Home Văn Học THƠ Các thi sĩ Mùa Giáng Sinh

Mùa Giáng Sinh PDF Print E-mail
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Hai, 21 Tháng 12 Năm 2009 22:39

Ngày Giáng Sinh mang tất cả nét tinh hoa của những ngày lễ hội,

đó là tình yêu của Valentine, mang điều ân nghĩa của Thanksgiving, mang ơn Mẹ của Mother's Day, mang nghĩa Cha của Father's Day, còn hơn nữa là tấm lòng của ông bà, cha mẹ đối với con cái, cháu chắt, của con người đối với con người. Nước Mỹ còn có ngày National Boss's Day, ngày National Secretary's Day, nhưng cuối cùng tất cả đều thể hiện qua Giáng Sinh.

Hình minh họa. (Hình: ALBERTO PIZZOLI/AFP/Getty Images) 

Bạn có thấy là bây giờ thương xá đông người, tràn ngập khách mua sắm cho đến phút chót kề cận ngày Giáng Sinh. Từ một chiếc thiệp gởi người bạn phương xa mà có khi cả năm bận rộn chưa có một lời thăm hỏi, cho đến một món quà cho một người ơn đôi khi tưởng mình đã không còn nhớ đến. Trong chúng ta ai lại không có một người để tặng một món quà, đó là người vợ, người chồng, người yêu của chúng ta; đó là cha mẹ, đó là anh em, đó là người bạn cùng sở, bà hàng xóm, cô giáo của con cho đến cả người đưa thư hay người quét dọn trong chung cư. Mùa Giáng Sinh chính là thời gian để bày tỏ, thể hiện tấm lòng của chúng ta đối với người khác. Trong chúng ta, ai là người ngày Giáng Sinh không hề nhận được một món quà hay không hề mua một quà cho ai?

Ngày xưa tôi rất thích câu chuyện cảm động mùa Giáng Sinh của O. Henry: “Ðôi vợ chồng son James và Dolly rất đỗi thương yêu nhau nhưng họ quá nghèo. Ngày Giáng Sinh đến, nàng muốn mua tặng chàng một chiếc dây đeo cho chiếc đồng hồ gia bảo của chàng nhưng chỉ dành dụm được một số tiền quá ít, chàng thì lâu nay muốn có một chiếc lược để tặng nàng vì mái tóc vàng óng ả của nàng quá đẹp. Trước ngày Giáng Sinh, Dolly quyết định cắt mái tóc đẹp của nàng để mua một chiếc dây đeo đồng hồ bằng bạc cho James. Về đến căn apartment nghèo nàn, Dolly bối rối che mái tóc đã cắt cụt và chờ James để trao món quà, nhưng cũng trong buổi chiều hôm đó, James đã bán chiếc đồng hồ quý giá kia đi để mua cho nàng một chiếc lược nạm ngọc cho xứng với mái tóc của nàng.” Mái tóc nàng không còn để cần đến chiếc lược, cũng như chiếc đồng hồ đeo tay của chàng không còn để cần đến chiếc giây đẹp đẽ. Họ đã khóc nhưng tràn đầy hạnh phúc, vì bạn cũng biết rằng hạnh phúc càng chia sẻ, càng tăng trưởng.

Mùa Giáng Sinh mang cái vẻ đáng yêu, hòa bình và thương yêu, mang sự rộn rã đến trong lòng mỗi người, đến đỗi chúng ta quên mất đó là ngày của một vị cứu thế ra đời, nó hòa nhập như là phong tục của loài người trên trái đất. Tôi nghĩ không khí của ngày Giáng Sinh lan tràn khắp mọi gia đình trên trái đất này như tượng trưng cho một mùa sum họp, ấm cúng và bình an và thứ văn hóa này là của chung của mọi người trên trái đất.

Bây giờ trời đã lạnh nhiều, bên ngoài nhiều ngôi nhà đã giăng đèn, thương xá đông người, trên đường lác đác đã có những người chở cây thông về nhà và đâu đây vẳng tiếng nhạc Giáng Sinh. Ðây phải chăng là dấu hiệu của thời gian, báo hiệu một năm cũ sắp qua hay nói một cách khác một năm nữa lại về, đem lại niềm phấn khởi vui tươi cho người này, nhưng cũng đem nỗi chạnh lòng buồn bã cho người khác.

Ngày xưa khi các con còn nhỏ, mặc đầu gia đình theo đạo Phật, năm nào đến mùa Giáng Sinh, trong nhà không có cây Noel, nhưng chúng tôi cũng trang trí một hang đá với chúa hài đồng xin xắn trong máng cỏ, mẹ Maria, ông Giuse và cả ba vị tiên tri chống gậy đi từ phương Ðông đến. Ðây không phải là niềm tin nhưng là một thói quen đẹp đẽ, trẻ con hay người lớn đều thích thú nhìn ánh đèn ấm cúng tỏa ra từ hang đá nhỏ, hay những dàn đèn muôn màu chớp tắt trong phòng khách và nghe tiếng nhạc Giáng Sinh rộn ràng vui tươi.

Rồi miền Nam qua những mùa lạnh vắng tiếng chuông đêm Noel, nhà thờ đóng cửa và tín đồ thầm lặng cầu kinh trong bóng tối của lo sợ, cam chịu và chia lìa. Ông già Noel, sản phẩm của đế quốc phương Tây lặn lội trong bùn lầy thủy lợi hay chia sẻ nỗi khổ đau của dân tộc, đang vác thánh giá trong các trại tập trung ở Kà tum, Suối Máu hay bị đày tận Bắc Thái, Hoàng Liên Sơn.

Ðến miền đất tự do hôm nay, nhiều gia đình đã dựng lại cây Giáng Sinh, như dựng lại cuộc đời và phục hồi niềm vui và hy vọng lại cho cả một thế hệ đã đau khổ, mất mát và cho cả tuổi thơ, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở đây. Tuy vậy, thời gian trôi qua như chớp mắt, niềm vui Giáng Sinh đem hy vọng, phấn khởi và vui tươi cho tuổi trẻ nhưng cũng là chút u hoài, tiếc nuối và chạnh lòng của người già. Mỗi năm, các con mỗi ngày mỗi lớn, cha mẹ tóc mỗi ngày mỗi bạc, niềm vui của những mùa Giáng Sinh không còn rộn ràng vui tươi mong đợi như ngày trước. Rồi các con như cánh chim lần lượt bay xa, để lại cha mẹ luống tuổi bên tổ lạnh. Cây Giáng Sinh ngày trước mỗi năm được dựng lại, giăng đèn kết trái, đã mấy năm rồi nằm quên lãng trong nhà kho bụi bặm, vì trong nhà không còn tiếng cười nói trẻ thơ, không có những đôi mắt ngây tròn sung sướng khi gói quà được mở ra. Tổ ấm ngày xưa nay đã vắng người, cha mẹ sống với nỗi quạnh hiu, có khi người đi người còn ở lại. Cũng xin nhớ đến những bậc phụ mẫu đang cô đơn trong nhà dưỡng lão, và những người sắp qua đời trong đêm nay.

Bây giờ có những cây Giáng Sinh buồn vì con trai đang ở mặt trận xa, bây giờ có những cây thông chưa được lên đèn trong nhà người góa phụ và con côi. Ánh đèn Giáng Sinh tỏa sáng, tiếng nhạc Giáng Sinh reo vui nhưng không đến được cho mọi nhà, đem hạnh phúc lại cho loài người trên mặt địa cầu, trong những vùng đất nghèo đói, chiến tranh, áp bức và bệnh tật. Ông già Santa Claus có thói quen theo ống khói lò sưởi đem quà đến cho trẻ thơ, nhưng nhiều gia đình không có đủ một mái tranh, đang ở trong hang động, hay dưới một tấm lều vải trong trại tạm cư.

Giáng Sinh đem phấn khởi lại cho tuổi thơ, đem hoài niệm, tiếc nuối cho người già nhưng nỗi bình an cho nhân loại hôm nay hãy còn quá xa xôi.