main billboard

Ai đi làm đến tuổi già chẳng muốn về hưu vui hưởng cảnh an nhàn, tôi cũng thế, nhưng bây giờ tôi đổi ý định rồi...

hoa cam chuong
Vợ chồng chị Bông đến nhà chị Phú chơi nhân dịp họ dọn vào nhà mới, họ bán căn nhà cũ to rộng hơn 3,000 sqf. để mua căn nhà mới 1,800 Sqf. với 3 phòng ngủ gọn gàng vừa đủ cho hai vợ chồng vì các con đã trưởng thành và ở nơi khác.

Chị Phú hớn hở khi mở cửa cho bạn:

– Mời mãi mà hôm nay anh chị mới đến, ở cùng thành phố chứ cách trở núi non gì….

Trong khi anh Phú tiếp chuyện anh Bông thì chị Phú đưa chị Bông đi xem nhà, nhà Texas rẻ nên nhiều người Việt có điều kiện đều trả tiền mặt và mua nhà mới dễ dàng. Anh chị Phú cũng thế, căn nhà của builder D-R- Horton xây kiểu cọ khá sang và đẹp giá chỉ khoảng 100 đồng mỗi Sqf..

– Đây là phòng ngủ… của ông Phú.

Thì ra vợ chồng nhà này ngủ riêng. Chị Bông nghĩ thầm trong khi chị Phú tiếp nửa đùa nửa thật:

– Bàn computer là thế giới riêng của ông ấy, nếu tôi mà bước vào đây khi ông ấy đang ngồi computer thì tôi…là nhân vật thứ ba thừa đấy chị. Trong ánh mắt khó chịu của ông Phú như nói rằng: “Bà chẳng nghĩa lý gì trong lúc này”.

Sang phòng bên chị Phú hớn hở tiếp:

– Và đây là phòng ngủ của tôi, tôi muốn xem ti vi đến bất cứ giờ nào, tôi muốn treo hình ảnh, bày biện gì thì tha hồ, không làm… chướng tai gai mắt ông ấy. Bởi thế vợ chồng già ngủ riêng giường, riêng phòng là sung sướng nhất.

Hai gia đình quá thân nhau nên chị Bông không ngại ngần nói:

– Thế mà hai ông bà ra ngoài vẫn sánh đôi chung bóng tưởng như nữa bước không rời nhau cơ đấy

– Thì ai chẳng cần bề ngoài, đi chợ, đi nhà thờ hay đi bất cứ đâu đều chung đôi đã đành mà… đến chết vẫn chung đôi luôn.

Chị Bông hết hồn và ngạc nhiên:

– Sao? Hai ông bà định… chết chung một ngày à?

Chị Phú bật cười:

– Có vợ chồng già nào còn lụy tình nhau đến cuối đời thế chứ? Nghĩa trang “Mây trời xanh” trong thành phố này đang quảng cáo bán những phần đất giá rẻ, thế là hai vợ chồng mình bèn đến xem và mua ngay 2 mộ phần song song nằm cạnh nhau, đã xây bia mộ hình ảnh sẵn sàng rồi, ai chết trước thì vào nằm trước và ghi thêm ngày từ trần vào bia mộ đợi người đến sau. Thế là sớm muộn gì vợ chồng cũng chung đôi trong giấc ngủ cuối cùng. Trông vừa đẹp tình đẹp ý với cuộc đời vừa thuận tiện cho con cháu đến thăm viếng đặt hoa thắp nhang.

Chị Bông tấm tắc khen:

– Anh chị tính toán chu đáo và tuyệt vời quá.

Chị Phú thản nhiên:

– Vợ chồng chị và vợ chồng tôi là chỗ quen biết nhau thân nên chẳng có gì phải che giấu, vợ chồng tôi xung khắc cãi nhau như cơm bữa, nhưng ở đời người ta vẫn phải sống như một vở kịch, được cái là cả ông Phú và tôi đều giống nhau ở chỗ cần bề ngoài, thích bề ngoài, nhìn vào ai chẳng thấy chúng tôi là cặp vợ chồng già lý tưởng…

– Nhưng anh chị cũng có cùng sở thích, phòng ngủ riêng của mỗi người đều có một smart ti vi hiệu Samsung 28 inches.

Chị Phú kêu lên:

– Là bất đồng lớn đấy chứ sở thích gì, hai vợ chồng xem chung ti vi ngoài phòng khách thế nào cũng cãi nhau dù bất cứ đề tài gì, nên quyết định mua mỗi người một cái trong phòng ngủ ai về phòng nấy mà xem, còn ti vi ngoài phòng khách nếu xem chung thì cấm ai được phát biểu ý kiến là yên chuyện. Giao kèo hẳn hòi…

– Vậy là nhà có 2 vợ chồng mà 3 cái ti vi. Hãng Samsung trúng mối nhờ những cặp vợ chồng bất đồng đấy chị!

Chị Phú kể:

– Tôi quen vợ chồng người bạn, cũng bề ngoài chung đôi như vợ chồng tôi. Chị ấy đã qua đời và an táng trong nghĩa trang “Mây trời xanh”. Hai năm sau người chồng ốm đau thập tử nhất sinh, khi chưa vào hôn mê ông ấy cố gắng lấy sức tỉnh táo ngắn ngủi cuối cùng để dặn dò các con rằng: “Các con muốn hoả táng hay chôn cất bố kiểu nào cũng được nhưng tuyệt đối đừng cho bố nằm cạnh mẹ con. Bao nhiêu năm chung đôi với bà ấy rồi, lúc lìa đời hãy… trả tự do cho bố…”

Chị Bông cười:

– Chắc các con phải an táng ông bố trong một nghĩa trang khác, chứ cùng nghĩa trang “Mây trời xanh” bà vợ lại lò mò ra thăm ông ấy và trách mắng sao chúng mình không chung đôi? Rồi hai hồn ma lại… cãi nhau làm phiền những hồn ma khác.

– Lúc nào riêng tư được thì cứ riêng tư chị Bông ạ. Tôi với ông Phú lúc trước đi bộ thể dục quanh khu phố nhà mình, nói chuyện một lúc thể nào cãi nhau, thế là tôi bèn nghĩ cách đi thể dục một mình với lý do chính đáng không ai hiểu được là tôi né ông chồng. Tôi bắt chước mấy bà bạn già chuyên đi bộ trong mall, cái mall gần nhà tôi lái xe 10 phút là đến, chân đi giày bẹt như khi ta đi ra phi trường vậy đó, tha hồ thoải mái đi dạo trong mall, lên tầng xuống tầng bằng thang bộ, mùa hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp, vừa đi vừa ngắm đủ loại quần áo và hàng hóa quên cả giờ về. Khỏe người, có khi lại mua được món hàng giá rẻ.

À, tôi còn tha hồ mặc thử các loại quần áo và ngắm nghía mình trong gương cho…qua cơn ghiền shopping chứ tiền đâu mà mua hết những gì mình thích.

Chị Bông thán phục và hí hửng:

– Thì ra thế, người ta cứ tưởng chị vào mall mua sắm, cái điều mà chẳng ông nào thích “chung đôi” với vợ nơi chốn này. Hèn gì đi mall ngày thường tôi thấy nhiều…bà già ghê, cứ tưởng họ về hưu buồn chán nên đi shopping cho vui. Hẹn chị Phú một ngày nào đó chúng mình sẽ gặp nhau trong mall và đi bộ vài giờ liền chị nhé.

Chị Phú cao hứng kể thêm:

– Vợ chồng tôi khác nhau cả những điều nhỏ nhặt, ở thành phố này có 3 hàng B.B.Q. bán vịt quay gần nhà, nhưng sở thích chúng tôi cũng… không đụng hàng, ông Phú thích ăn vịt của tiệm A. còn tôi thì thích vịt tiệm B, ai cũng cho là vịt quay của tiệm mình chọn là ngon, là nhất. Mỗi lần nhà cần ăn món vịt quay là hai vợ chồng lại tranh cãi, sau cùng tôi phải…tôi phải…

Chị Bông tranh lời và đoán già, đoán non:

– Chị phải mua vịt quay tiệm thứ ba là huề cả đôi bên chứ gì? Hay là chị chiều chồng, nhịn chồng đi mua vịt quay tiệm A.cho anh vừa lòng?

Chị Phú nở nụ cười mỉm, nụ cười bí ẩn như nàng Mona Lisa trong tranh:

– Không, tôi vẫn mua vịt quay tại cửa hàng B. tôi yêu thích đấy chứ.

Trong khi chị Bông đang ngơ ngác ngạc nhiên thì chị Phú bèn giải thích:

– Nhưng tôi tỉnh bơ nói với ông Phú là tôi mua vịt của tiệm A., ông ấy ăn và khen ngon nức nở đúng gu của ông ấy. Nói dối mà vui vẻ cửa nhà chắc trời Phật cũng thông cảm phải không chị Bông?

Chị Phú kết luận:

– Chị Bông ơi, sở dĩ vợ chồng về già “xung khắc” vì ai cũng trở nên chướng. Coi như “hoa Cẩm Chướng” nở trong nhà quanh năm. Ngày xưa tôi yêu hoa Cẩm Chướng lắm, bây giờ thì không, cứ nghe đến tên hoa Cẩm Chướng là… hình ảnh ông Phú lù lù hiện ra.

– Ôi, hoa Cẩm Chướng đẹp thế mà lại là hình ảnh của các vợ chồng già trái tính trái nết, tội nghiệp cho hoa quá…

Hai bà xem nhà và nói chuyện xong cùng ra ngoài phòng khách nói chuyện chung với hai ông. Chiếc Smart Tivi Samsung 50 mấy inches được mở lên đang có cảnh đẹp ở một đất nước nào đó, anh Bông rồi đến chị Bông vừa nói chuyện vừa khen cảnh trong phim trong khi hai vợ chồng anh Phú chỉ nói chuyện, tuyệt nhiên không ý kiến gì với cảnh trong ti vi.

Chị Bông hiểu là bản hợp đồng của vợ chồng chị Phú đã được tôn trọng.

Khi anh chị Bông đứng dậy cáo từ hai vợ chồng anh Phú, hai… đóa hoa Cẩm Chướng của đời nhau cùng tươi tắn, cùng sánh đôi ra tận cửa tiễn bạn và ríu rít như chim hót:

– Hôm nay anh chị đến chúng tôi bất ngờ mà vui quá.

– Hôm nào anh chị rảnh đến ăn với chúng tôi một bữa cơm tối nhé. Chúng tôi cùng mong đợi đấy.

Anh Bông có vẻ ngạc nhiên trước sự hòa hợp của vợ chồng chị Phú. Còn chị Bông thì bỗng… nghi ngờ tất cả những cặp vợ chồng già từng khoe là trên thuận dưới hòa và hạnh phúc bên nhau suốt cuộc hành trình dài cuộc hôn nhân của họ…

***

Buổi chiều ở nhà, chị Bông mở ti vi lại thấy quảng cáo của nghĩa trang “Mây trời xanh”, quang cảnh thanh tịnh mát mẻ đúng là nơi yên nghỉ ngàn thu, chị Bông hối hả gọi chồng:

– Anh Bông ơi, anh có thích cái này không?

Anh Bông từ trong phòng trong vọng ra:

– Bà thích gì thì cứ việc xem đừng réo tên tôi. Bà biết rồi mà những gì bà thích là tôi không thích.

– Nhanh lên, cái này phải có anh cùng quyết định.

Anh Bông tò mò đi nhanh ra ngoài còn kịp thấy cảnh những ngôi mộ trong nghĩa trang và lời quảng cáo vừa lập lại, anh khó chịu:

– Bà bảo tôi xem cái này để quyết định cái gì? Nhà mình đang yên đang lành lại bàn chuyện nhà quàn nghĩa địa là sao? Bà dở hơi từ lúc nào thế?

Chị Bông giật mình, chẳng lẽ dưới mắt anh Bông chị đang là kẻ dở hơi, là “đóa hoa Cẩm Chướng” vô duyên?

– Dĩ nhiên là không phải bây giờ. Mua mộ phần cho…tương lai anh và em.

Anh Bông bắt bẻ:

– Lại càng dở hơi. Chữ “Tương lai” dùng cho cảnh đời hy vọng tươi sáng phía trước nghe hào hứng hơn là đem dùng cho một ngày buồn tang tóc chẳng ai đợi ai mong.…

– Vậy thì em sửa lại đây, cho ngày sau chúng ta lìa đời. Hai mộ phần song song bên nhau thì được bớt 20% mà nếu trả tiền mặt từ bây giờ thì bớt đến 50%.

– Bà đến chết vẫn còn tính toán đắt rẻ như đi chợ. Tôi biết rồi bà muốn mua chỉ vì ham rẻ, cũng như khi đi shopping bà mua cả món đồ không thích nhưng vì giá rẻ. Nhưng xưa nay tôi và bà có mấy khi hợp nhau đâu, chung đôi làm gì hả?

– Biết rồi, nhưng lúc ấy mình chết ngắc, chung đôi hay riêng lẻ cũng thế thôi. Trước mắt là tiết kiệm được tiền, mình lo trước thì con cái đỡ phải lo.

Anh Bông cương quyết:

– Không, tôi và bà đã từng khác nhau trong ý nghĩ cho viễn cảnh này, tôi muốn được an táng trong nghĩa trang và có người hương khói, còn bà muốn hỏa táng và tung tro bụi ra gió ra biển cho một kiếp người tản mạn bay đi khắp thế gian và trôi đi khắp những biển rộng sông dài.

Chị Bông thở dài:

– Ừ nhỉ, trong lúc cao hứng nghe quảng cáo và nhất là lúc nãy nghe chuyện chị Phú nên em bất chợt nói thế thôi. Đến chết anh và em cũng không cùng suy nghĩ mà, mỗi người thích yên nghỉ một kiểu…

Giọng chị Bông bỗng như một nốt nhạc trầm:

– Anh này…

– Sao bà cứ lải nhải mãi? Bà muốn gì?

Chị Bông trách:

– Ngày xưa quen em, anh đến nhà em chỉ mong được nói chuyện cùng em. Bây giờ em muốn nói anh chẳng muốn nghe.

– Mấy chục năm nay rồi bà ơi, vật đổi sao dời nữa là hai người trần gian chúng ta, bà muốn gì thì nói ngay đi, tôi không có thì giờ nghe bà nũng nịu…

– Tự nhiên em buồn, em chỉ muốn chia sẻ cảm xúc là đời người thường có hai chuyến xe hoa, chuyến đầu là hoa cưới vui vẻ bên nhau, chuyến sau là hoa tang buồn bã, là chia lìa nhau. Thế thôi.

Anh Bông gạt phăng:

– Sự đời nó thế, ai cũng thế, hơi đâu mà bà cảm xúc dư thừa vớ vẩn…

Chị Bông đành chịu thua chồng…

***

Hôm anh Sơn bạn cùng hãng anh Bông đến chơi nhà, chị Bông cùng chồng tiếp chuyện bạn, hỏi thăm anh chuyện sắp về hưu thì anh Sơn tâm sự:

– Ai đi làm đến tuổi già chẳng muốn về hưu vui hưởng cảnh an nhàn, tôi cũng thế, nhưng bây giờ tôi đổi ý định rồi, thà đi làm có mệt mỏi còn hơn là về hưu vợ ở nhà chồng ở nhà mỗi ngày 24 tiếng có nhau, ra vào chạm mặt nhau không… ly dị sớm cũng… chết sớm.

Chị Bông giả bộ ngây thơ:

– Sao vậy anh Sơn? Ngày xưa thuở đang yêu, các anh chẳng từng mong muốn được gặp nàng, được nhìn thấy mặt nàng là đã sung sướng biết bao.

– Nhưng chị ơi, nàng bây giờ là bà già khó tính nói dai nói nhiều. Hai vợ chồng cãi nhau căng thẳng thần kinh lắm, không ly dị thì cũng chết sớm chứ còn gì nữa.

Chẳng lẽ anh Sơn nói đúng? Chẳng lẽ “hoa Cẩm Chướng” nở khắp mọi nhà của những đôi vợ chồng ở ngưỡng cửa tuổi già?

Về già ai cũng thay tính đổi nết, các ông cũng chẳng vừa, nói chi các bà.

Những cặp vợ chồng đã đi với nhau suốt quãng đường dài, từ thuở tinh khôi mới lấy nhau đến lúc con đàn cháu đống, nhìn mặt nhau bao nhiêu năm, thấy những thực tế đời thường của nhau bao nhiêu ngày tháng chán chường nhau đã đành. Có những cặp giữa đường gặp gỡ, anh ly dị, chị thôi chồng tưởng đôi ta bỗng tìm được một nửa mong ước đời nhau, cùng nhau đi nốt quãng đường còn lại, thời gian đầu cả hai đều lịch sự nhã nhặn như một cặp lý tưởng trong phim truyện, trong tiểu thuyết, cả hai đều sống như người trong mộng của nhau, nhưng một thời gian sau đã quen mặt, quen người thì họ lại hiện ra đúng cái tôi đời thường của họ, chàng và nàng cũng biết nói dối, nói ngang như cua bò, cũng… “hoa Cẩm Chướng” như ai, và thế là “hoa Cẩm Chướng” lại nở trong nhà, lại nở quanh năm…

Họ chướng tai gai mắt nhau, bất đồng nhau có khi còn nhiều hơn người chồng cũ, người vợ cũ mà họ đã chia tay.

Và có những cố nhân thương hoài ngàn năm của thời xuân xanh ai đó biết đâu cố nhân ấy đang là người chồng, người vợ dở hơi chán mớ đời, đang là “hoa Cẩm Chướng” không trồng mà mọc trong nhà của kẻ khác.

Cầu cho kiếp sau họ không gặp lại cố nhân.

Cầu cho kiếp sau những lời hẹn thề chung đôi không thành sự thật, để họ sẽ mãi là cố nhân của nhau, cho cuộc sống trần trụi đời thường có chỗ thăng hoa niềm mộng mơ lãng mạn, cho ân tình không trọn vẹn sẽ đẹp mãi đến ngàn sau.

Chị Bông lại lên tiếng với anh Bông:

– Em chợt nhớ ra bài báo mới đọc trên net hôm qua làm em chạnh lòng.

– Bà lại thương vay khóc mướn gì thế?

– Lần này em không dở hơi đâu, em thương và khóc cho mình đó anh. Bài báo nói về nỗi cô đơn của người già trong nursing home. Em sợ cô đơn và sợ… ma nữa, không dám ở trong nursing home một mình…

Chị Bông nài nỉ:

– Bất cứ ông già bà cả nào dù có nhà riêng, có tiền của trong tay cũng không thể tự chăm sóc bản thân mình khi già, khi bệnh, con cháu thì có cuộc sống riêng và bận rộn riêng của chúng nó, nên nursing home là mái nhà sau cùng cho tuổi già khi ta sức tàn lực cạn. Về già, vợ chồng mình cùng vào nursing home anh nhé, hai vợ chồng sẽ ở chung một phòng…

– Trời… tới lúc ấy bà cũng… chưa buông tha tôi hả?…hả?…

Chị Bông vội vàng xuống giọng:

– Em hứa sẽ thay đổi tính nết, không… ngang tàng như bây giờ. Em sẽ không đòi để đèn sáng khi đi ngủ vì sợ ma làm cho anh chói mắt bực mình và trằn trọc cả đêm, em sẽ không mở nhạc tình cảm êm dịu để ru em ngủ, nhưng lại làm anh điếc tai và mất ngủ, em sẽ không…

Anh Bông có vẻ thương cảm ngần ngừ:

– Thôi đủ rồi… để tới lúc đó hãy tính, với lại bà đã già khú đế, đã lú lẫn thì biết gì đèn sáng hay đèn tắt, biết gì nhạc tình cảm du dương nữa chứ…

Chị Bông hỏi tiếp:

– Thế còn chuyện… về bên kia thế giới anh có chịu nằm cạnh em không?

– Nhất định là không…

– Vậy em sẽ không đặt mua hai lô mộ phần giá rẻ, phải không?

– Nhất định là không.

Chị Bông khẽ thở dài, không vì trách chồng từ chối chung đôi nơi suối vàng mà vì… tiếc món hàng rẻ không được mua.

Chị an ủi là biết đâu sau này anh Bông sẽ cùng chị vào ở nursing home cho đỡ tủi cái thân già.

Chị ra ghế sofa ngồi, chẳng biết làm gì chị liền lấy tờ báo Việt ngữ nằm chơ vơ trên bàn ra đọc.

Một mục cảm tạ cáo phó đập ngay vào mắt chị Bông: “Gia đình chúng tôi xin cảm tạ các chú bác họ hàng, các bạn hữu đã tiễn đưa linh cửu mẹ chúng tôi là bà quả phụ Nguyễn thị Hoa Hòe đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang…”

Như vậy là người chồng đã mãn phần rồi, bây giờ đến lượt bà vợ.

Chị bỗng bâng khuâng và tò mò tự hỏi không biết bà Nguyễn Thị Hoa Hòe có từng là “hoa Cẩm Chướng” trong nhà không? Và ông chồng có là “hoa Cẩm Chướng” của đời bà không? Hai vợ chồng nhà này có bất đồng nhau không?

Mỗi người sẽ yên nghỉ một cách hay họ vẫn kiên nhẫn nằm song song chung đôi hai mộ phần cho đẹp mặt với thiên hạ và vừa lòng con cháu?