Home Giải Trí Thắng Cảnh Thế Giới Du lịch Pháp khởi sắc : khách Trung Quốc gia tăng

Du lịch Pháp khởi sắc : khách Trung Quốc gia tăng PDF Print E-mail
Tác Giả: Tuấn Thảo   
Thứ Sáu, 14 Tháng 1 Năm 2011 15:47

Năm 2011 mở ra khá nhiều triển vọng tươi sáng cho ngành du lịch Pháp sau một thời kỳ ảm đạm do khủng hoảng tài chính.

Năm 2010 vừa qua là một năm bội thu với hơn 74 triệu du khách quốc tế, công nhận nước Pháp là địa điểm du lịch hàng đầu thế giới. Đà thành công này có nhiều khả năng được duy trì trong năm nay.

Pháp chiếm hạng đầu thế giới về số lượng du khách nước ngoài (DR)

Theo Văn phòng du lịch Paris, lượng du khách nước ngoài trong tháng 12 năm 2010 qua đã tăng 11% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

 Nếu như về mặt số lượng, du khách đến từ Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản vẫn đứng đầu, thì kể từ đầu năm 2010 đến nay, lần đầu tiên du khách Trung Quốc lại vượt qua mặt các nước này về mặt chi tiêu mua sắm.

Theo cơ quan Global Refund, tính tổng cộng, doanh thu mua sắm của khách Trung Quốc lên đến 158 triệu euros, trong khi du khách Nga chi khoảng 111 triệu, người Nhật 100 triệu, còn người Mỹ chi khoảng 92 triệu euros.

Thời trang, mua sắm : sức cuốn hút của Paris

Cung cách chi tiêu mua sắm của khách Trung Quốc khác hẳn với các thành phần du khách quốc tế. Du khách đến từ Hoa Lục mỗi ngày chỉ chi khoảng 50 euros cho tiền ăn ở (khách sạn và nhà hàng), tức là chỉ bằng gần một phần ba so với người Nhật (144 euros) và người Mỹ (130 euros).

 Ngược lại, khách Trung Quốc chi 197 euros cho việc mua sắm, tức cao gấp rưỡi so với du khách Nhật (130 euros) và cao gấp đôi so với du khách Mỹ (90 euros). Khi đến Paris, người Trung Quốc thích mua sắm những gì ? Một du khách đến từ Thượng Hải cho biết :

Tại Paris, người ta có thể tìm thấy rất nhiều thương hiệu nổi tiếng, nhất là các nhãn hiệu thời trang vừa đa dạng, vừa có chất lượng. Tôi đến Paris trước hết là để tham quan, kế đến là để mua sắm. Trong số các mặt hàng mà tôi ưa chuộng nhất có các loại túi xách tay dành cho phụ nữ, các món trang sức đồng hồ, và các kiểu giầy cao gót, mà dường như chỉ có ở Paris hay ở Milano bên Ý, thì ta mới tìm thấy nhiều mẫu mả và nhiều màu sắc đến như vậy.

 Các sản phẩm đa dạng đến nổi, cả nửa tiếng đồng hồ đi ngắm hàng tôi vẫn cứ đắn đo không biết mình nên mua món nào cho thật vừa ý. Nhưng chắc chắn là tôi sẽ mua ít nhất là một đôi giầy và một cái ví da. Chỉ tiếc rằng tôi không có đủ tiền mặt ở trong túi, vì nếu có thêm tiền, thì tôi sẽ mua mỗi thứ vài món. Đối với phụ nữ, tôi nghĩ rằng Paris thật là một địa điểm mua sắm lý tưởng.

Paris ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các nước đang trỗi dậy. Trong đó lượng du khách Nga và Ấn Độ tăng một cách đều đặn mỗi năm. Nhưng đứng đầu vẫn là đối tượng du khách đến từ Hoa Lục. Ông Paul Roll, giám đốc điều hành Văn phòng du lịch Paris cho biết :

Cách đây vài năm, thành phần du khách đến từ các nước như Nga, Ấn Độ hay Trung Quốc không có vị trí đáng kể trong bản xếp hạng của chúng tôi. Vào thời đó, khi nói về lượng du khách nước ngoài đến thăm Paris, thì đứng đầu danh sách vẫn là Hoa Kỳ Nhật Bản và một số nước Tây Âu.

Giờ đây, các quốc gia đang trỗi dậy tương đương với một phần ba lượng du khách nước ngoài đến Pháp. Đáng kể hơn cả vẫn là thành phần du khách đến từ Hoa Lục. Kể từ năm 2006 cho tới nay, lượng du khách Trung Quốc tăng đều đặn mỗi năm với tỷ lệ hai số, ít nhất là 14%, cao nhất là 20%. Thậm chí ngay vào năm 2008, khi xảy ra biến cố rước đuốc Thế vận hội tại Paris, thì lượng du khách Trung Quốc bị suy giảm trong vòng hai tháng, nhưng sau đó thì tăng trở lại.

 Đến năm 2009, con số này thật sự bùng phát tăng vọt, bù đắp cho thất thu của ngành du lịch ở Pháp ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhờ vậy mà các dịch vụ du lịch tại Paris không bị nhiều thiệt thòi năm 2009, và đến cuối năm 2010 thì đã tìm lại được đà tăng trưởng của những năm trước giai đoạn khủng hoảng.

Tuyển dụng nhân viên nói tiếng Hoa

Để đáp ứng nhu cầu phục vụ đối tượng du khách Trung Quốc, các cửa hiệu lớn tại Paris đã tuyển dụng và đào tạo một đội ngũ nhân viên bán hàng khá hùng hậu. Theo lời ông Laurent Chen Tan, giám đốc chuyên trách về các khách hàng quốc tế tại cửa hiệu Printemps nằm trên đại lộ Haussmann, du khách Trung Quốc hiện đứng đầu về số lượng mua sắm, vượt qua mặt các khách hàng đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nga :

Chúng tôi đã sắp đặt cửa hàng và bố trí nhân viên làm sao để có thể phục vụ chu đáo đối tượng du khách này. Các bản đồ hướng dẫn, danh sách chi tiết các dịch vụ của chúng tôi đều đã được dịch sang tiếng Hoa. Về số lượng nhân viên bán hàng, chúng tôi đã tuyển thêm người nói thạo tiếng quan thoại và quảng đông. Bên cạnh đó, chúng tôi còn bố trí những chuyên viên ‘‘guest relation’’, mà mục tiêu là đi kèm với các nhóm du khách để hướng dẫn họ cách hoàn thuế trực tiếp.

 Như vậy khi mua một món hàng, du khách có thể lấy lại cái khoảng thuế TVA bằng tiền mặt. Họ có thể dùng khoản tiền bồi hoàn để mua thêm hàng hay để chi trả những thứ khác.

Nói như vậy không có nghĩa là du khách Trung Quốc là đối tượng khách hàng lý tưởng, bởi vì cung cách sinh hoạt và mua sắm của họ khác hẳn với các thành phần du khách đến từ các quốc gia khác. Ông Paul Roll, giám đốc điều hành Văn phòng du lịch Paris giải thích vì sao :

Một du khách Trung Quốc chi rất ít tiền cho việc ăn ở. Thường thì họ không chọn hình thức du lịch cá nhân mà lại đi từng đoàn, theo các tour du lịch trọn gói. Cả đoàn thường ở trọ trong những khách sạn rẻ tiền, mỗi bữa ăn họ chỉ trả khoảng chừng 7 hoặc 8 euros, tức là rất thấp so với du khách đến từ các nước khác. Bù lại, đây là thành phần có nhiều tiền mặt, chủ yếu dành để mua sắm cá nhân hay mua quà về tặng người thân trong gia đình. Họ rất chú trọng đến các nhản mác thương hiệu, đặc biệt là các loại hàng chính gốc ‘‘made in paris’’.

Cũng cần biết rằng họ đi tour du lịch châu Âu, và chỉ ở lại Pháp cùng lắm là ba hay bốn ngày. Thời gian thăm viếng và đi mua sắm ở Paris thường là một ngày rưỡi. Có thể nói là các dịch vụ khách sạn và nhà hàng không hưởng nhiều lợi, nhưng bù lại các cửa hàng buôn bán như Galeries Lafayette, Printemps hay các tụ điểm giải trí như Lido hay Moulin Rouge thì lại rất ăn khách. Vì thời gian họ ở lại Paris rất ngắn ngày, cho nên các cửa hàng phải tổ chức làm sao để phù hợp với cung cách mua sắm ấy.

Chân chạy như điên, tay cầm ví tiền

Còn theo anh Quang Trần, chuyên viên ngành du lịch khách sạn, tỷ lệ du khách nước ngoài tại Paris đã được phục hồi và một phần là cũng nhờ số lượng du khách đến từ Trung Quốc. Hiện giờ, lượng du khách Trung Quốc hàng năm đến Pháp là 700 ngàn người, từ đây cho đến 5 năm tới, Paris hy vọng thu hút khoảng 2 triệu du khách đến từ Hoa Lục.

Giới chuyên ngành du lịch xếp người Trung Quốc vào thành phần du khách cưỡi ngựa xem hoa tức là họ ít quan tâm đến các sinh hoạt văn hóa mà lại chủ yếu đi chụp hình các danh lam thắng cảnh rồi rủ nhau đi mua sắm.

Tại Paris, có ba khu vực mà họ không bao giờ bỏ qua. Thứ nhất Tháp Eiffel và đại lộ Champs Élysées, thứ nhì là các cửa hiệu tại góc phố Opéra và đại lộ Haussmann, thứ ba là khu phố Pigalle và nhà hát Moulin Rouge.

Có người nói đùa rằng : trong cái vùng ‘‘tam giác vàng’’ ấy, hướng dẫn viên thường khuyên cả đoàn nhớ tuân thủ các phép tắc xã giao, chịu khó đứng xếp hàng và đừng nên khạc nhổ ở ngoài đường. Du khách Trung Quốc khi dạo phố không còn nghĩ tới chuyện cưỡi ngựa xem hoa, mà lại ở trong tư thế : đôi chân chạy như điên, đôi tay cầm ví tiền.