main billboard

Người đi trên giao tuyến , Sống chết như đêm ngày

Đoạn 3:

Người đi trên giao tuyến
Sống chết như đêm ngày
Tim đau hồn ứa máu
Tự do một tiếng thôi

moon-leech-lake



Về gặp lại anh em, những biểu lộ mừng vui chân thành của họ khiến tôi nghẹn lời.
Tuy mặt còn xưng, hàm còn ê, tôi như vừa thóat cơn đại nạn.

 Hợp khi biết tôi được tha về vì bài viết “Tình yêu đích thực”, hắn ngồi tư lự dáng không vui, nhưng Phong (đàn anh Hợp, khoá 25) sau khi đọc bài tôi viết, hắn phá ra cười:
- Mày viết tình yêu loại này chắc chỉ có trên thiên đàng!”.
Tôi nghiêm mặt:
- Chứ sao, thiên đàng CS, thế giới đại đồng mà lị.

Mặt Hợp, La, Hồng trở nên rạng rỡ. Tôi nghĩ họ nhớ tới những buổi học tập chính trị, nếu có mặt cán bộ quản giáo tôi luôn đưa tay phát biểu, tôi ráng giữ ở mức quản giáo thấy tôi “hăng say phát biểu”, “thành thật khai báo” nhưng vừa đủ để với anh em họ thấy nó “hơi lố”, “hơi sạo” và tôi đang ngầm mang đề tài thảo luận ra… diễu.

Nhờ vậy những buổi học tập chính trị đỡ căng thẳng. Có khi tôi chưa kịp nói anh em đã đề nghị tôi phát biểu.
Tối hôm đó quản giáo đến họp với tổ tôi, anh ta giải thích vì học tập có dấu hiệu tiến bộ tôi được tạm ngưng kỷ luật và “đề nghị” tôi vẫn giữ tổ trưởng. Anh em hò reo hưởng ứng.

Sau khi cán bộ về, tổ ăn mừng bằng màn nước trà, thuốc lào và hát nhạc… cách mạng. Cả tổ hợp ca “Những bước chân đi tới” và “Tiếng hát những đêm không ngủ”.  
Chúng tôi thích hai bản này vì những câu như: “… Đêm nay ta cất cao tiếng hát giữa những trại giam.” hay “… Dù cho máu đổ quyết tâm giữ vững lòng son…” Đến phần điệp khúc anh em phụ họa bằng tiếng vỗ tay, đập bàn, cùng nhau rống lên:
- Dậy mà đi đồng bào ơi! Dậy mà đi đồng ới! Mẹ VN có hay chăng…”

Cả tổ đang gân cổ “cất cao tiếng hát giữa những trại giam”, bỗng anh quản giáo hồng hộc chạy tới:
- Im ngay, im ngay. Các anh không được hát những bài này nữa. Cách mạng đã thành công rồi còn “dậy mà đi”, dậy mà đi làm gì?

Sau khi anh em gỉai tán về sạp, tôi hỏi Phong:
- Sao không thấy ông già Tỏ nhỉ?
Phong hậm hực thấp giọng:
- Ngay sau hôm mày bị kỷ luật, thằng gìa đó được khung điều lên làm đầy tớ, nấu cơm rửa chén rồi!
Tôi buột miệng:
- Không ngờ!

Như vậy rõ ràng người phản thùng, báo cáo tôi cũng là người tôi đã cưu mang gần năm nay.
“Già Tỏ” (tên chúng tôi gọi ông) đã nổi tiếng làm “ăng-ten” từ Trảng Lớn, nghe nói ông ta có hai vợ năm con, người vợ hai còn rất trẻ dọa sẽ bỏ đi lấy bộ đội nếu ông không về sớm.

Khi chuyển về Đồng Ban, có lúc ông ta đau đi phải chống gậy. Một ngày cuối năm, nhân dịp ra ngoài cắt tranh, ông “liên hệ” với dân mua được xị đế.

Đúng đêm ba mươi năm đó, ông qúa nhớ vợ con, một mình tu hết xị rượu rồi ra giữa sân chửi đổng. Ông chửi từ “đồng chí bí thư” đến anh quản giáo.
 Sợ liên lụy tôi ra dìu ông vào sạp, mắc mùng và dỗ ông ngủ.

Sau Tết mấy ngày chúng tôi chuyển trại về Cây Cày, anh em không ai muốn cho ông nhập toán, tôi thấy ông già yếu, bệnh hoạn bị mọi người ghét bỏ, nên ráng thuyết phục nhóm thân thiết của tôi cho ông ghép vào.

Những ngày đầu ông rất dễ thương, phần công tác của ông chúng tôi gánh hết, bù lại ông đóng vai anh nuôi rất chu đáo. Ông pha trà, cà phê, đi kiếm đọt chùm bao, rau dền dại về nấu với ếch nhái chúng tôi vồ được.
Có bữa cao hứng ông còn mở keo muối mè dấu trong bọc, múc cho anh em mỗi người một muỗng.

Vài tháng sau khi chuyển trại, ông trở bệnh nặng, đi đứng khó khăn, tôi thường xuyên phải dìu ông đi vệ sinh. Có lúc vội vàng ông tè cả vào chân tôi, nước tiểu pha máu đỏ lòm.

Hằng ngày ông chống gậy lên bệnh xá nơi có hai anh quân y trực, để nhận mấy viên “xuyên tâm liên”. Những thuốc của bồ và gia đình tôi gởi vào từ thuốc bổ đến ký ninh, thuốc lọc nước… đều chuyển cho ông phần lớn.

Mãi khoảng nửa tháng truớc khi tôi lên cây da xà, ông mới tạm bình phục, đi đứng tự nhiên và xin lên làm tạp dịch cho khu nhà quản giáo.
 Từ đây ông có dịp gặp gỡ cán bộ, báo cáo lập công. Chỉ không ngờ người ông báo cáo đầu tiên lại là tôi, không trách họ biết tất cả từ vụ chơi nhạc vàng đến con chó Bi Đông! (1)
. . . .
Sau đó vài tuần, chúng tôi có công tác đi nhổ mì về cho nhà máy làm bột ngọt Cây Cày - đây có lẽ là nhà máy làm “mì chính” lớn và lời nhất Tây Ninh (vì nhân công toàn là tù khổ sai).

Bửa đó trời mưa tầm tã, chúng tôi sáu thằng ngồi vắt vẻo trên chiếc Molotova chất đầy khoai, thằng nào cũng ướt - lạnh tím môi.
Mỗi lần đi qua đám dân kinh tế mới chúng tôi hốt một mớ mì liệng xuống, trả thù cho việc “nhà nước” bắt chúng tôi trồng bạt ngàn mấy chục mẫu mì nhưng không bao giờ cho phép chúng tôi ăn một củ.

 Xe về đến nhà máy, chúng tôi lo chạy vào lấy giỏ cần xế hốt mì mang vào cho toán gọt vỏ - toàn là đàn bà, các chị “phục hồi nhân phẩm”.

Tôi và Hợp khiêng một giỏ cần xế, Hợp không khỏe hơn tôi nhưng hắn cố tình khiêng gần lại để chịu nặng nhiều hơn.
Tôi bỗng khựng lại, trước mặt tôi hình ảnh một người con gái quen thuộc, cô ta nhìn nhếch nhác tiều tụy quá sức, có lẽ còn tệ hơn người ăn mày chợ cá!

Tóc cô ta cột bằng sợi dây chuối, quần áo rách rưới vá chằng vá đụp. Cô ngồi chống gối, ống quần te tua tệ hơn miếng ghẻ rách. Cô không xấu lắm nhưng mặt mày xanh lét, môi thâm tím mắt vô hồn.

 Thân tôi đã bệ rạc nhưng nhìn cô tôi vẫn thấy quá xót xa quá. Cô cũng đã nhận ra tôi nên buột miệng: “Anh Tuấn!”. Tôi gật đầu, tôi ngừng hẳn lại tính nói câu gì đó với cô nhưng Hợp nói nhỏ:
- Chắc cô anh gặp trên cây da xà phải không? … Phải đi anh ơi, có thằng bộ đội nhìn mình nãy giờ.

Tôi đưa mắt chào cô rồi vội vã đi. Trong cải tạo họ kết tội rất nặng nếu đám sĩ quan “ngụy” liên hệ với tù hình sự, nhất là với các chị em “phụ hồi nhân phẩm”.

Trên chuyến xe đi nhổ mì lần sau, thấy tôi ngồi một mình trong góc xe buồn buồn, Hợp đến hỏi:
- Chắc anh thấy tội cho cô trên cây da xà?
- Ừ! Chắc anh sẽ kiếm gói bột Bích Chi hay vài thẻ đường cho cô ta. Anh vẩn mang ơn cô đút cháo cho anh bữa đầu anh bị đánh.
Phong xen vào:
- Trong tù mày biết các bà các cô cần nhất cái gì không? … Bặng vệ sinh.

Tôi vội lắc đầu:
- Đi thăm tao là cô bồ và cô em. Không lẽ nói hai người này mang bang lên? Làm sao giải thích làm gì? Cho ai?
Cả bọn đều gật gù đồng ý. Đi tù mà “order” món hàng này coi bộ không ổn.

Lúc mang mì về chuyến nhì, tôi có ý kiếm “cô cây da xà” nhưng không thấy – tôi đến lúc đó vẫn không biết tên cô, còn cô biết tên tôi có lẽ nghe HQ gọi -  Mãi đến khi khiêng hết mì vào, đang rửa tay mới nghe một giọng nói gần gần:
- Anh Tuấn lúc về đến kiếm trong bụi chuối.

Tôi nhìn lên, cô “te tua” đang đứng gần, tay cô đang cố che những chỗ áo rách lòi da, mắt cô hướng về bụi chuối kế nhà vệ sinh.
Tôi gật đầu tỏ ý hiếu. Sau đó tôi làm bộ đi vệ sinh rồi tạt vào bụi chuối, mò ra được ba củ khoai mì nướng gói trong lá khô.

Chúng tôi sáu thằng vừa đói vừa lạnh chia nhau những củ mì nóng, ngon ơi là ngon.
Lạ một điều khoai mì sau khi luộc hay nướng ăn rất ngon và lành nhung khi còn sống lại vô cùng nguy hiểm.
Có lần Muôn – nhà tiến sĩ ngôn ngữ - đói quá cạp đại một củ mì tươi, ăn xong mắt anh trợn trừng, miệng xùi bọt. Từ đó đói mấy chúng tôi cũng không dám ăn mì sống.

Thời gian đi nhổ mì khoảng hơn nửa tháng bữa nào chúng tôi cũng được chén mì nướng.
Để đền đáp tôi và Phong cũng kiếm được ít gói bột, vài thẻ đường cho lại – Hợp vốn “con bà phước”, chưa bao giờ được thăm nuôi.

Một lần chúng tôi đi lao động, mới ra khỏi nhà thấy một đám đàn bà xa xa đi đến. Một thằng réo:
- Tụi mày ơi! Bồ thằng Tuấn tới.
Đám trong lán nhao nhao chạy ra:
- Đâu đâu? Có phải cô đẹp nhất không?
- Tao thấy ngược lại.
- Không đẹp nhưng mà có duyên.
- Tao không biết có duyên không nhưng rất tốt. Cho mình ăn mì hoài…

Đám đàn bà con gái đi ngang. Một thằng lên giọng diễu:
- Anh Tứng ơi! Anh Tứng. Em nè.
Các cô có vẻ mắc cở líu ríu dạt qua bên kia đường. Cô “cây da xà” vẫn tiều tụy xanh sao, lệt bệt đi gần cuối.
Tôi tự nhiên thấy tức quá nạt tụi bạn:
- Tụi mày câm bớt cái miệng lại. Mình là cái thá gì mà phê bình người ta, đẹp với xấu… Bồ bịch khỉ gì. Trong tận cùng bằng số, còn lại chút tình người đối xứ với nhau…

Bẵng đi cả mấy tháng chúng tôi không có dịp tiếp xúc với phe “phục hồi”.
Hôm đó không biết tình cờ hay do linh tính dẫn dắt khiến tôi tự nhiên đến bụi chuối đặc biệt, nơi chúng tôi vẫn dùng để trao đổi.
Không có củ khoai mì nướng nào nhưng có một mảnh giấy nhỏ gấp dấu dưới cục đá: “Yến mất hôm qua. Đã chôn sáng nay.”

Tôi bàng hoàng. Lần đầu tiên biết tên cô “cây da xà” cũng là lúc cô không còn ở thế gian.
Ôi một kiếp người. Tôi làm dấu Thánh giá, thầm cầu cho cô được Thiên Chúa bù lại những gì cô đã phải chịu đựng ở trần gian.
----
(1) Bên Mỹ tôi cũng có lần gặp lại “Già Tỏ”. Bữa đi biểu tình chống triển lãm hình HCM trên Oakland. Trong đám biểu tình đứng gần tôi, một ông già nhỏ thó nhưng la “Đả đảo” rất to.
Thấy dáng quen quen tôi nhìn kỹ: A! Đúng cha già dịch. Tôi đến gần hất hàm: “Ê! Sao hồi ở Việt Nam ông không la lớn như vậy giùm tôi?”
Già Tỏ nhận ra tôi nhưng đáp tỉnh bơ: “La để bị chết hả? Bên đây mình biểu tình. đả đảo có cảnh sát gác, sợ gì không la.”