main billboard

Bảo Đại từ năm ấy, rời vương miện, trở thành công dân Vĩnh Thụy, cùng Lệ Hà tạm trú tại ngôi nhà lớn 51 Trần Hưng Đạo.


nhanvat baodailyleha

Ngọc Giao là một nhà văn nổi danh tiền chiến, ông sinh năm 1911 và tạ thế 1997. Ngọc Giao từng là thư ký tòa soạn Tiểu thuyết thứ bảy và được xếp vào nhà văn hiện đại trong tác phẩm của Vũ Ngọc Phan, bằng vai với Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Trương Tửu, Thanh Châu. Sau Thế chiến Thứ hai ông tiếp tục sáng tác trong vùng quốc gia với những tác phẩm giá trị như: Đất, Xả Bèo, Cầu Sương, Quán Gió… Sau hiệp định Genève, ông ở lại Hà Nội và phải nếm đủ mùi cay đằng của ngòi bút tự do, và bị cấm viết cho đến gần hết cuộc đời. Ngọc Giao khi trẻ là công tử Hà Nội nên có dịp gặp Bảo Đại lúc đó đã thoái vị ra Hà Nội thất chí tìm cách giải sầu. Tại đây Bảo Đại gặp Lý Lệ Hà, một đóa hoa giang hồ tài sắc nơi phồn hoa đô hội, và nảy sinh một mối tình lãng mạn. Ngọc Giao biết rõ cuộc tình vương giả này nên thuật lại trong số báo Xuân Nhâm Thân Cửa Việt (1992) khi bước sang tuổi 81.

Chu Nguyễn

* * *

“Tôi sực nghĩ đến câu chuyện, hay là mối tình giữa ông phế đế Việt Nam Bảo Đại với cô ả Lý lệ Hà. Thời phong kiến, sau bức rèm nhung, gấm vóc, có Hoàng Hậu, Nguyên phi, Quý phi, Ái phi, cuối cùng là cung nữ. Tôi xếp Lý Lệ Hà vào loại Ái phi của phế đế cuối cùng triều Nguyễn. Xưa mỹ nữ Tây Thi chỉ là cô gái quê đập lụa bến Trữ La, thì ở cuối thế kỷ này, Ái phi của cựu hoàng Việt Nam cũng là một cô gái xuất thân lam lũ tại miền biển Chợ Cồn, Văn Lý thuộc Thái Bình. Tây Thi xưa còn có Phạm Lãi đi tìm, đem về nước Việt, dạy làm đẹp, dạy múa hát rồi chính yêu nữ ấy đã giết vua Ngô, kẻ thù của vua Việt, đốt cháy Cô Tô trên mười dặm, ba tháng liền không hết lửa.

Thời ấy, Ái phi Lý Lệ Hà tự tìm đường lên Hà Nội, tự lột hình cô thôn nữ, trở thành một mỹ nhân, ăn nói vô cùng giảo hoạt, đi đứng kiêu kỳ, trang phục hơn một cô gái xuất thân quý tộc, lẹ hơn nữa là cô ả tự học ra sao mà nói tiếng Pháp như đầm trong khi không hề đọc được một chữ Pháp. Bước đầu vào Hà Nội, Lệ Hà tạm náu mình trong xóm Bình Khang tức Khâm Thiên. Chỉ một thời gian ngắn Lệ Hà bỏ nghề kỹ nữ, thuê căn gác khá sang trọng 15 ngõ Trạng Trình (nay là ngõ Liên Trì). Căn gác này vụt trở thành một thứ mê cung chứa đủ mặt nhân vật văn, võ Pháp, Việt cao cấp của chính phủ quốc gia.

Trong những ngày quốc trưởng Bảo Đại ở Huế, Đà Lạt, mải mê săn bắn và tửu sắc thì hoàng thân Vĩnh Cẩn luôn luôn ra Hà Nội tìm thú chơi bời. Ông hoàng bé nhỏ, loắt choắt, láu lỉnh như con khỉ Tôn Hành Giả này, qua một đêm khiêu vũ đã chìm đắm nơi mê cung Lý Lệ Hà. Chỉ ít ngày sau, Vĩnh Cẩn dâng nộp Lệ Hà cho quốc trưởng. thế là ông vua hiếu sắc mê say ả Lý, luôn luôn tìm cách ra Bắc, gặp con yêu nữ. Chuyện này, cả Hà Nội biết, và cũng bay đến tai Từ Cung Thái Hậu và bà hoàng Nam Phương ở kinh đô Huế. Mối tình Bảo Đại-Lý Lệ Hà nữa âm thầm, nữa ầm ĩ kéo dài cho đến 1945, năm dữ dội của lịch sử Việt Nam.

Bảo Đại từ năm ấy, rời vương miện, trở thành công dân Vĩnh Thụy, cùng Lệ Hà tạm trú tại ngôi nhà lớn 51 Trần Hưng Đạo.

Một đêm, Lý Lệ Hà, xuân đã bắt đầu tàn, thủ thỉ kể tôi nghe về nỗi vinh nhục trong mối tình vương giả ấy.

“Qua mấy tháng tạm trú tại 51 Trần Hưng Đạo – Lệ Hà nói vậy – lão ta rất buồn (Lệ Hà lúc nào cũng gọi Bảo Đại là lão ta). Lão chỉ thở dài, không nói năng gì hết. Ăn uống cho gì nhận cả không hề kêu ca, nhăn nhó. Ngày ấy là 30 Tết âm lịch. Lão ta càng lì lợm, ra bao lơn đứng nhìn xuống phố. Lão khẽ vỗ vai tôi: “Buồn lắm Hà ơi! Biết làm sao được bây giờ?”. Giọng Huế khó nghe nhưng mình đã cố học nghe và học nói giọng kinh đô với lão. Lúc đó, trời đổ tối. Mình chợt nghĩ ra và reo lên: “Có cuộc vui rồi. Theo phong tục người Hà Nội thì hằng năm, cứ đêm 30 Tết, sắp giao thừa, mọi người kéo nhau đến đền Ngọc Sơn làm lễ, đông vui lắm. Chúng mình chờ gần giao thừa, sẽ cuốc bộ đến Ngọc Sơn”. Lão mỉm cười gật đầu.

Gần 12 giờ khuya, mình và lão, mặc rất bình thường, tản bộ giữa dòng người đến Ngọc Sơn. Lão vua này dừng lại, ngơ ngác ngắm cảnh Hồ Hoàn Kiếm, ngơ ngác nhìn cây Bút Tháp đồ sộ, ngơ ngác ngắm cầu son Thê Húc nổi danh của đất Thăng Long. Lão lẩm bẩm khen là đẹp. Có thể đây là lần đầu tiên ông vua đất nước Việt Nam lưu ý đến cái đẹp kỳ lạ của cố đô lịch sử, cũng ngơ ngác, cũng ngẩn ngơ xa lạ như một người ngoại quốc từ đâu mới đến đây lần thứ nhất.

Cầu Thê Húc chật người. Mình nắm chặt tay lão, cố gạt nhẹ mọi người, giúp lão lách được cái thân hình to béo. Vào tới đền, thốt nhiên lão bảo mình, giọng nói cao hơn mọi lúc: “Cô vào đốt cho tôi một nắm hương, đem mau ra cho tôi”. Mình mang vội nắm hương đã đốt cháy, đưa qua tay lão. Lặng lẽ, trịnh trọng, như là những khi lão hoàng đế trẻ này quỳ trên đàn Nam Giao, làm lễ cùng bá quan, lạy trời đất. Mặt quay về phương Nam, lão lẩm nhẩm khấn lạy linh hồn tiên vương tiền đế, cúi lạy cả đức Từ Cung Thái Hậu (còn sống) và gửi lời chúc tụng cho cả Nam Phương Hoang hậu. Mình cố gắng nghe lão vua khấn khứa, quả tình mình cảm thấy lòng xúc động. Cái đêm 30 Tết, đêm giao thừa, con người, không kể gì quý tiện, tà chánh, đều có một lúc thay đổi hồn xác. Lưu lạc giang hồ bấy lâu nay, chính mình cũng muốn khóc, nghĩ đến cái vùng biển chợ Cồn nghèo khổ, nơi mình cũng đi mò cua bắt ốc nuôi thân. Dòng người mỗi lúc thêm đông, tiếng ồn ào dữ dội quá, mình vội thúc lão khấn khứa ít thôi. Lão gật đầu, ném bó hương xuống nước Hồ Gươm. Mình lại cố gạt nhẹ mọi người, kéo được lão qua cầu, đến chân Bút Tháp, chợt thấy ông thầy bói, đeo kính đen, chẳng biết mù thật hày mù giả. Mình bấm lão ngồi thụp xuống trước ông thầy bói. Lão to béo, khó khăn lắm mới ngồi xuống cạnh mình. Đặt tiền quẻ xong mình khẻ nói với ông thầy: “Ông hãy xem tướng tay ông bạn tôi đây, coi xấu tốt ra sao. Chỉ cần thế thôi!”. Lão vua không chịu đưa bàn tay ra, sợ bẩn. Mình phải nài ép, kéo bàn tay lão đặt vào tay ông thầy. Ông mù này, vừa nắm bàn tay mềm nhũn như bông của ông vua sờ sờ nắn nắn, bỗng ông ta rụt vội mấy ngón tay lại như bị bỏng. Giọng ông thầy bói thều thào, nói nhỏ: “Ngài là quý nhân. Tôi không dám nói gì hơn. Chỉ xin thưa ngài rằng sắp đi xa, xa lắm, khỏi đất này”. Mình và lão đưa mắt nhìn nhau. Mình vội đứng lên, kéo lão đứng theo rồi lại len lỏi trong dòng người, cuốc bộ về Trần Hưng Đạo. Suốt dọc đường lão vua như con chim sắp sổ lồng, cúi đầu bước, mình cũng vậy, không nói một câu nào.

Quả nhiên, ít ngày sau, cố vấn Nguyễn Thụy được tuyên bố câu: “Làm dân một nước độc lập tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ”; rồi đó, phế đế Bảo Đại được bay sang Hồng Kông theo sau đó cựu thần thủ tướng Trần Trọng Kim và mình.

Đến đất Hồng Kông giàu có, mình bị ngợp, lo sợ quá, bởi không có nhiều tiền, lão và mình thuê một khách sạn tồi tàn. Trần Trọng Kim cũng ở một khách sạn nghèo nàn khác. Ở nơi đất khách càng buồn, lão và mình ăn uống kham khổ, chiều tối ra đường phố, nhìn ngắm cái giàu sang người thiên hạ. Có một đôi lần thấy lão quá sâu, mình dắt lão vào cái bar nho nhỏ, loay hoay tìm một cái bàn ở góc tối tăm, kín đáo. Thế mà, chưa kịp ngồi, làm sao mà ban nhạc bar lại nhận ra cái bộ mặt rầu rĩ của anh vua xa nước. Tức thì một bài “Valse royale” (bài nhảy nghênh giá, theo phong tục Tây phương) vang lên. Ban nhạc sống vô cùng trang trọng chơi bài đó; đồng thời ông chủ khách sạn bước ra cúi rạp đầu, cung nghinh vị phế vương. Lão và mình cố giấu vẻ luống cuống, cố gắng lấy bộ thản nhiên vương giả giả tạo, nhưng vẫn không bỏ cái bàn nhỏ ở góc tối tăm sau khi lão và mình gắng gượng nhảy hết điệu vũ cung đình ấy.

Ngồi mấy phút, mình kéo lão rời phòng nhảy. Ra đường mình toát mồ hôi lạnh, xót món tiền vừa phải xổ ra trả giá chai sâm banh thượng hạng và tiền thừa trên đĩa “Đức vua” rộng thưởng cho ban nhạc.

Đói quá, trong túi mình không còn lấy một xu, lão thì chẳng bao giờ có một tí tiền. Thì từ đời xưa cũng vậy, chưa có một ông vua nào có tiền trong túi. Nhưng khủng khiếp nhất là sự kiện đã xảy ra: nhịn đói, đội rét, bò được về tầng thứ 13 của khách sạn thì lão và mình hết thở. Tuy mệt, theo thói quen, cứ đi đâu về là linh tính bảo mình phải mở ngay tủ áo, rút ở một góc kín chiếc giày cao gót của mình ra xem. Ôi chao, trời nghiêng đất lệch. Cái gót giày tám phân rỗng, trong đó mình giấu tất cả tế nhuyễn riêng tây, vàng, kim cương, đã biến hết cả rồi. Mình bỏ rơi chiếc giày xuống thảm, ngã lăn ra đệm đi văng, ngất xỉu đi. Lúc sau, mở mắt ra, lấy lão đang gục xuống vai mình. Lạ hơn nữa là lão khóc. Ôi, lão khóc thật sự, một điều mình không bao giờ chờ đợi ở con người lầm lì, chai đá ấy.

Cũng kể từ tai nạn ấy, lão càng buồn phiền hơn trước. Lão ghé tai mình: “Vụ này, tôi đoán, không phải là điệp viên Pháp lấy cắp đâu. Mà chính tụi Pháp thuê điệp viên Intelligence Service của Anh làm đây. Mục đích: “bần cùng hóa” một ông vua khốn khổ để rồi phải tìm đường quay về với chúng”. Đây, lần đầu tiên, lão vua lầm lì tỏ ra sáng trí và nói hơi nhiều như vậy.

Một buổi tối trời rét cực kỳ, hai đứa mình theo thường lệ, lang thang mãi mỏi nhừ chân. Lão vua dừng gót trước tủ kính sáng choang của một hiệu bán đủ loại đàn. Lão ngắm nghía với cặp mắt thèm thuồng, rồi ngần ngừ khẽ nói: “Ước chi có tiền mua cây đàn gảy chơi cho đỡ buồn”. Thật là tội nghiệp! Mình đành phải vét hết túi trong đến túi ngoài, liều mua cây guitare loại đẹp nhất. Từ bữa đó, lão từ chối không ra phố, nằm miết hoặc ngồi lì bên cửa sổ khách sạn, gẩy đàn. Mình thiệt không ngờ lão có tài âm nhạc, không những chơi các bản cổ kim danh tiếng của Tây phương, mà còn chơi cả nam bằng, nam ai… xứ Huế. Mình khen ngợi, lão mỉm cười: “Tôi là học trò của nhạc sư đệ nhất thần kinh, đó là ông Ngũ Đại. Tôi vẫn thường gẩy đàn hầu Thái Hậu. Người rất vui lòng”.

Lão trọng thần tòng vong Trần Trọng Kim, lâm vào cảnh đói nghèo, vô phương cầu cứu, vài ba lần mò đến hỏi xin mình. Tất nhiên mình buộc phải khước từ. Mình đã bán đến chiếc nhẫn cuối cùng, chờ sống chết, lấy ra đâu tiền đưa ông. Sau đó, tuyệt nhiên không thấy vị lão thần đến vấn an cựu hoàng như trước nữa…”

… Thì ra, sau thời gian ngắn sống lưu vong ở Hồng Kông với ái phi Lý Lệ Hà, Bảo Đại tìm đường qua Pháp, ông Trần Trọng Kim tìm đường về nước, sống ít ngày tàn trong căn nhà cũ phố Hàng Chuối Hà Nội, rồi nhắm mắt xuôi tay trong niềm phẫn hận, cô đơn, đời không ai nhớ đến. Lệ Thần! Một học giả, một sử gia. Mỗi lần ngó tới cuốn Việt Nam sử lược và cuốn Nho giáo tôi không khỏi chạnh lòng nhớ ông già cô trung ấy. Và cũng không thể quên cái sống oan chết uổng của Tử Trường Tư Mả Thiên triều Vũ Đế…

“Lão vua vẫn mộ đờn, quên mọi sự. Về tình dục, lão vốn nổi danh là quỷ vương không mệt mỏi. Vậy mà, ở giai đoạn này, lão tỏ ra thờ ơ lạnh lẽo với tôi, với những mỹ nhân đất Hồng Kông.

“Em Lý Lệ hà thân quý. Chị ở xa đức Cựu Hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc Cựu Hoàng ở Hồng Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi Cựu Hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái Hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.

(Trích Mối Tình của Cựu Hoàng – Ngọc Giao)