main billboard

Chuột là một con vật chuyên nghề gậm nhấm rất giỏi. Mèo là tên gọi một loài thú nhỏ nuôi để bắt chuột trong nhà. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại.

chuot meoChuột là một con vật chuyên nghề gậm nhấm rất giỏi. Mèo là tên gọi một loài thú nhỏ nuôi để bắt chuột trong nhà. Đa số khi nói đến chuột là người ta nhắc đến mèo, và ngược lại. Mèo và chuột kết hợp với nhau lại thành một trò chơi dân gian Việt Nam đã được lưu truyền từ rất lâu đời, mang tính tập thể, giúp giáo dục cũng như tăng tính đoàn kết cho các lứa tuổi học sinh nước ta. Đó là trò chơi “Mèo đuổi chuột”.

Ấy vậy mà người đời lại còn định nghĩa “mèo” là gái nhân tình. “O mèo” là tán tỉnh để bắt nhân tình và “mèo mỡ” hay “mèo chuột” là quan hệ trai gái bất chính. Thế là chú chuột chỉ vì dính với chú mèo mà bị coi là xấu xa, tội lỗi, gian tà dâm đãng. Có tự điển còn ghi thêm “giở trò chim chuột” là "to indulge in love-making!" Chuột lại vẫn mang tiếng liên quan tới chuyện “làm tình” nữa! Chuột phải kêu Trời: “Tôi hổng có như vậy! Oan ơi ông Địa!”.

Trong hầu hết các tôn giáo, tình dục và trinh tiết đều được xem là thiêng liêng. Khác với hành vi giao phối mang tính dục vọng bản năng ở loài vật, hoạt động tình dục của con người còn bao hàm tinh thần nghĩa vụ với người bạn đời của mình, với cả gia đình và xã hội nữa.

Trong Thiên Chúa giáo, trong Mười điều răn của Thiên Chúa có ghi là: “Chớ làm sự gian dâm… Chớ ham muốn vợ chồng người”. Tội ngoại tình bị coi là gian dâm là hành vi đi ngược lại sự công chính của nước Trời. Chúa Giêsu xếp tội này như là điều xấu xa nhất xuất phát từ lòng dạ con người, làm con người bị ô uế.

Trong Phật giáo, đối với người tại gia, Ðức Phật khuyên giữ năm giới. Trong năm giới đó có giới: “không tà dâm”. Ai phạm giới này là tự đào bỏ mất thiện căn của mình, bỏ mất đi cái gốc lành, rồi tự đào hố chôn sâu gốc rễ của mình vào vòng trầm luân, bám chặt, dính mắc vào kiếp sống sinh tử luân hồi, không bao giờ thoát ra khỏi thế gian đầy đau khổ này. “Không tà dâm” là không được lấy vợ hay lấy chồng của kẻ khác. Nếp sống tình dục lang chạ bừa bãi của con người sẽ phá hoại thiết chế gia đình. Đức Phật dạy: “Kẻ ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, tất bị họa cháy tay. Kẻ say mê sắc dục như cá nuốt lưỡi câu, như thiêu thân bay vào đèn, tự dấn thân vào chỗ chết mà không hay biết.”

Vào thời Quân chủ trước kia, sau khi chồng chết nhiều tiết phụ sống trong cảnh mẹ góa con côi, gánh vác hết mọi công việc của chồng, tần tảo nuôi con cho thành nhân, không tái giá. Tiếng đồn vang xa. Những bà vợ thủ tiết, thờ chồng, nuôi con như thế sẽ được nhà vua khen thưởng ban cho ấn chiếu có ghi bốn chữ “Tiết Hạnh khả phong.”

Thời nay hình như từ Đông sang Tây mọi chuyện thay đổi gần hết. Nhiều khi người bạn đời hãy còn sống sờ sờ ra đó mà chuyện “ngoại tình” đã xảy ra rồi. Đa phần là lén lút, giấu giếm. Khi chưa “cháy nhà ra mặt chuột”, chưa lộ chuyện thì câu trên phải đổi thành: “Tiết Hạnh… khả nghi!” Nhưng được cái tiến bộ là chuyện “tiết hạnh” không chỉ dành riêng để bó buộc phái nữ nữa. Cả phái nam cũng có thể bị chê trách về cái khoản lang chạ “mèo chuột” này. Chính vì thế mà trước pháp luật đã xảy ra lắm vụ tranh chấp. Cuộc vui xác thịt thường chẳng kéo dài được bao lâu nhưng sẽ gây ra nhiều hậu quả rắc rối tơ vò như câu khuyên nhủ: “Sex takes up the least amount of time and causes the most amount of trouble”.

Giới bình dân nước Việt ta trước kia không biết có dịp học luật hay không mà cũng giỏi quá chừng chừng, biết tránh né tội gian dâm khi khuyên nhau:

“Trai tân gái góa thì chơi.
Đừng nơi có vợ, chớ nơi có chồng.”

                                                                                                      oOo

Nhân nói đến chuyện “mèo chuột” người ta lại khó quên một nhân vật, đó là bà Ngô Đình Nhu (Trần Lệ Xuân). Trong thời gian làm dân biểu bà đã đưa ra Quốc Hội biểu quyết một đạo luật có tên gọi là “Luật Gia Đình”. Luật này quy định mỗi gia đình chỉ một vợ một chồng, không chấp nhận ly dị. Từ 1957, Quốc hội họp bàn sôi nổi về dự án Luật này.

Đối với tín đồ Thiên Chúa giáo thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ một chồng và không được ly dị, nên vấn đề đa thê không cần đặt ra. Nhưng dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa giáo, cho nên Luật này trên lý thuyết thì hay nhưng trong thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống của quảng đại quần chúng lúc bấy giờ. Cứ vô tư mà xét thì Bộ Luật Gia Đình là một bộ luật văn minh, đã cởi trói cho phụ nữ và đem lại sự bình đẳng giữa nam và nữ. Bộ luật này ra đời chính là để Bảo Vệ Hạnh Phúc gia đình, xóa đi cái tục lệ hủ lậu “Trai năm thê bảy thiếp. Gái chính chuyên một chồng”. Than ôi! Thời… vàng son oanh liệt rất “hoành tráng” của giới mày râu nước Việt còn đâu nữa. Chấm dứt cảnh:

“Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì.
Sao anh vội giận em chi
Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho.”

                                                                                                        oOo

Khi người chồng hoặc người vợ phạm lỗi “mèo chuột”, ngoại tình thì biện pháp giải tán hôn nhân mà người ta thường hay theo nhất là “ly dị” vì có sự bất hòa và vợ chồng không còn thấy thích hợp để tiếp tục chung sống cùng nhau nữa. Cũng có thể gọi đây là trường hợp cô đơn. Một nỗi cô đơn “đồng sàng dị mộng”, tuy chung sống dưới cùng một mái nhà nhưng hai tâm hồn lại “gửi gió cho mây ngàn bay” theo hai hướng khác nhau. Tây họ gọi là “solitude à deux” (cô đơn tay đôi). Không rõ sau khi tan hàng có bên nào hối tiếc mà rên rỉ cất tiếng hát rằng: “Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng. Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?…”

Cũng cần lưu ý rằng “ly dị” (divorce) là một từ ngữ pháp lý nói về chuyện vợ chồng chính thức có “hôn thú” hợp pháp mà bỏ nhau. Có nhiều trường hợp nam nữ cùng nhau chung sống nhưng không làm hôn thú. Tuy có yêu nhau nhưng họ đều ngần ngại cưới xin vì cùng theo quan niệm của cách ngôn Pháp cho rằng: “Yêu là bình minh của đám cưới và đám cưới là hoàng hôn của tình yêu.” Hơn nữa trong tiếng Anh thì cần lưu ý rằng ngay trong chữ “lover” (người yêu) có ẩn tàng chữ “over” (chấm dứt) rồi còn chi nữa!

Chuyện vợ chồng ở nước Hoa Kỳ này cũng bỏ nhau dễ dàng... “như thay áo”, mới nghe tưởng như giễu! Ai ngờ lại chẳng xa sự thực là mấy! “Đá mòn thì tình cũng… mòn theo” đó mà! Chứ không phải như câu hát “Thương hoài ôi ngàn năm còn đó đá mòn mà tình có mòn đâu. Tình đầu là tình cuối người ơi. Suốt đời mình nguyện cầu lứa đôi.”

Theo thống kê pháp lý vào những năm gần 2000 thì hầu như một nửa các cuộc hôn nhân trên đất Hoa Kỳ đều được chấm dứt bằng một màn ly dị. Con số này so với năm 1950 đã tăng gần gấp đôi. Chắc chắn con số thống kê mới cho những năm sau 2000 của thế kỷ 21 này sẽ phải gia tăng thêm nữa vì đó là… “chân lý” không bao giờ “nhúc nhích”! Khắp trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn là “cường quốc” dẫn đầu về mọi thứ, kể cả chuyện ly dị. Nghe nói gấp đôi nước Anh và gấp mười lần nước Nhật cơ đấy!

Cái vụ tan hàng này chắc là do ảnh hưởng từ mấy chàng “quân tử” Tàu trước kia vì mấy chàng này có quan niệm chê chuyện luyến ái nam nữ là “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”, khi mê đắm đàn bà, đàn ông kém đi cái chất oai hùng; vì thế cần coi nhẹ chuyện luyến ái. “Huynh đệ như thủ túc – Phu thê như y phục”, vợ chồng như tấm áo cái quần, không có cái này thì shopping mua cái khác, chuyện nhỏ!

Từ buổi ân ái “động phòng” cho tới khi “động tâm” vì chuyện “mèo chuột” và cuối cùng đưa tới hồi “động thủ” tay chân loạn đả nhiều khi cũng chẳng lâu la gì cho cam. Hồi nào còn cùng “ka ra ô kê” bài “Yêu ai yêu cả một đời...” vậy mà bây giờ lại chuyển giọng diễn ngâm “tao đàn” bài “Giây phút chạnh lòng” của Thế Lữ:

“Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi”.

Buồn!

                                                                                                         oOo

Theo luật pháp Hoa Kỳ thì “ly dị” (divorce). có hai hình thức: “ly dị không lỗi” (no-fault divorce) và “ly dị vì lỗi” (fault divorce).

 

“Ly dị không lỗi” (no-fault divorce): Là thủ tục ly dị trong đó người nạp đơn xin ly dị không cần phải minh chứng rằng người “phối ngẫu” (spouse) kia (tức là người vợ hay người chồng kia của mình) đã phạm vào một điều tội lỗi gì. Một số tiểu bang chấp nhận kiểu ly dị không lỗi này. Hai vợ chồng chỉ cần cùng đồng ý là mình vì không hợp nhau (get along) nữa là đủ “bái! bai!” nhau rồi!
“Ly dị vì lỗi” (fault divorce): Về mặt pháp lý thuần túy thì đa số các cuộc ly dị là do một bên vợ hay chồng phạm “lỗi”. Nguyên do ly dị vì lỗi thay đổi trong từng tiểu bang ở xứ Hoa Kỳ, nhưng nói chung là:
“Bạo hành, ngược đãi” (cruelty), tức là gây ra những sự đau đớn về thể xác hay về tinh thần cho người kia. “Bạo hành về thể xác” là “physical cruelty”. Còn “Bạo hành về tinh thần” là “mental cruelty”.
“Bỏ phế gia đình” hay “Bỏ cư sở hôn nhân” (desertion and abandonment).
Bị kết án và bị “giam giữ trong lao tù” (confinement in prison) thường là về một tội hình sự (crimes).
“Không có khả năng về sinh lý” (physical inability to engage in sexual intercourse) để có thể hoàn tất nghĩa vụ vợ chồng trong việc “chung chăn chung gối”, nếu điều này không được tiết lộ trước khi kết hôn... Đây là sự "bất lực" (impotency).
“Điên, mất trí” (insanity). Nếu bị bệnh tâm thần vĩnh viễn không thể chữa khỏi và
“Ngoại tình” (adultery).

 

Ngoại tình hoặc còn gọi là hành động “chuyển nhượng tình cảm” (alienation of affection). Đây là hành động tình dục, sự liên hệ xác thịt giữa một người đang có vợ có chồng với một người khác, khác hơn là người chồng hay người vợ của chính mình. Ngoại tình có thể vừa là một tội phạm về mặt hình sự, vừa là một lý do để ly dị về mặt dân sự, tùy theo pháp luật từng tiểu bang.

Cụ Trần Tế Xương từng phán:

“Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!”

Vì tại quê nhà có lắm “cỏ non” nên nhiều quý ông lớn tuổi nghĩ đến việc hưởng thụ, tìm những quan hệ tình cảm mới để tô điểm cho tuổi vàng “golden years” của mình được có thêm phần ý nghĩa theo đúng câu “trâu già ham cỏ non”. Cái tội ngoại tình không phải chỉ dành riêng cho người chồng, người vợ cũng có thể phạm tội chứ vì “Nam nữ bình quyền” mà! Nên nghe nói cũng có lắm “phi công trẻ” hành nghề… “lái máy bay bà già” nữa đấy. Các tay trẻ này sẵn sàng hầu hạ chiều chuộng quý bà… xồn xồn nhưng lắm bạc! Nếu cả đôi bên vợ chồng đều phạm tội ngoại tình thì cái cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem” này dễ bị tòa án bác đơn xin ly dị.

Một điểm khác là khi có chuyện ngoại tình xảy ra nếu muốn ly dị thì phải ly dị ngay. Nếu nghe lời nỉ non đường mật cho rằng

“Chuột khôn cũng thể chuột nhà
Dầu khôn dầu dại cũng là chồng em”

hoặc nghe bản nhạc “Kiếp đam mê” của Duy Quang: “…Tôi xin người cứ gian dối. Nhưng xin người đừng lìa xa tôi....” mà bỏ qua và tiếp tục chung sống hoà bình thì coi như một sự “tha thứ ngoại tình” (condonation), sau này nếu đổi ý thì không còn có quyền để nêu vấn đề ngoại tình mà đòi ly dị nữa. Nhưng nếu người “phối ngẫu” sau khi được “tha thứ” lại ngựa quen đường cũ, giở thói trăng hoa “mèo chuột” một lần thứ hai nữa thì đây là một sự kiện “mới” và lần “tái phạm” này vẫn có thể bị kiện ly dị vì ngoại tình.

Ly dị cũng còn được gọi là “ly hôn” hay “giải tán hôn nhân” (dissolution of marriage). Đây là bản án của tòa án tuyên phán một cuộc hôn nhân không còn tồn tại nữa. Tòa án hủy bỏ các trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm của hôn nhân và các ràng buộc dân sự khác. Bản án ly dị giúp cho cặp vợ chồng được phân chia tài sản, quyền giám hộ, quyền thăm viếng và trợ cấp con cái (nếu còn nhỏ) v.v… Sau đó cả hai người hôn phối được trả lại đời sống độc thân và tự do tái hôn làm lại cuộc đời.

Phán quyết ly dị của Tòa án thể hiện dưới hai hình thức:

Nếu hai bên vợ chồng thuận tình ly dị thỏa thuận với nhau giải quyết được tất cả các nội dung quan hệ vợ chồng thì toà án công nhận và ra phán quyết dưới hình thức là “quyết định”.
Nếu vợ chồng có mâu thuẫn, tranh chấp thì Tòa án ra phán quyết dưới dạng “bản án” ly dị.

 

Bọn trẻ “bái bai” nhau sau năm, bảy năm “đầu gối tay ấp” thì người ta gọi là “ly dị nóng” (hot divorce), còn quý vị cao niên hát bài ca giã từ nhau sau ba, bốn chục năm “quạt nồng ấp lạnh” thì đó là “ly dị nguội” (cold divorce). Có người triết lý: “Biết bao người đàn ông chỉ yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một người đàn bà!” Để rồi sau đó chẳng còn ca tụng “tình em như tuyết giăng đầu núi, vời vợi muôn thu nét tuyệt vời” nữa!. Khi chưa lấy nhau, Nguyên Sa bảo “em là con mèo ngái ngủ trên tay anh”. Lấy nhau rồi, em có thể biến thành một sư tử Hà Đông lúc nào chẳng biết! Thật hồi hộp quá!.Người ta còn nói: “Tuổi trẻ thì ao ước: ‘tình yêu, tiền bạc và sức khỏe.’ Một ngày kia khi về già họ sẽ ước ao: ‘sức khỏe, tiền bạc và tình yêu!’.” Kể cũng chí lí đấy chứ nhỉ?

                                                                                             oOo

Nhân dịp năm mới và tán chuyện “mèo chuột” chúng ta thử điểm qua một số chuyện ái tình và hôn nhân của một số lãnh tụ “tai to mặt nhớn” xem sao?

Tại nước Pháp thì thấy Tổng thống của nước này là François Hollande khôn quá. Chàng không bao giờ chịu ký hôn thú gì hết trơn hết trụi! Chàng đã từng lần lượt hứa đưa mấy em về… “chân trời tím”. Sau khi “gom hết mây hai đứa xây lâu đài yêu” tại điện Elysée chàng lại chơi trò “có mới nới cũ”. Chàng cho về hưu sớm hai bà vợ không bao giờ cưới của mình nay đã về già là Ségolène Royal, 61 tuổi, từng là lãnh tụ trong đảng Xã Hội Pháp, rồi đến Valérie Trierweiler, 51 tuổi, một nhà báo làm cho tờ báo nổi tiếng của Pháp, Paris Match, để tòm tem với một em sexy hơ hớ xuân xanh là Julie Gayet, 41 tuổi. Chắc chàng khoái câu ngạn ngữ Đức: “Thiếu nữ là nho tươi, gái già là nho khô”.

Các bà vợ (cũ) của Tổng thống Pháp muốn vào ở điện Elysée vì thương chàng Hollande hay chỉ muốn làm Đệ nhất Phu nhân với quyền lực tột đỉnh, với đời sống kiêu sa? Con người ta say mê quyền lực có khi còn mãnh liệt hơn tình yêu nữa. Kissinger từng đưa ra nhận xét: “Quyền lực là chất kích thích và quyến rũ đàn bà mãnh liệt hơn hết”. Với thành tích tình cảm “sống chung hòa bình” không hôn thú này François Hollande quả thật là một tay “playboy” Phú Lãng Sa thứ thiệt. (Vớ vẩn, cứ khen phò mã tốt áo mà làm chi!) Mới đây vào đầu năm 2014 chuyện của chàng bị tờ báo lá cải Closer phanh phui ra tùm lum cả. Điện Elysée lên cơn rung chuyển.

Vào tháng 1-2014, chính ông Hollande xác nhận với Valérie Trierweiler nguồn tin ông có quan hệ tình cảm thầm kín với Julie Gayet là sự thật. Valérie Trierweiler liền nổi cơn “tam bành lục tặc”, không thể kiềm chế nổi, bị khủng hoảng thần kinh cực kỳ hung hãn. Sau đó có tin là trong cơn giận dữ, bà này đã chụp những chiếc dĩa, đồng hồ xưa, chiếc bình cổ của Điện Elysée ném vào ông Hollande. Nhơn viên an ninh đã phải can thiệp để bảo vệ Tổng thống. Công ty Động sản Quốc gia (Mobilier National) được Elysée gọi tới khẩn cấp để tu bổ đồ đạc bị hư hỏng ước tính sự thiệt hại phải lên tới 3 triệu euros. Đó không phải là tài sản của riêng ông Hollande, mà là tài sản quốc gia. Sau đó Valérie Trierweiler ra một cuốn sách, tựa đề “Cám ơn thời hạnh phúc ấy” (Merci pour ce bon moment). Nàng kể chuyện tình ái giữa nàng và ông Tổng Thống, luôn tiện “tố cáo” tất cả tính xấu của ông. Trước để trả thù, sau tiện thể làm ăn kiếm “tí tiền”. Tại Pháp cuốn sách này bán rất chạy, chỉ mới ba tháng đầu, mà bán sơ sơ đã 600,000 cuốn rồi. Tác giả có khoảng cả triệu tiền huê hồng. Đấy là chưa kể từ nay sách sẽ được dịch ra đủ thứ tiếng!

Đây không phải là lần đầu tiên chuyện tình cảm của một lãnh đạo Pháp chuẩn bị sắp đi thăm viếng ngoại giao nước Mỹ khiến Nhà Trắng đau đầu. Năm 2007, Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy từng bất ngờ tuyên bố ly dị người vợ thứ hai, Cécilia Attias, chỉ vài tuần trước một chuyến công du chính thức thăm Washington. Chương trình tiếp đón cả hai vợ chồng “quốc khách” nay phải thay đổi vào giờ chót. Thật phiền hà!

Riêng Tổng thống Pháp Félix Faure (sinh năm 1841) nổi tiếng về số bồ đông đảo. Ông phải cho làm một con đường hầm dẫn vào điện Elysée để các bà bồ ra vào kín đáo hơn. Qua đời vào năm 1899, lúc mới 58 tuổi, ông còn nổi tiếng là “hiệp sĩ chết trên lưng ngựa” trong khi đang cùng nhau làm tình trong văn phòng với cô đào Marguerite Steinheil mới 30 tuổi (died suddenly while engaged in sexual activities in his office). Cái chết của ông một thời làm sôi nổi báo chí Pháp. Nhân đó người ta nhớ lại là Vua François 1er từng có một câu nói để đời, có lẽ câu này đã gây ảnh hưởng mạnh đến các vị Tổng thống và chánh khách Pháp trong các thế hệ sau đó. Ông vua này nói: “Cung điện mà không có đàn bà (hoặc tình nhân hay cung phi) thì cũng giống như khu vườn trong hoàng cung mà không có bông có hoa vậy”.

Tại nước Cờ Hoa thì chuyện về chàng Tổng Thống Bill Clinton cũng hấp dẫn không kém. Ai cũng biết tội “mèo chuột” khó chứng minh được trước tòa án khi “dâm vô tang, đạo vô tích”, khó bắt được quả tang chuyện “trai trên gái dưới”, chuyện... “ma ăn cỗ”, trừ khi chính các con “ma” đó sau khi “ăn cỗ” linh đình cùng nhau xong lại không chịu chùi mép mà còn viết sách, viết hồi ký để hào hứng tường thuật lại nội vụ thì không kể.

Thật vậy! Cứ theo rõi chuyện người đẹp Gennifer Flowers vào năm 1995 viết sách lấy tựa đề giật gân là “Passion & Betrayal” (Đam mê và Phản bội) thì rõ ngay. Người đẹp viết sách kể lại những chuyện hào hứng của mình với ngài Clinton. Nàng vốn là ca sĩ kiêm ký giả đã yêu chàng từ khi chàng chưa làm Tổng Thống, mà còn là Bộ Trưởng Tư Pháp của tiểu bang mà thôi. Chàng thường hay lân la đến căn phòng của nàng để... “giao du thân mật”, dù chàng “ván đã đóng thuyền” (nhiều người quá bi quan nên sửa lại là “ván đã đóng hòm”) với bà vợ cũng là một thày kiện!

Là gốc thày kiện Mỹ nên chàng không được quen thi sĩ Đinh Hùng để mà nghe lời khuyên:

“Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết,
Gợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân.
Ta gần em, mê từng ngón bàn chân,
Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão”.

Đáng tiếc. Thế rồi không rõ chàng đã mở mắt ra “chiêm ngưỡng” thân thể nàng theo kiểu nào mà nàng viết để “diễn tỏa” về cái nhìn gió bão của chàng như sau: “Cái nhìn không những như muốn thoát y em (undress me)... Cái nhìn như muốn lật ngửa em lên và xuyên từ trong ra ngoài (turning me upside down and inside out just by looking at me)”. Trong một đoạn khác nàng viết: “Chúng em thèm khát thân xác nhau vì lâu chưa được thỏa mãn. Em thèm khát chàng và rồi chúng em làm tình với nhau hưng phấn như thủa ban đầu gặp gỡ (I was starved for him, and we made love as if it was our first time)”. Khỏi cần phải làm thầy bói, thày tướng số, nghe chuyện này người ta cũng có thể đoán trúng ngay phóc rằng chàng thì tuổi… “con dê” còn nàng thì cầm tinh con... “ngựa”.

Chưa hết! Lại còn thêm một chuyện nữa về nàng Monica Lewinski. Monica gặp Clinton (lúc này đã là Tổng Thống) lần đầu vào mùa hè 1995, khi đó nàng mới 22 tuổi. Chàng tuổi tác hơn nàng gấp đôi. Nàng được tuyển dụng làm thực tập viên tại Toà Bạch Ốc. Một hôm nàng giáp mặt Clinton khi chàng đứng một mình trong căn phòng của chánh văn phòng. Nàng nói: “Bốn mắt chạm nhau” (intense eye contact) và nàng muốn đứt thở (my breath was taken away). Ngay tối hôm đó hai người chung đụng thể xác lần đầu (blow job) và sau đó tái diễn nhiều lần… Nàng nói chàng có tia nhìn “chết người” như muốn lột trần quần áo trên người nàng, rất ham muốn, rất thèm thuồng và rất đáng yêu (his eyes were very soul-searching, very wanting, very needing, and very loving).

Trong cuốn “Monica’s story” nàng kể lại buổi gặp gỡ đầu tiên: “Ông ôm tôi, hôn tôi trước và thoáng chốc cả hai không còn một mảnh áo che thân. Nhiều người chê cười tôi để mất phẩm giá khi thoả mãn ông như thế. Nhưng ông đã chứng tỏ là người đàn ông tuyệt vời. Thú thật tôi đã đạt tới cực điểm trước ông (I had the first orgasm of the relationship). Lần gặp thứ nhì, cũng tại thư phòng, trong bồn tắm. Tôi chậm rãi cởi từng nút áo ông. Phản ứng tự nhiên, ông thót bụng lại, bối rối (vì bụng ông hơi to), tôi nói vài câu ve vuốt, trấn an ông. Và trước mặt tôi, là một người đàn ông đời thường, không có vẻ gì là một Tổng Thống Hoa Kỳ.” Mãi tới tháng 5 năm 2014 Lewinski mới thỏ thẻ nói rằng mối quan hệ hồi thập niên 1990 với Clinton là sự việc giữa hai người trưởng thành và có sự đồng thuận. Lên tiếng trên Vanity Fair, nàng giờ đây đã 40 cái xuân xanh tuyên bố: "I, myself, deeply regret what happened between me and President Clinton…” (Bản thân tôi rất ân hận về những gì đã xảy ra giữa tôi và Tổng thống Clinton…)

Ái tình có những lạc thú chan chứa ngọt ngào như mật ong nhưng cũng luôn luôn có những hình phạt chen lẫn với mật đắng như thi sĩ La Fontaine từng phát biểu: “L’amour a ses plaisirs aussi bien ses peines.” Mark Twain cũng có nói: “Everyone is a moon and has a dark side which he never shows to anybody” (Mỗi người là một mặt trăng và có một phía tối tăm mà không hề phô bày ra cho ai thấy cả).

                                                                                                         oOo

Trong hôn nhân chúng ta cũng không nên quá bi quan khi nghe được dăm ba cái chuyện “phản bội nhau” trong cõi đời ô trọc này! Ba cái lặt vặt đó không đáng để tâm làm gì! Xin mời đọc đôi lời tâm sự đăng trên mục “tưởng nhớ” cạnh bên mục “cáo phó” của tờ báo Washington Post ở vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn để thấy cái tình cảm mặn nồng vợ chồng không phải lúc nào cũng dễ phai, đồng thời ngẫu hứng xin chuyển dịch thành đôi vần thơ “lục bát” tiếng Việt.

Đây là lời một bà vợ nhớ chồng, nhờ nhà báo đăng tải để phơi bày nỗi lòng chung thủy:

“On this 51st year of our wedding day,
These are lonely times,
Recalling joys which we shared,
Only yours and mine.
I can feel you near, although you're far away,
Sharing your love with me on our special day.”
(Forever, your Wife, Fran)

“Ngày này, xưa kết lứa đôi
Đã năm mươi mốt Xuân rồi chóng qua
Giờ Em cô độc xót xa
Một mình nhớ lại tình ta thuở nào
Chung vui hạnh phúc ngọt ngào
Chỉ riêng đôi lứa, dạt dào yêu thương.
Nay dù Anh khuất Thiên Đường
Mà Em vẫn tưởng Anh đương cạnh mình
Để cùng chia sẻ duyên tình
Nhân ngày kỷ niệm Lễ Thành Hôn xưa!”
(Muôn đời, Vợ của Anh, Fran)
(Tâm Minh chuyển dịch thơ)

Đây là lời một ông chồng nhớ vợ (sinh 1944 - mất 1998):

“I lost a life companion,
A life linked with my own,
Day by day, I miss you more,
As I walk through life alone.
How sad is this day to me,
The day on which you died
Your memory will cling to my heart,
Until I rest by your side.”
(Your Loving Husband.)

“Bạn đời Anh đã mất rồi,
Ta từng khăng khít lứa đôi yêu kiều,
Ngày trôi càng nhớ thêm nhiều
Khi Anh lẻ bước cô liêu dòng đời.
Nhớ ngày sầu não giăng trời
Là ngày Em vội lìa nơi dương trần,
Nhớ Em, lòng nhớ vô ngần
Mong khi chết được mộ phần bên nhau!”
(Người Chồng Yêu Thương của Em.)
(Tâm Minh chuyển dịch thơ)

Như vậy trên bàu trời tình ái thênh thang không thiếu chi những vì tinh tú rực rỡ thủy chung, phô ra muôn vẻ đẹp đẽ của tình nghĩa vợ chồng đấy chứ nhỉ? Thôi thì nhân dịp năm hết Tết đến sao chúng ta không tạm gác chuyện “mèo chuột” qua một bên. Đừng truy tìm quá khứ! Đừng kỳ vọng tương lai! Hãy vui với hiện tai! Cùng nâng ly đón mừng năm mới, năm con Chuột! Cung Chúc Tân Xuân! Happy New Year!

                                                                                                                         Tâm Minh Ngô Tằng Giao
                                                                                                                            (Đặc San Lâm Viên)