Home Gia Đình CSQG Văn Chương Tù binh ở Ký Thu Ôn

Tù binh ở Ký Thu Ôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Cựu SVSQ K2 Dư Ngọc Huân   
Thứ Ba, 26 Tháng 7 Năm 2011 20:46

Hồi ký của một sĩ quan thuộc Biệt Đoàn 222 Cảnh Sát Dã Chiến.

 
 
 
Tù Binh ở Ký Thu Ön
Tác giả :  Dư ngọc Huân
K2 Học viện CSQG, Trưởng phòng 2 Biệt đoàn 222/CSDC
( Kính tưởng nhớ đến K2 Lê văn Lời, nguyên Chù sự phòng Hành quân BCH/CSQG Quận 8 và những chiến sĩ CSQG vô danh đã anh dủng hy sinh trong đêm 28 rạng sáng 29/4/1975 và đêm 29 rạng sáng 30/4/1975 tại Ký thu Ôn.
Kính tưởng nhớ đến K1 Đỗ văn Việt nguyên Liên đội Trưởng Liên đội A/ BĐ222CSDC tham dự trận Ký thu Ôn, đã mất vì bệnh tại tỉnh Long Xuyên sau nhiều năm qua các trại Cải tạo từ Bắc vô Nam.)
Lời mở đầu: Nhân dịp tưởng niệm 35 năm thành phố SàiGòn rơi vào tay Cộng sản, 30/4/1975 – 30/4/2010, bài viết này hồi tưởng lại những ngày Sàigòn hoang mang lo lắng không biết ngày mai thành phố nầy có còn đứng vửng trước kẻ thù đang siết chặt vòng vây và đang hứng chịu đạn pháo của CS hằng đêm. Số phận của thành phố được tính từng ngày rồi từng giờ khi những đoàn trực thăng của đồng minh Hoa kỳ đang thi hành chiến dịch di tản người Mỹ và nhân viên của họ ra khỏi VN cộng thêm thành phần Quân cán chính VNCH rời bỏ hàng ngũ để di tản theo đồng minh bằng đủ loại phương tiện bao gồm máy bay và tàu chiến.
       Trong hoàn cảnh Sài gòn đang bị CS tấn công, đồng minh Hoa Kỳ và một số chiến hửu di tản, Biệt Đoàn 222 Cảnh sát dã chiến vẫn giữ vững tay súng trên các vị trí chiến đấu trong thành phố thân yêu như họ đã từng chiến đấu bảo vệ Sài gòn trong trận Tổng tấn công Tết  mậu thân 1968 của Cộng sản và Biệt đoàn 222 Cảnh sát dã chiến đã chiến đấu không hề nao núng cho đến giờ phút cuối cùng.
                                                                
Sáng ngày 28/4/1975 với trách nhiệm là Trưởng phòng 2 / Biệt đoàn kiêm Liên đội trưởng khóa sinh tôi đã đi một vòng kiểm tra lại hệ thống phòng thủ trại Phạm công Quân, trại nầy do Tiểu đoàn Dù bàn giao lại, nằm trên đường Nguyễn văn Thoại, phía sau Bệnh viện Vì Dân. Trong suốt tuần lễ qua, hai Đại đội khóa sinh đã ra sức đào hệ thống phòng thủ chung quanh doanh trại, trước mắt là đề phòng đạn pháo của CS và chuẩn bị chống lại cuộc tấn công vào thành phố của CS có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi đang bàn về vị trí phòng thủ trại và bố trí hỏa lực với hai cán bộ ĐĐT khóa sinh thì nhân viên truyền tin báo cho tôi biết lệnh BCH/ BĐ giải tán Liên đội khóa sinh, quân số khóa sinh sẽ bổ sung cho các Đại đội tác chiến ngay sau đó . Tôi cảm thấy nhẹ được gánh nặng sau gần một tháng lo huấn luyện tác chiến cho 300 khóa sinh được tiếp nhận từ Trung tâm huấn luyện Rạch dừa vào cuối tháng 3/1975, ngay trong ngày tôi đã trở về BCH/ BĐ để tiếp tục công việc thường ngày ở Phòng 2 sau khi đã hoàn tất phân phối các khóa sinh lên xe về đơn vị đang ứng chiến trong thành phố Sài gòn.
 
Sáng ngày 29/4/1975 tôi nhận lệnh công tác tại mặt trận Ký thu Ôn nơi đang diển ra trận tấn công ác liệt của đặc công CS vào Cuộc CSQG KÝ thu Ôn thuộc Quận 8 từ trong đêm 28/4 rạng sáng 29/4/1975 và Cuộc CSQG đã chống trả quyết liệt các đợt tấn công của đơn vị đặc công và đẩy lùi chúng ra khỏi vòng đai phòng thủ nhờ ba Đại đội CSDC / BĐ222  tiếp viện kịp thời, đó là ĐĐ5, ĐĐ8 và ĐĐ10 do Thiếu tá Việt ( khóa 1 Học viện ) chỉ huy cùng  Thiếu tá Th , phụ tá CHT/ Biệt đoàn, phụ trách Hành quân.
 Khi tôi cùng bộ phận thẩm vấn tù binh của Phòng 2 đến Ký thu Ôn vào rạng sáng thì tiếng súng vẫn đang nổ dòn, đặc công CS một số rút lui vào một khu vườn rậm rạp ở phía sau Cuộc, khoảng 800m về hướng Nam, một số khác  vẫn còn cố thủ trong nghĩa địa nằm sát Cuộc về hướng đông. Nghĩa địa nầy diện tích khoảng một mẩu vuông có khoảng 300 ngôi mộ xây dựng bằng gạch xi măng kiên cố nằm sát đường về Cần Giuộc . Một số xác chết của đặc công vẫn còn nằm trên hàng rào kẻm gai hướng nghĩa địa,  súng B40 và bê ta nằm lăn lóc kế bên. Trên hàng rào kẻm gai còn có một số thang gổ do đặc công CS quăng lên nhằm vượt lên kẻm gai xâm nhập Cuộc, nhưng tất cả các đợt tấn công đã bị đẩy luì trong đêm một phần là nhờ tổ đại liên M30 đặt trên tháp canh cao khoảng 15 mét ở giửa sân Cuộc bắn càn quét ngăn chặn hiệu quả. Bây giờ một tổ đại liên M60 của CSDC đã lên thay cho đơn vị bạn đang bắn liên tục ngăn chận  môt số đặc công từ nghiã địa toan tính rút chạy về hướng Nam băng qua một khoảng đồng trống . ĐĐ10 đang chia thành nhiều toán bò đánh cận chiến bằng lựu đạn làm cho địch trong nghĩa địa tiến thóai lưỡng nan, chạy ra khỏi nghĩa địa thì bị hỏa lực đại liên của ĐĐ5 trong hàng rào phòng thủ Cuộc cùng tóan M79 do Th tá Việt chỉ huy bắn truy sát, một số đã hốt hoảng đầu hàng…
Nhóm tù binh đầu tiên gồm ba tên được ĐĐ10 chuyễn giao cho toán thẩm vấn tù binh của Phòng 2 trong buổi sáng 29/4/1975. Ngay sau khi tiếp nhận tù binh, nhân viên P 2 đã khai thác tin tức sơ khởi như sau: đây là đơn vị thuộc tiểu đoàn đặc công từ Bắc vào, vượt qua quốc lộ 4 thuộc địa phận tỉnh Long an để xâm nhập vào Sàigòn, nhiệm vụ chính là mở đường cho xe tăng tiến vào tiếp thu thành phố. Tôi đã tự đặt cho mình một dấu hỏi lớn, làm sao Cộng sãn có thể tiếp thu khi các đơn vị phòng thủ chung  quanh Sàigòn vẫn còn chiến đấu sống chết để bảo vệ thành phố thân yêu , ai đem giao thành phố để giặc Cộng tiếp thu ?Nhưng có một điều tôi tin chắc  là  sau trận đánh hôm nay đơn vị đặc công nầy đã bị lực lượng CSQG loại khỏi vòng chiến để không còn cơ hội mở đường cho xe tăng tiến vào như nhiệm vụ được giao.
Th tá Th đang điều động các toán đánh cận chiến bằng lựu đạn trên nghỉa địa, khiến địch không thể ngóc đầu lên được và cũng không thể chạy thoát ra đồng trống vì nếu chạy ra đồng trống dể làm mục tiêu cho hỏa lực đại liên M60 và các tay súng M16 trong hàng rào phòng thủ Cuộc, nhưng có một số đặc công vẫn liều mạng  chạy ra đồng trống mong thoát thân bị đạn đại liên quật ngã rồi bật dậy chạy tiếp rồi lại ngã xuống . Súng cối của BCH / CSQG Quận 8 đặt trên đường trước Cuộc đang  bắn cầm chừng vào khu cây rậm ở phía sau Cuộc để ngăn địch di chuyễn, đây là hỏa lực súng nặng duy nhứt bắn yểm trợ , sau nhiều lần yêu cầu pháo binh thuộc Biệt khu Thủ đô bắn yểm trợ đều không được trả lời. Chiếc Scout của phòng Tâm lý chiến có gắn loa phóng thanh do Tr Úy N điều khiển, mở hết công suất kêu gọi địch đầu hàng giữa không khí sặc mùi thuốc súng của hai cây đại liên M60 vẫn thay phiên nhau nhả đạn bắn chận địch. Kết quả đến xế trưa thêm ba tên đặc công nữa giơ tay đầu hàng, được một toán thuộc ĐĐ10 còng tay bịt mắt áp giải rời nghĩa địa. Tôi cho toán tù binh nầy ngồi lại bên đường mương trước cổng Cuộc để nhân viên múc nước dưới mương dội nước cho từng tên vì cả ba đều iả trong quần rất hôi thúi. Tất cả đặc công đầu hàng đều chỉ mặc quần đùi khi chiến đấu nên việc dội nước làm vệ sinh cho từng tên cũng nhanh gọn và những nét kinh hoàng trên gương mặt họ cũng biến mất sau khi được làm vệ sinh sạch sẽ và được hút một điếu President của tôi cho.
Sau đợt tù bình thứ 2 tình hình đã tạm lắng diụ, tiếng súng đã êm. Tôi đứng trên đường chờ toán tiếp nhận tù binh của BCH/ CSQG Quận 8 vào để bàn giao tù binh ; Từ chiếc Radio bên đường, xướng ngôn viên đài phát thanh Sài gòn đang đọc và lập lại nhiều lần bản tin chính phủ Dương văn Minh yêu cầu tất cả người Mỹ rời VN trong vòng 24 giờ. Trên trời một chiếc trực thăng VNCH  bay lẻ loi trên đường ra hướng biển Đông , những xác người vô tiếp thu thành phố vẫn còn nằm trên hàng rào kẻm gai và rải rác trong nghỉa địa, mùi hôi thúi vẫn còn phảng phất đâu đây. Cuộc chiến đã tàn lụi theo nắng chiều,và trên đỉnh cột cờ  gần cổng Cuộc CSQG KÝ thu Ôn , lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn tung bay theo gió  
***GHI CHÚ : Năm 2004 lần đầu tiên trở về Sài gòn thăm gia đình sau 13 năm định cư ở  Hoa kỳ theo diện HO, khi đến thăm gia đình một người bạn học ngày xưa bây giờ là giáo sư của một trường Đại học dân lập ở Sàigòn, tôi đã vô tình đứng trên  mãnh đất phiá sau Cuộc Ký thu Ôn ngày xưa. Ruộng vườn cũ, nay đã trở thành khu dân cư xả Bình Hưng thuộc huyện Bình Chánh với nhà cửa sang trọng  có tường rào bao quanh và những con đường tráng nhựa trong khu phố mang số thứ tự, nhà bạn tôi nằm trên đường số 19. Nghĩa địa đã biến mất nhường chổ cho dảy phố mặt tiền đèn điện chiếu sáng, buôn bán sầm uất, nhưng nói chuyện với người dân , họ đều biết nơi đây từng là bãi chiến trường trong ngày cuối cùng của cuộc chiến . Tôi vẫn nghe đâu đây hồn tử sĩ gió ù ù thổi.
 
                                                              Tampa bay,  ngày 27/4/2010