Vợ thì vợ chứ, chơi vui thôi mà Măng, làm sao Thủy-Tiên biết được...
Đến cửa sau, Bách thấy Mộc-Lan – mẹ của Bách – đang tưới mấy cụm geranium đỏ thẫm. Vừa tưới hoa bờ vai Mộc-Lan vừa lắc nhè nhẹ và tay Mộc-Lan tung theo một nhịp điệu nào đó.
Mở cửa ra, Bách mới biết Mẹ đang nghe nhạc Việt-Nam, được chơi theo điệu Reggea, phát ra từ cassette nơi nhà ươm cây. Bản nhạc nghe quen quen, nhưng Bách không biết tựa và cũng không thể hiểu được lời ca. Bách hỏi một câu bông đùa; dù rằng Bách không lạ gì khi thấy Mộc-Lan ở nhà một mình vào cuối tuần:
– Măng! Are you “Home alone” again?
Mộc-Lan giật mình quay lại:
– Hey, Bách!
– Măng có gì vui lắm, phải không? Ba đi chơi nữa rồi, phải không, Măng?
– Măng cũng vậy thôi, con; còn Ba con thì con biết rồi.
Mộc-Lan tắt nước, vừa cuốn ống dẫn nước vừa tiếp:
-Thủy-Tiên có về với con không?
Chưa kịp đáp lời Mộc-Lan, Bách nghe từ cassette, tiếng cô ca sĩ lập đi lập lại, nhỏ dần, nhỏ dần: “Với em anh mãi là người tình trăm năm” (1). Bách bước về phía Mộc-Lan:
– Măng! Măng! Câu cô ca sĩ đang hát nghĩa là gì vậy?
– Ủa, con không hiểu à?
Bách lắc đầu “…ứ ừ…”. Sau khi nghe Mộc-Lan giải thích, Bách vỗ mạnh hai bàn tay vào nhau, cười rộ lên:
– Trời! Vậy mà hồi đó con đâu có biết.
– Biết cái gì, cậu?
– Hồi đó ở sở con có môt cô nhân viên người Việt, xinh lắm. Mỗi khi gặp con ở thang máy hoặc chỗ đậu xe, cô ấy chào con, cười rồi hát câu đó mà con không hiểu. Bây giờ cô ấy có bồ rồi. Con ngu quá!
Không ngạc nhiên về trình độ Việt-ngữ của Bách, nỗi khi nói chuyện với con, Mộc-Lan phải dùng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh:
– Con có vợ rồi, không nên đèo bồng.
– Vợ thì vợ chứ, chơi vui thôi mà Măng, làm sao Thủy-Tiên biết được.
Câu nói vô tình của Bách không dưng làm Mộc-Lan lo âu. Là một người rất nhạy cảm, mỗi khi thấy Bách và Thủy-Tiên – vợ của Bách – vui đùa với nhau, Mộc-Lan thầm vui, vì nhớ lại thời gian nàng và Tùng – ba của Bách – yêu nhau. Khi nào biết Bách và Thủy-Tiên bất hoà, Mộc-Lan buồn nhưng chưa đến nổi phải lo lắng như khi nghe Bách có giọng điệu giống Tùng.
– Không được đâu con! Măng dặn con từ trước khi con lập gia đình, con nhớ không?
– Măng dặn con nhiều điều quá làm sao con nhớ cho nổi. Bây giờ măng muốn nhắc điều nào?
– Dạo con vừa xong đại học, Măng dặn con rằng nếu con muốn vui chơi cho thỏa thích thì lúc đó là thời gian thích hợp nhất. Sau khi lập gia đình, bất cứ vì lý do gì con cũng không nên gian dối, lừa lọc hoặc phản bội vợ của con.
– Măng nói vậy nhỡ Thủy-Tiên ngoại tình con cũng phải chấp nhận hay sao?
– Chấp nhận hay không, đó là quyền của con. Nhưng ý Măng muốn nói là, nếu đã yêu nhau, lấy nhau, thì hãy sống với nhau hết lòng; khi không còn thương yêu nhau nữa, hãy mạnh dạng chia tay để mỗi người lập lại cuộc đời chứ đừng nên sống với nhau mà phản bội nhau.
Bách nhìn Mộc-Lan, lòng cảm thấy xót xa cho Mẹ. Bách hiểu vì sao lúc nào Mộc-Lan cũng cay đắng và tỏ thái độ dứt khoát với những người chồng thiếu trách nhiệm, không thủy chung. Là đàn ông, Bách dễ cảm thông và không bao giờ lên án những hành động của Tùng. Nhưng nhiều khi Bách nhận ra rằng Bách vẫn chưa thể quên được những hình ảnh đã in sâu vào lòng cậu bé con, dạo gia đình còn ở Sagon.
Dạo còn ở Saigon, Bách rất ít gặp Ba, vì nhiều khi Ba không về. Ðôi khi Ba về thì chị em của Bách đang ngủ. Không thể nào chị em của Bách hiểu được lý do tại sao Ba ít về nhà và tại sao Măng cứ buồn hoài. Ðể cho Măng bớt buồn, chị em của Bách thay phiên nhau xin ngủ chung với Măng. Hôm nào Ba về, đứa nào đang ngủ với Măng phải thức giậy, ôm gối sang giường riêng mà ngủ. Tuy bị thức giấc, chị em của Bách cũng cảm thấy vui, vì nghĩ rằng sáng thức giậy sẽ được nhõng nhoẽ và khoe với Ba những điều chị em của Bách đã khoe với Măng lúc đầu hôm. Ấy vậy mà sáng thức giậy, chị em của Bách thường thấy Măng khóc, còn Ba và Bà Nội giận Măng. Ðôi khi Bách nghĩ có lẽ tính Măng khó khăn quá – vì Ba và Bà Nội than phiền với mọi người như vậy – cho nên Ba không muốn về. Bách cứ tự hỏi tại sao Ba không về, Măng buồn; mà Ba về Măng lại khóc và trông Măng còn ủ dột hơn? Nhiều khi Bách còn thấy mắt Măng bị bầm hoặc môi Măng còn tươm máu. Bách hỏi lý do? Măng chưa kịp trả lời, Bách đã giật mình vì tiếng nói oang oang của Bà Nội:
-Con nít con nôi, chuyện của người lớn, hỏi mần chi, đập chết chừ!
Bách ngã đầu vào vai Măng, có vẻ sợ câu hăm dọa của Bà Nội. Măng vuốt tóc Bách, thì thầm vào tai Bách:
-Con mau lớn, ráng học hành mà lo lấy thân, Măng không biết Măng sẽ chịu đựng được bao lâu nữa để lo cho chị em con!
Bách thấy thương Măng quá nhưng chẳng biết nói gì, chỉ chớp chớp mắt cho nước mắt khỏi trào ra. Bách biết chị em của Bách thương Măng nhiều lắm; nhưng Bách không hiểu tại sao Ba và Bà Nội lại không thương Măng?
Từ dạo lớn khôn, Bách đã tìm ra được giải đáp cho những câu thầm hỏi khi xưa. Nhưng Bách vẫn chưa thể hiểu được tại sao Ba cư xử với Măng như vậy mà Măng vẫn nhận chịu, trong khi Bách chỉ vào bar uống vài chai bia lạnh, xem bóng rỗ, đấu võ hoặc football trên TV và cuối tuần tụ tập chơi bài với bạn thì Thuỷ-Tiên “cự nự” quá chừng! Mỗi khi “cự nự” Bách xong, Thủy-Tiên giận, bỏ đi shopping. Bách buồn lòng, về thăm, nhân thể xem Mộc-Lan có gì hợp khẩu vị chàng hay không. Biết thói quen của Bách, Mộc-Lan cười:
– Con với Thủy-Tiên bất hòa nữa, phải không?
Bách cười, không đáp. Mộc-Lan tiếp:
– Con ăn gì chưa? Thức ăn trong tủ lạnh, con vào lấy ra, hâm nóng rồi ăn.
Suốt bao nhiêu năm được Mộc-Lan chăm sóc từng ly từng tý, đến khi lập gia đình Bách bị Thủy-Tiên phân chia việc nhà “50/50”, cho nên Bách vẫn muốn trở về nhà để được Mẹ chăm sóc. Không ngờ hôm nay Mộc-Lan bảo Bách tự làm, Bách cười cười:
– Thôi, con đi mua McDonalds ăn cho rồi.
Hiểu ý con, Mộc-Lan vừa đi vào bếp vừa giả vờ rầy con:
– Thức ăn sẵn trong tủ lạnh, chỉ lấy ra hâm nóng rồi ăn mà con cũng không làm. Con hư quá!
– Ai làm con hư vậy hè?
– Ðã đành Măng làm con hư. Nhưng con vẫn có thể sửa đổi để hòa mình vào cuộc sống lứa đôi chứ.
– Con biết rồi mà.
– Măng không hiểu từ sau khi dời ra riêng, con có tự lo cho con hay không, chứ dạo con và Thủy-Tiên còn sống chung với gia đình, Măng thấy con vẫn y nguyên phong thái của người đàn ông Việt-nam: Người vợ đi làm về, vội thay đồ, nấu ăn. Khi người chồng đi làm về thì: Em, dọn cơm anh ăn sớm để anh kịp xem football. Em, viết thư cảm ơn ông bà X. chưa? Em, sao cỏ nơi góc vườn vàng quá, chắc em tưới nước không đều. Em, gọi nhà thuốc Tây refill cái toa cho anh chưa? Em, nhớ gọi bác sĩ hủy cái hẹn của anh vào ngày mốt, nhé. Em, ông sửa mái nhà gọi đến sở em mấy lần mà không gặp;ông ấy gọi anh, bảo nhắn với em rằng mai ông ấy sẽ fax giấy tờ gì cho em đó. Em, mấy cái bills em ký checks, dán tem rồi mà sao chưa gửi, còn để nơi quày rượu kià. Em, nhà tắm dơ quá, mấy tuần rồi em chưa chùi. Em, xà phòng tắm hết rồi. Ðưa cho anh viên xà phòng mới, với cái khăn tắm luôn. Em, bí tất của anh không tiệp màu. Em, ghé bác sĩ thú y lấy thuốc trị bọ chét cho con chó Tito chưa? Ô, mai em nhớ đi đóng thuế xe cho năm nay, nha. Em, em quên món tráng miệng của anh rồi, v.v…Cơm tối xong, trong khi người vợ rửa chén, lau dọn nhà bếp thì anh chồng nằm duỗi chân…
Mộc-Lan chưa kịp nói “…duỗi chân xem TV” thì vội dừng lại; vì Mộc-Lan vừa nhận ra hình ảnh nàng vừa phát họa chính là Tùng. Mộc-Lan không phiền hà chi khi phải chăm sóc Tùng – Vì Mộc-Lan thương yêu Tùng và cũng vì suốt mấy mươi năm qua Mộc-Lan đã quen với nếp sống của một người đàn bà chỉ biết phục tòng chứ chưa bao giờ biết phản đối. Nhưng điều khiến Mộc-Lan uất nhất là khi Tùng đến bất cứ nơi đâu, thấy bà nào đang làm việc nhà – ngay như bà ấy đang quét sân, vì ông chồng vừa cắt cỏ xong – Tùng cũng dành lấy chổi, miệng lên giọng dạy đời là đàn ông phải làm hết mọi việc, không nên để vợ làm gì cả, phải cưng vợ như nâng niu những cành hoa! Ai cũng tưởng thật, cứ tấm tắt khen Mộc-Lan tu mấy kiếp mới có được người chồng như Tùng. Mộc-Lan chỉ cười, không nói chi cả. Bây giờ, dù Mộc-Lan không nói hết câu, Bách cũng biết Mộc-Lan nói đúng, cho nên, vừa bưng dĩa thức ăn từ tay Mộc-Lan, Bách vừa đùa:
– Con giống ai vậy, Măng?
Mộc-Lan đem đến cho Bách ly cam tươi, rồi ngồi đối diện:
– Thật ra Ba cũng có những điểm tốt như hiếu thảo với Cha Mẹ, thương và lo cho anh chị em. Con học Ba những điều đó là nhất.
Những gì Bách nghe và thấy giữa Bà Nội, Tùng và Mộc-Lan vẫn còn trong ký ức khiến Bách hiểu lầm:
– Măng muốn con hiếu thảo với Ba Măng để Măng cư xử với Thủy-Tiên giống như Bà Nội đối xử với Măng hồi còn ở Việt Nam hay sao?…Ứ ừ…
Ðang vui, gương mặt Mộc-Lan chợt buồn; vì Bách vô tình khơi lại những gì Mộc-Lan muốn quên.
Ngày xưa, chiều nào tan sở mà Tùng đi thẳng về nhà thì bà Phán – mẹ của Tùng – cũng hỏi:
-Về chi sớm rứa? Răng bữa ni con không đi chơi với bạn bè giải khuây mà lại về? Ðiệu ni chắc bị mụ vợ lục ví lấy hết tiền rồi chứ chi nữa?”
Tùng hết tiền thật, nhưng không phải “bị mụ vợ lục ví” – như lời bà Phán “nói kháy” – mà vì tối hôm qua trước mặt nhiều người, Tùng làm bảnh, lấy hết tiền thắng xì phé tặng cô bồ; hôm nay Tùng không vay mượn ai được cả, đành về sớm. Sự thật là như vậy, nhưng Tùng lại nói ngược để đánh lừa Mộc-Lan:
-Thôi, bạn bè làm chi, ai cũng không bằng vợ con. Phải không, cưng?
Vừa nói ba tiếng cuối Tùng vừa nhìn Mộc-Lan, nheo mắt, cười. Mộc-Lan cũng nhìn Tùng, cười, ánh mắt nhấp nháy, cố che niềm xúc động. Nếu không có sự hiện diện của bà Phán, có lẽ Mộc-Lan đã nhào đến, cắn nhẹ vào tai Tùng một cái để bộc lộ niềm hạnh phúc đang rộn rã trong lòng.
Tuy niềm “hạnh phúc dại khờ” bị Mộc-Lan cố nén, nhưng bà Phán vẫn nhận biết được, cho nên Bà châm biếm:
-Thấy hắn về là cái mặt tươi như bông bưởi. Ðàn ông thì phải để hắn đi ăn đi chơi với bạn bè chứ bắt hắn ở nhà mà “hầm” ra ăn được răng?
Khi nào Tùng về khuya, áo thoảng mùi nước hoa lạ hay tỳ vết son môi, Mộc-Lan ghen, cật vấn Tùng thì bà Phán lại can thiệp:
-Trời ơi là trời! Hắn làm ra tiền, bộ hắn không có quyền ăn nhậu, chơi bời hay răng? Có ăn chơi chi mấy rồi hắn cũng về chứ có sức mẻ chi mô mà hành hạ hắn dữ rứa, Trời!
Không ai đáp lời bà Phán cả. Một lúc sau bà Phán lại nghe tiếng cằn nhằn và tiếng thút thít của Mộc-Lan. Bà Phán nói nặng hơn:
-Thứ đàn bà ăn rồi chỉ biết… nằm ngữa để chồng nuôi thì câm miệng lại, để cho hắn yên, còn cứ hành hạ hắn như rứa, hắn bỏ thì trơ mõ ra!
Mộc-Lan vẫn im lặng, khóc. Tùng thở từng hơi dài mệt nhọc. Sở dĩ Tùng không lớn tiếng lấn át Mộc-Lan là vì Tùng say quá, chỉ muốn nằm yên cho cơn say hành hạ. Nhưng bà Phán lại nghĩ rằng Tùng im lặng vì Tùng biết lỗi của chàng; và như vậy có nghĩa rằng Tùng nhượng bộ Mộc-Lan. Nếu Tùng nhượng bộ Mộc-Lan một lần thì rồi đây Mộc-Lan sẽ “được đằng chân lên đằng đầu.” Ðó chính là điểm bà Phán cần phải diệt ngay từ bây giờ:
-Thứ đàn bà lỳ lợm như rứa không bỏ cũng uổng. Gặp thằng con của tui hiền chứ như gặp ôn tui ngày xưa, ôn đập cho sặc máu!
Dù mấy mươi năm qua, Tùng vẫn chưa quên được những phủ phàng ông Phán đã dành cho bà Phán. Vì vậy Tùng rất thương Mẹ. Bây giờ cơ thể đang mệt lả, đầu óc đang quay cuồng, những lời cay độc của bà Phán cho Tùng thấy quả thật Mộc-Lan vô lý và ích kỷ. Ngày xưa ông Phán ngang nhiên cặp kè mấy “cô gái tân thời”. Ðôi khi ông Phán còn đưa bồ về nhà, đàn cho bồ nghe trong khi bà Phán loay hoay dưới bếp với lũ con dại. Nhiều khi bà Phán đi chợ, thấy ông Phán ngồi trên xích-lô với một cô tóc “phi-dê” bà Phán phải nghiêng vành nón che mặt – như che kín thân phận hẩm hiu của bà! Bây giờ, dù bê bối đến đâu đi nữa, Tùng cũng chỉ lén lút, không dám lộ liễu. Thỉnh thoảng Tùng mới “để nhẹ” vài cái tát vào mặt Mộc-Lan chứ không như ông Phán khi xưa, đánh bà Phán bất cứ lúc nào ông say hoặc bị bà Phán ghen tuông hay là khi ông Phán nghe Bà Nội thêu dệt những điều không ra chi. Vậy mà Mộc-Lan không biết nghĩ, không biết thương chàng. Mộc-Lan đúng là người vợ ích kỷ. Nghĩ như vậy, cơn giận trào lên, Tùng vùng giậy:
-Tao làm ra tiền, tao có quyền. Mày có làm ra xu cứt nào không? Câm miệng không thôi tao đánh thấy mẹ bây giờ.
Nghe một câu lỗ mãng, dĩ nhiên không người đàn bà nào im lặng đươc. Tùng chỉ chờ Mộc-Lan trả treo để có cớ nhào đến đánh Mộc-Lan trong sự hả hê âm thầm của bà Phán!
Mộc-Lan không hiểu tại sao những người đàn bà bị Mẹ chồng ức hiếp lại tìm cách hành hạ người dâu để trả thù! Riêng Mộc-Lan, từ ngày Bách thành hôn với Thủy-Tiên, Mộc-Lan vui trong lòng; vì nghĩ rằng nàng không mang nặng đẻ đau, không tốn công dưỡng dục mà có được người con gái gọi nàng bằng Măng và thay nàng kềm chân cậu con trai cưng. Vì vậy, khi nghe Bách đáp, Mộc-Lan cười dòn:
– Bậy! Hiếu thảo với Cha Mẹ đâu có nghĩa là mình phải áp đặt những bất công lên vai người phối ngẫu của mình để vừa lòng Cha Mẹ. Con người luôn luôn chịu sự chi phối của không gian và thời gian; vì vậy, những phán xét của Cha Mẹ chưa chắc lúc nào cũng đúng. Con nên sáng suốt nhận định thì con sẽ không vướng vào vết xe của Ba.
– Con không hiểu tại sao hồi đó cái gì bà Nội cũng bênh Ba; trái lại, bây giờ, mỗi khi Thủy-Tiên mách Măng điều gì thì Măng lại “cự” con.
– Con nên nhớ, Thuỷ-Tiên có yêu thương con thì Thuỷ-Tiên mới ghen tuông, mới lo âu và khuyên nhủ con tránh xa cờ bạc, rượu chè. Người đàn bà nào cũng muốn chồng mình là một người đàn ông đạo đức, tạo được niềm tin và sự quý trọng đối với mọi người. Con thấy có người đàn ông nào mê cờ bạc, ham nhậu nhẹt, dại gái và lừa dối vợ con mà gia đình người đó yên vui và người đó thành công ngoài xã hội không?
Bách muốn hỏi tại sao những điều đó Mộc-Lan không bàn luận với Tùng mà cứ dẫn giải cho các con hoài. Nhưng nghĩ lại, Bách hiểu Mộc-Lan đã cố tình khuyên ngăn Tùng từ lâu mà Tùng không thay đổi được, vì bản chất của Tùng là như vậy. Bách cười, khỏa lấp ý nghĩ của chàng:
– Măng này! Măng làm như con hư đốn, bỏ bê Thủy-Tiên không bằng.
– Măng không nói như vậỵ Măng chỉ muốn cho con thấy rằng vai trò của người chồng rất quan trọng – quan trọng không phải ở chỗ người chồng có bằng cấp cao, làm nhiều tiền, mà quan trọng ở chỗ người chồng phải sống như thế nào để người vợ yêu thương và quý trọng. Không có người vợ nào yêu thương và quý trọng được mấy anh chồng bội bạc, dại gái, lừa dối và mưu mẹo với vợ con.
Nói đến đây lòng Mộc-Lan chùng xuống, vì nàng vừa nhớ lại những thủ đoạn của Tùng. Cứ mỗi chiều, sau khi tan sở, Tùng rũ bạn – nay người này, mai người khác, mốt người nọ – ghé nhà Tùng chơi. Bao giờ cũng vậy, sau khi Mộc-Lan thăm hỏi người bạn vài câu, Tùng thúc hối để đưa người bạn về kẻo vợ con người bạn trông.
Vừa đưa người bạn về tới trước cửa nhà bạn, Tùng chỉ kịp dừng Vespa cho người bạn đứng xuống rồi Tùng rồ máy chạy thẳng đến những nơi Tùng thích. Ðến gần sáng Tùng về nhà, bị Môc-Lan cật vấn, Tùng đổ lỗi cho bạn, đồng thời tự tâng bốc chàng lên:
-Trong quá khứ, có nhiều lần anh bê bối, nhưng đó là vì anh nể bạn mà ra; còn bản thân anh là người chồng tốt. Hôm nay anh về trễ là vì tụi nó năn nỉ anh ở lại chơi, anh không chịu, nhưng tụi nó dấu chìa khóa xe, anh về không được.
Thời gian đầu Mộc-Lan còn ngây thơ, tin lời Tùng, trong lòng thầm trách bạn. Về sau Tùng cứ giàn dựng những cảnh tương tự, Mộc-Lan đâm ra nghi ngờ. Biết Mộc-Lan không còn tin chàng nữa, Tùng đánh lừa lòng nghi ngờ của nàng bằng cách nhờ mấy bà bạn được Mộc-Lan quý mến đến nhà nói với Mộc-Lan cho Tùng đi chơi thể thao hoặc các môn giải trí lành mạnh với chồng của các bà ấy. Mộc-Lan muốn đi theo Tùng nhưng bà Phán tìm mọi lý do để Mộc-Lan phải ở nhà.
Ngồi nhà, vừa ghen, vừa yêu, vừa giận, vừa nghi ngờ, lòng Mộc-Lan nát tan! Mộc-Lan tự vấn nhiều lần nhưng cũng vẫn không thể hiểu lý do nào thúc đẩy Tùng vào con đường sa đọa. Lỗi có phải ở nàng không? Nàng chăm lo việc nhà, dạy dỗ con cái, hết lòng chiều chuộng bà Phán và anh chị em của Tùng. Nàng cũng yêu thươnng, chăm sóc Tùng với tất cả trái tim và thân xác của nàng, vậy tại sao Tùng cứ thích tìm vui bên những gì xã hội thường lên án? Nếu yêu mà cứ phải sống trong ghen tuông, đớn đau, sầu tủi như nàng thì chi bằng hãy quên đi, hãy chối bỏ như lời ca của một trái tim vỡ nát: “Every time I think of you, I always catch my breath. And I’m still standing here, and you’re miles away… There’s a storm that’s raging through my frozen heart tonight…” (2)
Trong khi Mộc-Lan đau khổ, tái tê cả hồn vì không tìm ra được nguyên nhân sự hư đốn của Tùng thì Tùng chỉ đi chơi thể thao với những người bạn có uy tín được một tý là Tùng tìm mọi cách cáo từ, với lý do phải về sớm kẻo Mộc-Lan trông, tội nghiệp. Mấy bà nghe vậy đều cảm động, bảo nhau rằng Mộc-Lan thật tốt phước mới có được người chồng như Tùng; vì lúc nào Tùng cũng lo lắng, thương yêu và nể trọng nàng. Không ai biết được rằng, sau khi tách rời được những người bạn không cùng sở thích, Tùng lại đến những nơi Tùng thường đến; vì những nơi này có đàn bà, có rượu, có đèn màu, có đánh bạc. Ðến gần sáng Tùng về nhà. Bị Mộc-Lan cật vấn, Tùng bạo gan thách thức:
-Em đa nghi hơn Tào-tháo! Mấy bà ấy đến đây xin phép em đàng hoàng mà em còn tra gạn anh. Vợ chồng phải hoàn toàn tin tưởng nhau, trông cậy nhau. Em cứ đem lòng nghi ngờ của em ra làm khổ anh, anh chịu không được.”
Giác quan bén nhạy của người đàn bà cho Mộc-Lan biết có điều chi không ổn, nhưng Mộc-Lan vẫn không dám phối kiểm với bạn; vì sợ sự thật và cũng vì không nỡ làm mất mặt Tùng cho nên Mộc-Lan chỉ âm thầm chịu đựng. Nắm được yếu điểm của Mộc-Lan, một mặt, Tùng cứ tiếp tục dối gian, lừa lọc; mặt khác, Tùng cố bịa đặt những điều không thật để bạn bè thương hại chàng:
–Trời ơi! Hôm đó, từ nhà anh chị tôi chạy thẳng về nhà chứ có ghé chỗ nào đâu; vậy mà không biết bà vợ tôi nghe ai nói bậy, bả đổ ghè tương, đem quần áo của tôi – loại may bằng hàng nhập cảng – đốt hết. Ðã vậy, bả còn làm tôi một trận tan tành! Anh chị, nhất là chị, đừng nghe ai nói bậy rồi méch lại bà vợ tôi là bả giết tôi chết!”
Tài nói láo của Tùng đã lên đến bậc thượng thừa cho nên khi phát âm mặt Tùng cứ thản nhiên, trơ ra, không ai có thể nhận ra được tý nào lúng túng cả. Vì vậy nhiều người tin lời Tùng, thương hại Tùng, và ít thiện cảm với Mộc-Lan.
Ngoài tài bịa đặt, Tùng còn có thói quen thích dè bỉm và khuyếch đại khuyết điểm của người khác rồi tự tâng bốc Tùng lên. Mộc-Lan là một trong số những nạn nhân thường bị Tùng đem ra làm trò cười trước mặt nhiều người. Những nạn nhân khác phản ứng mạnh, Tùng thôi, không dám đề cập đến nữa; chỉ có Mộc-Lan im lặng cho nên Tùng cứ tiếp tục bịa chuyện để bởn cợt. Ðến một lúc Mộc-Lan chịu không được nữa, đặt vấn đề với Tùng thì Tùng đổi “chiến thuật”: Bịa chuyện vào những lúc không có sự hiện diện của Mộc-Lan. Nếu ông nào bào chữa cho Mộc-Lan, Tùng sẽ bảo:
–Anh đừng nịnh đầm. Bà ấy hiền cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai!
Nếu người bào chữa cho Mộc-Lan là đàn bà, Tùng lại bảo:
-Nhầm rồi, chị ơi! Tôi đây mới thiệt thà như đất; còn bả rim rỉm vậy mà chết với bả hồi nào không hay đó!”
Nhiều người bất bình về hành động của Tùng, méch lại Mộc-Lan. Nghe xong, Mộc-Lan buồn thấm thía, nhưng một bên là chồng – đã đánh mất niềm tin – một bên là bạn, Mộc-Lan không hiểu nên tin ai! Nhiều lần Mộc-Lan thử đặt vấn đề với Tùng, Tùng chối và thề thốt rất nặng lời. Suy nghĩ mãi, cuối cùng quyết định không nên “vạch áo cho người xem lưng”.
Bề ngoài, Mộc-Lan cố giữ thể diện cho Tùng, nhưng trong lòng, Mộc-Lan chán nản, không thích xuất hiện cạnh Tùng. Thế là Tùng có cơ hội nay đưa cô này dự tiệc chỗ này, tuần sau đưa cô nọ khiêu vũ chỗ kia. Ði đến đâu Tùng cũng cố “nặn” ra một tước hiệu cho người đàn bà cùng đi với Tùng. Nhiều người bạn khuyên Tùng không nên lan chạ, Tùng bào chữa bằng luận điệu đổ vạ:
–Bà vợ tôi lạnh lùng với tôi lắm. Bả không thương tôi. Bả chỉ biết tiền thôi. Tôi cố đem hạnh phúc đến cho bả, bả không nhận thì tôi cho người khác.
Tùng có đem hạnh phúc đến cho Mộc-Lan hay không, chỉ có Tùng, các con và Mộc-Lan biết. Nhưng trước mặt mọi người, lúc nào Mộc-Lan cũng tìm những lời tốt đẹp để nói về Tùng khiến Tùng ngộ nhận. Không những Tùng tưởng Mộc-Lan không hề hay biết gì về những hành động bê bối của Tùng mà Tùng còn nghĩ rằng quả thật chàng là một người chồng tốt, một người cha đầy trách nhiệm, đúng như lời Mộc-Lan thường nói với bạn bè. Vì ngộ nhận, Tùng tỏ ra hợm mình, tự cho rằng một người đàn ông tốt và mẫu mực như chàng đáng ra phải có một người vợ nổi tiếng hoặc thuộc hàng thượng lưu trí thức chứ đâu có tầm thường như Mộc-Lan. Ý nghĩ này khiến Tùng thường “thả dê chạy rong”, những mong gặp được bà sồn sồn nào có tiền, có tiếng để Tùng vênh mặt với đời.
Là một người chỉ thích được nịnh bợ, mỗi khi có dịp tiếp xúc với bất cứ bà nào Tùng cũng hết lời tâng bốc bà ấy, những mong bà ấy nịnh lại vài câu cho thỏa thuê bản tính thiếu tự tin của chàng. Khi được bà nào khen vài câu Tùng nhìn sâu vào mắt bà ấy, làm như đã si tình bà ấy từ kiếp trước, rồi buông những lời tán tỉnh. Vài bà tưởng Tùng mê bà ấy thật vội xúc động dạc dào! Có bà biết tính lạo xạo của Tùng, hỏi ngược Tùng:
-Tôi mà đẹp sao bằng bà xã anh. Bà ấy không những đẹp mà còn duyên dáng, giỏi dang, anh đừng có lộn xộn!
Trong tất cả mọi trường hợp Tùng chỉ muốn Tùng là người được khen chứ không phải ai khác. Nếu nghe bất cứ một người nào khen người khác, Tùng sẽ bực dọc và nói những lời không tốt về nhân vật được khen. Thế là Tùng đáp:
-Người đàn bà đẹp về thể xác, chưa đủ, cần phải có chiều sâu tâm hồn. Bà nhà tôi hời hợt, thiếu tế nhị, không biết cư xử. Chị nghĩ xem, bao nhiêu tiền tôi làm, bà ấy giữ hết, chỉ giao tôi đủ tiền ăn và tiền xăng thôi. Còn bạn tôi đến nhà, bà ấy không cho bạn tôi mang giày vào nhà. Theo tôi, một người đàn bà sắc đẹp chỉ cần trung bình, thêm tý dịu dàng, thùy mị – như chị vậy – thì đàn ông chết hết, trong số ấy dĩ nhiên là có tôi.
Với bản tính bê tha, với số lương không đủ trả bills và với những món nợ chất chồng của Tùng ngày trước, Mộc-Lan không thể hiểu người đàn bà nào có đủ can đảm giao ngân quỷ gia đình cho Tùng nắm giữ?
Nếu người nào khen các con của Tùng đẹp, ngoan, học giỏi, Tùng sẽ vênh mặt lên:
-Tôi dạy các con của tôi nghiêm lắm; vã lại, ‘con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh’ chứ!
Gặp bà nào thích đem con cái ra khoe, Tùng không ngần ngại gì hạ các con của Tùng xuống để tâng con của bà ấy lên:
–Con gái chị dạo này xinh ghê. Càng lớn cháu càng giống chị. Còn con trai chị cháu nào cũng thông minh, chững chạc, giống mẹ. Các cháu công thành danh đạt là vì chị khéo dạy con, chị biết hy sinh cho con; còn tôi như vầy mà đám con của tôi chẳng ra gì cả! Ðúng là ‘cha làm thầy, con đốt sách’!”
Không phải Tùng thích nói xấu Mộc-Lan hay muốn bêu rếu các con; cũng không phải Tùng muốn đánh đổi Mộc-Lan và các con để chọn người đàn bà đối diện. Nhưng Tùng nghĩ, Tùng chỉ nói với mục đích làm vừa lòng người đàn bà đối diện, nhỡ bà ấy xiêu lòng, Tùng sẽ được thỏa mản tự ái – vì đã chinh phục được thêm một bà nữa – và biết đâu cơ thể của Tùng cũng sẽ có những giây phút hồi sinh bất chợt; vì bà này sẽ cho chàng “xài” tạm, kệ, “cũ người mới ta”.
Là một người thích “chiêm” vợ người khác, nhưng Tùng không muốn ai tán tỉnh Mộc-Lan cả. Ðó cũng là một trong những lý do Tùng thường bịa những điều không thật về Mộc-Lan để đánh tan ý tưởng tốt đẹp của những chàng mà Tùng nghi họ để ý đến Mộc-Lan. Mộc-Lan hiểu thâm ý của Tùng nhưng Mộc-Lan không thể hiểu là tại sao Tùng phải hạ Mộc-Lan và các con xuống thì Tùng mới có thể tự tâng bốc Tùng hoặc Tùng mới có thể nịnh bợ những người đàn bà khác?
Mộc-Lan không thể hiểu những phức tạp tâm lý của Tùng, nhưng Bách hiểu – qua những lần chị em Bách theo Cha Mẹ tham dự parties hoặc những lần gia đình tổ chức tiệc tại nhà. Bách thấy rõ Tùng mang mặc cảm của một người thiếu tự tin. Bách thật sự không hiểu vì Mộc-Lan không còn quý trọng Tùng nữa rồi Tùng trở nên thiếu thự tin; hay là vì căn bệnh thiếu tự tin của Tùng khiến Tùng có những hành vi lố bịch cho nên Mộc-Lan hết còn quý trọng Tùng. Dù sao đi nữa, cả hai đều là bậc sanh thành, không bao giờ Bách muốn có sự chia lìa và cũng không bao giờ Bách muốn nghiêng về một người nào cả:
– Tụi con sống thoải mái lắm chứ không có gì mờ ám với nhau đâu, măng đừng có lo.
– Tốt! Con thử nghĩ xem, cha mẹ thương con, dạy dỗ con nên người. Nhưng thời gian con sống với cha mẹ chỉ khoảng hơn hai mươi năm; trong khi đó, người hôn phối phải sống và chia xẻ mọi tình huống của con cho đến ba bốn mươi năm. Trong khoảng thời gian dài như vậy, nếu không thương yêu nhau thật lòng, nếu không cư xử với nhau ngay thẳng và chân thật, làm thế nào cuộc hôn nhân bền vững được, phải không, con?
Bách cười, thầm nghĩ, nếu Mộc-Lan nghĩ như vậy, tại sao Mộc-Lan còn sống được với Tùng cho đến ngày nay? Như hiểu Bách nghĩ gì, Mộc-Lan tiếp:
– Những người đàn bà thuộc thế hệ của Măng bị uốn nắng để chịu đựng chứ không được dạy phương thức đi tìm hạnh phúc.
– Có phải vì vậy cho nên bây giờ đàn bà Việt-nam muốn thay đổi không, Măng?
– Không phải mãi đến bây giờ đàn bà Việt-nam mới muốn thay đổi đâu, con. Có thể nói rằng bây giờ người đàn bà Việt-nam, trong cũng như ngoài nước, mới có điều kiện để thực hiện sự thay đổi. Họ đã hấp thụ được tinh thần tự lập. Họ đã hiểu giá trị cuộc đời của họ. Họ đã ý thức được rằng đàn bà cũng có cuộc sống riêng chứ đàn bà không phải chỉ là nơi để cho người chồng khi khổ đau, bệnh tật, bị đời bạc đãi thì tìm về; khi khỏe mạnh, địa vị, giàu sang thì lừa đảo, phản bội vợ để sống cho thỏa thuê lòng vỵ kỷ. Trong khi người đàn bà đã thay đổi mà người đàn ông cứ khư khư: “Chồng giận thì vợ làm lành; mỉm cười em hỏi rằng anh giận gì?” thì không ổn.
– Có phải vì vậy mà nảy sinh ra hiện tượng đàn ông Việt-Nam về quê cưới vợ “rần rần” không, Măng?
– Vấn đề là đàn ông Việt-Nam phải thay đổi chứ không phải là người đàn bà Việt-Nam từ đâu tới.
– Măng nói vậy bộ đàn bà Việt-Nam không có khuyết điểm hay sao?
– Ông bà mình bảo “Nhân vô thập toàn” mà, con. Măng nghĩ, đàn ông hay đàn bà gì cũng vậy, Những khuyết điểm, nếu biết phục thiện, chịu sửa chữa thì người hôn phối sẽ sẵn sàng chấp nhận. Còn ngược lại, cứ bướng bỉnh và mỗi ngày một tệ hơn thì…thà đổ vỡ sớm, ít ràng buộc.
Bách im lặng, tự hỏi, tại sao tư tưởng của Mộc-Lan như vậy mà Mộc-Lan lại cứ âm thầm chịu đựng hoàn cảnh? Tình cảm trong Bách mâu thuẫn lạ lùng. Bách không muốn Cha Mẹ xa nhau mà Bách cũng không vui khi thấy Ba cứ bức rức vì Ba ít thực hiện được những thú vui xưa! Và Bách càng thương Mẹ khi thấy Mẹ cứ buồn hoài. Nhưng Mộc-Lan không buồn sao được khi mà Tùng dấu tiền và mượn tiền để thoả mản thú vui riêng trong khi mỗi đêm và cuối tuần Mộc-Lan may và sửa quần áo cho bạn hàng để có thêm tiền giúp gia đình bên nhà thì Tùng nhắc nhở hoài:
-Em may đồ được bao nhiêu tiền thì bỏ chung vô mà trả bills. Vợ chồng chỉ là một, không có vấn đề tiền anh tiền em.
Mộc-Lan không trả lời, chỉ cười thầm cho sự khôn vặt của Tùng.
Bách không khôn vặt như Tùng. Nhưng Bách thừa thông minh để tiên đoán đoạn kết cuộc tình của Cha Mẹ. Một chút ngậm ngùi thoáng qua, Bách đứng lên, bước ra phòng gia đình, muốn mở TV. Mộc-Lan chợt nhớ, vội hỏi:
– Bách! Cuốn album con tặng Măng hôm sinh nhật, Măng đã dán ảnh chụp lúc Ba Măng về Việt-Nam. Con muốn xem không?
Bách lật từng trang. Mộc-Lan kéo ghế ngồi cạnh để giải thích cho Bách. Tùng và Mộc-Lan rời phi trường Cali trong y phục mùa Thu. Tùng và Mộc-Lan thơ thẩn ở phi trường Tokyo. Tùng và Mộc-Lan làm thủ tục quan thuế tại phi trường Tân-sơn-nhất. Trong toán du khách hổn hợp, Tùng và Mộc-Lan dáo dác tìm người thân. Nhận ra bà Phán đứng xa xa, Tùng bước vội đến. Mộc-Lan bồi hồi xúc động khi thấy bà Phán lựng chựng bước về phía Tùng. Lưng bà Phán cong gập xuống!
Khi ngồi cạnh Tùng trên chiếc mini Van, không dấu được niềm vui đoàn tụ, bà Phán cười nói huyên thuyên. Lúc này Mộc-Lan mới nhận ra giọng bà Phán hơi ngọng nghịu chứ không lanh lảnh như xưa. Mỗi khi bà Phán cười – dù bà Phán không cười với nàng – Mộc-Lan cũng cười, vì thấy nụ cười móm nơi hai bờ môi trủng sâu của bà Phán mang nét duyên dáng, nhân hậu của bà Ngoại khi Ngoại còn tại thế. Mộc-Lan nghiêng sang, hỏi khẻ bà Phán:
–Anh Tùng đã gửi tiền về cho Mạ làm răng, sao Mạ không làm?
Bà Phán thân mật nghiêng vào tai Mộc-Lan nhưng mắt lại liết về hướng cô em của Tùng ngồi ghế trước:
-Kỳ nớ thằng Tùng gửi tiền về, đề tên hắn, hắn lảnh, hắn có đưa cho tui mô mà làm!
Mộc-Lan kín đáo lòn tay dưới lớp áo T shirt thùng thình, mở kim găm, hai đầu ngón tay vo vo cho từng tờ giấy một trăm đô-la rời ra, rồi nhẹ nhàng rút ra mấy tờ, dúi vàp tay bà Phán:
-Mạ cất cái ni để làm răng.
Không thèm nhìn xem Mộc-Lan cho bao nhiêu, bà Phán chỉ cười, nói khẻ vào tai Mộc-Lan:
–Cảm ơn, hỉ!
Tiếng “hỉ” của bà Phán sao cũng giống tiếng “hỉ” của Ngoại ghê! Tự dưng Mộc-Lan cảm thấy nhớ Ngoại và nhớ cả tiếng ru em của Ngoại vào những trưa Hè im vắng hoặc vào những đêm khuya mịt mùng: “….Ầu ơ …Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi…hò ơi…hò…(chứ) thiếp là cơm nguội …hò ơi!…để khi…đói lòng!…” Ngày đó có bao giờ Mộc-Lan bận lòng tìm hiểu ý nghĩa câu Ngoại hát ru em. Bây giờ vô tình nhớ lại, Mộc-Lan cảm thấy se thắt trong lòng. Thì ra, đã không biết bao nhiêu thế hệ qua đi, trong trái tim của mỗi người đàn bà Việt-Nam là một khối sầu! Từ ý nghĩ này, Mộc-Lan quay nhìn bà Phán với thật nhiều thương cảm. Bà Phán chẳng nói gì, chỉ cười tươi. Nụ cười vô ưu trên khuôn mặt thanh thản của một người đã tìm được sự an lạc cho tâm hồn sau khi giũ sạch được ngũ uẩn.
Trong khi Mộc-Lan vừa tìm được sự cảm thông giữa bà Phán và nàng thì chiếc mini Van quẹo vào một biệt thự khang trang, sân trước và sân sau được biến cải thành nhà hàng rất sang trọng. Hai cô gái trẻ, mặc áo dài màu huyết dụ, tà trước và tà sau được thêu hình chai Hennessy màu vàng thẫm và quần màu…đỏ, bước ra chào đón.
Như bất cứ ở đâu, hễ thấy đàn bà – không phân biệt già, trẻ, xấu, đẹp – là Tùng lính quýnh như trẻ con thấy món đồ chơi mới. Tùng xum xoe bước tới trước, chào hỏi hai cô gái hết sức lịch duyệt. Ðã ngán ngẩm tư cách dại gái của Tùng, Mộc-Lan giả lơ, đi tìm nhà vệ sinh.
Tại nhà vệ sinh, thấy một cụ bà gầy gò, các khớp xương tay và chân đều sưng lên vì bệnh viêm khớp xương mà phải sống và làm việc nơi ẩm thấp, Mộc-Lan động lòng, hỏi thăm. Cụ bà cho biết cụ không còn ai thân thuộc cả. Chủ nhà thương tình, thuê cụ lau chùi nhà vệ sinh. Nơi cư ngụ của cụ là một chái hẹp, sát vách nhà vệ sinh. Nhìn nơi cư ngụ của cụ Mộc-Lan không thấy giường chiếu chi cả mà chỉ thấy nước đọng từng vũng nhỏ. Bên trái là miếng ván mục được kê trên mấy miếng gạch bể; cạnh đó là cái nồi nhỏ và cái chén mẻ. Mộc-Lan muốn tặng cụ bà ít tiền nhưng không có tiền lẻ. Vừa khi đó Tùng bước vào. Có ý đợi Tùng, Mộc Lan lảng vảng nơi cửa.
Khi Tùng bước ra, Mộc-Lan bước theo, hỏi khẻ:
-Anh có tiền lẻ không?
–Chi vậy?
Mộc-Lan vừa quay về hướng nhà vệ sinh vừa bước theo Tùng:
–Em muốn tặng bà cụ giữ nhà vệ sinh ít tiền mà em không có tiền lẻ.
-Anh chỉ có đô-la thôi, chưa đổi được tiền Việt-Nam.
-Cũng được. Em nghĩ đô-la cụ còn thích hơn nữa.
-Em nên nhớ, một đô-la đổi ra tiền Việt-Nam nhiều lắm đó.
–Nhiều thì nhiều. Anh có bao nhiêu? Tùng dừng bước. Vừa lấy tiền lẻ từ túi quần Tùng vừa đáp:
-Anh nghĩ anh chỉ còn một đô-la thôi.
–Anh không có tờ năm hay mười đô sao?
Tùng giật nẩy người:
-Trời! Em cho bà ấy chi mà tới năm, mười đô-la lận? Bà ấy làm ở đây cũng có lương chứ bộ không sao?”
Mộc-Lan muốn dậm chân kêu Trời! Cứ mỗi lần thấy Mộc-Lan lặt rau, bỏ mấy lá úa, Tùng la hoảng, bảo Mộc-Lan phí phạm. Ðổ xăng xe Tùng chạy vòng vòng, tìm cây xăng rẻ vài xu một ga-lông Tùng mới đổ. Ði ăn, nếu chỉ với gia đình thôi thì Tùng “típ” vừa phải; nhưng nếu mời ai cùng đi, Tùng “típ” gấp ba bốn lần để người đó nghĩ rằng Tùng hào sảng. Cuối tuần, trong khi Mộc-Lan chợ đò, nấu nướng, lau nhà, chùi nhà xí, làm sân vườn thì Tùng đi nhậu, hội họp hoặc cờ bạc. Cờ bạc, khi Tùng thắng, người ta thua hết tiền, muốn nghỉ thì Tùng ghiền và cũng vì muốn chứng tỏ mình tốt với bạn, mình giàu, mình xem nhẹ đồng tiền, Tùng đưa tiền cho người thua mượn để chơi tiếp. Khi Tùng thua, hỏi mượn, không ai cho mượn mà họ còn cho là Tùng dại! Hội họp, Tùng đến không phải vì Tùng muốn chống Cộng hay nặng tinh thần Quốc-Gia mà chỉ vì Tùng thích có mặt trong đám đông để may ra có tờ báo nào chụp ảnh, “dính” chàng trong đó hoặc trong bài tường thuật có tên chàng; và biết đâu Tùng lại xin được lên sân khấu hát một bài mà Tùng đã cố công nhại theo karaoke! Giao tế, biết ai giàu sang hoặc có tý tiếng tăm, Tùng tìm cách làm thân, nay biếu cái này, mai tặng cái kia để lấy lòng. Lúc đầu, chính Mộc-Lan cũng nhầm, tưởng Tùng rộng rãi, tận tình với mọi người. Nhưng, khi đến đâu Mộc-Lan cũng nghe Tùng đem danh tánh những người Tùng đã tặng quà ra khoe thì Mộc-Lan mới vỡ lẻ ra!
Khi thấy phần nào bề trái của Tùng, Mộc-Lan thất vọng chứ không giận dỗi như bây giờ nàng nhận ra lòng nhỏ nhen của Tùng đối với một cụ già nghèo khó. Mộc-Lan giận lẫy, đi nhanh lên phòng ăn.
Phần vì mệt lã sau một chuyến bay dài, phần vì giận cho sự khám phá muộn màn của nàng về Tùng, Mộc-Lan ngồi thừ, chẳng muốn ăn uống gì cả. Tùng và mọi người ăn uống thỏa thuê được một lúc thì Tùng bắt đầu “mở máy”. Mộc-Lan cảm thấy cay đắng và buồn nôn khi nghe Tùng khoe Tùng đang soạn luận án cho văn bằng tiến sĩ về cơ khí. Chao ôi! Ở Mỹ Tùng khoe rằng trước 75 Tùng là luật sư, nhưng vì vượt biển sang sau, Tùng không đủ điều kiện đi học lại. Ðã vậy Tùng còn khoe trước 75 Mộc-Lan là dược sĩ. Lúc đầu mới nghe, Mộc-Lan khó chịu và hoang mang, không hiểu tại sao Tùng lại “phong” cho nàng tước hiệu đó. Về sau Mộc-Lan mới hiểu, sang Mỹ bà nào cũng làm nên được chút gì cho chồng hãnh diện – tệ lắm thì cũng tập hát karaoke vài bài để chứng tỏ mình có máu văn nghệ – đằng này Mộc-Lan chỉ thích loay hoay trong nhà, sân vườn và sở làm. Vì vậy Tùng phải sống bằng ảo tưởng chứ Tùng không thể chấp nhận được thực tại.
Bây giờ trong nhà hàng đông người này, chỉ nhản hiệu Việt-kiều thôi cũng đủ để mọi người len lén nhìn Tùng, huống chi họ còn nghe cả học lực của Tùng nữa! Tùng nhận biết được điều đó cho nên cứ lấy cớ cần cái này, gọi thêm món kia để có dịp đứng lên cho mọi người thấy. Bất ngờ Tùng thấy một nữ hướng dẫn viên du lịch người Á-Đông, đang hướng dẫn nhóm du khách ngoại quốc đến ngồi nơi chiếc bàn dài cạnh bàn Tùng và gia đình đang ngồi. Quan sát nhanh và thấy bên ngực trái bà mang bản tên Chi, Tùng biết ngay bà là người Việt-nam. Tùng quay sang Mộc-Lan:
–Mộc-Lan! Em xem bà kia trông tức cười không? Người như cái nấm búp, đít xệ như đít vịt, bấp tay to dám bằng bấp chân anh lắm đó.
–Kệ người ta.
Tuy Chi hơi đứng tuổi, không đẹp, da sạm nắng, ít trang điểm, dáng hơi thô, nhưng nói tiếng Anh rất lưu loát khiến thực khách đều quay nhìn Chi với vẻ nể trọng. Vì Chi thường đưa du khách đến dùng bữa tại nhà hàng này cho nên chủ nhân và nhân viên đều vồn vả đến chào hỏi.
Sự xuất hiện của Chi vô tình làm chìm khuất hình ảnh của Tùng trước mắt mọi người. Không chấp nhận được điều đó, Tùng lấy tờ 5 đô-la, xoay sang Mộc-Lan:
-Nè, tiền đây, em đem ra sau tặng bà cụ đi.
Mộc-Lan vô tình, cầm tiền, đứng lên. Bà Phán hỏi:
–Ði mô rứa?
–Dạ con ra phía sau thăm bà cụ ni một tý. Bà cụ ni tội dễ sợ đó, mạ!
Vừa nghe bà cụ than thở Mộc-Lan vừa nhìn lên phòng ăn. Mộc-Lan thấy Tùng vừa liết liết Chi vừa nháy nháy mắt vừa cười cười. Chi cười xã giao. Tùng bưng ly bia đưa lên, tỏ ý thân thiện. Chi cũng bưng ly nước ngọt đưa lên, cười. Nghĩ rằng Chi “chịu” Tùng rồi, Tùng bưng ly sang bàn Chi. Không hiểu Tùng nói gì mà cả nhóm du khách ngoại quốc cười rộ lên khiến mọi người đều quay nhìn Tùng. Như chỉ chờ có vậy, Tùng chụp ngay chai rượu chát trên bàn, đưa lên miệng, vừa uống vừa ủn mông nhún nhảy theo điệu Samba.
Không biết bao nhiêu lần Mộc-Lan ngượng đến “chín” người khi bất thần chứng kiến những cảnh lố lăng của Tùng và cũng không biết bao nhiêu bạn bè đã méch lại Mộc-Lan những hành vi xuẩn động của Tùng giữa chốn đông người. Mộc-Lan lựa lời khuyên ngăn. Tùng chối phăng hết. Bây giờ mục kích rõ ràng hành vi lố bịch của Tùng, Mộc-Lan vừa giận vừa mắc cở, nhưng chẳng biết phải phản ứng ra sao, chỉ đứng trơ ra nhìn, chẳng còn nghe được những lời kể lể của bà cụ. Một lúc sau, Mộc-Lan muốn trở về chỗ ngồi để may ra Tùng chấm dứt trò hề. Nhưng nghĩ lại Mộc-Lan ngại nhỡ Tùng làm điều chi quá tệ, Mộc-Lan nhịn không được thì chính Mộc-Lan lại trở thành “bà hề”, nên thôi, bậm môi đứng yên, cảm nhận được những tế bào yêu thương trong trái tim của Mộc-Lan dành cho Tùng đang dẫy chết!
Riêng Tùng, sau khi uống hết, đưa tay quẹt miệng rồi lấy tiền để lên bàn, dằn mạnh chai rượu chát lên. Cả bàn của Chi đều vỗ tay, cười. Chi khen:
–Anh tài thật, nguyên một chai rượu mà anh tu một hơi, hết sạch.
Muốn khoa trương thêm, Tùng nói lớn, bằng Anh-ngữ:
-Tôi còn nhiều tài lắm chứ uống rượu chỉ là tài mọn.
Chi tưởng thật. Vì tùng nói tiếng Anh, buộc lòng Chi cũng phải đàm thoại bằng Anh-ngữ:
-Vậy sao? Anh còn tài gì nữa?
Tùng đưa từng ngón tay lên, đáp:
-Tài đàn, hát, đóng kịch, chơi thể thao, làm thơ. Tôi xuất thân trường quốc gia âm nhạc và làm thơ cùng thời với Nguyễn-Tất-Nhiên!
-Bút hiệu anh là gì?
–Tôi làm thơ nhiều lắm nhưng vì tính không háo danh nên không phổ biến. Bây giờ bận quá, chỉ còn hát lai rai chơi thôi.
Nghe đến đây Mộc-Lan vừa uất vừa giận vừa tức cười; vì ngày xưa chính Tùng cũng đã khoe ẩu với Mộc-Lan như vậy mà Mộc-Lan tin! Bây giờ Mộc-Lan nghe cả bàn nhao nhao:
-Hát cho nghe đi!
Khoe ẩu, không ngờ bị yêu cầu,Tùng tìm cách né:
-Ðể hôm nào có dịp gặp lại, tôi trổ tài cho mà thưởng thức. Bây giờ đàn không có, micro cũng không, mà lại có bà nhà tôi, bả không thích.
Chi ngạc nhiên:
–Ủa, anh đa tài, đáng lý chị ấy nên hãnh diện chứ tại sao lại không thích?
-Tôi thuộc loại con nhà giàu, đẹp trai, học giỏi mà còn trổ tài ra nữa thì bao nhiêu phụ nữ đều chết mê chết mệt hết, làm sao bà nhà tôi chịu được. Vã lại, bà nhà tôi không biết tý văn nghệ văn gừng gì hết, tôi trổ tài trước mặt bà ấy, bà ấy mặc cảm, tội nghiệp”.
-Anh quả thật là một người chồng thương vợ thật lòng và cư xử với vợ hết sức tế nhị.
Không ngờ câu chuyện biến chuyển theo chiều hướng không thuận lợi cho Tùng, Tùng chuyển đề tài:
–A, thích bói toán không? Tôi còn có tài chấm số tử vi nữa đó.
Người đàn bà nào lại không thích xem tướng số, Chi mừng rỡ:
–Hay quá! Ðây, đây, anh xem giùm.
Tùng nắm bàn tay Chi:
–Bàn tay mềm mại như vầy là bàn tay của một người thông minh, nhạy cảm, đa năng, đa hiệu trên nhiều lãnh vực. A, tuổi con gì? Cho biết tuổi thì mới nói chính xác hơn”. Chi lắc đầu: “Dạ, không biết tuổi, chỉ biết là sinh năm 19… thôi.
Dĩ nhiên là Tùng không thể xem chỉ tay được cho nên Tùng “tán” bằng cách khác:
-Từng này tuổi mà trông cứ phơi phới như vầy thì có người đàn ông nào chịu cho được!
Biết gặp phải người đàn ông trơ trất, Chi rút tay về. Tùng tiếp:
-Ngày trước Chi học trường nào mà tiếng Anh nói như Mỹ vậy?
-Dạ, trường Thoại-Ngọc-Hầu, Long-xuyên.
Chưa bao giờ Tùng về miền Tây, vậy mà Tùng dám phịa:
–Nữ sinh Thoại-ngọc-Hầu ai cũng đẹp cả. Hồi đó tôi thường đi ngang Thoại-Ngọc-Hầu để ngắm người đẹp mà đâu biết Chi học ở đó. Tôi mà gặp Chi lúc đó thì đỡ cho đời tôi biết bao nhiêu!
-Anh đùa vậy nhỡ vợ anh nghe được thì sao?
Tùng đứng thẳng lên, mắt liết nhanh về bàn, xem Mộc-Lan trở lại chưa. Không thấy Mộc-Lan, Tùng tỏ ra thân mật:
–Vợ anh đâu, Chi chỉ xem?
-Bà cao cao, lúc nãy đi thăm ‘bà cụ tội dễ sợ’ đó chứ gì! Trời! Ðàn bà nói tiếng Huế nghe dễ thương sao đâu!”
Tùng nhìn Chi âu yếm:
-Tiếng Huế nghe ỏng ẹo chứ làm sao ngọt ngào bằng tiếng Nam của Chi được. Anh với bả không hạp nhau nên sống như bạn thôi. Anh chưa bỏ bả vì anh ngại Má anh buồn!
Nghe đến đây Mộc-Lan bỗng rùng mình như có sự ghê tởm nào to lớn lắm đang phủ chụp cả người nàng! Thì ra mấy mươi năm qua Mộc-Lan đã hôn hít, ôm ấp một quái nhân nhiều lưỡi! Lúc này Mộc-Lan mới nhận biết những gì từ trước đến nay bạn bè thì thầm với nàng về Tùng là có thật! Mộc-Lan không nhịn thêm được nữa, nét mặt hầm hầm bước lên cùng với tiếng báo động của bà chị của Tùng:
-Tùng! Tùng! Chết cậu rồi! Con Lan trở lên kìa!
Mộc-Lan hớp một ngụm nước để dằn cơn giận. Lúc này Mộc-Lan mới hiểu tại sao có nhiều phụ nữ, nơi chốn đông người, thường nói như “xác muối” vào mặt chồng! Cũng lúc này Mộc-Lan mới nghiệm ra rằng: Có những loài côn trùng phải sống trong môi trường thích hợp với nó; nếu mình thương quá, đem nó đến một nơi khác – dù tốt hơn – nó vẫn không thể sống được!
Trở về bàn, Tùng cười gượng, giả lả với Mộc-Lan:
–Lúc nãy em khen bà hướng dẫn viên nói tiếng Anh khá. Nhưng mấy con đầm Úc nói nhiều chữ bả nghe không kịp nên anh phải sang giúp bả. Tụi Úc nghe anh nói tiếng Anh hay quá nên đòi anh nói về nước Mỹ cho tụi nó nghe.
Mộc-Lan chán nản lắc đầu!
********
Tùng và Mộc-Lan về đến Cali vào một tối tàn Thu. Tùng đứng đợi lấy hành lý trong khi Mộc-Lan vào toilet. Lúc trở ra Mộc-Lan thấy Tùng đang nói chuyện với một người quen, nhưng sao gương mặt Tùng trông có vẻ cau có. Ðến gần Mộc-Lan nghe giọng Tùng:
-Anh nói giùm với nợ anh một tiếng. Vợ anh biết tính tôi mà. Tôi chỉ vì bạn bè thôi; còn tiền bạc đối với tôi không nghĩa lý gì cả.
-Ðối với anh tiền bạc không nghĩa lý gì cả thì anh lo thanh toán cho bà nhà tôi đi; để lâu quá, bả cằn nhằn tôi chịu không nổi!
Tùng đáp rất thật:
–Tôi mượn tiền của anh chị là để cho thằng Dũng mượn; nó chưa chịu trả cho tôi, lấy đâu tôi trả cho anh?
Mộc-Lan hiểu Tùng nói thật. Tùng lỡ khoe ẩu, khi bạn mượn, mặt mũi nào Tùng bảo rằng Tùng không có, thôi, Tùng đành xoay mỗi nơi một ít rồi cho bạn mượn để chứng tỏ với mọi người rằng Tùng quả thật giàu có và Tùng luôn luôn tốt với bạn bè. Lúc đầu Mộc-Lan thầm phục Tùng, vì nghĩ rằng Tùng tốt bụng, rộng rãi với mọi người. Nhưng sau khi nghe Tùng gặp ai cũng đem tên mấy người mượn tiền của Tùng ra nói và nhân đôi, nhân ba số tiền mấy người ấy mượn thì Mộc-Lan mới vở lẽ ra! Mộc-Lan hiểu như vậy nhưng người đàn ông này không hiểu:
-Anh cho ai mượn tôi không cần biết. Tôi chỉ cần anh thanh toán lẹ lẹ, để tôi đặt cọc mua thêm một tiệm giặt.
-Bạn bè, anh làm khó tôi chi vậy? Khi có tiền, tôi đãi bạn bè ăn nhậu, có đám nào vắng anh không? Sao những lúc đó vợ chồng anh khen tôi là người tử tế, người hào phóng?
–Khổ là khổ ở chỗ đó! Khi anh lấy tiền của vợ con anh, anh ‘rải’ cho mọi người thì mọi người bảo rằng anh hào phóng, anh chịu chơi. Nhưng khi anh mượn tiền của một người nào đó để ‘rải’ thì người đó sẽ bảo là anh dại!
Tùng chưa kịp sừng sộ, Mộc-Lan đã bước ra phía trước, cố ý cho cả hai người đàn ông thấy sự hiện diện của nàng.
Trên đường ra bãi đậu xe, Mộc-Lan vẫn lặng yên, dù sự chán chường trong lòng nàng đã lên đến cực điểm! Ngày xưa, mỗi khi Tùng đổ nợ, Mộc-Lan vặn hỏi lý do, Tùng cũng chỉ một lập luận đổ lỗi cho nàng:Tại vì nàng làm Tùng buồn, Tùng mới đi chơi, thành ra đổ nợ; hoặc là vì nàng về thăm cha mẹ lâu quá, Tùng nhớ nàng, Tùng phải đi chơi giải buồn, v. v. Lúc đầu, vì ngây thơ, khờ khạo, nghĩ rằng Tùng nói thật cho nên lòng Mộc-Lan cứ áy. Về sau Mộc-Lan mới tự hỏi nàng lấy chồng để nương tựa tấm thân hay là nàng lấy chồng để trở thành một người làm nghề canh giữ chồng? Có khi Tùng lại bảo vì nàng thờ ơ lạnh lùng với Tùng, Tùng xuống tinh thần, gặp lúc mấy người bạn rũ rê hoài, từ chối họ buồn. Mộc-Lan không hiểu tại sao Tùng không tự đặt câu hỏi vì sao Mộc-Lan thờ ơ, lạnh lùng với Tùng? Có người đàn bà nào còn nồng nàn, ấp yêu được một người đàn ông mà lúc nào người đàn ông ấy cũng rắp tâm phản bội mình? Bất cứ lúc nào Tùng cũng muốn làm vui lòng mọi người; nhưng một người thương yêu và sống trọn vẹn với Tùng suốt mấy mươi năm thì Tùng chỉ đem đến những đớn đau, ê chề!
Xe chạy trên xa lộ. Từ xa lộ, nhìn thành phố ngập ánh đèn phía xa, lòng Mộc-Lan trầm hẳn xuống; vì nàng chợt nhớ đến những đoàn ghe câu mực trong những vùng biển lặng bên quê nhà. Bên quê nhà thương yêu đó, phụ nữ được uốn nắn chỉ để “nâng khăn sửa túi” người đàn ông, để rồi “trong nhờ, đục chịu!” Tại sao đục thì phải chịu mà người đàn bà không lìa xa bến đục để tìm bến trong? Một mình người đàn bà không thể tạo ra đàn con. Vậy tại sao chỉ đòi hỏi một mình người đàn bà phải hy sinh cho đàn con? Vả lại, với những ấn tượng không mấy tốt đẹp do người Cha để lại trong lòng đàn con, liệu đàn con có hạnh phúc hay không khi thấy Cha Mẹ cứ phải chịu đựng nhau? Tại sao Cha Mẹ cứ tạo cho con gái ý tưởng cứ nhịn nhục, một ngày nào đó chồng sẽ ngó lại. Ngày đó là ngày nào? Ngó lại để làm gì khi người đàn bà không còn xuân sắc nữa? Vợ chồng lúc trẻ có tình thì về già mới có nghĩa. Còn người chồng, khi vợ trẻ đẹp mà chồng còn bội bạc, dối gian, lừa đảo, làm thế nào tin được rằng khi người vợ về già thì người chồng sẽ có nghĩa? Tại sao xã hội mình cứ buộc “gái chính chuyên một chồng?” Thế thì câu “Ði với Bụt mặt áo cà-sa. Ði với ma mặc áo giấy” để ứng dụng vào trường hợp nào? Mộc-Lan cười gằn một cách mỉa rồi sửa lại: “Gái chính chuyên…ôm sầu!”
Mộc-Lan suy nghĩ miên man và chợt nhận ra rằng Tùng chưa bao giờ và không bao giờ yêu Mộc-Lan như khi xưa Tùng đã thề thốt. Tùng cũng chẳng yêu ai. Tùng chỉ yêu cái “tôi” của Tùng thôi!
Vào đến nhà, vừa để va-ly xuống, Mộc-Lan ngồi vào xa-lông, gọi khẽ:
–Anh Tùng.
Ðang bước vào phòng ngủ, nghe tiếng Mộc-Lan, Tùng dừng lại: “Gì?” Giọng Mộc-Lan rất trầm tĩnh, không gợn chút hờn giận nào cả:
–Em nhận thấy rằng em không thể sống với anh được nữa!
Tùng thoáng giật mình, vì chưa bao giờ Mộc-Lan dám đưa ra một quyết định như vậy! Nhưng Tùng vội xử dụng sở đoản của chàng:
-Anh không hiểu anh đã làm gì sai quấy mà suốt thời gian về thăm Mạ anh em cứ lầm lầm lì lì, làm Mạ không vui. Anh chưa kịp trách em về hành động thiếu suy nghĩ của em thì em lại giở giọng không muốn sống với anh nữa. Em gặp thằng nào hạp nhãn rồi, phải không?
-Thôi, không đôi co, không giải thích nữa. Em mệt mỏi quá rồi! Em chỉ muốn sống một mình.
–Vậy chắc là ghen với mụ Chi mập xịt làm hướng dẫn viên du lịch chứ gì? Ghen sao mà ghen kỳ cục. Người ta không bằng một góc của mình; vả lại chồng chỉ sang giúp người ta vài câu tiếng Anh mà cũng ghen.
–Mấy mươi năm qua, hai tay em dâng anh bát nước đầy, anh đã đá cho đổ đi; bây giờ hốt lại không được nữa đâu!
-Bây giờ cô muốn gì?
Mộc-Lan đã nhìn thấu bề trái của Tùng. Sự thất vọng, niềm đau khổ và nỗi chán chường trong lòng đã đến giai đoạn bảo hòa, Mộc-Lan vẫn giữ được thái độ bình thản:
–Em chỉ không muốn sống với anh nữa.
Lúc nào Tùng cũng nghĩ, ngày xưa Tùng “bán trời không mời Thiên-lôi” và bà Phán cay nghiệt với Mộc-Lan biết dường nào mà Mộc-Lan không ly dị thì bây giờ không lý do gì Mộc-Lan bỏ chàng cả! Vả lại, với số tuổi này, ly dị Tùng ra Mộc-Lan lấy ai? Thêm nữa, nếu ly dị, một mình Mộc-Lan không thể trả nổi tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm, v. v…Vì vậy Tùng “tố” ngược:
–Ðược. Em không muốn sống với anh nữa thì anh đi.
-Vâng. Bao giờ anh đi?
Ý da! Tưởng tố ngược Mộc-Lan sẽ lùi, không ngờ Mộc-Lan lại tỏ ra thúc bách, Tùng đổ quạu:
–Em đuổi thì anh đi ngay.
Hai hôm sau Tùng gọi điện thoại về:
-Anh đang ở nhà thằng Nick. Em ghi địa chỉ và điện thoại, có gì thì liên lạc.
Mộc-Lan đáp tỉnh queo: “Thôi”. Tùng hỏi gằn:
–Sao lại thôi? Ít ra cũng ghi điện thoại nhỡ emergency thì gọi chứ.
-Mấy mươi năm ở trong phòng cấp cứu, gọi hoài không ai tiếp cứu; chừ ra khỏi phòng hồi sinh rồi, gọi chi nữa cho phiền!
… Sự việc là như vậy. Nhưng sau khi Bách xếp album lại, Mộc-Lan không hiểu nên kể cho Bách nghe hay là đợi khi các con về đông đủ. Rồi Mộc-Lan lại nghĩ, dù nàng có trình bày trung thực đến thế nào đi nữa, những người trẻ lớn lên ở đây cũng không thể nào hình dung được những gì mà nhiều thế hệ phụ nữ Việt-Nam đã gánh chịu! Thật lòng, Mộc-Lan chỉ mong sao tất cả phụ nữ Việt-Nam cố tạo được một cuộc sống tự lập, một tinh thần sáng suốt để khỏi cam phận “Chim quyên ăn trái khổ-qua; nuốt vô sợ đắng, nhả ra bạn cười!”
Thật ra chẳng ai nở cười những người nhầm lẫn trên đường tình; người ta chỉ cười những người lợi dụng tình yêu của một người rồi bội phản người đó thôi.
Chẳng hiểu Mộc-Lan nghĩ gì, Bách đứng lên, tỏ ý muốn về. Tiễn Bách ra xe, trong khi Bách tra chìa khoá vào tay lái, Mộc-Lan vỗ vỗ vào vai Bách:
-Măng biết con yêu thương Thủy-Tiên và Thủy-Tiên cũng thương yêu con rất nhiều. Nhưng suốt thời gian hai con sống chung với Ba Măng, Măng nhận thấy con có chiều hướng đi theo con đường của Ba. Và Thủy-Tiên cũng đã nhiều lần tỏ thái độ chống đối. Con nên biết, con đường của những người như Ba không sáng sủa gì đâu!
Bách cười:
-Măng này! Thủy-Tiên không lo tại sao Măng lo?
– Măng chỉ muốn cho con biết rằng, nếu con nghĩ, một ngày nào đó Thủy-Tiên cũng sẽ cam phận như Măng thì con nhầm. Con đường một chiều của phụ nữ Việt-nam đã tận cùng rồi!
Bách vừa lui xe vừa cười. Mộc Lan vẫy tay: “Bye, con!”
***
(1) Người Tình Trăm Năm của Đức Huy
(2)Missing You của LEONARD, CHRISTOPHER WILLIAM