Home Văn Học Tùy Bút Cõi thơ của Hàn Mặc Tử

Cõi thơ của Hàn Mặc Tử PDF Print E-mail
Tác Giả: Đặng Hoàng Thám   
Chúa Nhật, 18 Tháng 9 Năm 2011 07:07

Mộ thi sĩ Hàn Mặc tử nằm dựa lưng chừng núi, nhìn ra biển khơi bao la lộng gió.

Đồi Thi Nhân. Ảnh: Mai Lý

Có dịp đến thành phố Quy Nhơn, của tỉnh Bình Định, hầu như ai cũng muốn tìm đến Ghềnh Ráng - Tiên Sa để thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên của dải đất ven biển nầy. Ghềnh Ráng ở phía đông nam Quy Nhơn. Từ đầu đường Hàn Mặc Tử chạy dọc theo biển, đi khoảng 2,5 cây số về phía nam, sẽ đến Ghềnh Ráng.

Mua vé vào cửa (6.000 đồng/người), vào cổng rồi đi lên “dốc Mộng Cầm” chừng 150 mét là đến trung tâm khu du lịch Ghềnh Ráng; từ đây quan sát cảnh sắc thiên nhiên trong một khu vực rộng khoảng 35 héc ta.

Từ trên đồi Thi Nhân rợp bóng những cây bàng xum xuê, gốc sứ trắng, hoàng lan, xoan, tràm hoa vàng… dọc theo những bậc đá quanh co, khúc khuỷu, thả bộ xuống sát mé biển. Những lúc biển yên sóng lặng, ta thấy rõ hàng vạn viên sỏi lớn nhỏ, nhiều màu sắc, chồng, sắp lớp lên nhau dưới làn nước trong xanh như ngọc bích. Nơi đây gọi là bãi Đá Trứng. Đặc biệt, phía trên bãi có một mạch nước ngầm từ khe núi chảy ra, tạo thành hai giếng nước hình lòng chảo nằm kề nhau, đường kính rộng hơn một mét. Những khi biển động, những lượn sóng bạc đầu vỗ mạnh vào ghềnh đá, tung bọt trắng xóa trông rất đẹp mắt và lãng mạn!
 

Bãi Đá Trứng. Ảnh: Mai Lý

Dọc lối đi theo sườn núi sát biển, du khách gặp nhiều cảnh độc đáo. Trải qua hàng triệu năm, mưa nắng xâm thực, trên một phiến đá lớn có hình nổi lên giống như mặt người. Đi một quãng, sẽ gặp một khối đá tựa đầu con sư tử đang chồm ra biển, gần đấy có một hòn đá nhỏ giống như người vợ bế con ngóng chồng, gọi là đá Vọng Phu. Ngoài ra, ở đây còn có hai khối đá lớn chồng xếp lên nhau, chênh vênh như chực rơi xuống, gọi là hòn Chồng.

Cạnh bãi Đá Trứng là bãi tắm Hoàng Hậu, non nước hữu tình, cảnh xinh đẹp, xưa kia chỉ dành riêng cho hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại. Từ bãi Đá Trứng nhìn về phía Bắc, sẽ thấy một góc trong toàn cảnh thành phố Quy Nhơn, xinh xắn chạy dài đến đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai và khu công nghiệp Nhơn Hội.

Trên đồi Thi Nhân có nhiều chòi lá nhỏ, thấp thoáng, lẫn khuất giữa muôn vàn hoa kiểng xinh tươi, nhiều loài hoa đẹp như liễu đỏ, hồng nhung, soi nhái, sứ trắng, hoàng anh, hướng dương, dạ thảo… Cạnh lối đi lên đồi, trên một tảng đá to bằng nửa gian nhà có khắc chữ “Trí” (tên thật của thi sĩ Hàn Mặc Tử) theo lối viết thư pháp.

Có thể đi xuyên qua vạt rừng nhỏ vòng qua đồi Thi Nhân, cũng có thể đi từ cổng lên một quãng ngắn, rẽ qua con đường nhựa phía tay phải, vượt lên những bậc tam cấp đến ngôi mộ của nhà thơ: Hàn Mạc Tử.
 

Mộ thi sĩ Hàn Mặc tử. Ảnh: Mai Lý

Mộ ông nằm dựa lưng chừng núi, nhìn ra biển khơi bao la lộng gió. Chung quanh mộ có nhiều hoa kiểng. Quanh năm suốt tháng có rất nhiều người ghé thăm, thắp hương tưởng niệm. Những ngày mang chứng bệnh nan y, an dưỡng ở trại phong Quy Hòa, cảnh vật trữ tình, thơ mộng của Ghềnh Ráng đã là nguồn cảm hứng lai láng của người nhà thơ tài hoa bạc mệnh:

“Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn thề”...

Địa danh Ghềnh Ráng - Tiên Sa còn gắn với một sự tích. Ngày xưa, có một cô con gái đẹp sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Khi lớn lên cô gái có một tình yêu thắm thiết với một chàng trai cùng làng. Nhưng nhan sắc của nàng đã khiến quan huyện say mê và  tìm cách chiếm đoạt nàng. Cô gái sợ quá bỏ trốn trong khi người yêu nàng bị bắt đi lính thú rồi đày ra biên ải.
 

Gềnh Ráng hướng nhìn về thành phố Quy Nhơn. Ảnh: Mai Lý

Viên quan cho quân truy đuổi bén gót, cô gái chạy trốn vào núi Vũng Chùa. Lúc cô sắp sửa sa vào tay bọn ác, bỗng trời nổi cơn giông tố, sấm giăng chớp giật ầm ầm, đá lở cát bay mù mịt, núi bỗng nứt ra một khe lớn, nàng chạy vụt vào trong đó rồi biến mất! Khi giông bão tan, khe núi ấy biến thành một dòng suối, uốn lượn xuôi chảy xuống vịnh biển. Người đời gọi đó là Suối Tiên.

Chàng trai vượt biển tìm người yêu, trên đường gặp bão. Thuyền đắm. Chàng đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đưa chàng tấp vào Ghềnh Ráng. Khi tỉnh lại, chàng thấy bóng người yêu đứng bên dòng suối vẩy gọi, chàng chạy lại với nàng và hai người sau đó cùng biến mất. Dân gian cho rằng họ đã thoát tục thành tiên.
Ghềnh Ráng ngày nay đã được xây dựng thành một quần thể du lịch … Khu mộ Hàn Mặc Tử được tạo lại, có nhà lưu niệm, giới thiệu thân thế, cuộc đời và sự nghiệp thi ca. Vào những dịp lễ, tết, ở đây có tổ chức hội đánh bài chòi và các trò chơi dân gian phục vụ khách du lịch.