main billboard

Di Vật là một truyện sáng tác khá trễ trong đời viết văn của Virginia Woolf...

DiVat
    Lời Giới Thiệu của Người Dịch: Virginia Woolf là một tiểu thuyết gia và nhà viết tiểu luận người Anh được coi như tiên phong trong khái niệm "nữ quyền." Tác phẩm Di Vật (The Legacy) , sáng tác năm 1940, có phong cách viết súc tích, độc đáo. Chỉ vỏn vẹn vài trang  tác giả đã miêu tả được  chân dung của một phụ nữ giữa buổi giao thời của đầu thế kỷ 20, với nhiều ray rứt và dồn nén khiến cho chính người chồng sống cả bao năm bên cạnh cũng không thể ngờ cho đến khi đọc được "di vật" của vợ để lại cho mình.  Phải chăng tác phẩm này là điềm báo trước cho cái chết của chính tác giả – người đã tự trầm mình xuống giòng sông Oise vào năm 1941 để thoát khỏi những hành hạ nghiệt ngã của căn bệnh trầm cảm?

    Di Vật là một truyện sáng tác khá trễ trong đời viết văn của Virginia Woolf. Truyện được “đặt hàng” bởi chủ biên tạp chí Mỹ là báo Harper’s Bazaar – một tạp chí  có tính cách thương mại, chuyên về đời sống và thời trang phụ nữ – nhưng cuối cùng từ chối không đăng, làm Virginia Woolf bị tổn thương tự ái. Cho đến nay không ai biết nguyên do tại sao truyện bị từ chối, hoặc tại sao Harper’s Bazaar lại yêu cầu nhà văn sáng tác truyện. Chúng ta chỉ biết rằng Virginia Woolf là một nhà văn không thích bị gò bó bởi các tiêu chuẩn biên tập của các tạp chí và các nhà xuất bản thịnh hành trong lúc bà còn sống, cho nên đã cùng chồng là Leonard Woolf thành lập nhà xuất bản Hogarth Press, chỉ chuyên xuất bản sách của bà và thân hữu như nhóm nhà văn Bloomsbury, hoặc những truyện dịch của các văn hào Nga. Độc giả sẽ thấy ảnh hưởng của Tolstoy trong Di Vật.

    Trong tiểu luận A Room of One’s Own (Không Gian Riêng của Chính Mình) (1929)  có một câu văn thể hiện toàn vẹn khí chất của Virginia Woolf,  "A woman must have money and room of her own if she is to write fiction" (Người phụ nữ cần phải có tiền và không gian riêng của chính mình nếu muốn sáng tác văn chương.” Trong văn chương, đời sống, và ngay cả cái chết, Virginia Woolf luôn đề cao tinh thần chủ động mà bà nghĩ người phụ nữ hiện đại cần phải có.



"Dành tặng Sissy Miller," Gilbert Clandon nhấc cái trâm cài áo bằng ngọc trai nằm giữa một mớ nhẫn và trâm cài trên chiếc bàn nhỏ trong phòng tiếp khách của vợ và đọc lời đề tặng "Tặng Sissy Miller, với niềm thương mến." Có vẻ như ngay cả Sissy Miller thư ký của nàng, Angela cũng nhớ tới để tặng quà. Lạ lùng thật, thêm một lần nữa Gilbert lại nghĩ rằng vợ mình đã để lại mọi thứ theo kiểu như thế, một món quà nho nhỏ cho tất cả những người bạn của nàng. Như thể nàng đã nhìn thấy trước cái chết của mình. Thế nhưng khi nàng rời nhà sáng hôm đó, cách đây sáu tuần, lúc bước khỏi lề đường ở Piccadilly và bỗng bị một chiếc xe cán chết, nàng ở trong tình trạng sức khỏe hoàn hảo.

Ông đang chờ Sissy Miller. Ông đã cho mời cô ta đến, ông cảm thấy sau bao năm làm việc chung với hai vợ chồng, ông đã nợ cô ta, di vật này thể hiện sự quan tâm. Được thôi, ông cứ việc tiếp tục ngồi đây để đợi, có điều lạ là Angela đã để lại mọi thứ theo một cung cách như thế. Mỗi người bạn nàng để lại chút gì đó để biểu lộ tấm chân tình quý mến. Mỗi chiếc nhẫn, mỗi dây chuyền, mỗi cái hộp nho nhỏ kiểu Trung Hoa – nàng có niềm đam mê với những chiếc hộp nho nhỏ – đã đặt cho hộp một cái tên. Và mỗi cái đều có kỷ niệm nào đó đối với ông. Cái này đây ông đã tặng cho nàng; nó đấy – con cá heo bằng men sứ với đôi mắt bằng ngọc – nàng đã sà vào vồ vập mau cho được vào một ngày trong một con hẻm của thành phố Venise. Ông còn có thể nhớ cả tiếng reo nho nhỏ thích thú của nàng. Với ông, đương nhiên nàng không để lại gì đặc biệt ngoại trừ cuốn nhật ký của nàng. Mười lăm chương ngăn ngắn, được kết lại bọc trong một bìa da xanh lá cây, đang để trên bàn làm việc của nàng đằng sau lưng ông. Môt vài lần rất hiếm hoi, hai vợ chồng đã có lời qua tiếng lại về cuốn nhật ký đó, nói đúng hơn chỉ là sự càm ràm càu nhàu vậy thôi. Khi ông đi vào, bắt gạp nàng đang hí hoáy viết thì nàng luôn đóng lại hoặc lấy tay che đi. "Không, không, không," ông như nghe lại tiếng nàng nói “Sau khi em chết rồi thì có lẽ anh mới được xem”. Vì vậy nàng đã để lại cuốn nhật ký cho ông như là một vật di tặng. Đây là vật duy nhất họ không cùng chia sẻ khi nàng còn sống. Thế nhưng ông đã luôn chấp nhận việc nàng viết nhật ký, bù lại cầu mong cho nàng sẽ sống lâu hơn ông. Nàng chỉ cần dừng lại một chút, và để ý đến việc mình đang làm thì giờ nàng sẽ vẫn còn sống. Nhưng nàng đã bước thẳng xuống lề đường, người tài xế đã kể vậy khi bị lập biên bản lấy lời khai. Nàng không cho anh ta cơ hội để mà thắng xe lại …. Đến đây thì những giọng nói vang vọng từ hành lang cắt đứt dòng suy nghĩ của ông.

"Cô Miller vừa đến." Người giúp việc nói.

Cô ta bước vào phòng. Trong đời ông, ông chưa bao giờ gặp riêng cô ta một mình và đương nhiên cũng chưa bao giờ thấy cô ta khóc. Nhìn cô ta có vẻ cực kỳ phiền muộn cũng không tỏ vẻ gì kinh ngạc. Đối với cô ta, Angela thân thiết hơn nhiều, không đơn giản chỉ là bà chủ. Cô ta là một người bạn. Với ông, ông nghĩ cô ta chả có gì đặc biệt so với bất cứ phụ nữ nào cùng lứa. Có hàng ngàn cô Sissy Miller, típ phụ nữ nhàn nhạt trong bộ đồ đen, tay cầm cặp tài liệu. Nhưng với Angela vốn sẵn từ tâm đã khám phá ra đủ mọi loại phẩm chất nơi Sissy Miller. Nào là nàng người có tâm hồn cởi mở phóng khoáng, rất kín tiếng, rất đáng tin, người ta có thể kể cho nói nàng bất cứ gì, vân…vân và vân…vân…

Thoạt tiên không thể thốt nên lời. Cô ta ngồi đó đưa khăn tay thấm nhè nhẹ đôi mắt. Thế rồi cô ta cố hết sức để mở miệng nói: Xin ông thứ lỗi cho tôi ông Clandon ạ.

Ông lẩm bẩm: Đương nhiên rồi, thông cảm thôi, đó là điều hoàn toàn tự nhiên mà. Mình có thể đoán được vợ mình đối với cô ta có ý nghĩa như thế nào.

"Tôi rất vui được ngồi đây," cô ta nói, đưa mắt nhìn quanh. Ánh nhìn ngừng lại trên bàn làm việc sau lưng ông. Chính tại nơi đây họ đã cùng làm việc với nhau – cô ta và Angela. Đối với Angela, ở cương vị là vợ một chính trị gia nổi tiếng nàng đã chia sẻ gánh đỡ trách nhiệm đổ lên vai mình quá nhiều. Nàng là một trợ thủ đắc lực trong sự nghiệp của ông. Ông đã từng thường xuyên trông thấy nàng và Sissy ngồi ở cái bàn này – Sissy đánh máy và ghi lại những lá thư do nàng đọc. Không nghi ngờ gì nữa chắc chắn Sissy cũng đang nghĩ về điều đó. Giờ tất cả điều ông phải làm là trao lại cho cô ta cái trâm cài áo vợ ông để lại cho cổ. Một món quà có vẻ không thích đáng lắm. Để lại cho cô ta một số tiền hay cái máy đánh chữ có thể là tốt hơn đấy. Nhưng ở đây lại ghi "Dành tặng Sissy Miller với tất cả tình quý mến". Thế là ông cầm cái trâm trao cho cô ta với những lời ngăn ngắn ông đã sửa soạn trước. Ông nói: "Ông biết rằng cô ta xứng đáng để được tặng vật này. Vợ ông đã thường xuyên cài cái trâm này….Và rồi cô ta trả lời khi nhận cái trâm cứ như là đã sửa soạn trước, rằng cái trâm sẽ luôn là vật sở hữu quý giá của cô. Ông nghĩ cô ta nên mặc những bộ đồ khác hợp với cái trâm cài bằng ngọc trai nhìn sẽ không quá đối chọi khập khễnh. Cô ta đang mặc một cái áo khoác đen ngắn và một cái váy gần như một bộ đồng phục nghề nghiệp. Thế rồi ông nhớ ra là cô ta đang có tang, đương nhiên là phải mặc vậy. Cổ cũng đang có chuyện buồn – người anh trai cổ luôn hết lòng hy sinh đã chết chỉ một hay hai tuần trong một tai nạn thì phải, trước khi Angela mất. Ông chỉ có thể nhớ lại thái độ Angela lúc nói về điều đó thôi. Angela vốn sẵn tính hay thương cảm đã rất buồn rầu xúc động. Đang suy tư thì Sissy Miller đứng đậy. Cô ta đeo găng tay vào. Rõ ràng cô ta nhận thấy không muốn quấy rầy ông nữa. Nhưng ông không thể để cô ta đi mà không nói gì về tương lai của cô ta. Kế hoạch của cô là gì? Liệu có cách gì đó giúp cô không?

Cô ta nhìn đăm đăm bàn làm việc, nơi cô ta từng ngồi đó đánh máy, nơi đang để cuốn nhật ký. Đang chìm đắm trong sự nhớ nhung về Angela, nên cô ta không trả lời ngay được về những đề nghị ông có thể nên giúp đỡ mình ra sao. Cô ta có vẻ như ngớ ra một lúc. Do đó ông lập lại câu hỏi: Cô đã có kế hoạch gì chưa cô Miller?

"Kế hoạch của tôi à? Ồ ổn cả thôi ông Clandon à," Cô ta thốt lên "Xin đừng áy náy gì về tôi."

Ông hiểu ý cô muốn nói rằng cô không cần ông giúp đỡ về mặt tài chính. Và ông nhận ra rằng nên viết thư để thảo luận chuyện này thì tốt hơn. Giờ tất cả những gì ông có thể làm là siết tay cô ta và nói: “Hãy nhớ nhé cô Miller, nếu có cách gì đó mà tôi có thể giúp cô được thì tôi rất sẵn sàng …". Và rồi ông mở cửa. Vừa mới ra khỏi cửa được một chút bỗng dưng như nhớ ra điều gì, cô ta dừng lại.

"Ông Clandon à", cô ta nói, lần đầu tiên cô ta nhìn thẳng vào mặt ông như thế, và cũng là lần đầu ông bị chấn động bởi ánh nhìn thản nhiên nhưng dò xét toát ra từ đôi mắt." Bất cứ lúc nào, có điều gì mà tôi có thể giúp được ông, xin hãy nhớ vì vợ ông, tôi sẽ vui vẻ làm hết lòng…." Với lời ấy cô ta ra đi. Lời lẽ kèm theo ánh nhìn của cô ta làm ông bị bất ngờ. Gần như là cô ta tin hoặc hy vọng rồi đây ông sẽ cần tới mình. Một ý nghĩ kỳ lạ có lẽ là quái đản nảy ra trong đầu ông khi ông quay lại ghế ngồi. Có thể nào, suốt bao nhiêu năm trời như thế, trong khi ông ít để ý gì tới cô ta, thì cô ta, như những tiểu thuyết gia nói, đã tơ tưởng về ông chăng? Ông chợt thấy bóng mình khi đi ngang qua tấm gương. Ông đã trên năm mươi; nhưng nhìn vào tấm gương soi ông phải công nhận rằng mình nhìn vẫn còn phong độ.

"Tội nghiệp cho cái cô Sissy Miller quá!" Ông nói, bật lên tiếng cười khe khẽ. Ôi! Sao mà ông muốn kể cái chuyện khôi hài này với vợ ông quá đi mất thôi! Tự nhiên ông quay lại nhìn cuốn nhật ký của nàng. Ông mở ngẫu nhiên trang nhật ký và đọc:"Gilbert, trông rất tuyệt vời…"Lời lẽ như là nàng đang giải đáp những câu hỏi vừa nảy ra trong đầu ông. Cứ như thể nàng nói đương nhiên rồi anh là người rất thu hút phụ nữ. Và lẽ tất nhiên Sissy cũng thế thôi. Ông tiếp tục đọc: "Thật hãnh diện khi mình được làm vợ ảnh!" Cũng như ông luôn luôn rất hãnh diện được làm chồng của nàng. Biết bao lần khi họ ra ngoài ăn tối ở đâu đó ông đã ngắm nàng ngồi đối diện ở bàn ăn và nhủ thầm,"Nàng là người phụ nữ đáng yêu nhất nơi đây" Ông tiếp tục đọc. Nàng đang viết về năm đầu tiên ông ra ứng cử quốc hội. Người ta đã tổ chức các cuộc vận động cử tri trong khu vực ông tranh cử." "Khi Gilbert ngồi xuống người ta vỗ tay thật kinh khủng. Toàn thể khán giả đều đứng lên và cất tiếng ca:"Vì anh là người xứng đáng chúng tôi chọn anh"Mình cảm thấy mãn nguyện" Ông cũng đã nhớ lại lúc đó. Nàng ở trên khán đài bên ông. Giờ ông còn nhớ hình ảnh nàng liếc nhìn ông vui đến rơi cả nước mắt ra sao. Và thế rồi sao nữa đây? Ông lật lật những trang giấy. Tới chỗ nàng viết về chuyến đi Venice của họ. Ông nhớ lại kỳ nghỉ hạnh phúc sau cuộc tranh cử. "Chúng tôi đi ăn kem ở Florians,"Ông mỉm cười – nàng cứ như là một đứa con nít, nàng thích ăn kem. "Gilbert đã giải thích cho mình rất nhiều điều thú vị về lịch sử của Venice. Anh ấy kể với mình rằng những vị tổng trấn thành Venice xưa…" Nàng đã ghi lại tất cả những điều đó bằng chữ viết thời nữ sinh của mình. Một trong những thú vị khi đi du lịch với Angela đó là nàng là người ham học hỏi. Nàng thường nói nàng là người cực kỳ ngốc nghếch, cứ như thể đó không phải là một trong những nét duyên dáng của nàng vậy! Và rồi ông lại mở trang chương kế tiếp – chương này họ đã trở về Luân Đôn. " Để tạo được ấn tượng tốt mình đã rất băn khoăn lo lắng. Mình mặc áo cưới." Ông có thể nhớ lại nàng lúc đó đang ngồi bên cạnh ngài Edward già nua, và đang còn tìm cách áp đảo mê hoặc cái lão già ghê gớm đó – lão là xếp của ông. Ông tiếp tục đọc nhanh, hết bối cảnh này sang bối cảnh khác từ những đoạn viết rời rạc của nàng. " Từ buổi ăn tối ở Viện Thứ Dân…đến buổi tiệc tối ở Rừng Ái Ân. Bà L đã hỏi mình rằng: Liệu mình có ý thức được nghĩa vụ của mình khi làm vợ Gilbert không?" Thế rồivẫn ngồi ở bàn làm việc ông lật một chương khác- chương này cho thấy năm tháng dần trôi, ông đã trở nên càng lúc càng mãi miết với công việc và đương nhiên là nàng thường xuyên phải cô quạnh. Việc họ không có con với nhau rõ ràng là nỗi đau khổ lớn của nàng. Một đoạn ghi, “Sao mình mong sinh được một đứa con trai với anh ấy quá đi!" Lạ chưa, chính ông chả bao giờ tiếc nuối về điều này. Cuộc sống như thế là quá đủ đầy phong phú rồi. Năm ấy ông đã đạt được một chức vị khiêm tốn nho nhỏ trong chính quyền. Một chức vị nho nhỏ thôi, thế nhưng lời nàng ghi lại là: "Giờ mình biết chắc anh ấy rồi sẽ trở thành thủ tướng". Dám lắm chứ, nếu mọi việc chuyển biến khác đi biết đâu chừng là thế thật. Ông dừng lại ở đoạn này để suy tư về điều có thể sẽ thành như thế. Theo như ông ngẫm thì chính trị là một cuộc chơi, một canh bạc tuy nhiên canh bạc còn chưa kết thúc. Không kết thúc ở lứa tuổi năm mươi. Ông lại lướt nhìn thêm nhiều trang nữa, đầy những chuyện vớ vẩn, những điều vô nghĩa, nho nhỏ vui vui làm nên cuộc sống của nàng.

Ông lại chọn một chương khác, mở ra đọc ngẫu nhiên. "Sao mà mình sống ươn hèn thế! Mình lại để cơ hội vụt mất. Thế nhưng có vẻ như là ích kỷ khi quấy rầy anh ấy vì những chuyện riêng của mình trong khi anh ấy còn quá nhiều việc để lo. Và rồi bọn mình hiếm khi hưởng được một buổi tối dành riêng cho nhau." Nói vậy nghĩa là sao nhỉ? Ồ nàng đã giải thích đây rồi – nàng đang nói về công việc nàng tham dự ở khu Đông Luân Đôn đấy mà. "Cuối cùng thì mình cũng có can đảm để thưa chuyện với Gilbert. Anh ấy tỏ ra rất dễ thương, rất tốt. Anh không phản đối gì." Ông nhớ lại cuộc nói chuyện đó. Nàng đã nói với ông rằng nàng thấy mình quá rảnh rỗi quá vô dụng. Nàng ước được làm công việc gì đó của riêng nàng. Nàng muốn làm cái gì đó để giúp đỡ người khác- ông nhớ lại má nàng đã đỏ ửng lên e thẹn khi nói về điều đó trên chính cái ghế này – ông đã giễu cợt nàng đôi chút rằng chăm sóc anh, chăm sóc nhà cửa coi bộ còn chưa đủ với em sao? Tuy nhiên nếu công việc đó làm em cảm thấy thích thì anh không phản đối. Việc đó là việc gì vậy? Ở quận hạt nào? Thuộc ủy ban nào? Chỉ cần nàng hứa là đừng có mà bỏ nửa chừng. Thế nhưng có vẻ như mỗi thứ tư nàng đều đến khu Whitechapel. Ông nhớ lại mình đã ghét những bộ đồ nàng mặc trong dịp ấy đến như thế nào. Nhưng nàng lại có vẻ rất nghiêm túc khi làm việc đó. Nhật ký nàng đầy những kể lể như thế này:" Gặp gỡ bà Jones. Bà ta có mười đứa con – ông chồng bị mất một cánh tay trong một tai nạn…mình làm hết sức có thể để tìm việc cho Lily." Ông tiếp tục đọc nhảy. Tên ông xuất hiện mỗi lúc một thưa dần đi. Sự chú tâm của ông đã lơ là. Vài đoạn ghi mà ông chả hiều gì cả. Ví dụ: "Có một cuộc tranh luận gay gắt về chủ nghĩa xã hội với BM." Ai là BM vậy kìa?. Ông không thể đọc ra các chữ tắt này; ông nghĩ thầm có thể là tên một phụ nữ nào đó mà nàng gặp gỡ trong những hội đoàn của nàng chăng? "BM chỉ trích gay gắt giai cấp thượng lưu…Mình đi bộ trở về sau cuộc gặp gỡ với BM. Mình cố thuyết phục anh ta. Nhưng anh ta là một người thiển cận.". Vậy ra BM là đàn ông – chăc chắn thuộc một kẻ trong cái bọn tự xưng mình là "trí thức" đó đây, một con người rất hung hăng như Angela mô tả và cũng rất thiển cận hẹp hòi trong tư tưởng. Nàng đã công khai mời anh ta đến gặp nàng. "BM đến dùng bữa tối. Anh ta đã bắt tay đồng thuận với Minnie rồi!" Cái dấu chấm than đã cho thấy một hình ảnh khác không bình thường của anh ta. BM là một người lạ đến phòng tán chuyện của phụ nữ; anh ta đã bắt tay với Minnie. Nói tóm lại, anh ta là một trong những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động vô vị đó, đến ba hoa khoác lác về quan điểm của mình trong phòng tiếp khách phụ nữ. Gilbert biết rõ loại người này và không thích mẫu đàn ông kỳ quặc này dù cho BM có là ai đi chăng nữa. Đoạn này lại nói về anh ta " Đi cùng với BM tới Tháp Luân Đôn…Anh nói cuộc cách mạng thế nào cũng xảy ra…anh nói chúng ta sống giả tạo như thể diễn kịch trên sân khấu Fool Paradise". Đây đúng là lời lẽ kiểu BM, có thể nói là Gilbert đã hiểu được con người anh ta, ông có thể đang mường tượng ra anh ta khá rõ – một người đàn ông vóc nhỏ đậm người với bộ râu lởm chởm, cà – vạt đỏ, luôn luôn ăn mặc áo quần dệt loại vải len nhuộm và chưa bao giờ có một ngày làm việc thích đáng trong đời. Hẳn là Angela đã cảm nhận được khi nhìn kỹ anh ta chứ?. Ông tiếp tục đọc "BM nói một vài điều khó chịu về…"cái tên được xóa rất kỹ. "Mình nói với anh ta rằng mình sẽ không nghe bất cứ lời phỉ báng nói xấu nào về…"Một lần nữa cái tên lại bị xóa. Có thể nào đó là tên của chính ông?. Đó là lý do tại sao Angela bịt trang giấy lại thật nhanh khi ông vào phòng?. Ý nghĩ đó làm ông càng thêm ghét cái tên B.M. Vậy là hắn ta đã có bàn luận xấc láo về ông trong chính căn phòng này. Tại sao Angela không bao giờ kể với ông?. Giấu giếm bất cứ điều gì hoàn toàn không phải là bản chất của nàng. Nàng vốn là người vô tư chân thật. Ông lật những trang viết lựa ra bất cứ dòng nào đề cập đến BM. "BM kể cho mình nghe về thời thơ ấu của anh ấy, mẹ anh xa nhà để đi làm mướn. Khi mình nghĩ đến điều này, mình thấy khó mà sống cuộc sống xa hoa như thế này…Sắm một cái mũ đến những ba đồng vàng! Phải chi nàng tranh luận thẳng với anh ta về vấn đề này thay vì phải vắt cái bộ óc bé nhỏ tội nghiệp ra để suy tư tìm hiểu những vấn đề mà đối với nàng quá ư là khó hiểu! Hắn ta mượn nàng mấy cuốn sách. Của Các Mác. "Cuộc cách mạng trong tương lai" Những tên viết tắt B.M., B.M., B.M., lập lại nhiều lần. Thế nhưng tại sao không bao giờ viết tên đầy đủ? Đây là điều bất thường, một bí mật sâu kín khác xa bản tính của Angela. Chả lẽ đối diện với hắn ta nàng lại gọi là B.M. sao chớ?

Ông tiếp tục đọc “B.M bất ngờ đến sau bữa ăn tối. May thay chỉ có mình ở nhà," Điều này chỉ có thể xảy ra một năm trước thôi. "May thay"- sao lại may thay kia chứ?- "chỉ có mình ở nhà". Vậy đêm hôm đó ông ở đâu? Ông kiểm lại ngày tháng trong sổ tay của mình. Đó là cái đêm ông dùng bữa tối ở Dinh Thị Trưởng. Và B.M và Angela đã trải qua buổi chiều tối với nhau. Ông cố hồi tưởng lại chiều tối hôm đó. Nàng có thức đợi ông khi ông trở về không nhỉ? Cái phòng lúc đó có đúng như bình thường không? Trên bàn có những cái ly không nhỉ? Những cái ghế có kê sát bên nhau không? Ông không thể nhớ được gì. Không nhớ được cái quái gì cả ngoại trừ bài diễn văn của chính ông trong bữa ăn tối. Điều này càng lúc càng trở nên khó hiểu đối với ông. Toàn bộ vụ việc: vợ ông tiếp đón một người đàn ông trong nhà một mình. Có thể chương tiếp theo sẽ làm sáng tỏ. Ông vội vã lật chương cuối nhật ký – chương nàng đã để dở dang trước khi chết. Ở ngay trang đầu của chương lại nhắc đến cái anh bạn chết tiệt đó "Ăn tối một mình với B.M…Anh ấy bắt đầu trở nên rất bức xúc lo lắng … anh ấy bảo đây là lúc chúng ta tìm hiểu lẫn nhau. Mình cố gắng để làm cho anh ấy lắng nghe. Thế nhưng anh ấy không chịu nghe. Anh ấy dọa rằng nếu mình không…" Phần còn lại đã được gạch xóa hết. Nàng đã viết "Ai Cập, Ai Cập, Ai Cập" đầy trang giấy. Ông không thể thốt lên được lời nào; thế nhưng ở đây chỉ có thể giải thích là: Tên quỷ sứ đó đã đòi nàng trở thành tình nhân của hắn ta. Gặp riêng nhau trong căn phòng của mình! Nỗi bực tức phừng phực dồn lên mặt Gilbert Clandon. Ông lật các trang thật nhanh. Câu trả lời của nàng là sao đây? Không còn viết tên tắt nữa. Giờ chỉ còn từ đơn giản "anh ấy". "Anh ấy lại đến. Mình nói với anh ấy mình không thể quyết định gì được…Mình khẩn cầu anh ấy rời bỏ mình." Hắn ta đã dám ép buộc nàng ngay trong chính cái nhà này ư? Thế nhưng tại sao nàng lại không kể với ông kia chứ? Sao nàng lại ngần ngừ do dự một khoảng thời gian? Và rồi ông đọc đến chỗ "Mình viết cho anh ấy một lá thư." Sau đó các trang để trắng và rồi là dòng viết, “Anh ấy đã thực hiện điều dọa dẫm.” Sau đó thì sao – cái gì xảy ra sau đó? Ông lật từng trang từng trang tiếp theo. Tất cả đều bỏ trống. Thế nhưng vào đúng cái ngày trước khi nàng mất là dòng ghi như thế này: “Không biết mình cũng có can đảm làm chuyện đó không nhỉ?” Và đó là dòng kết của nhật ký.

Gilbert Clandon để cuốn nhật ký tuột rơi trên sàn. Ông mường tượng ra nàng đang đứng trước mặt. Nàng đang ở trên lề đường ở Piccadilly. Hai mắt nàng mở to nhìn đăm đăm. Hai bàn tay nắm chặt lại. Chiếc xe hơi chạy tới đó.

Không thể nào chịu thấu. Ông cần phải biết sự thực. Ông bước nhanh đến máy điện thoại.

"Xin được nói chuyện với Sisy Miller!"

Một sự im lặng. Rồi ông nghe ai đó bước vào phòng." Sissy Miller đang nghe đây." Cuối cùng giọng cô ta đã trả lời ông.

Ông phẫn nộ hỏi: Ai? Ai là B.M hả?

Ông có thể nghe cả tiếng kêu tíc tắc trên bệ lò sưởi nhà nàng và sau đó là tiếng thở dài thườn thượt. Thế rồi cuối cùng giọng nàng đáp lại:

"Anh ấy là anh tôi"

Hắn là anh cô ta, người anh tự tử của cổ.

"Ông có cần tôi giải thích gì không?"

"Không có gì" ông gào lên "Không còn gì cả"

Ông đã nhận được vật di tặng. Nàng đã nói sự thật với ông. Nàng đã bước khỏi lề đường để tìm gặp lại người yêu. Nàng đã bước ra khỏi lề đường để thoát khỏi ông.