Chỉ là vài cân gạo, dăm củ lạc, gói gia vị, vài củ khoai…
Người phụ nữ “chẳng có gì ngoài điều kiện” gây bão mạng khi tới lấy đồ cứu trợ dành cho người nghèo. Ảnh: Nguyễn Huy Khâm
Cái túi ấy chỉ là vài cân gạo, dăm củ lạc, gói gia vị, vài củ khoai… được phát miễn phí cho người nghèo đặng cứu đói.
Ấy thế mà người đến nhận nó thì tay sơn móng, tóc nhuộm nâu, khoác cả túi hàng hiệu nữa cơ.
Đây là một câu chuyện đàm tiếu trên mạng, xảy ra ở một điểm cứu trợ lương thực cho người nghèo ở Hà Nội.
Đại ý, trong số những người đến nhận, bên cạnh những “em sinh viên dân tộc quê ở Sơn La phải ăn mì hàng ngày” thì có cả những chị “tay trái vòng đá, cầm chìa khóa xe máy, tay phải vòng thạch anh. Sơn móng.
Vai khoác túi hàng hiệu” ngạo nghễ dện guốc đến lấy, có cả những anh phóng xe xịn, có cả những gia đình vài người đến lấy.
Đến mức cán bộ phường thốt trên loa phóng thanh, rằng xin hãy dành những phần lương thực này cho những người nghèo thực sự.
Mà cái phần lương thực ấy có nhiều nhặn gì cho cam: Chỉ là vài cân gạo, dăm củ lạc, gói gia vị, vài củ khoai.
Tác giả của bức ảnh chị tóc nâu đã dùng một từ rất mạnh là “cướp”. Với việc lấy đi phần lương thực nhỏ bé ấy, những người không nghèo đã lấy đi bát cháo, bữa cơm của những người nghèo.
“Của chùa”, hay đúng hơn là sự tham lam và tự trọng hạn chế đang khiến cho yếu tố công bằng trong việc thực hiện các chính sách an sinh gặp khó.
Chúng ta có những câu chuyện…kinh điển.
Dê cứu trợ đi lạc vào nhà bí thư. Chủ tịch xã ký giấy hộ nghèo cho người thân. Hay thậm chí một hiệu trưởng ăn bớt quà từ thiện của học sinh rồi xin báo chí đừng đăng để giữ… đại cục.
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với gói cứu trợ 62.000 tỉ mà Chính phủ đề xuất.
Chỉ 500 ngàn, 1 triệu đồng thôi nhưng người nghèo đang chờ từng ngày.
Để có số tiền ấy , Chính phủ phải gạn từng xu, từ tiền dự phòng, từ nguồn tăng thu, thậm chí cả từ việc tiết kiệm chi thường xuyên nữa.
Nhưng sẽ rất tai hại nếu việc phân chia những đồng tiền ý nghĩa ấy bị trục lợi.
Thủ tướng nói phải đưa được những đồng tiền ấy nhanh nhất đến đúng địa chỉ và việc thực hiện “bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận lợi để người dân biết, các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, xử lý nghiêm các vi phạm, “chứ không phải cứ lòng vòng mãi mà không nhận được tiền”.
Ngay lúc này, muốn tránh những nghịch cảnh “chị tóc nâu”, việc giám sát phải được đề cao, bằng việc công khai danh sách đối tượng nhận tiền cứu trợ ngay ở đơn vị hành chính gần dân nhất.
Bởi người có thể nhìn ra đâu là những người mì tôm trường kỳ, đâu là những chị tóc nâu, chỉ có thể là chính người dân.