main billboard



Viết theo lời kể của một “Việt kiều” Công Dân của Nước Việt Nam Cộng Hòa

toi-di-an-tet1
Lý do vững chắc của tôi là: Tôi có hộ chiếu (mà ngày xưa, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi gọi đó là Thẻ Thông Hành) của Việt Nam cấp phát, cho phép đi du lịch ba tháng rồi phải trở về Việt Nam. Một số người khác đã tự nhận mình là “Việt Kiều” nhưng lại từ Úc, từ Mỹ, từ Canada về thăm Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi lại quay về nơi họ cư ngụ. Những người này phải xưng danh là Kiều Dân Úc, Mỹ, Canada... gốc Việt, trở về thăm Việt Nam quê hương cũ mới đúng, chứ không nên mạo nhận là... “Việt Kiều”.

Điều thứ hai mà tôi phải xác nhận cho rõ ràng: Trong khi một số người dân Việt gốc Cộng Hòa ở khắp mọi nơi trên thế giới đổ về Việt Nam ăn Tết, để nhìn thấy lá cờ đỏ, thì tôi lại từ Việt Nam đi Úc ăn Tết (theo lời mời của hai đứa em gái của tôi ở Melbourne), để được hân hạnh nhìn thấy Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ.
Theo tài liệu của hai đứa em tôi gởi bằng email, tôi được biết sơ qua về nơi tôi sẽ viếng thăm như sau: Vùng đất Melbourne được tìm thấy vào ngày 30 tháng 8 năm 1835 bởi những người định cư từ Launceston trong Vùng đất Van Diemen, và được coi đó là đất của Hoàng Gia Anh, thuộc Tiểu Bang New South Wales. Đến năm 1837, vùng đất này đất này được Thống đốc Tiểu bang New South Wales, Sir Richard Bourke, đặt tên là Melbourne, phỏng theo tên của Thủ tướng Anh trong ngày, William Lamb, 2 Viscount Melbourne và được Nữ Hoàng Victoria công nhận là thành phố vào năm 1847.

toi-di-an-tet2

Từ những năm 1850, khi vàng được tìm thấy ở Melbourne và những vùng phụ cận, dân tứ xứ đổ về đây thật nhiều, tạo thành một cơn sốt vàng, chính phủ mới cho thành lập một Tiểu Bang mới, đặt tên là Victoria (phỏng theo tên của Nữ Hoàng Victoria), chọn Melbourne là Thủ đô. Lúc đó, Melbourne được coi như là một trong những thành phố giầu có nhất trên thế giới với vàng bạc đầy rẫy từ những vùng như Ballarat, Bendigo, Warrnambool....

Theo lịch trình đã định, thì tôi sẽ dời Việt Nam từ ngày 20 tháng 12 năm cũ để đến Úc vừa kịp dự Lễ Giáng Sinh, nhưng vì tôi không có tiền để “bồi dưỡng cho những cơ quan chức năng liên hệ” nên hồ sơ của tôi bị chậm lại, mãi giữa tháng 1 tôi mới có mặt ở thành phố Melboune. Chị em sau một thời gian dài mới gặp lại nhau, chúng tôi tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau không dứt, đến tối mấy đứa cháu của tôi mới đi làm về, mặc dù đa số các cháu sinh ở bên Úc và cũng đã lớn tuổi hết rồi, nhưng tất cả đều khoanh tay cúi chào tôi rất là lễ phép.
Sau một đêm nghỉ ngơi, sáng hôm sau, tôi được đưa đi viếng thăm thành phố Melbourne.

Điều đầu tiên tôi nhận thấy là thành phố này rất sạch sẽ, sạch một cách tự nhiên, vì tôi thấy không ai vứt rác ra đường, và nhất là không thấy bóng dáng những phu quét rác ở trên đường phố. Những thành phố khác ở Á châu tôi đã được dịp đi thăm, tuy cũng sạch sẽ, nhưng sạch là vì được quét dọn xuốt ngày, chứ còn dân chúng vẫn có thói quen xả rác ngoài đường và những người phu cầm chổi đẩy theo thùng rác đi hót rác đầy dẫy ngoài đường phố. Mặc dù chỉ mới được thành lập hơn 180 năm nay, nên những kiến trúc trong thành phố đều rất cổ xưa, nhất là tòa nhà Quốc hội và Tòa Đô Chánh, nhìn rất uy nghiêm và cổ kính. Không khí trong lành và không có tiếng động của động cơ xe gắn máy, xe hơi , nhất là tiếng còi tu huýt của cảnh sát giao thông, làm cho tôi cảm thấy thật là thoải mái.

Điều thứ hai tôi nhận thấy là ở trên đường phố, có thật nhiều xe hơi, thỉnh thoảng mới thấy xe gắn máy và xe đạp (mặc dù lúc này là mùa hè, rất mát mẻ để đi xe đạp), những người lái xe và những người đi bộ đều rất là kỷ luật. Mỗi khi đến ngã tư có đèn báo hiệu, mặc dù đường bên đèn xanh chỉ có vài chiếc xe chạy và đường bên đèn đỏ có nhiều xe hơi đang chạy tới, nhưng họ đều ngừng lại chứ không chạy luôn như ở bên Việt Nam. Xe chạy tới một giao lộ có nhiều con đường cắt ngang nhau, khi bên tôi có đèn xanh, em tôi lái xe chạy tới, bên kia cũng có người lái xe chạy về phía chúng tôi nữa, tôi thấy rõ ràng xe hai phía chạy tới trước mặt nhau nhưng không thấy người em rể tôi ngưng lại hoặc tấp vào lề để tránh, tôi sợ quá, trống ngực đánh đùng đùng, hai tay nắm chặt lấy ghế ngồi, nhắm chặt cặp mắt lại chờ bị đụng. Một lúc sau, không nghe thấy một tiếng “Rầm” nào cả, tôi vội mờ hé mắt ra dòm, mới thấy là xe phía trước đi gần tới chúng tôi thì quẹo về phía trái trong khi xe của chúng tôi được quẹo về bên phải, tuy chạy sát lại gần nhau, nhưng mỗi bên quẹo một hướng, có lằn ranh khác nhau, nên không có ai đụng vào ai cả.

Điều kế tiếp mà tôi nhận thấy là xe chạy nhiều như vậy mà không có một tiếng kèn xe, và nhất là chẳng thấy bóng một cảnh sát lưu thông nào cả, tôi thắc mắc quá, liền hỏi đứa em:

“Sao chị không thấy có cảnh sát giao thông trên đường gì hết, vậy thì lấy ai ra mà phạt những người tài xế chạy ẩu? Lấy ai ra “xử lí” những khi xe cộ bị “ùn tắc”?

Đứa em tôi có vẻ như không hiểu lời tôi nói, cô hỏi lại tôi:

“Ùn tắc... là cái gì... có ai làm điều gì phi pháp hay không mà cần phải...
ử lí?” “Ờ thì... ùn tắc là xe cộ nhiều quá... bị kẹt đó mà...”

À! Kẹt xe thì cứ nói là kẹt xe, nói chi ùn tắc hổng hiểu gì hết... Ở xứ nào cũng có cảnh sát hết á, có điều, chỉ khi nào xẩy ra tai nạn mà có người bị thương, thì họ mới tới làm biên bản và kêu xe cứu thương tới chở người bị tai nạn đi nhà thương, còn trong trường hợp tai nạn chỉ làm hư xe thì hai bên tài xế tự giải quyết bằng cách đưa tên, số điện thoại của mình và tên của hãng bảo hiểm của mình ra cho người bên kia, rồi chào nhau mà lên xe chạy tiếp, sau đó tự hai bên cũng tự báo lại cho hãng bảo hiểm của mình để hai hãng bảo hiểm tự dàn xếp coi ai là người có lỗi để từ đó bồi thường cho nhau và sửa xe cho khách hàng, chứ hai bên tài xế không cần phải cải nhau om xòm để đổ lỗi cho nhau.
“Vậy... lương cảnh sát giao thông có... khá không? Nếu họ muốn kiếm thêm bằng cách... phạt xe ở ngoài đường, họ lại không có ra ngoài đứng ở lề đường thì làm sao mà phạt người ta?”

Hai đứa em của tôi lại trợn mắt lên nhìn tôi, hồi sau, tụi nó mới hỏi lại tôi:
“Bộ ở Việt Nam, cảnh sát giao thông không được trả lương... họ tự kiếm tiền bằng cách... ra ngoài đường... phạt người chạy xe để trả lương cho mình hả?”

“Họ có được trả lương, nhưng chắc là không đủ, nên chị thấy họ thường đứng núp ở mấy gốc cây bên đường nhiều lắm, thổi còi phạt người ta tùm lum hết, có nhiều khi chạy đúng luật cũng bị kêu lại phạt và hẽ bị phạt là phải trả tiền liền, không trả thì họ giam xe, khi lấy lại, chiếc xe chỉ còn có cái sườn xe mà thôi.”
Ba chị em lại tiếp tục đi thăm thành phố, sau khi đi thăm tòa nhà Quốc Hội, tôi buột miệng khen:

Tòa nhà Quốc Hội Tiểu bang Victoria.
“Tòa nhà này... hoành tráng quá... cảnh quang lại thật đẹp, mặc dù đi bộ nhiều, nhưng chị vẫn cảm thấy... thư dãn lắm.”
Hai đứa em gái tôi dường như lại không hiểu tôi nói cái gì, cứ đứng mở lớn cặp mắt ra mà nhìn tôi. Tôi thấy kỳ kỳ, mới giải thích thêm:
“Tòa nhà Quốc hội đó... nó thật là bự và đẹp lắm...”

Đứa em út nghe tôi giải thích, nó cười lớn rồi hỏi lại tôi:
“Em hiểu rồi... có phải chị muốn nói cái tòa nhà đó nó... nguy nga, đồ sộ và cách bài trí bên trong rất là tráng lệ... phải không? Nhưng mà cảnh quang... là cái gì?”
“Thì... cảnh quang là quang cảnh đó mà...”
“Quang cảnh thì nói đại là quang cảnh đi... nói chi... cảnh quang, nghe hổng hiểu gì hết trơn hà...”

Thì ra, tiếng Việt mà tôi đang nói, là cái tiếng Việt của... Việt cộng, sống với chúng nó, phải theo và nói theo kiểu của chúng nó, làm cho những người vượt biên từ lâu như em tôi, tụi nó vẫn nói tiếng Việt của thời Việt Nam Cộng Hòa, tụi nó chẳng hiểu tôi nói gì cả, ba chị em nhìn nhau cười thông cảm.
Đang đi, tôi chợt nhớ ra là đứa cháu trai (con của con gái tôi) cũng được gởi đi du học, và nó học ở ngay thành phố Melbourne này, tôi vội hỏi đứa em:
“Trường... Rờ Mít... nó ở đâu hả em...? Có gần đây không...?”
toi-di-an-tet3
Hai đứa em tôi lại nghệt mặt ra mà nhìn tôi:
”... Rờ Mít...? Trường nào mà tên là... Rờ Mít...?”
“Thì... trường... Rờ Mít... cái trường mà thằng Bi đang học đó... trường này nổi tiếng ở bên Việt Nam lắm đó, cứ nói trường Rờ Mít là ai cũng biết hết á.”

“À... đó là trường RMIT... viết tắt của chữ Royal Melbourne Institute of Technology, ở bên đây đọc là AA EM AI TI... sao chị lại đọc là... Rờ Mít..
? Đọc vậy tía tui cũng không biết là trường nào chứ đừng có nói là tui.
“Thì ở bên Việt Nam người ta đọc sao thì chị nói lại chứ đâu có biết gì đâu...”
Hai đứa em tôi bấy giờ mới biết tên của cái trường Đại học nổi tiếng của Úc, tụi nó chỉ cái tòa nhà xéo góc chỗ tôi đứng mà nói:


“Đó... trường đại học RMIT đó. Đây chỉ là một trong những trường đại học của Melbourne mà thôi, nhưng cũng lớn lắm, nội trong thành phố Melbourne này đã có tới cả chục chi nhánh lận, có chi nhánh ở Việt Nam nữa đó.
Để biết về sinh hoạt của người tỵ nạn, hai đứa em cũng đưa tôi tới thăm vài người bạn của họ. Sau bao nhiêu năm cố gắng làm việc, người tỵ nạn nào cũng mua được ít nhất là một căn nhà thật đẹp để ở với hàng rào bao quanh, vườn trước vườn sau đầy những bông hoa, cây ăn trái, trong nhà thì đầy đủ giường tủ bàn ghế và những đồ gia dụng khác. Đến trước cửa, khách đều cởi giầy dép để ngoài hàng hiên rồi mới bước vào nhà, sẽ có dép mới dành riêng cho khách mang. Điều này rất dễ hiểu và ở Việt Nam chúng tôi cũng làm như vậy, là vì người Việt chúng ta có thói quen sạch sẽ, không muốn khách mang giầy dép đi tứ xứ rồi đem đôi giầy đầy bụi vào trong nhà mình, nhà nào cũng trải thảm trắng tinh (hoặc có mầu sắc sáng), chỉ cần một đốm đất cát dính vào là phiền phức ngay, phiền hơn nữa nếu nhà nào có cháu chắt còn nhỏ, khi chơi dỡn, tụi nó bò lê la trên mặt thảm rồi lại đưa tay lên miệng, chắc chắn sẽ bị dính dơ hoặc vị vi khuẩn chui vào miệng, nên sạch sẽ như vậy là đúng và tốt nhất.

nhiên, tôi nhận thấy có một điểm rất khác biệt giữa nhà cửa ở Úc và ở Việt Nam: Nhà ở bên Úc, đa số lúc nào cũng đóng cửa, trong khi ở Việt Nam, chỉ khi nào đi ngủ mới đóng cửa chính, còn những cửa sổ có chấn song, dù thức hay ngủ vẫn cứ mớ ra để đón gió mát và ngắm trăng thanh. Em tôi đã giải thích rằng: Chỉ có mùa Xuân khí hậu ấm áp, mới có thể mở cửa đón gió chút đỉnh, còn vào mùa Thu và mùa Đông, gió lạnh thấu xương, phải đóng cửa để mở lò sưởi cho ấm. Vào mùa Hè nóng nực, cửa cũng phải đóng để mở máy lạnh cho mát. Do đó, vào ban ngày, khi tất cả vợ chồng con cái đều đi làm hoặc đi học, mọi người đều mở cửa sổ ra để không khí được luân lưu và những mùi mắm muối hành tỏi khi nấu ăn vào buổi tối sẽ thoát ra ngoài, chiều đến, khi mọi người trở lại nhà, họ lại đóng mọi thứ cửa lại để tùy theo mùa mà mở lò sưởi hay máy lạnh. Tuy nhiên, cũng có một vài gia đình, vì lý do nào đó, đã không mở cửa sổ (nhà có người bệnh, hoặc sợ bị mất trộm) nên mùi hôi của đồ ăn bị giam hãm ngày này qua tháng nọ ở trong nhà, dính hết cả vào quần ảo, màn cửa, thảm lót sàn nhà... Có một lần, khi Dì Út dẫn tôi đến nhà một người bạn, gõ cửa, người bạn mở cửa ra mời chúng tôi vào, cửa vừa mới mở thì mùi hôi trong nhà được tự do thoát ra ngoài, đập ngay vào mặt vào mũi chúng tôi. Mặc dù tôi ở Việt Nam cả đời, đã quá quen với những mùi cống rãnh, thế mà tôi cũng bị choáng váng thiếu điều muốn té xuống đất, về đến nhà, mùi hôi vẫn còn dính vào quần áo, đầu tóc, chúng tôi phải đi gội đầu tắm rửa thật sạch, thay quần áo khác từ trong ra ngoài rồi mà mùi hôi vẫn còn lẩn quất đâu đó trên da thịt tóc tai, mấy ngày hôm sau mới tan biến đi (người ở trong căn nhà đó, chắc là đã quen với mùi hôi của mình nên không bao giờ biết rằng nhà mình có mùi hôi, còn khách tới thăm sẽ vì lịch sự mà không bao giờ phàn nàn về mùi hôi của trong căn nhà của bạn mình.)

Đến thăm nước Úc mà không nói về đồ ăn thức uống, trái cây rau tươi của Úc thì quả là một thiếu xót (sót) lớn.

Trưởc khi tới Úc, tôi đã được con cháu bạn bè thông báo cho biết là đồ ăn thức uống ở bên Úc là tươi ngon nhất thế giói. Tôi đã từng được hai đứa em nhờ người quen đem về tặng cho mấy ký thịt bò, tôi làm ngay món thị bò nhúng dấm cho cả nhà vợ chồng con cái cùng ăn, thật là một bữa ăn để đời bạm ạ: Thịt bò của Úc ngọt, thơm và mềm đến tận cùng, ăn miếng thịt nào là mùi thơm ngon đi từ mũi từ miệng qua thực quản, xuống đến dạ dầy rồi mà vẫn còn ngửi thấy mùi thơm. Tôi là dân Biên Hòa chính gốc, nhưng lấy chồng Bắc Kỳ “Ri Cư 1954″, tôi đã từng “bị” ngửi mùi thịt chó nhưng chưa ăn thịt chó bao giờ, nên không biết thịt bò của Úc có ngon hơn món thịt chó hay không. Tôi cũng nghe nói về thịt bò Kobe của Nhật, nhưng cũng chưa từng được ngửi được ăn loại thịt bò này, tuy nhiên, đó chỉ là một loại thịt bò đặc biệt của tỉnh Kobe mà thôi, còn thịt bò của Nhật ở các tỉnh khác thì không có gì đặc biệt cả, trong khi thịt bò của Úc nuôi ở bất cứ Tiểu bang nào cũng đều thom ngon cả.

Khi đến Úc, tôi đã được hai người em đưa đi ăn ở rất nhiều nhà hàng, từ nhà hàng chính gốc Úc cho tới nhà hàng Brazil, Ý, Hy Lạp, nhất là món Phở độc đáo của dân tộc Việt chúng ta. Trước khi đến ăn ở nhà hàng Úc, em tôi đã dặn tôi về cách thức xếp chén dĩa của nhà hàng:
Bánh: Trái – Nước: Phải.
Muỗng, nĩa: Ngoài – Trong.

Có nghĩa là, Khi ngồi xuống ghế, bánh mì của mình được đặt ở bên tay trái, nước và rượu để ở bên phải, khi lấy đồ ăn thức uống phải nhớ kỹ điều này, kẻo lấy lầm bánh mì, uống lầm ly nước của người ngồi kế bên. Khi ăn thì muỗng dĩa ỏ bên ngoài sẽ được dùng trước, sau đó mới tới những thứ ở bên trong, đừng vì thói quen mà lấy bất cứ cái muỗng cái nĩa nào vừa tay mình để dùng trước.

Trong khi ăn, nếu thấy miệng dính đồ ăn thì phải dùng khăn ăn chùi miệng cho sạch đã rồi hãy ăn tiếp. Khi nhai đồ ăn thì phải ngậm miệng lại mà nhai, và đừng bao giờ vừa nhai vừa nói chuyện hoặc cười với người khác, vì thức ăn trong miệng của mình có thể sẽ... bay vào mặt người đối diện.

Cách trang trí của nhà hàng ăn ở bên Úc rất đẹp, chén dĩa sạch trong sạch bóng, ghế ngồi bọc da thật là lịch sự, khăn trải bàn và khăn ăn trắng tinh, ủi thẳng băng, thật là lịch sự, chưa ăn đã thấy ngon rồi. Một điều rất khác với các nhà hàng ở Việt Nam là: Dù là đã hẹn trước với nhà hàng, nhưng khi tới nơi, mọi người đều nói tên mình và giờ hẹn, rồi đứng chờ ở quầy để tiếp viên đi xem lại bàn đã được thật sự sẵn sàng hay chưa? Khi mọi thứ đã sẵn sàng đâu vào đó, người tiếp viên mới quay trở lại mời khách vào bàn đã dành sẵn. Ngồi vào bàn rồi, tôi để ý thấy ở bàn bên cạnh, khách hàng đã đứng dậy ra về, hai tiếp viên tới dẹp chén dĩa, khi xong rồi, một tiếp viên khác tói xếp khăn bàn với những đồ ăn rơi rớt ở bên trong rồi đem vào bếp, không có một vụn bánh rơi ra ngoài. Còn ở Việt Nam, dù là có hẹn trước hay không, khách cứ việc tới nơi, thấy bàn nào trống thì nhào tới, dư ghế thì nhắc thẩy qua bàn khác, thiếu ghế cũng tự động bưng ở bàn khác qua mà ngồi.

Có nhiều nhà hàng trang trí quá đẹp, quá lộng lẫy, tới nỗi dù là em tôi đã hẹn trước, đã nói cho tôi biết trước nhà hàng này ra sao, thế mà khi tói nơi, tôi vẫn cứ dè dặt... không dám bước vào, và khi bước vào, tôi đã... không dám bước mạnh.

Thế nhưng, tôi đã bị bé cái lầm khi bước vào một nhà hàng ở vùng Footscray, Khi chúng tôi ngồi xuống, cô tiếp viên tới nơi tươi cười vừa nói chuyện với chúng tôi vừa lau bàn. Lau bàn xong, cô thâu gọn đồ ăn dư lại rồi điềm nhiên... gạt đám đồ ăn dư này xuống sàn nhà, rơi tung tóe trên nền nhà gạch bông, rơi đầy trên cái quần mới tinh tôi vừa mới mua. Làm xong công việc, cô điềm nhiên rũ cái khăn bàn rồi bước đi. Tôi tiếc cái quần mới, giận cho thái độ phục vụ khách hàng thiếu vệ sinh của cô. Người em tôi còn giận hơn tôi nữa, cô đứng dậy đưa tay mời người chủ tiệm tới nơi, than phiền với ông ta:
“Tôi xin lỗi đã phải mời ông tới đây để nói chuyện, là vì cô tiếp viên đó đó, cô vừa tới đây lau bàn cho chúng tôi, cô ta gạt đồ ăn dư ngay xuống sàn, bắn cả lên quần của bà khách này. Tôi không biết cách thức lau bàn này là do nhà hàng dậy cho cô hay do cô ta tự ý làm, nhưng tôi phản đối cách thức lau bàn như vậy, nó không hợp vệ sinh chút nào, và làm dơ bẩn quần áo của khách hàng.”

Ông chủ nhà hàng nhìn theo hướng tay của em tôi đang chỉ vào cô tiếp viên, rồi quay xuống nhìn sàn gạch bông đầy những đồ ăn dư, nhìn vào cái quần dính đồ ăn của tôi, ông vội vàng xin lỗi ngay:
“Tôi xin lỗi vì người tiếp viên đã không theo đúng quy tắc dọn bàn, làm dơ quần áo của chị và cả sàn nhà nữa. Thật là một việc làm tồi tệ và mất vệ sinh, chúng tôi luôn luôn nhắc nhở họ là khi dọn bàn phải đem theo một cái mâm nhỏ để gạt đồ ăn rơi rớt trên bàn vào đó, cô này chắc vì vội vàng nên đã làm như vậy. Xin cho tôi xin lỗi một lần nữa, tôi sẽ đến nói chuyện với cô tiếp viên đó ngay để cô ta thay đổi cách làm việc.”

Tôi có thấy ông đến nói chuyện với cô tiếp viên và chỉ vào bàn chúng tôi đang ngồi, và thấy cô gật đầu. Nhưng ngày hôm sau, khi đi ngang nhà hàng này, tôi lại thấy cô ta đang dọn bàn (không có khách ngồi ở đó) và vẫn hất đồ ăn trên bàn xuống đất một cách rất là... vô tư.

Tôi qua Úc trễ lại là một dịp may, vì tôi được dự Hội Chợ Tết của Cộng Đồng Người Việt Tự Do, tổ chức vào hai ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật 21-22/02/2015 vừa qua tại Sandown Park. Điều vinh dự nhất cho tôi là, lần đầu tiên sau 40 năm, tôi được dự Lễ Thượng Kỳ và Chào Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa.
Lễ Thượng Kỳ bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng, chúng tôi đến sớm hơn 15 phút mà dân chúng và quan khách đã có mặt tại cột cờ từ lúc nào rồi. Đúng 11 giờ, một đoàn Lính rất đông, mặc đủ loại quân phục Biệt Động Quân, Nhẩy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Binh, Không Quân, Hải Quân... xếp hàng ngay ngắn diễn hành trước công chúng.

Lần đầu tiên sau biến cố 30/4/1975, tôi mới lại được nhìn thấy những người Lính của tôi, của chúng tôi, của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, tôi không cầm được nước mắt vì xúc động, tôi theo đám đông vỗ tay hoan hô cổ võ những người lính vang dội khắp vùng hội trường. Những người Lính trước mặt tôi, sau bốn mươi năm đổi thay của thời cuộc, họ có vẻ như không thay đổi chút nào, họ vẫn khỏe mạnh, hiên ngang, ngẩng cao đầu bước đều theo nhịp quân hành. Mỗi hai người Lính đứng tại một cột cờ, đây rồi, Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu của tôi đây rồi, lá cờ đang được móc vào hai cột cờ hai bên, lá Cờ Mầu Xanh Biển của Úc Đại Lợi ở giữa. Sau một tiếng hô ngắn gọn, ba lá cờ được kéo lên cùng một lượt, nhìn Lá Cờ Vàng tung bay trước gió, tôi cảm thấy tâm hồn minh lâng lâng như bay bổng lên cao cùng với lá cờ... thế rồi như từ trong mơ, tôi nghe thấy bài Quốc Ca được hát lên:

toi-di-an-tet1

“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”

Bài ca này, tôi đã từng hát thật nhiều lần trong những buổi chào cờ buổi sáng ở trường học, sau năm 1975, tôi tưởng chừng như không bao giờ được hát nữa, thế mà bây giờ tôi lại đang được nghe... Bài Quốc Ca mà tôi tưởng chừng đã quên hết sau bốn chục năm không hề được hát, nay đã tự động sống lại, trở về với đầu óc tôi, từ đâu không biết, tôi cất giọng hát theo...

“... Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống
Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng...”

Vừa hát, tôi vừa khóc, nước mắt tôi chẩy dài trên má, giọng hát của tôi khàn đi vì xúc động, vì sung sướng, vì hãnh diện...

Tôi hãnh diện là vì, sau bốn mươi năm thời cuộc đổi thay, dù sau bốn mươi năm phải sống dưới chế độ Cộng sản, tôi vẫn là tôi, tôi vẫn là một Công Dân Của Miền Nam Tự Do, của Việt Nam Cộng Hòa. Nắng buổi sáng hôm nay, vẫn là Nắng Ấm, vẫn là Nắng Đẹp Miền Nam, muôn đời không thay đổi.