main billboard

“Tiếng Việt không những quan trọng cho con cháu chúng ta mà cò cho đất nước Việt Nam. Chúng ta cần có kiến thức về văn hóa truyền thống để chia sẻ cho người bản xứ về những cái hay, cái đẹp của người Việt"


hoithao giaoduc songngu 1ANAHEIM, California (NV) – Hàng trăm người hoạt động trong ngành giáo dục song ngữ, trong đó có người Mỹ gốc Việt, từ khắp nơi về tham dự cuộc hội thảo giáo dục đa ngôn ngữ kéo dài bốn ngày, từ Thứ Tư đến Thứ Bảy, 2-5 Tháng Tư, tại khách sạn Mariott ở Anaheim.

Hội Thảo Song Ngữ Hai Chiều tại khách sạn Anaheim Marriott hôm Thứ Tư. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Phần Việt ngữ quy tụ khoảng 25 người Mỹ và Việt hoạt động trong ngành giáo dục song ngữ. Sau phần chào mừng và các tham dự viên tự giới thiệu, bà Elizabeth Jimenez, thuộc ban dịch vụ phát triển chuyên nghiệp, đại diện Hiệp Hội Giáo Dục Song Ngữ California (CABE) giới thiệu Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh, giám đốc Giáo Dục Ngoại Ngữ và Quốc Tế của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, khai mạc buổi hội thảo.

“Trước hết chúng tôi chúc mừng Học Khu Garden Grove là học khu đầu tiên ở Orange County có chương trình giáo dục song ngữ Anh-Việt. Theo tôi, đây chỉ là bước đầu. Tôi có được cơ hội nhìn vào các đồng khác, chương trình giáo dục song ngữ còn rất nhiều thử thách cho những nhà giáo dục chuyên nghiệp như quý vị,” Tiến Sĩ Kim Oanh nói.

“Việc dạy song ngữ của các ngôn ngữ khác cho thấy cả một cơ hội rộng mở cho con em. Họ có học bổng cho con em để về lại quê hương nơi nói ngôn ngữ gốc của họ. Tiếng mẹ đẻ luôn gắn liền với dân tộc và địa dư của nền văn hóa đó. Chúng ta hãy tìm cách mở rộng chương trình này,” người phụ nữ từng là ủy viên giáo dục của Học Khu Garden Grove nói.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục của Học Khu Garden Grove, nêu lên sự đặc thù của cộng đồng người Việt. Với ông, việc cộng đồng người Việt khuyến khích con em học tiếng Việt không phải đơn giản chỉ là cho các em học bổng để về quê nhà học hỏi.

“Chúng ta không có một quốc gia mẹ để sẵn sàng hậu thuẫn cho các hoạt động giáo dục của chúng ta ở đây. Vấn đề tài chánh, do đó cũng là một trong những khó khăn cộng đồng chúng ta gặp phải. Vấn đề thứ hai là soạn sách giáo khoa. Chúng ta cần những học giả hay những nhà giáo dục chuyên nghiệp ngồi lại,” Luật Sư Nguyễn Quốc Lân nói.

hoithao giaoduc songngu 2Cô giáo Tiêu Uyên Phương (trái) cạnh các tham dự viên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Tuy gặp khó khăn nhưng cộng đồng người Việt khắp nơi vẫn vượt qua và tranh đấu trường kỳ để có kết quả đáng khen ngợi.

Cô giáo Tiêu Uyên Phương đến từ Stafford, Texas xác nhận: “Các em gốc Việt được học tiếng Việt là một điều tốt. Các em không quên nguồn gốc của mình.” Cô dạy học được sáu năm và trong đó, bốn năm phục vụ trong chức vụ trưởng khoa học vụ tiểu học ở Học Khu Staffer, Texas.

Cô Vân Trương, từng dạy học 27 năm các môn Anh, Pháp văn và Nghệ Thuật và hiện là hiệu trưởng của Trung Học Franklin, ở Portland. Cô cũng là phụ tá giám đốc chương trình chuyên khoa AP, Stem, Toán Học và  Khoa Học của các trường công lập Portland.

“Tiếng Việt không những quan trọng cho con cháu chúng ta mà cò cho đất nước Việt Nam. Chúng ta cần có kiến thức về văn hóa truyền thống để chia sẻ cho người bản xứ về những cái hay, cái đẹp của người Việt. Chúng ta phải thay đổi quan niệm của họ. Không phải khi nói đến văn hóa Việt Nam là chỉ nói đến chiến tranh Việt Nam,” cô giáo Vân nói thêm: “Chúng ta cần phụ huynh và cộng đồng hỗ trợ, như đài SBTN, và các giới truyền thông khác của người Việt.”

Cùng làm việc với cô Vân, ông Châu Phạm, từng dạy ESL 30 năm, nay về hưu nhưng cũng giúp soạn chương trình cho giáo dục song ngữ tiếng Việt.

hoithao giaoduc songngu 3Ông Bernard Koontz (phải) trong phần thuyết trình của Học Khu Stafford, Texas. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cô Thảo Trần, một giáo viên dạy song ngữ Anh-Việt tại các trường công lập của Học Khu Highline, cho biết: “Chương trình song ngữ hai chiều giúp các em học hỏi về ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nếu các em vào chương trình, các em có cơ hội học thêm về tiếng mẹ đẻ và nguồn cội của mình. Các em người Mỹ cũng có thể học thêm một ngôn ngữ thứ hai và một nền  văn hóa mới.”

Giống với đồng nghiệp ở các tiểu bang khác, Giáo Sư Natalie Trần, đại diện chương trình đào tạo giáo sư song ngữ Anh Việt, nhấn mạnh sự hỗ trợ của phụ huynh và cộng đồng người Việt tại Orange County.

“Chúng tôi làm thống kê, lấy ý kiến của phụ huynh và cộng đồng để soạn thảo chương trình. Hiện nay chúng tôi có các lớp học về tiếng Việt cho chương trình Cử Nhân Việt Văn và các lớp về lịch sử, văn hóa Việt và các khóa học mùa Hè, bắt đầu từ 2013. Năm nay khóa Hè tương tự sẽ khai giảng ngày 24 Tháng Tư,” vị nữ giáo sư của Cal State Fullerton nói.

Đa số lời phát biểu là ủng hộ, tuy nhiên cũng có một số phụ huynh quan niệm khác về vai trò dạy tiếng Việt.

Ông Michael Matsuda, Tổng Quản Trị Học Khu Đại Học Orange, nêu câu hỏi của một phụ huynh: “Một số phụ huynh không thích chương trình song ngữ hai chiều vì sợ tiếng Anh của con cái họ sẽ tệ hơn.”

“Sự thật trên thực tế đã thay đổi. Bằng chứng là ngày nay phụ huynh của các em là những người hấp thụ nền giáo dục tại Mỹ. Họ là những người chuyên nghiệp trong mọi ngành nghề. Kiến thức của họ cộng với khả năng nói tiếng Anh khiến họ tự tin. Họ nói lên nhu cầu giáo dục một ngôn ngữ thứ hai là điều cần thiết và có lợi cho tương lai con cái của họ. Họ không lo con cái sẽ dốt tiếng Anh vì chúng sinh trưởng tại Hoa Kỳ,” Giáo Sư Natalie Trần giải thích.

hoithao giaoduc songngu 4Hai cuốn sách giáo khoa tiếng Việt được chuyền tay. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cô Tuyết Dương, một cố vấn tòa Bạch Ốc về người Mỹ Gốc Á và Thái Bình Dương, được mời phát biểu. Cô nói: “Tổng Thống Obama chú trọng đến vấn đề Cải Tổ Luật Di Trú và Đạo Luật Sức Khỏe Giá Phải Chăng nhưng cá nhân tôi với vai trò một người mẹ, một người chuyên nghiệp và là con gái của một người tỵ nạn, tôi muốn nhấn mạnh đến ngôn ngữ và văn hóa Việt cho hai con của tôi. Tôi ủng hộ và sẵn sàng giúp quý vị trong khả năng của tôi.”

Đồng tình với vai trò một người mẹ cũng có hai con, cô giáo Nguyệt Đinh, làm việc trong ngành giáo dục nhiều năm ở Học Khu Eastside, San Jose, trình bày các chương trình cô làm để hỗ trợ cho chương trình song ngữ Anh -Việt.

“Chúng tôi chủ trương dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ ở bậc trung học và được chấp thuận từ lâu. Lý do là chúng tôi thực tế. Chúng tôi giải thích cho các em rằng nếu học tiếng Việt trong hai năm ở trung học, các em vừa học để duy trì tiếng mẹ đẻ, vừa được các đại học CSU và Cal State công nhận thì tại sao không học?” cô giải thích.

“Chẳng những các em thấy mình là người Việt, học tiếng Việt vừa dễ, vừa thực hành ngay ở trong gia đình, hiểu ông bà cha mẹ, lại được tính điểm ra trường và các đại học chấp nhận. Lạị nữa, sau khi tốt nghiệp, nếu nói được tiếng Việt các em vẫn dễ thành công khi giao tiếp trong cộng đồng người Việt,” cô nói thêm.

Cô Nguyệt cho biết sự phát triển của sỉ số học sinh chọn tiếng Việt, từ 100 người ghi danh năm 1994, nay là 1,200 người tại 9 trường trung học trong học khu.

hoithao giaoduc songngu 5Giáo Sư Natalie Trần trong phần trình bày của chương trình tại Cal State Fullerton. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Chỉ cần mỗi ngày có một giờ học tiếng Việt trong sáu giờ học mỗi ngày ở trung học là các em thỏa mản điều kiện về ngoại ngữ hai năm, trước khi lên đại học. Phụ huynh cần khuyến khích con em ghi danh và cộng đồng cần ủng hộ để các lớp học được duy trì,” cô giải thích.

Cô Nguyệt cho biết chương trình song ngữ được 20 năm và học khu đã soạn được bốn cuốn sách giáo dạy tiếng Việt cho trình độ trung học.

Cô Phượng Chi Nguyễn, một cố vấn giáo dục, tâm sự: “Làm việc với các em học sinh trung học cấp một và trung học, tôi thấy các em khao khát học tiếng Việt để giữ gìn bản sắc Việt Nam. Chương trình song ngữ giúp hỗ trợ việc học của các em từ nhỏ. Học một ngôn ngữ cần thời gian, nhất là học hàng ngày tại trường công lập là đủ để đạt được nhu cầu này.”

Sau phần trình bày của các diễn giả hiện diện, một nhóm nhỏ ngồi lại để thảo luận về các vấn đề  như tài liệu giáo khoa, đào tạo giáo viên, tuyển mộ và phát triển khả năng sư phạm cũng như ngân khoản, sao cho việc cải thiện và thi hành chương trình song ngữ tiếng Việt hữu hiệu hơn.

Các nhóm khác đa số là liên quan đến tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Hoa, còn tiếp diễn đến Thứ Bảy cuối tuần này.

Bên lề các phòng hội thảo, một khu trưng bày tài liệu, sách giáo khoa và trợ huấn cụ được mọi người ghé thăm đến chiều tối.