main billboard

Thầy bảo ông bà mình nói thời loạn lạc thường xảy ra nhiều thiên tượng bất thường quái dị như mưa đá, sao chổi mọc, gà trống đẻ trứng, gà mái gáy, cá ở trên cây, chim sống dưới nước…

mot thoi hao hung
Ông thầy nói thời suy quỷ lộng… Nói chưa dứt câu đã có người chặn lại hỏi: Quỉ lộng là sao? Thầy bảo ông bà mình nói thời loạn lạc thường xảy ra nhiều thiên tượng bất thường quái dị như mưa đá, sao chổi mọc, gà trống đẻ trứng, gà mái gáy, cá ở trên cây, chim sống dưới nước… Cũng đúng vào năm đó dân chài đánh được một con cá nhám rất to, mặt như mặt người, cái đầu trọc lóc, có người nói trông nó giống thằng lính Nhựt. Năm đó cá bánh đường ở đâu không biết kéo về đầy biển Nha Trang. Loài cá này trước cũng có, nhưng ít lắm, mỗi khi kéo lưới lên may ra chỉ có vài con, ăn rất ngon, giá mắc như vàng. Con cá bánh đường tròn như đồng bạc Đông Dương, mình dẹp, màu xanh úa vàng dưa cải. Cá nhiều đến nỗi lúc đầu người ta còn dùng lưới bắt, sau thấy chúng nhiều và dạn lắm, không biết sợ gì cả, họ lấy vợt vớt lên. Sau thấy vớt như thế cũng còn lâu, ngồi trên ghe đưa cái thúng, loại thúng đựng cá cơm thò xuống nước, cứ thế mà xúc. Một chốc đã đầy ghe, sợ khẳm chìm, người ta xúc vừa đầy thì chạy vô đổ bừa trên bãi, chèo ra xúc chuyến khác. Lúc đầu bán, có người ham rẻ mua về ăn. Sau bán như cho, người đi chợ mua về đổ ra cho gà vịt ăn, ăn mãi chúng cũng chán, không thèm ăn nữa. Người ta thuê xe ba gác chở xuống bán cho mấy thùng lều dưới Bình Tân muối mắm. Tháng sau mọi cái thùng lều đều đầy, không ai mua nữa. Mấy chuyến sau cá về chỉ còn nước bán cho bọn buôn xác mắm đem lên Đà Lạt làm phân trồng bắp cải.
     Nhiều gia đình ở dọc biển Lương Sơn thấy thùng gỗ trôi dạt từ khơi vào, mở ra thấy toàn đường cát trắng tinh, lấy khuấy nước chanh, nấu chè bột lọc, rim mứt dừa ăn tết. Múc đường lúc gần cạn, thấy trồi lên cái đầu lâu! Sau này hỏi ra mới biết bọn Nhật thường chặt đầu lính chết trận ướp với đường cát gởi về quê hương. Có chiếc tàu Nhật bị đánh đắm ngoài khơi Lương Sơn. Mấy chục năm sau con chó Mực nhà Sáu Lốp cứ ngóng mồm ra khơi mà tru suốt đêm. Con chó này toàn thân đen, trên hai mắt có hai đốm lông màu vàng. Bọn mua chó thường doạ nó la chó bốn mắt chuyên dòm nhà với sủa ma, làm thịt đi. Người trong xóm tin vào những đêm biển nổi giông tố, nửa khuya gần sáng, những con tàu ma thường nổi lên đi lại dọc ngang trên biển Lương Sơn kéo còi inh ỏi, gần sáng thì chìm xuống biển. Người ta cho rằng cá bánh đường nhiều như thế cũng vì chúng nó ăn xác chết của lính Nhật.
     Cũng năm đó người ta tìm thấy xác chị vợ Võ Trà nằm chết trong đường hầm xe lửa. Xe lửa từ Nha Trang ra Bắc chạy một đoạn ngắn tới làng Vĩnh Ngọc, qua cầu sắt, chui vào con đường hầm đào dưới núi Sạn. Thời đó người ta không đủ sức bạt núi nên chọn chỗ núi ngắn nhất đào hầm chui qua. Hầm chỉ dài độ trăm thước, khá rộng, có đường đi dành cho khách bộ hành. Hầm không dài nên ngay ở giữa cũng không đến nỗi tối tăm lắm. Thế nhưng vào thời đó ít ai dám đi bộ ngang qua hầm. Từ bên này Ngọc Thảo muốn đi qua núi Sạn làm ruộng trên cánh đồng Vĩnh Hải hay thăm trại phong Núi Sạn do người Pháp lập cùng với ngôi làng nhỏ dành cho gia đình những người bệnh, dân chúng thường chọn cách leo núi. Không ai dám qua hầm. Dân làng còn doạ trong đường hầm có con mãng xà to bằng cái cột đình làng Ngọc Hội với con rít chúa to như cây đòn gánh thường mò xuống làng bắt gà. Ông thầy nói, dân mình thấy nơi nào tối tăm kín đáo thì sợ rồi bày đặt chuyện ra để doạ nhau.
     Người đàn bà chết độ ba mươi tuổi. Ở nhà quê, tuổi này đã gọi là “cứng” tuổi, không ai còn nghĩ đến chuyện se sua chưng diện nữa, thế nhưng hôm đó chị ta đi đâu, có chuyện gì mà ăn mặc tươm tất giống như đi ăn đám giỗ hay đám cưới. Đó là người đàn bà khoẻ mạnh, sạch sẽ và khá đẹp, không phải đẹp theo kiểu thị thành, một vẻ đẹp mộc mạc kín đáo, tuy không có nét nổi bật, nhưng khuôn mặt và thân hình không có chỗ nào chê được, mông nở, đầy đặn, đùi dài, dáng cân đối, bắp chân tròn lẳn, mỗi khi đi cấy xắn lên, bọn thợ cày đứa nào cũng ham dòm. Chị nằm dọc, cách đường sắt một đọan, xe lửa chạy qua không cán lên nhưng người đi trên xe hay người đứng ngoài nhìn vào không thấy được. Chị nằm trên lớp đá dăm sắt cạnh lót nền đường. Người đàn bà tóc vén lên cao, bối tóc to bằng cái bánh ú lớn, còn nguyên vẹn, không bị sổ ra. Tóc tai không có vẻ gì lộn xộn rối tung như trong cuộc đánh nhau hay dằng co với ai. Đầu chị gối lên đôi guốc mộc. Thứ guốc đẽo bằng cây mứt, một loại gỗ trắng nhẹ, sớ rất mịn, thường dùng để khắc con dấu. Có lẽ đây là đôi guốc chưng diện dùng để mang đi ra ngoài. Phía trong người chị ta mặc cái yếm may bằng lụa tơ tằm, loại yếm hình thoi, có hai đôi dây, một nơi cổ, một nơi ngực. Đàn bà nhà quê thời đó không biết đến cái nịt vú. Mỗi khi mặc, thắt dây trước ngực, cột nơ con bướm hay nếu vội vàng có thể thắt nút kiểu thòng lọng, để tháo ra cho dễ. Khi cột xong mới xoay những cái gút ra sau, phủ tấm lụa mỏng che ngực. Người phụ nữ này đi đâu không rõ mà chưng diện, mặc yếm trắng, thắt nơ con bướm, cái nơ vẫn còn nguyên, chứng tỏ không bị ai cởi ra rồi tròng lại. Bên ngoài chị ta mặc áo phin trắng mỏng. Điểm đặc biệt nhất, và cũng đáng chú ý nhất là cái quần. Quần đen, may bằng thứ lãnh láng bóng, loại lãnh này khi bước đi phát tiếng kêu sột soạt. Cái quần bị người nào đó hay chính nạn nhân cởi ra, nhưng không bỏ lung tung mà lại được xếp ngay ngắn, giống như người ta gấp áo quần trước khi bỏ vào tủ, đắp lên bụng. Mở ra thấy cái bụng thon, chưa có lớp mỡ dày của người phụ nữ đã đến tuổi phát phì. Bụng người đàn bà này chưa có nếp nhăn. Nghe nói chị ta mới có một đứa con trai mười bốn tháng.
     Lúc đầu ai cũng nghi chị bị bọn lính Nhật lôi vào đường hầm xe lửa hiếm đâm đến chết. Nhưng có người cãi, không thấy dấu vết bạo lực trên thân thể nạn nhân. Áo quần không rách, không đứt nút, tóc tai không rối bù, trên da không thấy vết cào cấu hay trầy sướt. Cái quần lãnh tuy có bị lột ra nhưng lại được gấp cẩn thận đắp lên bụng. Nhận xét này làm cho mọi người phân vân. Chỉ có mụ Tôn bán dưa chua ở chợ Phương Sài nói:
     - Không hiếp dâm, lột quần con người ta ra làm chi? Rồi còn đòi hỏi vết tích cào cấu. Ai dám chống cự lại bọn lính hung như cọp này? Nó bảo chi lại chẳng làm theo? Tui hỏi mấy bà mấy chị đứng quanh đây…
     Mụ nhìn mấy người đàn bà đứng chung quanh:
     - Tui hỏi thử mấy chị, có chồng hoặc chưa chồng, già hoặc trẻ, đi ngang qua đường hầm xe lửa tối om, bị lũ quỉ sứ đó chận lại, có ai dám chống cự lại không? Mà bây giờ mấy cha đòi tóc phải sổ ra, áo quần phải rách nát, mình mẩy phải trầy sướt ?
     Mụ lại nhìn quanh một vòng. Mấy người phụ nữ đứng nơi đây bối rối trước câu hỏi gay gắt đó. Cũng may có người đưa ra cách giải thích tương đối hợp lý.
     - Bọn lính Nhật cũng chỉ là mấy thằng con trai mới lớn, phần đông chưa trông thấy thân thể người đàn bà cởi truồng, nên chúng mở ra coi xong, đậy lại.
     Thằng Đoài, một thằng con trai mới mười sáu mười bảy nói: “ Ông thầy nói xạo! Cái đó ai mà không biết?” Một thằng khác chặn lại hỏi :“ Còn mày biết chưa?” Đoài lúng túng đáp lí nhí: “Thì cũng như mấy đứa con nít ở truồng tắm sông cả bầy đó”. Ông thầy nói:
     - Bọn bây ngày nay có sách vở, báo chí phim ảnh nhan nhản ra đó thì biết chớ tụi tao ngày xưa làm chi biết hình thù nó dọc ngang ra làm sao. Mười đứa thì hết chín rưỡi đứa muốn dòm trộm!
     Ông thầy dừng lại nhìn lũ con trai, nói:
     - Tao hồi đó hai mươi lăm tuổi, có vợ một con rồi mà chưa thấy mặt mũi “nó” ra làm sao…
     Có tiếng một đứa nói: “Ông thầy lại nói xạo, có vợ rồi sao không thấy?” Thầy nói: “Nó mắc cỡ có cho coi đâu mà thấy. Có lần tao quẹt diêm coi, nó tức mình đạp rớt xuống giường!”. Cả bọn cười ồ. Ông thầy nói tiếp:
     - Thời kỳ đó Võ Táo làm Trưởng làng Vĩnh Ngọc dẫn hương kiểm với lính làng đi khám tử thi. Khám xong thì bọn Nhật kéo lão vào lô cốt đầu cầu làm gì trong đó mà lão hết hồn bỏ qua, không tiến hành cuộc điều tra.
     Một người nói: “Phải chi gặp công an hình sự thời nay người ta đã tìm ra thủ phạm rồi”. Có người hỏi: “Làm sao biết được?”. “Ngày nay người ta có máy móc”. Ông thầy nói:
     - Con mắt người chết linh lắm. Nó như cái máy chụp hình ghi lại hình ảnh sau cùng, đó là bộ mặt kẻ sát nhân. Vạch mắt người chết ra sẽ thấy cái mặt kẻ giết người!
     Mấy thằng con trai lại cãi:
     - Xạo, làm chi có chuyện đó!
     Một đứa nói:
     - Người Nhật giỏi lắm. Hãng Canon làm ra cái máy ảnh có thể chụp được linh hồn con người. Đưa máy lên nhắm vào một ai đó bấm cái tách, Khi rửa phim ra sẽ thấy cái “vía”, đó là cái bóng mờ mờ gần khít với hình người thật…
     Nghe thế có đứa cười, nói là cái máy ảnh tồi, chụp không sắt nét, bán ra ai mà mua? Ông thầy nói tiếp: Cũng vào thời gian đó máy bay đồng minh ném bom làm sập cầu sắt Vĩnh Ngọc. Có mấy quả bom rơi xuống sông, một con cá chình to như cột nhà chết nổi lên. Bọn lính Nhật thường ăn cá sống, cá gì chúng nó cũng có thể làm gỏi ăn được. Chúng nó thường kéo nhau ra chợ Phương Sài mua cà chua, chanh giấm về làm gỏi cá, thế mà thấy con vật to quá, hình dạng giống như con rắn, da vàng với nhiều chấm đen to như khu chén, không có đứa nào dám ăn. Nửa khuya thằng quan một mang thanh trường kiếm dài lệt bệt chỉ huy bọn lính đào cái hố to và rất sâu dưới chân núi Sạn. Chúng xếp hàng một cách nhau hai thước khiêng con quái vật cầu Sông Cái đi chôn. Tiện thể ném luôn xác vợ thằng Trà xuống chôn chung với cá.
*

Núi Sạn
     Võ Trà bốn mươi tuổi, làm nghề chẻ đá dưới chân núi sạn. Đời ông, đời cha đến đời hắn đều sống nhờ mấy hòn đá trên núi Sạn có móng ăn xuống tới bãi cát ven con sông Cái. Nói như chị Hồng Thắm, bọn đàn ông con trai ở cái xứ này chẳng tài cán chi cả. Bao đời nay chỉ biết bám lấy mấy hòn đá trên núi Sạn gặm mà ăn. Hồi ba mươi tuổi hắn lấy vợ tên là Xuân. Xuân hai lăm tuổi. Lúc còn con gái Xuân đẹp nhất làng Vĩnh Ngọc. Con trai theo nhiều lắm, Xuân ưng Trà cũng vì thấy hắn hiền hậu, chí thú làm ăn. Xuân có chồng năm năm sau mới sinh thằng Tốn. Ban đầu bên nội, bên ngoại đều nói thấy hai đứa khoẻ mạnh tưởng xáp vô với nhau là có con, không ngờ năm năm sau, phải thuốc thang nhiều lắm mới có bầu, ai cũng cho là muộn. Thằng Tốn đã mười bốn tháng, biết đi biết chạy cùng nhà rồi mà mẹ nó không nỡ dứt sữa. Thằng bé chạy chơi trong nhà, chốc chốc xuống bếp mở nút áo kéo vú mẹ qua nách bú. Mấy ông bà già trong làng mỗi lần nhắc tới cái chết của Xuân, cứ mô Phật, than không biết tại cái âm báo đời nào khiến Xuân phải chết theo cái nghiệp đau đớn như thế, chết bất đắc kỳ tử trong đường hầm xe lửa, bị lột trần truồng, xác bị bỏ chôn chung một lỗ với con cá chình cầu sông Cái.
     Thằng bé mất mẹ, nhớ hơi mẹ, khát sữa khóc suốt ngày đêm, không cách gì dỗ được. Nó khóc tới khản cả cổ họng, tiếng rè ra như cái thau đồng bể, khóc đến hai con mắt lồi lên, lỗ rốn cũng phồng một cục như khúc lòng heo. Hàng xóm thấy thương đến đút gì nó không chịu ăn, mấy chị có con qua cho nó bú thép cũng không chịu bú. Cha nó nghĩ, khóc miết kiểu này không ăn uống chi cả, chắc chết mất. Trà không biết làm sao , mượn chiếc xuồng của bọn đi soi tôm cá chở con về quê ngoại, làng Vĩnh Phương, một làng quê xanh ngắt bóng tre dừa gởi cho ông bà ngoại mấy cậu mấy dì nuôi. Người ở chung quanh đồn, ban đêm mỗi khi thằng bé khóc, mẹ nó hiện về, đi lại sột soạt trên nóc nhà lá, bên dưới đứa bé cho tay vào miệng bú chùn chụt, một lúc tồi thiu thiu ngủ. Không biết hiện tượng ma quái này có thật hay chỉ là bước chân mèo chuột chạy trên nóc nhà? Bốn mươi chín ngày sau thì hết. Người ta nói mẹ nó đã đi đầu thai kiếp khác. Trà đau lòng lắm. Hắn lấy nước cơm sôi trên bếp, cạo đường đen ra trộn vào, múc cho thằng bé uống thay sữa mẹ, thiếu sữa mẹ, ăn nhiều thứ lạ bụng, đau bụng đi chảy. Trà hốt cứt cho con lại nhớ vợ và khóc. Mỗi khi con khóc thì cha khóc. Hai cha con ôm nhau mà khóc, thấy cảnh đó ai cũng đau lòng không chịu nổi. Người ta lại càng oán bọn lính Thiên Hoàng, mấy cái thằng áo quần rộng thùng thình mang trường kiếm, mặt mày lạnh như tiền, nói năng như thét. Ông ngoại của đứa bé, một lão già bảy mươi tuổi, bị bệnh đậu mùa hai mắt mù từ nhỏ, nghe tiếng cha con nó khóc, nói: “Để nó lại đó cho dì út nuôi giùm, còn mày về bên Vĩnh Ngọc tìm cách giết cho hết mấy thằng Nhựt trả thù cho vợ đi, ngồi đó khóc ích lợi chi ?”. Trà hỏi làm sao giết chúng? Ông già mù nói: Có nhiều cách, mày là thằng bơi lội giỏi. Nửa đêm mày lặn ra giữa sông, bu chân cầu sắt trèo lên tìm cách đâm chết thằng lính gác cầu. Còn không tao bày mày làm cái súng bắn cá, bắn bằng mũi tên sắt. Súng này đến gần bắn xâu táo hai ba đứa chớ không phải một đứa. Còn không nữa, mày về nhà hỏi ông già mầy cách làm pháo tống. Trà nghe đến pháo, hắn mừng lắm. Gì chớ làm pháo thì hắn thiện nghệ. Mấy năm trước năm nào quả pháo của hắn cũng chiếm giải quán quân. Được rồi hắn sẽ làm quả pháo đánh sụp cái lô cốt đầu cầu.
     Trà trở về Vĩnh Ngọc. Buổi trưa hắn đi qua cái lô cốt, thấy bọn lính Nhựt xúm xít ăn cơm ở trong cái pháo đài chật chội. Hắn nghĩ làm sao đánh sập cái lô cốt này diệt gọn chẳng sót một mống nào, Nhưng để đánh sập cái lô cốt xây bằng đá chẻ, tứ bề năm thước, cao khoảng bẩy thước tây này, phải có một quả mìn lớn. Thời kỳ này làm gì có mìn. Giai đoạn mới khởi nghĩa, du kích hai xã Vĩnh Ngọc – Ngọc Hiệp cũng chỉ được trang bị súng gỗ, lựu đạn bằng đất sét, lưng mang mã tấu của lò Ba Câu dưới dốc rèn bằng sắt đường tàu. Hắn tính làm một quả pháo tống khổng lồ, to gấp năm gấp mười cái pháo tre để thay thế quả mìn. Nó mà nổ không sụp thì bọn lính ở trong cũng bị sức ép chết hết. Để làm pháo phải có thuốc pháo. Hắn nghĩ tới ông cụ Luận.
     Hắn tới nhà cụ Luận, một ông lão ốm yếu đã bảy mươi, luôn luôn khoe có ba đời làm nghề thầy thuốc bắc, tìm mua lưu huỳnh, một chất dể làm thuốc pháo. Ông cụ hỏi mua làm chi, hắn nói làm thuốc ghẻ. Cụ hỏi nhiều ít? Hắn nói chừng vài ký. Ông già ngạc nhiên, nói: “Làm thuốc ghẻ thì vài đồng cân, mua chi nhiều vậy? Không có đâu. Tao chỉ mày cách tìm có số nhiều. Cho kín chớ bọn Nhựt mà bắt được chúng giết liền. Leo lên cột giây thép ven đường xe lửa tháo mấy cục sứ về đập ra mà lấy”. Hắn hỏi mua diêm tiêu. Ông già nghe xong cười khà khà, à thằng này tính làm pháo đốt Tết phải không? Thời buổi loạn lạc này nghe tiếng súng chưa đủ sao cháu? Hắn không nói gì cả, ông cụ chỉ ra chợ, tới nơi bán đồ khô mà hỏi. Người ta thường lấy diêm tiêu ướp thịt, nhất là làm lạp xưởng không có diêm tiêu thì không đựơc.
     Trong việc làm thuốc nổ còn một thứ nữa đó là than cây dâu. Thứ này dễ hắn chặt một bó cây dâu về đốt thành than bỏ vô cối đá đem ra sân giã, rây, lấy bột mịn. Hắn chế tạo được một thúng thuốc pháo đen sì. Có ai hỏi hắn đều nói làm pháo tết. Người ta nghi ngờ, thằng này vợ mới chết, còn vui thú gì mà làm pháo đốt Tết ? Hắn dồn tất cả vào ống tre lớn, loại tre Tàu mọc ven bờ sông Cái, mỗi lóng dài hơn thước, ruột rất to, nhận năm ki lô thuốc pháo vô trong mới vừa đầy, Hắn làm cái tim pháo bằng giấy bản quấn thực nhiều thuốc, dự tính chỉ cần cháy ba giây thì nổ. Xong hắn nguỵ trang thành cái ống nước có hai chiếc quai đeo sau lưng. Như mọi người làm công việc khoa học, hắn thấy cần phải thí nghiệm nhiều lần, nhất là thí nghiệm cái tim pháo ngắn dài, thuốc nhiều thuốc ít sao cho nó nổ sau ba giây, thời gian đủ cho hắn chạy thoát. Thế nhưng vì thuốc pháo ít quá không đủ cho hắn làm cuộc thí nhghiệm. Cũng đành phải chấp nhận liều lĩnh.
     Làm xong hắn cất dưới gầm giường chuẩn bị nay mai, tìm được dịp bọn Nhựt chui cả trong lô cốt ăn cơm, ném vào là tốt nhất. Những ngày sau đó hắn nôn nao hồi hộp vô cùng. Hắn đi qua đi lại nhiều lần có ý muốn ra tay nhưng chưa có cơ hội nào tốt cả.
     Gần đây hắn quan sát thấy hình như bọn lính Nhựt trong lô cốt đang rục rịch tính chuyện gì. Bọn này kỷ luật rất nghiêm, không được lang thang bên ngoài hay giao tiếp với dân làng. Thế nhưng mấy này gần đây chúng ra khỏi lô cốt, đi dọc theo đường sắt, có đứa ra ngồi giữa cầu nhìn về hướng mặt trời mọc. Tất cả đều tỏ vẻ buồn bã, không còn hung hăng như trước. Gần đây cũng không thấy phi cơ đồng minh bay lượn. Dân chúng mình không biết tin tức quốc tế, nên không ai hiểu gì cả. Hắn chờ thêm hai ngày nữa, xem bọn Nhựt có thường tập trung trong cái pháo đài hay không, nhưng ít thấy. Chỉ có khi đêm xuống bọn chúng mới chui vô tháp ngủ. Nhưng vào ban đêm thằng lính gác cầu không cho đi qua cầu. Hắn nóng ruột lắm, không đợi được nữa. Hành động ban ngày cho chúng biết mặt thanh niên mình. Với lại ban ngày bọn chúng thường mất cảnh giác. Hắn sẽ mang quả tạc đạn hơn năm ký lô, nguỵ trang thành cái ống đựng nước đeo sau lưng như những người đi làm rẫy. Lúc bọn lính chui rúc trong lô cốt ăn cơm trưa hắn sẽ đi ngang qua, quẹt diêm giả vờ hút thuốc, châm lửa, ném vào và lập tức phóng xuống sông lội xuôi theo con nước một đoạn rồi lội băng qua phía bên kia. Lúc đó nước dòng sông chảy rất xiết, chừng một phút sau hắn đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, còn một thằng đang gác trên cầu có bắn theo cũng không sợ . Suốt đêm đó hắn không hề chợp mắt, cứ nghe tiếng chó sủa là hồi hộp. Hắn ngồi dậy thắp hương trên bàn thờ vợ, cầu xin nàng phù hộ cho việc trả thù được thành công.
     Nửa đêm mưa, mưa to dần, mưa và sấm chớp như cơn thịnh nộ của đất trời. Hắn tưởng tượng quả tạc đạn của mình giáng lên đầu thù cũng hung tợn như thế. Gần sáng mưa tạnh, trời trở rét. Hắn đắp mền, co ro một lúc, nhớ vợ lắm. Khi còn sống hai vợ chồng ngủ với nhau khi nào mưa gió rét mướt Xuân và hắn trùm chung mền, nằm ôm nhau yên lặng nghe tiếng mưa rào rào trên mái. Hắn vùng dậy ra sân nhìn về hướng con sông Cái. Không rõ tại sao buổi sáng hôm nay trời đầy sương. Con sông Cái thường ngày to rộng xanh biếc là thế, nay ngắn lại còn có một đoạn. Con sông bò từ trong sương ra rồi lại chui vào màn sương. Cây cầu sắt bên kia thường ngày thấy đen sì vạm vỡ, sáng hôm nay bỗng nhiên biến đi đâu mất, giống như đêm qua nó bị phép màu xoá tan đi. Cái lô cốt đầu cầu cũng không còn thấy bóng dáng. Sương sa xuống sông rất nhiều, từ trên cao thấy nước sông như đang sôi. Bốc lên khói trắng.
     Có tiếng động ầm ầm. Đoàn tàu chạy qua cầu , không thấy cây cầu lẫn đoàn tàu nhưng tiếng động rền vang to hơn ngày thường rất nhiều. Con tàu đi qua, tiếng máy, tiếng bánh sắt siết trên đường ray nghe rất rõ. Tàu đi rồi âm thanh âm vang cả một vùng rộng lớn. Tàu hoả chạy xa, im lặng được một lúc lại có tiếng động, lúc đầu nhỏ, sau lớn dần lên. Đến khi nhận ra tiếng máy ghe nổ lạch bạch sát một bên mới thấy đó là chiếc tàu nhỏ ngược dòng sông Cái trong buổi sáng đầy sương. Tiếng máy nổ giòn tan trong sương. Thấy trên tàu lô nhô một tốp người mặc quần áo lính nhưng không phải lính Nhật. Trên tàu cắm cây cờ gì đó lạ lắm, không phải cờ mặt trời của bọn Nhật. Máy tàu chậm lại, chiếc tàu rẽ nước chạy sát vào bờ. Lúc này gió từ trên núi Sạn tràn xuống, thổi dọc con sông, xua tan lớp sương mù. Tàu cặp bến đá đầu cầu bên kia gần pháo đài. Những người lính dưới tàu nhảy lên bờ. Bọn lính Nhật xếp hàng sẵn đứng chờ.
     Không hiểu nghe tin đâu mà dân Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc, Ngọc Thảo, Cồn Dê bên này, dân Ngọc Sơn, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước bên kia kéo nhau ra đứng dọc hai bên bờ sông coi cảnh quân Tàu đại diện cho lực lượng Đồng Minh đến tước khí giới bọn phát xít Nhật. Thằng Trà vai mang cái quả tạc đạn trong ống tre chuẩn bị đánh cũng hoà mình vào đám đông xem cái cảnh hiếm có này. Hắn chợt giật mình. Ủa! Hoá ra như rứa là… là hắn không còn có cơ hội giết bọn Nhật trả thù cho vợ nữa sao? Ai lại có thể cướp đi của hắn cái quyền trả thù. Hắn phải hành động gì chớ?
     Nhưng than ôi ! Như mọi mưu đồ to lớn khác, dù đã hết sức toan tính cẩn thận, phút cuối vẫn có sai sót. Sáng hôm nay hắn quên không mang theo hộp diêm quẹt !!! . Bây giờ biết lấy lửa ở đâu để đốt quả tạc đạn giết quân thù ? Hắn hỏi mượn hộp quẹt nhưng chung quanh toàn phụ nữ, mấy người đàn bà nói: “ Đàn bà con gái lận hộp quẹt trong người làm chi?”. Có người kêu lớn: “Kia kìa, muốn hút thuốc thì tới mồi với người đàn ông đứng ngay dốc đó”. Hắn thấy lão Bộ đang phì phèo điếu thuốc rê. Hắn tính lao tới giật điếu thuốc đang cháy đỏ trên miệng lão Bộ, châm lên cái tim pháo rồi lao vào lô cốt cùng chết với kẻ thù. Thế nhưng khi hắn vừa định hành động thì lão ta cầm cái tàn thuốc cháy đã gần hết ném xuống sông… Hắn buồn bã thất vọng, cho mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Tất cả cũng chỉ tại cái số.
     Cùng lúc ấy hắn thấy bọn lính Nhật, thường ngày hùng hổ là thế, sáng nay buồn rầu và ngoan ngoãn như những đứa trẻ con, giao nạp vũ khí rồi xếp hàng, chịu cho bọn lính Tàu trói dẫn xuống chiếc tàu thuỷ đậu nơi bến đá.
     Bọn Nhật đầu hàng rồi, cái lô cốt lại bị bỏ hoang. Một hôm đi ngang qua, hắn chợt nghĩ, hay mình thử dùng quả đạn cho nổ xem thử có sập hay không? Lâu nay hắn vẫn cứ phân vân. Mình làm như thế, cách thức chế tạo, cân lượng than dâu, lưu huỳnh, diêm sinh như thế đã đúng với công thức chế thuốc pháo hay chưa? Hắn châm lửa ném quả pháo vào trong cái lô cốt bị bỏ hoang. Cuộc thí nghiệm hoàn toàn thất bại. Quả pháo tống khổng lồ không nổ. Nó chỉ mới “bộp” một tiếng nhỏ rồi xì một hơi dài thải ra toàn khói đen bao trùm cả một vùng … Sau vụ này hắn bị du kích bắt dẫn về trụ sở uỷ ban kháng chiến hành chính xử phạt mười lăm ngày dân công gánh gạo về cái tội cố ý phá hoại công trình quân sự . Đó là hình phạt nhẹ nhất trong thời chiến. Đang khi gánh gạo nặng, nghỉ chân, hắn chợt suy nghĩ, giá như năm đó, Nhựt không đầu hàng và ta không quên đem theo hộp quẹt đã có dịp ném quả đạn này vào trong lô cốt. Quả pháo không nổ và mình đã bị giết. Ôi được chết như thế oanh liệt biết chừng nào!
     … Nhiều năm sau, chuyện đau buồn đã qua, thời thế đổi thay, Võ Trà lúc này đã có tuổi, lên chức ông. Tết đến đứa cháu mua phong pháo chuột, những viên pháo nhỏ bằng đầu đũa, nó không dám đốt, phải nhờ ông nội cầm cây hương châm vào tim pháo. Lão run rẩy sợ sệt thế nào làm phong pháo rơi vào vũng nước. Bọn trẻ con đứng ngoài hàng rào cười ré lên, đồng loạt kêu thực to để trêu: “Ê! Lêu lêu người lớn mà nhác gan không dám đốt pháo chuột ! ”. Rồi tất cả bỏ đi sang nhà khác xem người ta đốt những phong pháo tống dài cả thước. Hắn nghĩ, lạ nhỉ, cái thời kỳ hào hùng một mình ta dám chế tạo tạc đạn đánh Nhựt. Thời mà chỉ nghĩ đến thôi đã ngất ngây như rượu mạnh. Mới đây còn trào dâng cuồn cuộn như thác nguồn nay đã qua rồi sao? Máu trong người mình lạnh hết cả rồi sao?