Home Đời Sống Xuân Tân Mão 2011 Nông - Ngư dân và Tết Tân Mão

Nông - Ngư dân và Tết Tân Mão PDF Print E-mail
Tác Giả: Nam Nguyên, phóng viên RFA   
Thứ Tư, 26 Tháng 1 Năm 2011 14:39

Mọi người mọi nhà chuẩn bị đón năm mới âm lịch trong số đó có hàng triệu gia đình nông dân ngư dân.

 Tết sẽ đến với thành phần lao động này như thế nào.

 
Người nông dân trồng Đào ở ngoại thành Hà Nội.AFP PHOTO

Một năm khó khăn

Nông dân miền Bắc miền Trung cuộc sống cơ cực hơn miền Nam vì đất hẹp người đông thời tiết khắc nghiệt. Năm nay Tết dường như  không đến với  nhiều  hộ ở miền cao vì hàng vạn trâu bò bị chết rét ngay trước Tết, sống đã khó khăn nói gì ăn Tết, biết bao thứ phải tiêu pha tốn kém.

Tết này cũng không phải ngày vui đối với gia đình mấy chục thủy thủ Việt Nam đang bị hải tặc Somalia bắt giữ, cũng như những gia đình thủy thủ ngư dân thiệt mạng hoặc còn mất tích trong đợt biển động vì gió mùa đông bắc vừa qua.

Cư dân Đặng Lên ở Đảo Lý Sơn Quảng Ngãi phát biểu với chúng tôi:

“Người ngư dân đi biển khơi có thể nói năm Canh Dần là một năm đặc biệt ác liệt khó khăn bởi vì bão táp khá nhiều, ngư dân làm ăn không được như những năm trước.

 Bởi vì vừa chịu bão, mà đánh bắt xa bờ vùng Trường Sa Hoàng Sa thì bị Trung Quốc chiếm lấn bắt giữ ngư dân mình rất là nhiều. Hơn nữa đi xuống Trường Sa biển động rất dữ. Tôi xem TV khí tượng họ nói năm vừa qua là năm ác liệt nhất.”

Đáp câu hỏi ngư dân ước nguyện điều gì trong năm mới Tân Mão, người công dân Huyện đảo Lý Sơn không ngần ngại thổ lộ:

“Ngư dân cầu mong biển lặng sóng êm, việc làm hàng ngày còn khó khăn cho nên ngư dân luôn luôn ước muốn Nhà nước có một phương thức hỗ trợ để cho nghề biển được thuận lợi, Nhà nước quan tâm đến ngư nghiệp công việc làm của người ngư dân, để có cuộc sống no ấm.”

Ước vọng năm mới


 Người nông dân đem cành Đào Tết bán tại Hà Nội. AFP PHOTO.

 Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, hàng triệu nông dân chuẩn bị đón Tết dù nhiều nơi tất bật vì đang thu hoạch lúa đông xuân. Người nông dân vùng sông nước Cửu Long cho biết có khả năng phải cắt lúa sát Tết.

 Giá lúa hạt dài đã phơi sấy khô đã từ đỉnh điểm hơn 6.000đ/kg  hồi đầu tháng đã giảm xuống còn hơn 5.000đ, nếu bán lúa với giá này nông dân ước tính lãi 40%. Một nông dân phát biểu:

“Tết thì cũng giống như mọi năm thôi, cũng gói ghém chứ cũng không ăn Tết lớn gì cho lắm. Năm nay vật giá tăng cái gì cũng tăng hết, ở đây người nghèo thì sắm cho con hai bộ đồ, lo mâm chưng để cúng ông bà, cũng đơn giản vậy thôi.

Cầu mong giá lúa ổn định, số người nghèo giảm bớt, bây giờ người nghèo cũng còn nhiều quá. Tết bây giờ tụi nhỏ còn ham chứ người lớn tuổi nhiều cái lo dồn dập, mỗi năm gần tới Tết lo dữ lắm đủ thứ chuyện. Mong cho tất cả mọi nhà ăn Tết vui vẻ đầm ấm, mong những người đi xa trở về thăm cha mẹ ông bà…”  

Nông dân Tám Cước ở Cần Thơ không phải lo thu hoạch sát ngày Tết, 3 héc-ta lúa của ông mới trổ đòng phải qua tháng 3 mới cắt, còn mấy ao cá tra thì cá đang còn nhỏ hai ba con mới được 1 kí. Người nông dân này lên kế hoạch cho ngày Tết của mình:

“Nghèo giàu gì cũng phải có cặp dưa chưng trên bàn thờ, cành mai bông cúc vạn thọ để chưng mấy ngày Tết, bánh trái, tiền lì xì cho trẻ nhỏ và những người lớn tuổi. Dịp Tết đón giao thừa xong, bạn bè gặp nhau chúc mừng năm mới có làm ‘lai rai’ giấc đó. Ngày mùng một Tết cúng ông bà, ngày mùng hai thì đi về bên vợ…”

Ước vọng đổi mới với năm Tân Mão của nông dân Tám Cước cũng có thể là của nhiều triệu hộ nông dân khác trên cả nước:

“Năm mới mình muốn cái gì cũng có tiến bộ hết, làm ăn suôn sẻ, cúng giao thừa mình van vái, lúa thì mong bán được giá, năng suất năm nay thì có đấy, hiện nay giá đang sụt nhưng vẫn còn trên 5 ngàn/kg. Con cá thì mong ước công ty mua cá trả tiền mau cho người nuôi, đầu ra phải ổn định,thức ăn cân đối cho người nuôi có đồng lời, chứ cá lên 1 đồng thức ăn lên 1 đồng thì cũng như không.”

 Xem ra nông ngư dân không đòi hỏi những điều gì to lớn, năm 2010 gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, cá tra hơn 1,4 tỷ USD. Năm mới Tân Mão hy vọng các nhà quản lý tìm ra các biện pháp ổn định cung cầu lúa gạo thủy sản, bảo vệ người nông dân được hưởng phần lợi nhuận tương xứng.