Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự, mà ông là người kiêm toàn văn võ.
Tượng Nguyễn Huệ - Quang Trung trong "Tây Sơn Tam Kiệt" - bộ ba tượng anh em Tây Sơn ở Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định)
Suốt mấy ngàn năm qua kể từ ngày dựng nước, người Việt Nam ít khi được yên ổn bởi tham vọng xâm lấn của anh bạn láng giềng khổng lồ phương Bắc. Cũng trong mấy ngàn năm giữ nước đó, tinh thần hy sinh tất cả để bảo vệ chủ quyền quốc gia của người Việt Nam luôn được thể hiện một cách mạnh mẽ. Đến thế kỷ thứ 18, tinh thần đó lại thêm một lần nữa được khẳng định với anh hùng áo vải-hoàng đế Quang Trung trong chiến thắng đập tan 29 vạn quân Thanh mượn cớ giúp nhà Lê để thực hiện mưu đồ xâm lược.
Lưỡng đầu thọ địch
Vào thế kỷ thứ 18, xã hội Việt Nam lâm vào một tình thế vô cùng bi đát: Đất nước đã bị chia cắt hơn 200 năm, ở miền Bắc nhà Lê thì vẫn còn tồn tại nhưng chỉ là bù nhìn, mọi quyền hạn nằm trong tay chúa Trịnh, còn tại miền Nam thì do chúa Nguyễn cai trị. Trong bối cảnh đó, vào năm 1771, tại Bình Định-Quy Nhơn, phong trào nông dân Tây Sơn đã nổi lên dưới sự lãnh đạo của ba anh em nhà họ Nguyễn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
Nguyễn Nhạc có đầu óc cục bộ, Nguyễn Lữ thì không có chí lớn lại thiếu năng lực, còn Nguyễn Huệ lại là một người đủ đầy hùng tài thao lược, có chí muốn thống nhất non sông, có tài kinh bang tế thế. Hầu như tất cả các trận đánh lớn và mang tính quyết định của quân Tây Sơn đều do Nguyễn Huệ chỉ huy. Chính Nguyễn Huệ đã ra quân dẹp chúa Nguyễn trong Nam và tề chúa Trịnh Ngoài Bắc.
Phong trào Tây Sơn đến năm 1787 coi như đã lẫy lừng thanh thế, có thể tiến tới làm chủ vận mệnh non sông. Thế nhưng, cũng chính năm ấy, anh em nhà Tây Sơn lại xảy ra mâu thuẩn: Nguyễn Huệ muốn tiếp túc chiến đấu để thống nhất quốc gia, còn Nguyễn Nhạc thì e ngại Nguyễn Huệ vượt tầm kiểm soát của mình. Lãnh thổ của nhà Tây Sơn khi ấy được Nguyễn Nhạc chia làm ba:
- Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Qui Nhơn.
- Phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
- Phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất Thuận Hóa trở ra đèo Hải Vân.
Mâu thuẫn đi đến mức Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ phải ra quân đánh nhau. Rồi quân Nguyễn Huệ bao vây thành Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc buộc phải chít khăn tang đứng trên mặt thành khóc than kể lể. Nể tình anh, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mới thu binh.
Nhân cơ hội nội bộ Tây Sơn chia rẽ, các thế lực chống Tây Sơn bèn trỗi dậy. Ở phía nam, Nguyễn Ánh nhờ sự giúp đỡ của người Pháp, toan trở về đánh chiếm Gia Định. Đông Định vương Nguyễn Lữ bỏ Gia Định chạy về Quy Nhơn. Còn ở phía Bắc, mẹ con Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh phát binh đánh Tây Sơn. Vua nhà Thanh lúc bấy giờ là Càn Long bèn nhân cơ hội đó hạ chiếu phong cho Tôn Sỹ Nghị làm Chinh Man Đại tướng quân, điều động quân lực của bốn tình Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu bao gồm 29 vạn người (kể cả quân lính tác chiến và dân phu phục dịch hậu cần). Quân Thanh chia làm ba đạo tiến vào Đại Việt dưới danh nghĩa “Phù Lê diệt Tây Sơn”. Càn Long còn đặc cử Phúc Khang An chuyên trách hậu cần. Phúc Khang An cho thiết lập trên 70 đồn quân lương to lớn và kiên cố từ hai đường Quảng Tây và Vân Nam tới Thăng Long. Riêng chặng đường từ ải Nam Quan tới Thăng Long, Phúc Khang An cho thiết lập 18 kho quân lương để phục vụ cho đội quân nam tiến.
Như vậy, Quân đội Tây Sơn đang đứng trước cái cảnh lưỡng đầu thọ địch: cái họa Nguyễn Ánh ở miền Nam, và đặc biệt là cái họa ngoại xâm ở miền Bắc. Vận nước như chỉ mành treo chuông, gánh nặng đè lên vai Nguyễn Huệ quả thật quá lớn, và nếu không phải một thiên tài quân sự như Nguyễn Huệ thì khó lòng mà lo liệu vuông tròn cho được.
Tiến quân thần tốc
Nguyễn Huệ đứng trước hai lựa chọn: Nam tiến hoặc Bắc tiến. Cả hai mặt trận đều nước sôi lửa bỏng và cần đến ông, tuy nhiên, nếu ông quá sa vào một mặt trận thì mặt trận kia sẽ vỡ. Tuy nhiên cái họa xâm lăng ở phương Bắc là cần kíp hơn. Nguyễn Huệ bèn sắp đặt người cố thủ tại Gia Định, đồng thời chuẩn bị xuất quân Bắc tiến cự quân Thanh. Mặc dù nhận thức được quân Mãn Thanh phía Bắc là nguy cơ lớn hơn và cấp bách hơn nhưng Nguyễn Huệ không thể đánh địch theo chiến thuật trường kỳ như triều đại nhà Lý, nhà Trần trước đó đã làm để chống quân phương Bắc. Vì vậy ông quyết định chọn cách đánh thần tốc để sớm giải quyết chiến trường miền Bắc.
Ngày 17/2/1788 quân Tây Sơn trấn giữ Thăng Long đã theo kế sách của Ngô Thì Nhậm làm kế không thành, rút toàn bộ quân thủy bộ về đóng ở Biện Sơn và Tam Điệp (phía nam tỉnh Ninh Bình). Vì thế quân Thanh vào chiếm thành Thăng Long một cách dễ dàng, không mất một mũi tên. Do quá dễ dàng nên quân Thanh bắt đầu kiêu ngạo, Tôn Sỹ Nghị còn chẳng buồn truy kích Tây Sơn.
Tuy nhiên, trước những cảnh báo của vua tôi Lê Chiêu Thống, Tôn Sỹ Nghị cũng bắt đầu thấy sợ nên sau khi tiến binh vào Thăng Long đã cho chia quân ra đóng ở nhiều điểm để tiện bề hỗ trợ nhau khi tác chiến. Đạo quân Lưỡng Quảng đóng tại những khu bãi rộng hai bên bờ sông Hồng, bắc cầu phao qua sông. Quân của Sầm Nghi Đống đóng tại gò Khương Thượng (Đống Đa). Đại bản doanh của Tôn Sỹ Nghị đóng ở cung Tây Long, quân “Cần Vương” của Lê Chiêu Thống đóng ở nội thành. Đạo quân Vân Nam đồn trú tại Sơn Tây. Tôn Sỹ Nghị hạ lệnh sẽ tấn công Tây sơn vào ngày mùng 6 tết.
Ngày 29/11/1788 (âm lịch), đại quân của vua Quang Trung ra tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn,[tổ chức thành 5 đạo quân cùng với 200 voi chiến. Vua Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến quyết thắng của ba quân. Ngay sau lễ duyệt binh, quân Tây Sơn trực chỉ Bắc Hà, và ngày 20/12/1788 âm lịch thì đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, vua Quang Trung hẹn ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn tết tại Thăng Long.
Đêm 30 tết, quân Tây Sơn chính thức tấn công và lần lượt hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi. Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi nhưng dừng lại chưa đánh khiến quân Thanh lo sợ, phần bị động không dám đánh trước nhưng cũng không biết bị đánh lúc nào. Trong khi đó một cánh quân khác của Tây Sơn bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng (Đống Đa) khiến quân Thanh không kịp trở tay. Tướng chỉ huy đồn là Sầm Nghi Đống phải tự vẫn. Sáng mồng 5, vua Quang Trung mới tấn công và hạ đồn Ngọc Hồi. Trước đó, Tôn Sỹ Nghị cuống cuồng sợ hãi đã bỏ chạy. Đến sông Nhị Hà, sợ quân Tây sơn đuổi theo, Tôn Sỹ Nghị hạ lệnh cắt cầu khiến quân Thanh rơi xuống sông chết rất nhiều đến nỗi mà sử sách ghi lại là: làm nghẽn cả dòng chảy của con sông.
Như vậy, chỉ trong vòng 40 ngày kể từ khi hay tin cấp báo từ phía Bắc, vua Quang Trung đã đập tan 29 vạn quân Thanh, cứu non sông khỏi cái họa ngoại xâm phương Bắc.
Một chiến thắng của chính nghĩa, được lòng người thuận ý trời
Quân Tây Sơn chỉ có 10 vạn phải chiến đấu với gần 30 vạn quân Thanh, tức là lấy một chọi ba. Thế nhưng, vua Quang Trung đã dành chiến thắng vang dội, đánh tan tác quân xâm lược, khiến Tô Sỹ Nghị phải chạy trối chết. Xác của quân thù ngổn ngang, đến mức mà tương truyền sau chiến thắng, các xác này được gom lại thành nhiều gò đống lớn, sau đó có đa mọc um tùm nên mới gọi là Gò Đống Đa. Nhà thơ Ngô Ngọc Du thời đó đã phải thốt lên thán phục:
Thánh nam xác giặc mười hai đống
Ngời sáng anh hùng đại võ công
Nguyên nhân nào đã dẫn đến chiến thắng vĩ đại này? Ta có thể tóm lược mấy ý như sau:
1) Thần tốc và bí mật
Quân Thanh tiến vào Thăng Long vào ngày 17/11/1788, đến ngày 21/11 thì tin tức mới về đến Phú Xuân. Ngày 25/11, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Trong khi đó Tôn Sỹ Nghị quyết định ngày mùng 6 tiến binh đánh Tây Sơn. Như vậy, vua Quang Trung chỉ còn trên dưới 40 ngày để ra để điều binh ra tới Thăng Long tấn công quân Thanh. Phòng Tuyến đầu tiên của quân Thanh là Gián Khẩu tại Ninh Bình cách Hà Nội độ khoảng 90 cây số (180 dặm Trung Quốc). Từ Phú Xuân (Huế) ra đến Hà Nội có khoảng trên 600 km (1 200 dặm). Như vậy, để ra đến được Ninh Bình tấn công đồn Gián Khẩu vào ngày 30 tháng Chạp, quân đội của vua Quang Trung có trên dưới 35 ngày đường. Trừ 10 ngày tuyển binh ở Nghệ An, thì quân Tây Sơn chỉ còn có 25 ngày đường cho khoảng hơn 1000 dặm (trên 500 km). Còn nếu lấy Thăng Long làm đích, thì tính đến ngày mùng 5 tết, quân Tây Sơn phải vượt trên 600 km đường bộ trong 40 ngày, tức phải đi liên tục bình quân 15 km (30 dặm)/ngày.
Ta thấy, điều động một đội quân 10 vạn người và hơn 200 thớt voi mà phải đi liên tục và nhanh chóng như vậy thật là điều hi hữu. Nhưng vua Quang Trung đã làm được cái điều hi hữu ấy. Trong khi hành quân, yếu tố bí mật của quân đội Tây Sơn là tuyệt đối, nó kín đến mức mà các nhà sử học ngày nay vẫn còn tranh cãi về cách thức hành quân thần tốc của vua Quang Trung. Thế nhưng cơ bản có hai giả thuyết. Một là cho rằng quân lính đã chia thành nhiều tốp, mỗi tốp có 3 người, ba người này thay phiên khiêng nhau để một người được nghỉ, và như thế có thể đi liên tục. Một số người khác lại cho rằng, vào thời điểm đó, từ Huế ra Thăng Long chỉ có hai tuyến đường chính: Đó là đường dịch trạm hay đường thiên lý (gần trùng với Quốc lộ 1A ngày nay) và tuyến Thượng đạo, men theo đồi núi trung du phía Tây, giãn cách với Quốc lộ 1A từ 30 – 40km đến 70 – 80km, và vua Quang Trung đã chọn đường Thượng Đạo để tránh tay mắt kẻ thù.
Cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ. Thế nhưng, sự thật càng khó truy tìm chừng nào, thì ta càng thấy cái thiên tài quân sự của vua Quang Trung lớn chừng ấy. Và trên thực tế, điều mà thế hệ sau của ông phải vắt óc suy nghĩ vẫn chưa ra thì ông đã làm được. Chính nhờ hành quân thần tốc và tuyệt mật, nên quân đội Tây Sơn đã tạo được thế tấn công bất ngờ, khiến giặc không kịp trở tay. Sử sách vẫn còn ghi lại những lần tấn công của quân Tây Sơn vào đồn giặc mà quân giặc phải bàng hoàng chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
2) Được lòng ba quân và dân chúng
Đây là nguyên nhân chính yếu dẫn đến chiến thắng diệu kỳ của vua Quang Trung, bởi nếu có hành quân thần tốc cỡ nào mà không được dân ủng hộ, không được ba quân hết lòng chiến đấu thì cũng không thể thành công cho được.
Ta nhớ lại rằng, khi ra đến Nghệ An, vua Quang Trung cho dừng binh để tuyển mộ thêm quân sĩ và tổ chức lễ duyệt binh. Trước ba quân tướng sĩ, ông đã dõng dạc nói: “Quân Thanh sang xâm lược nước ta, hiện đang ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, tất cả đều được phân biệt rõ ràng, Bắc Nam hai phương chia nhau cai trị, người phương Bắc không phải nòi giống ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời Hán đến nay, chúng đã bao phen cướp bóc nước ta, cho nên người mình không ai chịu nổi, đều muốn đánh đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng nữ vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ... các ngài không nỡ ngồi yên nhìn chúng làm điều tàn bạo, cho nên đã thuận theo lòng người mà dấy nghĩa binh, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về hẳn bên phương Bắc”.... Lợi hại và được thua đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta mà đặt thành quận huyện của chúng, không biết trông gương các đời Tống, Nguyên, Minh thuở xưa, vì thế ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng...”.
Lời nói trên đã thể hiện quá rõ ràng tinh thần của vua Quang Trung là: Nước Việt Nam là của người Việt Nam. Đây cũng là tinh thần xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử của người Việt Nam, đã từng được danh tướng Lý Thường Kiệt đời Lý tuyên bố trong bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”, và cũng đã được Nguyễn Trãi đời Hậu Lê nêu bật trong “Bình Ngô Đại Cáo”. Vua Quang Trung đã thấm nhuần tinh thần đó, và chiến đấu cũng trong tinh thần đó. Đây là chân lý không thể phủ nhận của dân tộc Việt Nam đã được khẳng định qua biết bao thế hệ, và đã được vua Quang Trung kế thừa.
Trong lễ duyệt binh nói trên, vua Quang Trung còn tuyên bố trước ba quân mục đích của cuộc Bắc tiến như sau:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho nó chích luân bất phản,
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Tức là:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó manh giáp chẳng còn
Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ
Đã quá rõ ràng, mục tiêu của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống quân Thanh là để gìn giữ những tập tục riêng của người Việt (giữ tóc dài và nhuộm răng đen), và đặc biệt là để khẳng định thêm một lần nữa cái chân lý: Người Việt làm chủ nước Việt, nếu ai xâm phạm sẽ bị đánh cho ngựa xe tan tác, cho giáp bào tả tơi, hay như Lý Thường Kiệt nói là “sẽ bị đánh tơi bời”. Sử cũ chép: : “Huệ dứt lời, chư quân dạ ran như sấm, rung động cả hang núi, trời đất đổi màu. Rồi chiêng trống khua vang, quân lính gấp rút lên đường ra Bắc”. Chi tiết này thể hiện sự ủng hộ của ba quân đối với chủ soái Nguyễn Huệ đến dường nào.
Cộng thêm vào sự ủng hộ của ba quân đó chính là sự mong ngóng của lê dân đối với vua Quang Trung. Sử cũ chép rằng, quân Thanh vào thành Thăng Long ra sức cướp phá, hãm hiếp, khiến dân tình ta thán. Vua nhà Lê là Lê Chiêu Thống không lo cảnh mất quyền tự chủ quốc gia mà chỉ biết dựa vào thế lực ngoại bang để báo tư thù, thanh toán những người từng ủng hộ Tây Sơn, thảm khốc đến mức mà ngay cả mẹ ông cũng phải lên tiếng than trách. Lê Chiêu Thống thì phải chầu chực quỳ lụy Tôn Sỹ Nghị làm nhục quốc thể đến nỗi mà người đương thời phải than với nhau rằng: “Nước nam ta từ khi có đế vương đến bây giờ, không thấy có vua nào hèn hạ đến thế”. Trong bối cảnh đó, nguồn hi vọng duy nhất của người dân Việt chính là vua Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Chưa hết, trong trận đánh Ngọc Hồi vào sáng mùng 5 tết, khi quân Tây Sơn tấn công vào đồn Ngọc Hồi, thấy có gió bắc, quân Thanh liền dùng ống phun lửa, khói tỏa mù trời, cách gang tấc cũng không nhìn thấy gì. Không ngờ trong chốc lát trời bỗng trở gió Nam, lửa khói tạt ngược trở lại về phía quân Thanh, làm cho chúng bị thiệt hại rất nhiều, tạo thuận lợi cho quân Tây Sơn tấn công vào đồn. Rồi một chi tiết khác được sử cũ ghi lại là Nguyễn Ánh ở Gia Định nghe tin quân Thanh vào Thăng Long đã sai người chở 50 vạn cân gạo ra cho quân Thanh nhưng giữa đường gặp bão biển, cả người và gạo đều bị đắm hết. Phải chăng những chi tiết trùng hợp này là điềm báo rằng: Quân Tây Sơn được sự ủng hộ của đấng siêu nhiên, tức là được lòng trời. Nói cách khác, là vua Quang Trung bên cạnh « nhân hòa », còn được « thiên thời », mà được như thế ấy là bởi vì cuộc chiến đấu của ông là chính nghĩa, là để bảo vệ chủ quyền thiêng thiêng của dân tộc.
Kiên quyết chống ngoại xâm, hòa hiếu trong giao thiệp
Không chỉ là nhà quân sự thiên tài, mà trên mặt trận ngoại giao vua Quang Trung cũng tỏ ra là người quyền biến. Nhận xét về tài năng và đức độ của vua Quang Trung, Giáo sư sử học Trịnh Văn Thảo thuộc Đại học Aix-Marseille Cộng Hòa Pháp cho rằng ông là người kiêm toàn văn võ:
Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đánh dấu lịch sử về một người anh hùng, một vị tướng tài năng đã chiến thắng vẽ vang trong một trận đánh không lâu dài. Có thể nói, chiến dịch Đống Đa là một chiến dịch nhanh nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Nhờ tài điều binh khiển tướng giỏi mà Quang Trung đã đánh bại 29 vạn quân Thanh.
Cũng xin nhắc lại rằng, trước đó Quang Trung cũng đã thể hiện tài thao lược của mình. Như ông đã 4 lần vào chinh nam và cũng đã 4 lần chiến thắng. Một trong những chiến thắng đó là trận đánh Rạch Gầm-Xoài Mút. Rồi sau đó ông đã ra bắc dẹp chế độ vua Lê chúa Trịnh.
Quang Trung không chỉ là một nhà quân sự, mà ông là người kiêm toàn văn võ. Ông biết rằng, sau khi đánh bại quân Thanh, thì sẽ có những mưu toan trở lại của quân địch. Ông đã tìm ra một con đường ngoại giao khôn khéo để tránh sự xâm lược lần thứ hai của nhà Thanh, tức là của một cường quốc quá lớn đối với Việt Nam.
Giáo sư Trịnh Văn Thảo cho rằng, tài năng và đức độ của vua Quang Trung để lại nhiều bài học quý giá cho thế hệ ngày nay :
Có những bài học rất quan trọng đối với người Việt chúng ta ngày nay. Trước tiên, ta thấy Nguyễn Huệ chỉ xưng vương sau khi đã chứng kiến cảnh vua tôi nhà Lê chạy sang cầu viện nhà Thanh. Yêu cầu tình thế bắt buộc ông phải xưng Hoàng đế. Đó là một hành động khôn khéo bởi nó giúp ông đạt được lòng dân.
Thứ hai, mặc dù là một tướng tài đã đánh bại quân Thanh, nhưng ông không quên đường lối ngoại giao để tránh nạn binh đao triền miên giữa Việt Nam với Trung Quốc. Bài học ở đây đó là: Chúng ta phải biết dung hòa giữa võ lực và chính trị.
Kế đến, ta thấy rằng Quang Trung là một người có hòa chí đem lại an ninh và thịnh vượng cho đất nước. Có ba bằng chứng cho điều này. Thứ nhất, ông biết sử dụng và lắng nghe người trí thức, tài năng. Quan hệ giữa ông và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp là một minh chứng cho thấy một nhà cầm quyền nhà nước biết lắng nghe lời khuyên của một nhà trí thức hoàn toàn không tham chính. Thứ hai, Quang Trung có hoài bão sửa sang một nền chính trị đã thối nát ở Bắc Hà dưới thời Lê-Trịnh. Thứ ba, ông muốn chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục đã quá u mê bắt đầu từ thế kỷ 15 dưới ảnh hưởng của Tống Nho và khoa bảng. Ông có ý muốn dùng chữ Nôm làm ngôn ngữ chính của dân tộc, rõ ràng là một việc chưa từng có.
Giáo sư Trịnh Văn Thảo tóm lược về anh hùng Nguyễn Huệ như sau:
Quang Trung là một người bao gồm đủ ba đức tính của người quân tử thời xưa, đó là : nhân, trí, dũng. Chỉ tiếc một điều là ông chỉ trị vì có 4 năm nên không thể thực hiện những hoài bão đó. Nếu không, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể tránh được họa xâm lăng xảy đến mấy chục năm sau đó.
Điều mà giáo sư Trịnh Văn Thảo lấy làm tiếc cũng chính là suy nghĩ của đô đốc Vũ Văn Dũng khi vua Quang Trung mất vào ngày 29/7/1792 (âm lịch):
Bố y phân tích ngũ niên trung
Mai cố thi vi tự bất đồng
Thiên vị ngô hoàng tăng nhất kỷ
Bất y Đường Tống thuyết anh hùng
Dịch:
Năm năm dấy nghiệp tự thân nông
Thời trước thời sau khó sánh cùng
Trời để vua ta thêm chục tuổi
Anh hùng Đường, Tống hết khoe hùng.
Anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã bôn ba đánh Nam dẹp Bắc với bao chiến công lừng lẫy. Thế nhưng, khi nhắc đến ông, thì người ta nghĩ ngay đến chiến thắng Đống Đa, một chiến thắng của một nước bé nhỏ trước một cường quốc hùng mạnh có tham vọng bá quyền, một chiến thắng khẳng định thêm một lần nữa chân lý bất diệt của dân tộc Việt Nam là “Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.