main billboard

Con chó vàng xổng dây bỏ trốn và mụ Một đành phải lủi thủi mua vé xe quay về quê cũ để tránh kiếp cơ hàn trong cảnh cô đơn.

Ngọc Giao là nhà văn tiền chiến sinh năm 1911 ở Huế và tạ thế 1997 ở Hà nội. Ông gia nhập làng văn rất sớm, từng là thư ký tòa soạn tờ báo nổi danh của nhà Tân Dân là Tiểu thuyết thứ bảy. Sáng tác của ông trước 1945, khá phong phú gồm tiểu thuyết dài như Đất, Xã Bèo, Quán gió, Mưa thu, Cầu sương… và truyện ngắn như Một đêm vui, Cô gái làng Sơn Hạ, Phấn hương…

Sau 1945 ông thuộc vào loại bị gác bút như Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Minh Lang… và những tác phẩm của ông như Đất, Xã Bèo… bị tịch thu . Cho tới thời kỳ mở cửa một số tác phẩm của ông mới được tái bản.

Ngòi bút của Ngọc Giao tài hoa, câu văn chải chuốt và thể hiện khuynh hướng tình cảm, có màu sắc xã hội, pha chất yếm thế bi quan. Truyện ngắn sau đây kể cảnh người nghèo ờ khu Khâm Thiên, Hà nội trước 45 đã đón Tết như thế nào. Những kẻ cơ hàn này chỉ hy vọng vào thịt con chó vàng của mụ Một, một phụ nữ từng sống bằng đàn ca nhịp phách trên sông Hương và lưu lạc ra Hà nội. Mụ Một cô đơn, vợ chồng con trai bế con từ bỏ mụ, chỉ còn con chó vàng bên cạnh. Chỉ vì áp lực của cái Tết và người xung quanh Mụ phải chia tay với Vàng.

cho-dogXóm Nghèo Ăn Tết Chó
Tiếng mụ Một hò buồn rã rượi… Không là con sông Hương, mà là cái ngõ xóm Khâm Thiên. Cho nên tiếng mụ Huế hò lạc lõng, không ai nghe cả, chỉ một mình mụ nghe. Mụ Một nghe tiếng mụ và tiếng muỗi kêu loạn trong ánh sáng ngọn đèn dầu lạc. Nước ở chiếc áo vá phơi trên sợi dây bắt ngang gian nhà hẹp rỏ từng giọt xuống mặt mụ, mụ vẫn nằm không nhúc nhích. Khói thuốc phiện đang cho mụ say. Say rượu thì còn dễ quên sầu hận; chứ thuốc phiện càng say, buồn khổ càng ngấm mạnh vào xương vào máu.

Mụ Một say thuốc phiện lần đầu. Xưa kia, lênh đênh ở con sông Hương, đàn vài khúc mà nghe chơi, gặp tri kỷ ép nài khói thuốc, mụ cũng nể mà “tui vô phép” rồi nghiêng mình hút chơi một điếu.

Một điếu thì có hề gì ạ.

Mụ nói với người tri kỷ vậy, hai khóe mắt lim dim nhìn lên mui bồng đong đưa trên con sông khuya.
Đêm nay, đôi khóe mắt ấy nhìn lên chiếc áo vá nước rỏ ròng ròng xuống mặt. Mụ thấy cái gì cũng mờ mờ. Mụ thấy cái áo trên kia biến ra cái áo lụa màu mạ non mà ngày xưa mụ ưa mặc nhất. Đã biết bao nhiêu con cá đớp cái bóng ấy in dưới nước dòng sông trong. Đã có biết bao nhiêu chiếc én liệng như đưa thoi ở đầu bồng để dệt, để vương lên cái bóng đẹp ấy những đường tơ tình thắc mắc.
Duyên nợ ba sinh,
Nghìn dặm lênh đênh… ai nhớ mình…
– Dào ôi, cực quá!
Mụ Một thở phì phì, hai tay đập rời rã xuống giường. Xưa mụ chỉ hút một điếu mà chơi. Cái gì cũng chỉ để mà chơi! Thế mà bây chừ mụ Một hút nhiều, giản dị như mụ ăn trầu, như mụ uống rượu, như mụ đánh bài, nếu mấy chị cô đầu ngoài phố rủ rê, nếu gặp ông hai út, ấy là một ông thày đờn người Bắc, nhưng mà đã có một thời nổi trôi ở Huế để làm đồ đệ hai bậc danh cầm Đội Trác và Ngũ Đại.
Gặp ông hai út thì nhất định mụ Một phải say rượu trong khói thuốc. Gái già gặp người tri kỷ già, “đôi chúng mình như hai con đò nát thày ơi, hãy uống với nhau dăm chén, hút với nhau mươi điếu rồi đờn vài khúc mà nghe chơi, ca vài câu mà nghe chơi cho nó vơi sầu, vợi khổ!”
Ông hai út lên dây cây tì bà. Mụ Một sóng nhịp bằng hai bàn tay yếu, ca theo tiếng đờn.
– Ôi dào ôi, cực càng thêm cực! Thày út ạ…
Mụ Một cúi đầu mà khóc.
Người bạn già không biết nói làm sao, bàn tay thõng xuống. Mụ Một ngượng ngùng lau nước mắt, rồi mụ mỉm cười, với cái tiêm dúng vào ngao thuốc phiện.
Điếu thuốc xèo xèo. Mụ Một nghĩ thầm rằng khi mụ mếu ắt cái mặt già nhăn nheo của mụ cũng móp mép như điếu thuốc đang nở trên đầu bấc lửa ấy, chứ chi?
Nghĩ vậy thì mụ thẹn. Mụ hò đôi câu, rồi bỏ lửng cho giọng trầm xuống tan đi như tiếng đàn của thày hai út bỏ lửng ở cung hồ.
Thày hai út ra về, kiếu rằng xin ra về cho mụ ngủ.
Dầu sao mụ cũng đứng lên theo tiễn ông bạn già. Nhưng mụ không dám bước ra ngưỡng cửa, mụ chỉ chắp tay lễ phép vái ông hai cái, rồi vịn tay vào tường, thò đầu ra tý nữa nhìn xem nhà hai bên dãy ngõ có ai nhìn người đàn ông ở cửa mụ ra không.

“Phải e dè với cả tấm lòng ngay thẳng của mình, cực quá! Mà mình có chi giăng gió với người ta đâu. Chém cha cái miệng rông dài!..”
Mụ nói vậy rồi quay ngay vào. Mụ lao đao rơi xuống chiếu. Mụ nằm nhìn lên cái áo vá, lắng từng giọt nước lạnh rỏ xuống vầng trán nóng tê tê…
Mụ hò. Lại hò mà nghe một mình chơi. Không ai thèm nghe thì thôi! Mụ chỉ có một mình mình nơi đất khách quê người này.

***

Có con, có cháu, mà rồi chơ vơ một mình trong cái ngõ hẻm Khâm Thiên, người đàn bà Huế không than thở với ai, không trách Giời, trách Phật, buồn khổ quá, mụ chỉ ca đôi tiếng, có tiền thì ra quán uống chơi vài cút rượu, xong rồi mụ lầm lì trở về nhà – ấy là một cái xó bụi bậm và đầy mạng nhện người ta không chứa ô tô nữa, mụ nằm lăn ra, mụ hò vài ba câu như ngày xuân xanh ở kinh kỳ.

Con mụ Một là một anh chàng thư ký, có vợ, có đứa con giai bảy tuổi.
Vợ anh chàng là một chị gái giăng hoa gặp nhau ở đâu, lấy nhau ở chỗ nào, có con rồi thôi thì cũng chả cần nhớ làm chi nữa. Miễn là cứ yêu nhau. Yêu nhau quá đến nỗi quên rằng trên đời còn có một mẹ già đang đau và đang ghen âm thầm cái “tình mẹ con” của mụ đã bị ả gái giăng hoa, người nàng dâu của mụ, chiếm đoạt mất rồi. Người con giai yêu quý có nhìn đến mụ nữa đâu. Huống chi, người nàng dâu, một hôm, lại ton hót với chồng rằng:
– Tôi thấy người ta đồn dạo này bà ấy nghiện rượu, nghiện thuốc phiện, đêm nào cũng ca hát với một lão thày đờn.
Người con giai tê tái, rình xem một đêm khuya. Quả nhiên, gã nhìn thấy vậy. Gã lướt qua mặt mụ, cố ý bật que diêm châm thuốc lá cho mẹ rõ mặt mình, gã cười nhạt rồi gã lao mình ra đi. Gã xin đổi ngay vào một tỉnh miền Trung Kỳ, đem cả vợ con theo.

Mụ Một khóc sậm sụt liền ba tháng. Nhớ con năm phần, nhớ cháu cả mười phần. Cái thằng bé kháu khỉnh, mập như con ông Bụt.
Thỉnh thoảng, trước kia, thằng bé được bố dắt đến ngõ thăm bà, thì nó quấn lấy cổ bà, bà cũng ôm chầm lấy cháu mà hôn:
– Cháu bà đấy à? Cháu có nhớ bà không? Chứ bà nhớ thương đến đứt ruột, đứt gan, cháu ạ…
Mụ khóc trên tay cháu, rỏ nước mắt xuống bàn tay cháu. Thằng bé không chùi vào áo, nó đưa bàn tay lên môi:
– Bà ơi, nước mắt sao mặn thế, a bà?
Mụ nheo mắt nhìn cháu, cắn vào má cháu:
– Nước mắt và máu đều mặn cả. Thế cháu đã nếm nước mắt của ba cháu chưa?
Thằng bé ngây ngô:
– Chưa. Ba cháu chả bao giờ khóc như bà.
Mụ ngùi ngùi:
– Hôm nào cháu thử bảo ba cháu khóc, rồi cháu nếm xem nước mắt ba có mặn giống nước mắt bà không, cháu ạ.
Người con giai nghe mẹ nói, cúi gục đầu nhìn xuống đất. Lần thăm ấy, gã biếu mụ nhiều tiền hơn mọi lần:
– … Để mẹ đong cái gạo trắng mà ăn. Gạo hẩm thế này, nuốt làm sao được.
Rồi gã cầm tay mụ, ngập ngừng:
– Thôi thì trăm giận nghìn hờn mẹ bỏ đi cho. Mẹ về ở với chúng con. Mẹ lẩn quất thế này, con xấu hổ với người ta, mà cháu thì nó nhớ…
Mụ thở dài:
– Con ơi, mẹ còn muốn nhìn mặt nó làm chi nữa. Nó lăng loàn, nó có coi mẹ ra gì đâu. Con cứ để mẹ ở đây, ngày nào mẹ chết thì con làm ma cho mẹ. Sau ba năm rồi, con có thương mẹ thì nhớ đem nắm xương khô của mẹ về Huế mà táng ở bên mồ ông ngoại, bà ngoại con dưới chân núi đó…

Mụ nghẹn lời, khóc như mưa như gió. Mụ khóc một lúc lâu, vừa ngẩng lên thì nàng dâu mụ đã đứng ngoài đầu ngõ rít răng gọi thằng cháu mụ:
– Đi về thằng kia. Bố mày muốn ở đấy với người ta thì cứ ở. Tao không cần.
Người con giai đành lẳng lặng chạy theo đứa bé ra khôi ngõ. Tiếng nàng dâu mụ còn rít róng mãi ngoài đường.
Bữa ấy, mụ Một lại ra quán uống đủ ba cút rượu. Mụ lao đao về ngõ; mới bước chân vào cửa đã thấy ông hai út ngồi đợi đấy rồi. Như mọi lần ông mang cả khay đèn đến, ông đang sửa bấc, mụ bèn reo lên:
– May quá, thày út à. Tui đang buồn, tui đang say. Thày ôi, lại gặp cố nhân, thế thì lại đờn vài khúc mà nghe chơi, ca vài câu mà nghe chơi, chớ không gặp thày thì chừ tui đã treo cổ tui lên xà nhà cho rồi kiếp…
Thày út chỉ “dạ”, lặng đi một lúc mới ngậm ngùi:
– Chết chi cho uổng bà bạn ôi! Đời còn vui lắm bà, nếu cứ được vui mãi như thế này.
Cả hai người hút xong chừng mươi điếu thuốc, thày út lên dây đờn, dạo. Mụ Một hắng giọng, ngồi lên, đôi mắt ướt mờ, nhìn vào ngọn lửa đèn đăm đăm.
Tết đến rồi. Kẻ giàu sắm tết. Cái dân xóm nghèo của mụ Một cũng bắt đầu bàn về tết và lo tết.
Nắng hoe hoe ấm chảy trên dòng nước cống ngang cửa mụ. Những con muỗi ngày, ở dòng nước cống, bay rỡn nắng, trắng lên như đám bụi.
Mụ Một ngồi sưởi nắng, ôm con chó vào trong lòng.

Con chó vàng của mụ, từ đầu chưa ai biết, vì mụ đã dắt đi cầm cho một mụ chủ cô đầu. Con chó hay bậy, hay cắn khách, đã một lần dám chui vào gậm giường Hồng Kông rình tha áo quần của một ông tham biện nhân tình mụ chủ cô đầu, mụ chủ đánh nó một trận đau rồi đuổi về với mụ Một.
Hôm ấy mụ Một ngồi thụp xuống, giang cả hai cánh tay gầy ra đón nó, như những khi đón thằng cháu quý được bố dắt đến thăm mình. Mụ cũng đã khóc trên đầu nó, mụ đã ra ngoài ô mua một mớ xương bò về làm tiệc đãi nó, để tỏ chút tình chút nghĩa với nhau.
Ngày còn đứa cháu ở bên mụ, đứa cháu vẫn là bạn thân của nó. Chúng chơi, chúng nghịch cùng nhau suốt ngày.
Ngày mụ ra đi, con chó cũng theo đi. Mụ lại bầu bạn với nó, để nhìn thấy nó mà được nhớ đến thằng cháu yêu.
Thế mà túng bấn quá, mụ đã phải đem cầm cho mụ chủ cô đầu.

Bây giờ nó lại trở về, mụ xoa vuốt nó, ngồi lầm lì với nó, hò cho nó nghe trong những ngày mưa dầm gió bấc mà cố nhân của mụ, thày hai út, đi đâu xa vắng.
– Bà Một ơi, con vàng độ này béo quá. Giá được nó mà bó giò hay hầm rựa mận chén tết thì thú quá!
Bác Năm-răng-bạc đã cười nói oang oang như thế đó. Mụ Một cũng cười:
– Ừ, tui bán cho anh. Thế đã có tiền chưa?
Bác Năm-răng-bạc vỗ vào cái túi áo xanh đầy dầu máy, cái túi không có tiếng xu hào, nhưng bác lại càng cười to hơn rồi đi thẳng.
– Bà Một ơi, con vàng độ này có vẻ khặc khừ lắm nhé. Để cho chúng tôi, sẵn riềng mẻ ở nhà rồi. Chưa có gì chén tết đây, bà ạ.
– Ừ, tui bán cho bác. Thế đã có tiền chưa?
Họ đã có tiền. Nghĩa là họ đã loan báo cho cả xóm biết rằng tết này sẽ thưởng xuân bằng con vàng mụ Một. “Con vàng béo lắm, chả cần gì kiêng kị, nghèo thì bất chấp thiên địa sự, bà con ạ!” Họ góp tiền, kéo đến nhà mụ Một.
Họ cười vang nhà, đặt tiền xuống chiếu. Rồi họ kéo con vàng ra. Con vàng sợ sệt nằm run nép ở gậm giường. Người ta cứ khua nó ra.
Nó cũng gầm gừ kháng cự, nhưng bác Năm-răng-bạc đã đánh trúng một búa vào lưng, nó gục ngay xuống bên chân mụ Một.
Nhìn hai mắt con vàng ướt sũng ngước lên nhìn lại mình, trong khi người ta đã buộc dây thừng kéo nó đi xềnh xệch, mụ Một đứt ruột, ôm lấy mặt.
Mụ nghĩ đến cái ngày nàng dâu mụ giằng đứa bé cháu yêu khỏi tay mụ, kéo tuồn tuột đi. Đôi mắt đen nhánh của nó cũng ướt đầm đìa như đôi mắt con vàng, như đôi mắt mụ.
– Dào ôi, tôi nhớ con tui, tui thương cháu tui! Tui biết tìm nơi mô chừ!

***

Chiều ba mươi Tết. Gió lạnh. Gió từ đâu reo trên mái ngói. Mụ Một bứt rứt như điên, mụ đi vào đầu ngõ, lại trở ra cuối ngõ, mụ không chào ai, cũng chẳng nhìn ai cả. Đầu gục xuống, lưng mụ còng xuống, trông thảm hại, thực là thảm hại!
Con vàng của mụ cũng đang lồng lộn đòi dứt sợi dây thừng ở trong sân nhà bác Năm-răng-bạc, vì cái nhà cô đầu bên kia đã đốt một bánh pháo cúng tổ chiều ba mươi làm cho nó sợ.

Những bánh pháo khác tiếp ran lên. Con vàng cuống cuồng. Sợi dây bợt dần. Sau cùng đứt hẳn. Con vàng cong đuôi chạy. Nó chạy ra bờ ao, luồn qua các bụi. Một đứa trẻ, con bác Năm-răng-bạc thét lên. Dân xóm, ấy là những người nghèo có phần vào con chó, lúc bấy giờ vừa kịp đi làm về, nghe trẻ thét, đều hò nhau vác gậy đuổi con vàng. Một cuộc náo loạn ghê gớm. Không ai thấy bóng con vật xó nào. Cái xóm nghèo nhớn nhác vì mỗi nhà mất một nồi giả cầy chó thưởng xuân. Họ cãi cọ nhau, trách mắng nhau, rằng sao bác Ba Kim có cũi mà không nhốt, rằng sao chị cả Ca-bánh- cuốn có xích sắt lại không chịu bỏ ra: “ừ xích sắt thì nó chạy đằng giời! Xích sắt còn phải kể…, người còn chịu nữa là giống chó!”

Ông cả Cao nói thế, rồi bảo nhau kéo cả ra nhà mụ Một. Một người giả vờ tìm guốc để cúi nhòm gậm giường mụ, biết đâu con chó khôn nó chẳng về với chủ.
– Các bác ôi, con vàng nó trốn thì tui xin nộp lại tiền các bác. Tui cũng định đi vay thêm để lấy cái vé xe lửa về miền trong đi tìm con tui, cháu tui, chúng nó bạc với tui nhưng mà tui nhớ chúng nó, tui không còn chịu được cảnh chơ vơ này nữa. Bây giờ tui xin trả lại… Vâng, tui xin trả lại các người…,

Mụ cúi xuống cho người ta khỏi thấy rằng mụ khóc, mụ mở hòm lấy món tiền giải ra giường.
Nhưng mọi người không ai thò tay ra lấy lại tiền. Họ nín lặng nhìn mụ mà ái ngại.
Một lúc lâu như thế, bác Năm-răng-bạc mới lên tiếng rằng:
– Cảnh đến thế này thì chúng tôi còn lòng nào lấy lại số tiền mọn nữa. Chúng tôi xin biếu bà, tôi lại xin tất cả các ông các bà đây mỗi người thêm một tí đưa bà để bà về quê hương, may ra bà tìm thấy mặt con, mặt cháu.
Ai cũng khen bác Năm nói phải. Họ vui vẻ vét túi giúp thêm tiền mụ Một, vui vẻ ai về nhà nấy.
Chiều hôm mồng một, mụ Một đi chào biệt hết cả mọi người trong xóm. Mỗi nhà mừng tuổi mụ một chén rượu đầy. Mụ không từ chối. Uống vừa vặn say thì mụ lao đao ra phố gọi một cái xe kéo ra ga, đi chuyến tốc hành.

***
Đoàn tầu lao trong bóng tối. Mụ Một co ro rét và say, gục đầu vào cánh cửa toa.
Mụ se lòng nghĩ đến con vàng của mụ bây chừ nơi mô? Con vàng lang thang, mụ cũng lang thang một mình.”