Anh mỉm cười, nghĩ đến câu trong sách thánh hiền: Phu Xướng Phụ Tùy.
Không biết anh chàng kiếm được pho tượng ở đâu mang về. Chị vợ thấy chồng sập cửa xe, khệ nệ mang gói giấy lẫn bao nylon vào nhà, áo khoác xệ xuống vai, vội chạy ra đỡ. Chồng thở dốc, hơi nước đọng hai bên cánh mũi phập phồng:
‘Coi chừng! Coi chừng nó gẫy bây giờ.’
Chị vợ tròn con mắt:
‘Cái gì gẫy?’
Chồng quệt mồ hôi, không nói. Anh chàng loay hoay mở đống giấy báo nhàu. Chị vợ ghé vào, dáng háo hức hơn trẻ lục quà mẹ đi chợ về. Từ đống giấy lòi ra một khúc sắt đen. Chị kéo vội lên. Khúc sắt hiện nguyên hình pho tượng đen xù xì hình anh chàng vận động viên đóng khố, choãi chân đứng trên bệ đá mẻ. Chị tiu nghỉu:
‘Tưởng gì…’
Anh chồng gắt:
‘Em biết gì. Nó bằng đồng đen đó. Quý lắm.’
Anh ta giảng giải thêm:
‘Em không biết chứ đồng đen nó quý như vàng đó nghe. Thứ này đáng cả bạc ngàn. Anh trả hoài thằng cha bán hàng nó mới chịu bán cho mình hai trăm hai.’
Chị vợ lớn giọng:
‘Sao anh biết nó là đồng đen.’
‘Thì… thì nó đen. Nó nặng như thế này thì đâu phải là sắt. Với lại thằng cha bán hàng nó nói…’
‘Ai tin được mồm miệng mấy đứa bán chợ trời.’
‘Thằng cha ấy đâu có phải là dân chợ trời. Tụi chợ trời chuyên nghiệp đứa nào cũng có đầy một sạp hàng. Ðằng này nó có mỗi một chiếc sạp con. Bức tượng là đồ cũ của nhà nó mang bán mà. Em không thấy nó gẫy ngón tay sao?’
Bấy giờ chị ta mới nhìn thấy bàn tay phải pho tượng cầm chiếc đĩa đưa ra phía sau, trong tư thế ném đi, chỉ có bốn ngón giống bàn tay của những con thú trong phim hoạt họa Walt Disney. Chị tru tréo:
‘Trời ơi!!’
Anh chồng đấu dịu:
‘Có gẫy ngón tay nó mới bán cho mình giá đó bà à.’
Chị vợ được thể càng lên nước:
‘Em không biết đâu. Anh làm gì đó thì làm.’
Anh chồng tiu nghỉu. Nỗi vui giảm đi hơn một nửa. Anh ta vào phòng tắm, hý hoáy rửa bức tượng, chăm chút như tắm cho bé sơ sinh. Xong anh mang ra vườn sau nhà, loay hoay tìm chỗ đặt.
Vợ theo ra, bảo:
‘Này! Anh để ngoài đó nó sét ra thì uổng tiền không!’
‘Ðã bảo là đồng đen mà. Ðồng nó đâu có bao giờ sét. Em xem mấy bức tượng bán thân đồng đen ngoài công viên kìa. Người ta để trơ trơ giữa trời cả chục cả trăm năm có sao đâu.’
Chị vợ ngán ngẩm quay vào nhà, bỏ mặc anh ta tâng tiu bức tượng, chùi rửa sạch sẽ, đặt lên chiếc bàn đá nhỏ trong căn nhà hóng mát ngoài vườn. Chị nghĩ thầm: thế là đi tiêu mất mấy trăm bạc. Toi của. Chị quên mất là hai vợ chồng nửa năm trước, lúc trúng mối buôn hàng, vừa bàn với nhau bỏ ra mấy chục ngàn cất thêm căn nhà mát ngoài vườn thật hách – cho thằng Phát nó hết lên mặt – dù chị biết hai vợ chồng suốt năm đầu tắt mặt tối với công việc – chồng gí mắt vào mấy mối hàn, vợ chúi mũi vào bàn máy may, chẳng mấy lúc có thời giờ ra phơi nắng, hay phơi gió ngoài đó.
Pho tượng từ ngày có chủ mới thường là đầu mối câu chuyện mỗi lần bạn đến thăm. Người nào cũng trầm trồ khen, mặc chị vợ lườm nguýt.
Nhưng cũng có người bảo:
‘Sao anh không thử xem nó có phải là đồ thực không?’
Anh chủ nhà, và chủ bức tượng gân cổ cãi:
‘Thử thế nào được. Họa may mang ra tiệm kim hoàn cho họ thử, mất mấy chục như không.’
Anh bạn cố bảo vệ ý kiến của mình:
‘Anh không nhớ hồi xưa người ta đồn rằng chính phủ hết cả nhôm, phải làm tiền cắc một đồng bằng cạc tông. Ấy vậy mà có ai dám bỏ một đồng ra thử không nào. Cứ đồn quanh đồn co. Mình mất công thử một lần, lấy được cái chứng chỉ nó là đồ thật, thì bố đứa nào dám cãi nữa.’
Người bạn đi cùng chờ anh chủ nhà quay đi, rỉ vào tai anh ngồi cạnh:
‘Cái anh này. Anh có nghe người ta nói là uống nước Coca Cola hại bao tử không. Người nào cũng nói là nếu đem bỏ một miếng thịt bò vào ly Coca, đến sáng miếng thịt tiêu mất. Vậy mà không ai dám thử. Ở đời ai cũng vậy cả. Có thịt bò và Coca là cứ dọng vào miệng hết, quên cả việc đi tìm chân lý.’
Chị vợ ngồi gần đó, nguýt cả hai. Mặt anh chồng xịu xuống. Anh ta biết mình có thể mất một số bạn, nhưng bất cần. Sẽ có những người khác đến tìm anh kết thân. Anh chỉ buồn thấy bất cứ chuyện gì cũng có thể bị người ta mang ra châm chích.
***
Một buổi sáng chủ nhật trời lên nắng sớm, theo như lệ thường, anh chồng lách cách đun nước nấu trà. Anh định mang trà ra vườn uống, ngắm pho tượng đứng cả đêm dầm sương mà vẫn chưa chịu ném chiếc đĩa đi. Ấm nước chưa sôi, anh ta đã la toáng lên:
‘Chết cha! Ai ăn trộm cái tượng rồi!’
Anh tông cửa sau ra vườn ngó dáo dác. Trận mưa buổi tối đã xóa sạch những dấu chân in trên cỏ, nếu quả thực có người bước vào sân sau. Vườn có rào gỗ bọc kín, con thỏ chui chẳng lọt, chẳng lẽ pho tượng có cánh bay sang Hy Lạp được. Vợ nghe chồng gọi, hớt hải chạy ra, tóc còn xổ xuống vai chưa chải. Anh chồng dậm chân than trời trách đất, lục tìm trong bãi cỏ, bới tung giậu cây hàng rào. Vợ an ủi:
‘Thôi có gì nói bảo hiểm nó đền cho. Ðã bảo anh để trong nhà mà không chịu nghe, để bây giờ kêu.’
Chồng tắc lưỡi:
‘Lúc mình mua đâu có giấy tờ hóa đơn gì, làm sao nói cho nó tin. Mà hồi đó anh mua rẻ mà. Bây giờ có tiền cũng không sao kiếm được nữa.’
‘Thì anh khai đại ăn trộm vào lấy mất luôn cả bộ ghế ngoài vườn nữa. Em còn cất biên lai trên lầu, để em lên coi lại. Mình mới mua bộ ghế chưa đầy nửa năm mà.’
Chồng nghe lời bàn, nguôi ngoai, nhưng vẫn bứt tóc. Buổi trà sớm thành ra bỏ dở, nguội ngắt. Bữa ăn sáng hai người ngó ra hai phía. Cũng may hãng bảo hiểm không làm khó dễ, hai vợ chồng đã định mang bộ ghế gửi nhà người quen chờ thủ tục bảo hiểm xong sẽ mang về, nhưng hãng cho biết những vụ nhỏ nhặt như vậy không bõ công cử người đến kiểm tra. Chỉ cần một tờ khai, và bản sao hóa đơn, kê khai giá cả. Hai tháng sau tiền vào trương mục đầy đủ. Vợ mừng vì số tiền chồng bỏ ra mua pho tượng giờ đã sinh thêm ngoài một trăm phần trăm lãi, hơn mua cổ phần. Chồng có tiếc cũng đành đổ tại số trời. Vả lại năm nay năm hạn của cả đôi, lịch tử vi đã ghi rành rành, thôi thì của đi thay người vậy.
Câu chuyện pho tượng đồng đen chưa dứt. Nó trở thành một đề tài thỉnh thoảng được mang ra kể cho bạn bè nghe. Chị vợ suýt soa:
‘Tiếc thật. Cái tượng đáng giá cả nghìn đồng, anh ấy mua rẻ có một trăm mấy, bây giờ bảo hiểm nó đền mấy cũng lỗ nặng.’
Bạn hỏi:
‘Thế cảnh sát có tìm được ai không?’
Chị ta dài miệng:
‘Còn tìm làm sao được. Ðứa nào lấy hẳn nó cũng biết là của quý. Nó cất kỹ, mười năm nữa đem bán đấu giá ai biết đó là đâu, còn lời dữ nữa.’
Chỉ có anh chồng biết được nguồn cơn. Cũng tại thằng bạn gieo mối ngờ vào đầu anh bằng câu chuyện đồng tiền cạc tông và ly Coca Cola có sức bào mòn miếng thịt bò. Và bào luôn cả niềm tin sắt đá của anh vào pho tượng quý như vàng ấy. Một buổi sáng uống trà, ngắm mãi pho tượng cụt ngón, anh chàng bứt rứt, chịu không nổi, săm soi xem lại chỗ tay gẫy. Anh ta chợt hoảng. Từ ngón tay gẫy lờ mờ hiện ra vết hoen rỉ. Tưởng vướng bụi, anh mang ra chùi. Bỗng nhiên anh xây xẩm mặt mày. Chạy vội vào trong nhà, nhưng chẳng biết phải làm sao. Bỗng một tia sáng loé lên. Ừ nhỉ! Mình lấy nam châm thử xem nó có hít không. Nam châm chỉ hút sắt chứ đồng nó chê. Có vậy mà nghĩ không ra…
Anh ta nhào vào nhà kho, lục tìm trong đống kìm búa chất đầy một góc. Không thấy. Ngó dáo dác, anh chợt nhớ ra rằng trong chiếc loa nào cũng có một cục nam châm khổng lồ. May anh ta còn cặp loa của giàn máy nhạc cũ, vất lỏng chỏng trên giá gỗ. Anh vội vàng giựt bung nắp sau, bê ra vườn. Pho tượng cổ được dịp tiếp cận với nền văn minh điện tử hiện đại…
‘Bỏ mẹ rồi!!!’
Anh ngồi thừ ra, choáng cả người…
Tối đó anh lẳng lặng lẻn ra sau, thủ pho tượng vào bọc rác, lận trong áo choàng, len lén ra lối cửa sau, đi một khoảng đường đến thùng rác công cộng của chung cư gần đó. Hôm sau là ngày đổ rác của cả khu. Một tuần nữa pho tượng tội lỗi sẽ thành một khối sắt méo mó trong lò đốt vật liệu phế thải. Xong chuyện, anh phủi tay, về nhà, mở truyền hình xem, bỗng thấy lòng nhẹ đi một nửa. Anh tủm tỉm nhớ tới lời Phật giảng trong kinh: cứ bo bo giữ của chỉ thêm nặng lòng. Anh cảm thấy đường đến Niết Bàn ngắn hẳn đi một khúc.
Nhưng anh không ngờ việc quẳng pho tượng đi lại mang đến một đoạn kết anh không thể đoán trước được. Vợ anh tự dưng tin bức tượng bằng đồng đen thực, trong khi anh tỉnh ngộ, biết là của giả. Nhưng thôi, thú tội nhiều khi chỉ mang đến đay nghiến. Anh mỉm cười, nghĩ đến câu trong sách thánh hiền: phu xướng phụ tùy.
Thì ra những hành động phá hoại có khi lại mang đến kết quả tốt đẹp không ngờ.