main billboard

Tôi đã mở mắt chào đời, nhưng không hạnh phúc được cuộc đời chào đón lại như số mạng của bao nhiêu con người khác...

nguoi vo toiTôi đã mở mắt chào đời, nhưng không hạnh phúc được cuộc đời chào đón lại như số mạng của bao nhiêu con người khác. Nào là sanh khó, không khóc, nhẹ cân làm cho bà mụ phải cố gắng vất vả lắm mới được thở phào nhẹ nhõm, để báo tin mừng là mẹ tròn con vuông. Cùng với nụ cười mãn nguyện của mẹ tôi, thì bà cũng là người rất vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi tôi bắt đầu cất lên tiếng khóc ra đời.

Số mạng khởi đầu của tôi là như vậy. Tuy nhiên, nhiều lần tôi tự hỏi tại sao từ bấy lâu nay không ai có thể chỉ cho tôi biết mặt mẹ (cha tôi bị bệnh mất sớm trong lúc mẹ tôi đang mang thai), mà lại đã hiểu rõ được hoàn cảnh tuổi thơ của tôi, thì không ai muốn trả lời vì có thể họ còn muốn giấu giếm tôi một điều gì bí mật. Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm nhưng tôi cũng không tin là mẹ tôi đã qua đời. Cho đến khi tôi lớn khôn hơn một chút, thì dì tôi mới nói rõ là mẹ tôi từ lâu đã bị mất tích vì là nạn nhân của chế độ diệt chủng ở nước láng giềng, kèm theo sự a tòng xúi giục của ngoại bang ngang nhiên xua quân tàn sát hàng ngàn người vô tội ở dài theo biên giới miền Tây.

Tôi cần nói rõ thêm, là trước đó thì cha mẹ tôi và cả tôi vốn là những thành phần Việt-kiều sinh trưởng ở tại nước láng giềng rồi chạy giặc cho nên mới trở về quê hương, và định cư ở quanh vùng biên giới như bao nhiêu nạn kiều khác vào lúc bấy giờ.

Hèn chi! Tôi thường thấy dì tôi thắp nhang vái lạy khấn nguyện điều gì mỗi khi tôi bị ốm đau, hay nhiều khi mắng yêu rồi cười nói phải chi mẹ tôi có mặt ở đây thì bả sẽ trả cái con nầy lại cho...


Gia đình tôi vỏn vẹn chỉ có hai người, và dì tôi thương yêu tôi như con ruột. Chúng tôi là những nạn kiều chạy trốn chế độ dịêt chủng, và may mắn còn trốn thêm được một cuộc thảm sát vô cùng tàn bạo, cho nên còn sống sót cho tới bây giờ. Tuổi thơ của tôi là được dịp sống gần gũi với cộng đồng người tị nạn diệt chủng, được tập trung rải rác trên khu vực ven con lộ cách không xa cây cầu biên giới. Rồi theo thứ tự thời gian của năm nầy tháng nọ, các bà con trong xóm lần lượt bỏ đi xa hơn để làm ăn, cho nên kể như lần mất liên lạc lẫn nhau. Riêng về phần tôi, mặc dù chưa tới tuổi lao động, nhưng tôi cũng đã đi làm việc lặt vặt từ lâu để phụ giúp dì tôi cùng sống qua ngày. Mỗi tối về, hai dì cháu thường đem truyện, thơ ra đọc rồi bàn chuyện cho đỡ buồn trước khi đi ngủ. Thời gian tuy lặng lẽ trôi qua như vậy, nhưng có thể nói đó là lúc hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi.

Dì tôi hôm nay không còn nữa!

Dì đã vĩnh biệt con ra đi trong khi con còn quá nhỏ chưa đủ sức làm việc kiếm tiền để nuôi lại dì, để trả ơn công lao dưỡng dục của dì đã yêu thương cưu mang tấm thân con từ thuở bé. Dì tôi chết vì tại nạn giao thông cách nay đã ba năm. Tại hiện trường lúc đó, khách đi đường đã còn tìm thấy thêm một cái bánh trung thu mà dì thường hay mua về, để cúng vái hưong hồn của cha mẹ tôi như thông lệ mỗi khi có dịp. Và cũng do từ biến cố gia đình tang thương đó, mà cuộc sống bản thân tôi đã phải bị xáo trộn rất nhiều.

Sau đó, giống như trường hợp của bà con hàng xóm, tôi đành phải chẳng đặng đừng để lìa quê, để đi xa tìm việc sinh nhai với ước mong sao cho có cơ hội tốt hơn hầu cải thiện được cuộc sống bấy lâu nơi đồng ruộng. Thời gian đầu tiên ở chốn thành phố đèn hoa, xe cộ nhộn nhịp, tôi đã phải mất khá nhiều thì giờ để tập làm quen với lối sinh hoạt văn minh có sức lôi cuốn kỳ diệu về tâm lý của con người. Nhờ ở trọ được trong nhà của một gia đình bà con nạn kiều cũng như tôi, cho nên tôi cũng cảm thấy thoải mái được phần nào. Tuy nhiên, vì lo ngại sự chung chạ lâu ngày thì cũng khó mà có thể tránh được mọi điều bất ngờ nào đó có thể xảy ra, mà làm mất lòng tốt lẫn nhau. Do vậy, cho nên tôi mới tự tìm cách mướn phòng trọ để ở chung với một người bạn gái lớn hơn tôi gần hai tuổi.

Chị là người gốc ở thành thị, cho nên chị hiểu biết hơn tôi rất nhiều. Có thể nói, sau hình ảnh của dì tôi thì chị là người được tôi coi như là điểm tựa tinh thần để tâm sự thân thiết. Trong căn phòng nhỏ tiện nghi đủ để cho hai người ở, nhưng thực ra phải nói đúng là hai người rưởi, vì chị đang có bầu với cái bào thai thành hình trông vào là thấy ngay. Chị làm nghề uốn tóc trong một thẩm mỹ viện, ngay trung tâm thành phố. Tấm bảng hiệu quảng cáo đề thẩm mỹ viện treo trên mái nhà đó, thực ra, chỉ là một hình thức thông thường để gợi sự chú ý của khách hàng. Vì ngoài cái việc uốn tóc ra, thì tiệm không có làm gì khác hơn để chăm sóc về nhan sắc cho phái nữ cả. Và cũng vì nhờ chị vững tay nghề, cho nên có nhiều khách hàng tin cậy thường tìm đến căn phòng trọ nầy, để nhờ chị uốn tóc với giá rẻ hơn. Chính vì thế, mà chị có rất nhiều dịp để làm quen với các thân chủ và lần trở thành bạn bè giao du chuyện trò.

Trước thời gian ở chung với chị, tôi làm đủ mọi nghề vất vả để kiếm sống và khi nào có thư thả thì giờ thì tôi đi chùa cầu nguyện cho dì tôi. Đồng thời, tôi cũng ước ao có ngày tốt phước gặp lại mẹ mình, như những câu chuyện thật là hi hữu, cảm động lạ lùng không thể tin nhưng có thật ở trên đời, giống y trang như trong chương trình phát sóng "Như chưa hề có cuộc chia ly" từng trình chiếu vào mỗi cuối tuần.

Tôi nghĩ như thế là vì không phải còn tin vào phép lạ, nhưng vì đúng theo ý nghĩa thực tế thì mẹ tôi chỉ vắng mặt, mất tích mà thôi. Hơn thế nữa, chưa bao giờ tôi tìm thấy tờ giấy khai tử của mẹ tôi giống y như trường hợp của mọi người.

Nghề làm công gần nhất của tôi sau nầy, là nghề pha chế. Tôi dùng tiếng pha chế, là vì muốn nâng cấp cho nó có vẻ kiêu sang lên một tí cho vui. Chứ thực ra, mọi động thái quen thuộc của tôi trong cái không gian bé nhỏ hằng ngày là phụ người ta nấu rượu. Nấu rượu xong rồi, thì họ giao cho tôi có bổn phận là phải sắp thành những hàng chai. Kế tiếp, thì dùng một cái ly có dung lượng nhỏ mà đổ cồn vào. Xong rồi, thì đổ mỗi ly chứa cồn vào một chai rượu đế, lắc đều, rối đóng nút lại là hoàn thành công việc. Thoạt đầu, tôi cứ tưởng cái ly nhỏ chứa nước đó giống như đồ gia vị khi làm bếp bắt buộc phải có, để thêm vào thì mới thơm ngon. Nhưng sau vài ngày ngửi mùi, thì tôi mới biết rõ đó là loại cồn kỹ nghệ uống vào sẽ gây nguy hại cực kỳ cho sức khỏe.

Thật tôi không ngờ, mình đang vô tình sinh sống bằng một phương tiện nghề nghiệp quá ư khiếp đảm như vậy! Trước đây, nguyên nhân chính làm cho tôi phải bỏ quê ra thành tìm việc làm sinh sống, cũng vì gặp phải trường hợp giống y trang như vậy. Lúc đó, làm mướn ở miệt vườn quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ có mấy việc như gặt lúa, hái trái cây, tạp dịch ăn công, làm khoán v.v tính đi tính lại cũng chẳng có bao nhiêu loại. Nhưng làm lung tung việc lâu ngày như vậy, thì cũng chán lắm mà biết làm sao bây giờ. Lần cuối cùng, tôi nhận làm khoán cho một gia đình trồng bắp. Có nghĩa là, từ lúc đi gieo hột cho tới khi hái xong vụ mùa thì mới được trả tiền công. Trong thời gian chờ hái bắp, tôi còn phải nhổ cỏ, làm giồng trồng khoai lang, củ mì để cho gia chủ có thêm thu hoạch. Sau cùng, độ chừng hơn ba mươi ngày trước khi hái bắp, thì phải pha thuốc trừ sâu xịch vào trái bắp. Thể theo lời chỉ dẫn quan trọng trong toa thuốc, thì sau khi xịch thuốc trừ sâu nầy thì phải để trong vòng một tháng hơn mới được hái bắp. Vì nếu nhà trồng trĩa muốn hái sớm hơn, thì trái bắp sẽ không có đủ thời gian cần thiết bắt buộc, để loại thải ra hết được những độc tố làm phương hại trực tiếp đến sức khỏe cho ngưòi tiêu thụ. Tuy nhiên, ngặt có một điều là nếu phải chờ cho đến một tháng mới hái, thì sau khi hái xuống trái bắp sẽ bị héo rất nhanh hơn là hái nó sớm hơn. Do vậy, mà người ta thường hái nó sau khoảng hai tuần khi bắt đầu xịch thuốc.

Giờ đây, mỗi khi ngồi nghĩ lại những việc mình làm để kiếm cơm qua ngày thì tôi thật vô cùng ớn lạnh, ngán ngẫm. Và cũng vì thế, mà tôi quyết định chuyển sang qua đi học thí công nghề uốn tóc. Nguời bạn cũng là ngưòi thầy của tôi không ai khác hơn là bà chị đang ở cùng nhà. Chị làm có tiền nhiều hơn tôi, mặc dù ở chung nhưng đôi khi chị cũng còn chàn tiền bạc cho tôi về nhiều việc phí tổn ở trong nhà. Đáp lại, tôi làm đủ mọi thứ từ vệ sinh lau chùi nhà cửa, giặt gỵa, bếp núc, đi chợ v.v. Trong những ngày đầu tiên đi chợ, tôi thường bị mất khá nhiều thì giờ để la cà nơi các quầy hàng tạp hóa bị chị cằn nhằn hoài nhưng tôi vẫn chưa bỏ tật. Thay vì bỏ hẳn tật xấu đó, thì tôi rút ngắn nó lại bằng cách dòm qua liếc lại nơi các gian hàng thịt cá trước khi ra về. Rồi một hôm đi chợ chiều cố tình mua thịt.


Khi đi ngang qua một sạp thịt sắp sửa dọn dẹp thì thấy không được ngon, cho nên tôi vội bỏ đi và định mua cá thay vào, dù có nghe được những tiếng mời mọc bùi tai của bà bán thịt. Sang qua sạp cá, thì thấy cá bữa nay cũng không ngon làm cho tôi phải trở lại hàng thịt. Lần nầy, tôi thấy bà bán thịt đang bày ra những miếng thịt đỏ tươi vừa mới lấy ra từ trong cái xô có nắp đậy. Tôi mừng thầm trong bụng rồi mua ngay không cần trả giá nữa, vì bà bán thịt đã rao là có hạ giá rồi.

Bà chị tôi nhìn miếng thịt xong, liền cho tôi một bài học nên thân. Chị lục tờ báo trên kệ xuống kêu tôi đọc to lên để hai chị em cùng nghe. Nghe xong, tôi rợn người khi được biết câu chuyện của những chậu ngâm hàn the có tác dụng làm cho thịt cá có màu tươi trở lại, nhưng cực hại cho sức khỏe của ngưòi nào ăn nó vào cơ thể. Rồi còn nào là chuyện rau muống xịt nhớt, hành phi chiên dầu phế thải, trái cây nhập cảnh Trung-Quốc xịt hóa chất bảo quản quá liều lượng, bún hôi tái chế, dăm bông bẩn tái chế, lợn nái giả thịt heo rừng, chân gà, nội tạng thú vật bốc mùi ngâm thuốc sát trùng v.v.

Tiện dịp, chị tìm đưa luôn cho tôi xem về những bài điều tra phóng sự của các nhà báo viết về "1001" câu chuyện mánh mung ma giáo của nghề nghiệp con người hiện hành ở khắp nơi nơi trên cõi hành tinh. Tất cả đều có bí quyết của nghề nghiệp để làm tiền hợp pháp. Từ trạm sửa xe, bảo trì máy móc, thầy thuốc chữa bệnh, thợ chuyên môn, rải đinh vá ép, hối lộ, tham nhũng, buôn lậu, thậm chí còn có những mưu mô kiểu anh hùng cứu mỹ nhân để trục lợi v.v. Thật là khiếp đảm, khi cộng đồng của con người ta bắt buộc phải sống chung nhau trong sự lừa lọc, dối trá, gạt gẫm để sinh tồn!

Tánh tôi đơn giản, và dù không đơn giản nhưng bản thân tôi cũng chỉ là một kẻ xuất thân từ đồng ruộng, trong mắt tôi hàng ngày nhìn thấy cây trái bông hoa và ấm lòng dưới bóng trăng thanh gió mát. Ngoài ra, người dân quê của chúng tôi tuy cũng có những bản tính tập quán không hay, nhưng khi đem so với ngưòi thành thị thì thật là chẳng thấm vào đâu. Ngay về quan niệm trong tình yêu cũng vậy. Tôi có một người yêu chân thật, lần đầu tiên tỏ tình thì anh mở đầu bằng những lời nói mộc mạc, ấp úng, rụt rè. Có khác rất nhiều với mấy chàng trai thành thị bạo dạn nói dai, nói dài, đôi khi bằng những lời sáo ngữ thật kêu mà bà chị tôi gọi là đểu giả. Phải! Không đểu giả sao được, nếu không thì cớ chi mà bà chị của tôi lại vướng phải cái bầu oan nghiệt thế nầy. Tôi nghĩ thầm như vậy. Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh, gần như là trốn chạy cuộc đời của chị.

Trong cuộc sống gia đình xã hội bình thường, thì cái bào thai là hạnh phúc tuyệt vời của cặp vợ chống chung thủy, là niềm vui trọn vẹn của cả hai bên dòng họ hàng nội ngoại. Nhưng không như trường hợp đó, cái bào thai nầy của chị đúng là hậu quả của sự lỡ lầm vô cùng đáng tiếc, đã xảy ra trong nghịch cảnh của một mối tình đơn phương tuyệt vọng thương tâm. Và suýt trở thành một tai họa chết người, khi một lần chị đã mưu toan tự vận.

Phải thành thật nói rằng, trước nay tôi có quan niệm sống rất là cá nhân, ích kỷ vì lẻ thân phận mồ côi, cô đơn bạc phước. Nhưng sao bây giờ tôi lại cảm thấy mình còn có phước hơn là bà chị, vì lẻ tôi còn thân con gái chưa đến lúc phải có trách nhiệm nào với cái bào thai. Tôn trọng tình cảm riêng tư của chị, trước nay những điều gì của chính chị chưa hoặc không muốn nói ra, thì chẳng bao giờ tôi tò mò dám hỏi. Tuy nhiên, vì khi nghĩ về số phận của cái bào thai vô tội sắp sửa được chào đời, cho nên một lần tôi đánh bạo hỏi thăm chị về tác giả của nó là ai? Thay vì trả lời minh bạch, chị chỉ nói với tôi bằng một câu cộc lốc rằng là hãy nghĩ nó như là một cái thai thành hình vô thừa nhận!

Mỗi người một hoàn cảnh mà chỉ có mình mới biết! Trường hợp có người mang thai vì một phút lỡ lầm, vì bị người tình phụ bạc thì đã không hiếm có xảy ra ở trong xã hội nầy. Và nghiệt ngã thương thay cho những cái bào thai linh thiêng, nó ao ước vui mừng chờ đợi đến phút ra đời, thì sẽ hạnh phúc vô cùng vì được nhìn thấy mặt mẹ, biết cha...nhưng cay nghiệt, lại bị người đời nhẫn tâm quăng hình hài vô tội của nó vào trong thùng rác.

Hỡi ơi! Thương thay...

Có phải không, khi con người ta sống ở trên cuộc đời chỉ là cõi tạm, vì nhục thể của xác thân nầy trước sau gì cũng phải trả lại cho thế giới của bụi trần. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi không ý thức được trách nhiệm của con người khi được cha mẹ sinh ra để làm bổn phận đóng góp tinh thần trí tuệ của mình vào cho quê hương, cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, vì từ nhiều năm làm thân phận mồ côi bơ vơ không bao giờ có được tình thương của cha mẹ, lại thiếu cả niềm hạnh phúc của cuộc đời. Do,vậy, cho nên đôi khi quá buồn cho thân phận thì tôi thầm ước...

Là nếu có thể được trở về với cõi vô sanh trước khi được sinh ra, thì chắc chắn tôi sẽ là người đầu tiên tình nguyện nộp đơn, để mong ơn trên sớm chấp thuận cho được chui vào trở lại nằm im với giấc ngủ lâu dài ở trong cái bào thai nào đó! Vì như ai cũng đã từng biết đến giá trị của giấc ngủ, từ thuở bao đời nó luôn luôn bao giờ cũng mang đến sự sung sướng cho hầu hết tất cả mọi người. Huống chi đó lại là một giấc ngủ ngàn thu, đối với linh hồn của một con người vô tội.

Và cũng kể như từ đó, tôi đã hoàn toàn được tự do giải thoát, đọan tuyệt, như chưa hề có dịp bao giờ quen biết đến cái gọi là trần gian xinh đẹp của con người.