Home Văn Học Tùy Bút Trở lại xóm đạo Tha La

Trở lại xóm đạo Tha La PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ðạt   
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 08:52
 ...nói chuyện về cái chết của tác giả bài thơ. Cái chết ấy, đừng ai nói đắt rẻ, khi Vũ Anh Khanh đi tìm tự do. Sống trong “tấm màn sắt” có hơn gì cái chết?
 Ðây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh
 Ngậm ngùi Tha La bảo:
Ðây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng
Khói đùn quanh nóc tranh
Gió đùn quanh mây trắng
Và lửa loạn xây thành...
 Hai đoạn đầu bài thơ rất dài của Vũ Anh Khanh, tôi thuộc nằm lòng từ những năm học bậc trung học ở Sài Gòn. Bài thơ mà tôi nhớ tên, không biết từ đâu, là Tha La Xóm Ðạo, dài lắm không thể thuộc hết, tác giả viết bằng nhiều thể loại, nghe như một vở kịch thơ. Từ lúc biết bài thơ Tha La Xóm Ðạo, tôi cũng nghe nói về tác giả bài thơ, Vũ Anh Khanh, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, tập kết ra Bắc sau Hiệp Ðịnh Genève năm 1954 chia đôi đất nước. Năm 1957, Vũ Anh Khanh vượt tuyến vào Nam. Khi bơi qua sông Bến Hải, lúc bấy giờ là vùng phi quân sự, Vũ Anh Khanh bị bắn bằng mũi tên tẩm thuốc độc...
 Ở Sài Gòn, từ lúc tôi biết bài thơ Tha La Xóm Ðạo, thì rất nhiều người cũng biết, thuộc vài đoạn trong bài thơ dài, thường là một, hai đoạn đầu, như trên. Có cả bản tân, cổ nhạc, dựa theo bài thơ Tha La Xóm Ðạo, nên càng thêm nhiều người biết, đa số là giới bình dân. Bài thơ cùng với Tha La xóm đạo ám ảnh tôi, nhưng xóm đạo Tha La ở đâu, hình như không ai, cả tôi nữa, thắc mắc.
 Hai lần đi tìm Tha La xóm đạo
Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, tôi quen một nhà thơ tên là Hoài Anh, từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, vào làm việc tại Sài Gòn. Nhà thơ Hoài Anh đã trọng tuổi, thường viết những bài khảo cứu văn học. Một lần ông nói đang viết về văn nghệ sĩ miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi hỏi ông có viết về Vũ Anh Khanh không, dĩ nhiên là ông lắc đầu. Nhưng ông nói, có gặp Vũ Anh Khanh, và ông rất khen thơ Vũ Anh Khanh. Ông nói, thơ Vũ Anh Khanh đặc sắc nhất trong số những nhà thơ miền Nam thời kỳ đó, gồm: Khổng Dương, Hoàng Tố Nguyên, Thẩm Thệ Hà, Kiên Giang... “nhưng nhìn bề ngoài, Vũ Anh Khanh không có vẻ nhà thơ như người ta thường thấy. Vũ Anh Khanh lầm lì, sạm đen, mắt sắc, trông như tráng sĩ Kinh Kha bên bờ sông Dịch, một đi không trở lại...”, nhà thơ, nhà khảo cứu Hoài Anh nói vậy. Và nhà khảo cứu, chỉ khảo cứu cho biết mà thôi, biết Tha La xóm đạo ở đâu. “Anh cứ tới Trảng Bàng, hỏi người ta, là sẽ tới tận chỗ gọi là Tha La xóm đạo”.
 Cách đây vài năm, lần đầu tiên tôi tìm tới, mà không tới được tận chỗ gọi là Tha La xóm đạo, như lời nhà thơ Hoài Anh nói. Từ Sài Gòn, tính từ bến xe đi Tây Ninh ở vùng Bà Quẹo, quận Tân Bình, tới Trảng Bàng chỉ trên dưới 45 cây số. Ðúng như lời nhà thơ Hoài Anh, tới Trảng Bàng thì hỏi ra ngay Tha La xóm đạo. “Chú tới con đường bên hông chợ Trảng Bàng, cứ đi thẳng vô, khoảng 2-3 cây số, là tới Tha La xóm đạo. Ngó thấy cái bảng ấp văn hóa, quẹo vô, đi thẳng tới một chút là ngó thấy nhà thờ Tha La”. Tôi đã ngó thấy cái bảng “ấp văn hóa”, quẹo vào con đường đất đỏ, bằng phẳng, thẳng tắp giữa hai bên cây xanh. Ði tới gần cuối con đường, nghiêng ngó hoài, chẳng thấy nhà thờ nào hết. Tôi tạt vào một quán nước, dĩ nhiên là quán ở miền thôn dã đang thị thành hóa, thấy dễ cảm vì còn vẻ mộc mạc đơn sơ. Vào đây, chắc chắn sẽ hỏi ra chỗ có nhà thờ Tha La. Nhưng chưa kịp hỏi người ở quán, thì tôi nhận ra, cũng tại quán nước này, một người trẻ tuổi, có bộ mặt rất công an mật vụ, ngó tôi lom lom. Khôn hồn thì rời đây ngay, tôi tự nhủ, và trả tiền ly cà phê đá chưa uống hết nửa, lên xe gắn máy, tự đi tìm nhà thờ Tha La. Tôi đi thẳng hết đoạn cuối con đường, đã thấy trước là không có nhà thờ ở khoảng này, nhưng để thoát khỏi con mắt “công an mật vụ”, bây giờ người dân gọi họ là “cá chìm”. Và tôi hy vọng gặp ai đó, để hỏi nhà thờ Tha La chỗ nào. Tôi ngó con sông ở cuối đường đất đỏ, bên kia sông là đồng ruộng, và chợt ngoái lại nhìn: anh chàng có bộ mặt “cá chìm” đã tới sát gần. Anh ta lạnh lùng nói: “Anh cho coi chứng minh nhân dân!” Ðọc có mấy chữ trên cái thẻ chứng minh nhân dân mà thật lâu, như người không biết chữ, và vẫn cầm cái thẻ chứng minh nhân dân ấy, anh ta hỏi tiếp: “Anh tới đây làm gì?”
 Anh ta không bắt giữ tôi, vì tôi có làm gì gọi là “vi phạm an ninh trật tự xã hội”. Nhưng nếu anh ta cứ giữ tôi lại, như đã từng có những vụ việc như vậy, bắt buộc tôi về trụ sở công an “để làm việc”, thì tôi làm được gì? Nên lần “khôn hồn” này, tôi đã “hú hồn” trở lui cuộc hành trình đi tìm nhà thờ của Tha La xóm đạo.
 “Ðây Tha La xóm đạo...”
Tha La xóm đạo vẫn là Tha La xóm đạo, thuộc ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng. Xã An Hòa có 7 ấp, lần đầu tiên tôi tới lầm chỗ, vì cứ ghi nhớ cái bảng “ấp văn hóa”. Hóa ra, ấp nào, có lẽ trong cả nước, cũng đều là “ấp văn hóa”. Lần trước, vì không biết thế, tôi vào lầm ấp An Quới, cũng thuộc xã An Hòa.
 Nhà thờ Tha La có lẽ đã được tu sửa khang trang từ trước 30 Tháng Tư 1975, trong khuôn viên rộng rãi, nhiều cây. Con đường chính dẫn vào ấp An Hội cũng trải đất đỏ (trộn sỏi) bằng phẳng, thẳng tắp giữa hai bên cây xanh, có 4 con đường nhỏ hơn, chạy ngang. Nhà thờ ở khoảng cuối đường, giáp dòng sông, cũng là dòng sông tôi đã gặp ở ấp An Quới.
 Khoảng đất trống, rộng trước mặt nhà thờ Tha La, tầm vông được chất cao thành đống khổng lồ, tôi nghĩ ngay tới thứ vũ khí gọi là “tầm vông vạt nhọn” thời chống thực dân Pháp, của quân và dân “Giải Phóng”. Bên cạnh đống tầm vông, một tòa nhà to lớn, không biết là trường học hay cơ quan gì, thấy tấm biển nhỏ: “Tổ Văn Hóa”, gắn ở cánh cửa sổ đóng kín... Hôm nay là Chủ Nhật, 20 Tháng Tám 2006. Từ Sài Gòn tới Trảng Bàng, Tha La xóm đạo, vẫn nắng nóng cao độ, nhất là vào giấc trưa này.
 Cổng nhà thờ Tha La im khép. Bên trong, vài đứa trẻ tuổi học trò dong xe đạp trên những lối đi rộng, đầy cây hai bên, quanh nhà thờ. Phía trái của nhà thờ, lui sâu trong những hàng cây, một tòa nhà kiến trúc như nhà của các cha xứ nhà thờ Phương Tây. Con đường vắng bặt giữa hai bờ cây trước cửa nhà các gia đình xóm đạo, đa số có vẻ khá giả, có một, hai biệt thự to đẹp không thua những biệt thự ở Sài Gòn.
 Tôi vào một quán nước, khoảng sân có mái che rộng. Chủ quán, một phụ nữ tuổi khoảng ngoài ba mươi, cho biết, thường ngày có hai buổi lễ ở nhà thờ, sáng và chiều. Ngày Chủ Nhật, thêm một phiên lễ trong buổi sáng. “Những người già như bà ngoại của tui, lễ Chúa tại nhà. Sáng Thứ Sáu mỗi tháng, cha tới tận nhà các cụ già trong xóm đạo”. “Cha ở nhà thờ Tha La là người miền Nam hả?” “Dạ, có hai cha, đều người Nam. Tha La xóm đạo là người Nam không hà!”
 “Chị có biết bài thơ Tha La xóm đạo không?” “Biết chớ, đó là bài ca mà!” Qua người chủ quán nước, tôi biết dòng sông cuối con đường không phải là sông, mà là kênh: kênh Vàm Trảng, nối từ sông Vàm Cỏ Ðông, chảy tới Tây Ninh. Hàng ngày, thuyền bè, xà-lan chở xi-măng từ Hà Tiên, lên bờ Vàm Trảng ở ấp An Hội, nơi đây cũng là một bãi đổ, buôn bán cát sông. Và được biết, sau 30 Tháng Tư 1975, hầu như trên nửa số gia đình ở Tha La xóm đạo có người vượt biên sang Mỹ, Canada, sau này gửi tiền về giúp đỡ gia đình.
 Tôi ngồi quán nước tại Tha La xóm đạo khoảng một tiếng đồng hồ. Tôi nghĩ, ở đây không thấy chàng “cá chìm”, có lẽ vì giấc trưa, “cá chìm” cũng phải ngủ. Một người ở Sài Gòn mà có mặt tại Tha La xóm đạo, không phải để âm mưu móc nối với một tổ chức phản động, thì tới đây làm gì? Nhà thơ Tạ Ký, giữa đồng ruộng miền Tây, đọc sách, hút ống vố, thì bị bắt để “điều tra”, và sau đó để ngã bệnh rồi chết, thì còn kêu oan uổng gì! Và tôi “khôn hồn” trở về Sài Gòn.
 Buổi chiều, tới uống trà với thầy Tuệ Sỹ, tôi kể chuyện buổi trưa Tha La xóm đạo. Thầy Tuệ Sỹ đọc chậm chậm: Buồn trưa trưa lây lất buồn trưa trưa/Buồn xưa xưa ngây ngất buồn xưa xưa... “Ồ, thầy còn nhớ được nhiều hơn tôi”. Thầy Tuệ Sỹ nói: “Mới đọc lại bài ấy trong Khởi Hành, số Tháng Sáu, Tháng Bảy gì đó. Ông Viên Linh tìm kiếm hay lắm!” Tôi hỏi mượn xem, thầy Tuệ Sỹ cho ai mượn rồi. Thầy Tuệ Sỹ hỏi tôi, có làm được “Tân Tha La Xóm Ðạo” không? Tôi gật đầu bừa. Có bao giờ tôi tài như vậy, tức cảnh, sinh ngay một bài thơ? Chúng tôi nói chuyện về cái chết của tác giả bài thơ. Cái chết ấy, đừng ai nói đắt rẻ, khi Vũ Anh Khanh đi tìm tự do. Sống trong “tấm màn sắt” có hơn gì cái chết?
 Cuối cùng, sau mấy ấm trà, tôi cũng nghĩ được vài dòng thơ, để tạ cái gật đầu trước thầy Tuệ Sỹ. Tất nhiên cũng tạ cả buổi trưa Tha La xóm đạo, có bài thơ của Vũ Anh Khanh, đậm như vị trà trong không gian ấy:
Tôi tới nơi này giữa giấc trưa
Tha La xóm đạo nhớ hôm xưa?
Bài thơ hận cũ mùa ly loạn
Trong gió hôm nay vẫn dật dờ.