Việc cải táng đã xong, phó Thập rất yên chí. Nghỉ thêm 3 ngày để sắm sửa đồ nghề giết heo...
(tiếp theo)
Trước khi vào truyện, tác giả xin giải thích từ “phó” trong danh xưng phó Thập. Người miền Nam hình như không có từ này. Chả là ở miền Bắc khi xưa, những người làm nghề chuyên môn tức có kinh nghiệm về nghề nào đó thì được gọi là phó, như phó rèn: người làm nghề thợ rèn (blacksmith); phó cối: người làm và sửa chữa các cái cối xay thóc; phó may: thợ may quần áo; phó mộc: thợ mộc; phó hàn: thợ hàn; phó hoạn hay thợ hoạn: thiến heo, chó, mèo, gà v.v…Phó Thập trước kia đi sửa cối xay thóc nên được dân làng gọi là Phó cối, tuy không phải chức vụ nhưng vẫn hãnh diện hơn dân không có gì. Sau này phó đổi nghề nên không còn chữ cối mà chỉ gọi là phó với tên gọi.
Việc cải táng đã xong, phó Thập rất yên chí. Nghỉ thêm 3 ngày để sắm sửa đồ nghề giết heo, đến ngày thứ tư phó Thập giết con lợn đầu sau khi đã làm đơn xin phép Xã trưởng.
Phó đã có 8 tháng thực tập nên phó làm rất thạo. Việc đi mua lợn thịt, lúc đầu phó đi mua dăm con (đã có vốn vì 8 tháng để dành) sau đó phó tập cho thằng con rể lớn và vợ nó đi các làng xa mua. Dĩ nhiên con cái đứa nào làm thì phó trả công tử tế, cao hơn người ngoài là khác, nên không đứa nào kêu ca.
Chỉ giết biểu diễn dăm con, tiếng tăm giết lợn, thịt lợn ngon của phó Thập cả tổng và những tổng lân cận đều rõ. Cũng nên biết tổng thời Pháp thuộc (canton) là đơn vị hành chánh bao gồm nhiều xã (làng: village). Một số tổng họp lại ở kế cận nhau thì thành một phủ hay huyện (district), sau này còn gọi là quận. Phủ lớn hơn huyện, còn châu cũng là một huyện ở vùng thượng du Bắc Việt như các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Phú thọ, Lai Châu v.v…
Thịt lợn phó Thập giết ra bán nhanh như tôm tươi. Những bạn hàng bán thịt ở chợ tranh nhau lấy thịt của phó vì lợn phó lựa ngon. Hàng tiết canh, lòng lợn, cháo lòng lấy không đủ bán. Hàng tiết đọng ngày nào cũng chờ tại sân nhà phó để hễ có tiết là “rinh” về luộc ngay rồi mang ra chợ. Các hàng cháo lòng, bánh canh (nấu với chân giò) cũng đều chuộng lòng và chân lợn của vợ phó. Nhờ trời những năm đó được mùa nên đời sống dân chúng khá dễ chịu. Xã hội Việt Nam không đông đúc như ngày nay nhưng an bình, no ấm và thịnh vượng. Bọn trẻ chúng tôi ngày nào cũng có quà vặt mẹ mua mang về từ chợ.
Phó càng làm càng hăng và càng có tiền. Tiền vào như nước, nói theo lối Việt Nam. Dĩ nhiên, nhân viên thuế vụ của người Pháp trên phủ có về hỏi thăm phó nhưng phó đóng thuế đầy đủ, sòng phẳng. Phó bảo mình phải làm bổn phận người dân, bất biết là chính phủ nào. Phó rất sợ lôi thôi với pháp luật. Phó bảo vợ con: ăn ít một tí nhưng yên tâm.
Nghề giết mổ không phải là ai cũng làm được. Những người ngại nhìn thấy máu, ngại ngó con lợn giẫy chết kêu eng éc thảm thiết, không làm nghề này được. Phó Thập, trái lại, rất mạnh tay hạ thủ những con lợn thịt, nhiều con dưới một tạ nhưng có con trên một tạ, có con lớn đến tạ rưỡi, phó và thằng phụ việc mà phó mới mướn, làm băng băng!.
Cắt tiết một con lợn cũng phải có kỹ thuật cao, phó nói với mọi người vậy. Thường phó Thập cột 4 chân lợn cho lợn nằm ngửa trên một tấm phản dốc đầu xuống. Thằng con trai hay thằng thợ phụ giữ 4 chân con vật cho nó nằm im. Phó Thập cầm cái gáo dừa trong chậu nước ngay kế, xối vài gáo và dùng tay trái rửa cổ con vật cho sạch. Xong, tay trái chịt lấy tai con vật, tay phải đưa một đường dao bầu sắc lẻm vào cổ, phó biết con dao cần vào sâu đến đâu để cắt đứt hẳn động mạch chủ làm con vật sớm chết nên chỉ một nhát mạnh tay đó là máu từ cổ con lợn ồng ộc đổ xuống cái xanh (xoong) hứng bên dưới. Con vật khốn khổ chỉ kêu éc éc được dăm tiếng là xuội lơ vì nhát dao đi quá sâu và quá ngọt.
Lúc này con dao bầu đã rời khỏi tay phó Thập, phó chộp lấy đôi đũa lớn như đũa cả ghế cơm mà dài gấp đôi, quấy nhanh tay trong xoong huyết đã có sẵn mấy thìa muối để tiết không đông. Tay còn lại, phó Thập nắm tai giữ cái đầu con lợn ở yên một chỗ để nó khỏi làm bắn huyết ra ngoài. Con vật có giẫy dụa mấy cái nhưng không được bao lâu vì động mạch chủ ở cổ đã cắt rời, nó tắt thở chỉ trong 90 giây.
Khi đã lấy xong huyết con vật thì nồi nước sôi cũng sẵn sàng, một cái nồi ba mươi đầy (nồi đồng lớn nhất lúc đó) mới đủ. Phó Thập và thằng phụ khiêng con lợn đặt lên cái phản lớn hơn. Phó múc nước sôi dội lên thân con lợn, chú ý dội đi dội lại chỗ nhiều lông, xong dùng con dao thực bén chuyên để cạo. Phó cạo con lợn trắng nhởn chỉ lâu hơn người ta ăn xong miếng trầu. Phó cắt cái đầu lợn quẳng ra cho thằng thợ phụ (khi chưa có nó thì vợ con phó phải làm) cạo lông tiếp những chỗ ngóc ngách chưa hết lông. Phó xả con lợn ra làm bốn đùi để giao cho bạn hàng bán ở chợ. Chỗ thịt đắt giá nhất là thăn, nạc vai v.v…thì phó lo rọc lấy trước, để riêng ra cho những nhà làm giò chả, nem chua đến lấy mang đi. Sau đó phó tính đến bộ lòng.
Tiết đọng trong bụng lợn đã được múc ra đem luộc, nhưng thường là để sống để những người bán tiết đọng luộc lấy. Gia đình chú Kiến chuyên thầu phần tiết đọng này đổ thành bánh, luộc lên, phi hành mỡ cho thơm rải lên trên, pha nước mắm chua ngọt rồi thím Kiến đội đi bán rong ở các con đường hoặc ngồi ở chợ. Những đứa trẻ như tác giả truyện này, cả những đứa con gái cùng trang lứa, cứ là mê tiết đọng luộc của thím Kiến, có hành lá phi thơm và húng quế ngò gai, kèm theo nước mắm chua cay ngọt. Ngon tê lưỡi!
Sau đó, Phó Thập đem bộ lòng ra ao rửa sạch, ruột là thứ phải làm cẩn thận nhất. Phó ken ruột bằng tầu lá chuối, bóp muối và rửa đi rửa lại cho đến khi những thước ruột trắng phau và thơm tho, hết mùi mới đem vào bếp làm dồi. Tôi nghĩ sở dĩ lợn phó giết bán dóc tay sớm hơn mọi bạn hàng là vì cái tính cẩn thận làm ăn kỹ lưỡng của phó. Ruột, dồi làm không kỹ, đến lúc ăn là biết ngay vì nó còn mùi hôi. Phải một lần thì lần sau người ta đi chỗ khác mua. Mất mối!
Nhân dồi là tiết đọng, thịt mỡ, thịt vụn thái cho thật nhỏ, xương xông, hành hoa, muối, đường cho vừa miệng, nhồi đầy những khúc ruột xong đem luộc. Dồi phó Thập có tiếng ngon nên làm ra tới đâu bán hết tới đó. Hồi đầu, vợ phó Thập đem lòng ra chợ ngồi bán nhưng rồi quá bận, thím đem bỏ mối cho những bạn hàng bán lẻ, ăn ít đi một tí nhưng đỡ đầu tắt mặt tối.
Qua hai năm mổ lợn, lúc đầu là ngày một con, sau tăng lên hai rồi ba, bốn con tùy theo nhu cầu của bạn hàng bán lẻ và tùy theo lễ tết trong năm, dân chúng cần mua vài kí thịt về cho con cái thưởng thức hoặc đãi đằng bạn bè.
Vợ chồng phó Thập khá lên trông thấy. Phú quí sinh lễ nghĩa, phó Thập bèn mua thêm một thổ đất rộng để làm ngôi nhà mới cho gia đình, miếng đất và ngôi nhà tre lợp rạ phó cho thằng con rể lớn (vợ nó là Dần) thằng này bố mẹ nghèo nên chẳng có nhà cửa gì, lúc đó đã có ba đứa con.
Ngôi nhà mới tường xây, mái ngói âm dương, cột kèo tuy vẫn là gỗ nhưng là loại gỗ sến mầu ngà ngà vàng rất chắc, chỉ thua gỗ lim (cứng như sắt). Nền cao cả thước tây hóng gió nồm Nam mùa hè mát rượi, mùa đông vì kín gió nên trong nhà khá ấm, phó Thập hài lòng với ngôi nhà mới.
Sát với ngôi nhà đồ sộ này là năm gian nhà ngang, bẻ hình thước thợ với ngôi nhà chính. Nhà này cột kèo bằng gỗ soan, mái lợp bổi, nền thấp hơn nền ngôi nhà chính. Phó Thập để hẳn hai gian làm bếp, nền tráng xi măng để khi trời quá lạnh có thể cạo lợn ở trong bếp nhưng một năm chỉ mất dăm ba ngày, phó Thập luôn luôn cạo heo ở ngoài sân, bây giờ là phía sau bếp, gần với cầu ao, phó cũng đã mua, để tiện rửa ráy, làm lòng.
Từ khi có nhà mới và thổ đất mới, phó Thập đâm kiểu cách ra. Trước kia chỉ đình đám hoặc năm thì mười họa phó mới uống rượu, bây giờ phó uống mỗi ngày. Sáng mổ lợn cho đến trưa, tập cho thằng con rể làm cho giỏi để đỡ tay phó, rồi vợ con phân phối thịt và thu tiền làm sao phó không cần biết, khoảng 1 giờ trưa là xong mọi việc, chưa xong cũng giao cho con, phó ăn cơm trưa rồi ngủ một giấc đến chiều. Mấy đứa con đã đi mua lợn từ sáng, chúng khiêng lợn về thả vào chuồng. Giờ này phó Thập đảo xuống chuồng lợn coi mấy con lợn mới mua. Khoảng 6 giờ chiều phó Thập mới bắt đầu bữa rượu hàng ngày. Bốn cái vò lớn mỗi cái chứa khoảng mười lít, trong là khung, quy, thục, thược, hoài sơn, đỗ trọng, ngưu tất, đại hồng sâm, đại táo, bắc kỷ tử, dâm dương hoắc v.v…do một cụ lang lành nghề cắt cho. Rượu ngâm đúng một năm phó Thập mới uống vì vậy trong buồng lúc nào cũng có một hàng dài vò, chai, lọ ngâm rượu thuốc, đánh dấu ngày bắt đầu và ngày được uống. Phó thường bảo vợ con, phó sướng như tiên. Mà quả vậy. Vua, quan còn phải lo quốc sự chứ phó đâu có lo cái gì. Ngày mổ vài con lợn đã quá quen tay, chiều chiều làm bữa nhắm chỗ nào ngon trong con lợn thì để lại, uống say ngủ, chủ nhật mới đến nhà thờ đi lễ một lần. Không khéo lại hơn cả tiên!
Phó Thập ra ngoài xã hội thì chỉ là một anh giết lợn chẳng danh vọng gì nhưng trong gia đình, phó Thập tỏ rõ quyền uy của một người chồng, một người cha mà có những ông quan tỉnh, quan huyện, ông giám đốc, ông chánh án, ông chánh tổng không thể nào bằng. Khi phó Thập đưa lệnh ra cho vợ con thi hành, nếu có kẻ kèo nhèo thế này, thế kia hay khó quá không làm được, phó chỉ trợn trừng con mắt quát một tiếng; kẻ kia, dù là bà vợ nỏ mồm hay anh em, con cháu của phó Thập sẽ riu ríu tuân theo ngay, không dám cãi một tiếng. Đó là cái uy trời ban cho mỗi người; với phó Thập, cái uy ấy được nhân lên tối đa dù chỉ là cái uy của anh giết lợn.
Mỗi con lợn giết ra, phó Thập được lời một số tiền khá mà ở nông thôn lúc đó không ai có được cái nguồn lợi tức dồi dào như thế. Lợn phó Thập lựa mua là lợn ngon, thịt thơm, ai đã từng ăn cũng phải thích. Phó lại biết ăn ít lời đi khi có con lợn thịt không ngon lắm, phó bảo người mua, này con này chỉ ăn tạm thôi chứ không ngon lắm đâu, muốn ngon phải chờ con sau. Phó Thập nói vậy rồi ai muốn mua thì mua, nếu mua, Phó hạ giá xuống (phó đã biết bán sale), lẽ dĩ nhiên những nhà nghèo cả năm không trông thấy miếng thịt, nhân lúc thịt hạ giá như thế, mua cho con ăn.
Thuyền đi mua lợn của phó Thập xuống mãi tận Cồn tròn, Cồn Vành, Văn Lý, Hạ trại, Thượng trại vì những nơi này giá lợn bao giờ cũng rẻ hơn ở vùng trên. Mua được rẻ, phó Thập bán rẻ, cái tiếng lợn phó Thập ngon và rẻ chuyền đi mấy tổng, thành ra lợn phó Thập giết ra là bán xong tay trong khi mấy lò mổ khác bán chầy bán chợt mới hết con lợn.
Phó Thập có khá tiền rồi nhưng phó không mua ruộng. Phó đưa tiền cho những người tin cẩn bảo họ mua lợn giống về nuôi, cám bã phó chịu, cuối năm thành lợn thịt, chia đôi. Mười chỗ như thế, phó Thập đã có một đàn lợn dăm chục con mà không phải vớt bèo, nấu cám. Giết ra, phó lại được lời môt mớ nữa. Những bà nội trợ rảnh rỗi không làm gì đến xin phó Thập cho nuôi rẽ ngày một đông, phó hốt bạc.
Giầu có - phó tin là do Bề trên và hai ngôi mộ được đất do lời khuyên của thầy phong thủy - nhưng phó không kiêu căng, phó vẫn xuề xòa như xưa đối với những người ngoài nhưng trong gia đình phó vẫn hoàn toàn là chủ.
Chỉ sau khi thầy tôi mua xe vài năm, mùa đông đó, người trong tổng Vạn lộc và những tổng lân cận chứng kiến cái xe đạp của ông phó Thập. Hình thù chiếc xe này cũng không khác cái xe của thầy tôi; cũng khung, tay lái, hai bánh, và các phụ tùng như chuông, đèn, thắng…Nghe phó Thập kể lại thì phó phải lên thành phố Nam Định ở chơi nhà người anh họ một tuần để nhờ dẫn đi coi và mua xe. Sau khi so sánh phẩm chất và giá cả hai, ba loại xe, người anh khuyên phó Thập nên mua loại Sterling. Sterling đã nhẹ lại cứng, thanh thả và đẹp chứ không cục mịch như hai loại kia. Hình như mãi sau này mới có Peugeot, cũng tốt và đẹp nhưng hồi phó Thập đi mua thì chưa thấy.
Phó Thập sẵn tiền nên mua lẹ. Mua được rồi lại phải nhờ ông anh tập cho mới lái được. Tuy nhiên, phó Thập chưa dám lái trên những con đường trong thành phố Nam Định vì sợ tay lái còn run, đâm vào người ta. Xe cộ thời đó rất thưa, xe hơi cả tỉnh có chừng mươi chiếc, đa số của người Pháp. Xe đạp cũng không nhiều vì phải dân có máu mặt mới mua được. Xe cộ thưa như vậy nhưng phó Thập vẫn không dám lái. Người anh bảo:
“Chú nhát thế thì chú mua xe làm gì?”
“Về làng không có xe dễ lái hơn anh à!”
Hôm về, Phó Thập bảo anh lơ xe cột cẩn thận cái xe của phó trên nóc mui xe đò, sau khi đã bao bằng một cái chăn dày cho khỏi trầy sước. Từ phủ Xuân trường về Vạn lộc, phó Thập dắt xe chứ chưa dám ngồi lên yên. Phó sợ lao xuống sông thì hư hết xe. Cũng như cái xe của thầy tôi, dân chúng bu theo nhìn cả bốn, năm chục người. Vì số người đến coi xe đông quá, phó Thập phải để xe ở giữa sân gạch, bảo thợ mộc làm một cái giá cho xe đứng để dân chúng coi suốt một tuần. Ban đêm sợ sương làm hư xe, phó Thập và thằng con rinh vào trong nhà, trịnh trọng để giữa phòng khách rồi sáng hôm sau lại mang ra sân cho bà con coi.
Bữa đó đúng vào dịp ông Táo chầu thiên đình. Nhân dịp nhà có sẵn lợn, phó Thập mời những người trong họ và bạn thân đến ăn bữa cơm gọi là mừng chiếc xe đạp. Con lợn nhỏ khoảng 35 kg được ngả ra. Vì quá bận với công việc giết mổ hàng ngày, Phó chỉ làm cỗ thái phay tức là không có giã giò. Mâm cỗ gồm thịt luộc, chả xương, chân giò ninh miến và kho mặn ăn với giưa cải bẹ chua, rau cần xào lòng. Vậy mà cũng hết 15 mâm, ấy là mâm 6 người chứ không theo cỗ làng, mâm chỉ có 4.
Cái xe đạp được để ngay phòng khách cho các cụ vừa uống rượu vừa ngắm. Bữa tiệc này ăn mừng là vì cái xe đạp, cũng long trọng như quan Cử nhân mới đậu về làng vinh qui bái tổ.
Rượu ngà ngà, có mấy người cắc cớ bảo phó Thập chạy vòng vòng quanh sân cho họ coi thử vì cái sân khá rộng nhưng phó lắc đầu, chưa phải lúc chạy xe. Vả lại, rượu ngà ngà thế này chạy rất dễ ngã.
Sau bữa ăn mừng một tuần, khách coi đã vãn, phó Thập bảo thằng con mang xe vào trong phòng khách. Xe còn rất sạch nhưng phó vẫn bắt thằng con, cả hai cha con, mỗi người một vuông vải kaki Nam định mới tinh lau đi lau lại khắp mọi chỗ trên cái xe, đến không còn một hạt bụi. Phó Thập đã mua từ tỉnh về một ít mỡ bò. Phó cho mỡ bò vào xích xe để xích lâu mòn và đi cho êm. Phó cũng mua một cái bơm tay để nếu bánh mềm thì phó bơm cho căng lên.
Sau đó phó Thập đi kiếm hai cái ròng rọc dùng cho thuyền buồm và hai sợi giây thừng. Phó buộc mỗi đầu giây vào cổ và yên xe, giây chui qua hai cái ròng rọc gắn trên xà nhà, rồi phó một đầu giây, thằng con một đầu giây, hai cha con trịnh trọng kéo đồng thời hai sợi giây để treo cái xe đạp lên xà nhà ở ngay giữa phòng khách. Khách đến coi cái xe đạp, tuy ít dần đi, nhưng ngày nào cũng có. Vài ba ông khách, do tính hiếu kỳ, đã yêu cầu phó Thập thả hai đầu sợi giây cho cái xe đạp hạ thấp xuống cho dễ ngắm. Phó đều thỏa mãn tất cả.
Cái xe nằm yên vị trên đó được một tuần thì phó Thập hạ nó xuống, dắt ra sân. Phó tính đi thăm bà thím ở cách nhà phó khoảng hơn 2km. Lẽ ra phó đã đến thăm mấy hôm trước vì nghe bà thím bệnh nhưng phó chỉ ngại lái chưa vững đâm vào người đi đường thì xấu hổ. Từ hôm đưa xe về, phó chưa lái lần nào.
Để yên chí đường đi sẽ tốt, phó bắt một anh con trai cùng đi với phó, mỗi người một cái xẻng, kiểm soát hết con đường xe sẽ đi, phân trâu phân bò xúc đổ xuống rãnh, chỗ nào có lỗ chân trâu thì lấy đất đổ cho đầy xong dùng chân dận xuống cho bằng. Chỗ nào quá cao thì san xuống. Khi đã sửa sang con đường chu đáo giống như người ta sửa đường đón quan tỉnh, quan huyện về, hay là chuẩn bị cho đám rước kiệu của tôn giáo, bấy giờ phó Thập mới trịnh trọng và thật hồi hộp leo lên xe, đạp từ sân ra đường rồi cứ theo con đường đã sửa cẩn thận mà lái đến nhà bà thím.
Phó mặc cái quần trắng và cái áo the đen, đi chân không cho dễ đạp, đầu đội nón dứa có quai rịt vào cằm như hàng tổng lý. Hai ống quần rộng, phó Thập dùng hai cái kẹp để phơi quần áo, kẹp lại cho nó khỏi lòa xòa vướng vào xích. Vạt sau áo dài, phó cũng dùng một cái kẹp kẹp nó vào cái poóc-baga cho gọn gàng. Phó đã thấy có người vạt sau áo này cuốn vào căm xe phía sau, kéo rách cả áo mà có khi người cũng bị kéo ngã sấp xuống, rất nguy hiểm.
Trẻ con đi theo coi rất đông làm phó run và cuống, suýt lao xuống sông hai lần. Phó vã mồ hôi trán dù tiết trời đang lạnh. Sau bữa đó, phó có nói lại với vợ con, giá đi bộ có lẽ sung sướng hơn, nhàn nhã hơn, bớt lo hơn. Phó chưa quen tay lái nên hễ lên xe là cái xe cứ lao đi vùn vụt, dù phó không muốn đi nhanh như vậy.Thực ra xe đi không nhanh nhưng với tay lái còn lọng ngọng, phó nghĩ là nó đã đi quá nhanh!
%%%
Phó Thập giữ cái xe chạy cho đến cuối năm 1954, phó phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn và cái xe đạp thân thương nhiều năm để di cư vào miền Nam tìm tự do.
Tài sản của phó do giết lợn và nuôi lợn nhiều năm là một tài sản đáng kể ở nông thôn Bắc Việt lúc đó. Chẳng gì cũng hai mẫu ruộng tư nhất đẳng điền; thổ đất 5 sào với ngôi nhà ngói 5 gian và nhà phụ thuộc, có tường hoa, cổng ngõ, sân gạch như nhà ông quan hay nhà phú hộ giầu nhiều đời, một con trâu cái và một con nghé và cái xe đạp trông còn như mới vì phó giữ gìn rất kỹ.
Phó Thập tiếc đứt ruột, của một đời dành dụm vất vả nhưng vợ chồng phó không dám rao bán. Bán có nghĩa là sẽ di cư vào Nam, tội lăng trì! Phó âm thầm bày mưu tính kế và ra đi. Chỉ đứa con gái thứ ba tên Sợi, lấy chồng ở mạn bể tức Cồn Tròn, Cồn Vành; vợ chồng nó và một đứa con không về kịp để cùng đi với đại gia đình phó Thập lên Hà Nội. Khi vợ chồng con Sợi về tới Vạn Lộc thì cán bộ cộng sản đã chiếm nhà phó Thập và đại gia đình của phó Thập đã đi lên Nam định ba ngày rồi. Hai vợ chồng nó lại nhà bà thím, nó ngồi khóc rưng rức. Du kích lại vào dọa nếu nó tìm cách trốn theo sẽ bị bắt ở tù không có ngày ra cả hai vợ chồng.
Vợ chồng phó Thập bỏ lại gia đình con Sợi đau xót lắm nhưng chẳng biết sao hơn. Cả nhà đã chờ thêm một tuần rồi mới đáp xe lửa xuống Hải Phòng, nhưng càng mong càng mất. Nguyên do là vì bố chồng con Sợi bệnh sắp qua đời, nó và chồng nó không nỡ bỏ bố sắp chết mà đi. Thế là vợ chồng nó và đứa con phải ở lại. Sau 30 thánh Tư năm 1975, vợ chồng phó Thập có về Vạn Lộc thăm quê một lần. Phó xuống tận vùng bể tìm con Sợi và chồng nó tên Hội. Người ta bảo hai vợ chồng nó và đứa con nhỏ đã bỏ quê đi lâu lắm rồi, chẳng biết bây giờ còn sống hay đã chết. Vợ phó Thập thương con ngồi rấm rức khóc.
Có ông già ở Vạn Lộc nói hai vợ chồng Hội-Sợi trốn ra Nam định nhưng bị bắn chết ngay hồi đó, tức 1954. Chuyến đó hai vợ chồng ông già này cùng đi, có vợ chồng Hội-Sợi với đứa con 2 tuổi và hai gia đình nữa rủ nhau đi trốn nhưng không thoát. Cả thảy 18 người, bị bắn chết 13, chỉ còn ông già và 4 đứa trẻ mồ côi. Vợ ông già cũng bị đạn, hai ngày sau thì chết.
Vợ chồng phó Thập nghe câu chuyện thương tâm ngồi khóc lóc chán rồi chẳng biết sao hơn đành lên máy bay trở lại Sàigòn. Đó là năm 1977.
Từ ngày vào Nam, phó Thập và gia đình vẫn ở trại Bùi Phát đường Trương minh Giảng.
Năm 1992, phó Thập đã thành ông cụ gần 90 tuổi. Cụ phó Thập từ ngày vào Nam năm 1954 vẫn còn nghề mổ heo nhưng cụ không phải làm nữa. Hai anh con trai và anh con rể đảm đang mọi việc. Cụ phó ngày nào cũng có một bữa đánh chén dù bây giờ cụ uống yếu hơn xưa nhiều.
Khi di cư vào Nam, cụ còn lận vào lưng quần được 5 lạng vàng Kim Thành 9999; từ mấy năm nay, cụ giao cho vợ giữ một nửa, cụ một nửa. Bà cụ lại đi nhờ thợ kim hoàn đánh ra vài chục cái nhẫn, nhỏ nhỏ vậy lúc muốn bán đi tiêu cũng dễ mà giữ cũng dễ.
Cụ phó Thập dùng một sợi giây gai rất chắc xâu vài chục cái nhẫn vào với nhau và lận trong người. Năm 1994, cụ bị bệnh rồi qua đời. Bà cụ Thập và đám con lớn lúc thay quần áo cho cụ để tẩn liệm, có ý tìm cái xâu nhẫn. Nhẫn vẫn còn đủ số nhưng khi đem ra tiệm vàng bán thì hàng vàng bảo toàn nhẫn giả, chỉ có dăm cái là vàng thiệt. Cả nhà sửng sốt. Tìm kiếm nguyên nhân thì ra thằng con trai út rượu chè bài bạc giai gái, cứ mỗi lần thiếu tiền là về nịnh nọt ông cụ, đổ rượu cho cụ uống xong cụ ngủ quay ra. Hắn lấy nhẫn vàng và tráo cái nhẫn giả mạ vàng vào đó.
Rõ là thằng con ác ôn!