Home Gia Đình CSQG Văn Chương Kỷ Niệm Về Một Người Anh Tinh Thần

Kỷ Niệm Về Một Người Anh Tinh Thần PDF Print E-mail
Tác Giả: K2 Ngô Viết Trọng   
Thứ Bảy, 16 Tháng 6 Năm 2012 17:52

Những kỷ niệm đáng nhớ về người anh, người Thầy, người tài ba đức độ đã ra đi.


KỶ NIỆM VỀ MỘT NGƯỜI ANH TINH THẦN
 
Tôi gặp anh lần đầu ở một phòng khai thuế. Hình ảnh tôi ghi nhận đầu tiên là một ông già để bộ râu trông từa tựa lão Hồ đang ngồi đọc một tờ báo. Thấy tôi vào, ông già ngước mặt nhìn tôi cười xã giao:
-Anh khai thuế hả? Chắc phải đợi một lát. Người bạn tôi đang khai ở trỏng.
Tôi nói “chào bác” rồi ngồi xuống cạnh ông và liếc nhìn tờ báo. Đó là tờ báo ra tuần vừa qua, bên trong có đăng một bài viết của tôi. Tôi nói:
-Trong tập báo này tôi cũng có một bài.
Ông già lại nhìn tôi, hỏi:
-Anh viết loại gì? Bài ở trang nào?
-Dạ, bài Chú Tiểu Chùa Cổ Pháp tiếp liền sau bài bác đang đọc đó.
Ông lộ vẻ ngạc nhiên:
-Ồ, thế anh là NVT hả? Truyện đó tôi đọc rồi, viết được lắm!
-Dạ, tôi đúng là NVT, cám ơn “bác” đã khen!
Ông già đưa tay ra bắt tay tôi vui vẻ nói:
-May thật, tôi nghe nói anh đang ở Sacramento và cũng mong gặp anh để nói chuyện. Tôi đã đọc một số truyện và thơ của anh. Đọc mấy truyện sử “Cho Tôi Sống Lại Một Ngày”, “Chú Tiểu Chùa Cổ Pháp”, “Lạc Bất Tư Thục”, “Gió Xoay Chiều” tôi khoái quá. Nhưng tôi thích mấy truyện sử Việt Nam hơn. Theo tôi, đây là loại truyện rất bổ ích cho việc giáo dục công dân! Môn sử ký thường khô khan làm học sinh dễ chán, đa số coi việc học môn này chỉ là việc bất đắc dĩ, tới khi rời trường là quên hết. Thế mà khi viết thành dạng truyện sử như anh viết nó lại hấp dẫn, khiến người đọc dễ chú ý và nhớ lâu! Lối viết của anh giản dị mà vẫn sống động. Anh đã xây dựng truyện rất khéo. Khi đã thích các nhân vật trong truyện, tính tò mò sẽ khiến người đọc tự động tìm hiểu thêm về những nhân vật họ thích qua các cuốn sách sử ký. Dần dần họ sẽ cảm thấy môn sử ký không còn là một môn khó nuốt nữa.
Tôi đang chăm chú nghe thì người bạn của ông bước ra:
-Xong rồi anh, mình đi là vừa!
Cùng lúc đó nhân viên khai thuế gọi tôi:
-Xin mời ông vào.
Ông già chìa tay bắt tay tôi giã từ:
-Thôi, anh vào khai thuế đi đã! Ông bạn tôi đây đang có việc cần đi. Mình sẽ có dịp gặp nhau để nói chuyện nhiều hơn.
Sau khi khai thuế xong tôi sực nhớ đến ông già mới gặp vừa rồi. Những lời bàn về truyện sử của ông ta tôi thích lắm, chỉ tiếc là mới nghe được nửa chừng. Tôi hỏi nhân viên khai thuế:
-Ông già khi nãy nói chuyện với tôi là ai vậy?
-Ồ, ông Tô Hòa Dương đó, chắc ông mới đến đây nên chưa biết. Ông ấy là con trai của nhà văn Bình Nguyên Lộc và cũng là một nhà văn, nhà báo. Trước ông có ra tờ tuần báo Phù Sa ở Sacramento nhưng nay tờ tuần báo ấy đóng cửa rồi.
Tôi buột miệng:
-Hèn chi! Ông Dương chắc cũng cỡ bảy mươi rồi?
-Không tới đâu! Khoảng hơn sáu mươi thôi. Tại ông ấy để râu nên trông già vậy đó! Thấy ông hiền lành lụ khụ vậy mà đánh cờ tướng lại rất cao. Ổng đi những nước độc đáo khó lường lắm!
Hóa ra mình đã gặp “sư phụ” mà không hay! Ông Dương lại còn là một cao thủ cờ tướng nữa mới tuyệt chứ! Tôi cũng thích chơi cờ tướng lắm! Thế là tôi quyết tìm cách gặp lại ông Dương.
Sau khi hỏi thăm, tôi rất mừng biết nhà ông lại ở gần nhà tôi.
Ngay hôm sau tôi tìm đến gặp ông. Ông đã tiếp tôi với một thái độ rất nồng nàn. Nhìn kỹ gương mặt của ông lúc ấy tôi mới thấy ông trẻ hơn nhiều so với hình ảnh khi mới gặp. Tôi đổi cách xưng hô:
-Hôm qua nghe anh bàn chuyện sử hay quá mà vì công việc phải đứt đoạn nửa chừng, nay xin anh cho nghe tiếp có được không?
Anh Dương cười:
-Hay chi mà hay. Thì cũng nhân đọc mấy truyện sử của anh mà khơi thêm vài ý vậy thôi. Nhưng hôm qua tôi đã nói ra sao, đến đâu rồi?
-Dạ, anh đã nói những truyện thuộc loại lịch sử nếu viết hay, lôi cuốn được độc giả nó sẽ giúp độc giả xích lại gần môn sử ký hơn, họ sẽ không còn coi môn này là môn khó nuốt nữa!
Anh Dương tiếp lời tôi:
-À, tôi đã nói như thế… Đúng rồi! Truyện sử mà viết hay nó sẽ kích thích độc giả ưa đọc, ưa tìm hiểu về lịch sử hơn. Đó là một điều bổ ích thiết thực. Càng ham đọc lịch sử kiến thức về lịch sử càng mở rộng. Người dân càng hiểu biết lịch sử nước nhà thì lòng yêu nước của họ càng mạnh mẽ, càng tha thiết. Nói vậy không có gì là quá đáng đâu! Lịch sử nước ta là một chuỗi dài những cuộc đấu tranh để sống còn đầy vẻ bi tráng. Nào hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát tự trầm để khỏi lọt vào tay tướng giặc Mã Viện! Nào Trần Bình Trọng thà chịu chết chém. chứ không chịu đầu hàng Thoát Hoan với câu nói khí khái “Ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”! Nào Nguyễn Tri Phương khi bị thương, bị giặc Pháp bắt quyết nhịn đói chịu đau mà chết chứ không chịu để người Pháp cứu chữa! Nào Hoàng Diệu tự vào treo cổ ở Văn Miếu khi thành Hà Nội mất! Nào Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí làm cách mạng chống Pháp thất bại, bị bắt đưa lên “đoạn-đầu-đài” Yên Báy, trước khi đầu rơi khỏi cổ vẫn dõng dạc hô to “Việt Nam độc lập muôn năm”! Những anh hùng vị quốc vong thân của nước ta còn vô số. Khi thấu hiểu được những sự hi sinh xương máu, những nỗi gian khổ, cay đắng quá lớn lao của tổ tiên trong việc dựng nước và giữ nước, con cháu nào mà không cảm kích? Nhờ những tấm gương hi sinh cao cả ấy mà khi hữu sự, mọi công dân trong nước, nhất là đám thanh niên không ngại việc liều mình để bảo vệ đất nước! Suy nghĩ như thế nên tôi rất khoái những truyện sử đề cao những anh hùng của đất nước. Đáng tiếc loại truyện sử ấy nước mình còn hiếm quá.
Tôi vốn chịu môn sử ký và cũng là người ghiền đọc truyện sử, nghe anh Dương nói chuyện hào hứng quá tôi cũng bàn vào:
-Tôi thấy mình cũng có nhiều cuốn truyện sử viết rất hay đó chứ. Nào Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô gia văn phái, Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu của Hoài Điệp Thứ Lang, Lá Cờ Thêu Sáu Chữ Vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng, nào Hồi Chuông Thiên Mụ của Phan Trần Chúc, nào Ai Lên Phố Cát của Lan Khai v.v…
Anh Dương đưa tay ngăn lại:
-Tôi không nói mình không có truyện sử mà tôi nói truyện sử mình còn hiếm quá! Anh thấy một số truyện như thế so sánh với cái rừng truyện Tàu đang tràn ngập các nhà sách thì có thấm tháp vào đâu! Trong thực tế người mình lại rất mê đọc truyện sử! Những bộ sách như Phong Thần, Đông Châu Liệt Quốc, Thủy Hử, Thuyết Đường, Đông Hán Chí, Tây Hán Chí, Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, Bắc Tống, Ngũ Hổ Bình Tây, Nhạc Phi, Thuận Trị Quá Giang, Càn Long Du Bắc v.v… cứ phổ biến khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam. Người Tàu mê truyện Tàu đã đành, dân Việt mình cũng có người mê truyện Tàu quá đáng. Có người ca tụng luôn cả các nhân vật Tàu đã từng làm hại dân tộc mình như Mã Viện, Cao Biền nữa mới khổ chứ! Chuyện Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế thì ít ai biết mà chuyện Quan Công, Nhạc Phi, Địch Thanh, Càn Long lại rành như cơm bữa! Các nhà làm phim, soạn tuồng hát của mình cũng chạy theo thị hiếu của quần chúng, ít khi dùng tuồng tích của mình mà tinh lấy đề tài của Tàu để biên soạn, để trình diễn. Mình bị nô lệ văn hóa là do những nhược điểm đó chứ đâu? Tôi vẫn thao thức không biết làm cách nào để khỏa lấp, để giảm thiểu được những nhược điểm đó. Bởi thế, khi thấy anh viết được mấy truyện sử như thế tôi rất mừng. Tôi hi vọng trong tương lai anh sẽ viết được những truyện dài hơi hơn…
Thật tình hồi ấy tôi mới viết được đâu hơn mười truyện ngắn. Cái ước mơ cho chào đời một tập truyện đầu tay cứ ngày đêm thôi thúc. Mấy lần ướm thử mình đã viết được bao nhiêu trang tôi vẫn thấy nó còn mỏng quá. Cần phải thêm năm bảy truyện nữa mới mong có được một cuốn sách ra hồn. Nhưng tôi đã bị khựng lại, chưa kiếm ra đề tài để viết tiếp. Bất đắc dĩ tôi phải mượn mấy tích Tàu mà tôi đã đọc, viết thêm mấy chuyện về thói đời đen bạc và đem mấy chuyện lịch sử Việt Nam ra tán liều lấy có thôi. Viết thì viết nhưng trong lòng vẫn áy náy, chưa thỏa mãn vì mình chỉ biến chế xào nấu lại sản phẩm của thiên hạ chứ không phải là sản phẩm sáng tạo chính thức của mình. Trong đầu tôi, ý niệm hay uớc vọng viết một truyện dài lịch sử hoàn toàn chưa có. Không ngờ nay lại được anh Dương khen ngợi và khơi rõ những lợi ích của loại truyện sử, tôi “đột ngộ” như được một phép thần thông điểm hóa! Mình có sẵn một món bửu bối trong người mà không biết sử dụng! Thế là tôi vững lòng tiến bước, viết thêm mấy truyện nữa. Không lâu sau đó tập truyện đầu tay VẾT HẰN MÙA XUÂN của tôi ra đời!
Từ ngày gặp anh Dương, viết truyện nào tôi cũng nhắm sẵn một mục tiêu chứ không phải viết lấy có như trước nữa. Chúng tôi càng ngày càng thân thiết nhau hơn. Nói đúng ra, tôi phải coi anh Dương như một người anh tinh thần, một ông thầy, một vị ân nhân hơn là một người bạn! Nhà anh Dương gần nhà tôi nên việc tới lui rất tiện. Nhờ vậy, viết xong truyện nào tôi cũng đưa anh Dương coi trước. Truyện nào cũng được anh đọc đi đọc lại rồi góp ý để tôi sửa đổi trước khi đăng báo. Chính việc góp ý sửa đổi từng chữ, từng câu của anh đã giúp tôi thêm một mớ kiến thức về cách sử dụng chữ nghĩa. Anh lại còn gợi ý về nhiều đề tài khác cho tôi viết nữa. Một lần tôi kể chuyện đó với chị Dương, chị cười mà nói:
-Cái tánh nhà tôi vậy đó. Làm việc gì dù làm cho mình hay cho ai ông cũng cẩn thận từng chút, làm tới nơi tới chốn mới chịu. Như việc uống thuốc hằng ngày của tôi, bác sĩ dặn uống liều lượng thế nào, dĩ nhiên tôi phải nhớ kỹ và tự phân chia ra để uống được, thế mà ông cứ sợ tôi quên mà uống lẫn lộn, cứ nhắc chừng tôi hoài! Mỗi lần nhận thư từ gì quan trọng ông đều ghi chú rõ ngoài bì nhận ngày nào, bên trong có vấn đề gì đặc biệt. Khi thanh toán các bill về điện, ga hay phone ông cũng luôn copy giữ lại một bản. Đọc sách đọc báo cũng vậy, đọc tới đâu ông ghi chú cẩn thận tới đó. Những trang báo có những vấn đề mà ông cho là cần thiết, là quan trọng ông đều cắt ra để giữ riêng.
Nghe chị nói tôi mới biết thêm điều đó! Hèn chi những vụ tranh chấp giữa các nhân vật xã hội, nhất là những nhân vật trong cộng đồng người Việt tại địa phương, khi đã được đưa lên mổ xẻ trên các diễn đàn, nếu năm ba năm sau đó chuyện được khơi lại, anh Dương vẫn có thể còn đủ những tài liệu cũ để trưng ra làm bằng chứng. Điều đó đã làm nhiều người ngạc nhiên, chưng hửng… Tôi hỏi lại chị:
-Như vậy là chị có một ông chồng tuyệt quá. Trong cuộc sống thường ngày từ trước tới nay anh ấy có điều gì làm chị không hài lòng không?
Chị Dương cười:
-Ông đàng hoàng đứng đắn lắm, lúc nào cũng chăm lo cho vợ con. Ngoài thì giờ làm việc, ông chỉ đọc sách đọc báo, giao du với bạn bè cũng chừng mực, không có gì đáng trách cả. Nhưng thời gian sau này rảnh rỗi quá nên ông ghiền đánh cờ tướng trên internet. Thường thường ông đánh tới hai ba giờ khuya. Vì vậy sáng nào ông cũng thức dậy rất trưa. Tôi sợ ông ông quá ham chơi cờ mà mất sức khỏe nên vẫn hay khuyên ngăn nhưng ông cứ bảo không sao đâu! Tôi thật sự lo lắng chuyện đó lắm. Anh chơi thân với ông thử khuyên giúp tôi may ra ông chịu nghe!
Chị Dương dặn vậy nhưng tôi chưa thuận tiện để khuyên anh việc đó. Thật sự tôi chưa rõ có phải anh Dương bỏ quá nhiều thời giờ để chơi cờ tướng trên mạng không. Có thể chị Dương thấy anh chơi cờ vài lần rồi tưởng thế chăng? Anh là người thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, tôi đã nhiều lần thấy anh đọc các sách viết hai thứ tiếng này. Các biến cố xảy ra trên thế giới anh đều biết rành rẽ khá sớm trước khi các báo Việt ngữ đăng lên. Nếu anh không lấy tin từ nguồn internet thì lấy ở đâu? Tôi cũng biết anh luôn theo dõi, nghiên cứu các vấn đề thời sự quốc tế, nhất là về các vấn đề liên quan tới Việt Nam. Quả thật sau này tôi có hỏi người em trai của anh là Tô Phúc về chuyện ấy thì anh Phúc cho biết anh Dương có thói quen thức khuya như vậy là để đọc và viết lách vì anh cho rằng buổi khuya là lúc thanh tịnh nhất dễ tập trung trí óc để làm việc.
Có một lần tôi thấy anh trải ra đọc một lượt bốn tài liệu liên can đến cuộc đảo chánh hụt TT Diệm vào ngày 11.11.1960 để đối chiếu. Đó là tài liệu của các ông Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Phạm Văn Liễu và Phan Lạc Tuyên. Anh dùng bút màu vạch lên từng câu mâu thuẫn nhau trong các tài liệu rồi lắc đầu mà cười:
-Chỉ mới vụ này mà bốn người trong cuộc đều nói mỗi người một đường và ai cũng tự cho mình là người chủ trương đầu tiên cả…
Anh Dương vốn không biết lái xe nên không có xe riêng. Từ khi quen anh, những lần đi tham dự các buối sinh hoạt cộng đồng tôi vẫn thường chở anh cùng đi. Tôi để ý thấy những lần đi dự các buổi sinh hoạt ấy, anh không bao giờ chịu ngồi những hàng đầu mà thường lặng lẽ đi thẳng vào phía sau kiếm một chỗ ngồi ở những dãy ghế sau cùng. Bình thường anh chỉ lắng nghe, rất ít khi phát biểu. Có lần tôi hỏi anh:
-Anh là người có danh trong cộng đồng sao không khi nào anh chịu ngồi những hàng trước cho ban tổ chức dễ giới thiệu vậy?
Anh cười hóm hỉnh đáp:
-Mình đi dự để ủng hộ, để được nghe người ta nói chuyện chứ đâu phải để được người ta giới thiệu! Tránh được giới thiệu chừng nào hay chừng đó.
Anh đã nói thật lòng. Lần nào đi dự sinh hoạt cộng đồng anh cũng có ủng hộ ban tổ chức ít nhiều. Dù ban tổ chức có giới thiệu anh trước cộng đồng hay không cũng mặc. Sở dĩ tôi đề cập đến điều này vì chính mắt tôi từng trông thấy vài tham dự viên đã phản ứng dữ dội trong vài cuộc ra mắt sách khi ban tổ chức quên giới thiệu họ.
Khá nhiều người trong giới văn nghệ sĩ biết anh rộng kiến thức văn học, nhận xét tinh vi, bình luận sâu sắc. Tôi đã thấy nhiều nhà văn, nhà thơ, kể cả những người đã thành danh từ trước vẫn nhờ anh viết bài giới thiệu cho tác phẩm của họ. Khi đã nhận lời giúp ai, anh đều giúp tới nơi tới chốn đúng như lời chị Dương nói. Anh chịu khó đọc kỹ tác phẩm. Đọc đến đâu anh ghi chú những điều cần bàn cãi, góp ý đến đó. Đoạn nào thấy rắc rối khó hiểu anh đọc đi đọc lại nhiều lần. Khi đã nắm được nội dung tác phẩm anh mới bắt đầu viết bài giới thiệu. Anh viết rất cẩn thận, luôn đắn đo cân nhắc từng chữ, từng câu. Nhờ thế, những bài giới thiệu do anh viết thường rất thuyết phục người đọc. Đáng tiếc là anh không quen viết trên computer mà chỉ viết bằng tay để người khác đánh máy lại nên mất khá nhiều thì giờ. Có khi viết giới thiệu một tác phẩm anh phải mất cả vài ba tuần! Dĩ nhiên anh viết không có thù lao, cũng không phải vì danh tiếng mà chỉ vì tinh thần phục vụ văn học. Không muốn ai chú ý đến mình nên anh đã dùng nhiều bút hiệu khác nhau để ký như Tống Diên, Tần Du, Lưu Tịnh v.v… Nhưng tiếng lành đồn xa, giới viết lách, nhất là những người mới tập sự, vẫn mong được anh giúp vai trò “mõ làng văn”. Vì thương quí những người sáng tác văn nghệ, vì tính cả nể nên đã có lần anh vấp phải một tình huống cười ra nước mắt như sau:
Có một ông trí thức khá sành đời, rất giàu lòng tự tin, ăn nói hoạt bát, được nhiều người nể trọng. Trong thời gian rảnh rỗi, ông cũng học đòi viết lách, cuối cùng ông cũng hoàn thành được một tác phẩm. Ông mang tác phẩm đến nhờ anh Dương đọc và viết giúp một bài tựa. Vì tác phẩm không dày lắm nên anh Dương đọc xong rất sớm. Thế nhưng anh loay hoay cả tuần lễ vẫn chưa viết được gì. Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Tác phẩm này có gì đặc biệt mà anh phải băn khoăn, cân nhắc đến thế?
Anh Dương cười mà lắc đầu:
-Có gì đặc biệt đâu! Nhưng khó viết quá!
-Không có gì đặc biệt sao lại khó viết?
Anh Dương cười rồi hạ thấp giọng:
-Anh em mình nói nhỏ cho nhau nghe thôi, đừng để ông ấy biết được ông ấy buồn. Tôi không ngờ ông ấy ăn nói lưu loát vậy mà viết văn không ra sao cả, anh cứ đọc thử một đoạn sẽ biết. Cấu trúc luộm thuộm, câu kéo lòng thòng … Nhưng mình đã hứa viết cho người ta thì phải gắng chứ biết làm sao? Tôi đang cố tìm cho ra một vài ưu điểm trong tác phẩm để nói mà tìm mãi chưa được.
Nghe anh nói tôi cũng không nhịn cười được, bèn góp ý:
-Tôi có đọc một vài bài của ông ta rồi, tôi biết. Anh cứ thấy sao viết vậy cũng là một cách giúp ông ấy tự sửa đổi để tiến bộ chứ sao lại chịu cực tìm ưu điểm cho mất công, hao sức?
-Không được đâu! Tôi không muốn làm ông ấy thất vọng. Lúc này ông ấy quá rảnh rỗi quá, viết lách cũng là một niềm vui lúc tuổi già. Bây giờ ông ấy viết yếu thật nhưng biết đâu mai mốt ông sẽ viết khá hơn? Mình nói thẳng thừng quá coi như cắt đứt niềm vui của ông ấy sao nên!
Cuối cùng anh phải chọn giải pháp gợi ý, hướng dẫn cho ông kia sửa chữa, thêm bớt một số điểm cần thiết làm nội dung cuốn sách đọc cũng tạm được!
Thỉnh thoảng anh còn viết một số bài nhận định về thời cuộc. Cũng có bài nhận định về các sinh hoạt cộng đồng, trong đó anh gợi ý xây dựng một vài nhân vật có những hành động mập mờ bất chính. Anh dùng lối viết mang hơi hướm tiếu lâm, nhẹ nhàng nhắc khéo đối tượng để họ tự sửa đổi việc làm không tốt của họ. Thế nhưng cũng có lần có một đối tượng của anh đã phản ứng rất dữ tợn! Có lẽ y quá quê vì bị anh nhìn thấu suốt cái tẩy xấu của y nên y hung hăng viết bài đả kích, mạt sát anh, bất chấp cả việc đụng chạm đến gia thế của anh. Khi biết được việc này, anh chỉ cười mà nói:
-Không sao, cứ để ông ấy chửi cho thỏa mãn!
Thấy anh không thèm đếm xỉa đến những lời nhục mạ của mình, người gây sự càng bực tức và càng chửi bới gắt hơn. Anh cứ phớt tỉnh, để mặc y chửi bới. Thái độ thản nhiên, lặng lẽ của anh đã biến người gây sự kia thành kẻ nói xàm một mình. Cuối cùng y đành lặng lẽ bỏ cuộc, không chửi nữa!
Sau khi xuất bản tập truyện Vết Hằn Mùa Xuân tương đối thành công, tôi được đà sáng tác mạnh mẽ hơn trước. Thấy nhiều độc giả đã chú ý đến những truyện sử của mình, và nhất là do sự khuyến khích của anh Dương, tôi bắt đầu thiên về viết thể loại này. Trong số các truyện sử kế tiếp, tôi ưng ý nhất là truyện Tình Hận. Truyện viết về mối tình cay đắng giữa vị vua khai quốc của triều Trần là Trần Cảnh và vị vua cuối cùng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng. Khi lấy chồng Lý Chiêu Hoàng mới 7 tuổi, được mấy tháng sau bà nhường ngôi cho chồng để làm Chiêu Thánh hoàng hậu. Nhưng hạnh phúc lứa đôi chỉ kéo dài được 12 năm thì Chiêu Thánh bị truất ngôi và bị bỏ rơi. Mãi 20 năm sau Chiêu Thánh mới được gả cho một vị quan trong triều. Truyện này khá cảm động nhưng tôi ướm thử mãi cũng chỉ được khoảng 130 trang nếu in thành sách. Tôi lúng túng không biết nên xếp nó vào loại truyện ngắn hay truyện dài. Anh Dương nói:
-Cứ coi như truyện dài, xếp nó vào thể loại tiểu thuyết lịch sử. Trước đây nhà văn Lan Khai viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Chế Bồng Nga cũng chỉ dài cỡ khoảng ấy thôi. Để cho độc giả cầm quyển sách không cảm thấy mỏng quá, ông chỉ thêm hai truyện khác là xong. Ai phê phán chê trách gì đâu? Bây giờ anh cũng thêm vài truyện sử ngắn khác vào cho tập sách dày dày là coi được rồi!
Tôi nghe lời anh Dương, lấy hai truyện sử Người Chém Đá và Vương Phi Mỵ Ê gộp với truyện sử Tình Hận làm thành một tập. Anh Dương viết bài tựa cho tập sách dưới bút hiệu Tống Diên. Thế là năm 2002 tôi cho ra đời được tập tiểu thuyết lịch sử đầu tiên với tựa đề “TÌNH HẬN”. Sách dày 190 trang kể cả bìa, in loại giấy dày coi cũng được mắt. Rất may là tập sách mỏng này cũng được nhiều độc giả chiếu cố. Nhờ vậy, đến năm 2005 tôi đã nhuận sắc, bổ khuyết để tái bản với cái tựa đề mới “LÝ TRẦN TÌNH HẬN”. Lần này dù không dùng tới 2 truyện phụ Người Chém Đá và Vương Phi Mỵ Ê nữa nhưng sách vẫn dày ngoài 200 trang.
Sau TÌNH HẬN, tôi lại xuất bản tập truyện ngắn đời thường NGÕ TÍM (2003) rồi tiếp tục sáng tác tiểu thuyết lịch sử CÔNG NỮ NGỌC VẠN (2004). Anh Dương cũng đề tựa cho tập sách này. Trước khi viết tựa, anh Dương đã đọc rất kỹ và sửa cho tôi nhiều lỗi lầm trong đó có một lỗi quan trọng là dùng sai ngôn ngữ đương thời. Khi đọc đến đoạn Đội Bảo Hộ Lưu Dân Đại Việt thông báo tin tức cho đồng hương biết mà tôi viết “A-lô a-lô, loan báo cho đồng hương biết…”, anh Dương tức cười mà nói:
-Thời chúa Nguyễn tiếng Tây đâu đã du nhập Việt Nam mà có tiếng a-lô a-lô này? Phải dùng tiếng “loa loa” hoặc “nghe đây nghe đây” mới được!
-May quá, nếu không có anh Dương kịp sửa lưng, tôi đã phạm một khuyết điểm lớn có thể làm trò cười cho độc giả!
Tới khi tôi viết cuốn tiểu thuyết lịch sử DƯƠNG VÂN NGA: NON CAO VÀ VỰC THẲM (2005) chính anh Dương đã đặt cái tựa đề này cho tập sách. Và cũng chính anh Dương đã giúp tôi hóa giải một điểm viết không đúng với thực tế lịch sử mặc dù lỗi này dễ được độc giả thông cảm. Số là khi tả về tướng Lê Hoàn, một người có thể làm cho vị đương kim hoàng hậu mê đắm, tất nhiên người đó phải có một điểm gì nổi bật. Tiện nhất là tả người đó cao lớn, đẹp trai, thông minh, ăn nói hoạt bát, dễ xứng hợp với cái tương lai trở thành một vị vua của Lê Hoàn. Tôi đã viết như thế nhưng bất ngờ anh Dương đưa tôi xem một đoạn trong một tập sách nghiên cứu của sử gia Tạ Chí Đại Trường, đó là bài sớ do một viên sứ giả Tàu tả chân dung Lê Hoàn dâng lên vua Tống. Theo viên sứ giả này thì Lê Hoàn vóc dạc tầm thường, mặt mũi không được đẹp. Không biết y tả có đúng không nhưng nếu là đúng mà mình viết ngược lại thì có thể có người cho đây là một sự thiên vị nếu không nói là bóp méo. Còn nếu muốn sửa lại đoạn đầu thì quá khó khi tìm lý do để giải thích vì sao hoàng hậu lại mê Lê Hoàn! Chúng tôi cười với nhau rồi cuối cùng tìm ra được một cách hoá giải khá hợp lý: Khi có vụ nổi loạn của Dương Tấn Lộc ở phương Nam, sau một đêm thức trắng để nghĩ kế hoạch diệt trừ tên này, Lê Hoàn đã bị trúng gió nên sinh biến chứng mắt lệch miệng méo. Sau đó tuy được cứu chữa kịp thời nhưng gương mặt Lê Hoàn vẫn không thể hoàn nguyên vẻ đẹp như xưa. Thế là vẹn cả đôi đường!
Năm 2006, tôi cùng ba người bạn Tôn Thất Sang, CaoThanh Tâm và Lưu Trần Nguyễn ra chung một tập truyện ngắn, chính anh Dương cũng đặt cho cái tên sách là KHUẤY BỤI THỜI GIAN và viết luôn bài tựa.
Ba đứa con tinh thần kế tiếp của tôi là truyện dài xã hội THĂM THẲM TRỜI XANH (2007), tiểu thuyết lịch sử TRẦN KHẮC CHUNG (2009) và tập truyện ngắn LÃNG ĐÃNG HỒN XƯA (2010) cũng đều được anh Dương góp ý bổ khuyết nhiều trước khi chúng chào đời.
Nhưng lẽ đời có hợp thì phải có tan. Khi tôi bắt đầu viết tập tiểu thuyết lịch sử CHẾ BỒNG NGA: ANH HÙNG CHIÊM QUỐC thì anh Dương đã dời chỗ ở. Chẳng bao lâu sau đó anh cũng bắt đầu lâm bệnh. Anh cho biết anh bị viêm lá lách. Ban đầu ai cũng hi vọng không đến nỗi gì, không ngờ chứng bệnh này đã đưa anh đến cõi vĩnh hằng!
Hơn mười năm được hân hạnh gần gũi thân thiết với anh Dương, tôi chỉ biết anh là người kiến thức uyên bác, yêu văn học, chứ không hề biết trong quá khứ anh đã làm gì. Tới khi anh mất, qua phần tiểu sử được nghe đọc tại đám tang tôi mới biết được anh đã từng tốt nghiệp bằng Cử Nhân Văn Chương Pháp và chức vụ cuối cùng là Giám đốc Trung Tâm Huấn Luyện của Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo Việt Nam Cộng Hòa.
Với tôi, tôi coi cuộc gặp gỡ anh Dương như một sự may mắn kỳ diệu của đời mình. Nếu không gặp gỡ anh Dương, không có sự khuyến khích, cổ động, giúp đỡ tận tình của anh, chưa chắc tôi đã đủ can đảm dấn thân vào việc viết nên những thiên tiểu thuyết lịch sử như quí độc giả đã thấy. Hôm nay tôi ghi lại mấy dòng này để tưởng niệm, để tỏ lòng biết ơn đối với một người anh, một người thầy, một người tài ba, đức độ hiếm hoi đã giúp tôi tiến bước trên con đường phục vụ nền văn học Việt Nam!
                                                                       Ngô Viết Trọng
                                                                              (2012)