Những chiến hữu xung quanh đang thầm thì vui vẻ, căng Poncho làm mái để tụm nhum cùng nhau, bày bánh kẹo để cũng gọi là chào Xuân, rước ông bà về sum vầy với chiến binh trên cánh đồng khô hiu quạnh.
Mặt trời đã chênh chếch, nghiêng về phía Tây, đẩy bóng những vòm tre, những tàng cây dâu, măng cụt,... ngã rạp về một phía, báo cho chúng tôi biết rồi một ngày sẽ dứt, sẽ như mọi ngày, di quân, đóng đêm, bố trí phòng thủ, đặt toán kích, v.v... và. v.v... là công việc của những đơn vị tác chiến, và nhứt là đơn vị đóng trong vùng gọi là xôi đậu mà đám Việt Cộng cho là Mật khu của chúng. Hình như bọn cướp đêm cho đó là những vùng bất khả xâm phạm, đặt tên Mật khu để hù thiên hạ là chúng đã chiếm cứ nhiều vùng.
Nhớ trước đây, khi về trình diện Tiểu đoàn, 2 thằng cùng khóa, ra trường về Sư Ðoàn 5 Bộ Binh với 8 thằng gồm 6 Trừ Bị - trong đó có tôi - và 2 Hiện Dịch Ðặc Biệt, tôi xách túi quân trang, mang ba-lô xuống hậu cứ của Ðại Ðội 10 để lãnh súng đạn, địa bàn,... chờ theo xe tiếp tế vào vùng hành quân, trình diện ông Đại đội trưởng để bắt đầu làm lính đánh giặc thiệt, trong Mật khu An Sơn. Khi nhấn mạnh hai chữ “Mật khu,” ông Hạ sĩ quan tiếp liệu ngó thẳng mặt tôi quan sát như muốn thử lửa sơ khởi. Tôi thì tỉnh bơ vì “uýnh giặc” thì chỗ nào cũng “uýnh” thì thấu cáy chi bố Trung sĩ I già.
Sau màn bắt nọn, có lẽ cảm thấy yên tâm, ông Trung sĩ I gật gù bảo:
- Ðược, ông chuẩn bị. Tụi mình theo xe đạn tiếp tế của Đại đội và trình diện thẩm quyền luôn, ở trong Mật khu lận.
Bố này lại chơi chữ, tưởng không biết Đại đội trưởng gọi là thẩm quyền sao, tôi lại tỉnh bơ. Từ Quân trường, chầu chực ở Sư đoàn, đến Trung đoàn, rồi Tiểu đoàn, nghe toàn là lính nói chuyện, mà cũng là lính “uýnh” giặc chánh tông nên học hỏi mấy hồi. Và cần phải nói, đặc biệt ở đại đội này, ông Trung sĩ I già cho biết đây là đơn vị tác chiến, luôn tiếp cận với địch nên ông Đại đội trưởng sử dụng Carbine M2, mấy Trung đội trưởng kia cũng vậy, rồi hỏi tôi lãnh thứ nào: Colt hay Carbine M2? Hổng lẽ tôi nói ổng, “Ngu sao, đi đánh giặc mà thủ đồ lấy le thì có 'bể gáo ', hoặc giáp trận mình bắn nó 1 viên 11.43 ly chưa biết trúng không thì nó thẩy mình một tràng AK thì... rỗ mình.” Nhưng cũng hơi ớn ổng, trong Quân trường đã được nhắc nhở là khi ra đơn vị thì học hỏi những người lính thâm niên, không phải Quân vụ mà là chiến trường; phải nể trọng mấy ông bố già thường vụ, mấy ông Thượng sĩ đi lính và đánh giặc gần hết cuộc đời thì tuổi thọ có thể... kéo thêm chút đỉnh, nên nói: “Cho tôi nhận cây Carbine M2.”
Trong ánh mắt của bố già lóe lên một tia thiện cảm, chắc trong bụng ổng nói, “Ờ, tay này được đây.” Vừa nghĩ vậy, tự khoái rồi cười một mình. Trung sĩ I già thấy tôi cười và ổng cũng cười, tôi không biết ổng nghĩ gì nhưng chắc không nghĩ tôi quá tệ. Và đúng như vậy, sau này tôi mới biết ổng với tánh bộc trực của người miền Nam, dân Long An, có thiện cảm với tôi và nói tốt cho tôi trước khi tôi được lịnh trình diện ông Đại đội trưởng. Và sao này tôi lại biết, có lần trước mắt luôn, có hai ba anh lần lượt mới ra trường được phân phối bổ sung cho Đại đội, Trung sĩ I già cũng nói giáo đầu tuồng như vậy và mấy chàng kia có anh sửng cồ lên:
- Tôi là Sĩ quan, phải mang Colt, chứ tại sao bắt tôi mang Carbine?
Bố già của tôi nhỏ nhẹ:
- Thưa Chuẩn úy - và ổng nhấn mạnh chữ “Chuẩn úy” mà không hiểu mấy chú tửng, lính mới tò-te này có biết ông già nói gì không? Bổn phận của tôi là phải “trình” với Chuẩn úy thực tế của chiến trường. Không ai dám ép Chuẩn úy.
Vừa nói xong, ông quay gọi:
- Hạ Sĩ Khiết, Binh 1 Nghiệp, đứa nào coi lấy giao cây Colt cho ông Chuẩn úy mới nè. Ký kiết giấy tờ xong giao tao.
Hai anh lính hậu cứ ton ton thi hành đúng lịnh, và cái ông Chuẩn úy mà tôi thấy, vì đơn vị vừa về hậu cứ Trung đoàn ở Phú Văn, không nhận bao súng cũ mà phải đòi bằng được bao súng mới. Cũng xong thôi! Vì sau đó, mấy cái họa tới với anh chàng! Thứ nhứt, lấy bao súng mới, nhờ về Tiểu đoàn dưỡng Quân trang bị để tiếp tục chuyển vùng, rỗi rảnh anh chàng dùng lưỡi lam cắt béng đuôi bao da súng Colt để bỏ súng vào ló đầu cho nó ngầu, rồi tiếp tục cắt phần nắp đậy bao súng chỉ còn sợi da nhỏ choàng ngang cho lộ chó lửa và báng súng, mang xề-xệ bên hông ra chiều đắc ý.
Ðã không thích lại chướng mắt, ông Trung sĩ I già bèn gọi chàng Chuẩn úy mới này vào bàn việc của văn phòng Đại đội cho đọc phiếu trình và ký xác nhận để đại đội chuyển lên tiếp liệu Trung đoàn để trừ lương, bồi hoàn tiền bao súng vì vi phạm tội hủy hoại Quân dụng. Anh chàng năn nỉ quá xá nói rằng không biết, nhờ ông Đại đội trưởng xin hưởng “án treo” sau khi cho anh Chuẩn úy mới một màn xát xà phòng.
Chưa hết, vì cái họa thứ hai rồi thứ ba, và sẽ còn nữa nếu chàng ta không biết sợ là mạng mình sẽ đi đoong bất cứ giờ phút nào. Số là, đơn vị chuyển vùng phụ trách lên Phú Hòa Ðông, một vùng có địa danh Bến Cỏ mà VC cũng nhiều như... cỏ, anh chàng lơ tơ mơ rời khỏi con lộ chánh, rẽ vào phía trong một chút - hổng biết kiếm ai - thì... “cắc cù” hai tiếng, bị bắn sẻ, nhưng cũng may là tên Việt Cộng nào bắn tồi hoắc quá quýnh quáng nên đạn bay cách đầu và mang tai anh ta cả gang mà anh ta không phản ứng gì kịp; rồi bị thêm lần nữa anh chàng mới teo, bẻ cổ áo vào trong để che hai cái “quay chảo” thêu vàng chóe lồ-lộ trong ánh nắng, và năn nỉ ông Trung sĩ I già cho đổi khẩu Carbine M.2, trả lại khẩu Colt.
Nhưng đâu phải muốn là có liền vì ông Trung sĩ I già trả đũa bằng cách nói chưa có vì có mấy cây chuyển Quân Cụ sửa chưa về làm anh chàng lên ruột khi muốn tỏ ta đây là cấp Chỉ huy chỉ xài súng ngắn chớ không thích súng dài. Mãi tới lúc ông Đại đội trưởng thấy tội nghiệp nên ra lệnh cho ông già đừng làm khó mới yên. Ðó là bài học vỡ lòng cho chàng ta khi ra đơn vị tác chiến, và từ đó, anh Chuẩn úy mới học và hành ngày càng khá hơn.
Như tôi nói là ông bố già này có thiện cảm và có lẽ đã nói tốt cho tôi sao đó, nên khi trình diện thẩm quyền - một Thiếu úy trắng trẻo, người Bắc - với một giọng nói rất nhỏ nhẹ, sau khi tôi trình diện đúng cách và ông nhìn từ đầu đến chân:
- Em theo ông Thường Vụ xuống thế ổng coi Trung đội vũ khí nặng và học hỏi mấy anh em ở đó. Liên lạc máy. Ráng cố gắng.
- Dạ, rõ!
Ðánh rập đôi Bốt de saut cốp vào nhau, tôi nghiêm chào và quay đi nhận nhiệm vụ đầu tiên. Rồi thoáng cái, đã hơn một năm tôi theo đơn vị này: Ðại Ðội 10 đã “bù,” mà thuộc Tiểu Ðoàn 3/7 cũng “bù” trất, nhưng phải nói là số “bù” xui không phải dành cho tụi tôi mà cho những đơn vị Việt Cộng nào xấu số đụng tụi tôi. Bọn nó mà lò mò hay xáp trận là như đánh bài cào, bị chúng tôi hốt sạch, cứ đi hoài từ An Sơn lên Phú Hòa Ðông, rồi nhào vô Rạch Dứa, Bình Mỹ Nam, Tân Thạnh Ðông; về lại An Sơn, lên Bến Cát, Tam Giác Sắt, Long Nguyên, Hòa Lợi, xuống Lái Thiêu,... từ hành quân bình định, trực thăng vận, đột kích, v.v... Tiểu đoàn chúng tôi luôn mang về chiến thắng, và tôi mới biết ông Đại đội trưởng, Khóa 20 Võ Bị, này liêm chính, đánh giặc giỏi, nhứt là cầm quân rất mát tay. Cũng may cho tôi dưới quyền Chỉ huy của vị này, được ông hướng dẫn chỉ dạy tận tình nên khoảng đời binh nghiệp của tôi không đến nỗi nặng nề như các bạn Trừ Bị cùng khóa về chung Trung đoàn: 3 thằng tử trận, 1 thằng bị cấp độ tàn phế trên 100%. Còn lại hai là tôi và thằng Phước bên Tiểu Ðoàn 4/7, tuy có trầy vi tróc vảy chút đỉnh nhưng cũng kể là lành lặn cho đến ngày tan... chiến trận tạm thời.
Lan man đi về đồn Cây Me, từ ngã ba Bến Cỏ đi vô, nơi đặt Ban Chỉ Huy của Đại đội, tôi lại nghe từng đôi ba phát một chát chúa bắn vào phía trong, cách khoảng trống quanh đồn là những khu rừng chồi xăm xắp lan xa nên càng nhanh chân vào để tìm hiểu. Lại là anh Binh I Nguyễn Thái A đang đứng tựa một hông lô-cốt, hướng súng vào trong thỉnh thoảng bóp cò. Tôi lên tiếng:
- Bắn cái gì vậy?
Vẫn giữ hướng súng, A tức tối quay lại nói:
- Ông coi, mới chưa tới giờ ngưng bắn mà bọn ở đây nhấp nhô mang đồ tiếp tiếp cho mấy thằng trong đó kìa.
Tôi hướng mắt nhìn xa, tuy không thấy gì bởi có lẽ bọn họ núp lại, nhưng cảnh trí giao động khiến tôi nghĩ là Thái A nói đúng. Hơn tháng trước, đơn vị còn nằm sâu trong Mật khu, qua khỏi cầu Cây Cui, vào chiều trước Lễ Giáng Sinh, cũng chính Binh 1 A này nép sau cột rào kẽm gai bắn từng loạt chận đám “dân” mang đồ tiếp tế vào mật khu An Qưới. Tôi đã phải ngăn lại, không cho bắn nữa dù cu cậu rất bực tức.
Ðây là cái khổ của chúng tôi trong cuộc chiến tranh này! Bọn VC mặc đồ thường dân, đi giao liên tiếp tế, thậm chí giả dạng cày ruộng chờ chúng tôi đi qua hay sơ ý là giựt mìn, bắn sẻ, phục kích,... Thành công thì đài "MTGP" và Hà Nội bọn chúng sang sảng nêu cao thành tích "Dân quân du lích hạ được bao nhiêu Mỹ Ngụy với cấp số nhân". Còn thất bại, bị Quốc Gia bắn hạ thì bọn chúng bù-lu bù-loa là "VNCH bắn giết dân lành", được thêm bọn báo chí trong nước phụ họa và đài, báo ngoại quốc (Nói là trung thực nhưng thực chất là thiên Cộng) tiếp tay cho Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng, lên án một Quân đội tận lực để tự vệ và giữ nước.
Tôi lại cản:
- Thôi, kệ mẹ nó.
- Nó ăn no đủ để uýnh tụi mình.
Thái A nói dúng nhưng tôi vẫn cố, không tiết lộ cái lịnh chuyển quân vừa nhận được:
- Kệ, sắp sửa ngưng bắn rồi. Mình lo ăn Tết (Tết Mậu Thân, 1968) cho vui.
Anh Binh I vẫn hậm hực:
- Mình thì ngưng bắn, nhưng... tụi nó có tuân hành không? Bao lần rồi! Tin bọn VC thì bán lúa giống, có ngày không có gạo ăn.
Anh chàng này tuy là lính nhưng nói một câu không sai tí nào. Sau này, không chỉ những người lính trở thành tù như tụi tôi mà cả đại đa số người dân miền Nam đã không có gạo ăn khi miền Nam bị bức tử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày đám "Mặt Trận Giải Phóng" cõng lũ Cộng Sản miền Bắc xâm lăng chiếm ngự cả miền Nam để đưa đất nước này vào kiếp đời nô lệ cho bọn cướp ngày chễm chệ làm chủ nhân ông!
Hậm hực gì hậm hực, có tức gì thì tức nhưng là lính nên anh đành lặng thinh nhìn trời cao chênh vênh với mây sầu giăng mắc như cảm thông cho một đất nước điêu linh bởi luôn bị họa Bắc xâm, như thương cảm cho những người lính ngày đêm dấn thân vào lửa đạn, hy sinh thân xác để giữ an lành cho một hậu phương không kém phần bội bạc với một lũ trốn lính, chính trị hoạt đầu tìm cách lũng đoạn xã hội, tiếp tay cho giặc lung lạc tinh thần chiến sĩ, và với những người nhờ sự an bình quần là áo lụa, sung sướng khinh bạc những người Chiến sĩ, lánh xa những bộ Chiến y khi lạc về thành phố như sợ bị dây vào đất bụi sa trường!
Chua cay là thế đó! Họ vẫn phè phỡn ăn chơi, cười đùa nhảy nhót như chiến tranh không liên quan gì đến họ, đánh giặc là những người lính vô phần phải lo, chết chóc là việc họ phải chịu,... đến nỗi vài anh phóng viên ngoại quốc khi đi quay phim, viết phóng sự chiến trường đã nói với chúng tôi “Saigon No War.” Vâng, Saigon không chiến tranh!
Mặc dù một lần Tết Mậu Thân, khi Cộng Sản Bắc Việt xé lịnh ngưng chiến, đơn phương ra lịnh xua đám Mặt Trận Miền Nam đem nướng, tấn công các Thành phố gây nên cảnh chết chóc, máu đổ thây phơi với cửa nhà bị đốt phá tan hoang đôi bận cách đây không lâu mà hầu như họ đều quên hết; mặc dù có những trận đánh mà chúng tôi phải đương đầu cách thành phố khoảng mươi cây số đường chim bay, tiếng phi pháo vọng về, những ánh hỏa châu thả leo loét xé loang lổ màn đêm vùng ven đô, họ đã nghe và đã thấy thế mà họ vẫn dửng dưng như người ngoài thế sự.
Lúc đó, đôi lúc chúng tôi nghĩ dại là nếu chúng tôi chết đi, Quân đội không còn thì cuộc sống của những hậu phương đó ra sao, và có bao giờ chợt nghĩ lại một lần sự hy sinh của những người lính Quốc Gia, những Chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa, kẻ chết đã yên phần còn những người sống với thương tích tật nguyền trong kiếp thương binh sống lây lất bên lề của xã hội?
Nghĩ là nghĩ, dù buồn là buồn, nhưng bổn phận của những người lính chiến chúng tôi vẫn phải cam chịu gian lao chết chóc để ở hậu phương được hưởng những cái Tết tròn vẹn. Saigon đón Tết chắc có tràn ngập những hoa mai, những sắc màu tươi thắm với hàng vạn bóng hồng thướt tha cho đời thêm tươi thắm. Và nơi đây, cũng như các tiền đồn xa xăm, như những mặt trận mà các đơn vị với những chiến hữu của chúng tôi cùng chung nhiệm vụ, chỉ nhìn thấy một bầu trời xám ngắt những từng mây chất đầy khói súng, những đồi nổng trơ trọi, những rừng lá bạt ngàn,... mà từ nơi đó bọn cộng sản núp lén như những bầy chuột, chực chờ cơ hội để tấn công bọn tôi bất cứ lúc nào.
Không khí hôm nay dường như cũng cô đọng lại, nặng trĩu tâm hồn khiến thần trí nhẹ tênh thoảng chốc vút cao như muốn tìm nhìn ở một phương trời xa xăm có một gia đình, có những người thân: cha, mẹ, anh, em, bà con thân thuộc,... đang loay quay sắm Tết, nhà cửa sửa sang, trang hoàng bánh trái để chuẩn bị đêm nay đón Giao Thừa, mong sang năm mới được nhiều điều may, hưởng nhiều phước lộc,... để rồi trầm tĩnh thấy cạnh mình chỉ những đồng đội trong những bộ treilli bạc màu, với súng với đạn, với ba-lô nặng trĩu đang chuẩn bị di quân.
Lịnh đã ban! Những người lính bỡ ngỡ nhưng là lính thì chỉ biết có lệnh... rồi từng Tiểu đội, Trung đội hàng dọc tiến theo đội hình đã hoạch định của mỗi đại đội, và toàn bộ Tiểu đoàn lần lượt rời khỏi Phú Hòa Ðông, qua cầu Bến Nẩy, hướng về Paris Tân Quy, nơi mà Tiểu Ðoàn 3/7 Khăn Tím sẽ phối hợp với Tiểu Ðoàn Khăn Nâu 4/7 từ Tân Thạnh Ðông kéo về, hai cánh đóng quân cả khu đồng trống chờ mùa Xuân mới, và để cho người dân hai nơi có thể hưởng được một cái Tết trọn vẹn an bình.
Nhưng... muốn lo cho dân là một việc, còn địch có muốn hay không là một việc khác!
Nhìn những chiến hữu bắt đầu đào hố cá nhân theo tuyến phòng thủ khi trời vừa chập choạng, tôi lễnh đễnh nhìn quanh, vẫn một nền trời xám xịt bao tùm bầu không khí lạnh tanh với vương vất đâu đây lảng vảng bóng tử thần bay lượn, thoạt gần thoạt xa, giá băng chợt chuyển mình bốc lửa để cảnh giác những người chiến binh, những người lính như chúng tôi là sẽ không có én liệng vờn bay, không có những đóa hoa mai vàng tươi mang mùa Xuân ấm mà sẽ là đạn pháo của giặc rót về và những làn lửa nóng hực khiến bao dòng máu sẽ tuôn ra, những xác người ngã gục để đất Mẹ Việt Nam run rẩy hờn căm vì mùa Xuân sẽ không bao giờ đến!
Phũ phàng quá! Tôi cố gắng lắc mạnh cái đầu để xua đuổi những ám ảnh cứ đong đầy trong tâm trí. Mình quá tưởng tượng rồi, và tôi tự nghĩ mình như vậy. Vì... trong nét mông lung của buổi chiều chợp tắt, một màn xanh thẫm đậm đà từ từ trùm xuống, nỗi vắng lặng se se cái giá lạnh của sương chiều khiến tôi bất giác rút điếu thuốc gắn lên môi, cúi đầu vào chiếc nón bông bật quẹt và rít một hơi thuốc lá thật dài như muốn đưa cái ấm áp đi sâu vào trong ngách luồn của tâm khảm. Tôi lại tỉnh táo! Một sự tỉnh táo lạnh lùng không hòa hợp với tâm tư của những người lính thuộc quyền, của những chiến hữu xung quanh đang thầm thì vui vẻ, căng Poncho làm mái để tụm nhum cùng nhau, bày bánh kẹo để cũng gọi là chào Xuân, rước ông bà về sum vầy với chiến binh trên cánh đồng khô hiu quạnh.
Tôi cũng muốn vui lây bởi anh em trong những lúc năm cùng tháng tận, cứ vui để mang lấy cái hên trong ngày đầu năm, để trọn một năm mới được nhiều an vui cho kiếp đời chiến chinh xuôi ngược, và liền tự trách mình âu lo thái quá. Ðúng, tôi thái quá trong sự yên tịnh miên man trải dài. Thời khắc chầm chập nhưng lướt nhanh, không gian trĩu lạnh nhưng ấm êm trong tình tương thân của những người gọi là chiến hữu.
Vài căn lều đã leo lét ánh đèn cầy, vi phạm nguyên tắc của đóng quân đêm nhưng không chỉ riêng tôi mà các cấp chỉ huy trên tôi cũng cảm thông cho những ngày tư ngày Tết, để bù khú rượu chè và không khỏi chuyện đánh bạc. Tết mà! Tôi lẩm bẩm bào chừa, rít hơi thuốc cuối nhìn lên phía Bắc hướng Phú Hòa Ðông, quay phía Ðông hướng Trung An mà bên trong sâu bọn Việt Cộng tự hào với "Mật khu Ấp Nhà Việc", rồi phía Nam xa là vùng Tân Thạnh, còn cận cũng là một ổ Vi-Xi trong đầm lạch Rạch Dứa và thêm tên là Bình Mỹ Nam, vượt qua phía Tây thì trên kia là Củ Chi... thành đồng đất... sét, cảnh vật đều êm đềm lặng vắng như nghiêm trang, kính cẩn chào đón chúa Xuân, và giờ Giao Thừa đến nơi, ông bà tổ tiên từ phương trời xa đang đến, đang lũ lượt kéo về để chứng giám, quây quần sum hợp cùng bầy cháu con bên bàn thờ Gia Tiên chất đầy bánh trái.
Ông bà đã trở về dù tận cùng các thôn xóm. Chúng tôi không biết ông bà có về chỗ chúng tôi không, những người lính chiến cuối năm phải mài miệt dưới các giao thông hào, trong các hố cá nhân mình đầy đất bùn chắc ổng bả không lấy gì làm vui thú cho lắm. Ồ không, tôi đã sai! Ông bà cũng thương chúng tôi, đã về với chúng tôi đúng giờ trừ tịch... Nhưng, sao họ vụt bay đi, bay nhanh và biến tan trong niềm hoảng hốt?...
Bên tai tôi vừa nghe một loạt tiếng Départ của súng cối 82 ly hướng Ðông, tiếng rít kêu xé gió của hỏa tiễn 122 ly từ hướng Bắc, và rồi vài tiếng ầm vang hơi xa, vài trái đạn đã nổ tung trong phòng tuyến của Tiểu Ðoàn 4/7, rồi tiếp từng tràng súng trường, RPD, B.40 - 41,... của địch càng lúc càng dồn dập hòa giao một bản đại hợp tấu chiến trường với những tiếng mìn Claymore, M.16, tiếng lựu đạn, M.60,... Cối 61, 82 của Cộng sản đều đặn phóng đi, và Mortier 60, 81 của ta đã sẵn sàng hàng loạt tập trung rót ngược như mưa về những tọa độ đặt súng của địch để phản pháo, cùng không dè là những chiếc AD.6 bao vùng từ đâu nhanh chóng bay tới trút những tràng đại liên, phóng những hỏa tiễn, thả những trái bom thật chính xác đến độ chỉ trong những phút đầu giao chiến các khẩu pháo của địch đã bị khóa mõm...
Bây giờ chỉ còn tiếng súng trực chiến nổ đều ran ở các tuyến quân của hai Tiểu Ðoàn phòng thủ. Việt Cộng đã “tiền pháo” vô thằng Khăn Nâu 4/7, “hậu xung” thằng 3/7 Khăn Tím với một chiến thuật lạ lùng hay bọn pháo thủ của chúng quá tồi, tính toán sai trật mục tiêu để giờ đây yếu tố bất ngờ không còn nữa thì ngay khi trận chiến khởi đầu: Ðiều may mắn không nằm bên chúng nên chúng đã trả một cái giá khá nặng nề.
Giặc Cộng phá tan thêm một mùa Xuân (Xuân Mậu Thân, 1968) của đất nước, và cái giá mà bọn chúng phải trả bao nhiêu cũng không xứng, khi hủy hoại những giờ phút thiêng liêng mà bất cứ người Việt hiền lương nào của miền Nam: Việt Nam Cộng Hòa đều phải tôn trọng.