việc nói các ngôn ngữ, nói tiên tri.[4]

Bên cạnh đó, cũng có những lý chứng cho thấy rằng không thể nào kết luận thánh Phao-lô chủ trương buộc phụ nữ trong các buổi hội họp phải yên lặng. Ta nhận thấy những phụ nữ như Pơ-rít-ca, Phê-bê có vai trò là những người lãnh đạo trong cộng đoàn[5]. Sao trong những buổi hội họp, những người lãnh đạo lại có thể yên lặng cho được?

Ở những thư khác, nhất là thư thứ nhất gửi Giáo đoàn Cô-rin-tô (11,2-6), có nhiều người căn cứ vào đây để cho rằng tác giả thư này là một người có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Điều đó không thể cấm họ đặt lại vấn đề về Ơn Linh Hứng. Phải chăng trong bầu khí Ki-tô giáo, người ta luôn đề cao nam giới và đè nén người nữ? Thiết nghĩ để hiểu đúng tư tưởng của thánh Phao-lô, xem thánh nhân có đúng như những gì mà người đời kết án không, ta cần đọc lại bản văn dưới ánh sáng của khoa chú giải.

Trong thư Thứ nhất Cô-rin-tô, ta dễ bị dị ứng với những câu như: “Tôi muốn anh em biết rằng thủ lãnh của người nam là Đức Ki-tô, thủ lãnh của người nữ là người nam, và thủ lãnh của Đức Ki-tô là Thiên Chúa” (11,3). Hay những câu như: “Người nam không được che đầu, bởi vì là hình ảnh và vinh quang của Thiên Chúa; còn người nữ là vinh quang của người nam” (11,7); “Bởi thế, người nữ phải mang trên đầu một dấu hiệu phục tùng, vì có các thiên thần” (11,10).

Đọc qua bản văn ta dễ nhận ra dường như thánh Phao-lô đã đồng hoá tấm khăn che đầu của người nữ thường mang trong những buổi phụng tự là dấu hiệu của sự phục tùng nam giới. Trong bản văn, thánh nhân đã xử dụng từ “Exousia” trong ngôn ngữ Hi Lạp[6]. Do đó, chẳng lạ gì trong cách dịch và hiểu, người ta thường nghĩ từ đó ám chỉ sự phục tùng quyền bính nơi người vợ đối với chồng. Rằng trong các cộng đoàn Ki-tô giáo, người vợ luôn phải chịu sự truyền khiến của chồng. Thế nhưng thực tế không phải thế. Đọc kĩ bản văn ta nhận thấy trước những khuynh hướng cải cách trong cộng đoàn Cô-rin-tô, Phao-lô muốn biện minh cho tập tục để các phụ nữ đội khăn trong các buổi phụng tự. Những lập luận ông đưa ra về trình thuật Sáng tạo thấm đẫm tư duy Do Thái – Hi Lạp. Có vẻ như c. 7 chỉ công nhận người nam là hình ảnh xác thực của Thiên Chúa. Nhưng ta cũng lưu ý hai lần thánh nhân đã bỏ ngang lý luận của mình. Dường như ông tự mâu thuẫn với chính mình: “Tuy nhiên, trong Chúa, không nam thì chẳng có nữ, và không nữ thì chẳng có nam. Thật thế, như người nữ tự người nam mà có, thì người nam cũng bởi người nữ mà sinh ra, và mọi sự đều tự Thiên Chúa mà có” (11,11-12). Và trong c. 16 dường như ông có vẻ đuối lý trong những lập luận của mình. Lúc ấy chỉ còn lý do quan trọng duy nhất đó chính là sự thống nhất trong những cộng đoàn Ki-tô giáo. “Ngoài ra, nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội Thánh của Thiên Chúa” (c. 16).

Giữa những tranh cãi rằng dựa trên bản văn (1Cr 11,2-6), thánh Phao-lô có tư tưởng trọng nam khinh nữ hay không? Chúng tôi thấy lối lý giải của tác giả Vũ Phan Long soi sáng rất nhiều cho việc hiểu đúng bản văn.[7] Bằng những khảo cứu của mình trong lãnh vực lịch sử và ngữ học, tác giả cho thấy việc hiểu bản văn trên theo hướng trọng nam khinh nữ là điều sai lầm. Từ đấy tác giả đã đi đến kết luận:

“Trong bối cảnh phụng tự, có thể nói người nữ được tự trị đối với người nam, bởi vì khi đó bà ở trong quan hệ trực tiếp với Thiên Chúa nhờ trung gian của các Thiên thần. Cái khăn của bà, ngoài việc bảo đảm cho bà có sự đoan trang cần thiết để chồng bà cũng có sự tôn vinh Thiên Chúa mà không bị ô nhục, còn là dấu chỉ về sự tự trị của bà, về quyền của bà, về khả năng (pháp lý) của bà là được tham dự vào việc phụng tự. Bà hoàn toàn tự do.”[8]

Như thế, ta không thể quy kết thái độ trọng nam khinh nữ cho Phao-lô. Tuy nhiên ta cũng không thể phủ nhận những ảnh hưởng của tư tưởng Do Thái - Hi Lạp trên thánh nhân trong lúc soạn thảo các thư. Thế nhưng nằm bên dưới những ảnh hưởng văn hoá ấy, ta còn nhận ra thái độ xuyên suốt trong truyền thống Ki-tô giáo, rằng người nam và người nữ hoàn toàn bình đẳng với nhau trước mặt Chúa. Dù rằng đôi lúc ta đọc thấy: “chồng là đầu của vợ” (Ep 5,23), nhưng dần dần câu nói ấy cũng được hiểu theo nghĩa tương đối: cả vợ lẫn chồng đều là chi thể của một thân thể mà đầu là Đức Ki-tô (Ep 5,30). Tất cả những điều này ta sẽ nhận thấy rõ nét trong cuộc đời và lối ứng xử của Đức Ki-tô – Thiên Chúa nhập thể[9].

Tạm kết

Qua những tìm hiểu thoáng qua lập trường của thánh Phao-lô về phụ nữ dựa trên các thư của ngài, chúng ta thấy rằng để đưa ra một phán quyết rõ ràng về vấn đề này không phải đơn giản. Liệu thánh nhân có tư tưởng trọng nam khinh nữ không, đó là điều khó nói. Chúng ta chỉ có thể ghi nhận rằng thánh Phao-lô rất trân trọng những đóng góp của phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin mừng cũng như vai trò của họ trong việc xây dựng và củng cố các cộng đoàn. Và như thế, so với những lối ứng xử của những người đàn ông khác thời của ngài, ra như ngài có cái nhìn thoáng hơn về vị trí và vai trò người phụ nữ. Chí ít ngài cũng làm khác với những điều trong các giáo huấn mà sách Torah chỉ thị: “Thà đốt cháy những lời của Torah còn hơn là giao cho phụ nữ.”[10] Do đó, khi liệt thánh nhân vào số những người cổ võ sự kỳ thị, “người ta quên mất rằng nếu như thánh Phao-lô sống trong một thế giới văn hoá ở đó vị trí và quyền hành được nhìn nhận là thuộc về người đàn ông, thì thánh nhân cũng lại là chứng nhân của sự biến đổi triệt để mà lời loan báo Tin mừng đã thực hiện trong những mối tương quan đàn ông – phụ nữ.”[11]

Bên cạnh đó, ta cũng không thể thẳng thừng phi bác những cáo buộc dành cho thánh nhân trong cách cư xử bất bình đẳng đối với phụ nữ. Chỉ xin lưu ý một điều, khi cáo buộc như thế, ta nên đặt thánh nhân trong bầu khí xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ. Để từ đó ta có thể có cái nhìn khoan dung hơn về con người và tư tưởng của ngài.[12]

 

 

[1]Pierre Deberg, Paul, le Pasteur, cahiers Evangile, số 126, 2003. Bản dịch của Nguyễn Tất Trung (Tu viện Rất Thánh Mân Côi: 2009), tr. 92-93.

[2] Xc. Raymond E. Brown, Joseph A. Fitzmyer, Roland E. Murphy, biên tập, The New Jerome Biblical Commentary (New Jersey: Prentice Hall, 1990), p. 811.

[3] Xc. Rm 16,3-4; Cv 18,24-26; 1Cr 16,19-20; 1Cr 1,10-11.

[4]Pierre Deberg, ibid., tr. 100-101.

[5] Xc: Rm 16,1-4; Cv 15,38; Rm 16,21; 2Cr 8,23;

[6]Exousia: có nghĩa là : quyền bính, uy quyền, quyền lực, khả năng chọn lựa, tự do hành động.

[7] Xc. Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Các Thư Phao-lô (H Nội: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2008), tr. 105-107.

Ví như về mặt lịch sử, ý nghĩa của khăn đội đầu ngồi sự đoan trang của phụ nữ, chúng còn là biểu tượng sự hiện diện của các Thiên thần – có vai trò chuyển lời cầu nguyện lên Thiên Chúa. Về mặt ngữ học, cách dùng từ “có một ‘exousia’ (uy quyền) trên đầu” thể hiện sự chủ động (sở hữu một quyền) chứ không bị động. Do đó ta có thể suy đóan rằng cái khăn dùng để đội đầu, ngồi chuyện thể hiện sự đoan trang, hành vi tôn vinh Thiên Chúa, còn là dấu hiệu của sự tự trị của người phụ nữ, về quyền, khả năng pháp lý của họ là được tham dự vào việc phụng tự. Họ hòan tòan tự do.

[8]Vũ Phan Long, ibid., tr. 107.

[9]Xem thm: Pierre Deberg, ibid., 95-97.

[10]Pierre Deberg, ibid., tr. 101.

[11] Pierre Deberg, ibid., tr. 92-93.

[12] Xc. Edouard Cothenet, Saint Paul en son temps, trong Cahiers Evangile, số 26 (1978). Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Tất Trung (Tu viện Rất Thánh Mân Côi: 2009), tr. 119-123.

Nguồn Đa Minh Việt Nam