main billboard

 Việt Nam và thế giới đã trải qua dịch cúm gà H5N1 và đang phải đối phó với dịch cúm lợn H1N1.

 

 Qua những gì đọc trên báo chí, trong mỗi cơn dịch gã đã chọn lấy một bài viết mà gã cho là đắc ý nhất, đối với riêng gã mà thôi.

 

Trước hết là dịch cúm H5N1, được gọi là cúm gà, hay nói đúng hơn là cúm gia cầm, kể cả loài chim chóc sống trên rừng hay được nuôi trong lồng. Dịch cúm này do một loại virus gây nên, rồi lây nhiễm sang một số động vật có vú. Loại virus ấy được phát hiện trước tiên tại Ý vào năm 1900, bắt đầu hoành hành và lây nhiễm qua người từ năm 1997 tại Hong Kong và có nguy cơ trở thành một đại dịch trong tương lai. Tính đến ngày 28.2.2008, trên thế giới đã có 369 người niễm virus H5N1 và trong đó 234 người đã tử vong.

 

Mấy năm trước tại Việt Nam, hễ ở đâu dịch bệnh này xuất hiện, thì lập tức mọi gà vịt, chim chóc đều bị thu gom và đem chôn hay đem đốt trong đường bán kính ba cây số. Chính vì thế, gã ghi nhận được mẩu truyện “Tiếng gọi của con chim sáo” của tác giả Bích Ngân, đăng trên báo báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”, số 1065 ra ngày 08.02.2004, đại khái như thế này:

 

Sau nhiều năm tháng vừa học vừa làm, hai vợ chồng trẻ dốc tất cả vốn liếng mới thành lập được một trại gà nho nhỏ. Khi trại gà vừa mới ra lò thì anh chồng đột ngột qua đời. Trại gà liên tục phát triển vừa đúng một năm, thì xảy ra dịch cúm. Thế là toàn bộ số gà nuôi trong trại đều bị cán bộ đến bắt và mang đi chôn, chỉ còn lại một con chim sáo.

 

Hôm ấy, chị vợ tổ chức lễ giỗ đầy năm cho anh chồng và cũng để nhớ tới đàn gà thân thương của mình đã bị ngỏm củ tỏi. Đang lúc thắp nén nhang tưởng niệm, chị vợ bỗng giật mình vì nghe thấy tiếng nói rất quen thuộc:
- Hằng ơi, anh yêu em lắm.

 

Đó là tiếng nói của con chim sáo. Tiếng nói ấy khiến chị vợ cảm thấy như  hồn anh chồng đã nhập vào nó. Thế nhưng cùng lúc đó, anh cán bộ thú y xuất hiện và bảo cho chị hay:
- Cả chim sáo cũng bị hủy diệt.

 

Suốt đêm, chị vợ trằn trọc không tài nào ngủ nổi. Cuối cùng, chị vợ quyết định mở lồng trả tự do cho con chim sáo. Và khi anh cán bộ đến, chị  nói:
- Đêm hôm qua, con chim sáo nhà tôi đã bị mèo vồ mất rồi.

 

Chị vừa dứt lời, thì một giọng nói vang lên :
- Hằng ơi, anh yêu em lắm.

 

Thì ra đó vẫn là giọng nói của con chim sáo. Mặc dù được tự do, nhưng con chim sáo không nỡ rời xa chủ, nó bay vào kẹt tủ. Và bây giờ nó lên tiếng nói. Tiếng nói của nó là như một lời tố giác: Lạy ông tôi ở bụi này. Và anh cán bộ thú y chỉ cần thò tay ra, chụp lấy và nhét vào bao. Còn chị vợ thì đứng nhìn. Những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má lúc nào cũng chẳng hay biết.

 

Tiếp đến là dịch cúm H1N1, được người miền Bắc gọi là cúm lợn, người miền Nam gọi là cúm heo, còn những người thích đùa thì gọi là “cúm Trư Bát Giới”. Đây là một loại bệnh hô hấp thường xảy ra cho các đàn heo. Thế nhưng, virus bệnh này đã biến thể thành dạng lây từ người sang người và hiện nay vẫn còn đang tiến mau, tiến mạnh và tiến vững chắc trên toàn cõi địa cầu, để rồi thực sự bùng phát thành một cơn đại dịch, khiến cho tổ chức Y tế Thế giới nâng mức báo động lên cấp 6, tức là cấp cao nhất.

 

Thực vậy, dịch cúm này xuất phát từ Mễ, lây qua Mỹ, Canada và hiện giờ đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Chính phủ Mễ cho biết hơn 60 người đã bị thiệt mạng và trên 1000 người bị nghi là đã bị nhiễm bệnh. Riêng tại Việt Nam cũng đã có tới hơn 500 người mắc phải, nhưng hình như chưa có ai bị đi tàu suốt sang thế giới bên kia!

 

Không biết tác giả nào đó đã viết bài “Phở là phương thuốc trị cúm độc quyền của người Việt Nam”. Gã đã đọc và lấy làm thích thú. Theo tác giả, thì thuốc điều trị bệnh cúm lợn hiện nay là Tamiflu và thành phần chính để chế tạo Tamiflu là axit shikimic. Axit này được chiết xuất từ bông đại hồi.

 

Cây đại hồi, còn được gọi là đại hồi hương, hay bát giác hồi hương, hay chỉ đơn giản là cây hồi, một loại cây gia vị có mù thơm, thu được từ vỏ quả hình sao. Loại cây này mọc ở bên Tàu và ở vùng đông bắc Việt Nam, như Cao Bằng, Lạng Sơn…Quả của nó được thu hoạch ngay trước khi chín và được dùng trong ẩm thực của người Tàu và Việt. Chẳng hạn trong ngũ vị hương cũng có đại hồi.

 

Các nước Âu Mỹ không trồng được đại hồi, cho nên khi điều chế Tamiflu, họ phải trải qua nhiều giai đoạn tong hợp mới có được axit shikimic. Trong khi đó người Tàu chiết xuất trực tiếp từ bông đại hồi, nên bây giờ số lượng dữ trữ Tamiflu của họ đủ để cung ứng cho trên một tỷ dân Tàu, nếu dịch cúm này xảy ra trên đất nước họ. Còn người Việt Nam chúng ta từ lâu đã có một cách tổng hợp axit shikimic vừa nhanh chóng, lại vừa ngon bổ rẻ, mà không cần tới mấy ông dược sĩ hay mấy nhà khoa học, mà chỉ cần tới bàn tay của bà nội trợ để nấu mon…phở bò.

 

Sở dĩ như vậy là vì đại hồi cũng là một thành phần gia vị được sử dụng trong việc nấu nước dùng cho món phở của người Việt Nam chúng ta. Chính vì thế, ăn phở đã trở thành một phương thế đặc biệt của người Viet Nam để trị liệu bệnh cúm hiện nay.

 

Như chúng ta đã biết: Phở là một món ăn truyền thống và đặc trưng nhất cho ẩm thực Việt Nam. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng hay nước lèo theo cách gọi của người miền Nam, cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra, còn kèm theo các gia vị như tương, tiêu, chanh, ớt, nước mắm… Phở thường là phở bò và phở gà. Tại một số nơi ở miền bắc, còn có thêm phở lợn, phở vịt, phở ngan…nhưng xem ra không mấy ăn khách.

 

Nước lèo nói chung được làm bằng việc hầm xương bò hay xương gà và gia vị bao gồm quế, hồi, gừng, thảo qua, đinh hương, hạt mùi. Miền bắc thường sử dụng nhiều bột ngọt, còn được gọi là mì chính…Bánh phở theo truyền thống được làm từ bột gạo, tráng thành tấm mỏng, rồi cắt thành sợi. Phở thường được dùng làm món điểm tâm ban sáng, hay món ăn ban tối, ít thấy nơi bán phở thường trực suốt ngày.

 

Một số giả thuyết cho rằng phở có lẽ xuất hiện đầu tiên tại Nam Định, nhưng Hà Nội mới là nơi làm cho món ăn này nổi tiếng như ngày nay. Nhờ cuộc di cư năm 1954, phở được liên tục phát triển ở miền Nam với nhiều khác biệt. Chẳng hạn tại nhiều nơi và nhất là tại Saigon, thịt bò trong phở thường được bán theo năm kiểu: tái, chín, nạm, gầu, gân tuỳ theo ý thích của khách. Ngoài ra còn có một chén nước béo để riêng, nếu khách muốn, đồng thời còn phải có chanh, ớt, ngò gai, húng quế và giá, đôi khi còn có cả hành tây cắt lát mỏng. Sau này, một sốt tiệm còn thêm ngò ôm, húng láng, hành lá dài và các loại rau thơm khác. Một số tiệm phở nổi tiếng ở Saigon trước năm 1975 mà nay vẫn còn như phở Tàu Bay, Phở Hoà, phở Quyền…Riêng phở gà thì đóng đô ở đường Hiền Vương. Và hiện nay, nhờ việc định cư của người Việt tại nước ngoài, phở đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Có giả thuyết cho rằng phở bắt nguồn từ phương pháp nấu món thịt hầm của Pháp, được gọi là “pot-au-feu”, đọc thành “pô tô phơ”. Có giả thuyết cho rằng phở chịu ảnh hưởng của Tàu, vì khá giống với món hoành thánh. Tuy nhiên bánh phở cùng với những gia vị và rau thơm, nhất là với cách thức chế biến, phở đã mang một tính cách đặc biệt của ẩm thực Việt Nam, nên chắc chắn phải có nguồn gốc từ Việt Nam. Do đó gã xin nhắc lại: trong hoàn cảnh H1N1 bùng phát,  thì ăn phở chính là một phương thế đặc biệt của người Việt Nam để trị liệu bệnh cúm.

 

Đọc tới đây, hẳn rằng có nhiều anh chồng cười thầm trong bụng, bởi vì chữ “phở” hiện nay vốn được bàn dân thiên hạ hiểu là bồ nhí, còn “cơm” được hiểu là “bà xã”. Trên trang báo này, gã đã từng bàn đến cơm và phở, chả và nem. Hôm nay, với những tài liệu mới, gã xin trở lại đề tài này một lần nữa: Phở và cơm.

 

Xét về “thành phần cấu tạo”, thì cơm và phở rất giống nhau, vì được làm chủ yếu từ gạo tẻ. Phở có thịt có hành, thì cơm cũng có, đã vậy cơm còn an toàn hơn vì không bao giờ bị trộn hàn the và nhất là giá rẻ hơn mà lại no lâu hơn.

 

Dân gian gọi vợ là cơm và bồ nhí là phở, xét theo khoa học, thì cách gọi này chẳng xúc phạm đến ai, vì cả hai “món” vừa có thành phần chế biến giống nhau, nhưng lại vừa có những giá trị độc lập khác nhau, chẳng cái nào hơn cái nào.

 

Nhưng về phương diện thực tế, rõ ràng phở luôn tượng trưng cho sự bay bướm, mặc dù nhiều lúc “phở” xấu hoặc già hơn cơm, nhưng vẫn chiếm được ưu thế của mình trong chuyện tình ái lăng nhăng. Lê Anh Vũ trên báo “Phụ nữ Chủ nhật” đã diễn tả như sau:
- Cơm khoe: tớ nhất trên đời,
  Phở rằng: tớ cũng tuyệt vời đấy nha.
  Cơm là từ gạo mà ra,
  Phở cũng từ gạo, nhưng mà…ngon hơn.

 

Nói theo kiểu triết học, thì cái ngon của cơm thuộc vào “bản thể”, còn cai ngon của phở thuộc vào “tuỳ thể”:
- Cơm nhờ hương gạo mà thơm,
  Phở nhiều “nguyên liệu” nên thơm đủ mùi.

 

Một tác giả khác, mà gã không nhớ tên, đã đưa ra những lý do mang tích hài hước, để giải thích vì sao do đờn ông lại thích phở, mà vẫn không bỏ được cơm:

 

Lý do thứ nhất, đó là và vì đờn ông ít được ăn phở, nhất là phở đặc biệt, thì phải có tiền có xe, trong khi cơm ngày nào cũng được ăn và phải ăn:
- Cơm ăn hàng bữa nên quen,
  Phở thì thỉnh thoảng nên thèm đương nhiên.

 

Lý do thứ hai, đó là vì đờn ông dùng cơm ở nhà, trong bầu khí quen thuộc ấm áp đến độ nhàm chán, còn dùng phở ở xa nhà, trang trí lạ mắt, đôi khi còn đẹp mắt và có cả âm nhạc phụ hoạ.

 

Lý do thứ ba, đó là vì khi đã no, thì rất khó ăn thêm cơm, còn đối với phở, no tới mấy cũng có thể làm thêm vài tô:
- Cơm ăn no bụng là thôi,
  Phở vừa no, lại muốn đòi ăn thêm.

 

Lý do thứ bốn, đó là khi ăn phở, ta có thể dễ dàng đòi thêm tí hành, tí bánh hay tí ớt cho thêm phần đậm đà. Còn khi ăn cơm, thì có gì xơi nấy, yêu sách lôi thôi còn bị mắng, hay bị gắt gỏng: không ăn thì thôi.

 

Lý do thứ năm, đó là khi ăn phở xong, có thể đứng dậy, đi ngang hoặc ngồi và nằm một chút. Còn khi ăn cơm xong, có nhiều khả năng phải thu dọn và rửa chén bát.

 

Lý do thứ sáu, đó là phở thì không quán nào giống quán nào, thậm chí không tô nào giống tô nao. Còn cơm thì bao nhiêu năm rồi cũng vẫn thế, chỉ có nguội hơn mà thôi.

 

Lý do thứ sáu, đó là phở có thể được ăn chung với bạn bè, còn cơm thì rất ít, phần lớn là ăn chung với…bà nấu cơm.

 

Lý do thứ bảy, đó là phở tuy cùng một chỗ, nhưng có thể yêu cầu tái, chín, nạm, gầu, gân…tuỳ thực khách quyết định. Còn cơm thì hoàn toàn do mụ nấu quyết định, không được đòi hỏi lôi thôi.

 

Lý do thứ tám, đó là nếu ăn phở nhiều tới mức trở thành khách quen, thì có thể ăn…nợ, ăn ghi sổ. Chứ còn cơm, nếu không đưa tiền lương, sẽ bị cúp ngay.

 

Và sau cùng lý do thứ tám, đó là bỏ tiệm phở này, ta có thể dễ dàng tìm tiệm phở khác, chứ còn bỏ cơm, thì quả thật lôi thôi to và phức tạp vô cùng,

 

Chính vì những lý do trên, mà có anh chồng thèm phở và lại cứ muốn ăn thêm mãi, nên đã ẵm tới 10 bà vợ, như bài thơ của một anh bạn bên Đan Mạch đã gửi về cho gã:
- Vợ một dành để nấu ăn,
  Vợ hai tôi để quét sân lau nhà.
  Vợ ba da dẻ nõn nà,
  Nên đành cất kỹ để mà tôi…ôm.
  Vợ bốn tội nghiệp ốm ròm,
  Thôi thì coi sóc chăm nom vịt gà.
  Vợ năm có tính thật thà,
  Đi làm mang “chéc” về nhà bỏ băng.
  Vợ bảy giặt giũ chiếu mền,
  Đấm lưng cạo gió khi mình ốm đau.
  Vợ tám xinh đẹp làm sao,
  Để đi dạo phố hỏi chào bà con.
  Vợ chín có tính hát đàn,
  Thôi thì ca múa nhịp nhàng tôi nghe.
  Vợ mười làm lụng sau hè,
  Trồng rau, bửa củi chẳng nề chuyện chi.
  Mười vợ tôi vẫn cười khì,
  Kiếm thêm bà nữa lỡ khi tối trời,
  Mười vợ sướng lắm ai ơi!
  Không tin làm thử…Ối giời khoẻ re.

 

Gã nghĩ rằng đây chỉ là một bài thơ bỡn cợt, chứ lam sao mà có được trong thực tế cuộc đời.

 

Hơn thế nữa cũng vì trọng phở khinh cơm mà có những anh chồng đối xử thật bất công với bà xã, theo kiểu:
- Bồ là phở nóng tuyệt vời,
  Vợ là cơm nguội đáy nồi hẩm hiu.
  Bồ là nơi tỏ lời yêu,
  Vợ là nơi trút bao nhiêu bực mình.
  Bồ là rượu ngọt trong bình,
  Vợ là nước ở ao đình nhạt pheo.
  Nhìn bồ đôi mắt trong veo,
  Vợ thì đôi mắt trong veo chẳng thèm.
  Bồ tiêu thì chẳng tiếc tiền,
  Vợ tieu một cắc thì liền kêu hoang.
  Bồ hờn thì phải xuống thang,
  Vợ hờn bị mắng, bị phang thêm liền.
  Một khi túi hãy còn tiền,
  Thì bồ thắm thiết kề liền bên anh.
  Một mai hết sạch sành sanh,
  Bồ đi, vợ đón anh về nhà ta…

 

Tuy nhiên, như gã vừa mới xác quyết ở trên: cái ngon của cơm thuộc vào “bản thể”, còn cái ngon của phở thuộc vào “tuỳ thể”. Vì thế, phở nay còn mai mất, nay xuất hiện mai biến đi, nhưng cơm thì bền vững đến muôn ngàn đời:
- Một mai hết sạch sành sanh,
  Bồ đi, vợ đón mời anh đi về.
  Bồ là lều, vợ là nhà,
  Gió to lều sụp, mái nhà còn kia.
  Vợ là cơm nguội của ta,
  Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng!

 

Nếu cơm ngon tự bản thể của nó, thì nơi người vợ cũng có nhiều ưu điểm, nhiều cái hay và cái tốt, nhưng chỉ vì u mê tăm tối và bị dục vọng làm mờ cặp mắt, khiến anh chồng chẳng còn nhìn thấy. Vì thế, cần phải phục hồi giá trị cho cơm, cũng như cho chị vợ của mình:
- Cơm chân chất, chẳng đẩy đưa,
  Phở trang trí đẹp, dễ lừa mắt ai.
  Cơm ngon chẳng sợ tiếng tai,
  Phở tuy đẹp đẽ nhưng đầy hoài nghi.
  Cơm quen chẳng ngại ngần gì,
  Phở ăn dăm bữa tức thì ngán thôi.
  Phụ “cơm”, chớ phụ người ơi!
  Cho dù thua “phở”, nhưng thời…an tâm
. (Lê Anh Vũ)

 

Cho nên hỡi nhưng anh chồng, chớ có dại mà đi hoang, đèo bòng bồ nhí, thèm phở bỏ cơm, chi bằng hãy tỉnh ngộ:
- Ta về ta tắm ao ta,
  Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.

Gã Siêu   gasieu@gmail.com