main billboard

Cố níu vai cuộc đời, thủy chung với loài người...

trang lu

 

Đoạn Hai    

Ngã gục xuống lòng đất
Cố níu vai cuộc đời
Thủy chung với loài người

Một tuần sau tôi bắt đầu bị gọi lên “làm việc” với “khung” và viết kiểm thảo.

 Sau mấy lần tờ kiểm điểm bị trả lại kèm lời phê: “Chưa thành thật khai báo”, tôi nhận ra họ (những người thẩm vấn) đã biết qúa nhiều, họ rành cả những chuyện “mật” mà chắc nhiều anh em trong tổ cũng không hay.

Không nghi ngờ gì nữa, trong nội bộ đã có đứa làm ăng-ten! Tôi bị kỷ luật và biệt giam không phải chỉ vì nhạc “vàng” mà còn bị gán thêm hai tội nặng: “sỉ nhục chiến sĩ Cách Mạng” và “phá hoại tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa”!     

Việc “sỉ nhục chiến sĩ” xẩy ra do hôm tổ đi trồng mì gần khu dân cư kinh tế mới, một chú chó nhỏ luẩn quẩn đến chỗ chúng tôi, đuổi cũng không chịu đi.

Tới chiều chúng tôi về lại lán, chú chó cũng lẽo đẽo theo sau. Khi lội qua suối, vì không muốn bỏ lại con chó giữa rừng hoang, một anh ôm nó về trại.
Tối hôm đó chúng tôi lấy ý kiến đặt tên cho chó. Tôi vừa đề nghị tên “Bi Đông” anh em đã vỗ tay “hồ hởi nhất trí”.

 Kể từ đó, tội nghiệp con có nhỏ có bộ mặt dễ thương đã trở thành đối tượng để anh em chỉ trích: “Ê Bi Đông! Nhìn mặt mày là thấy lưu manh, gian ác, chỉ được cái nói như vẹt…”,  “Mày vừa ngố vừa khờ mà vỗ ngực xưng ta đây đỉnh cao trí tuệ! phét lác  . .”.  

Anh cán bộ khi tra vấn tôi và lập lại những câu đó, anh ta đập bàn gằn giọng:
- Như vậy là các anh đã sỉ nhục BĐ, chiến sĩ cách mạng chứ còn gì nữa?!

Tôi lúng túng biện hộ:
- Thưa cán bộ, đúng ngày có con chó là ngày tôi bị mất cái bi-đông đựng nước, tôi đặt tên nó vậy chỉ vì nghĩ đến cái bi-đông mất chứ không có ý gì khác.

Anh ta rít một hơi thuốc lào thở khói mù mịt rồi mới hằn học:
- Còn chuyện ăn cắp gà bộ đội thì sao? Không thấy anh khai ra?

Tôi lắp bắp:
- Gà . . gà nào đâu.

Anh cán bộ lớn tiếng:
- Gà của quản giáo dẫy nhà số hai chứ gà nào, anh tưởng chúng tôi không biết phỏng?”

Thôi chết rồi! Số là trong trại tôi có thằng em kết nghiã tên Dương Hợp, thua tôi một tuổi, khóa cuối Võ Bị Đàlạt ra trường “non”.

Hợp rất tư cách, anh em chung tổ từ bên Trảng Lớn. Trưa đó trên sân “Tinh Võ” (sân phơi lúa và khoai mì khô của Cây Cày), Hợp đang lui cui trở thóc, tên “Bộ Đội chó” đến sau lưng quất Hợp một gậy!

Sở dĩ gã bộ đội này có bí danh “chó” vì hắn giải ngũ đã lâu nhưng không về quê ngoài Bắc, cứ quanh quẩn trong trại, mỗi dịp tù nhân được thăm nuôi hắn giết chó đèo vào chiếc xe đạp cũ, đạp tới các tổ rao: “Chó chó! Chó chó”.

Chỉ có lúc bán thịt chó hắn mới “dễ thương”, những lúc khác hắn cực kỳ hắc ám.
Mỗi khi thấy quản giáo đang “lên lớp”, bộ đội cờ tây nhà ta dựng xe đạp lại, chống nạnh chửi ké:
- Chúng mày trây lười đã quen, ngồi không ăn bám đã thành nếp, không thấy lao động là vinh quang,..

Rồi hắn ta vung hai cánh tay khẳng khiu lên:
- Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sói đá cũng thành cơm...

Nhiều khi hắn ba hoa quá, quản giáo phải đuổi hắn mới chịu đi.
Hắn còn thói xấu rất đáng trách mà cũng vì thói này, sân phơi lúa Cây Cày được mệnh danh “sân Tinh Võ”.
 
Lúc anh em đang cắm cúi làm việc, hắn đến sau lưng bất ngờ giơ gậy quất.
Bữa đó Hợp bị một hèo, tôi tức lắm, nhìn đi chỗ khác tôi chửi đổng: “Đồ hèn!”
Tên “cờ tây” xăm xăm đi lại, cứ hắn tiến thì tôi lùi, luôn giữ khoảng cách xa hơn tầm gậy, tôi lùi vòng vòng trong sân, anh em ngưng làm theo dõi.

Mặt bộ đội khuyển tái ngắt, miệng thở phì phò. Mãi đến lúc chính ủy trung đoàn ra đứng chống nạnh, “cờ tây” ta mới chịu lủi vào khu nhà quản giáo.

Buổi chiều tan giờ lao động, tôi ra hiệu cho Hợp biết anh em sẽ về sau cùng. Trên đường về giữa các ruông bắp, tôi nhanh chóng vồ được hai chú cào cào.

Trong lúc Hợp canh chừng, tôi cột con cào cào vào sợi chỉ bao cát (vải áo tôi đang mặc). Lúc đi qua nhà quản giáo, tôi liệng chú cào cào vào giữa đàn gà, một con nhào ra mổ. Tôi chỉ việc chậm rãi kéo con gà lại, vì mồi đã mắc trong họng, gà ta ngoan ngoãn đi theo sợi chỉ, đến vừa tầm tay, tôi chụp đầu gà vặn ngược.

Quái kê được giải thoát không một tiếng động. Hợp há hốc mồm khâm phục, hắn ngồi thụt xuống, banh cổ áo ra cho tôi nhét gà vào. Tối đó chúng tôi liên hoan món gà luộc, trả thù cho Hợp cú đòn hèn . . .

Nghe người cán bộ thẩm vấn hỏi về “kỳ tích” này tôi khá nao núng nhưng cũng tìm cách chống chế:
- Dạ có gà thật, nhưng đầu đuôi vì bữa đó tôi lao động về mệt quá, lại “tranh thủ” vác khúc củi về cho anh nuôi (bộ phận nấu ăn), chân nam đá chân xiêu, đàn gà lại cứ quẩn vào chân nên tôi có . . dẵm chết một con . . .

Người cán bộ đang “làm việc” bỗng gầm gừ ngắt lời:
- Thôi! Lý do của anh đến trẻ con cũng không tin được… Rồi! Thế còn vụ ăn cắp xa cá?

Tôi giật nảy mình, chết mẹ! vụ này giải thích sao đây? Số là bộ đội có cách bắt cá rất hay, họ đóng một dàn cầu tre ngang suối, phía dưới cầu tre họ đặt dàn lưới tre. Cá theo dòng nước chảy xuống sẽ bị mắc vào lưới.

Nhiều lần đi lao động ngang xa cá bộ đội, phe cải tạo thèm nhỏ dãi, những ngày chúng tôi có thịt cá trong năm chắc đếm không hết năm đầu ngón tay.

Bữa đó chúng tôi bốn người – Phạm Minh Lại (giặc lái trực thăng ngoài Pleiku), Nguyễn cửu Hiệp (bộ TL Không quân) và Dương Hợp quyết định “chôm” cá của “bi đông”. Hợp và Hiệp đi trước thám sát, tôi sẽ chôm cá còn Lại quan sát phía sau.

Tôi và Lại cố tình chần chờ, lùi lại cuối đoàn cải tạo đi phá rẫy. Khi đi ngang cổng gác sau, một anh cán binh mặt mày non choẹt đứng lên quát:
- Hai anh kia! Đi nhanh lên! Đi đứng thất thểu như hai thằng chết đói.

Lại với giọng thều não thủng thỉnh trả lời:
- Đói chứ sao không đói.

Anh bộ đội nhí tức mình quát:
- Đói! Lúc nào cũng than đói. Sáng không ăn gì à.

Vẫn giọng nhừa nhựa, Lại nói như rên:
- Có gì đâu mà ăn.

Anh bộ đội lúc đó chắc chợt nghĩ ra: Tù cải tạo đâu có được ăn sáng. Anh ta chửi đổng:
- Chỉ bố lếu bố láo. Chây lười lao động… Đi nhanh lên.

Đến xa cá tôi nhìn phái trước thấy Hợp đứng xa xa ngay chỗ rẽ ra dấu an toàn, quay lại phía sau Lại cũng gật đầu, tôi dòm dẫm leo lên cầu khỉ đi trôm cá.

Nhưng xui cho chúng tôi bữa đó chỉ có một con lớn bằng cổ tay. Vì không có đồ đựng, tôi nhét đại cá vào túi quần. Lại đến thấy đuôi cá còn lòi ra ngoài, hắn nghiến răng vừa cắn vừa bẻ đứt đuôi cá vất xuống suối.

 Hôm đó tổ đứng thành hàng ngang cuốc đất trồng mì, tôi không có chỗ nào dấu đành cứ để cá trong túi. Sau mấy tiếng làm dưới trời nắng, mùi tanh của cá chết bốc lên lợm giọng…

Bị chất vấn về vụ trộm cá, tôi không biết đường trả lời nên chỉ còn cách chối. Nhất định nói rằng bị báo cáo gian. Mấy lần tra hỏi vặn vẹo không kết quả, anh cán bộ thẩm vấn hậm hực ra lệnh cho người cán binh điệu tôi trở lại phòng biệt giam.  
      
Sau lần “làm việc” thứ tư, bản tự kiềm vẫn bị trả về kèm lời phê “chưa thành thật khai báo”, tôi thấy đấu trí kiểu này không xong. Họ có sở trường ù lì, chờ đợi.

Còn tôi, liệu chịu đựng được bao lâu vớì những cơn đói ngày đêm hành hạ?!
Đói luôn ám ảnh tâm trí, trong giấc ngủ tôi thường chỉ mơ thấy ăn, tới những món tầm thường như chén chè, củ khoai.
 
Có lần trên đường xuống suối tắm, chỉ cách họng súng mấy bước, vừa qua khúc quặt, tôi liều ra chiêu “diệu thủ” vặt một bó bo-bo nhét vào bụng. Nhưng than ơi “hoạ vô đơn chí”, trong bo-bo có qúa nhiều kiến lửa, chúng nhào ra cắn phồng da ngực, tôi đành giả bộ đi vệ sinh để nhét nắm bo-bo vào bụi!

Cách mạng muốn tôi viết về những điều họ chưa rõ, tôi lại chỉ dài dòng về những điều “trên” đã quá hay. Khung muốn tôi nói nhiều về người khác, tôi chỉ một mực viết về mình, có nhắc đến anh em cũng chỉ chung chung, cách “vô thưởng vô phạt”.

Hôm đó sau khi nhận xấp giấy mới kèm những lời răn đe, tôi quyết định không viết tự kiểm nữa mà viết về . . tình yêu, dưới tiêu đề “Tình Yêu Đích Thực”.
Tôi nảy ra ý định này vì nhớ vài ngày trước khi bị kỷ luật, anh quản giáo đến yêu cầu tôi giúp thực hiện tờ báo Tết cho trại.
Tôi sửng sốt rồi xin từ chối với lý do thiếu khả năng, anh ta cười:
- Chúng tôi được báo cáo cả rồi, trong trại huấn luyện sĩ quan ngụy (quân trường), anh từng làm trưởng ban báo chí.

À ra thế! Nay quyết định viết bài, tôi biết mình phải viết làm sao để mấy anh này thấy hay, thấy thích, từ đó họ không bắt tôi viết tự kiểm nữa. Và biết đâu - phải biết đâu, tôi còn được tha về lán.
Dưới đề tài tình yêu, tôi mổ xẻ, phê bình các lọai liên hệ tình cảm: tình yêu trai gái; tình yêu giữa cha mẹ và con cái; tình bạn bè, tình họ hàng, . . tất cả những loại tình yêu này đều đáng tôn trọng nhưng đều . . vị kỷ.

Con người mới trong một xã hội mới, cần tiến đến tình yêu vị tha, cần vượt ra ngoài biên giới ích kỷ hạn hẹp, đè bẹp những dục vọng đam mê bản thân, để có thể tiếp giáp với tha nhân.  

Trong thiên đường Cộng sản, tình yêu nhân quần xã hội thôi thúc con người cùng nắm tay nhau đấu tranh, hủy bỏ xiềng xích bất công, trả tự do cho người bị áp bức.

Với tình yêu vị tha được thăng hoa, con người sẽ giúp tha nhân dẹp bỏ mọi gánh nặng, chia cơm sẻ áo cho kẻ đói rách, tiếp rước những người phiêu bạc không nhà. Con người không chỉ biết chăm xóc chính bản thân mình mà còn cảm nhận những nỗi khốn khổ của đồng loại,…

 Gần mười trang giấy tôi viết ra những ý tưởng tốt đẹp nhất tôi có thể hình dung được về tính vị tha, về tình yêu cao thượng đối với cả… loài người. Thậm chí tôi không  giới hạn “tình yêu” của mình vào phạm vi quốc gia dân tộc, với quan điểm “thế giới đại đồng”, nếu chưa yêu . . toàn thế giới, hết nhân loại, tình yêu đó còn tính “cục bộ”, vẫn “chưa đạt”!...

Anh cán bộ nhận bài viết của tôi thay vì bản tự kiểm, lúc đầu mặt anh ta nghệt ra nhưng đọc một lúc, những thớ thịt trên mặt anh giãn dần. Cuối cùng, người cán bộ nói lấp lửng:
- Được rồi, chúng tôi sẽ làm việc với anh sau.

Ngay chiều hôm đó, tôi được “bố trí” lên làm việc với chính ủy trại.
Từ chỗ biệt giam “cây da xà” cuối trại, muốn đi lên “khung” hai người cán binh phải điệu tôi đi băng qua lán. Anh em có toán đã đi làm về, thấy tôi đi giữa hai người bộ đội tay lăm lăm AK, đã nhìn theo với ánh mắt ái ngại, chắc anh em đoán tôi đang bị dẫn đi xử.

Riêng tôi thật bình thản, từ thiếu thời tôi đã có niềm tin lạ lùng rằng sau lưng tôi có một quyền lực vô hình khi cần sẽ bảo vệ, giúp tôi vượt thắng gian nguy.
Trường hợp tệ nhất, lát nữa đây hồn tôi sẽ theo những đám mây đang lơ lửng trên bầu trời để ngao du, quên hẳn thế gian tục lụy.

Người chính ủy trại giam tiếp tôi sau chiếc bàn gỗ, gói thuốc Sài Gòn Giải Phóng đè trên xấp giấy tái sinh vàng nhạt, bài viết của tôi đã được anh ta đọc, gạch sửa, phê bình bằng mực đỏ như một bài luận học trò.

Với lối phát âm nặng của vùng Nghệ-Tĩnh, anh chính ủy chậm rãi:
- Về mặt tích cực, bài viết của anh đã chứng tỏ việc học tập của anh đã có ít nhiều tiến bộ. Nhưng về mặt tiêu cực, nhận thức của anh còn nhiều chỗ chưa đạt, chưa chuẩn.

Anh ta trao xấp giấy cho tôi và tiếp:
- Anh viết lại, cô đọng trong ba trang thôi, để ý đến những chỗ tôi đề nghị. Bài này sẽ đăng trong báo Xuân của trại.

Tôi đứng dậy, người chính ủy đến vỗ vai nói nửa khuyên nửa đe:
- Vì qúa trình học tập của anh có dấu hiệu tiến bộ, chúng tôi tạm ngưng việc thi hành kỷ luật của anh, nhưng anh phải ra sức phấn đấu, lần sau chúng tôi sẽ không khoan hồng nữa.

Sau đó anh ta đưa cho hai anh vệ binh một mảnh giấy viết sẵn và chỉ thị họ đưa tôi về lán thay vì trở lại chỗ biệt giam.
Trên đường về lán, tôi nghĩ mình được thả về với anh em vì “khung” vào thế kẹt. Không lẽ cho đăng bài của một tên đang bị kỷ luật.   

Còn tiếp