main billboard

ba anh em
                                                                                                                                           Bùi Quý Chiến
                                                                                                                                      (Đặc San Lâm Viên)

Lịch sử Việt nam có những điểm son rực rỡ từ những cuộc đấu tranh giành độc lập tới các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và các cuộc viễn chinh mở rộng bờ cõi về phía nam. Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Quang Trung từng lúc thịnh suy nối tiếp nhau.

Tuy nhiên mỗi triều đại có một điểm đen do nội bộ hoàng tộc tranh giành nhau ngôi báu.

1- Dương tam Kha cướp ngôi của cháu.
Năm 944 Ngô Quyền mất, em vợ là Dương tam Kha tự ý xưng là Bình vương thay vì lập con trưởng của Ngô vương là Xương Ngập lên nối nghiệp như lời ủy thác của anh rể. Xương Ngập sợ bị cậu giết nên trốn sang Nam sách tị nạn ở nhà Phạm lệnh Công. Tam Kha cho quân đuổi theo nhưng Xương Ngập được Lệnh Công đem vào núi trú ẩn an toàn.

Em Xương Ngập là Xương Văn được Tam Kha nuôi làm con nuôi. Nhân có giặc nổi lên ở Sơn tây, Tam Kha sai Xương Văn đi dẹp loạn. Trên đường hành quân, Xương Văn thuyết phục được hai tướng dưới quyền là Dương cát Lợi và Đỗ cảnh Thạc đem quân về lật đổ Tam Kha.

Nghĩ tình cậu cháu, Xương Văn chỉ giáng Tam Kha xuống tước Trương dương công rồi lên ngôi xưng là Nam Tấn vương.

Nam Tấn vương cho đi tìm anh về để chung nhau ngai vàng. Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương.

Lần đầu tiên (và duy nhất) trong sử Việt, hai anh em cùng làm vua.

2- Vì ngôi thái tử, Đinh Liễn ngầm giết em.
Đinh Liễn là con trưởng của Đinh bộ Lĩnh, từng theo cha xông pha trận mạc. Khi cha lên ngôi hoàng đế, Đinh Liễn được phong Nam Việt vương. Tuy nhiên ngôi Thái tử được cha phong cho em là Hạng Lang. Bất mãn, Đinh Liễn ngầm cho người giết em.

Năm 979 Đinh Tiên hoàng và Đinh Liễn bị Đỗ Thích lợi dụng đêm tối leo vào hoàng thành giết chết. Chỉ là một quan lại nhưng nằm mơ thấy sao rơi vào mồm nên Đỗ Thích cho là điềm được Trời cho làm vua. Đỗ Thích bị bắt và bị xử tội.

Triều thần tôn Đinh Tuệ mới 6 tuổi lên nối ngôi và tôn mẹ là Dương thị làm Thái hậu.

Phụ chính là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Dương Thái hậu tư tình với Lê Hoàn.

Nhân nhà Tống mưu đánh nước ta, Quân đội và Dương thái hậu đồng lòng đưa Lê Hoàn lên thay thế Ấu vương Đinh Tuệ để tạo uy thế chống xâm lăng.

3- Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị em giết chết.
Vua Lê Đại hành có 4 người con: Long Du, Ngân Tích, Long Việt và Long Đĩnh. Long Việt được lập làm Thái tử.

Năm 1005 Đại Hành mất, 4 hoàng tử đánh nhau suốt 7 tháng để tranh giành ngai vàng. Cuối cùng Long Việt được kế nghiệp, sử gọi là Lê Trung tông. Nhưng chỉ 3 ngày sau, Trung tông bị em là Long Đĩnh sai người giết chết.

Long Đĩnh rất bạo ngược, lấy việc giết người làm thú vui. Vì quá dâm dục nên mắc bệnh chỉ có thể nằm khi thiết triều nên sử gọi là Lê Ngọa triều.

Long Đĩnh làm vua được 4 năm thì mất, thọ 24 tuổi. Vì con còn nhỏ nên Đại thần Đào cam Mộc cùng Vạn Hạnh thiền sư thuyết phục triều thần tôn Lý công Uẩn lên làm vua khai sáng triều Lý.

4- Triều thần bảo vệ Thái tử Phật Mã chống lại 3 người em tranh quyền.
Vua Lý Thái tổ phong con trưởng là Phật Mã làm Thái tử và phong Vương cho 4 người con thứ. Mỗi Vương đều có thái ấp và quân đội riêng.

Năm 1225 Thái tổ mất, lễ tống táng chưa xong thì 3 người con là Võ đức vương, Dực thánh vương và Đông chính vương đem quân về vây hãm hoàng thành tranh quyền kế vị. Triều thần bảo vệ Thái tử Phật Mã, cho quân của triều đình mở cổng thành ra dẹp loạn. Võ đức vương bị tướng Lê phụng Hiểu chém chết, quân sĩ của các Vương hoảng sợ tan rã, hai Vương còn lại trốn thoát.
Phật Mã lên ngôi xưng là Lý Thái tông. Dực thánh vương và Đông chính vương về thú tội, được Thái tông tha tội và được phục chức như trước.

5- Trần Ích Tắc theo giặc nhằm cướp ngôi của anh.
Vua Trần Thái tông phong con trưởng Trần Hoảng làm Thái tử; các con thứ là Quang Khải, Ích Tắc và Nhật Duật được phong vương.

Năm 1258 Thái tông nhường ngôi cho con lên làm Thái thượng hoàng, Trần Hoảng kế vị là Thánh tông.

Ích Tắc rất thông minh, 15 tuổi đã thông suốt kinh sử. Tự phụ có trí thông minh hơn người, Ích Tắc nuôi tham vọng cướp ngôi của anh.

Có một lần Ích Tắc viết thư cho người đem xuống Vân đồn nhờ khách buôn chuyển tới vua Nguyên xin nhà Nguyên sang đánh nước ta. Nhưng Ích Tắc không thấy hồi âm.

Năm 1278 Trần Thánh tông nhường ngôi cho Thái tử Khâm để làm Thái thượng hoàng. Trần Khâm lên ngôi xưng là Nhân tông.

Năm 1284 nhà Nguyên cho Thoát Hoan đem đại quân sang đánh chiếm nước ta. Vì thế yếu quân ta lui dần. Trần Hưng đạo phải đem Thượng hoàng và vua vào Thanh hóa. Thoát Hoan vào thành Thăng long, Trần Ích Tắc và bộ hạ đem gia quyến ra hàng.

Năm sau, 1285, Hưng đạo vương phản công chiếm lại các vị trí quan trọng; Toa Đô bị chém chết ở Chi lăng, Thoát Hoan rút bại binh về nước. Trần Ích Tắc theo Thoát Hoan sang Tàu lưu vong.

6- Nghi Dân đền tội vì giết em đoạt ngai vàng.
Khởi đầu vua Lê Thái tông phong Nghi Dân làm thái tử, sau vì bà mẹ phạm tội nên Nghi Dân bị phế; Hoàng tử Bang Cơ được đôn lên làm thái tử.

Năm 1442 Thái tông chết đột ngột (liên lụy tới Thị Lộ khiến Nguyễn Trãi và 3 họ bị giết), Bang Cơ lên nối ngôi mới có 2 tuổi tức Lê Nhân tông.

Vì con còn nhỏ, Thái hậu buông rèm thính chính. Năm 1453 Nhân tông đích thân nắm quyền. Năm 1459 Nhân tông và mẹ bị Nghi Dân nửa đêm trèo vào thành giết chết.

Nghi Dân cho sứ sang Tàu cầu phong nhưng chỉ 8 tháng sau Nghi Dân cùng đồng bọn bị các quan đại thần Nguyễn Xí và Đinh Liệt chém chết ngay trong triều.

Hoàng tử Tư Thành được triều thần tôn lên nối ngôi tức Lê Thánh tông.

7- Anh em họ Trịnh tranh giành ngôi chúa.
* Trịnh Cối/Trịnh Tùng.

Sau khi Mạc đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim tìm con cháu vua Lê lập ra Nam triều (từ Thanh hóa trở vào) để chống lại Bắc triều của họ Mạc ở Đông đô (Thăng long).

Nguyễn Kim chết, trao binh quyền cho con rể là Trịnh Kiểm.

Năm 1570 Trịnh Kiểm mất, binh quyền trao cho con trưởng là Trịnh Cối. Em là Trịnh Tùng đưa vua Lê về đồn Vạn lại để chống lại anh. Trong khi anh em đánh nhau thì nhà Mạc vào đánh Thanh hóa. Trịnh Cối yếu thế phải đầu hàng, được nhà Mạc cho phục chức tước như ở Nam triều.

* Trịnh Tráng/Trịnh Xuân.

Sau khi lấy được Thăng long, Trịnh Tùng tự xưng là Bình an vương và lấn quyền vua Lê. Tùng định lệ cấp bổng cho vua được thu thuế 1,000 xã và cấp cho vua 5,000 lính làm quân túc vệ. Toàn bộ quyền hành do Tùng nắm giữ, vua Lê chỉ thiết triều cho có nghi lễ.

Từ đó họ Trịnh nối nhau xưng vương, tục gọi là Chúa Trịnh.

Bấy giờ vua Lê Kính tông biết con thứ của Tùng là Xuân muốn tranh quyền với anh là Tráng, vua bèn mưu với Xuân giết Tùng. Việc không thành, Tùng buộc vua phải thắt cổ chết, Xuân bị giam vài tháng rồi được tha.

Năm 1623 Tùng bị bệnh nặng, họp các quan lại trao quyền cho Tráng và cho Xuân làm phó. Xuân bất mãn nổi loạn, cho lính đốt phá kinh thành.Tùng phải về xã Hoàng mai lánh nạn, cho gọi Xuân tới rồi giết chết.

* Trịnh Tạc/Trịnh Toàn.

Để ngăn chặn quân của Chúa Nguyễn vượt sông Lam, Trịnh Tráng cho con là Toàn vào trấn Nghệ an.

Toàn hậu đãi tướng sĩ và thương yêu dân khiến quân dân đều kính phục.

Năm 1657 Trịnh Tráng mất, con trưởng là Tạc nối ngôi Chúa. Tạc ngờ Toàn mua chuộc quân dân Nghệ an để mưu phản nên cho con là Căn vào thay. Tạc gọi Toàn về trách em không về chịu tang rồi bắt giam em cho tới chết.

* Trịnh Khải/Trịnh Cán.

Năm 1782 Trịnh Sâm mất, Hoàng đình Bảo được Chúa ủy thác lập con của Đặng thị Huệ là Cán lên nối ngôi. Vì Cán còn nhỏ tuổi, Đình Bảo được ủy nhiệm làm phụ chính.

Sâm bỏ con trưởng là Khải vì say mê Thị Huệ (bà chúa Chè).

Quan quân chia 2 phe: phe theo Đình Bảo và Thị Huệ, phe theo Trịnh Khải.

Bấy giờ quân tam phủ (ưu binh tuyển từ Thanh hóa và Nghệ an để bảo vệ phủ chúa) lộng hành ở kinh kỳ, dân kinh kỳ gọi là kiêu binh.

Nguyễn Bằng đem quân tam phủ nổi loạn giết Đình Bảo, phế bỏ Cán, lập Khải lên ngôi chúa.

8- Phép nước và tình riêng.
Nguyễn phúc Anh (*), con thứ ba của chúa Nguyễn phúc Nguyên (tục gọi là chúa Sãi), tranh quyền với anh là Phúc Lan.

Năm 1633 Anh viết thư sai người đưa ra Thăng long xin chúa Trịnh đem quân vào, Anh sẽ làm nội ứng. Anh đang trấn thủ Quảng nam; để thực hiện mưu gian, Anh xin cha cho ra trấn Quảng Bình. Chúa Sãi có ý ngờ nên không thuận.

Quân Trịnh vào đợi không thấy tín hiệu của Anh phải rút về.

Năm 1635 chúa Sãi mất, Phúc Lan lên nối ngôi, tục gọi là chúa Thượng. Phúc Anh ở Quảng nam phát binh làm phản. Bênh vực chúa Thượng, Nguyễn phúc Khê đem quân vào bắt được Phúc Anh. Chúa Thượng có ý ân xá nhưng Phúc Khê viện lẽ "Anh em là tình riêng, phép nước là nghĩa lớn" để chém Phúc Anh.

                                                                                                 oOo

Thế giới ngày nay có một xứ tuy không có vua nhưng cha truyền con nối đã 3 đời, nắm quyền toàn trị nghiêm ngặt hơn cả quân chủ chuyên chế.

Mới đây người em đương nhiệm chủ tịch nước đã bí mật giết anh vì lo sợ anh cướp quyền.

Xứ đó gọi là Bắc Triều tiên, cũng gọi là Bắc Cao (Cao ly) hoặc Bắc Hàn.

                                                                                                              Bùi Quý Chiến
                                                                                                          (Đặc San Lâm Viên)

----------------------------------------

Tham khảo:

- Việt nam sử lược của Trần trọng Kim.
- Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn.
- Văn học sử đời Trần của Ngô tất Tố.

Chú thích của BBT/ĐSLV:

(*) Theo lời tác giả thì hai sử gia Trần trọng Kim và Phạm văn Sơn đều viết tên là Nguyễn Phúc Ánh, như thế là trùng tên với Gia Long. Tuy nhiên trang wikipedia thì ghi là Nguyễn Phúc Anh: https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Ph%C3%BAc_Lan

BBT đề nghị với tác giả là dùng tên Nguyễn Phúc Anh, được tác giả đồng ý, vì các lý do:

Thời phong kiến, vua chúa rất khắt khe về chuyện "tên huý", nhất là với nhà Nguyễn. Họ Hoàng ở trong Nam (đàng trong) phải đổi thành họ Huỳnh, vì trùng tên với Nguyễn Hoàng, vị chúa Nguyễn đầu tiên; cho dù họ Hoàng đã có trước Nguyễn Hoàng từ nhiều trăm năm.
Nguyễn Phúc Anh là kẻ tạo phản và bị chém đầu (trong khoảng thời gian của Nguyễn Phúc Lan 1635 - 1648) thì không thể nào dùng tên đó để đặt cho cho đời sau, nhất là Nguyễn Phúc Ánh (Gia Long, sinh năm 1762) lại là vua đầu của nhà Nguyễn.