main billboard

Có người đi xem vụ xử trảm Trần Quý Cáp về kể lại câu chuyện nhiểm đầy hơi hướm huyền thoại...

lang-mieu
Hai cậu bé, một tám tuổi tên là Hồ Quế, một bốn tuổi tên Hồ Huệ, buổi trưa trốn ngủ đi chơi, ôm nhau vật trên đống cỏ tươi trong chuồng ngựa quan án sát Khánh Hoà Phạm Ngọc Quát. Buổi trưa hè đứng bóng, trời như đổ lửa, trên công đường và tư thất ngài án sát mọi người đều thiu thiu ngủ. Ông thừa lại cũng ngủ gật trên án thư, hai đứa bé lén người lớn ra chuồng ngựa chơi, không ai hay. Một lúc sau, chúng thấy lão mã xa, một người lính già tên là Nạy vô chuồng dẫn con ngựa kim ra cột vào chiếc xe sơn son thếp vàng. Chúng hỏi, lão Nạy nói, chuẩn bị xe cho mợ Bát Đào đi chợ Nha Trang. Mợ bát Đào tên là Phạm thị Tý, trưởng nữ quan án sát, lấy ông Hồ Đào, một thanh niên tài hoa, cầm, kì, thi, họa, đã từng đi thi kén phò mã, thuộc danh gia vọng tộc ở Huế. Ông Hồ Đào xuất thân trường Quốc tử giám, được chính phủ Pháp cho qua Paris tham quan, để thấy sự văn minh của mẫu quốc. Khi về nước ông chỉ nhận được cái bát phẩm, một phẩm hàm rất thấp, chỉ hơn hàng cửu phẩm của bọn hào lý một bậc, nên thường gọi là ông Bát Đào, vợ thì gọi là mợ Bát Đào, Tuy con nhà gia thế, đã học quốc tử giám, được tham quan mẫu quốc nhưng khi về nước ông chỉ được bổ dụng vào chức vụ rất nhỏ, giúp việc, giữ ấn tín cho quan huyện Điện Bàn Quảng Nam. Ông Bát tốt số lấy vợ là trưởng nữ quan án sát Khánh Hoà, sinh được ba con trai là Hồ Quế, năm Canh tí 1900, Hồ Huệ năm Giáp Thìn 1904, và Hồ Thu năm 1905. Ông Bát Đào trong một lần đi xe kéo từ Điện Bàn về Faifo ( Hội An) giữa đường gặp đoàn người biểu tình đòi giảm thuế. Thấy xe kéo ông, họ níu xe dừng lại lôi ông xuống xe đòi đánh chết trị tội hà hiếp dân chúng. Song thật may trong số người biểu tình có người trước đã từng đi kiện, vào huyện đường gặp ông Bát, được đối xử tử tế, công tâm, người ấy liền đứng ra can ngăn, lấy mạng mình bảo đảm. Nhờ Thế ông Bát Đào thoát nạn. Song trong chuyến đi đó ông hiểu thế nào là khí thế hừng hực như lửa, lòng căm thù sâu sắc, sức mạnh vô địch của nhân dân, và chính sách sưu thuế hà khắc của Pháp và cả Nam triều. Trở về huyện đường làm việc lại ông cố sức xin giúp sưu thuế cho dân mấy làng, không được mà còn bị nghi kị, ông bèn cáo bệnh từ quan về nhà vui thú điền viên.


    Song ông vắn số, chỉ qua một cơn bạo bệnh, thương hàn nhập lý, qua đời, linh cửu chở bằng thuyền về quê nội ở Huế, vùng Dạ Lê. Mợ Bát Đào, tuy là trưởng nữ quán án sát Khánh Hoà chồng chết sớm, một nách ba con dại, không có kế sinh nhai bèn về sống nhờ bên ngoại với ba đứa con côi thơ dại, hai đứa lớn và một con nhỏ còn nằm nôi. Quan Án Sát Phạm Ngọc Quát cho con gái và ba cháu ngoại ở chái nhà phía tây, nơi đây kho lẫm và cũng là chỗ ở của gia nhân. Mợ Bát ở với cha không dám nhờ cha, mợ có nghề làm bánh xôi vị ( Xôi ngọt, có pha ngũ vị hương) cắt thành miếng đem ra chợ Thành bán. Người chung quanh biết chuyện, ai cũng cám cảnh, một cô thiên kim tiểu thư, con quan phải làm nghề hạ tiện, nuôi ba đứa con côi. Ai ra chợ thấy mợ Bát bán hàng cũng mua giùm tấm bánh. Bốn mẹ con nhờ đó sống qua ngày.


    Trưa nay hai cậu Quế và Huệ trốn ngủ làm ná cao su bắn chim sẻ. Chỗ chứa cỏ cho ngựa ăn, buổi trưa vắng người bọn chim sẻ thường xuống ăn hạt cỏ và nhặt lá cỏ bay lên chui vào mái nhà làm tổ. Hai đứa thấy lão Nạy sửa soạn xe, thắng con ngựa kim cho mẹ đi chợ Nha Trang. Bọn trẻ thôi trò chơi bắn chim và vật nhau trên cỏ, cố xin mẹ cho đi theo xuống chợ Nha Trang chơi.


    Sáng nay mợ Bát được cha kêu lên, đưa tiền, bảo lấy xe về chợ Nha Trang mua thức ăn làm bữa tiệc thịnh soạn cho cha đãi khách. Nhà quan án sát luôn luôn có khách, quan ta quan Tây…Thường thường việc làm tiệc tùng có kẻ ăn người làm, bếp tây nấu đồ Tây, Chị Hai Huế nấu món Huế, Chị Ba người đàn trong ( Miên lai ) nấu mấy món nam bộ. Chưa bao giờ cô Phạm Thị Tý phải xuống bếp. Riêng lần này thấy cha bảo đi chợ làm tiệc thịnh soạn đãi khách, chắc là khách quí. Cô hỏi:“ Thưa cha khách mấy người?” Quan án trầm ngâm một lúc buồn buồn nói:“Chỉ có một người bạn quí của cha. Thầy Cáp là bạn đồng khoa thi Hội với cha, khoa Giáp Thìn 1904, thường thường đồng khoa cũng là đồng liêu ( Cùng làm quan một chỗ ). Song mỗi người một chí hướng. Thầy Cáp không chịu ra làm việc với Tây, ý thầy muốn đánh đuổi Tây giành độc lập cho dân mình, song đại sự không thành. “Được là vua thua là giặc” là lẽ thường. Người anh hùng dẫu sa cơ thất thế vẫn giữ được khí tiết nhà Nho. Cha thầm khâm phục thầy lắm nhưng cũng chỉ biết ấm ức trong lòng. Ngày sau không biết có ai hiểu cho nỗi lòng cha ? Giờ đây trách nhiệm của cha là phải thi hành lệnh triều đình, vả lại đã thành án. Rủi cho thầy lúc này lại có tin đồn dân chúng trung kỳ sắp biểu tình đòi giảm sưu thuế, Nam triều sợ mà Tây cũng sợ, bọn chúng đòi vua ta giết thầy nhanh để trừ hậu hoạ. Triều đình có chỉ dụ hỏa tốc, người ngựa chạy suốt ngày đêm từ Huế vào Khánh Hoà. Không cứu, không chần chừ được nữa rồi…Thôi thì để tỏ chút tình tri kỉ, con làm tiệc cho cha mời thầy buổi chiều nay. Sáng sớm ngày mai thầy đi xa rồi…”

***

    Cửa tây thành Diên Khánh có một căn nhà năm gian hai chái, thêm phần hậu cung. Cột kèo đều bằng danh mộc đánh bóng, đội trên đầu chiếc mái nhà đồ sộ vỏ cua lợp ngói âm dương. Thời ấy chưa có xi măng tráng nền, nền nhà được lót bằng gạch Bát Tràng chờ bằng ghe bầu từ bắc vào. Không khí trong nhà lúc nào cũng mát mẻ lạnh lẽo. Trong nhà treo đầy trướng liễn, sơn son thếp vàng và treo rất nhiều hình cụ ( dụng cụ tra tấn tội nhân) rất khiếp. Ngôi nhà là công đường xử án của quan án, vừa là chỗ gia cư.
    Ba mẹ con cùng lão Nạy trên chiếc xe ngựa lóc cóc về chợ Nha Trang. Trước khi xuống xe, mẹ dặn hai con:“ Chợ đông người lắm. Hai con đứng chỗ này đừng đi đâu xa mà lạc đường”. Bọn trẻ con nói:“Mẹ nhớ mua gà kéo với nồi hiếu” Chúng rất thích đi chợ Nha Trang để mua đồ chơi, nhất là ghé hàng đồ gốm, mua con gà kéo thổi kêu te te, mua nồi hiếu, là dụng cụ nấu ăn làm theo kiểu bé tí cho trẻ con chơi. Cái nồi chỉ nấu được nhúm gạo. Cái trách kho một con chim sẻ thì đầy. Cậu Quế có tài bắn ná cao su. Bắn được con chim, nhỗ lông làm ruột, kho vừa đầy cái trách, vô nhà xin mẹ chút mắm muối nêm vào là tuyệt. Hai đứa bé đứng bên gốc đa đầu chợ. Một lúc sau mẹ xách giỏ, lão Nạy đội cái thúng to trở ra. Tất cả lên xe quay về. Xe ngựa dừng lại trước chuồng ngựa, lão Nạy tháo con ngựa kim ra cho uống nước đường, cho nhai thêm mớ lúa tươi mới đạp xong. Con ngựa vẫy đuôi giậm chân đuổi lũ ruồi lằn. Lão Nạy tới giếng múc nước, lão thấy một tên lính thú, to lớn mặt mày hung tợn đang khoác nước lên hòn đá màu xanh vỏ cua mài dao nhiều năm võng xuống như yên ngựa.

Người mài dao, lão Bướm, là đao thủ của Nam triều đáo nhiệm biệt phái cho tỉnh Khánh Hòa. Lần này vật lão mài không phải là đoản kiếm, trường kiếm, tiểu đao hay đại đao, cũng không phải mấy mũi thương dài và nhọn cắm trên đầu cái cán. Vật lão mài là chiếc mã tấu, cán làm bằng cây lụi trăm năm, một loại cây mây to mọc thẳng, không bò, rất cứng và dẽo dai, dùng lâu bóng lưỡng, ửng màu tím như đoạn mía mưng. Lưỡi mã tấu dài gần sãi tay, thanh cong mũi vát hình trăng khuyết. Sóng cây mã tấu này rất dày, vì thế trọng lượng chung cái vật nầy nặng cả mươi mấy cân. Chuyện Tàu xưa kể ra trận, có vị tướng công dũng mãnh sả một nhát từ trên xuống dưới, vừa người vừa ngựa địch thủ đứt làm đôi. Lão Nạy hơi hiểu phần nào, nhưng vì việc quân cơ lão không dám hỏi. Cái thằng cha tướng tá hình thù dữ tợn này chuyên chém tội nhân. Lần này hắn không mài kiếm mà mài chiếc mã tấu có nghĩa là tội nhân bị án rất nặng, ít nữa cũng là tội đại nghịch, ấy là hình “ yêu trảm “( chém ngang lưng ) . Mấy ngày gần đây lão nghe phong thanh triều đình chuyển tử tù phạm tội đại nghịch vào thành Diên Khánh, hay là người này? Chắc hắn là chúa đảng trộm cướp giết người không gớm tay, mà cũng không giết một đôi người, thằng phạm này có thể sát hại hàng mấy chục nhân mạng. Lão nghĩ, giết người đền mạng là lẽ thường của trời đất.


    Mài một lúc lão Bướm, đứng lên vươn vai, vặn mình nghe răng rắc. Lão than:“Có tuổi rồi ngồi lâu mỏi lưng quá!” Không ai hỏi han lão cả. Lão tâm sự một mình :“Mình cũng muốn dứt cái nghiệp sát sinh, cáo bệnh về hưu mà chưa có người thay thế. Thôi làm xong cái này nữa thì tìm đệ tử truyền nghề cho nó rồi mình gác kiếm…” Lão cầm cây mã tấu lên nhìn chăm chú vào một chỗ, hình như không vừa lòng vì vẫn còn một nơi lưỡi dao to lớn bị sứt mẻ. Lão lại than:“Dao rựa lâu nay không dùng han gỉ cả, mài cả buổi chiều không hết chỗ mẻ. Không biết từ đời nào bày đặt ra cái hình yêu trảm này thật là ớn xương sống cho tử tội, khổ cho bọn đao thủ như mình. Nhớ năm kia chém thằng tướng cướp giết cả nhà gia chủ ở bến đò Ghềnh, thằng tướng cướp này có luyện linh đan hay sao mà da đồng, xương thép. Hồi đó mình còn trẻ khoẻ thế mà vận hết sức bình sinh vung thanh mã tấu này phạt ngang qua, đụng cái xương sống của hắn đánh cốp một tiếng, khựng lại, không đi “ngọt” như mấy lần khác. Phải chém tới lần thứ hai mới đứt đôi, mất một quan rưỡi tiền thưởng, bị mắng và ê mặt với quan Tây, mà còn mẻ dao nữa. Lần chém tội đó quan ta mời quan Khâm Sứ tới chứng giám để khoe người An Nam ta chém “đẹp” ra sao? Xương thằng cướp có võ nghệ cao cường luyện công, cứng như thép nên mã tấu rèn bằng săt pha gang bén mà giòn bị mẻ một miếng bằng cái móng tay, chiều nay ngồi mài cả buổi không hết. Từ đó tới nay, hình như mấy ông quan án ăn chay hay sao mà chỉ tuyên án trảm giam hậu ( Án tử song giam lại chưa chém ), mình đâm thất nghiệp. Lâu lâu cũng chỉ có cái án trảm, song chỉ thủ trảm, (chém đầu), phớt một cái là rụng, lăn long lóc lượm bỏ giỏ mây đựng đầy bột cưa, chán chết!…”
   

Lão Bướm mới nốc bát rượu, mật mía, mặt mày đỏ gay đang hứng chí, rất ham nói chuyện . Lão Nạy nghe chuyện hắn kể ghê quá, bỏ đi xách nước. Mợ Bát, lão Nạy và hai đứa bé đi ngang qua chỗ nhốt tù. Trong củi mấy người tù đứng nhìn lão bướm mài dao bàn tán. Họ lén liếc nhìn vào chiếc củi góc đề lao. Trong củi chỉ có một người tù, tuổi trung niên, không để râu, cắt tóc ngắn, mặc áo quần theo kiểu Tây, dáng thư sinh. Mợ Bát vòng tay cung kính thưa: “ Chào thầy ạ! ” Người tù khó nhọc đứng lên chào lại. Hai cậu bé bắt chước mẹ, cũng vòng tay cúi đầu lễ phép thưa : “ Lạy thầy ạ!” Còn lão Nạy nhìn ông, phân vân, ông này mà là nhà thâm Nho, đổ tới tiến sĩ sao? Nhà Nho phải để tóc dài búi tó, móng tay, móng chân, cũng không được cắt ngắn. Thời trước Nho giáo xem xương thịt tóc tai con người là cốt nhục cha mẹ, làm con hiếu thảo không được xâm phạm. Lão Nạy không hiểu, tuy ông Trần là nhà thâm Nho song ông lại chủ trương canh tân, đổi mới, nên cắt tóc ngắn, ăn mặc Âu. Lão Nạy nghĩ, thằng Bướm mài mã tấu làm gì nhỉ? Không lẽ lại là con người nho nhã đĩnh đạt này? Chính lão cũng không biết ông là ai? Tội tình gì, e nặng lắm nên đã ngồi trong củi đặt trong hình lao bằng gỗ lim, thanh nào thanh nấy to bằng rui mè ngôi nhà lớn, rất chắc chắn, cổ còn đeo gông gỗ mun đen thấy đã biết rất nặng, tay chân đều bị cùm.
   

Mấy ngày trước có tên cai (trung sĩ) người Pháp cởi con ngựa ô cao to, lên giám sát việc giam giữ ông Trần. Hắn thấy hình lao, củi gỗ, cái gông cổ, cái cùm chân, tất cả đều bằng gỗ, hắn tỏ ý không bằng lòng. Hắn hỏi thằng thông ngôn:
     - Không có khoá sao?
    - Thưa ông Cai không cần khoá. Cánh cửa gỗ lim này chắc hơn thép, được đóng lại bằng cái chốt lớn, phải có chày vồ nện thật mạnh mới mở cửa đề lao. Người ở trong không thể nào tháo cái chốt này ra nổi.
    - Thế đồng bọn của hắn bên ngoài?
    - Làm gì có đồng bọn. Con chuột không chui vào lọt. Vô đây rồi chỉ còn một con đường là về âm phủ…
    - Không được, phải có dây xích sắt, khoá sắt, chắc chắn mới yên tâm, tên đại tội phạm này để sỗng xúi dân làm loạn, cả bọn chúng ta chết với quan trên.
    Ngay ngày hôm đó quan án sát kêu tên thợ rèn Ba Câu tới bảo rèn sợi dây xích nhiều khoen to bằng ngón tay, trông thật chắc chắn. Thằng cai Pháp chạy ngựa về Nha Trang đem lên cái ổ khóa lớn hiệu Baush, một hiệu nổi tiếng chuyên làm tủ sắt cho nhà băng với khoá cho nhà giàu, hiệu Baush của người Đức. Hắn tròng dây xích, tiếng kêu loảng xoảng, bóp khoá tách một tiếng khô khốc, lại cười tự đắc: “Giờ thì có trời xuống cũng chẳng cứu được!”
    Trong khi mọi người lo chuyện giam giữ ông chắc chắn thì ông Trần ngồi yên, đăm đắm dõi theo cánh cò, niềm mơ ước tự do, trắng mỏng như được cắt ra từ những mảnh lụa chao đảo cùng với lớp mây vấn vương như váng sữa đầy trời. Hòn núi Voi sừng sững phía tây như cột chống trời. Trên đỉnh núi Voi lúc ấy có một tảng mây lớn đặc quánh như đất bùn, thỉnh thoảng giữa đám mây có tia chớp, sáng lên giống như chiếc lồng đèn phất bằng giấy, một cơn mưa giông hung tợn chực chờ phía tây làm cho buổi chiều thêm phần nặng nề, ngột ngạt của cái chốn có thể gọi là cõi A-Tỳ có thực trên đời này.
***

    Trần Quý Cáp ( 1870-1908) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo tại thôn Thai La, xã Bát Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ nhỏ ông đã là một học trò giỏi, rất thông minh, đổ đầu thi hương. Đỗ Tiến sĩ khoa thi Hội năm giáp thìn (1904) Ông xuất thân từ một gia đình bần cố nông, Trần Quý Cáp vừa đi học vừa phải lao động đồng áng giúp đỡ cha mẹ. Đỗ xong ông ra dạy học, ông có nhiều học trò. Vào những năm đầu thế kỉ, tình hình trong nước rối ren. Nhân dân sống trong cảnh lầm than cơ cực tột cùng. Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh “Tam Kiệt đất Quảng” đã vận động công cuộc duy tân, đông du, nổi bật là phong trào duy tân ở Quảng nam, phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội. Năm 1906 Trần quý Cáp được bổ giáo thụ Thăng Bình, Quảng Nam. Ở đây ông đã khởi xướng cuộc vận động cải cách xã hội theo ba tôn chỉ:“ Khai dân trí- Chấn dân khí- hậu dân sinh” Ông được giới sĩ phu trong cả nước tôn làm lãnh tụ nhóm tân học.


    Để cách li ông với những đồng chí, Pháp đổi ông vào làm giáo thụ Ninh Hoà, Khánh Hoà. Vào đây ông vẫn không rời lý tưởng đổi mới. Là nhà Nho học đại khoa mà ông lại mời thầy về dạy chữ Pháp và chữ quốc ngữ trong quản hạt. Ông cực lực phản đối lối học từ chương, học để vinh thân phì da, để ra làm quan, để nở mày nở mặt ông cha, tổ tiên dưới suối vàng. Trong năm này nhân dân các tỉnh từ Thanh Nghệ đến Bình Thuận dấy lên phong trào đòi giảm sưu thuế. Địch ra sức đàn áp, quyết tâm dìm phong trào vào bể máu. Ông vẫn liên hệ với các đồng chí ngoài Quảng nam, nuôi dưỡng, phát triển phong trào, kết nạp thêm đồng chí. Địch kiểm duyệt thư từ gửi cho ông và thư ông gửi đi, thấy có đôi câu nói bóng gió về việc chống lại nhà nước bảo hộ, chúng ghép ông vào tội “mạc tụ hữu” ( Tụ họp bạn be xấu ) Thời kì Pháp thuộc luật lệ mỗi miền một khác. Bộ Hoàng Việt Trung Kỳ hình luật, áp dụng chung cho trung kì, bắc kì. Trung kì thì tính từ Bình thuận trở ra đến Thanh Hóa, là đất bảo hộ. Nam Bộ, là đất thuộc địa và Tây nguyên, là Hoàng triều cương thổ áp dụng bộ Hình luật canh cải( (Code pénal modifier ) của Pháp. Trong Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hình luật có qui định tội “Gian nhân hợp đảng” Để xét xử bọn trộm cướp có tổ chức và đông người tham gia. Song cái tội gọi là “mạc tụ hữu” không biết các vị quan án triều đình lấy đâu ra ? Pháp luật không thể qui định một cái tội mơ hồ như thế, quan toà mặc sức muốn kết tội ai cũng được, miển thấy người ta tập hợp thành một nhóm, mục đích tốt xấu chưa biết.


    Chúng ghép ông vào tội xúi dục nhân dân làm loạn, với hình “ yêu trảm” ( Chém ngang lưng ) Thế nhưng trong tấu bản của viên Phụ chính đại thần về trường hợp Trần Quý Cáp thì tội của ông là “mưu phản đại nghịch” Đó là tôi phạm nặng nhất, ngang với tội thí vua, phải là hình “lăng trì” ( Cắt từng miếng thịt cho tới chết ). Song đã được chính phủ bảo hộ và nam triều ân giảm một bậc xuống hình “ yêu trảm” tại Cầu Sông Cạn sáng ngày 5/5/1908. Ngày trước pháp luật cổ có lệ mùa xuân không chém người. Mùa xuân là mùa của cây cối đâm chồi nẫy lộc. Mùa của sinh sôi nẫy nở. Con người không được chém giết, sợ phạm vào đất trời. Năm ấy ngày âm và ngày dương cách nhau đến hai tháng, Chờ qua xuân đầu hạ thì đã đầu tháng 5 dương lịch. Triều đình tư lệnh hoả tốc, người ngựa chạy như bay ngày đêm vào đất Khánh Hoà lệnh thi hành án yêu trảm Trần Quí Cáp gấp, một lãnh tụ cách mạng, một nhà Nho yêu nước. Nam triều cũng như nhà nước bảo hộ nghe phong thanh dân quê lại rục rịch biểu tình đòi giảm sưu thuế nên, ngai vàng và chế độ thực dân lung lay, cần thanh toán viên chủ tướng duy tân sớm chừng nào hay chừng ấy.


    Sáng ngày 5/5 khi hai đứa bé còn thiêm thiếp, đã nghe ngoài đưởng rộn ràng tiếng người và tiếng trống chiêng “tùng bi li” là thứ âm nhạc tử thần. Trên đường có đoàn lính thuộc bộ hình hùng hỗ đi giữa. Lão Bướm, tên đao phủ mặc bộ áo quần nâu. Bộ áo quần này nhiểm không biết bao nhiêu máu tử tội. Đầu lão tóc tua tủa như rể tre chít khăn đào, lão nghênh ngang vác mã tấu đi đầu đoàn quân, toàn một lũ ngưu đầu mã diện (đầu trâu mặt ngựa) Con đường từ cửa tây thành ra cửa đông chưa đầy cây số, người đứng coi chật hai bên đường. Đối với tử tội, con đường ngắn này lại là con đường dài vô tận, nó rất giống với con đường Jésu vác thánh giá lên núi Sọ chịu tội thay thế gian. Con đường trần gian về cõi chết. Đoàn người đi trong tiếng chiêng trống, dàn hiếu nhạc, cây kèn tiện bằng gỗ sao, đầu thổi có cái lưỡi gà lá dừa chuyên thổi đám ma ò e, ò e…cây đàn gáo kéo khúc bi ai, sau cùng là chiếc quan tài gỗ tạp, để trần không sơn phết gì cả. Trong bóng tối mờ mờ của một bình minh mà mặt trời bị lũ ngạ quỉ súc sinh đánh cắp. Đoàn người tới cửa đông trời vẫn còn tối. Cửa đông, cái cửa thành bằng gạch cổ sâu hun hút, bí hiểm như hang rắn hổ mang. Ngày thường, nhìn về cửa đông, cùng một phương tìm thấy mặt trời, cửa mở ra để đón áng sáng, đón niềm vui, đón sự tốt lành. Dân quê ra khỏi thành bằng cửa đông đi về các cánh đồng màu mỡ chung quanh làm lụng, hoàng hôn, khi tiếng chuông tịnh độ chùa Hồng Ân ngân lên mới trở về. Hôm nay không có mặt trời, hứa hẹn một ngày, hay nhiều ngày u ám, ngày nặng nề như chì. Ngày để tang cho người chí sĩ...
***

    Sau này nhiều năm, lão Bướm, tên đao phủ, năm xưa nay đã thành ông lão bảy mươi. Tuy già lão vẫn còn giữ vóc dáng đồ sộ, hình dung xấu xí, cổ rụt vai nhô tướng lòm khòm như con gấu đen, mấy mụ nhà quê thường lấy lão ra nhác mấy đứa bé khóc đêm. Một hôm người lão bỗng gập lại ngang lưng trông như cây thước thợ. Người ta tin lão chém đầu người nhiều quá nên giờ đây cổ rụt, vai nhô, và lưng gập lại như những tử tù chịu hình yêu trảm. Về già tự nhiên chung quanh cổ lão nổi lên một vòng mụn đỏ, chảy nước, hôi thối vô cùng, giống như lão mang một cái kiềng màu đỏ. Người ta gọi ấy là bệnh tràng hạt. Những mụt nhọt ngày càng ăn sâu, vào tới cổ họng thủng thì chết. Bệnh vô phương cứu chữa. Ngươi ta tin lão chém đầu người quá nhiều nên phải chịu cái bệnh quái ác ấy. Một hôm lão không còn đứng thẳng lên được nữa. Lưng lão bỗng gập ngang thắc lưng. Lão đau đớn lo sợ ăn năn khóc lóc, chửi rủa quan quân, chửi rủa bọn Pháp, chửi rủa mình, đập đầu vào cột nhà, chỉ muốn chết. Lão van xin trời phật suốt ngày, lão phát từ bi tâm, xin thí phát qui y, tại ngôi chùa Hồng An. Sư ông trụ trì áo già lam mũ ni, ngồi như pho tượng đá, nghe tiếng nói gầm gừ như hổ báo của lão, sư hé một mắt nhìn con người gớm ghiết cổ quái mà lâu nay sư chỉ mới nghe đồn. Sư bảo lão quì xuống, đặt lên đầu lão một quyển sách cũ, mọi tờ giấy đã ố vàng, giọng hiền từ :“ Đây là bộ kinh “Thuỷ Sám” dùng cho người sám hối ăn năn tội lỗi, thành tâm tụng niệm sẽ được giải nghiệp. Nhà ngươi về tắm rửa thay áo quần sạch sẽ, thắp hương lễ Phật, tụng niệm. Tụng đủ trăm ngày, lên đây ta xem đã giải nghiệp được chưa ? ”


    Lão Bướm quì tạ ơn. Lão đem kinh về hết lòng để tâm tụng niệm, đau đớn xấu hổ, ăn năn tội lỗi, chỉ muốn chết. Trăm ngày sau lão lên chùa. Sư ông bấm đốt ngón tay một lúc, cười lớn, hỏi:“ Nhà ngươi có biết sự tích Đồ tể ném dao thành Phật chưa?” .Thưa chưa. Sư giảng cho lão nghe đã có một tên đồ tể hối lỗi ném dao đồ tể hoá Phật. Sư cười ha hả : “ Thiện tai! thiện tai!…” Sư ông đưa tay ra vỗ đánh bốp vào cái lưng gấp khúc của lão, ra lệnh:“Đứng lên đi đứng thẳng thớm như người ta đi!” Lạ thật, đang lom khom như con gấu trong hang lão Bướm bỗng vươn vai đứng thẳng lên. Lão chỉ cổ mình than :“Còn đau lắm, xin sư phụ gia ân…” Sư ông :“ Ta chẳng có tài gì, tất cả nhờ lòng thành của ngươi và nhờ pháp phật. Lại gần đây” Sư ông sờ cổ lão, vỗ mạnh vào gáy lão, la :“Cởi được cái chuổi tràng hạt, ác nghiệp của nhà ngươi rồi đó!” Lạ thật lão chẳng còn nghe đau đớn gì cả, sờ thử thấy mụt lặn đi đâu cả. Sư căn dặn không cần lên chùa, sống ở thế gian, tu tại gia cũng được, phật tại tâm. Nhớ dứt nghiệp sát sinh dù là con gà con vịt cũng không được cắt cổ. Sư ông ban pháp danh cho lão là “Tâm Giác”. Lão quì mọp khóc, nghe tiếng chân xa dần, ngó lên thấy sư ông giũ áo cà sa bỏ đi vào hậu phòng, bước đi thấp thoáng như trên mây.
***
    Trước đây,trong một dịp say rượu ở quán mụ Tạo, lão kể lại nhiều chuyện ghê rợn trong cuộc đời làm nghề chặt đầu người. Riêng lần chém ngang lưng ông Trần là kì dị và ghê gớm nhất. Khi lão dạng hai chân vung cây đại đao, to dài, nặng, rất bén. Cây đao ấy chém người như chém chuối. Lưỡi dao đi qua thân thể tử tội rất ngọt song lão thấy như mình bị một sức mạnh vô hình xô ngã sấp, cố gượng dậy để nhặt một nửa người tử tội cho vào quan tài. Thế nhưng lão vẫn chẳng đứng lên được. Hai tay, hai chân lão dài ra mọc lông lá, mọc cả móng vuốt, lão thấy mình hoá thú. Lão bò qua trảng cỏ ống cao quá đầu người bò dần xuống cầu Sông Cạn cúi đầu xuống uống nước như cách uống của loài thú. Uống xong lão mệt quá nằm vật vã thở dốc. Sau trở về nhà lão ốm một trận liệt giường ba tháng, mụ vợ vái tứ phương, sau lên Am chúa hầu “Bà mẹ thế gian” ( Thiên Y-A-Na ) xin tha tội, mẹ phán, bỏ nghề đao phủ, đi tu mới giải cái nghiệp sát sinh quá nặng.

***

    Khi lưỡi đại đao lão Bướm mài trên hòn đá võng như yên ngựa huơ lên. Thời gian chỉ là một cái chớp mắt. Theo nhà Phật ấy là một “sát na”. Nhưng là cái chớp mắt mầu nhiệm, giây phút thăng hoa, hoá thân, thời khắc hiển thánh, sâu hoá bướm, người trần hoá thần linh. Lịch sử nước nhà mở ra trang vàng mời ngài ngự vào. Bọn lính La mã trên núi Sọ xưa muốn làm nhục và diễu cợt Jésu làm mão triều thiên bằng cây gai, ấy là “vương miện gai” còn thấy trong những bức tranh cổ. Thì nay nhân dân Khánh Hoà làm vương miện bằng chất kì nam dâng lên ngài, kì nam là trầm kết tinh, một loại vàng nâu của xứ trầm hương. Đầu năm 2003, nghĩa là 95 năm sau ngày người hiển thánh, nhân dân Khánh Hoà trùng tu miếu thờ Trần Quý Cáp, một công trình kiến trúc bản sắc dân tộc, uy nghi, có đại diện đảng, chính quyền, mặt trận và dân chúng Nha Trang Khánh Hoà đến dự thắp hương tưởng nhớ công ơn, khâm phục khí tiết của ngài.


    Có người đi xem vụ xử trảm Trần Quý Cáp về kể lại câu chuyện nhiểm đầy hơi hướm huyền thoại. Câu chuyện truyền miệng qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay vẫn sinh động. Khi Người ngã xuống, trời đất đang quang minh bỗng, nói như mấy người già “thiên hôn địa ám” Trời đất tối sầm. Cây lá xếp lại ngủ. Chim chóc bay về tổ và gà nhảy lên chuồng tìm chỗ ngủ (Chắc hôm ấy nhằm nhật thực toàn phần) Quan Tây làm dấu thánh. Các quan ta, gai ốc nổi cùng mình, chỉ sợ âm báo, tất cả đồng quì mọp xuống, gục mặt chẳng dám nhìn lên. Mới đây mặt trời bị yêu tinh nuốt chửng, trời đất tối đen, cũng vừa ló ra. Hào quang sáng ngời xua tan bóng đen ma quái. Một mặt trời mới, trẻ trung sáng ngời. Vầng dương vĩnh cửu, vạn vật hồi sinh miên viễn./.