Mọi người thường nói đến Tháng Tư, tôi chỉ nói đến Tháng Ba, bởi vì tôi là cư dân Ðà Nẵng. Ðà Nẵng thất thủ ngày 29 Tháng Ba 1975....
Mọi người thường nói đến Tháng Tư, tôi chỉ nói đến Tháng Ba, bởi vì tôi là cư dân Ðà Nẵng. Ðà Nẵng thất thủ ngày 29 Tháng Ba 1975. Bước qua Tháng Tư thì tôi không còn chi để nói nữa, vì tôi đã vô tù, khi Sàigòn đang còn ăn ngon ngủ yên.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 28 Tháng Ba 1975, Cao Minh T., hải quân trung úy, thuộc văn phòng chỉ huy trưởng căn cứ Hải Quân Ðà Nẵng, lái xe đến nhà, nói với tôi:
“Thưa thầy – chả là tôi là thầy cũ của T. hồi trung học – ông sếp của em biểu em qua thưa với thầy: sáng mai, cũng vào giờ này, thầy mang gia đình qua căn cứ. Ðến cổng trại Chi Lăng, thầy mượn điện thoại gọi cho em hoặc ông sếp của em, em sẽ ra đón thầy vô. Thầy nhớ chỉ mang đồ gọn nhẹ cho dễ di chuyển. Có thể tối mai mình lên tàu.”
T.về rồi, tôi nói cho bà xã biết để chuẩn bị lần cuối.
Sếp của T. là Lê Kim L., hải quân trung tá, bạn cùng lớp, ngồi cùng bàn với tôi hồi trung học. Tôi làm việc ở Quận 1, bên này sông Hàn, còn trại Chi Lăng của L. nằm ở bán đảo Tiên Sa thuộc Quận 3. T. dùng chữ “qua” là hết trật. Tôi bắt tay T., cảm ơn cả hai thầy trò và hứa sẽ có mặt đúng giờ.
Giữa Tháng Ba, khi Quảng Trị và Huế bắt đầu đỏ lửa, rút kinh nghiệm mùa Hè 72, đồng bào đã bắt đầu di tản vô Ðà Nẵng, Có tin đồn ngày 21 hoặc 23 Tháng Ba quốc lộ 1 sẽ bị cắt, nên cường độ di tản càng tăng; người ta đi bằng mọi phương tiện, kể cả máy cày và xe bò. Chính tôi cũng phải vội vã đem xe ra Huế đón thầy tôi và gia đình bên vợ vào ngay kẻo sợ kẹt đường như tin đồn. Trong một lần gặp nhau, L. nói với tôi, “Cái rờ moọc (remorque) của tau nặng, mà cái rờ moọc của mi cũng nặng. Tình thế này nếu không đưa đại gia đình vô Sàigòn bằng máy bay được thì phải tính tới tàu thủy. Có lẽ mi đem gia đình qua tau để cùng đi.” Ðó là lý do T. thay mặt ông thầy đến ước hẹn với tôi hôm ấy.
Cuộc triệt thoái của quân đội VNCH và dân chúng ra khỏi Huế. Dân và quân, người theo xe, kẻ đi bộ, vượt đèo Hải Vân hướng về Đà Nẳng.
Bấy giờ Ðà Nẵng như trong cơn hấp hối, không biết mất lúc nào. Thành phố tràn ngập người tị nạn từ Quảng Trị và Huế vào và từ Quảng Nam, Quảng Tín ra, chưa kể các đơn vị quân đội hàng vạn người từ các nơi thuộc vùng I rút về bố trí vòng trong vòng ngoài Ðà Nẵng. Tất cả các trường học đều đóng cửa làm nơi tạm trú cho đồng bào tị nạn. Ngay cái sở tôi làm việc cũng phải tạm ngưng hoạt động – bởi từ trên xuống dưới không ai còn bụng dạ đâu để làm việc để tiếp nhận thân nhân, bạn bè, đến tìm nơi tạm trú; trong đó, nội đại gia đình hai bên của vợ chồng tôi đã không dưới hai chục người. Sếp lớn đang ở Sàigòn, hai “sếp nhỏ” là Tr., Chánh sự vụ, và tôi, lo điều động sắp xếp sao cho mọi người tạm ổn trước khi đi bước kế tiếp. Tối đến, trên nền tầng dưới của cái phòng làm việc rộng lớn, các gia đình trải chiếu nằm la liệt. Tôi điện thoại vào Sàigòn, báo cáo tình hình với sếp, được sếp hứa là ngoài đó anh em yên tâm, sẽ có máy bay ra đón. Chờ đến ngày 27 Tháng Ba cũng chẳng thấy chi, mà ví dầu có máy bay chăng nữa cũng không dễ chi kéo bầu đoàn mấy chục người lên tàu một cách an toàn. Sau ngày 27 Tháng Ba thì không còn liên lạc được với Sàigòn nữa.
Hàng ngày, toàn những tin xấu đưa tới. Huế chính thức thất thủ ngày 26 Tháng Ba, nhưng trước đó, quả thật đường đèo Hải Vân đã đã bị cắt như lời đồn. Nhiều mẩu chuyện thương tâm và khủng khiếp trên bãi Thuận An được những người vượt thoát và sống sót kể lại. Phi trường Ðà Nẵng bị pháo kích. Người ta chen chúc giành giật nhau lên máy bay, có người liều lĩnh một cách tuyệt vọng bằng cách bám vào càng bánh xe máy bay và rơi xuống vịnh Ðà Nẵng như trái mít, hoặc bị chẹt chết trong hầm bánh xe. Trên bến sông Hàn, người ta chen nhau lên tàu. Chiếc tàu Trường Xuân (hay Trường Thành? Trường Sơn? Lâu ngày quên mất, chỉ còn nhớ được chữ Trường!) tiếp nhận một số lượng khách quá tải và khách phân bố vô trật tự làm con tàu nghiêng về một bên và nằm ì ở bến mấy ngày, không biết về sau có nhổ neo được không. Trong mấy ngày chộn rộn cuối tháng Ba năm đó, có lần tôi tới nhà người bạn, Lâm thành B., thấy bà vợ đang ngồi chăm chỉ đạp máy may. Hỏi, “Giờ này mà còn ngồi may gì nữa?” Vợ B. giải thích: “May cái địu để cho anh B. đeo thằng cu Bi trước bụng, rảnh hai tay mà leo thang dây lên tàu. Anh không nghe nhiều người bồng con níu thang dây lên tàu, bị người ta lấn, con rớt xuống biển chết trước mắt mà không cứu được hay răng?” Nghe nói thế, tôi sực nhớ thằng con trai non ba tuổi và bà vợ đang mang cái bầu lùm lùm bốn tháng, bèn trở về nhà bảo vợ may gấp cái địu theo kiểu cách của vợ B. Tôi nói, “Mình phải bắt chước vợ chồng B. để anh còn rảnh hai tay mà dắt con Ni, con Na (hai đứa con gái), để cho em rảnh tay với cái bụng bầu mà chạy.”
Xế chiều 28 Tháng Ba, một người quen thân đến thăm, nói chuyện tình hình với tôi và khuyên hãy yên tâm ở lại, chính quyền mới sẽ khoan hồng, có giải pháp hòa giải, đừng di tản, nguy hiểm. Tôi biết anh ta có liên hệ mật thiết với tay dân biểu Cộng sản nằm vùng Phan Xuân Huy và cái gọi là “Lực lượng hòa hợp hòa giải dân tộc” theo đóm ăn tàn, nên chỉ trả lời vắn tắt, “Cảm ơn anh, nhưng nhất định tôi sẽ đi.” Trời tối mịt, vừa cơm xong thì người giúp việc nói có người hỏi tôi ngoài ngõ. Té ra Nguyễn Văn Ch., thông dịch viên của O’ Rork, cố vấn hành chánh QK1 mà tôi có mối giao tình với cả hai thầy trò. O’ Rork ở trong Camp Alamos, đầu đường Ðống Ða. Nơi này, cũng như nhiều cơ sở khác của người Mỹ, đều bỏ trống hoàn toàn, làm mồi cho các vụ hôi của. Tôi ngạc nhiên, “Ủa, tôi tưởng O’ Rork phải mang anh theo rồi chứ?” Ch. buồn rầu lắc đầu, cho biết bị kẹt. Ch. rủ tôi chung tiền, mỗi người khoảng 100,000 ngàn, thuê “gọ” (ghe) chở gia đình ra ngoài vịnh Ðà Nẵng, sẽ có tàu đón. Nhà Ch. ở khu Tam Tòa, gần biển, chuyện thuê “gọ” không khó, chỉ kẹt là không đủ tiền. Tôi thấy giải pháp có vẻ phiêu lưu, vì nếu không có tàu nào sẵn lòng vớt thì làm sao? Vả chăng, đã ước hẹn với L. bằng con đường an toàn cho một đại gia đình 20 người, nay sao lại chọn con đường khó đi? Ch. rất buồn khi nghe tôi không hưởng ứng, bởi vì Ch. nghĩ rằng tôi là chỗ đáng tin cậy nhất để chung vụ. Không biết bây giờ anh ở đâu, anh Ch.?
Trong ngày 28 Tháng Ba, tình trạng hỗn loạn ở Ðà Nẵng gia tăng một cách đáng ngại, như hôi của những nhà vắng chủ, nhất là nhà của Mỹ kiều. Bước ra đường, mạng người thật mong manh. Cướp giật và nổ súng vô tội vạ. Tình trạng gần như không có chính quyền nữa. Dân chúng hoang mang và lo sợ tột độ. Tôi gọi những chỗ bạn bè quen biết để hỏi tin tức nhưng không có ai trả lời. Khoảng sáu giờ chiều, mở radio, nghe đài Phát thanh Ðà Nẵng phát đi bản tin nói rằng Trung Tá Nguyễn Kim Tuấn (nhà văn Duy Lam) được cử làm thị trưởng Ðà Nẵng, Chuẩn tướng Ðiềm được cử làm quân trấn trưởng với nhiệm vụ ổn định an ninh trật tự thành phố. Trong lòng cảm thấy có chút an tâm vì thấy anh Duy Lam còn ở lại, nhưng gọi đi nhiều nơi để thử kiểm chứng nguồn tin thì như đá chìm đáy nước. Lệnh giới nghiêm ban hành, đường sá dần dần vắng vẻ.
Ðối diện sở tôi làm việc là Quân Trấn Ðà Nẵng. Tôi thường trông chừng hoạt động bên đó để đoán định tình hình. Ðèn vẫn sáng, lính vẫn còn canh gác, vẫn có người vô ra. Trong sân vẫn có xe M113 tăng cường. Ðêm đó, đang ngủ, tự nhiên tôi thức giấc vì những tiếng động khác thường. Nhìn đồng hồ: non một giờ sáng, đã bước qua ngày 29 Tháng Ba. Ngoài đường người đi lại nườm nượp, xuôi dòng về hướng Cổ Viện Chàm, có lẽ người ta đang tìm về cảng sông Hàn hoặc tìm đường qua Quận 3. Chạy ra cửa sổ, nhìn sang Quân Trấn, hai chiếc thiết vận xa đang nổ máy ầm ĩ và chuyển bánh. Các xe GMC 10 bánh và xe Dodge 4 cũng đang nổ máy, vợ con lính gọi nhau ơi ới, hối thúc lên xe. Tất cả những dấu hiệu khác thường đó cho tôi hiểu là ong vỡ tổ rồi. Tôi thức cả đại gia đình dậy, ai lo tư trang nấy, như đã sắp đặt từ trước, ôm ra xe. Trong sở có hai chiếc xe lớn, thuộc loại SUV ngày nay, là chiếc Ford Bronco và Ford Scout, và một chiếc du lịch hiệu Toyota Crown của sếp. Tôi lấy chiếc Bronco, để chiếc Scout cho gia đình Tr. Còn chiếc Toyota thì tay Ðàn, cận vệ của sếp thừa hưởng. Bởi ngoài ba người chúng tôi ra thì trong sở không có ai biết lái xe nữa mà giành. Tất cả anh em trong cư xá thấy tôi chuẩn bị chạy, cũng hối hả theo, mỗi người tự kiếm lấy phương tiện. Tôi giao cho cô em út chiếc Honda dame, và cô em vợ chiếc Yamaha dame, bảo, “Cô và dì cứ bám theo xe anh mà đi.” Vợ chồng cô em áp út thì đi theo xe của anh ruột chú ấy. Riêng chiếc Bronco nhét đến 16 người, gồm gia đình tôi 7 người và gia đình ông bà nhạc 9 người. Hẳn là hãng Ford không bao giờ nghĩ rằng chiếc Bronco của họ có thể chở đến chừng đó con người ta, trong đó, già nhất là bà ngoại vợ, 81 tuổi và bé nhất là thằng con trai ba tuổi của tôi! Tôi chống cửa sau lên, buộc thêm dây thật chắc làm tay vịn, và lật tấm bửng phía sau, bảo những người trẻ ngồi xây mặt ra sau, nắm lấy dây cho chặt, và cứ thế mà lên đường.
Người ta đi như trẩy hội, đó là người tị nạn trong các điểm tạm trú. Họ không có phương tiện gì khác ngoài đôi chân, thấy người ta đi thì mình ở không đành, và tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng không biết đi đâu. Chỉ trừ con nít, còn ai cũng mang, vác, hay xách một túi hành trang nào đó. Có những cái xách quá nặng, thì hai người cùng khiêng. Nhìn xuống phía bờ sông, trụ sở của cơ quan CORP đang bốc cháy rực trời. Không biết ai phóng hỏa. Chỗ này sau năm 1975, trở thành “Nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ.” Tôi lái xe theo đường Ðộc lập để qua cầu Trình Minh Thế, tìm đường đến trại Chi Lăng của L. với hy vọng sẽ được đáp tàu xuôi Nam một cách an toàn. Càng ngược lên phía Tiên Sa thì tốc độ càng chậm, vì đường chật ních xe cộ và người ta. Tới gần Ngã Ba Sơn Chà, lại xuất hiện đoàn người ngược dòng, có vẻ như là tháo lui. Hỏi ra, là vì họ không tìm thấy tàu bè gì cả. Từ ngã ba này đi vào là căn cứ quân sự, ngày thường, có đến hai trạm gác, không dễ chi vào, nếu không có phép, vậy mà nay tôi lái xe đi ngon ơ, trong bụng đâm nghi. Ðến cổng trại Chi Lăng, cổng mở toang như đời thái bình, chẳng bóng dáng lính tráng chi cả. Tôi đậu xe bên đường, bảo mọi người ngồi trên xe chờ để tôi vào nhà xem thử ra sao. Vừa tính bước đi thì ba tôi (ông nhạc tôi) vỗ vai nói, “Khoan đã, con nên quay đầu xe trước cho sẵn sàng, để khi cần rút lui thì mình khỏi mất thì giờ, lúng túng.” Ðến bây giờ, nhớ lại giây phút đó, tôi vẫn phục ông già vợ thật là bình tĩnh và sáng suốt. Tôi đi thẳng vào nhà riêng của L. thì thấy có miếng giấy nhỏ dán ở cánh cửa, cáo lỗi đã không thể chờ đợi được như đã hẹn. Có lẽ L. không phải chỉ hẹn một mình tôi, và cái thư ngỏ vắn tắt kia cũng không nhằm chỉ gởi cho tôi. Sau này, khi gặp lại nhau trên đất Mỹ, tôi biết L. đã vào được Sàigòn, nhưng không thể đi xa hơn, để chịu số phận xuất ngoại bằng con tàu HO sau khi đã trả giá. Tôi ra xe, nói với ba tôi, “Thằng bạn của con, nó đi rồi. Bây giờ Ba ở đây, để con đi quanh quanh xem có tàu bè gì không.”
Tôi kéo theo chú em rể, vừa đi được một quãng ngắn thì đạn pháo chớp nổ bốn bề. Tôi chạy ngược về phía xe đậu, vừa chạy vừa la, “VC pháo kích, xuống xe, nằm xuống! nằm xuống!” Ðạn nổ ùng oành bốn phía. Tất cả mọi người đều xuống xe và nằm úp mặt xuống lề đường, chỉ trừ bà ngọai và thầy tôi (cha tôi), lúc đó đã 77 tuổi. Cả hai người già ngồi xuống sàn xe, ôm đầu chịu trận. Cũng may không ai hề hấn gì. Khi đợt pháo kích tạm ngưng, tôi hô mọi người lên xe và quyết định quay về. Hai chiếc xe gắn máy bỏ lại bên đường. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong đời, tôi phóng xe liều lĩnh như mấy tay lái xe bạt mạng, lạng lách đủ kiểu để cướp đường, tránh mau ra khỏi vùng pháo kích.
Không biết chạy được bao lâu, ba tôi ngồi bên cạnh nói, “Tạm yên rồi, con.” Tôi giảm ga, tấp xe vào bên lề, ông chỉ tay về hướng cũ, nơi vẫn còn thấy ánh chớp và nghe tiếng nổ, nói, “Ở đó còn bị pháo, thiệt mình may mắn quá.”
Nhìn quanh, bây giờ là dòng nước chảy xuôi, nghĩa là người ta không kéo lên hướng Tiên Sa nữa, mà quay trở về. Tôi có cảm tưởng mọi người như đang đi trong một cơn mộng du, trong đó có tôi… Nghỉ một lát, lấy lại bình tĩnh, tôi lên xe, tiếp tục đường về. Qua khỏi Ngã ba Sơn Chà thì xe phải chạy số 1, nhích từng bước, như xe đám ma, vì xe cộ và người ta chen chật mặt đường.
Có những lúc xe chạy chậm quá, ngồi trên xe ngột ngạt, mấy cô em vợ và bà xã tôi xuống xe đi bộ, nghe thoải mái hơn, bởi nhiều người cũng làm thế. Hai người lớn tuổi nhất trên xe là bà ngọai vợ và thầy tôi. Ông cụ bị cao huyết áp. Vì vậy, cứ một lúc, tôi phải xem chừng và hỏi thăm sức khỏe. Ðến lúc thấy câu trả lời của ông cụ có vẻ yếu ớt và sắc mặt đỏ hồng, tôi biết là không xong và giận mình quên không chuẩn bị thuốc hạ huyết áp.
Chỉ còn chừng năm chục thước nữa là qua khỏi cầu mới – chiếc cầu song song với cầu Trình Minh Thế, do công binh Mỹ xây, thì xe tắt máy. Tưởng là hết xăng, té ra không phải, overheat! Khói tỏa ra ở đầu máy khét lẹt. Tôi hô mấy cô em vợ và hai người giúp việc xuống đẩy xe để cho tôi lái qua khỏi cầu. Ở chân cầu bên phải là bãi ủi của tàu LST, vô số lính TQLC chạy tới chạy lui, và không biết xăng ở đâu mà đổ lênh láng ra thấu ngoài đường! Thật là phép lạ, không có ai hút thuốc.
Vừa quẹo phải đường Triệu Nữ Vương một đoạn ngắn thì chiếc xe chịu chết. Một cây cột điện bị xe ủi sập (?)nằm chắn ngang đường, y như một cây cản bằng bê tông. Lề đường sát ngay hàng rào nhà người ta, không nhúc nhích vào đâu được. Ðang phân vân tính kế thì một đoàn người và xe của TQLC ào ào đi tới. Thấy chiếc xe tôi cản đường, nhiều tiếng chửi thề vang lên. Có ông nào đó nóng nảy la lên, “bắn mẹ nó đi, mà đi.” Tôi nói, “Mấy anh bắn tôi thì có được ích chi. Chi bằng mỗi anh xúm vô một tay, nhấc bổng cái xe tôi qua khỏi cây cột điện, tôi tấp vào lề là mấy anh có đường đi ngay.” Có tiếng hô, “Phải đó, dô tụi bây!” Lập tức, chiếc Bronco của tôi được đưa qua khỏi cái cột điện như có phép Tề Thiên. Ðang đứng chùi mồ hôi trán, tính kế làm sao về đến nhà kịp thời để cứu ông cụ đây, thì chợt thấy cách chừng hai chục thước, có người đang loay hoay bên một chiếc Dodge 4 đang đậu trong sân. Tôi chạy vội đến làm quen:
“Anh ơi, anh sắp sửa đi đâu phải không?”
Phải, tôi sắp đưa gia đình về lại nhà ở Thạch Thang. Chạy không được thì về nhà, tính sau, chứ đi thế này nguy hiểm lắm, vợ con đùm đề. Tôi vừa ghé vô đây để xin nước đổ xe thì cây cột điện bị xe M113 ủi sập, may quá.
“Tôi cũng như anh, chạy không được phải về, nhưng giờ xe bị cháy máy. Thuận đường về, anh kéo giúp cho xe tôi đến trước Quân Trấn được không?”
“Ðược được, chuyện dễ mà, nhưng tôi không có dây kéo.”
“Ðể tôi đi kiếm.”
Nói thế chứ cũng không biết kiếm đâu. Vừa may, chợt thấy bên kia đường một cái dù, loại dù thả tiếp liệu, đang nằm vắt nửa trên vỉa hè, nửa dưới lề đường. Chạy băng qua đường, rút con dao xếp ba lưỡi bén ngót trong túi ra, tôi cắt ngay một sợi dây đai mang về. Cũng may là tôi thủ sẵn con dao để phòng lúc cần dùng khi chạy loạn nên mới có cái để mà cắt loại dây này, chứ lấy răng mà cắn cũng không dễ chi đứt sợi dây dù, huống là loại dây đai to bản. Vừa chạy băng qua đường tôi vừa la:
“Có dây rồi!”
“Ðâu? đâu? A, được đó. Xe anh ở đâu?”
“Nằm chết kia kìa. Anh làm ơn de xe anh lui gần xe tôi thì mới cột dây được.”
Xe chạy đến gần Cổ Viện Chàm thì phải nép bên đường bởi ở phía đường Ðộc Lập có bốn năm chiếc xe cắm cờ xanh đỏ của “MTGPMN” và cờ đỏ sao vàng, chất đầy thanh niên nam nữ, đang ào ào chạy tới, với tiếng loa oang oang. Lắng nghe, thì biết đây là thành phần “nhân dân khởi nghĩa,” họ đang kêu gọi dân chúng treo cờ “Mặt trận” để đón “bộ đội giải phóng” và yêu cầu “ngụy quân” buông súng, đem súng nạp cho “cách mạng.” Toàn cả chữ nghe lạ tai. Một người bên đường tỏ ra thông thạo, “Họ về tới Ðò Xu rồi, mấy xe đó đi đón bộ đội giải phóng đó.” Khi quyết định trở về và chấp nhận mọi hậu quả của nó, tôi thấy lòng bình tĩnh lạ thường, nên khi thấy, nghe những điều như thế, tôi chẳng thấy xúc động chút nào, xem như việc phải thế. Hình như tâm lý đang ở trạng thái bão hòa; có lẽ khi cái động đã lên đến cùng cực thì biến thành cái tĩnh.
Mười phút sau thì xe về đến nhà. Bấy giờ mới kịp nhìn kỹ ân nhân: một trung sĩ, trạc tuổi tôi. Tôi hỏi tên và hỏi nhà để sau này tới thăm cảm ơn, nhưng anh ta xua tay, “Giúp chút chút vậy thôi, có gì đâu mà anh cảm ơn,” rồi cười, lên xe phóng đi mất. Ông cụ tôi gần như bất tỉnh, chỉ còn thở thoi thóp, hỏi không nói, gọi không trả lời. Trong cư xá, anh em nhân viên chạy không được cũng lục tục trở về trước cả tôi nữa… Hai ba người chạy ra giúp tôi đưa ông cụ vào nhà. Vừa may Bác Sĩ Tôn Thất S., y sĩ của Liên Ðoàn 8 CB, vốn là bạn mà cũng là hàng xóm gần gũi, chạy không lọt cũng vừa về tới nơi. Ông cụ tôi đã được cấp cứu kịp thời. Tính ra, chúng tôi đã mất 11 tiếng đồng hồ để đi từ ngã tư Ðộc Lập/Thống Nhất qua đến Tiên Sa rồi trở về, một lộ trình chỉ dài chừng 20km đi về, mà nghe thăm thẳm âu lo và kinh hoàng.
Thấy ông cụ nằm ngủ bình yên, và trong nhà, nam phụ lão ấu tuy mệt nhưng an toàn, tôi tôi khoan khoái đốt một điếu thuốc ngồi thở khói, lòng thanh thản lạ thường, không cần biết cái gì sẽ đến với mình, với gia đình mình, có thể lát nữa đây hay ngày mai. Cửa mở, anh Thôi, người tài xế của sở, có nhà ở Thanh Khê, vào nhà, hốt hoảng nói với tôi, “Họ vô tới Thanh Khê rồi, tui lấy xe đạp vô đây coi ông đã đi được chưa. Giờ ông tính sao?” Tôi cười, “Tính rồi mà không được nên mới ngồi đây chớ. Thôi, từ giờ trở đi hết ông rồi, đừng kêu ông nữa nghe. Anh mà còn kêu ông là anh hại tôi đó!” Anh Thôi nhăn mặt, “Ông nói chi tội tui rứa!” Xin lỗi anh Thôi, cuốn sách đời của chúng ta dày hay mỏng, có khi hay hoặc có khi dở, tùy phận người, và dù muốn dù không, có lúc chúng ta cũng phải dở qua trang khác.