Home Đời Sống Tôn Giáo Tu sĩ Ngô Quang Kiệt sau một năm từ chức

Tu sĩ Ngô Quang Kiệt sau một năm từ chức PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Bảo Tư   
Chúa Nhật, 14 Tháng 8 Năm 2011 11:25


 
Tính tới tháng 8-2011 là vừa tròn một năm Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trở về và sống tại Việt Nam.

TGM Ngô Quang Kiệt sau 1 năm

Tính tới tháng 8-2011 là vừa tròn một năm Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trở về và sống tại Việt Nam. TGM Kiệt đã từ chức tổng giám mục Giáo phận Hà Nội ngày 12 tháng 5-2011 và rời Việt Nam ngay đêm cùng ngày.

[Tu sĩ Giuse Ngô Quang Kiệt là không còn là TGM Giáo phận Hà Nội, và không được cử đi làm việc ở một giáo phận khác.Vì thế chức danh đúng của ông la à TGM Danh dự, Archbishop Emeritus ̵ DCVOnline (Source: Wikipedia)]

Bài viết này nhằm tìm hiểu TGM Ngô Quang Kiệt sau khi trở lại Việt Nam đã sống ra sao, đã làm những gì trong một năm qua; và những việc ông làm có ảnh hưởng gì không tới hoạt động của Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay.

Nhưng tới đây thì không thể không đặt câu hỏi, “Tại sao TGM Kiệt lại quay về?”

Bài viết, do đó, sẽ có 2 phần:

- Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự trở về của TGM Ngô Quang Kiệt. Phần này dựa vào một số tin tức sẵn có nhưng nhận định là suy đoán của người viết.
- Tóm tắt vài hoạt động của TGM Ngô Quang Kiệt sau khi trở về Việt Nam.

Tại sao TGM Ngô Quang Kiệt quay về?

Năm 2008, nhà cầm quyền Cộng sảnViệt Nam ngang nhiên thu đoạt khu đất 42 Nhà Chung (trước năm 1959 là Tòa Khâm sứ Giáo hội Thiên Chúa giáo) và 178 Nguyễn Lương Bằng (thuộc Giáo xứ Thái Hà) để sang nhượng cho tư nhân. Toà Tổng Giám Mục Hà Nội đã làm đơn khiếu nại nhiều lần từ hàng chục năm trước nhưng đều bị nhà cầm quyền làm ngơ. Đó là lý do dẫn đến việc giáo dân họp nhau cầu nguyện liên tục. TGM Ngô Quang Kiệt ủng hộ việc cầu nguyện của bà con bằng lời khẳng định: “Nếu có ai phải bị bắt vì cầu nguyện, bị đi tù, tôi sẽ đi thay họ”.

CSVN rất bực tức và tìm cách chặn đứng làn sóng phản kháng này bằng cách loại trừ vị chủ chăn. Ngày 22 tháng 9-2008, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo gởi một văn bản tới Hội đồng Giám mục VN, đề nghị thuyên chuyển TGM Kiệt ra khỏi Hà Nội.

Trong 2 năm liền, sau nhiều biến chuyển căng thẳng nổ ra giữa giáo dân và quan quyền, CSVN hoàn toàn thất bại trong âm mưu chiếm đất. Cả hai khu vực Tòa Khâm Sứ và 178 Nguyễn Lương Bằng trở thành công viên, 8 giáo dân Thái Hà bị truy tố về tội “gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản quốc giả” không bị án tù giam, nhưng bị án treo. Sau hai sự kiện này, CSVN càng lo ngại và càng quyết tâm trừ khử TGM Kiệt. Kết quả, ngày 12 tháng 5-2010, TGM Ngô Quang Kiệt rời bỏ chức vụ tổng giám mục. Cũng trong cùng ngày, giữa đêm khuya, ông đã âm thầm rời khỏi Việt Nam. (1)

Thế nhưng, chưa đầy 3 tháng sau - chiều ngày 6 tháng 8-2010, GM Ngô Quang Kiệt lại đột ngột quay về Hà Nội. Tại sao có chuyển biến kỳ lạ này? Để tìm hiểu, ta cần nhìn lại một số sự kiện trước và sau.

Trong những năm gần đây, cả Vatican lẫn Việt Nam đều muốn nối lại quan hệ ngoại giao tuy mỗi bên có mục đích khác nhau. Phía CSVN, việc bình thường hóa quan hệ với Tòa Thánh sẽ tạo cho họ một bộ mặt tốt hơn để dễ dàng giao thiệp với thế giới tự do. Còn phía Tòa Thánh, mối quan hệ chính thức sẽ giúp Giáo hội Thiên Chúa giáo phát triển nhưng không bị cuốn vào hệ thống Thiên Chúa giáo “quốc doanh” do nhà cầm quyền đặt ra. Hai bên đã cử nhiều phái đoàn thăm viếng nhau. Quan trọng nhất là chuyến thăm Vatican của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2007 và của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm 2009.

Đã có dư luận cho rằng trong cuộc viếng thăm Vatican, ông Triết đã làm một cuộc “trao đổi” với Tòa Thánh, trong đó CSVN muốn TGM Kiệt phải thoái vị. Tin này khi tung ra đã làm bà con giáo dân Hà Nội hết sức đau buồn và phẫn nộ.

Trước ngày 12 tháng 5 đúng 1 ngày, một bài báo của AsiaNews đã có đoạn viết như sau:

    “State reporters have confirmed that the resignation of the bishop will take place between 13 and 18 May at the latest. They have received orders from the State to portray the withdrawal of the Archbishop as a government victory in having forced the Vatican to accept their “road map”. According to these journalists, for the weekend, the local government authorities are preparing a huge party to celebrate the “victory”. (2)

    (Những nhà báo trong nước xác định rằng sự từ chức tổng giám mục sẽ xảy ra vào ngày 13 tháng Năm, trễ nhất là 18. Họ được lệnh Nhà nước phải mô tả việc từ chức của Tổng Giám Mục là một chiến thắng của chính quyền đã buộc được Vatican phải đi theo “lộ trình” của họ. Những nhà báo ấy còn cho biết, giới quan chức địa phương sẽ sửa soạn một pạc-ti linh đình vào cuối tuần để ăn mừng “chiến thắng”)

[Theo lời tự giới thiệu thì “AsiaNews.it” là một trang báo mang tính truyền đạo (a missionary gesture) của Thiên Chúa giáo chính là cho người dân Trung Quốc vì hai lý do:một là chính sách tuyên truyền vô thần của nhà nước địa phương và hai là để mở rộng mặt truyền thông cho giới trẻ tại nước CHND Trung Hoa. Nguồn: www.asianews.it Now Available in English and Chinese ]

Xin được nhấn mạnh rằng ngày 12 tháng 5-2011 là ngày Giáo hoàng Benedict 16 chính thức chấp nhận đơn từ chức của TGM Ngô Quang Kiệt đã đệ trình từ nhiều tháng trước; nói một cách khác TGM Kiệt không hề bị Vatican cách chức như nhiều trang báo đã rêu rao. Bài viết cũng sẽ dùng danh xưng “Giám Mục Ngô Quang Kiệt” sau mốc thời gian này để tôn trọng quyết định từ nhiệm của ông.

Điều nực cười là, không một tờ bào “lề phải” nào dám nói về những điều diễn ra sau đó cho thấy nhà nước Cộng sản bị dồn vào thế yếu. Vì sau khi đẩy được TGM Kiệt ra khỏi nước, CSVN lại rơi vào một mối lo khác, đó là Vatican rất có thể sẽ phong Hồng Y cho TGM Ngô Quang Kiệt như đã làm với TGM Nguyễn Văn Thuận.

Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị CSVN bắt năm 1975 và giam giữ nhiều nơi khác nhau. Mãi tới năm 1988, ông mới được thả khỏi tù nhưng vẫn bị quản chế tại Hà Nội. Năm 1990, TGM Thuận đến Roma trị bịnh, và CSVN cấm ông trở về nước. Thế nhưng, Tòa Thánh đã phong cho ông nhiều chức vị quan trọng trong Giáo Triều. Năm 2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô II tấn phong TGM Nguyễn Văn Thuận chức Hồng Y.

Những bài giảng của HY Nguyễn Văn Thuận từng nhắc tới cảnh sống khốn khổ của các tù nhân Cộng sản. Những điều này trở thành bằng chứng hùng hồn tố cáo sự tàn ác của chế độ. Như thế, nếu GM Ngô Quang Kiệt được phong Hồng Y và với khẩu khí quyết liệt vốn có, ông sẽ sẵn sàng vạch trần mọi thủ đoạn gian manh của CSVN cho cả thế giới biết. Điều này rất nguy hại trong giai đoạn hiện nay, khi CSVN đang muốn mở cửa làm ăn với thế giới và phải tìm mọi cách che đậy bộ mặt gian xảo độc ác. (3)

Theo VietCatholic News, trong Phiên họp Hỗn hợp Vòng Hai tháng 6-2010 tại Vatican, đoàn Việt Nam đã đề nghị Toà Thánh cấm không cho GM Ngô Quang Kiệt về nước kể cả dịp đại hội các Giám mục Việt Nam (tháng 10-2010) và không bổ nhiệm ông vào bất cứ chức vụ nào ở Toà Thánh.

Đáp lại, Vatican cho rằng, GM Ngô Quang Kiệt chưa bị tước quyền công dân Việt Nam nên Toà Thánh không thể làm việc vi phạm nhân quyền, vi phạm cả pháp luật Việt Nam. Còn việc bổ nhiệm nhân sự ở Vatican, đó là công việc nội bộ mà Việt Nam không nên can thiệp, giống như Vatican không thể đề nghị ai làm chức gì trong nội các Việt Nam. (4)

Phải chăng thái độ cứng rắn của Vatican đã làm CSVN lúng túng?

Việc Ngô Quang Kiệt trở thành Hồng Y quả là mối nguy quá lớn, CSVN sẽ không tài nào đoán ra và sẽ hoàn toàn bó tay trước những điều ông làm bên ngoài nước Việt Nam.

Theo suy đoán của người viết, CSVN không thể không biết khả năng GM Ngô Quang Kiệt được chọn làm Hồng Y. Thế nhưng CSVN hẳn nghĩ rằng vì Vatican quá muốn có bang giao nên Vatican sẽ thuận theo bất cứ điều kiện nào CSVN đưa ra.

Tưởng cũng nên nhắc lại sự kiện Hồng Y Roger Etchegary ngày 22 tháng 11-2009 (nửa năm trước khi TGM Kiệt từ nhiệm). Cuối thánh lễ, ông đã trao gậy mục tử lại cho TGM Ngô Quang Kiệt. Hành động ấy được suy đoán như lệnh truyền của Tòa Thánh rằng, TGM Kiệt phải trụ lại, không được xin từ chức nữa. Sự kiện “trao gậy mục tử” này đã làm rất nhiều người tin tưởng và hy vọng TGM Kiệt sẽ không ra đi. Nhưng kết quả hoàn toàn trái với mong đợi ấy. Vì lẽ đó, đã có nhiều lời oán trách Tòa Thánh “bán đứng” con cái mình.

Xin hỏi những người lớn tiếng trách cứ Tòa Thánh có theo dõi các diễn tiến sau đó hay không? Nếu có, ắt thấy Tòa Thánh không đi theo “lộ trình” của CSVN, trái lại đến lượt CSVN buộc phải chọn lựa, hoặc GM NGô Quang Kiệt thành quan chức Vatican, hoặc phải để ông trở lại Việt Nam.

Và CSVN đã chọn cách thứ hai. Điều này tuy có cái nguy hại của nó nhưng CSVN hẳn tin rằng họ đủ khả năng để khống chế một người tù bị giam lỏng. Và GM Ngô Quang Kiệt đã trở về Việt Nam ngày 6 tháng 8-2010.

Vì sự nhượng bộ của CSVN, sự thương thảo không bị đứt quãng nữa. Kết quả, ngày 13 tháng 1-2011, Giáo hoàng Benedict 16 đã bổ nhiệm Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện Không thường trú đầu tiên của Tòa Thánh tại Việt Nam, đánh dấu một bước biến chuyển mới trong quan hệ Vatican-Hà Nội.

Trên đây chỉ là những suy đoán riêng của người viết, hư thực ra sao, tương lai sẽ trả lời. Nhưng dù vì lý do nào đi chăng nữa, sự trở về của GM Kiệt vẫn là niềm hân hoan vô vàn của bà con giáo dân Hà Nội, khiến người ở xa cũng được vui lây.

GM Ngô Quang Kiệt tại Châu Sơn

Tu sĩ dòng Cistercians Việt Nam
Nguồn: Wikipedia

Sau khi trở về, GM Ngô Quang Kiệt đã đến sống tại Đan viện Châu Sơn (còn có tên là Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn – [tên phổ quát của nhiều tu viện (abbey) ở Ninh Bình, Saccramento, Đơn Dương, v.v… của dòng Cistercians còn gọi là dòng Bernadines hay dòng của các tu sĩ mặc áo trắng, white monks - DCVOnline.])

Đây là một trong những đan viện cổ kính nhất của Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam. Đan viện Châu Sơn cách Hà Nội khoảng 80km về phía Nam nằm ẩn mình trong khu vực làng xóm và sau những quả núi nhấp nhô. Nếu không có tấm biển chỉ đường, ít ai có thể biết rằng ở đó có một đan viện. (5)

 

Đường từ Hà Nội đến xã Chúc Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình
Nguồn: photobucket

Những ai đã từng mang lòng ngưỡng mộ và thương mến Linh mục Kiệthẳn không khỏi băn khoăn, lo ngại: Từ chức vụ cao trọng là thế nay chỉ còn là một linh mục tầm thường không biết Linh mục Kiệtcó tủi thân không, có nản lòng không? Lại còn tách biệt nơi đèo heo hút gió thì người có cô đơn không?

Có người còn chua chát bảo, sau khi không còn là tổng giám mục nữa thì ông Kiệt sẽ chả là gì cả; bị cho “về vườn” rồi thì cũng như hổ trong chuồng, như cọp cháy móng, coi như xong!

Một năm thấm thoát trôi qua, GM Ngô Quang Kiệt đã sống ra sao, đã làm những gì?

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi trở thành giám mục, rồi tổng giám mục, Linh Mục Ngô Quang Kiệt đã từng là linh mục Giáo phận Lạng Sơn, nơi còn có tên là “giáo phận 3 không”, không nhà thờ, không linh mục, không cả giáo dân. Lúc bấy giờ linh mục Kiệt đã phải làm tất tật mọi chuyện từ kéo chuông, dâng lễ, đóng cửa, đến cả quét nhà thờ… Cảnh sống đơn sơ, làm việc vất vả không hề xa lạ với ông. GM Kiệt đến Châu Sơn là tách khỏi những công việc tất bật của một tổng giám mục để trở về cuộc sống lặng lẽ thuở trước.

        Nhà tu Châu Sơn dòng Cistercians (Nho Quan, Ninh Bình)

Nhưng từ ngày nghe tin có “Đức Tổng Kiệt” đến ở thì đan viện ít người biết kia bỗng trở nên nổi tiếng. Người ta kéo nhau đến viếng Châu Sơn như đi hành hương. Xin trích lời anh J.B. Nguyễn Hữu Vinh (một tín hữu có nhiều bài viết về tình hình Giáo hội Thiên Chúa giáo VN) kể lại chuyến viếng thăm GM Ngô Quang Kiệt. (6)

    Trong câu chuyện với chúng tôi, ngài luôn nhắc đi nhắc lại rằng: Sự thật, sự thật là điều quan trọng nhất trong mọi hành động, suy nghĩ và hành xử của mỗi người tín hữu. Ngài nói rằng: “Ở đây, ngay cả ngôi nhà thờ không tô trát cũng có ý nghĩa của nó. Sự thật không cần che đậy bóng bẩy, vẫn bền vững với thời gian và giữ nguyên giá trị của nó”.

    Mỗi ngày khi có thời gian, ngài đi bộ từ Đan viện đến chân núi và leo lên hơn 300 bậc đá lên hang Đức Mẹ để cầu nguyện tại đó. Chúng tôi đã leo lên nơi này, những người mới đến lần đầu, leo lên đến nơi cũng phải nghỉ vài đợt, toát mồ hôi. Vậy mà các đan sĩ cho biết ngài vẫn lên cầu nguyện ở đó bình thường hàng ngày.

    Những năm tháng ở đây, ngài cùng làm việc, cùng cầu nguyện với các đan sĩ, không giờ kinh nào ngài bỏ sót theo lệ nơi đây với 7 lần cầu nguyện mỗi ngày.
    Những giờ lao động với cỏ cây, với đất đai nơi này, ngài có nhiều dịp để tiếp xúc với thiên nhiên. Ngài nói với chúng tôi: “Ở đây, làm việc với đất đai, với cỏ cây thì càng thấy rằng sự thật là cần thiết. Cần phải làm thật mới có kết quả, không thể làm dối được, làm dối thì cây cỏ và đất sẽ sẽ có câu trả lời ngay”.

Những nhận xét của GM Kiệt về thiên nhiên không có gì mới mẻ, bất cứ bác nông dân nào cũng hiểu điều sơ đẳng này, và chính vì thế họ đã đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo trở thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Mỉa mai thay, những nông dân cần cù lại vẫn là lớp người bần cùng nhất trong xã hội; cũng như Linh mục Kiệt, người được bà con giáo dân thương mến từng gọi là “Chứng nhân Công Lý và Sự Thật” thì bị tước quyền, bị giam lỏng như một tội phạm.

Nhưng Sự Thật không hề bị hủy diệt, vẫn sống, vẫn cháy sáng. Sự Thật có thể lụi tàn trong những trái tim đầy dối trá vì đớn hèn hay tham lam, nhưng Sự Thật lại bùng cháy trong những tâm hồn trong sáng đầy nhiệt huyết. Đó chính là lý do tại sao GM Ngô Quang Kiệt được các tín hữu trẻ tuổi hết sức thương mến. Nhiều nhóm bạn trẻ từ nhiều miền đất nước đã rủ nhau đi thăm Linh mục Kiệt. Tại Châu Sơn họ được chính mắt nhìn thấy vị mục tử can trường, được nghe người giảng dạy, được có những giờ phút tĩnh tâm trong khung cảnh u nhã của đan viện cổ kính. (7)


Chuyện GM Kiệt được các em thanh niên thương mến cũng không có gì lạ vì chính ông luôn là người quan tâm và dìu dắt các em. Tháng 11 năm 2008, TGM Ngô Quang Kiệt đã lập ra một nhóm bạn trẻ thiện nguyện, “Nhóm Emmaus”. Hoạt động chính của Nhóm là đưa kiến thức HIV tới các bà con vùng sâu vùng xa và cũng như giảm thiểu phân biệt đối xử với người nhiễm bệnh.

Một bạn trẻ Nhóm Emmaus tâm sự (8):

    Emmaus khi dịch sang tiếng việt có người viết là “emau”, 2 chữ “m” thành còn 1 chữ “m” và từ đó có người đọc là “e mau”, hoặc là “ê mau”. Một năm trước khi nhóm Emmaus chúng tôi đang bán hàng để quyên tiền giúp cho những bệnh nhân HIV thì có một bác hỏi tôi sao lại gọi là nhóm “ê mau”? “Ê mau” có phải là lời mời gọi của 2 người bạn đi cùng nhau, một người gọi người kia “ê đi mau” không? Tôi cười thầm nhưng cũng hiểu cho bác ấy, bác ấy không phải là người Thiên Chúa giáo nhưng lại rất thích đạo Thiên Chúa giáo, thứ Bảy nào bác ấy cũng đi lễ và thuộc hết những nghi thức trong Thánh Lễ cũng như kinh cần thiết của người Thiên Chúa giáo. Với câu hỏi của bác mà để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, và càng suy nghĩ tôi lại thấy yêu nhóm Emmaus hơn nữa bởi công việc của chúng tôi đang làm.

    Theo Thánh sử Luca (24, 13-35) nói về Đức Giêsu hiện ra với 2 môn đệ trên đường Emmaus. Hai môn đệ đã đồng hành cùng với nhau trên con đường trở về quê sau khi Đức Ki-tô bị chết treo trên cây thập giá, nhưng khi Đức Ki-tô tỏ mình ra cho họ được biết, họ đã đồng hành cùng nhau trở lại Giê-ru-sa-lem loan truyền tin mừng Đức Ki-tô phục sinh.   

                Nhóm Emmaus nghe giảng tại tu viện Châu Sơn

Gần đây nhiều trang mạng cũng đăng tải hai bài giảng của GM Ngô Quang Kiệt, “Cho những người xa quê” nhân lễ Phục Sinh 2011, và “Tôi là người Thiên Chúa giáo loại nào?” trong buổi hội thảo Doanh nhân Trí thức Thiên Chúa giáo tại Đan viện Châu Sơn.

Trong bài giảng “Tôi là người Thiên Chúa giáo loại nào?” GM Kiệt đã nói đến những con buôn Trung Cộng và phản đối Giáo hội “quốc doanh” do CSVN lập ra (9):

    “Có những người tự xưng là Thiên Chúa giáo, nhưng trong việc làm thì mình không phải là người Thiên Chúa giáo. Thậm chí, có những người không có Thiên Chúa giáo nhưng chỉ dán nhãn hiệu là cái mác Thiên Chúa giáo vào thôi. Anh chị em thấy người Trung Quốc họ giỏi lắm, lên chợ Lạng Sơn thấy ảnh Chúa, ảnh Mẹ đầy tràn cả, cái nào có tiền là các anh ấy làm. Nhưng họ không có đạo, ở Trung Quốc người Thiên Chúa giáo rất ít, nhưng tràng hạt, Chúa, Mẹ… anh ta làm hết, miễn có tiền, nhưng làm ra thì chỉ bán ra ngoài chứ không có bán được trong nước! Đấy là những nhãn hiệu Thiên Chúa giáo, nhưng thực chất không phải là Thiên Chúa giáo.

    Ngoài ra, chúng ta còn thấy rất nhiều cái khác nữa, chẳng hạn như là Ủy Ban đoàn kết Thiên Chúa giáo. Ủy ban ĐKCG cũng có người Thiên Chúa giáo, có người bỏ đạo lâu rồi, thậm chí có những người không Thiên Chúa giáo… Ủy ban đó chỉ có nhãn hiệu Thiên Chúa giáo, vì nền tảng không phải là tổ chức của Giáo hội, không phải do Giáo quyền lập ra, nên cái Thiên Chúa giáo đó cũng chỉ là nhãn hiệu. Cho nên Thiên Chúa giáo đó cũng như hàng hóa của Tàu nào là tràng hạt, nào là tượng ảnh… thì cái đó không phải của người Thiên Chúa giáo làm ra nhưng do những người buôn bán, kiếm tiền làm ra.”

Thái độ kiên quyết trước cái xấu của GM Ngô Quang Kiệt không chỉ le lói giữa bốn bức tường Đan viện mà còn lan tỏa xa hơn, là cái lõi cho những buổi thắp nến cầu nguyện. Anh Paulus Lê Sơn - một thanh niên Giáo phận Thanh Hóa vừa bị bắt cùng với 6 người Thiên Chúa giáo khác ngày 3 tháng 8 vừa qua - chia xẻ cảm xúc về những buổi thắp nến ấy (10):

    Cầu nguyện bằng phương thức thắp nến khiến cho lòng người ta hướng thiện nhiều hơn, cảm xúc nhận biết thần khí như dồi dào hơn, ánh sáng như soi rọi trên mỗi người tràn trề hơn, và người ta bắt đầu yêu thích phương cách đốt nến cầu nguyện nhiều hơn.

    Tinh thần ngọn nến cháy sáng như được thấm đượm trong tâm hồn mỗi người tín hữu. Những đêm thắp nến cầu nguyện nối tiếp khắp cả miền Bắc như một lời khẳng định, một ước nguyện cho một nền Công Lý-Sự Thật sớm được triển nở trên quê hương Việt Nam.

    Phải chăng phương cách thắp nến cầu nguyện được khởi đi từ “Tinh thần Ngô Quang Kiệt”, nay đã bén rễ sâu và đang bắt đầu trổ lúa đơm bông?

Thứ Bảy 30/07/2011 tại Giáo xứ Thái Hà, tuy trời mưa bão, đã có đến 2500 người tham dự thánh lễ cầu nguyện cho quê hương đất nước thoát khỏi họa ngoại xâm Trung Cộng, cho Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý và luật gia Cù Huy Hà Vũ đang bị cầm tù.


Nhắc tới những điều trên sẽ làm buồn lòng một số người - những người từng tìm mọi cách nhổ bật tu sĩ Ngô Quang Kiệt ra khỏi Hà Nội. Những người này hẳn cho rằng Linh mục Kiệt chỉ tạo được ảnh hưởng khi nắm trong tay quyền cao chức trọng như tổng giám mục, hồng y, mà thôi.

Tiếc thay, người Cộng sản chỉ biết duy nhất một thứ sức mạnh - sức mạnh của bạo lực. Đó chính là lý do mọi nhà nước Cộng sản từ Nga Cộng đến Trung Cộng đến Việt Cộng đều xử dụng bạo lực để trấn áp người dân. Từ cải cách ruộng đất đến cách mạng văn hóa, từ các trại lao cải đến trại “học tập cải tạo”, từ thanh trừng nội bộ đến đàn áp biểu tình, hết thảy đều dùng mọi thủ đoạn bạo lực đẫm máu: bắt bớ , tra tấn, khủng bố, đe dọa,…

Sức mạnh bạo lực chỉ có được khi kẻ xử dụng nó còn nắm được chức quyền; nói cách khác, một khi không có quyền thì coi như thua, chẳng làm gì được nữa. Chính vì sùng bái quyền lực thay vì tin vào khả năng và trí tuế tự thân nên CSVN đã tưởng rằng khi Ngô Quang Kiệt không còn nắm quyền to chức lớn nữa thì chắc chắn ông sẽ thành một phế nhân, một kẻ vô dụng chẳng làm nên cơm cháo gì.

Trong bài giảng lễ Phục Sinh dành cho những người xa quê, GM Ngô Quang Kiệt nhắn gởi (11):

    Khi các tông đồ đi rao giảng thì bị quan quyền bắt bớ. Khi ông thánh Stê-pha-nô bị xử tử, mọi người sợ hãi và tản lạc đi nơi khác. Nhưng đi tới đâu thì họ vẫn rao giảng lời Chúa. Càng bách hại người Thiên Chúa giáo càng tản mác đi. Nhưng chính vì thế Lời Chúa đã lan tràn khắp nơi trên thế giới.

    Anh chị em xa quê, dù phải vất vả chúng ta vẫn có nhiệm vụ phải sống đạo, vẫn phải có nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Hãy quảng bá truyền thống đức tin tốt đẹp để những người chung quanh biết để Lời Chúa được lan tràn khắp nơi.

Biết bao người chúng ta là những kẻ xa quê?

Thuyền nhân tị nạn, lao động “người rơm”, các cô dâu lấy chồng người nước ngoài, các trẻ em bị bán hay bị bắt cóc, các dân oan mất đất, các thanh niên bỏ quê lên tỉnh, các tù nhân oan khuất,... trong số đó có một người tên Ngô Quang Kiệt.

Trong một năm hoạt động tại Đan viện Châu Sơn, người ấy vẫn là vị Tổng Giám Mục kính yêu của bà con giáo dân Hà Nội. Vì dù ở vị trí đơn sơ nhất, GM Giuse Ngô Quang Kiệt vẫn sống trọn vẹn với sứ mạng của một mục tử, vẫn không ngừng vun bồi cho cây niềm tin lớn mạnh trong lòng người, niềm tin vào Công lý và Sự thật. 

(1) VN dọa thi hành luật pháp với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, voanews.com, 22/09/2008
(2) The archbishop of Hanoi resigns. Triumph of the regime, J.B. An Dang - E. Nguyen, AsiaNews.it, 11/05/2010
(3) Mở rộng ra ngoài thành - Trở nên mọi sự cho mọi người, HY Nguyễn Văn Thuận
Đường Hy Vọng (phim tài liệu) HY Nguyễn Văn Thuận
(4) Vatican đã bác bỏ nhiều đòi hỏi phi lý từ phía Việt Nam như thế nào trong Phiên họp hỗn hợp vòng 2 tại Vatican, Đồng Nhân, vietcatholic,com, 30/07/2010
(5) Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình - Đan viện (monastery) tuy giống như tu viện là nơi cư trú và tu tập của các tu sĩ, nhưng các đan sĩ thực hành đời sống chiêm niệm cá nhân nhiều hơn; trừ thánh lễ, các giờ kinh nguyện được cử hành chung - Đan viện tiếng cổ Hy Lạp là monasterion, có gốc từ chữ monos có nghĩa “một mình” (“đan” còn viết là “đơn” cũng có nghĩa “một mình”)
(6) Thăm TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, vị giám mục ẩn mình cầu nguyệnJ.B. Nguyễn Hữu Vinh, 18/03/2011
(7) Sinh viên Thiên Chúa giáo tại Vinh ra hành hương Châu Sơn và chúc mừng TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, 21/03/2011
(8) Emmaus.! 28/04/2011
Sinh viên Ơn gọi Nam Định: Cảm nhận chuyến đi tĩnh tâm tại Châu Sơn, 14/04/2011
Nhóm Emmaus TGP Hà Nội về thăm giáo xứ miền thượng Đồng Gianh, 12/08/2009
(9) Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt: Tôi là người Thiên Chúa giáo loại nào?, 20/05/2011
(10) Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt và tinh thần Công lý–Sự thật, Paulus Lê Sơn, 19/04/2011
(11) TGM Giuse Ngô Quang Kiệt: Càng bách hại đạo Chúa càng phát triển, Chúa Giêsu cũng là một người xa quê
 
mythanh


Gửi Cha, Người Mục Tử

Có quyền lực không trong tay kẻ mạnh
Như sự thật không qua ngôn ngữ tuyên truyền
Hãy hỏi những mạch nước ngầm xoi nhũ thạch
Sức mạnh nào ngăn sự thật viễn miên?

Có người mục tử dẫn đoàn chiên
Không bằng bài giảng uy quyền nơi Cung Thánh
Vẫn bằng những mọn hèn toả sáng trong lành
Từ Người về Đan viện buồn hẻo lánh
Ngày kiên trì Hang Đức Mẹ cầu ơn
Đức Cha ơi, trời Châu Sơn vắng lạnh
Đường hành hương rộn ấm bước đoàn con ...