Văn Phòng Thị Trưởng Houston cho biết là không hề có một sư liên kết nào giữa hai thành phố Houston và Đà Nẵng và cũng không hề có một quan hệ kết nghĩa chị em nào cả.
Hôm nay, vị Phụ Tá Đặc Biệt về Mậu Dịch Quốc Tế & Phát Triển của Bà Thị Trưởng Annise Parker đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành của BPSOS.
Vị Phụ Tá giải thích rằng ngày 12 tháng 7 năm ngoái, Bà Parker đã ký một tuyên bố chung với Ông Văn Hữu Chiến, Chủ Tịch Thành Phố Đà Nẵng, về hy vọng của hai bên là người dân của hai thành phố sẽ tiếp tục tiếp cận với nhau và sư hợp tác kinh tế sẽ gia tăng.
“Đây không phải là một thoả thuận về liên kết hay về kết nghĩa giữa hai thành phố”, vị Phụ Tá Đặc Biệt khẳng định.
Trước đó, BPSOS đã hướng dẫn một số cư dân Houston gởi thư cho Bà Thị Trưởng trong tư cách là nạn nhân của chính quyền Đà Nẵng nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung.
Thành phố Houston
Ngày 23 tháng 12, Ông Nguyễn Thành Tài, một cư dân Houston, viết thư gởi Bà Parker để nêu lên tình trạng chính quyền Đà Nẵng đã đánh người em trai ruột đến chết trong âm mưu cướp trắng Giáo Xứ Cồn Dầu.
“Vợ và hai con của người quá cố hiện đang lánh nạn ở Thái Lan; tôi vừa gặp họ trong chuyến viếng thăm Bangkok gần đây”, Ts. Thắng chia sẻ với vị Phụ Tá Đặc Biệt.
“Đây không phải là trường hợp tra tấn độc nhất ở Việt Nam. Hoa Kỳ đã định cư trên 30 nghìn nạn nhân tra tấn qua chương trình HO,” Ts. Thắng giải thích. “Các ảnh hưởng của tra tấn đối với các nạn nhân này đã được ghi nhận bởi nhiều cuộc nghiên cứu.”
Ts. Thắng cung cấp cho văn phòng Thị Trưởng Houston một số tài liệu về các công trình nghiên cứu này, mà BPSOS có dự phần trong một số cuộc nghiên cứu đó.
“Theo ước lượng của chúng tôi, các thiệt hại về thể xác, tâm lý, và tinh thần có thể lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim,” Ông giải thích với vị Phụ Tá Đặc Biệt.
Ngày 27 tháng 12, Cô Vũ Phương Anh, cũng đang cư ngụ ở Houston, gởi thư cho Bà Thị Trưởng Parker. Cô nói lên tình trạng buôn dân làm nô lệ của chính quyền Việt Nam và cho biết rằng Cô và thân nhân đã bị sách nhiễu, hăm doạ và hãm hại chỉ vì Cô đã phanh phui vai trò chủ động của chính quyền trong đường dây buôn người.
“Cô Vũ Phương-Anh chỉ là một trường hợp tiêu biểu; năm 2000 chúng tôi đã giải cứu cho 250 nạn nhân trong vụ American Samoa, mà hiện nay khoảng hai chục trong số họ đang sinh sống ở Houston”, Ts. Thắng viết tiếp cho vị Phụ Tá Đặc Biệt của Bà Parker.
Ông cho biết rằng năm 2001 Toà Án American Samoa phán quyết hai công ty quốc doanh của Việt Nam phải bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho các nạn nhân này, nhưng 12 năm trôi qua mà các nạn nhân chưa nhận được một xu bồi thường nào.
Ts. Thắng cho biết rằng vụ cướp đất ở Cồn Dầu cũng không phải là đơn lẻ, mà đã và tiếp tục lan tràn khắp Việt Nam.
“Hàng trăm nghìn người Mỹ gốc Việt đã bị mất tài sản mà không được bồi thường khi Quốc Hội Việt Nam ban hành luật đất năm 1993 và 2003 nhằm quốc hữu hoá đất và nhà vắng chủ”, Ts. Thắng trình bày tiếp. “Riêng ở Houston số nạn nhân có thể lên đến nhiều chục nghìn.”
Theo ước lượng của BPSOS thì số tài sản này có thể lên đến nhiều chục tỉ Mỹ kim.
Trong văn thư trao đổi, Ts. Thắng kêu gọi Bà Thị Trưởng Parker dùng mọi cơ hội để yêu cầu chính quyền Việt Nam, đặc biệt chính quyền Đà Nẵng, hãy nhanh chóng bồi thường các khoản thiệt hại đã gây ra cho hàng chục nạn nhân của nạn buôn nô lệ, hàng nghìn nạn nhân của sự tra tấn, hàng chục nghìn nạn nhân của chính sách cướp tài sản, tất cả hiện đang cư ngụ trong thành phố Houston.
Vị Phụ Tá Đặc Biệt của Thị Trưởng Houston cho biết Thứ Năm này sẽ gặp và trao đổi thêm với người đại diện văn phòng Houston của BPSOS.
(Bài được Mạch Sống gửi đến)