Em thấy cần phải cho anh biết một cách thẳng thắn là trong thời gian anh…mê gái, em cũng đã có một người bạn trai mới!...
Diệm Mi vừa tô son vừa nói vọng vào phòng khách:
- Biết hôm nay anh có giờ lên lớp trễ nên em không đánh thức. Bánh mì trong lò nướng còn cà phê thì em đã chế vô bình rồi, anh vô ăn sáng đi cho nóng.
Không có tiếng trả lời. Cả tuần nay Hiển vẫn cứ lầm lỳ như một cái xác chết biết di động, tê liệt mọi xúc cảm bởi vì anh không làm sao tiêu hóa được lời thú tội của vợ. Anh muốn la hét, muốn đập phá tất cả tan tành để thỏa mãn cơn thú tính đang lồng lên trong người; nhưng rồi trước một bùng nổ, lý trí là thứ cuối cùng còn thoi thóp trong anh lại như đang nheo mắt đùa cợt nhắc nhở cho anh biết, anh mới chính là thằng đầu têu đã đưa gia đình tới nguồn cơn tan tác như hiện nay.
Giá như năm trước anh đừng quá lú lẫn đến nỗi tự tin rằng, Kim Hoàng, một cô gái xinh đẹp, hấp dẫn, thua anh đến 36 tuổi đời ấy sẽ yêu anh cho đến tận ngày răng long tóc bạc như cô vẫn thầm thì bên tai anh hằng đêm, thì bây giờ nỗi đau đớn ê chề đâu có bóp nát tim anh đến hai lần như thế…
Lần thứ nhất xảy ra hồi Giáng Sinh. Buổi sáng hôm đó anh còn lơ mơ ngủ thì Kim Hoàng gọi qua. Cô nũng nịu trách móc Giáng Sinh là mùa cưới bên này, bạn bè làm chung khách sạn với em ríu rít phân phát thiệp hồng, em thấy mà tủi ghê. Thậm chí những cô nàng xấu như cá sấu mà cũng vênh vang có người đến rước đi, còn bé yêu của anh cứ phải thui thủi một mình, dù cho bao người săn đón em vẫn then cài cửa đóng chờ đợi có mỗi mình anh. Mới xa nhau có 4 tháng mà chao ơi, dài lê thê như là 4 năm, nhưng thôi, đến Tết Nguyên Đán vậy, về với em anh nhé. Người đẹp mà lời cũng đẹp, nghe tới đâu là Hiển thấy người cứ rạo rực lên như vừa được uống sâm. Cú điện thoại của Kim Hoàng đưa Hiển đến một quyết định táo bạo, tại sao không nắm bắt cơ hội ngay, đại học cho sinh viên nghỉ lễ đến 3 tuần, còn gì để mà chần chừ.
Ngồi trên máy bay mà gan ruột Hiển tự dưng bất yên, chộn rộn. Anh tự cười mình, sáu mươi tuổi đời rồi mà vẫn sôi sục y như hồi trai tân. Phải cám ơn Kim Hoàng đã chu môi thổi phù vào đời anh một luồng gió xuân thì phơi phới như thế, chứ mà cứ ở đời với vợ anh, Diệm Mi đó hả, chắc giờ đây anh sẽ cứ mãi trì trệ, lù đù như một công chức mẫu mực, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, 19 giờ ăn tối, 20 giờ nghiêm chỉnh chờ xem bản tin chính thống của kênh số 1 trong ngày, và đêm nào cũng tắt đèn đi ngủ trước 10 giờ tối như một bầy gà công nghiệp. Độ này khi nghĩ đến Diệm Mi anh thường nhìn bằng một cái lăng kính ảm đạm, mờ đục chưa từng thấy. Người đàn bà ngày xưa từng nổi tiếng là hoa khôi, anh phải đánh đông dẹp bắc mới xin được bàn tay nàng, giờ có của lạ rồi, người xưa trở thành đơn điệu, nhàm chán. Đó là ngoại hình đến chuyện nội trợ còn ngán ngẩm hơn. Những ngày chung sống với Kim Hoàng, hôm nào cô bé cũng xăng xái trổ tài mỗi bữa ba bốn món cầu kỳ bổ dương lợi khí, nài ép anh phải ăn suýt bội thực, trong khi 24 năm sống chung với Diệm Mi quay đi quay lại chỉ mỗi món đồ xào, trộn chung với cơm, mỗi người ôm một tô cứ như là cho tù ăn; rồi những lúc Hiển đi đâu về, Kim Hoàng luôn luôn chờ đón anh tại cửa nhà với một chiếc khăn mát lạnh và một vòng tay ôm quanh cổ rừng rực đam mê, còn về với vợ thì nhà cửa gì mà lạnh lẽo như nhà mồ, anh phải thò đầu vào từng phòng mới tìm ra được vợ đang mê man đọc sách còn hơn cả mê chồng, và nhiều bận quên nấu ăn, cô đã hồn nhiên mời anh trệu trạo nhai món bánh mì đen cứng ngắt, chọi chó chắc chắn chó chết ngay. Những thứ đó, Hiển nghĩ cũng chưa là hệ trọng, có lẽ vì.. lâu rồi, đời mình cũng qua,nhưng cái làm anh chạnh lòng nhất là mỗi khi nghĩ đến là sự xung khắc giữa hai vợ chồng. Ngày tiếp ngày với những tranh cãi không cần giữ ý dần dà dẫn tới sự chai cứng trong mọi cảm giác. Còn đâu cái ấm áp, cái nâng niu đầy ấp tin yêu khi được cọ sát, gần gũi nhau; cầm tay vợ mà thản nhiên cứ y như cầm chính tay mình thì coi như cuộc tình đã đi vào đoạn cuối.
Chuyến bay dài 17 tiếng lê thê rồi cũng chấm dứt việc hành hạ những kẻ đang hồi xuân như Hiển. Không cần đưa đón gì cả, anh nhảy ngay lên Taxi về căn hộ của Kim Hoàng để dành cho cô sự ngạc nhiên mà theo anh là đầy ấn tượng nhất kể từ khi hai người quen nhau. Chưa kịp chui ra khỏi xe, nhìn sang đường đã thấy Kim Hoàng đang ỏng ẹo đi ra. Đêm hôm khuya khoắt mà em tôi đi đâu với bộ đồ thiếu vải, rất dễ trúng gió vậy kìa? Bất ngờ từ trong hẻm một chàng trai phóng xe phân khối lớn trờ tới. Áo chim cò phanh ngực, dây chuyền, đồng hồ vàng chóe trang bị tận chân răng chứng tỏ chàng ta thuộc loại chịu chơi, bản lĩnh. Kim Hoàng nhanh nhẹn phóc lên yên sau, đầu ngã vào lưng, ngực ép sát, hai tay ôm eo chàng trai khít rịt, bảo đảm không một con kiến nào chui lọt. Đôi trẻ biến vào đêm đen.
180 năm trước, Nguyễn Du đã mô tả Từ Hải chết đứng ra làm sao chắc giờ đây Hiển cũng đã đứng chết như thế. May mắn Việt Nam không phải là Mỹ, súng ống không được tự do giắt kè kè bên lưng, nếu không, chắc chắn đêm đó ít nhất thành phố cũng phải có ba người chuyển hộ khẩu xuống âm phủ! May mắn thứ hai nữa là nhờ vào thói quen sáng nào cũng đứng dưới bông sen tắm nước cực nóng-cực lạnh xoay vần trong vòng 3 phút đã giúp cho sự tuần hoàn máu trong cơ thể của Hiển đề kháng được mọi bất biến, dù là cơ học hay tâm lý tác động từ bên ngoài vào, nếu không thì nguy cơ tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim trước một sự cố kinh hoàng như hôm đó sẽ dẫn tới việc đột quỵ như chơi.
Hai ngày sau Nôel Hiển mới lấy được vé qua lại được Đức. Ngồi đợi máy bay ở phi trường, mua một tờ báo đọc đốt thì giờ, vô tình có hai câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm làm Hiển chết điếng: Quả tim anh như căn nhà nhỏ. Gió em vào nếu chán gió sẽ ra. Hiển đã trúng nhầm ngọn gió độc nhất trong đời một người đàn ông, đó là ngọn gió phản trắc, ngọn gió dối gian. Bỏ cả giang sơn vì mỹ nữ – Ai ngờ mỹ nữ thích giang sơn ! Anh nghiến răng kèn kẹt nguyền rủa Kim Hoàng không tiếc lời (tuy vốn từ của anh trong lãnh vực này nhiều nhặng lắm là đầy một cái lá mít). Anh đầu hai thứ tóc; anh, học vị cao nhất nào cũng có trong túi, suốt cả đời toàn gặt hái được những thành công khiến anh tự tin đến độ thấy việc làm nào của mình cũng chuẩn xác, vậy mà nay bị một con bé nhãi ranh gạt cho ngã nhào, xấc bấc xang bang! Ô hô! Thiện tai! Thiện tai!
Từ ngày trở lại Đức, Hiển chán chường thả nổi cuộc sống của mình. Buồn rầu, nhục nhã, hối tiếc nhăng nhẵng bám theo anh vào tận cả giấc ngủ, còn ban ngày tuy vẫn lên lớp đều đặn theo một quán tính vô thức nhưng hồn vía của Hiển thì mụ mị trong một cõi hoang hoải u sầu nào đó. Tệ hại đến nỗi không ít lần bọn sinh viên phải âu yếm nhắc nhở, thưa giáo sư, chương này giáo sư vừa giảng ngày hôm qua rồi đấy ạ. Một lỗi lầm gần 30 năm đứng trên bục giảng anh đã chưa lần nào va vấp. Từa tựa như sự ăn năn pha trộn với lòng bao dung của các Phật tử thuần thành vào những ngày đại lễ thường phóng sanh chim muông, cuối học kỳ đó, anh phá lệ cho tất cả sinh viên ban cao học tồn đọng từ nhiều năm, đều đậu trót lọt cái môn Vật lý Hạt Nhân hắc ám mà họ khiếp sợ đến mất ăn mất ngủ từ bao kiếp nay. Buổi tối vò võ một mình còn kinh khủng hơn, Diệm Mi tràn ngập trong đầu anh. Hình ảnh ngày đầu mới yêu, rồi lúc Diệm Mi hạnh phúc ngời ngợi ngồi chăm chỉ đan vớ nón cho đứa con đầu lòng; anh hình dung lại cả lúc anh đang lo lắng đi lại trước phòng hồi sinh, Diệm Mi hôn mê bằng bặc vì bị băng huyết suýt mất mạng…
Hiển còn nhớ những lúc vợ chồng cãi lẫy nhau, phải thành thật công nhận bây giờ nghiền ngẫm, lời nào Diệm Mi nói đều đúng như thánh:
- Anh tin em đi, các cô ấy chỉ dùng đàn ông bên này làm cầu nối để thoát khỏi cảnh túng cùng chứ làm sao mà còn chuyện cú sét ái tình ở thời đại này nữa đâu anh. Anh còn nhớ ông Rê không, cái ông hôm trước tới sơn nhà ông bà ngoại đó. Ông Rê đọc báo còn đọc ngược, vậy mà về Việt Nam qua lại, ổng kể với ông bà ngoại, con gái bên đó bu ổng phủi đi không hết, nhưng không biết mấy cô có thiệt lòng không nên bây giờ sáu mươi ngoài rồi mà ổng vẫn cứ chèo queo một mình!
Ngày đó tay chưa nhúng chàm, Hiển còn gằn giọng với vợ:
- Mấy bà ỷ sống bên này rồi bà nào cũng ta đây. Mở miệng ra là chê con gái trong nước mánh mung, lươn lẹo. Nhưng đâu phải cô nào cũng vậy. Thiếu gì người tử tế, biết yêu thương thật lòng.
Diệm Mi cười khẩy:
- Mơ đi anh! Những cô đứng đắn họ đã lấy người họ yêu, cùng trang phải lứa, chớ dại gì đi lấy một ông cao niên sắp vô viện dưỡng lão để đem về hầu hạ báo cô chắc!
Vậy mà cũng chưa hết ấm ức, Diệm Mi còn hậm hực thêm:
- Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ đâu anh. Nhân tiện đây em cũng chơi bài ngửa với anh luôn, ngày nào anh chán em rồi thì anh cứ nói thẳng với em một tiếng, bây giờ cô già quá rồi, cô vừa dữ dằn vừa đanh đá, tôi không thể sống thêm với cô một ngày nào nữa. Thà anh cứ nói như thế, em sẽ đau lắm nhưng chúng ta sẽ chia tay một cách đàng hoàng. Đời em thù nhất là chuyện vụng trộm, bắt một tay hai cá. Em thề rồi, ai du côn với tui thì tui cũng sẽ du côn lại!
Gớm chưa, con nhà tử tế, lại có học mà nói năng cứ y như là dân cửu vạn ngồi ở chợ người. Chuyện gì chớ cãi lý là Hiển không bao giờ chịu thua:
- Em nói gì cũng phải có cái logic, cái trật tự tuyến tính của nó chứ; sự việc nào cũng diễn biến qua thời kỳ quá độ rồi mới đổi mới hoàn toàn được. Ví dụ như anh quen cô nào anh cũng phải tìm hiểu cho thật cặn kẽ rồi mới quyết định. Chớ ai mà quen gái hôm trước hôm sau đã đùng đùng về đòi chia tay vợ, sau đó lỡ gặp thứ cà chớn thì có phải trớt quớt cả hai đàng không ?
Hiển nhớ Diệm Mi đã nhìn anh với đôi mắt không phải mang hình viên đạn mà mang cả kho đạn căm hờn :
- Anh nhiều cuống họng quá em nói không lại. Nếu em cũng nói với anh những câu như vậy khi em quen với một người đàn ông nào khác, thì anh nghĩ sao? Anh có cho em thời gian quá độ không, hay anh đã bóp cổ em chết liền tại chỗ hả anh ?
Sau này, lúc Hiển và Diệm Mi rã đám, không ai bóp cổ ai cả, cũng không có ai du côn với ai luôn. Anh nhớ khi anh ngập ngừng đề nghị chia tay, Diệm Mi đang ngồi chải tóc trên giường. Nghe xong, cô đã bất động như hóa đá. Bộ đồ lụa tàu, đỏ rực đã không ánh được một sắc hồng nào lên mặt Diệm Mi, mà trái lại, nó còn làm nền để tôn gương mặt trắng như tuyết, suối tóc đen như mun và đôi môi mộng đỏ mím chặc gần như bật máu của cô. Hình ảnh trước mắt làm Hiển ngây ra, chưa bao giờ anh lại thấy vợ mình đẹp đến chết người như thế, anh xúc động nghẹn cả lời như khi chiêm ngưỡng một kiệt tác của nhà danh họa. Tự dưng trong một tích tắc Hiển đã phân vân, mình có thả mồi bắt bóng, có đem vàng ròng đổi vàng mã hay không đây(?) Nhưng sau đó rồi anh cũng đành đoạn bỏ đi. Bây giờ mặt mũi đâu mà đến cầu mong người ta thứ tha. Nghĩ vậy chứ đêm đêm Hiển cứ âm thầm tha thẩn qua nhà cũ, ẩn mình vào hàng trắc bá diệp nhìn bóng Diệm Mi thấp thoáng bên khung cửa, để đêm về tiếc nuối ngẩn ngơ.
Khi Hiển tưởng mọi thứ đã vụt khỏi tầm tay thì Diệm Mi tự nhiên bao dung hỷ xả. Liên lạc mãi với Hiển để kết thúc giấy tờ ly dị mà không được, đành phải ghé vào trường đại học, nơi anh đang giảng dạy, Diệm Mi mới biết anh phải vào viện vì cơ thể suy nhược đến nỗi nước tràn vào cả phổi. Lúc đầu cô đến thăm anh cũng như đi thăm một người bạn cũ nhưng dần dần nhận ra không phải cơ thể mà cả tinh thần anh cũng suy sụp hoàn toàn khiến Diệm Mi rưng rưng mềm lòng. Vợ chồng thì khắc khẩu nhưng hiểu nhau đến từng chân tơ kẽ tóc, mà cũng có khi không cần phải van xin, một cái nắm tay run rẩy, một ánh mắt khắc khoải cũng đủ để thẩm thấu tới từng tế bào đang hấp hối trong tim. Diệm Mi hận chồng nhưng vẫn yêu chồng. Hiển dọn ra khỏi nhà rồi nước mắt Diệm Mi mới trào tuôn. Mẹ cứ hay kể, con Diệm Mi là con đại lỳ, nhỏ không bao giờ khóc nhè nhè còn khi lớn lên tập xe đạp té trầy trụa, tuột cả da đầu gối ra cũng chỉ nghe hắn rên hừ hừ, tuyệt nhiên không thấy một giọt nước mắt.
Mà đâu chỉ Diệm Mi là thành viên duy nhất của câu lạc bộ Chồng Mê Gái, mấy tháng trước đi chợ Á Đông gặp Kim, một người bạn hồi học chung đại học, đang cắp tay một ông người Đức, cao to như cái cối xay bột mì trong khi Kim thì bé loắt choắt như cái kẹo, Diệm Mi trợn tròn cả mắt:
- Sao lại có sự thay máu ở đây? Đừng nói với ta ông ấy là ông hàng xóm tốt bụng cho mi đi xe nhờ đó nghe. Lão chồng quanh năm hen suyễn của mi đâu rồi?
- Về Việt Nam lấy tiên nữ rồi. Việt Nam mình cái gì cũng thiếu thốn, chỉ riêng cái khoản gái tơ thì thừa mứa. Lúc đầu ta cũng hận lão hen ấy lắm nhưng mới đây tình cờ gặp lão ngoài đường, ta chủ động chạy tới nói với lão, thiệt lòng em phải cám ơn anh vô cùng, sao anh không bỏ em sớm sớm hồi 5, 10 năm trước, để em khỏi phải mất đi những năm tháng hạnh phúc trần gian với ông bồ của em hiện nay!
Hai người đàn bà ôm nhau cười ngất. Kim tình tứ nháy mắt với bạn tình mới, liến thoắng kể tiếp:
- To như gấu mà lại hiền như thỏ, bị ta ăn hiếp quá chừng. Tới sở làm thì ổng là sếp phòng mình còn về nhà thì mình lại leo lên làm sếp của ổng, oách chưa? Vậy mà cũng chưa oách bằng con Ngân ròm em gái ta, chồng nó cũng về Việt Nam lấy tiên nữ luôn. Con Ngân nó sùng quá, tìm tới thẩm mỹ viện sửa sang nâng cấp cái mặt tiền, rồi tân trang cả điện nước bên trong lên hàng tiêu chuẩn quốc tế. Tháng rồi đám cưới nó với tay bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ cho nó, linh đình hết biết. Ông ăn chả thì bà phải ăn nem mới cân đôi. Đọc luôn cho mi nghe mấy câu thơ chua của một nhà thơ ẩn danh, dành tặng riêng cho các chàng Việt kiều yêu gái: Hôm qua anh đến nhà em/ Ra về mới nhớ rằng quên năm ngàn / Anh bèn quay lại vội vàng/ Em còn ngồi đó, …năm ngàn mất tiêu.
Lại một trận cười. Kim sực nhớ ra, quên hỏi chuyện chồng con mi độ này ra sao, Diệm Mi miệng vẫn còn cười, nhưng cười như mếu:
- Ông Hiển nhà mình cá mè một lứa, đang ôm một em trẻ măng, tuổi đáng đầu con. Vài tháng nữa giấy tờ ly dị bọn mình sẽ hoàn tất.
Kim lại sôi sục lên nguyền rủa cái giống bội bạc, và sau đó an ủi Diệm Mi bằng cách hăng hái đề nghị sẽ giới thiệu cho Diệm Mi sếp tổng của nó, hiện đang độc thân và rất thích mẫu người đàn bà Á Châu thùy mị như Diệm Mi, bảo đảm chàng mà gặp mi, chàng sẽ hồn xiêu phách lạc liền. Về nhà làm bà Tám, buôn dưa lê cho mẹ nghe chuyện chị em Kim, mẹ xua tay như đuổi tà, mi đừng bắt chước mấy con bạn mi, hiện ngụy hết rồi.
Không biết có phải vì mẹ cứ chơi đòn tâm lý, mưa dầm thấm dai, láy đi láy lại cái điệp khúc, lá rụng về cội con ơi, đến khi nhà thương cho ra, Diệm Mi đã rộng lượng đề nghị Hiển về lại nhà để thuận tiện trong việc chăm sóc.
Về nhà ba ngày, sáng nào thức giấc, Diệm Mi cũng hỏi đêm qua anh ngủ được không? Hiển khí thế, cả năm nay, chưa bao giờ anh lại ngủ ngon lành như vậy, trong người gần như bình phục hoàn toàn. Tí nữa chắc anh sẽ thêm sức bằng cách tắm nóng-lạnh như ngày xưa, em còn nhớ không? Thấy Diệm Mi định há họng ra nói, Hiển càng lên gân, em không tin anh làm được sao, tí nữa anh sẽ biểu diễn cho mà xem. Diệm Mi xua tay, để yên cho em nói, nhu cầu chúng mình bây giờ là nói thật nên em thấy cần phải cho anh biết một cách thẳng thắn là trong thời gian anh…mê gái, em cũng đã có một người bạn trai mới!
Sấm sét nào đang bổ xuống đầu Hiển sáng lòa. Đó là cơn đau thứ hai mà anh phải chịu trong đời. Cơn đau này dữ dội và tàn nhẫn hơn cơn đau với Kim Hoàng hàng vạn lần. Đền đài thần thánh của anh cháy rụi tan hoang còn thân xác anh thì thâm đen, xám xịt. Thà cứ để cho anh nằm cô quạnh trong nhà thương còn hơn vực anh về đây rồi đốn ngã anh bằng những đòn roi vô hình xé toạc thịt da. Nổi khùng nổi điên lên mấy cũng ráng mà ngậm tăm chớ quyền hạn đâu nữa mà trách cứ người khi lỗi mình còn bầy hầy ra đó. Hồi Hiển còn kè kè một bên mà cũng có mấy tay ba trợn nhắm nháy cô, gặp thời cơ vườn hoang nhà trống như năm rồi, ngu gì tụi nó không nhào vô bốc hốt.
Lúc còn phong độ, chưa bị bó rọ trong hoàn cảnh bế tắc, Hiển rất ít khi tin vào những điều mà anh cứ cho là siêu hình, như khi đọc một câu tiếng La Tinh trong Kinh Cựu Ước: Par pro pari referto (xin tạm dịch một cách vụng về là gieo gió ắt phải gặt bão), thì nay nghiệm lại với những hành động u mê của mình, anh mới thấy luật trời sao mà công tâm minh triết vô cùng! Khổ nỗi cái cách suy nghĩ hạn hẹp với cục bướu phong kiến to chần vần ngày cứ cương phồng trong đầu Hiển, đè lên bán cầu não trái, nén lên bán cầu não phải, khiến anh ngộp ngạt đau đớn gần như quằn quại…
Bước ra khỏi nhà Diệm Mi mới biết trời đang mưa. Mưa bụi mỏng tang không đủ làm ướt áo nhưng cũng làm không khí ấm sực lên. Diệm Mi khoan khoái hít đầy lồng ngực mùi hoa hồng xen lẫn với oải hương thảo, và có cả mùi hơi đất nồng nồng mà cô lúc nào cũng mê mẩn. Diệm Mi dịu dàng cúi xuống luống hoa mấy tuần trước còn trơ một màu đen khô cứng, hôm nay đã nảy lên cơ man những chồi non bụ bẫm của các sứ giả mùa xuân, nào là uất kim hưong, dạ lan hương, bạch dã quỳ, thủy tiên… nhìn không chán mắt. Còn đúng một tuần nữa là đến hôn nhật lần thứ 25. Hôm qua len lén thử lại bộ váy cưới, Diệm Mi sung sướng vì chui vào vẫn còn vừa vặn, khít khao. Diệm Mi và Hiển lấy nhau vào mùa xuân và sinh con cũng vào mùa xuân. Chao ơi, bao nhiêu là mùa xuân nồng ấm. Hai mươi bốn mùa xuân đầu tiên mình đã một lòng một dạ đóng hết mình vai tỳ nữ tận tụy với chồng con; năm trước được chồng ưu ái cho chuyển lên làm đào thương, khóc ngày khóc đêm suýt nữa là đui luôn hai con mắt như Lục Vân Tiên khóc mẹ; còn mấy tuần vừa rồi thì tự biên tự diễn vai đào lẳng để bắt chồng trải nghiệm nỗi đau của kẻ bị phụ tình. Nhưng tuồng diễn đến đây kéo màn là vừa, hành hạ phạm nhân đã nư rồi, ký giấy khoan hồng đi thôi. Những buồn phiền nặng trĩu, những hờn giận ngút ngàn, những khổ đau gập ghềnh đang vây bủa từ bấy lâu rồi cũng phải được sang trang, nếu không, con người sẽ tự chôn sống vào vũng lầy của chính mình đến chết mất. Chiều nay đi làm về, Diệm Mi sẽ thú thật tất cả: Từ khi anh bỏ tôi ra đi, tôi đã đau đớn co cụm lại, đã lạnh lùng cách ly với tất cả xao động bên ngoài gần bằng các nữ tu dòng kín khổ hạnh, thong dong đâu mà dám tính chuyện trói buộc thêm lần nữa. Và còn một điều thầm kín mà ngay chính mẹ cha tôi hay cả anh cũng không bao giờ nhìn thấu: Lộ diện ra bên ngoài là sự lì lợm, bướng bỉnh nhưng sâu thẳm bên trong, tôi cũng chỉ là một người vợ đằm thắm, nhu mì như ngàn vạn người vợ khác, đối với chồng là cả trời yêu thương hun hút, cung cúc hiến dâng, đá vàng chung thủy, rời nhà cha mẹ ra đi lấy chồng chỉ đau đáu tâm niệm đến cuối đời mỗi một câu: Một lần là trăm năm…
Dưới cơn mưa xuân, Diệm Mi hân hoan mường tượng ra mình sẽ xinh đẹp như thế nào trong lần kỷ niệm đám cưới bạc sắp tới.