“Ngày Tết với tôi rất quan trọng, tôi có thể nói ngay như vậy không cần một giây suy nghĩ,”
Nơi hải ngoại vẫn có đủ bánh mứt, giò chả để mọi người chuẩn bị cho một cái Tết Nguyên Đán được tươm tất như quê nhà. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
January 22, 2017
WESTMINSTER (NV) – Chỉ còn ngót nghét một tuần nữa là “Con Gà Đinh Dậu” sẽ chạm ngõ muôn nhà. Trong khi người dân trong nước vừa ráo riết lo chuẩn bị Tết, vừa rôm rả bàn tán chuyện liệu có nên nhập luôn Tết Nguyên Đán vào dịp Tết Dương Lịch hay không, thì ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, tại xứ sở Cờ Hoa, người Việt xa xứ lại mang nhiều nỗi niềm rất khác trong không khí đón Xuân về.
Ngày Tết rất quan trọng
“Ngày Tết với tôi rất quan trọng, tôi có thể nói ngay như vậy không cần một giây suy nghĩ,” anh Daniel Phú, chủ nhân của LongMi Lashes, trả lời ngay khi vừa được phóng viên Người Việt hỏi “Tết đối với anh có ý nghĩa như thế nào?”
“Tết là nét văn hóa lâu đời của ông bà đã nằm luôn trong máu mình rồi, nó trở thành linh hồn không thể thiếu trong mình rồi,” người thanh niên thành công đặc biệt với kỹ thuật và bằng sáng chế về gắn lông mi, nói tiếp. “Tôi đã lớn lên cùng những cái Tết nơi quê nhà từ những ngày còn nhỏ. Cho nên đến bây giờ, dù là sống ở Mỹ nhưng cứ Tết đến là lại gợi lên trong tôi rất nhiều kỷ niệm với gia đình, người thân.”
Cô Nga Châu ở Santa Monica cũng cùng suy nghĩ “Tết là dịp quan trọng với những người gốc Việt.”
“Mỗi lần Tết đến tôi thấy lòng mình vui lắm, nhớ Việt Nam nhiều hơn và nhiều nỗi rộn ràng, xôn xao hơn,” cô Nga cho biết trong lúc đang ở chùa Liên Hoa để tham dự một sinh hoạt được tổ chức nhân dịp Xuân đến.
“Nhưng thật sự, tự trong sâu thẳm, bên cạnh niềm vui thì ngày Tết đối với tôi cũng rất là buồn,” người phụ nữ đã qua tuổi về hưu chia sẻ trong sự nghẹn ngào, “Chiến tranh Việt Nam đã đem đến cho gia đình tôi sự tan nát, chia lìa, mỗi người mỗi ngã. Cho nên ý nghĩa sum vầy của ngày Tết thật ra không trọn vẹn đâu.”
Không ở ngay khu trung tâm Little Saigon, không có hàng xóm là người Việt, nhưng với chị Chi Huỳnh hiện ở thành phố La Crescenta, thì “Dù ở Mỹ hai mươi mấy năm rồi, cho dù có đơn giản đến đâu, mình vẫn giữ tập tục ông bà trong dịp lễ Tết như thế này. Nói vậy là hiểu, với tôi, Tết có quan trọng hay không.”
Cô Trầm Bội Phương ở Irvine lại có cách nhìn về Tết đặc biệt hơn.
“Tôi ở Mỹ 30 năm. Lúc mới sang, các con tôi còn nhỏ, tôi ăn Tết kỹ lắm. Là vì tôi muốn dạy cho các con quen và không quên tục lệ ông bà. Giờ, các con tôi lớn hết rồi, tôi thấy trách nhiệm mình bớt đi, ăn Tết đơn giản hơn nhưng vẫn luôn có đủ hương vị ngày Tết như bao đời nay.”
Vì Tết rất quan trọng với những gia đình trên, nên tất cả đều có sự sắm sửa, chuẩn bị cho Tết, dù ít dù nhiều. Bánh chưng, bánh tét, hoa quả, trà mứt, là những món không thể thiếu. Đặc biệt là sự cúng kiếng, dù không cầu kỳ, vẫn được mọi người thực hiện khá chỉn chu.
Tết là ngày họp mặt gia đình
Bên cạnh nhiều người nghĩ rằng Tết Ta là ngày quan trọng, cũng có người mang suy nghĩ khác.
“Ngày xưa, khi còn nhỏ tôi mong Tết lắm, vì Tết đến là thấy vui. Nhưng sống ở Mỹ lâu, tôi lại thấy ngày Tết không còn quan trọng nữa, tuy rằng nó vẫn vui, vẫn có không khí nhộn nhịp,” anh Benjamin Vũ, một nhiếp ảnh gia có tiếng tại vùng Little Saigon nêu cảm nghĩ.
Lý do để anh Benjamin thấy ngày Tết mà mình từng mong thuở nào không còn quan trọng nữa là vì “trong gia đình tôi nói Tết là của người Tàu chứ không phải của người Việt nên tôi không thấy nó quan trọng nữa.”
Thế nên, tác giả của nhiều bức ảnh đoạt giải quốc tế cho rằng, “Tết bây giờ chỉ là ngày bà con gặp nhau để có cơ hội ăn uống chung vui thôi chứ không phải một dịp gì lớn lao, bắt buộc trong gia đình tôi.”
“Sống ở Mỹ 30 năm nên có lẽ suy nghĩ mình cũng Mỹ rồi. Ngày Tết cũng không khác ngày thường, vì ai cũng bận đi làm. Riêng năm nay Tết rơi vào cuối tuần, nên dù không có ý sửa soạn nhiều, nhưng vì gia đình thích chơi hoa, hoa lan hoa mai, nên cũng xem đây là cơ hội để mình mua hoa về trang hoàng cho căn nhà đẹp thêm hơn, chứ ngoài ra không có rộn ràng như Noel. Tụi tôi không bỏ nhiều thời gian vào ngày Tết, dù cũng có mai, có lan, có pháo cho vui. Nhưng Tết Tây với tôi quan trọng hơn, đó mới chính là ngày mừng Năm Mới,” anh Benjamin bày tỏ.
Costco, hệ thống cửa hàng bán sỉ lớn nhất nhì của Mỹ – vẫn có những mặt hàng hoa quả đáp ứng cho nhu cầu mua sắm Tết Nguyên Đán của người Châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng tại Quận Cam. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Không đông người Việt, vẫn ăn Tết theo cách riêng
Cô Vân Nguyễn ở thành phố Sierra Vista, tiểu bang Arizona, nơi không có đông người Việt sinh sống, nên không dễ tìm thấy không khí Tết ngoài phố xá. Tuy vậy, theo cô, “Bước vô nhà lại thấy Tết liền.”
“Mấy hôm nay tôi đã gói bánh chưng bánh tét rồi. Cũng chuẩn bị món này món kia cho Tết. Cũng trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp. Ở ngoài đường không thấy Tết chứ bước vô nhà nhìn là biết Tết đang về liền,” cô Vân, một kỹ sư điện toán đang làm việc cho quân đội, chia sẻ.
“Từ bao lâu nay, tất cả mọi thứ đã như nằm sẵn trong máu mình, không ai bắt ép nhưng cứ đến ngày 23 Tháng Chạp thì phải cúng đưa Ông Táo, tối Ba Mươi thì cúng Giao Thừa, cũng chúc Tết, lì xì. Mùng Một thì không quét nhà, không đổ rác, không làm việc nhiều, cái gì cũng phải nhẹ nhàng, phải vui vẻ. Ngày đầu năm thế nào thì cả năm sẽ như thế ấy,” cô Vân giải thích thêm về tập tục ông bà mà gia đình cô vẫn đang tiếp tục duy trì nơi hải ngoại hơn một phần tư thế kỷ qua.
Do thói quen chuẩn bị Tết, ăn Tết như vậy được duy trì, nên các con của cô, dù sinh ra ở Mỹ, cũng biết ít nhiều về ngày Tết cổ truyền.
“Mấy đứa nhỏ biết hết đó. Tụi nó biết Tết là được lì xì, biết cả tục lệ không quét nhà, không làm việc nhiều ngày đầu năm nên Mùng Một là tụi nó khoái lắm, vì khỏi làm gì hết. Năm ngoái đứa lớn đi học xa, Tết là ngày thường nó không về được, nhưng cũng chờ được bao lì xì, phải chụp hình gửi cho nó coi,” cô nói thêm.
“Bên này có Tết gì đâu” là câu trả lời ngay của cô Mỹ Thúy Nguyễn ở thành phố Des Moines, Iowa, khi được hỏi về không khí Tết Nguyên Đán nơi tiểu bang cô sống thế nào.
Mặc dù nói vậy nhưng Thúy cũng thừa nhận “Tập tục ngày Tết đã thấm sâu trong lòng người Việt rồi, nhà lại có ông bà nội nên mọi chuyện trang hoàng, cúng quảy luôn luôn đúng bài bản đâu ra đó.”
Sự rộn ràng chuẩn bị đón Tết không chỉ có ngay trong gia đình cô Thúy, mà tại nơi cô làm việc – một hãng chuyên làm về bao thư các loại – những người gốc Việt cũng xôn xao không kém.
“Năm nay Mùng Một, Mùng Hai rơi vào Thứ Bảy, Chủ Nhật, mà chỗ mình làm theo ca, nên những ai phải đi làm ngày đó thì đâu có đón Tết ở nhà được, cho nên nghe mọi người nói với nhau mỗi người mang theo một món để cùng ăn Tết, có người mang vào cành mai giả nữa, thấy náo nức lắm,” cô Thúy nói.
Theo cô, “Những dịp lễ Tết như vầy là cơ hội để người Việt mình tụ lại, vui lắm, nên không nghe ai than thở hay có ý kiến bài bác chuyện Tết nhất gì hết. Nhất là ở đây mình đón Tết không có cầu kỳ, tốn kém. Như ngày đưa Ông Táo, những người Việt trong hãng cũng nhắc nhau nhớ cúng, rồi lại bàn nhau là cúng thế nào, nấu chè gì để cúng. Rất là vui.”
Đặc biệt, từ nhiều năm nay, Tết Nguyên Đán cũng được những người bản xứ trong hãng của cô biết đến qua những phong bao lì xì $1, $2 mà những công nhân gốc Việt tặng cho họ, như món quà may mắn. “Họ thích lắm,” cô Thúy nói.
***
Ngày Tết Nguyên Đán, nếu như anh Daniel Phú nói, “Con người sống phải có nguồn có cội. Sống ở hải ngoại, nếu mình không tiếp tục duy trì những nét văn hóa như thế này thì thế hệ sau làm sao mà biết,” thì cô Tâm Nguyễn ở Westminster lại cho rằng, “Nếu Tết Tây mang đến cho mình niềm vui phấn chấn của một năm mới náo nức, đầy sức sống, thì không khí của ngày Tết Nguyên Đán lại đưa mình, những người gốc Việt, về với những giá trị tinh thần thiêng liêng.”
“Tôi không thể giải thích được hết cảm xúc của mình khi bước chân vào những ngôi chợ Việt ngập tràn sắc Tết. Tôi không thể giải thích được hết cảm xúc của mình khi tiếng chuông điểm giờ Giao Thừa vang lên, hòa trong tiếng pháo rang, mùi nhang trầm, mùi khói pháo,… Một điều gì đó rất lạ, mà tôi chỉ có thể nói rằng, đó là cảm xúc tìm về cội nguồn- cảm xúc rất riêng chỉ có ở những người dân Việt,” cô Ngọc nói cùng nụ cười vương lại nơi góc chợ hoa một chiều Tháng Chạp.