“Hỡi hồn thiêng sông núi, anh linh chí sĩ Phan Chu Trinh, xin hãy phò trợ cho dân tộc Việt Nam chúng con có đầy đủ nghị lực đấu tranh hầu sớm giành lại độc lập, tự do và dân chủ cho nước nhà, để lời dạy của tiên sinh mãi mãi là kim chỉ Nam trong mọi hành động.”
WESTMINSTER, California (NV) - Hội Ðồng Hương Quảng Nam-Ðà Nẵng (HÐHQNÐN) và Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh, Ðà Nẵng (HAHCHSPCT/ÐN) đồng trang trọng tổ chức lễ giỗ nhà ái quốc Phan Chu Trịnh lần thứ 88 tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, hôm Chủ Nhật vừa qua.
Ðiều hợp chương trình, nhà văn Phan Nhật Nam, chào mừng quan khách, đồng hương đến tham dự và nói sơ về chương trình buổi lễ.
Ban tế lễ hành Lễ Niệm Hương. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Sau đó, ông Phan Thanh Thắng, thành viên trong ban tổ chức, phát biểu: “88 năm trước đây, vào lúc 9 giờ 30 tối, ngày 24 Tháng Ba, 1926, nhà cách mạng Phan Chu Trinh trút hơi thở cuối cùng tại khách quán đường Pellerin, sau này được đổi thành đường Pasteur, Sài Gòn, để lại niềm tiếc thương vô hạn của toàn dân Việt Nam.”
Theo ông Thắng, mục đích của lễ hôm nay là để vinh danh, tưởng nhớ, biểu dương tư tưởng và chủ trương của nhà cách mạng Phan Chu Trinh, đó là khai dân trí, chấn dân khí và hậu dân sinh. Ðể thức tỉnh toàn dân Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam phải noi gương chủ trương tư tưởng của cụ để đứng lên giải thể chế độ độc tài phi nhân cộng sản Việt Nam. Và chúng ta quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
“Chúng tôi lấy làm danh dự được cùng tất cả quý vị tham dự Lễ Quý Kỵ lần thứ 88 nhà cách mạng Phan Chu Trinh do hội Ðồng Hương Quảng Nam Ðà Nẵng và Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh đồng tổ chức một cách long trọng tại Nam California hôm nay.” Ông Thắng nói.
“Một trăm năm qua, tư tưởng và chủ trương của nhà cách mạng Phan Chu Trinh vẫn còn thiết thực với hiện tình của đất nước Việt Nam hôm nay. Trong bối cảnh đất nước tang thương, xã hội băng hoại, cộng sản Việt Nam đã làm thui chột tinh thần ái quốc của dân Việt Nam. Toàn thể dân tộc Việt Nam dần dần chìm đắm trong hiểm họa của giặc Tàu Phương Bắc.” Ông Thắng nói thêm.
Lễ Dâng Hương tưởng niệm chí sĩ Phan Chu Trinh do ông Nguyễn Tuấn điều hợp. Thầy Trần Hữu Dụng, bà Lê Thị Hồng Sâm, ông Ðoàn Ngọc Ða và ông Vũ Ðình Huân đại diện ban tổ chức và đồng hương Quảng Nam-Ðà Nẵng thắp hương trước bàn thờ cụ Phan Châu Trinh.
Ban hợp ca Quảng Nam Ðà Nẵng đồng ca bài “Quảng Nam Quê Ta ơi.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông Lê Minh Tùng đọc văn tưởng niệm: “Little Saigon ngày 30 Tháng Ba năm 2014, nhằm ngày 30 Thánh Hai năm Giáp Ngọ. Hôm nay đây, nơi đất khách giữa Little Saigon được xem như thủ đô của người Việt Nam tị nạn cộng sản. Nhân ngày giỗ của chí sĩ Phan Chu Trinh, chúng con, đồng hương QNÐN cùng cựu học sinh trường trung học PCT/ÐN khấu đầu khấn bái thành tâm đốt nén hương kính dâng lên Phan chí sĩ.”
“Nhớ xưa nơi Tây Lộc, Tiên Phước tỉnh Quảng Nam đã nung đúc dựng nên người chí sĩ hiệu Tây Hồ, Hy Mã, tự Tử Cán, thân phụ mẫu tinh thông văn võ rèn luyện người khí phách kiên cường, nghĩa đệ huynh thấu xúc kỷ cương bồi đắp ngài mở mang chí lớn. Gian nan nơi Pháp nhập để chiêm nghiệm thế tình, khổ ải đến Côn Sơn vẫn miệt mài đường lối, chí huyết toan khai phá dân sinh, lòng ra sức dựng xây bờ cõi.”
“Tiên sinh đã nhìn thấy được sự gian trá xảo quyệt trong việc thay ngôi, đổi chủ. Là phong kiến hay thực dân, dân tộc ta mãi mãi vẫn ở trong vòng nô lệ. Ðể tránh khỏi cảnh này, tiên sinh đã vạch ra một đường hướng đi và tư tưởng mới đó là khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.”
Ý nghĩa trong bài văn tưởng niệm có nói, khai dân trí là để bỏ lối học từ chương, mở trường dạy chữ quốc ngữ và ý thức mọi người dân phải đi học. Chấn dân khí là để thức tỉnh tinh thần tự lực, tự cường giải thoát sự chuyên chế của thực dân Pháp và tay sai. Hậu dân sinh là phát triển kinh tế doanh thương sản xuất hàng hóa nội địa tiêu dùng, phát triển nền khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc sản xuất công nghệ và nông nghiệp cho nước nhà. Có như vậy, dân tộc và đất nước ta mới thật sự có độc lập, tự do và dân chủ.
Ông Lê Minh Tùng đọc tiếp văn tưởng niệm: “Hỡi hồn thiêng sông núi, anh linh chí sĩ Phan Chu Trinh, xin hãy phò trợ cho dân tộc Việt Nam chúng con có đầy đủ nghị lực đấu tranh hầu sớm giành lại độc lập, tự do và dân chủ cho nước nhà, để lời dạy của tiên sinh mãi mãi là kim chỉ Nam trong mọi hành động.”
Ban hợp ca Cựu Học Sinh Phan Chu Trinh, Ðà Nẵng đồng ca bài “Phan Chu Trinh Hành Khúc.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Toàn dân Việt Nam nói chung và Hội ÐHQNÐN cùng Hội AHCHSPCT/ÐN nói riêng, chúng con quyết tâm một lòng noi theo lời chỉ dạy của ngài để đất tổ sớm sánh vai cùng thế giới, Việt Nam mau thoát khỏi ách gông cùm. Cho dân tộc tiến lên khai dân trí sống an bình, hạnh phúc hậu dân sinh.” Ông Tùng đọc thêm.
Tiếp theo, bài nhạc “Phan Chu Trinh Hành Khúc” của Giáo Sư Trần Bích Sơn do các anh chị cựu học sinh PCT/ÐN đồng ca, và bài “Quảng Nam Quê Ta Ơi” của cố nhạc sĩ Nhật Ngân do ban hợp ca của Hội ÐHQNÐN đồng ca.
Sau phần giới thiệu quan khách, ông Vũ Ðình Huân, hội trưởng Hội CHSPCT/ÐN kiêm trưởng ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng quan khách và đồng hương đến tham dự. Sau đó, ông Nguyễn Hoàng Diệu nói về tiểu sử của chí sĩ Phan Chu Trinh. Tiếp theo, ông Ðoàn Xuân Kiên nói về tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh.
Ðại diên cho Giám Sát Viên Janet Nguyễn trao bằng tưởng lệ cho ban tổ chức. Ông Ðoàn Ngọc Ða, hội trưởng Hội ÐHQNÐN, đồng trưởng ban tổ chức nói lời cảm ơn quan khách và đồng hương đến tham dự.
Chương trình văn nghệ được tiếp tục và bầu cử chức vụ tân hội trưởng Hội CHSPCT/ÐN.