Home Gia Đình CSQG Văn Chương Những ngày hồi đó

Những ngày hồi đó PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Nguyễn Thừa Bình   
Thứ Tư, 10 Tháng 8 Năm 2011 08:07

Hồi ký của cựu SVSQ Khóa 2: Xin trả lại ông trời cái ông trời sinh tôi ra. Và ông trời trả lại tôi cái thời tôi chưa sinh ra.

  
 

 


 
NHỮNG NGÀY HỒI ÐÓ
Hết sức vui mừng và bất ngờ nhận một lần hai quý vật tưởng chừng như không có, không còn. Một là tấm hình chụp chung với Quang 3 Ca, Quang Bếp, Sết Cô Ðơn nơi “bãi vườn Thơm” thời học giai đoạn I ở trường Bộ binh Thủ đức. Một là Sự vụ lệnh bổ dụng 235 Biên tập viên vừa “mãn khóa Ðào-Tạo Biên-tập-viên ngày 28.10.1967 tại Học-Viện Cảnh-Sát Quốc-Gia” do Chuẩn tướng Nguyễn ngọc Loan ký ngày 11 tháng 11 năm 1967. Quý vật là vì, những gì “liên quan chế độ cũ”, bà má vợ đã tuồng hết xuống con kinh cầu Bông ở Tân định Sài gòn năm xửa năm xưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 rồi và chính mình thì cũng đã để hết nó lại trên những xác chết dọc đường gió bụi làm kỷ niệm mà chạy lấy thân di tản chiều ngày 23 tháng 3 năm 1975 từ Quảng đức về Lâm đồng rồi Nha trang đến Sài gòn.

Không còn gì! Hết sức vui mừng là vì, tấm hình đen trắng bạn Sết gởi cho đó, bản copy Sự vụ lệnh số:1205 - TCSQG/NHNV/SVL bạn Lợi gởi cho đó, nó còn mới tinh, y nguyên, cho mình cảm giác như hiện tại, hiện thực, không phải đã dài 43 năm rồi mà vụn vỡ, mơ hồ. Tay cầm, mắt nhìn, lòng bồi hồi, nhớ những ngày thời Học viện Cảnh sát Quốc gia, National Police Academy chi lạ! Mình thấy mình rất “cô hồn” ngày đó còn bây giờ ở đây, hai chân dang ngang xấc xược trong bộ đồ trận Thủy quân Lục chiến “giang hồ tứ chiếng”, tay cầm nòng súng chống đất, lạc quan như đời “thư-sinh-cành-phượng-cánh-bướm-ve-sầu”. Và đây, ông Nguyễn kim Hạc, Nguyễn mạnh Thúy, Huỳnh văn Tho...về Nha Cảnh sát Quốc gia Ðô thành; Nguyễn văn Nghi, Nguyễn thanh Tùng, Lê sỹ Tài...về Khối Cảnh sát Ðặc biệt; Vũ khắc Cảnh, Phạm đức Hoàng, Ðặng văn Thử... với Nguyễn văn Sáu là tôi đây, ra Nha Cảnh sát Quốc gia Vùng I. Những năm 1965, 1966, ...người sinh viên với đời lính trước mắt, cơ hội đũng quần mài ghế nhà trường không dài, nhiều trắc trỡ. Như những người anh em bạn, làm “đàn thú hoang đói ăn, thèm mồi” trong cơn dầu sôi lửa bỏng đó, tôi nộp đơn chỗ nầy, xin việc chỗ kia, riết rồi cũng được Bộ Quốc gia Giáo dục gọi dạy Anh văn dưới tỉnh Vĩnh bình, rồi đậu khóa I Ðại học Chiến tranh Chính trị, rồi lại đậu khóa II Biên tập viên Cảnh sát Quốc gia. Bỏ làm giáo sư, bỏ học Chiến tranh Chính trị, tôi vào Học viện Cảnh sát Quốc gia mà trống trơn kiến thức Biên tập viên là gì! Từ lớp Năm trưòng làng vào Trung học trường tỉnh đến Ðại học thủ đô, tôi phải kinh qua biết bao nhiêu phen thi với cử. Dĩ nhiên, dễ cũng có, khó cũng có nhưng, không lần nào đáng cho mình nhớ dai nhớ dài cả một đời người như kỳ thi tuyển Biên tập viên Cảnh sát Quốc gia để vào khóa II Học viện Cảnh sát Quốc gia. Tôi cả quyết, có những ông bạn tôi thi hồi đó, bây giờ không nhớ gì cả hay có nhớ thì cũng mơ hồ như ánh trăng lung linh dưới giòng nước động mà thôi. Bài bình luận ngoắc ngoéo từ ngữ Việt hán như thách đố, như trêu ngươi: “Ðương quan chi pháp hữu tam sự: viết thanh, viết thân, viết cần. Tri thức tam giả...”. Còn mấy chữ nghĩa phía sau nữa, thằng tôi không nhớ hết. Bài dịch ra tiếng Anh “Người cày có ruộng” trời ơi đất hỡi. Toàn những danh từ mà những thằng “mọt sách”, “gạo” thời bấy giờ cũng đành “au revoir”. Nào “tá điền”, nào “điền chủ”, nào “người cày”, nào “trâu cày”, nào “ ruộng cò bay thẳng cánh”, nào “công chức là nô bộc của dân”. Bài sử vắn tắt, mù mờ cơn mê hồn trận. Ðề thi vỏn vẹn chỉ có ba chữ ngắn, gọn mà bao la mịt mùng: “Phan bội Châu”. Người ta dễ không biết đâu mà mò. Bài địa “so sánh kinh tế hai miền Nam, Bắc Việt nam” như một cái bẫy cò ke ngày nhỏ tôi “sập” mấy con gà rừng ở núi Ba hòn ngoài Phan thiết. Bởi thằng nhỏ nào không biết giới hạn vấn đề thì “trớt quớt” như chơi. Hai miền Nam, Bắc Việt nam ở vào cái thời nào, trước hay sau năm 1954? Trước 1954 thì quá cũ mà sau 1954 thì bức màn sắt. Có phải vậy không mà nơi địa điểm thi Pétrus Ký ở Sài gòn có nhiều anh em phải bỏ ra về. Còn nữa, thi thì đông, lấy thì ít. Ðược đậu, một đứa ít nhất phải đá giò lái cho chết hơn mười lăm đứa khắp bốn Vùng Chiến thuật. Chưa nói đến nạn “xê ô xê xê” là con ông cháu cha dành phần chia chác “quota”, làm mỏng hy vọng mấy thằng bình dân như chúng tôi. Giỏi thiệt! Làm sao ông Lê văn Miêng thủ khoa? Tôi cũng khá lắm chớ, không thì đố mà đậu được hạng 24 trong danh sách thi mấy ngàn người mà chỉ lấy chừng 150 mạng. Thằng Bùi Bình, ai nói dỡ, đã đậu trường Việt nam Hàng hải, nằm trong khuôn viên Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú thọ cũng phải chịu dự khuyết. May có thằng đậu chính thức nào đó chết tiệt, nó mới được vào học, không thì, đã theo ông Phạm ngọc Lũy lái tàu Trường Xuân của ông Trần đình Trường rồi?
Thong dong vào Học viện một cách vụng về thêm chút ngỗ ngáo, tôi như đứa trẻ con mộng mị, bay nhảy bị vướng víu, ràng buộc trong một tập thể lạ hoắc lạ huơ. Những ông bạn tôi, từ “mái gianh đầu đìn” ngoài Bắc di cư tới “con cá gô bỏ chong gổ kêu gột gột” tận trong Nam đến “khôn răng, khôn răng chi mô” nơi miền Trung “nghèo lắm ai ơi” và ngay cái đất “Thầy gòn” nầy “cái mái mai hiệu mái bai”. Rau muống, ớt, giá hầm bà làng thành món thập cẩm, xà bần làm tôi nhức đầu. Mấy cụ Tổng đoàn Thanh niên Trừ gian, đệ tử của ông Thủ tướng 37 tuổi Nguyễn cao Kỳ thất nghiệp nghề đánh gian thương, tham nhũng về đây vênh váo ta đây người lớn, vỗ ngực xưng tên. Mấy “khứa” trẻ măng, mới rời ghế nhà trường đầu hôm sớm mơi, xớ rớ, nhát gừng, thơ ngây. Học viện, vài căn nhà trại lính nghèo nàn trong Biệt khu Thủ đô đã trộn trạo đám hổ lốn chúng tôi lại với nhau. Thầy Viện trưởng Ðàm trung Mộc, hàng Giảng sư, lớp Cán bộ, ngày theo ngày “nhào”, “nắn”, “nặn”, “dzợt” những thứ hổ lốn đó thành 2 đại đội, giao cho ông Nguyễn ngọc Thơ coi Ðại đôi 101 và La văn Chung coi Ðại đội 102. Tôi ở Ðại đội của công tử dừa Kiến hòa Nguyễn ngọc Thơ. Một hôm những ngày đầu, thầy Viện trưởng là Quận trưởng Thượng hạng Ngoại hạng Ðàm trung Mộc cho “điểm danh” để biết mặt, biết tên mà gọi cho danh chính ngôn thuận. Một ông nhỏ con ngồi kế bên, mau mắn: “Phan thành Ngọc Ðiệp, Chủ sự phòng...”. Tôi không biết ổng làm Chủ sự phòng gì và Chủ sự là cái thá gì. Tôi đứng dậy, đứng nghiêm, chào một cái rụp: “Nguyễn văn Sáu”. Chưa kịp nói tiếp thì ông Viện trưởng đã từ tốn: “sếp Cảnh sát của chúng ta là Ðại tá Nguyễn ngọc Loan tự Sáu Lèo. Anh tên Sáu, hẳn là Sáu Lèo. Cám ơn. Mời sếp Sáu Lèo ngồi xuống”. Cái tên lôi thôi “Sáu Lèo” tôi, chắc phải mang xuống tuyền đài từ đó. Ở đây, hơn nơi nào hết, không biết từ đâu bay về nhiều bí danh quá sức. Dĩ nhiên là ông nào ông nấy cũng thành tích đầy mình lắm mới nổi tiếng chớ! Và cũng dĩ nhiên có những ông được đặt những cái tên kỳ dị, kỳ lạ đến kỳ cục, chẳng biết ý nghĩa, nguồn gốc ra răng! Một ít thôi, tôi viết ra đây chuyện xưa mà không giải thích, bởi có nói rõ ra ngọn ngành thì dài lê thê, lại mích lòng bởi ngày xưa mới vừa dứt sửa mẹ, mấy ổng còn dễ chịu, bây giờ ngày nay già khú đế, mấy ổng khó tính thấy mẹ! Có gì, xin quý “Kụ” xí xóa cho: Minh Mộng Du, Nam Cà Cộ, Nê Vẽ Bản Ðồ còn gọi là Nê Bắn Máy Bay, Quang 3 Ca, Quang Bếp, Quang Khều, Sết Cô Ðơn, Thành De Gaulle, Sơn Sửa, Tài Thương, Hạc Thối còn gọi là Hạc Chích, Tâm Osawa, Thanh Bốc Khói, Thanh Cổ Cò, Thơ Khùng còn gọi là Thơ Quận Trưởng, Hạnh Commissaire Adjoint còn gọi là Hạnh Phó Quận Trưởng , Chín Ðen, Châu Xe Cán, Châu Ðầu Bạc, Hạnh Hột Xoài, Ðiệp Tề Thiên, Ðức Fulro, Hoàng Khổng Tử, Huỳnh Tùng Lâm, Trường Tam Tạng, Lâm Babylac, Lý Tông Ðơ, Lân Pháo Binh, Lộc Lạp Xưởng, Kính Xì Dầu còn gọi là Kính Voi, Thành Nùng, Thuận Bình Ðiền còn gọi là Thuận Nhà Quê, Thiều Ù, Tư Bắt Gôn, Tài Ngưu Ma Vương, Thân Hộc Máu, Vinh Thổ Huyết, Hợi Heo, Sơn Ðen, Chị On, Cô Lựu, Trân Công Lộ, Viễn Vương Ngao, Nghi Già, Linh Lác, ... nhiều lắm, làm sao kể cho hết.
Quân trường nào cũng ác nghiệt một cách thô bỉ y hệt nhau là đầy đọa, giam cùm, giết chết “cái tôi đáng ghét”, “le moi est haïsable” của Blaise Pascal cả. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến cái riêng, rất riêng của Học viện Cảnh sát Quốc gia, nếu không muốn nói là đặc biệt của những anh em khóa II Biên tập viên Cảnh sát Quốc gia. “Nhàn cư vi bất thiện”, người ta nói đúng lắm. Những buổi chiều rảnh một chút, lóng ngóng rồi cũng rủ nhau “dzọt” ra ngoài kia con đường Lê văn Duyệt rập rình âm nhạc, dập dìu ngựa xe. Bạn bè vài đứa băng “Ðường Mòn Ðàm Trung Mộc” âm u, tối tăm đầy bóng ma như đang lầm lũi vào chín từng địa ngục, mắt lấm lấm lét lét, miệng lâm râm “án ma ni bát nhị hồng” rồi “úm ba la” chạy. Tôi, Quang 3 Ca, Thuận Bình Ðiền, Thành Nùng lì lợm, đường bệ, can trường từ bên trong Ðông đức bị áp bức, leo, trèo, trườn, bò...lên “Bức Tường Bá Linh” cao cỡ 3 thước, rớt xuống ngoài kia bên Tây đức tự do, con đường độc đạo Biệt khu Thủ đô dẫn ra chốn phồn hoa. Sửa lại cái béret, sợi dây nịt, đôi giày bố, bộ treillis để thiên hạ “nhìn quân phục, biết tư cách” không chê mình thứ dân bagaille. Bốn thằng đường hoàng ra cổng, có khi anh lính gát đứng nghiêm, chào tay. Ði lòng vòng rồi cũng vào quán cháo lòng của bà mẹ cô nữ sinh Gia Long đầu đường Yên Ðỗ, kế Công trường Dân chủ mà chọc ghẹo năm ba lời cho đời “còn một chút gì để nhớ để thương”. Lạ gì trai tơ gặp gái non, chùng chùng lén lén tôi gởi cho cô con gái của bả một tờ giấy nhỏ chút xíu chút xiu, viết gọn mấy chữ “em dễ thương lắm”. Nhỏ chút xíu chút xiu cuộn tròn bằng ngón tay út, ông “Hạc Chích” đúng là “Hạc Thối” không biết làm sao lại bắt được. Ðêm vào Ðại đội, ổng tru tréo giọng hề Tùng Lâm, lê thê: “em.. dễ ..thương... lắm! Em..dễ.. thương.. .lắm...lắm...lắm ..”. Tôi “cứng” họng nhưng chắc không “cứng đơ” được cái thằng ba trợn Sáu Lèo tôi. Tôi muốn bảo ổng “fermez la bouche” đi cha nội, “femez le pot”, cái miệng thối lại đi cha nội, nhưng đếch cần. Việc nầy, không ai nhớ, ít ai biết, tưởng cũng nên nói ra cho vui thời Học viện Cảnh sát Quốc gia. Tài liệu mật của Mỹ, 50 năm còn giải mã, huống gì chuyện mình “ba cái lẻ tẻ”. “Ði đêm, lâu ngày gặp ma” là chuyện phải xẩy ra. Mấy lần, chúng tôi những thằng giỏi nghề “bích hổ du tường”, đứa thì đang ngốc đầu lên tường, đứa thì đang lò mò trên tường, đứa thì đang giong tay cao để được kéo lên...thì ông Cò Thơ đang đứng chờ từ hồi nào ở dưới, đợi hốt mấy thằng quỷ sứ, yêu ma, tinh quái!. Có lần bị tóm mà cũng có lần chạy thoát. Những sáng thứ Bày, thường có thêm thằng Ðức Fulro lập thành bọn “Ngũ Quỷ”, 3 giờ rưỡi hay 4 giờ sáng tinh mơ, trời đất lồng lộng, im phăng phắc, bọn “chằn ăn trăn quấn” nhanh như ánh sao xẹt, đột kích “Cục R” của mấy anh lính gác cổng, “chẩu” mau hơn thiên thạch bay trên Cung trời Ðao lỵ. Cũng tại “ăn quen, nhịn không quen”, chúng tôi bốn đứa Sáu Lèo, Quang 3 Ca, Thuận Nhà Quê, Thành Nùng không bị bắt tại “Cục R” mà thường bị “dính” tại “Bức Tường Bá Linh” vào chạng vạng những đêm tối trời hay mưa vần gió vũ. Một lần bị cúp phép cuối tuần, lương bốn thằng mới lảnh, giao hết cho thằng Ðoàn long Thể không dại đi phép, ở lại nuốt trọn lỏn tiền của mấy thằng “gà mở cửa mả” ngu như bò. Ðoàn long Thể bây giờ ở đâu, trả tiền lại cho tụi tao mầy. Mầy đánh lận, đánh gian, đánh “mo”, đánh điếm? Lại còn bị ông Cò Thơ bắt tại phạm trường về tội cờ bạc. Mấy nhóc con cứ mồm loa mép giải, chối dữ lắm, chối miết. Ổng đứng bên ngoài ghi tên từng thằng, từng vị trí, tiền, bài, lời qua tiếng lại...mấy thằng bạt mạng say máu đỏ đen đâu có biết gì, hết cải. “Chạy”. Thằng sưng tay, thằng u đầu, thằng té sấp, thằng học thói Từ Hải, đứng như trời tròng bị ổng nắm cổ. Xui tận mạng! “Cà chớn” như vậy đó, ra trường thằng Huỳnh hồng Quang tức Quang 3 Ca đi Cảnh sát Dã chiến; Thằng Nguyễn văn Sáu tự Sáu Lèo là tôi đây ra Quảng ngãi ngoài Vùng I, thằng Huỳnh ngọc Thuận là Thuận Bình Ðiền ra Phú bổn ở Vùng II là công bằng lắm! Than trời thở đất với ai!? Ðiểm hạnh kiểm hệ số 25, không bị đá đít ra rìa là may. Tôi đến Quảng Ngãi với tụi thằng Vũ khắc Cảnh, Phạm đức Hoàng biệt danh Hoàng Khổng Tử, Ðặng văn Thử là Thử Chuột và Trần hữu Hạnh là Hạnh Commissaire Adjoint, Hạnh Phó Quận Trưởng. Ðất miền Trung cho người miền Trung, nhất là Huế. Mình không phải người ở ngoải, “đếch” có gì mà làm. Tuổi thì già, giấy tờ thì nhỏ, ông Lê đình Phát bắt lên xe, chở vào Quang trung cho học khóa 6/70 Sĩ quan Trừ bị Thủ đức 11 tháng chơi cho bỏ ghét. Cuối năm 1971 lên làm Phụ tá Ðặc biệt ở Quảng đức đến “bể dĩa”. Công cũng có, tội cũng có. Công là bắt trọn ổ Ủy ban Hành chánh và Hội đồng Nhân dân xã Ðạo nghĩa hoạt động Cộng sản; Bắt 7 thằng “cán ngố” với súng AK, lựu đạn, phóng lựu B-40, radio transistor.. . định “chiếm đất giành dân” ngay sau một ngày ký Hiệp định Paris ở Nghi xuân, được Anh dũng Bội tinh của Trung tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Nguyễn hữu Thiên; Phục kích bắn hạ 2 thằng Việt cộng và rượt chạy chết cha mấy thằng bị thương, đem về 3 súng AK và “lôi xác tụi nó ra bỏ ở ngả ba Ðức xuyên”, theo lệnh Ðại tá Tỉnh trưởng Phạm văn Nghìn. Tội là “không hợp tác với Phối trí viên Mỹ”, “đánh một Trung sĩ Trung tâm Hành chánh Tiếp vận giữa chợ đông Gia nghĩa” và nhất là “để cả 7 thằng tù mới bắt mấy tháng trước vượt ngục”. Trung tá Nguyễn hữu Hải đề nghị lên Thiếu tá. Chuẩn tướng Huỳnh thới Tây đang cơn đau bao tử hành hạ, chữi tháo lên: “Ðụ má! Thằng đó chưa dzô tù là mai, còn Tá với Tướng. Dẹp”. Phải rồi! Xếp “dẹp” là đúng quá trời đất ơi. Cũng ở đây, một lần bị phục kích nơi cùi chỏ ấp Nghĩa chánh, tôi nhờ số trời không chết nhưng Thiếu tá Tư, Trưởng phòng 2 Tiểu khu bị Chúa đòi về chầu sớm quá với vài anh lính bị thương nặng theo hầu. Ðêm đó, vợ tôi hỏi “sao anh buồn!?” “ông Tư nầy chết một cách oan uổng, tức tưởi, vô lý bởi cái ông “Tỉnh Trưởng Một Tháng” bất tài, cố chấp là Trung tá Cao văn Chơn”, tôi trả lời. Tôi thương ông bạn Tư già còn bà xã trẻ ở Ðức lập và những chiều họp trong Tiểu khu. Ðầu tháng Giêng năm 1975, ông bạn đồng khóa Nguyễn văn Tư, tự là Tư Bắt Gôn, đương là Thiếu tá Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia tỉnh Phước long dắt bầy con te tua chạy lên Gia nghĩa tỵ nạn di tản. Phước long giáp ranh phía Nam tỉnh Quảng đức đã mất. Một tỉnh đầu tiên của Việt nam Cộng hòa lọt vào tay Cộng sản Bắc việt. Sáng ngày 8 tháng 3 năm 1975, tôi qua cầu 14 trên sông Sérépok giữa hai tỉnh Darlac và Quảng đức lần cuối. Ban mê thuột bị đánh ngay vào đêm hôm đó và bị chiếm. “Tang điền thương hải”! Ông bạn Quang, khóa I Biên tập viên, Thiếu tá Trưởng F Ðặc biệt Darlac mới nói chuyện với nhau ở Trung tâm Thẩm vấn “Provincial Interrogation Center” ngày hôm qua đó, bây giờ đã ra người thiên cổ? Chiến tranh! Dẫu là thằng ngỗ ngáo nhưng cũng là đứa rạt rào nội tâm, tôi không dấu được long lanh giọt nước mắt nỗi đau, nỗi buồn. Quảng đức nằm trọn lỏn tứ bề thọ địch: Tây, tỉnh Mondolkiri của Kampuchia; Bắc, tỉnh Darlac và Nam, tỉnh Phước long đã lọt vào tay Cộng sản. Ðông bắc, tỉnh Tuyên đức, Ðông nam, tỉnh Lâm đồng đang chộn rộn, kiếm đường chạy. Thị xã Gia nghĩa lớn không bằng một cái nghĩa địa tỉnh nhỏ đã bắt đầu xục xịch, nhúc nhích, tìm đường “tẩu vi thượng sách”. Mấy bà lớn không còn thấy ai. Ông Ðại tá đầu tỉnh lấm la lấm lét cưỡi trực thăng “biến” về Lâm đồng đắp chăn rung đùi ở bển. Ông Trung tá Chỉ huy trưởng Cảnh sát Quốc gia đi công tác về Sài gòn, không ngu lên lại cái xứ người ta đang tìm đường “quất ngựa truy phong”. Mấy ông Trưởng ty nội, ngoại tòa Hành chánh tỉnh đã “thăng” từ thuở khai thiên lập địa, đâu còn một ai. Một chiều, đài BBC đọc tin “thị xã Gia nghĩa đã bị Quân đội Bắc việt tấn công” khi chúng tôi đang ngồi uống nước trà, tán gẫu trên “lô cốt” mới làm xong buổi sáng và tụi Việt cộng thì còn đang nằm ngủ trong rừng sâu thăm thẳm, xa lắc xa lơ tận đâu đâu. Ông Mục sư Hồ hiếu Hạ dắt con chiên bán mạng chạy trốn rồi chạy về. Dân chúng ơi ới ngược xuôi dò đường chui khỏi thị xã đang cơn hấp hối. Loạn! Sáng 23 tháng 3 năm 1975, sau buổi họp bất thường, Tiểu khu và Bộ chỉ huy Cảnh sát Quốc gia đồng lòng “bỏ” Quảng đức, quyết chạy lấy thân gọi là “di tản” lúc 1giờ 30 chiều. Cái thằng “quậy” ngày xưa Sáu Lèo ở Học viện, bây giờ Ðại úy, Phụ tá Ðặc biệt hay Trưởng F Ðặc biệt hay Chánh sở Cảnh sát Ðặc biệt cũng “chạy”. Chạy xuống Lâm đồng, chạy về Nha trang, chạy vào Sài gòn và chạy vô tù gọi là “học tập cải tạo” 9 năm trong rừng, ăn ”bo bo”, “sắn dui”, “mắm chượp”...nhìn nhau chết dần chết mòn, vẫn ngâm câu “ninh thọ tử bất ninh thọ nhục”! Suối máu, An dưỡng, Yên bái, Hoàng liên sơn, Lào cai, Vĩnh phú, Thanh hóa, tôi được thả, gọi là “ra trại” ở trại tù Z.30C Hàm tân năm 1984. Bởi thương cũng có, ghét cũng có và mình cũng đặc biệt quá, nên trong tù còn mang thêm nhiều biệt danh ngồ ngộ “Sáu Franc”, nghe sao “Pháp thuộ” quá trời của cái ông bạn Bắc kỳ 54, ông Ðại úy Luật sư Khiếu hữu Ðiển ở ngả ba ông Tạ tặng cho với cái nghĩa ổng giải thích là “Sáu Thẳng Thắng”, thời ở tù chung đội Gạch của tên cán bộ bò vàng Giới nghênh nghếch, ngọng nghịu làm “Quản giáo” ở trại Trung ương số 1 Lào Kai ngoài Bắc đói chết cha mà lạnh cũng chết cha. Bọn cán bộ “ba đời bần cố nông” dốt thấy mẹ, bắt chước đọc cà lăm cà cặp Việt không ra Việt mà Pháp không ra Pháp là anh “Sáu Phờ Phờ Răng”. Còn “Sáu Suyễn” là Sáu cứ chán “lao động là vinh quang” thì lên cơn suyễn, cái bệnh thâm niên cố đế tưởng mấy lần đã chết ở Yên bái, Vĩnh phú rồi. Và Sáu Ðầu Bò, theo tên cán bộ Tuấn có biệt danh là Tuấn Lé coi đội Lâm sản ở trại tù Thanh lâm thuộc tỉnh Thanh hóa giải thích rằng: “Anh là kẻ đầu sỏ, là đại bàng, là đại ca... xúi giục, sách động ”. Sau ngày “ra trại”, mấy ông bà Khu phố, mấy ông bà Công an khu vực, Công an phường, Phường đội, Xã đội, Mặt trận Tổ quốc...kềm kẹp riết 8 năm trời phó thường dân đời “Ngụy”, mình không có đất sống! Mình, bạn bè mình là những đứa bị vợ bỏ, vợ khinh thường, vợ sai vặt, xóm làng chê, Việt cộng ghét, thượng vàng hạ cám đủ nghề: bán cà rem, đạp xích lô, đánh xe bò, làm thuê, vác mướn, bán giấy số, bán thuốc lẻ, vá xe đạp, thổi bong bóng, bán cốc kẽng, lượm rác, mua ve chai lông vịt, mài dao kéo, lang thang cơ cầu nơi “vùng kinh tế mới” sống đời không thấy đâu bóng dáng tương lai. Ðau biết là bao nhiêu! Ê chề biết là bao nhiêu! Người Việt ta thì “Sau cơn mưa, trời lại sáng” có phải dịch từ tiếng Pháp “ Après la pluie, le beau temps”, những ông già HO được qua Mỹ đỡ khổ, tự do, sống còn một chút ý nghĩa cuối đời?
Hồi ký là viết lại sự thật đời mình, đời người, sự việc một cách ngay thẳng, đúng đắn, vô tình. Mấy ai bình tỉnh viết cho đúng nó như vậy là như vậy? Phần vì quá nhiều chuyện xưa không nhớ hết, phần thì trí nhớ bị đẽo gọt bởi thời gian mà mù mờ, phần vì tính “nhân chi hoạn tại hiếu vi nhân sư”, “con người có cái bệnh là hay làm thầy đời”, hồi ký dễ trở thành những ngoa ngôn, huyễn hoặc, viễn vong, tếu. Bài viết nầy, tôi nhớ đâu nói đó như là mớ bòng bong gió thổi bềnh bồng còn sót lại nỗi niềm cố cựu như Saint Rémi nói “Hãy đốt đi những gì ngươi tôn thờ và hãy tôn thờ những gì ngươi đã đốt đi”, “BrÛle ce que tu sadoré et adore ce que tu as brÛlé” mà thầy Lương dạy Anh văn đệ Nhất C trường Trung học Chu văn An, Sài gòn lại thích nói tiếng Pháp, nhất là những tư tưởng của những triết gia, thi sĩ...nhắc tới nhắc lui cho tôi nhập tâm mà thuộc lòng đến bây giờ có quên được đâu. Dẫu không coi như một hồi ký nhưng “cái tôi” đã để thằng tôi viết thực chừng nào hay chừng nấy, không xen vô. Ðời người ngắn ngủi chừng “thất thập cổ lai hi”, đâu dễ “ba vạn sáu ngàn ngày”. Bạn bè thuở đó, người mất nằm im thin thít rã rời theo bóng trăng sao, muôn thuở cô đơn, heo hút, mịt mùng! Kẻ còn, già cả khấp kha khấp khểnh, ngậm ngùi nhớ chút dĩ vãng vàng son rong rêu như thể hoài niệm một thời đáng nhớ một đời thoáng qua bức tranh vân cẩu. Xin mượn bài thơ Ngã tích Vị sinh thời của Vương phạm Chí thời Sơ Ðường mà kết luận:
“Tích ngã vị sinh thời
Minh minh vô sở tri
Thiên công hốt sinh ngã
Sinh ngã phục hà vi
Vô y sử ngã hàn
Vô phạn sử ngã cơ
Hoàn nhĩ thiên sinh ngã
Hoàn ngã vị sinh thời”.
Và mạo muội, xin được thoáng dịch như sau:
“Xưa, thời tôi chưa sinh ra
Âm âm u u có biết gì đâu
Ông trời bổng sinh tôi ra.
Sinh tôi ra để làm gì?
Không có áo quần mặc, bị lạnh
Không có cơm ăn, bị đói.
Xin trả lại ông trời cái ông trời sinh tôi ra
Và ông trời trả lại tôi cái thời tôi chưa sinh ra”

NGUYỄN THỪA BÌNH
Kansas City, Missouri