main billboard

(Tên của các nhân vật đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp xin đừng ngộ nhận)

boat-people
Cuối năm 2004 tôi về thăm nhà. Lúc ấy anh tôi 73 tuổi. Anh trông yếu hẳn đi. Tóc anh bạc trắng. Xót cho anh, tôi nói:

- Mấy năm đi tù cải tạo bị ngược đãi, tóc anh bạc phơ.

- Đi tù cải tạo là tai-trời-ách-nước mà! Người miền Nam, bên này vĩ tuyến 17, sau 1975, ai mà không đi ‘tù cải tạo’, kẻ đó không phải là người Miền Nam. Không phải tại ngược đãi gì đâu. Tóc anh bạc, người anh gầy, vì anh giống má. Nói xong anh cười. Thấy tôi đang nhìn có vẻ quan sát nhà cửa của anh, vừa chỉ tay chung quanh, anh vừa nói:

- Tất cả là do tiền của mấy đứa con ở Florida gửi về, tụi nó yêu cầu tân trang lại nhà cửa và xây cất thêm phòng ốc để có chỗ cho tụi nó ở mỗi khi dẫn vợ con về thăm nhà. Vừa ngắm nghía bức tranh “Bến Hồng Quảng”của Nguyễn Gia Trí đang treo trên tường, anh vừa nói:

- Đó chỉ là phiên bản,immitation. Kỹ thuật ấn loát của họ bây giờ khéo đấy chứ? Chú còn nhớ cụ Trí? Cụ Trí thuộc Quốc Dân Đảng, có một thời sống lưu vong bên Trung quốc với NguyễnTường Tam, Nguyễn Tường Long, Nguyễn hải Thần...Sau 54, chạy nạn Cộng sản, cụ Trí di cư vào Nam, có cả người em trai của cụ nữa, sinh sống tại Saigòn. Ấy thế, mà mấy ông Cách mạng ‘gan’ thật, dám kéo cụ Trí về phía họ. Dám bảo cụ Trí là người của cách mạng, và họ ‘quốc hữu hóa’ các bức tranh của cụ Trí. Hay thật. Họ đâu có tước đoạt gì cụ Trí. Tài-sản-của-quốc-gia mà lại…

- Em chưa hề gặp cụ Trí ở Sàigòn, tôi nói, nhưng em biết cụ Trí sau khi di cư vào Nam, cụ có vẽ cho nhà thờ Mai Khôi, trong khung viên của Cercle Renaissance của em ở, một bức tranh rất đặc biệt: Chân Dung Đức Mẹ. Cụ Trí vẽ Đức Mẹ mặc áo tứ thân, đứng trên tòa sen. Bức tranh thật ấn tượng.

Những lúc ấy anh em chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều, nhưng anh tôi tuyệt nhiên không nói gì đến thân phận bèo bọt của anh trong suốt những năm tháng sau ngày Thống nhất. Chị dâu của tôi có vẻ ấm ức, muốn anh nói cho tôi nghe những chịu đựng gian khổ của anh. Anh tôi chỉ mỉm cười:

- Không ai có thể chia sẻ trọn vẹn sự đau đớn của người khác được cả. Và cũng không có ai có thể nói hết được sư đau đớn của riêng mình. Họa chăng chỉ có thuyền mới hiểu được biển. Thuyền và biển đều câm nín cả. Đạo khả đạo phi thường đạo…Nói xong, anh cười phá lên.

Đến buổi ăn trưa, tôi có cảm tưởng anh chị thiết đải vợ chồng tôi, vì bữa ăn tại gia đình nhưng thịnh soạn. Chị dâu tôi nấu cơm gà Phanrang thơm lừng. Có mắm gừng. Có bia Heineken. Hình như đọc được ý nghĩ của tôi, anh tôi bảo:

- Dù sao, có chú thím về anh chị cũng phải…Nhưng sư thật thì bữa ăn hằng ngày của vợ chồng tôi được cải thiện rất nhiều trong 6 năm qua, kể từ ngày các con ở Mỹ ăn nên làm ra, tụi nó gửi tiền về… Anh nhìn vợ tôi, anh hỏi:

- Sau hơn 20 năm ở Mỹ, hôm nay lần đầu tiên thím ăn cơm trưa, chắc thím có cảm giác lạ lắm phải không? Thú thật với thím, tôi cũng vậy, hồi năm 62, trở về nhà, sau hơn một năm ở Mỹ, tôi ngạc nhiên hết sức khi thấy mình ngồi lại ăn cơm trưa với vợ con, với gia đình như người Mỹ ăn dinner vậy.

Câu chuyện anh vừa nói làm tôi nhớ lại anh là một sĩ quan Không Quân, đã có hai năm sống ở Mỹ: 1961, và 1970. Ấy thế mà năm 1975, anh nhất định không đi. Anh yêu nước biết dường nào.

Chị dâu tôi bảo:

- Cầm đũa mời hai em ăn đi ông, quá 12 giờ rồi…

- À, mời chú thím… mời bà, anh tôi bảo.

Vì thương anh tôi, chị dâu tôi muốn vợ chồng tôi, nhất là tôi, (vì anh chị tôi nuôi tôi từ hồi tôi còn nhỏ) phải chia sẻ những gian khổ của anh tôi trong hơn 20 năm qua sống dưới Chuyên Chính Vô Sản, chị nói trong ngậm ngùi và cả nước mắt nữa:

- Khi ông ấy được ‘lệnh tha’, ở trong trại tù, ăn đói, ông ốm nhôm, gió xô cũng ngã. Bữa cơm đầu tiên mẹ con tôi cũng nấu cơm gà cho ông ấy. Tay ông cầm đũa gắp miếng thịt gà mà cứ run run, ông đưa vào miệng ngậm một hồi lâu mà nước mắt ông ràng rụa ông ậm ực:“Ùm! Gần 10 năm!..”

Anh tôi đưa tay vuốt lưng chị dâu tôi, vỗ về:

- Thôi bà, đó là quá khứ. Quá khứ của nhầm lẫn…Chú thím, cũng như nhà tôi, nên quên cái thời đó để vui sống. Bây giờ là thời mở cửa, thời cởi trói, đổi mới rồi. Thời nào chúng ta sống theo thời đó cho nó ổn. Đâu có phải chỉ có những người tù cải tạo như chúng tôi là sống khổ, đói khát. Việt Minh họ cũng vậy. Tháng 10/1955 bộ đội Việt Minh về tiếp thu thủ đô Hà nội, trong một bữa tiệc khỏan đải, cụ Phan Khôi cầm đũa chỉ vào đĩa thịt gà nói một câu cay đắng:“ Chín năm nay, tao mới thấy mặt mày”! Thời nào cũng vậy, người trí thức sống dưới Chuyên Chính Vô Sản…cũng như chúng ta hôm nay thôi. Anh tôi bắt qua chuyện khác, anh hỏi tôi:

- Chú còn nhớ Trung tá Hạnh, phi công F105? Anh chàng hồi còn Trung úy, có một thời mê Nguyệt ‘Mắt Quạ’, tiệm ‘Phát Quang’, trên phố Độc lập, Nhatrang.

Thật sự tôi không nhớ được anh ấy, nhưng tôi cũng phài ẩm ờ. Chị dâu tôi bảo:

- Lâu quá, chắc chú quên rồi, chị nói tiếp:

- Vợ chồng tôi mới ra Hà nội tháng vừa rồi, để đi đám ma anh Hạnh. Trung tá Hạnh và gia đình thoát đi Mỹ vào ngày cuối cùng 29/4/75. Đến Mỹ anh làm việc cho hãng máy bay Lockheed tại Cali. Chị, vợ anh Hạnh, làm programmer cho American Express. Hai người con ăn học thành danh, tất cả theo nghề Business. Ai cũng có nhà cửa cơ ngơi sống thoải mái. Anh ấy cũng thường xuyên thư từ với vợ chồng tôi. Năm 2000, anh ấy đúng 68 tuổi, hãng Lockheed cho anh ấy về hưu. Chắc chú còn nhớ, anh ấy là người Bắc, di cư vào Nhatrang, nhà anh ấy bên cạnh nhà anh chị, hồi còn ở đường Prince Cảnh. Anh Hạnh có người em trai, đại tá ở phía bên kia, đã từng tham chiến trận Điện Biên. Sau bao nhiêu khó khăn, rào cản, mãi đến năm 1996, hai anh em mới bắt được liên lạc với nhau, và anh Hạnh mới hay bà cụ mẹ anh còn sống. Năm 1997, anh chị Hạnh về thăm bà cụ, và gia đình người em tại Hà nội. Anh Chi Hạnh giúp đỡ người em một số tiền để xây một cái nhà khá lớn và dành cho bà cụ một phòng, và anh chị cấp dưỡng cho bà cụ đều đặn hàng năm. Năm 2001, bất ngờ chị Hạnh qua đời vì tai biến đột quị. Từ khi người bạn đời vĩnh viễn ra đi, anh Hạnh cảm thấy hụt hẳn. Con cái thì ở xa, ai cũng thành gia thất. Anh ấy cũng

có cháu ngoại cháu nội. Người con gái thì ở Boston. Cậu con trai thì ở New York. Sau khi tham

khảo với các con và với người em trai ở Hà nội, năm 2002 anh quyết định hồi hương về sống gần với mẹ ngày nào mừng ngày ấy và hy vọng đến khi anh ấy qua đời cũng sẽ được an táng nơi quê nhà. Anh về Hà nội được 9 tháng thì bà cụ mất. Anh vẫn tiếp tục ở với người em trai. Hai người trông vẫn còn phong độ, đi du lịch đó đây. Mới đây, năm ngoái hai anh em có ghé thăm vợ chồng tôi, ăn ở đây gần 1 tuần, sau đó anh của chú và hai ông đó đi du lịch với nhau, vào Nam, ra Bắc cả tháng trời.. Nói tới đây chị nhìn anh như có vẻ trách móc. Anh tôi liền bảo:

- Đâu cả tháng, để xem nào, hình như có 25 hay 26 ngày…Nhưng đầu tháng vừa rồi anh Hạnh có gọi tôi, cho hay anh nghe trong người hơi khó ở. Nghe vậy tôi nghĩ chắc không đến nỗi nào. Không ngờ năm ngày sau, người em trai, đại tá Phúc gọi cho tôi hay là anh Hanh đang hấp hối, muốn gặp tôi gắp. Hai vợ chồng tôi bay ra liền, chỉ còn kịp để vuốt mắt anh ấy.

Nói đến đây, anh tôi gục đầu trên hai bàn tay. Tôi nghe anh tôi thều thào:Trung tá Hạnh chết cô đơn quá, không có vợ con bên cạnh, chỉ có quê hương…Tôi nghe chị tôi lập lại với giọng hờn dỗi hai tiếng “quê hương”, và chị nói:

- Tôi nghiệp anh Hạnh lắm chú thím. Chú thím có biết không? Mai táng anh Hạnh cũng gặp nhiều khó khăn với chế-độ lắm, mặc dù em anh Hạnh, nguyên Đại tá, đã từng tham chiến Điện Biên, đi B và cũng tham chiến cả chiến trường Kampuchia nữa. Họ cứ bảo anh Hạnh là ngoại kiều, họ đòi hỏi hạch sách đủ điều, đủ mọi thứ giấy tờ. Khó khăn lắm, tốn kém lắm, 4, 5 ngày sau, khi nắp quan tài gần bậc ra vì thi thể anh Hạnh bắt đầu sình rữa, mới lấy được giấy báo tử vì có giấy báo tử mới có thể chôn được ở nghĩa trang gia đình gần Hà Nội, bằng không thì họ không cho chôn. Ôi mấy ông cộng sản, hành hạ người dân, đến chết vẫn còn hành hạ.

- Nhưng bà biết, anh tôi nói, trước khi vĩnh viễn nhấm mắt, anh Hạnh có nói với anh Phúc là anh không bao giờ hối tiếc đã trở về Hà nội mặc dù có nhiều bạn bè ở Mỹ nghĩ là anh sai lầm, anh đã chọn quê hương làm chốn lưu đày. Anh đã thỏa mãn được giấc mơ của đời anh, là được chăm sóc kề cận mẹ anh trong tuổi bóng xế của bà và điều thứ hai nữa là anh được chết và chôn tại Hà nội.

- Ôi, sao ông còn lý tưởng quá, chị dâu tôi bảo. Ông bị mê hoặc bởi cụm từ: “Quê hương thần thoại”, vì thế ngày 24/4/75 cả gia đình vợ chồng con cái đã lên ngồi trên chiếc DC 10, tại căn cứ Phi Long, Nhatrang, sắp sửa cất cánh, ông nhất định kéo xuống hết và ông bảo với các con ở lại với đất nước, Việt Nam dù sao đi nữa vẫn là quê hương, vẫn là thiên đàn. Sau ngày 30/4/75 ông khăn gói trình diện đi tù cải tạo. Ông còn nhớ hay ông đã quên rồi ông? Sau câu nói, mặt chị dâu tôi sa sầm nước mắt. Anh tôi nhìn chị tôi yên lặng, không nói được một lời… Lặng thinh một hồi, anh tôi bảo:

- Có hai em về thăm…sau hơn 20 năm xa cách. Còn chuyện đó cũng đả gần 30 năm rồi. Tôi xin bà hiểu cho, ai cũng một lần vấp ngã. Rồi anh quay lại nói với hai vợ chồng tôi:

- Hôm nay là 21 tháng Chạp! Chỉ còn không đầy mười ngày nữa là đến Tết ta.

Chị dâu tôi bảo:

- Vậy Chú Thím ở lại đây ăn Tết với vợ chồng tôi, sau Tết rồi hãy về Mỹ.

Chúng tôi ở lại, chia sẻ với anh chị những ngày cuối năm. Có những buổi tối, anh em tôi mang mùng mền ngủ với nhau một phòng riêng. Những câu chuyện trao đổi những lúc tàn canh, tôi nghe giọng nói anh tôi hiu hắt buồn. Nhiều người bạn của anh đã về vĩnh cửu. Tinh thần anh có vẻ suy sụp sau khi chia tay với anh Hạnh, người bạn thân cuối đời anh. Bạn bè anh ở lại với đất nước, không còn mấy người sống sót. Sau khi được ‘lệnh tha’, một số qua Mỹ vào những năm 90 theo diện Từ Thiện (Humanitarian Operration: H.O.). Một số giống anh, từ chối diện ‘từ thiện’ (H.O). Họ ở lại, chết dần, chết mòn trong cảnh cơ hàn, bịnh tật, vì họ bị hành hạ quá nhiều lúc đi tù cải tạo. Anh cảm thấy cô đơn. Có những lúc anh nói như trong mơ “Anh không biết tính làm sao đây? À, hay là anh chị sẽ ‘move’ qua Mỹ ở, sống chết hôm sớm có bạn bè, có con cháu, có các em. Lặng thinh mộ hồi lâu, tôi nghe anh uốn mình trăn trở, anh tự trách mình, như vậy anh chị lại sẽ làm một hành trình ngược chiều với anh Hạnh sao?..

Lúc ấy ngoài hiên nhà trời đang hừng Đông. Tôi giật mình, lâu lắm tôi mới nghe lại tiếng gà gáy sáng…/.