Một buổi chiều mùa đông năm 2003, công ty thám tử nhận được cuộc điện thoại với tiếng thảng thốt của người đàn bà luống tuổi.
Sau một lần đứt mối lương duyên, năm 1985 bà đi bước nữa với ông Phong, 75 tuổi tại Canada. Họ không có con. Ông Phong thường về Việt Nam buôn hàng thủ công mỹ nghệ, sưu tầm, nghiên cứu các sản phẩm văn hóa dân gian.
Ông bà sống với nhau hòa thuận, nhưng vì công việc, vì thiếu quãng đời son trẻ bên nhau nên giữa họ có nhiều khoảng cách, nhiều ngăn lòng bí mật. Lần này ông Phong về Việt Nam quá hẹn hai tháng. Bà Liễu ốm năm hôm. Công việc gác lại, thui thủi ở nhà một mình. Thấm thía nỗi cô đơn, trống vắng của cuộc đời, bà cần chồng có mặt.
Nhưng hiện bà không biết ông sống ở những địa chỉ nào, với ai và làm gì? Vài ngày ông gọi điện về một lần. Nhưng những câu chuyện quen thuộc, có giới hạn và đầy tính thủ tục ấy chỉ chứng tỏ rằng không có gì thay đổi giữa cuộc sống hai người. Các thám tử hãy cho bà biết ông Phong đang ở đâu? Làm gì? Và với ai?
Theo Tuổi Trẻ, thông tin về đối tượng chỉ duy nhất số điện thoại di động, thám tử Phú tính phương án gặp trực tiếp ông Phong. Kịch bản: bà Liễu gọi cho ông nói có người bạn Hà Nội gửi bà món quà. Người đó sẽ chuyển quà cho ông. Kết quả: ông Phong nói cho ông địa chỉ người đó, bao giờ sắp về Canada ông sẽ đến.
Lục lọi trí nhớ bà Liễu, Phú biết ông Phong thích ăn món chả cá Lã Vọng và ông đang ở Hà Nội. Nghiên cứu rất kỹ các tấm ảnh của ông Phong: tuổi 75, da hồng, người to khỏe, linh hoạt, râu dài, tóc bạc, ăn mặc tuềnh toàng. Phú quyết định mai phục nhà hàng chả cá Lã Vọng.
Đến ngày thứ tư đồng thời là ngày cuối tuần, Phú phát hiện một trong bốn người đàn ông luống tuổi đi xe máy đến nhà hàng có dấu hiệu khả nghi. Theo đối tượng lên tận phòng ăn, Phú bấm số điện thoại di động của ông Phong và hỏi: “Có phải bác Am không?”. Đối tượng móc điện thoại trả lời: “Nhầm rồi”. Thế là đã tìm được ông Phong. Phải bám chặt.
Ăn xong, ông Phong cùng một người trong đoàn ngủ tại một căn nhà ở phố Mai Hắc Đế. Sáng sớm hôm sau hai ông xách túi ra bến xe Kim Mã và lên xe đi Móng Cái (Quảng Ninh). Phú bám theo. Ba ngày ở Móng Cái, Đông Hưng (Hồng Kông), hai ông già du ngoạn và mua sắm. Về Hà Nội, ông Phong vẫn ngủ cùng bạn ở Mai Hắc Đế.
6h chiều hôm sau ông xách vali, túi và balô chào bạn và đi ra. Móc điện thoại nói chuyện rồi ông kêu xe ôm. Xe đưa ông đến khu tập thể Mai Động (quận Hai Bà Trưng). Ông leo lên tầng năm và gõ cửa một căn phòng rồi bước vào. 11h tối căn phòng tắt điện và cả khu tập thể chìm vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau là chủ nhật, ông Phong mặc quần áo ở nhà, dắt xe đạp mini Hồng Kông màu mận chín và đi một mình. Ông mua cá, thịt, nước ngọt, rau dưa… về làm bữa cơm và nghỉ trưa ở đây. Chiều, từ ngôi nhà đó xuất hiện một cô gái trẻ chừng 20 tuổi, cũng đi chiếc xe đạp ông Phong dùng buổi sáng. Một thám tử khác bám theo cô.
Cô gái bước vào một hiệu may khá lớn trên phố Trương Định: mở tủ, sắp xếp lại vải, kéo và trò chuyện. 30 phút sau cô đi xe đến ngôi nhà trong một ngõ ở phố Bạch Mai cũng khoảng 30 phút rồi về. Tất cả được ghi vào nhật ký thám tử…
Bà Liễu cho biết người ở Mai Hắc Đế là bạn chung của vợ chồng bà. Còn ngôi nhà ở khu tập thể Mai Động bà chưa nghe thấy bao giờ. Vậy phía sau cánh cửa ngôi nhà đó là những ai? Ông Phong có quan hệ gì? Và đến đó làm gì?
Chiều hôm đó ông Phong cùng cô gái dắt xe đi. Thái độ, cử chỉ hai người rất bình thường, không thể hiện rõ là mối quan hệ theo chiều hướng gì. Phong tiến thẳng lên phòng của họ. Cửa khóa trái. Phong hỏi nhà bên: “Tôi nghe trên báo quảng cáo căn hộ này cho thuê. Xin bác cho hỏi chủ nhà?”. “Đây đang có người thuê. Họ đi vắng. Chủ nhà ở số 405, tầng 4, tên Thắng”.
Phú gõ cửa căn hộ 405. Người đàn ông cau có trả lời cộc lốc: “Nhầm rồi. Nhà này không bán cũng không đổi người thuê”. Phú lui bước và tính phương án khác. Tiếp tục khai thác ở chủ nhà, nhưng thông qua vợ hoặc con ông Thắng. Biện pháp là nhử mồi thuê giá cao gấp rưỡi.
Phú chờ lúc ông Thắng ra khỏi nhà, gõ cửa lần thứ hai. Con gái ông Thắng mở cửa. Phú nói: “Mẹ em có hẹn anh hôm nay lên xem nhà”. “Chắc mẹ em nhầm. Hợp đồng cũ còn gần một năm cơ mà”.
“Anh biết. Nhưng nhà anh rất đông người, nhà thuê cũ họ bán bất ngờ. Anh rất cần một căn hộ như của nhà em. Em dẫn anh lên giới thiệu với người ta để anh thương lượng. Anh có thể đền bù và chỉ cho họ căn nhà khác phù hợp hơn. Anh sẽ trả gấp rưỡi số tiền nhà em đang cho thuê. Mẹ em nói nếu thuyết phục được họ thì mẹ đồng ý mà”.
Sau một hồi trò chuyện, Phú biết người thuê nhà là cô Hạnh, chứng minh thư do Công an Thái Bình cấp. Cô ở một mình, làm thợ may và theo cô nói: thỉnh thoảng bố cô ở miền Nam ra thăm. Con gái ông Thắng đồng ý chiều mai đưa Phú lên thương lượng với Hạnh.
Những thông tin trên được gửi về bà Liễu. Bà sốc và vô cùng đau khổ. Trước khi lấy nhau, ông Phong tâm sự đã có vài mối tình nhưng chưa cưới ai và chưa có con bao giờ. Bà tin ông ta. Nếu người phụ nữ kia là con ông Phong, như vậy cô ta đã sinh trước ngày ông Phong cưới bà. Nếu cô gái kia là bồ nhí thì mọi chuyện còn tồi tệ hơn nhiều. Phú cần phải xác minh càng sớm càng tốt. Phương án số 1 là gặp trực diện cô Hạnh.
Lựa khi ông Phong dắt xe đi, Phú nhờ con ông Thắng đưa lên nhà Hạnh. Căn hộ có hai phòng, hai giường. Mỗi giường đều có chăn màn riêng. Đồ đạc khá đơn sơ. Hạnh nhã nhặn nói: bố thường ra thăm nên cần nhà rộng. Nhà ở quen rồi không muốn chuyển. Cô có ý sẽ mua căn nhà này…
Thông tin không thể khai thác hơn nhưng cũng chưa thể kết luận được mối quan hệ chính thức giữa cô gái và ông Phong. Bà Liễu càng sốt ruột thì càng thấy chồng có dấu hiệu bất thường. Sắp đến Noel nhưng không thấy ông về. Bà yêu cầu các thám tử phải đưa bà đến gặp cả hai người ngay tại căn phòng này nhưng không được cho ông biết là bà đã âm thầm theo dõi ông.
Những ngày cuối năm, vé máy bay khá hiếm, công việc của bà Liễu dày đặc nên bà chỉ dành cho việc ở Hà Nội một ngày. Ông Phong thì bất cứ lúc nào cũng có thể rời khỏi căn nhà của Hạnh.
Thám tử Phú trằn trọc suốt đêm để ngày mai phải nhào nặn cả một kế hoạch công phu với bao diễn biến, mưu mô thành một sự tình cờ nhẹ nhàng, hồn nhiên như cơn gió. Và ngày mai Phú cũng sẽ là người hạ màn kịch dồn nén 20 năm trời sao cho ít đổ vỡ nhất
Phú bắt buộc phải nghĩ ra cách để bà Liễu (một người từ Canada) đứng trước căn hộ tầng năm tập thể Mai Động như một sự tình cờ hợp lý. Nhiều kịch bản đã được đưa ra, cuối cùng Phú chọn cách “mua nhà ở Hà Nội”.
Bà Liễu cho biết chuyện những người xa Tổ quốc khi về già muốn mua một căn nhà để sống ở Việt Nam những ngày cuối đời là phổ biến. Bản thân ông bà cũng đã từng bàn đến chuyện này vài lần. Lần này bà sẽ có một người bạn ở Hà Nội giới thiệu một ngôi nhà đẹp, rẻ, đủ giấy tờ nhưng cần bán rất gấp.
Bà không kịp bàn với ông và muốn gây bất ngờ thú vị như một món quà tặng ông. Bà sẽ xem nhà và đặt cọc tiền, sau đó quay về để ông làm nốt phần việc mua bán. Kịch bản này cần thêm một nhân vật là người bạn giới thiệu nhà. Người này ông Phong cũng phải có quen biết. Bà Liễu đáp ứng được điều kiện đó. Nhân vật mới tên là bà Nhu.
Ông Phong đã có lần gọi điện cho bà Nhu (thực tế việc này có thật) bằng “số điện thoại nhà Hạnh”. Khi bà Nhu gọi lại cho ông qua số điện thoại đó thì nghe thấy giọng nữ trả lời. Bà Nhu gặp bà Liễu sang Việt Nam mua nhà đã kể lại câu chuyện này. Hai bà hỏi bưu điện địa chỉ số máy này và đến.
Khi bà Liễu có mặt, nếu Hạnh là tình nhân của ông Phong thì 90% là Hạnh sẽ bỏ chạy. Bà Nhu khi đó sẽ xuất hiện cùng bà Liễu giữ Hạnh lại bằng biện pháp hòa bình, văn hóa. Nếu không được thì thôi. Trường hợp Hạnh là con gái ông Phong thì 90% Hạnh sẽ ở lại chứng minh điều đó để bố không bị hiểu lầm. Kịch bản được thông qua.
Phú, bà Nhu và bà Liễu có mặt trước cầu thang khu tập thể Mai Động lúc 7h 20′. Đây là giờ Hạnh và ông Phong đã ăn sáng tại nhà xong và Hạnh sắp đi làm. Bà Nhu và Phú ngồi ở quán nước. Bà Liễu tiến lên tầng ba lấy điện thoại di động gọi vào số máy cố định của Hạnh, gặp ông Phong. Bà tươi cười: “Em đây, vợ anh đây! Có nhận ra giọng vợ không đấy?”.
Ông Phong kinh ngạc: “Ô! Sao em biết anh ở đây? Em đang ở đâu vậy?”. “Anh thấy em có giỏi không? Em đang ở Việt Nam, đang ở Hà Nội và đang đứng dưới cầu thang nhà anh đây”. “Ủa, sao em sang Việt Nam mà không báo cho anh? Có việc gì gấp không em?”.
Bà Liễu “hạ nhiệt” để tránh hoảng hốt cho ông nên nói ngay: “Em được Nhu giới thiệu một căn nhà trong phố cổ cực đẹp. Giá rẻ và rất hợp với mình. Họ quyết định bán ngay hôm nay nên em phải sang gấp. Định tặng anh món quà bất ngờ rồi để anh làm giấy tờ mua bán, còn em về trước. Không ngờ vô tình biết anh ở đây. Vậy có cho em lên không? Em lên nhà nhá?”. Bà Liễu tỏ thái độ hết sức thoải mái, vui vẻ và không chờ ông Phong trả lời, bà đi thẳng lên nhà.
Bà Liễu vào nhà và sững người khi nhìn thấy Hạnh. Hai người trong nhà bối rối, cuống quýt mời bà ngồi. Bà Liễu hỏi chồng: “Ai đây?”. Ông Phong nói: “ Hạnh! Nó là Hạnh. Con anh!”. Quay vào trong ông kêu: “Hạnh, ra chào dì đi con!”. Hạnh lễ phép chào bà Liễu và ngồi ghé bên.
Bà Liễu cứ đứng như trời trồng nhìn Hạnh và chồng. Ông Phong nói: “Em cứ ngồi xuống đây anh thưa câu chuyện rồi em sẽ hiểu…”.
Hạnh gọi điện đến cửa hàng xin nghỉ và cả ba cùng trở về câu chuyện 23 năm trước.
Năm 1980, ông Phong về Thái Bình, đặt hàng và giám sát sản xuất ở một cơ sở chế biến hàng cói thủ công. Tại đây ông có cảm tình với người phụ nữ ở xưởng vẽ. Hai người đi lại với nhau và đều cùng không đặt vấn đề trách nhiệm, ràng buộc nhau.
Xong hợp đồng với chủ cơ sở, ông Phong cũng chia tay người phụ nữ này và không ai giữ địa chỉ của nhau. Ông Phong về Canada, lấy bà Liễu và cũng chỉ nhớ câu chuyện ở Thái Bình như một trong những kỷ niệm trên tình trường của đời trai phong tình.
Năm 1993, khi đang tìm hàng tại Hà Nội, ông gặp lại người chủ cơ sở sản xuất cói mỹ nghệ ở Thái Bình năm xưa. Hai người nối quan hệ làm ăn với nhau. Ông khách nọ mời ông Phong về Thái Bình thăm cơ ngơi sản xuất của mình. Không ngờ ông gặp lại cố nhân ngay tại xưởng vẽ thuở nào.
“Tình nhân lại gặp tình nhân”, bao nhiêu mừng tủi, nhớ nhung, oán trách… ào ạt dội về. Đôi tình nhân già cũng hiểu rằng từ nay quan san cách trở, ván đã đóng thuyền nên tình xưa nghĩa cũ chỉ cất giữ trong tâm khảm mà thôi. Họ lại chia tay nhau. Ông chủ xưởng cói kể với ông: “Sau ngày ông về nước, chị ta có sinh một đứa con gái không ai nhận làm bố. Chị ấy khổ lắm. Đứa trẻ lên năm thì chị ta lấy một người chồng cũng từng có một đời vợ và con riêng. Cuộc sống bây giờ mới gọi là tạm ổn”.
Ông Phong lập tức quay lại xưởng vẽ gặp người tình cũ căn vặn đủ đường. Lúc ấy bà mới nói đó là con gái ông. Những ngày tháng gian truân nhất đã qua, nay bà không muốn đòi hỏi hay trách cứ gì ông. Tuy nhiên bà cũng luôn nói cho con gái biết về người cha cách trở của nó. Học hết cấp II, nó được bà gửi người quen làm thợ may ở Hà Nội dạy nghề cho nó…
Ông Phong từ đó hay về Việt Nam hơn. Tuy không gặp lại người yêu cũ nhưng ông luôn theo sát từng bước đi của con gái mình. Về với bà Liễu, ông trằn trọc rất nhiều đêm mà không biết sẽ nói thế nào cho bà hiểu. Nấn ná chần chừ, càng lâu càng khó nói. Cuối cùng ông định đến ngày nhắm mắt sẽ cho bà biết. Không ngờ…
Ông Phong đưa cho bà Liễu xem những lá thư mẹ Hạnh viết cho con giới thiệu ông với Hạnh, những tấm ảnh ông chụp chung với con gái khi bố con mới nhận nhau…
Những giọt nước mắt cảm thông và hạnh phúc đã rửa trôi những ngờ vực, hờn ghen… của họ. Tận 2 giờ chiều hôm đó ba người mới dẫn nhau đi ăn trưa và cùng chuẩn bị kế hoạch đón một lễ Noel đầy phúc Chúa.
Thám tử Phú trả tiền ba chiếc bánh mì và hai bao thuốc lá, lặng lẽ chìm vào phố phường của chiều cuối năm ồn ã…
Trước những trớ trêu, oan nghiệt của mỗi số phận mà tạo hóa đặt bày, các thám tử rất dễ mủi lòng. Còn ngày mai, khi dấn thân vào những cuộc cạnh tranh đầy đố kỵ, nhiều cạm bẫy và lọc lừa…, các anh biết mình sẽ phải đối mặt với những điều đáng sợ và hổ thẹn do chính con người bày đặt với nhau…