Người ta đã đến đầy sân rạp, đủ mọi lứa tuổi, mọi kiểu áo quần, ai cũng diện đẹp trong ngày lễ ra trường của người thân của mình...
Chiều thứ Sáu cuối tuần, và là một ngày vui tưng bừng đối với gia đình chị, mà trời lại u ám, đổ mưa. Từ thành phố nào đó trong vùng này đang bị bão lụt làm ảnh hưởng lây tới những thành phố lân cận. Suốt tuần, mỗi ngày đều có một cơn mưa. Chị chép miệng tiếc thầm, giá mà trời đừng mưa thì niềm vui sẽ trọn vẹn hơn.
Anh đi làm về, ăn vội bữa cơm chiều. Dù rằng thời gian vẫn còn rộng rãi, hai tiếng đồng hồ nữa buổi lễ mới bắt đầu, mà chị cứ luôn miệng giục giã:
– Ăn cho xong, còn tắm rửa, thay đồ.
Trường Sam Houston High School tại Arlington tổ chức lễ ra trường lúc 8 giờ pm, tại Nokia Theatre thuộc thành phố Grand Prairie, cách nhà chừng nửa tiếng lái xe. Nhưng gia đình chị đã lên xe lúc 7 giờ pm, vì chị trừ hao trời mưa gió, đường lạ vào buổi tối, không thể chạy nhanh. Đàn bà bao giờ cũng cẩn thận, lo xa, thế mà vẫn có sơ suất, sờ sờ ngay trước mắt, nhà có hai cây dù vẫn dựa sẵn ở góc tường, cạnh cửa ra vào để chờ được che chở cho chủ những lúc trời mưa nắng, chị lại quên, chẳng mang theo.
Rạp hát lớn, bãi parking rộng mênh mông, đi bộ vào tới rạp, trong làn mưa lất phất, ướt lạnh, làm chị đau xót cho bộ áo váy mới, cho mái tóc chải kiểu cọ, xịt keo. Đã thế, còn phải leo lên mấy chục bậc thang cao mới lên đến sân rạp. Cả hai vợ chồng và thằng Ben đều thấm mệt và thấm ướt từ đầu tới chân.
Người ta đã đến đầy sân rạp, đủ mọi lứa tuổi, mọi kiểu áo quần, ai cũng diện đẹp trong ngày lễ ra trường của người thân của mình, để chụp hình, quay phim và để không thua kém ai trong đám đông hàng mấy ngàn người có mặt đêm nay. Chị vuốt lại mái tóc, nếp áo dù ướt, nhưng ánh mắt chị vẫn vui tươi cùng với đám người rộn rịp đi vào bên trong, chị ngạc nhiên khi người hướng dẫn chỉ số ghế của gia đình chị rất gần khán đài, chị hí hửng thì thầm vào tai anh:
– Hên ghê, mình được xếp gần khán đài.
Thì anh giải thích:
– Không phải vô tình đâu, những người có con ra trường điểm cao thì được xếp ngồi gần sân khấu đấy.
– Vậy càng ngồi xa tít mù khơi trên kia là con họ điểm thấp hả anh? Mình ngon hơn họ rồi.
ngoanh-lai.jpg
Chị hãnh diện, ngồi xuống ghế, mở tờ giấy “Chương Trình Lễ Phát Bằng” ra coi, tên những học sinh tốt nghiệp niên khoá 2007 có tên con chị đứng hàng thứ Tư, hạng Ưu, trong tổng số hơn 500 học sinh của trường. Chị sung sướng nhìn ngắm tên con mình mãi mà không chán. Anh chỉ vào tờ giấy :
– Em thấy chưa? Trong số 6 học sinh hạng ưu này, có tới 4 người là Việt Nam. Rồi những hạng kế tiếp vẫn là người Việt Nam.
– Như thế thì hầu hết học sinh Việt Nam đều học từ giỏi đến khá, anh nhỉ?
– Bất cứ trường Trung học, Đại học nào, khi tốt nghiệp cũng có mặt nhiều học sinh Việt Nam xuất sắc. Cha mẹ Việt Nam nào chẳng khích lệ và hi sinh cho con cái ăn học, con không học được thì mới đành chịu thôi.
– Thật là hãnh diện, khi người Mỹ đã phải lắng nghe những last name thông dụng của người Việt Nam như Nguyễn, Trần…từ những học sinh giỏi ấy.
Chị tự hào tiếp một tràng:
– Chắc người Mỹ bản xứ thấy di dân Việt Nam mình thật dễ thương. Này nhé, cha mẹ thì chăm chỉ làm ăn, con cái ngoan ngoãn học hành. Trông mấy ông bà đi làm hãng xưởng, hết sức bình dân, khiêm tốn, nhưng con cái họ thành công ngon lành: Bác sĩ, Nha sĩ, kỹ sư…không à! Cứ mở ti vi coi tin tức mỗi ngày thì biết, các hình ảnh tội phạm rất ít khi là người Châu Á, càng không phải là người Việt Nam, em cũng thấy mừng thầm, vui thầm.
– Bởi thế nên người Việt Nam mình đi làm đâu là được tin cậy đó, vì chăm chỉ và tôn trọng luật lệ. Hãng xưởng nào mà chẳng muốn có nhân viên tốt.
Chị khoe:
– Trong hãng em có mấy người Việt Nam đều làm việc tốt như nhau cả. Có hôm, em đang làm việc thấy nhức đầu, khó chịu, mà cũng ráng làm cho hết ca, không dám về sớm vì tiếc công tiếc việc…
– Và tiếc tiền chứ gì? Thậm chí có người còn không lấy ngày nghỉ Vacation, đi làm để lãnh hai cái “pay check”.
Chị lanh chanh thêm:
– Chưa nhằm nhò bằng mấy bác lớn tuổi, đã ăn tiền hưu mà vẫn đi làm để lãnh thêm một đầu lương. Có khi họ chẳng cần tiền cho chính bản thân họ, mà kiếm tiền để giúp con, cháu, hay những người thân còn ở lại Việt Nam. Người Việt Nam mình quen hi sinh vì người khác như thế đấy, trong khi người Mỹ chỉ mong retire sớm để hưởng nhàn.
Hai vợ chồng cứ chuyện trò lan man, cho tới khi buổi lễ bắt đầu. Sau các phần nghi thức, thì học sinh bước lên khán đài từ hai phía cánh gà, hết đứa nọ tới đứa kia, những học sinh khoác áo màu đỏ, đội mũ đỏ, hớn hở bước ra, mà chị chẳng trông thấy thằng con của mình đâu. Biết chị sốt ruột, anh lại giải thích:
– Những đứa hạng ưu sẽ ra sau cùng, với áo, mũ, màu trắng. Khác biệt và đặc biệt là thế đó em.
Cuối cùng thì điều chị mong đợi đã đến, 6 đứa mặc áo trắng bước lên khán đài giữa những tiếng vỗ tay, reo hò của thân nhân,bè bạn. Chị cũng mừng rỡ réo gọi tên con:
– Cu Tí ơi!
– Ơ kìa! Cái tên Cu Tí là tên ở nhà cơ mà. Anh vội vàng nhắc nhở chị.
– Chester Phương Nguyễn ơi! Mẹ đây nè!
Nó chẳng thể nghe tiếng chị gọi, nhưng khi cả đám ngồi yên chỗ, thì thằng Chester cũng nhìn thấy cha mẹ và thằng Ben ngồi ở dưới, thỉnh thoảng nó lại mỉm cười mỗi khi thấy bố giơ máy hình lên chụp.
Khi nhìn những học sinh lần lượt được gọi tên lên nhận bằng tốt nghiệp, mỗi đứa biểu lộ một niềm vui, niềm hãnh diện khác nhau, làm chị xúc động như chính mình đang là những người tuổi trẻ đó. Khi tên con chị được đọc lên, vang to “Chester Phương Nguyễn” thì niềm xúc động càng cao hơn nữa, chị nhìn con không chớp mắt, theo từng bước con đi trên khán đài tới chỗ bà hiệu trưởng, nó bắt tay bà, và nhận tấm văn bằng tốt nghiệp. Chị sung sướng, bối rối, đến quên cả chụp hình, mà anh đã phân công cho chị, trong lúc anh quay phim hình ảnh ấy.
Khi buổi lễ tan, mọi người vội ùa ra ngoài để gặp con em mình, các học sinh còn mặc nguyên màu áo tốt nghiệp rối rít bên người thân, để nhận những lời chúc mừng và chụp hình làm kỷ niệm.
Thằng Chester Phương Nguyễn hết chụp hình với mẹ, với Bố, lại chụp với thằng nhóc tì Ben. Mọi ngày thằng Ben hay cãi cọ và “ăn hiếp” anh nó, cái gì Chester cũng phải nhường, phải chịu thua thằng em đanh đá. Vậy mà tối nay, thằng Ben đã nhìn anh bằng ánh mắt kính nể và thân ái. Nó trịnh trọng sờ vào tấm áo rộng của anh, và hỏi mượn cái mũ để đội thử, chắc nó đang mơ 6 năm sau sẽ đến lượt nó đội cái mũ này, cũng ra trường hạng cao như anh của nó? Chưa hết, Ben còn đòi anh cho xem cái bằng tốt nghiệp anh vừa lãnh, mở ra không thấy gì, nó mở to mắt ngạc nhiên, Chester phải giải thích cho Ben biết rằng văn bằng thực sự sẽ có sau, đây chỉ là tượng trưng trong ngày lễ mà thôi.
Chụp hình vừa xong, thì các bạn của Chester kéo đến để chúc mừng nhau, này thằng Reese đậu thủ khoa, nguyện vọng sẽ học ngành Bác sĩ Thú Y, thằng Thomas sẽ đi vào Quân Đội, thằng Justin sẽ đi làm…Chị ngạc nhiên khi nghe con giới thiệu từng đứa bạn một, chị cứ tưởng rằng sau ngày lễ ra trường này, thì tất cả học sinh, những đứa vừa hớn hở nhận văn bằng tốt nghiệp trên khán đài lúc nãy sẽ bước vào Đại Học như con chị, nhưng không ngờ mỗi người đi một ngả, một ước muốn khác nhau.Chester nói với bố mẹ:
– Người ta thăm dò ý kiến những học sinh ra trường năm nay, thì trường Sam Houston của bọn con chỉ có 50% là tiếp tục lên College mà thôi.
Chị thấy “tội nghiệp” cho thằng nhỏ đậu Thủ Khoa quá! Học giỏi vậy, sao không mơ làm Bác Sĩ khám bịnh cho người, vừa danh vọng vừa kiếm nhiều tiền, mà học chi Bác Sĩ Thú Y, chăm sóc chó mèo, heo gà, vớ vẩn? Còn thằng kia, ai bắt bớ, cưỡng ép đâu mà đi vào quân đội, nằm gai nếm mật vất vả, cực khổ vào thân? Chiến tranh ở Iraq, Afghanistan đang hàng ngày máu đổ đầu rơi đó, không tởn sao? Và thằng nọ, đòi đi làm, sao không ráng gồng mình học thêm mấy năm Đại Học, để rồi cũng đi làm, mà có bằng cấp Đại Học, le lói hơn?
Chị than phiền:
– Anh ơi, em thấy mà tiếc giùm cho tụi nó, đi học mấy nghề trời ơi đất hỡi không à.
Anh không đồng ý với chị:
– Quan niệm như em thì xã hội này chỉ toàn Bác sĩ, không có ai trong các ngành nghề khác, xã hội sẽ tê liệt, không còn sự sống. Người ta hạnh phúc khi được đi theo ngành nghề đúng sở thích của mình.Cha mẹ nên tôn trọng quyết định của con, sau khi đã góp ý với nó.
– Bởi thế, nên mới có những đứa chơi ngông, như con bác Tư đó, tốt nghiệp Trung Học xong, không thèm học trường nào ở Mỹ, mà sang du học mãi bên Pháp, làm bố mẹ nó phải vất vả gởi tiền cho thằng con ăn học nơi xứ người, và thỉnh thoảng còn phải khăn gói sang Pháp thăm con nữa chứ. Người ta mong được sang Mỹ học, còn nó ở Mỹ, lại sang Pháp học. Tôn trọng quyết định của con kiểu này thì em không ham.
Chester nói chuyện với đám bạn một lát thì xin phép bố mẹ để đi chơi với bạn bè đêm nay. Bây giờ là 11 giờ đêm rồi, chị ái ngại, nhưng không muốn làm dang dở cuộc vui của con, đành gật đầu và dặn dò:
– Đường mới mưa còn trơn ướt. Con lái xe cẩn thận nhé!
– Con nghe lời mẹ,cám ơn mẹ.
Thằng Ben âu yếm nói với anh:
– Chúc anh đi chơi vui vẻ.
Khi Chester ra xe, Ben còn nói với theo:
– Chester! Em hứa là từ đây, em sẽ không bao giờ ăn hiếp anh nữa đâu!
Gia đình chị lên xe, trở về nhà, nhìn quanh bãi đậu xe vắng lặng, giờ chỉ còn hơn chục cái xe, những người còn ở lại muộn màng, còn tiếc niềm vui như gia đình chị. Hàng ngàn người khác đã ra về với con em của họ, những đứa vừa mới đây trên khán đài đã tung mũ tốt nghiệp lên cao, thảnh thơi sau 12 năm với trường lớp, với phấn bảng, sách vở, và bao nhiêu buồn vui đời học trò.
Ánh đèn điện màu trắng trên cao chiếu xuống bãi parking rộng, vắng, còn đẫm ướt nước mưa thành những màu sáng loang loáng. Nhưng ngày mai trời lại có nắng, ngày mai những cánh chim non trẻ sẽ tung bay đi khắp nẻo đời.
Anh lái xe về nhà trong nỗi suy tư của chị:
– Sao trông em trầm ngâm thế? Chester đi chơi với bạn, lát nữa lại về thôi mà.
– Em đang nghĩ tới sau 3 tháng Hè kìa, nó lên Austin học, mà buồn đứt ruột!
Anh đùa:
– Từ Arlington tới Austin có 4 tiếng lái xe, gần hơn con bác Tư ở bên Pháp nhiều. Em lo buồn làm gì!
– Nhưng cũng là xa khỏi tầm tay em rồi. Khổ thân nó! Ai nấu cơm, nấu phở, làm bánh, nấu chè cho nó ăn? Ai sẽ giặt quần áo, sẽ xếp giày, xếp vớ cho nó ngay ngắn mỗi khi đi học về?
– Thì đây là lúc nó đang tập trưởng thành, không thể mãi mãi là một đứa trẻ cần sự chăm sóc của cha mẹ nữa. Rồi nó học xong Đại Học, sẽ tìm việc làm, có người yêu hay có vợ. Lúc đó em còn giữ được thằng Chester trong vòng tay của em nữa không?
Chị nghe anh nói mà thấm thía, rưng rưng vui buồn lẫn lộn. Con chị là cánh chim sẽ bay cao vào bầu trời, mà vợ chồng chị, dù mặn nồng, âu yếm, vẫn chỉ là cái tổ ấm đã cũ, đã chật, sẽ chỉ còn là kỷ niệm trong đời nó mà thôi.