main billboard

Tôi với nó bản tính khác nhau một trời một vực, như đen với trắng. Thế mà định mệnh lại xui khiến tôi phải là bạn thân với nó suốt hơn mười năm trời...

nguoi ban la doiTôi với nó bản tính khác nhau một trời một vực, như đen với trắng. Thế mà định mệnh lại xui khiến tôi phải là bạn thân với nó suốt hơn mười năm trời, kể từ những năm đầu Tiểu học, cho đến ngày ghi danh vào Đại học. Bản tính khác nhau, chơi nhau là khó. Đàng nầy tôi và nó lại là đôi bạn thân suốt một thời gian dài, nghĩ cũng lạ.

Tôi thì chăm chỉ, cần mẫn; nó thì lưòi biếng, cẩu thả. Tôi thì keo kiệt, nhút nhát; nó thì rộng rãi, gan dạ. Tôi thì ưa câu mâu những chuyện nhỏ nhặt, còn nó thì không để ý những điều tiểu tiết. Nói chung, hai đứa không có cái gì hạp nhau, mà lại rất thân nhau,“biết” nhau, rõ thật lạ đời!

Tôi chưa thấy nó học bài ở nhà bao giờ. Khi thầy kêu trả bài, thì nó… mới bắt đầu học! Nhìn vẻ mặt khẩn trương của nó lúc nầy thật tội nghiệp. Nếu nó xui xẻo mà bị thầy kêu lên lần đầu tiên, thì “ăn trứng vịt” là cái chắc; nhưng nếu thầy kêu nó sau vài ba bạn thì nó đọc cũng khá xuôi tai! Dù thế nào, vẻ mặt thầy cũng tạm hài lòng với đứa học trò “siêng năng” nầy, bởi những con muỗi mà nó đập và kẹp vào tập mỗi tối, đã đủ chứng minh rằng nó đã có học bài!

Học hành cà tàng như vậy mà không kì thi nào nó bị rớt, kể cả Tú tài toàn phần nó cũng “Bảng hổ danh đề”!

Hồi xem kết quả Tú tài 2, thằng nào thằng nấy mặt mày vẫn còn xanh lè, vì những tháng thức khuya gạo bài trối chết; còn nó vẫn hồng hào mà còn có vẻ lên cân! Nó đến trước tự lúc nào. Nhìn cái bản mặt đầy thỏa mãn, và cái giọng láu cá của nó mà phát tức:

- Hà, hà! Chúc mừng tụi bây đậu hạng cao, và chúc mừng tao đậu… hạng chót! Hì, hì!…

Hồi đó “hạng cao” là Ưu và Bình, dành cho những thí sinh xuất sắc ở mọi môn; kế đó là Bình Thứ rồi cuối cùng là Thứ. Sức học chúng tôi thuộc hạng xoàng, nếu đậu được Bình Thứ là cũng là chó ngáp phải ruồi, chứ nói chi “đậu cao” như nó mỉa mai. Nhưng đậu hạng nào cũng vui, “Đậu hạng chót còn hơn rớt hạng nhất” mà, nhất là cả bọn đều đậu, lại càng vui hơn.

Nó mời chúng tôi đi tẩm bổ, gọi là để ăn mừng (Hồi đó không ai dùng từ “bồi dưỡng”). Gãi đúng chỗ ngứa, chúng tôi khoái ra mặt. Một là được ăn miễn phí, hai là ăn… cho bỏ ghét cái tật xỏ ngọt hồi nãy của nó: “Tụi bây đậu hạng cao, tao đậu hạng chót”.

Đậu thì ai cũng mừng, cũng như ăn chùa thì ai cũng khoái. Nhưng mấy thằng kia cũng hơi e dè. Biết ý, nó trấn an:

- Tụi bây khỏi lo. Tao cho tụi bây thả cửa một bữa. Nay má tao cho tiền ăn mừng.

Nói “thả cửa”, nhưng thực ra không có gì lớn: Mỗi đứa một tô hủ tiếu và một chai nước ngọt cũng đủ no. Tôi háo ăn nên “thiếm xực” thêm cái bánh bao thì cành hông, đi muốn không nổi! Hồi đó các cậu Tú chúng tôi không ai uống rượu, hút thuốc, xem đó là sự sa đọa, nên một chầu ăn bốn người cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền. Chả bằng các cậu lớp 8, lớp 9 ngày nay, rượu đế thì “chơi” trăm phần trăm, cụng ly côm cốp; thuốc thì phà như khói tàu, nói chuyện thì luôn “xổ nho”. Thật là “Hậu sanh khả uý”!

Chúng tôi bàn nhau về dự định tương lai. Thường thì cũng theo các đàn anh đi trước, là cứ thi đại vào Y, vào Dược, dù biết khó chen chân. Bởi chúng tôi tài sơ, lại thiếu “đức”… Trần Hưng Đạo! (*) Nhưng cũng thi để cầu may, ông bà ta cũng đã chẳng bảo “ Học tài thi phận” đó sao?

Chúng tôi ai cũng mơ được thành Bác sĩ, vì nếu là Bác sĩ thì kể như nắm được thần chú mở cửa kho tàng; và nếu cộng thêm một ít vô nhân, bôi đen lương tâm chút xíu nữa thì nhà lầu xe hơi có trong chớp mắt. Lại tha hồ nạt nộ bệnh nhân, những người mà hàng ngày vừa khúm núm, năn nỉ ỉ ôi, vừa dâng tiền cho mình. Bác sĩ thời ấy có người gọi là “Quan Thầy”, tức Ông Quan Thầy Thuốc; Kiểu như các Quan Ngự Y thời xưa vậy mà. Nhưng Quan Thầy thì oai phong hơn Quan Ngự Y trong phim nhiều, và cái mặt kênh kênh cũng đáng ghét hơn!

Nhớ một lần tôi sưng khớp gối, tới Bác sĩ. Vừa vào phòng, ông ta nhìn tôi với cặp mắt như là cặp mắt của… ác mẫu Tào Thị nhìn Tấn Lực:

- Cái gì đây? (Ý Quan Thầy hỏi: “Mầy bệnh gì ?”)

- Dạ! Cái đầu gối nó trật khớp sao mà đau quá!

Quan Thầy quát:

- Vô đây đừng có nói xàm! Đã biết trật khớp sao không ở nhà trị. Vô đây làm chi?

Từ đó tôi càng khoái cái nghề Bác sĩ hơn, bởi vừa có tiền, vừa nạt nộ con bệnh thoải mái.

Lại một lần nằm viện. Vừa đến giường tôi, Bác sĩ lệnh:

- Quay mặt bên kia nói chuyện!

Và sau khi ấn ấn vào bụng tôi mấy cái, thì cô Y tá đi theo vội xịt Alcool vào chiếc khăn trắng cho bác sĩ lau tay tiệt trùng. Vừa xấu hổ, vừa tủi thân. Tức cảnh sinh tình, tôi liền nghĩ ra “Chuyện cười một trăm chữ”, để khi nào chúng bạn đến thăm kể cho chúng nghe chơi. Chuyện đại khái như sau:

- Cái gì dơ nhất?

Tụi nó lao nhao: “Thiếu gì!”. Tôi lại hỏi:

- Vậy chứ cái gì sạch nhất?

Nó trả lời:

- Cũng hàng trăm thứ. Hay là mầy đố mẹo? Vậy thì là lau! Người ta không nói “Sạch như lau” là gì? Hi hi!

Tôi phục trí thông minh của nó; và cho luôn lời giải đáp:

- Bậy! Tiền!

- Mầy mới khùng! Tiền là chúa dơ. Nó qua tay không biết bao nhiêu người cùi… Nó dơ hơn tất cả mọi thứ.

- Hứ, Bác sĩ luôn rửa tay sau khi khám bệnh, sau khi vệ sinh, nhưng sau khi cầm tiền, có ai thấy bác sĩ rửa tay bao giờ đâu? Như thế không phải là tiền sạch nhất hay sao?

Đến nay hơn bốn mươi năm mà “tuyệt tác” nầy tôi vẫn lấy làm tâm đắc lắm.

Có câu “Lực bất tòng tâm”; lại có câu “Ghét của nào trời tao của đó”. Tôi thích làm Bác sĩ, trời chẳng cho; nhưng ghét cái nghề viết, thì trời lại bắt phải dính vào!

Ngày ghi danh vào Đại học (Đại học Văn khoa và Đại học Luật khoa thời ấy khỏi thi tuyển), ai cũng tranh thủ để được ghi tên trước. Riêng nó thì đứng im lìm một góc, dáng suy tư. Chừng chúng tôi làm thủ tục xong, nó vẫn im lìm như gỗ! Hỏi vài lần nó mới nói:

- Tụi bây cố học thành tài. Tao không học đâu. Từ nay, có lẽ chúng mình khó gặp.

Cả bọn ngơ ngác vì quyết định bất ngờ của nó. Tụi tôi bảo:

- Mầy có bệnh (tâm thần) không vậy? Không học là đi lính đó.

Nó nhìn chúng tôi với đôi mắt cương quyết:

- Tụi mầy yên tâm, không có lính nào bắt tao được đâu!

Trong bọn, tôi thân thiện với nó nhất, và cũng “biết” nó nhất (tri kỉ mà !). Nó là thằng “duy ý chí”, đã quyết định thì khó đổi thay. Biết can ngăn cũng vô ích, nên tôi đành nhìn nó băng qua đường. Nhìn nó đi đến khuất bóng mà dạ ngùi ngùi!

Tôi như mất một thứ gì quí giá lớn lao. Ngày sau tôi đến nhà tìm nó, hi vọng mong manh là nó đổi ý. Nhưng nó đã đi thật rồi!

Sau một đêm biển xanh còn biến thành ruộng dâu; thì với hơn bốn mươi năm, bọn chúng tôi không khỏi trải qua nhiều cuộc tang thương! Không đứa nào còn ở chỗ cũ. Có khi nhớ cũng muốn tìm, nhưng biển đời mênh mông, biết đâu tăm cá?

Một lần lễ chùa, tôi tình cờ gặp lại nó. Nó là… trụ trì tại một chùa X... ! Dù thân nó tròn trịa, mặt no đầy, da dẻ hồng hào khác hẳn thuở xưa. Dù nó đang “Đầu tròn áo vuông”, dù có dáng oai nghi của một nhà tu, tôi cũng nhận ra ngay. Tôi vừa bàng hoàng, vừa mừng. Mừng vì được gặp lại người bạn thân; bàng hoàng vì không biết ma đưa lối quỉ dẫn đường thế nào mà kéo nó đến cửa thiền!

Đợi lúc vắng khách thập phương, tôi nhẹ nhàng đến bên nó, chấp tay có vẻ cung kính, nhưng lời nói lại có phần đùa nhiều hơn :

- Bạch thầy! Thầy còn nhớ… con không?

Nó sững một giây, rồi vỗ mạnh vào vai tôi, lớn tiếng mừng rỡ. Như quên mình là nhà sư:

- Thằng quỉ, sao mầy lại ở đây?

Câu nầy đáng lý tôi hỏi nó mới đúng hơn. Tôi vẫn chấp tay, cười cười:

- Dạ !… con là Phật tử…

Nó nắm tay tôi kéo đi, dẫn tôi qua một dãy phòng. Đến môt phòng riêng biệt, trên có hàng chữ “Phòng Trụ Trì”, nó đẩy tôi vào. Đó là một phòng tương đối rộng, ngăn nắp sạch sẽ; bày biện đơn sơ, khác với bản tính cẩu thả và … “ở dơ” (!) của nó. Đảo mắt một vòng, tôi hỏi nó:

- Theo tôi biết, chỗ ngủ của trụ trì như hàng đại gia. Sao chỗ của thầy đơn giản quá vậy?

Nó không đáp, mà hỏi lại:

- Tụi bây thế nào rồi? Thầy bà gì! Tao thèm “mầy, tao” lắm!

Tôi cười hì hì, cũng không trả lời, mà lại hỏi:

- Nếu thầy cho phép… Vậy chứ sao mầy là trụ trì ngang xương vậy?

Nó tự hào:

- Sao lại ngang xương? Đó là sự suy nghĩ đầy trí tuệ của tao: Từ lúc tụi bây ghi danh vào Đại học, tao nghĩ, dù tụi mình có học hết Đại học đi nữa, thì khi ra trường làm được cái gì với cái bằng Cử nhân Văn chương hay Cử nhân Luật? Là luật sư, nếu tụi mình có chút lương tri thì chẳng nói chi; bằng không thì sẽ vì tiền mà dùng miệng lưỡi cú diều thay đen đổi trắng, làm nghiêng cán cân công lý, thì tạo ác biết bao nhiêu? Nếu an phận thủ thường làm nghề “Bán cháo phổi” (dạy học), thì thường ngày phải hít bao bụi phấn, đến già không chừng cũng sẽ vô Viện Bài Lao! Đó là chưa nói không may thi rớt, bị sa vào lính, lại phải làm bia cho họng súng AK? Sống là một trường tranh đấu. Mạnh được yếu thua. “Khôn thì ăn trước ngồi trên, dại thì ra đứng hai bên cột đình”.

Tôi nóng mặt:

- Vì vậy mầy mới chọn nghề thầy chùa?

- Đúng vậy! Thì đã sao chứ? Làm nghề thầy chùa thì dù có chiến tranh khốc liệt thế nào, tao cũng khỏi phải đi lính, nên luôn mang chữ thọ trước ngực! Cái ăn cái mặc khỏi chạy đổ mồ hôi. Tiền thì có người quỳ dâng tận tay, Cơm thì có người hầu hàng buổi. Chỗ ở thì đồ sộ nguy nga. Trăm kẻ kêu bằng thầy, vạn người xưng là con. Ở ngoài đời, dù cho kẻ có đại quyền, cũng chưa hẳn được tôn trọng như vậy. Có gì không tốt chứ?

- Chùa mầy giàu như vầy, sao chỗ ngủ cùa mầy bèo quá vậy?

Nó cười:

- Mầy cứ mãi giữ cái đầu non nớt của mầy, thì làm sao thấu lý chuyện đời? Tao xây biệt thự cho mẹ tao hàng tỉ còn được, thì huống chi cái chỗ nằm cỏn con nầy? Thường thì con người ta có tiền thì hay phô trương, không ngoại trừ những kẻ “tu hành”. Vật dụng thì xài những thứ đắt tiền, đi xe máy đời mới, thậm chí sắm cả xe con. Đó là những thằng ngu! Bá tánh có hàng vạn người, nhưng có cả hàng triệu đôi mắt. Đừng bảo họ mệ muội mà lầm ! Họ cúng dường Tam Bảo là để trùng tu chùa chiền, hương hoa cho Phật, chứ nào để cho trụ trì lấy đó mà xài sang, xa hoa phung phí? Ai đời trụ trì mà kéo cả vợ con vào chùa, thật là chướng mắt ! Ai đời sau giờ công phu thì vứt áo cà sa đi nhậu với loại đàn bà goá điếm đàng. Thầy chùa gì mà vừa dứt tiếng mõ thì vội trốn về nhà hú hí với vợ con. Ai đời lại chiều chiều lại mặc quần sọt đi đánh Tenis như hạng thượng lưu…

- Vậy mầy sống thanh đạm thế nầy là để che mắt thế gian?

Như không để ý đến câu hỏi của tôi, nó tiếp:

- Trong đám sâu độc có thể làm hỏng hoa sen Phật giáo, thì cũng không thiếu những bậc đại sư hết lòng vì đạo, xả thân vì Pháp, nếu không thì làm gì Phật giáo tồn tại đến ngày nay? Tao không phải là chân tu, nhưng cũng biết dừng lại đúng lúc. Trước là tao che mắt thế gian thực đó, nhưng giờ thì chưa hẳn. Trong mấy mươi năm niệm trì kinh chú, tao cũng đã ít nhiều thấm nhuần giáo lý của Đấng Chí Tôn. Lấy tiền bạc của đàn na tín thí cúng dường mà làm của riêng mình, thì kiếp sau cũng phải mang lông đội sừng để trả nợ mà thôi! Mầy khỏi lo.

Tôi ầm ừ định hỏi nó một câu, thì nó lại hỏi tôi, như để cho không khí bớt ngột ngạt:

- Còn mầy sao rồi? Có viết lách gì không?

- Tao tự bỏ dạy. Làm đủ tứ nghề. Có viết chút đỉnh để kiếm tiền xài vặt.

Tôi nói “xài vặt” cho oai, chứ thực ra là để phụ thêm vào việc thu nhập ít ỏi của mình.

- Thu nhập?

Tôi ghét cái hất hàm có vẻ cao ngạo của nó nên trả đũa:

- Làm gì bằng cái nghề buôn thần bán thánh của mầy!

Chợt thấy mình hơi quá lố, tôi cười giả lả:

- Viết mà để lãnh nhuận bút thì chẳng bao nhiêu, nhưng tao có thêm cái nghề bán chữ nên cũng tạm ổn.

Nó nhìn tôi, như muốn hỏi “bán chữ” là gì. Tôi giải thích:

- Như vầy : Có lắm tên nghèo chữ, mà lại giàu tiền, lại háo danh, nên nó mua bài của tao, mỗi bài thường giá gấp năm lần nhuận bút! Hoặc có kẻ khoái nịnh, bảo tao viết tán dương. Tao làm luôn. Thường thì mối nầy rất xộp.

- Được nhiều “mối” không?

- Kẻ háo danh lúc nào không có? Có khi còn rộ lên như một phong trào! Thằng nầy xuất bản tập thơ, thường thì để… cho, vì nếu bán cũng chẳng ai mua ! Thì thằng kia cũng phải cố làm cho bằng được, thế là tao lại có chuyện làm! Lắm khi làm không xuể, tao phải “chia hàng” cho bạn nghèo của tao, mới xuể!

Nó cười sặc, ngụm nước trà bắn ra tùm lum:

- Văn chương mà mầy làm như mớ cá, mớ rau!

Không khí có vẻ dễ thở một chút. Nó lấy tay áo cà sa lau miệng, “giảng pháp”:

- Danh lợi là hai miếng mồi béo bở mà kẻ phàm phu nào cũng thích: Thùng “Cúng Dường Tam Bảo” của mỗi chùa thường là chỉ có tờ mười ngàn, hai chục ngàn, năm chục ngàn. Những kẻ cúng dường bạc triệu, thì đòi cho được gặp trụ trì để được ghi tên; như là một kí hiệu cho trụ trì biết, hầu lần sau được tiếp đón nhiệt tình! Hoặc để lên mặt, hay phơi bày một chút giàu sang cho người xung quanh thán phục. Hay để khoe mình đã tạo nhiều “phước đức”! Trong lúc đó, cha mẹ ở nhà, mới chính là Phật trước mắt, thì lại bỏ bê, không màng tới.

Cũng vì chữ lợi mà mầy ca tụng phường vô sỉ, mập mờ đen trắng thị phi. Cứ tưởng đơn giản là tiền trao cháo múc, hết xôi rồi việc, chứ đâu có ngờ là bút sa gà chết! Mầy đã vô tình bôi nhoà ý thức, làm lệch đường nhận định của kẻ hậu sinh. Xét ra cũng là tội ác!

Tôi giật mình vì dường như nó nói đúng! Không ngờ cái thằng quỉ sứ nầy sau bốn mươi năm ăn tương chao lại có những lý luận sâu xa, sắc bén như vậy. Tôi thường dùng cụm từ “Những phường háo lợi háo danh” một cách khinh miệt. Nhưng nay, nhờ nó mà tôi phát hiện chính tôi cũng đã đồng hội đồng thuyền với bọn người ấy. Mắt tôi đã “tinh tường” thấy được hạt cát nhỏ bé trong mắt người khác, nhưng lại đui mù không thấy được cọng rơm tổ bố trong mắt của mình! Với bộ óc tí ti như óc tép riu của tôi, lại còn bất hạnh mang thêm cái tự ái lớn như đầu bò. Tôi tìm cách quơ quào của một người thua cuộc:

- Vậy chứ cái nghề bán lòng tin của mầy có phước lắm?

Nó lặng thinh. Trong cái im lìm đó, đã chứa đựng cả lòng vị tha to lớn, hay chứng tỏ lòng nó đã lắng mọi sân si. Tôi cũng chẳng nói lời nào. Nhưng sự lặng yên nầy lại mang nhiều xấu hổ của kẻ thiếu tài. Nó là một thằng thông minh từ còn bé tí; và tôi, lúc nào cũng thấp hơn nó một cái đầu.