Rồi cuối cùng mùa Xuân cũng trở về. Sáng nay đã nghe tiếng chim lảnh lót đâu đó trong khu rừng thưa trên đường Campbell. Vâng, thế nào rồi mùa Xuân cũng trở về.
Rồi cuối cùng mùa Xuân cũng trở về. Sáng nay đã nghe tiếng chim lảnh lót đâu đó trong khu rừng thưa trên đường Campbell. Vâng, thế nào rồi mùa Xuân cũng trở về.
Vậy, trong khi chờ mùa Xuân đến gõ cửa mỗi nhà và mỗi trái tim, Nguyễn xin kể với các bạn một vài câu chuyện tình thật đẹp và những biểu tượng của tình yêu.
Nguyễn nhớ, cách đây khá lâu, báo Dallas Morning News đăng một cái thư cảm động của một tài xế xe buýt ở Auburn, California, gửi bà Abby – người phụ nữ nổi tiếng giữ mục trò chuyện tâm tình với độc giả. Thư viết như sau:
“Thưa bà Abby,
“Người vợ xinh đẹp của tôi, mới 34 tuổi, từ giã cõi đời cách đây tám tháng. Tôi thương nhớ nàng không nguôi. Trước lúc ra đi, nàng bày tỏ ý nguyện là muốn xác thân của mình được đem thiêu. Tôi đã tôn trọng và thực hiện ý nguyện sau cùng của nàng. Nàng cũng xin tôi đem tro tàn nhục thể của nàng rải trên mặt biển. Tôi sẽ làm y như thế vào mùa Hè này.
Tro của xác thân nàng đựng trong một cái bình như bình hoa thật đẹp. Không biết sau khi đã đem rải tro trên mặt biển, liệu tôi có thể dùng cái bình ấy để cắm hoa không. Tôi muốn đồ vật này trở thành biểu tượng tưởng nhớ tình yêu của tôi và nàng, và trong bình sẽ luôn luôn có mười bông hồng đỏ rực rỡ.”
Bà Abby đã trả lời như sau:
“Anh bạn tài xế xe buýt thân mến,
Xin anh nhận ở đây lời chia buồn thành thật của tôi về sự ra đi của người vợ của anh. Tôi đã đem điều anh thắc mắc đến hỏi một phụ nữ tuyệt vời tên là Lisa Carlson, hiện là giám đốc cơ quan tang lễ (Funeral Ethics Organization). Lisa khẳng quyết rằng việc anh dùng bình tro cốt của vợ để cắm hoa tưởng niệm là điều tuyệt vời.”
Câu chuyện vừa kể trên thật cảm động và dễ thương, phải không các bạn? Ai nói tình yêu là không vĩnh cửu. Tới đây, Nguyễn chợt nhớ tới một chuyện tương tự xảy ra gần đây thôi, giữa những người bạn thân của gia đình. Emily là con gái Singapore, sang du học Mỹ gặp Michael ở Fort Worth, TX. Hai người có hai con một gái một trai đã lớn. Thế rồi Emily bị ung thư qua đời. Trước khi nhắm mắt Emily ngỏ ý gởi nắm tro của mình ở khu tưởng niệm trong nhà thờ. Michael làm y như thế và mỗi Chủ Nhật đi nhà thờ anh đều ra thăm vợ.
Bây giờ, Nguyễn xin kể một câu chuyện khác: Gary và Ann yêu nhau hồi còn ở trung học. Rồi hai người chia tay nhau. Gary lấy vợ và Ann đi lấy chồng. Trải qua bao tháng năm buồn vui trong cuộc đời riêng, tất nhiên họ không còn nhớ tới nhau nữa, chỉ trừ đôi lúc bất chợt nghe tin người xưa ở một nơi nào đó. Cuộc sống, công việc làm, con cái… là những ngăn cách bình thường.
Thế rồi, tới một khúc quanh, chàng trở thành người góa vợ, nàng góa chồng. A, định mệnh tới bây giờ mới cho thấy bàn tay huyền diệu. Viết tới đây, Tim liên tưởng tới Dòng Sông Ðịnh Mệnh của Doãn Quốc Sỹ: cuộc đời làm cho sông chia thành đôi nhánh nhưng rồi cũng chính cuộc đời kết hợp hai nhánh sông lại với nhau. Tại câu lạc bộ Ranch Heritage trong vùng Bắc Dallas, Gary và Ann bất ngờ gặp lại. Có thể nói đây là cuộc hạnh ngộ hiếm có: hai người “nối lại đường tơ”, quyết định về sống chung với nhau. Và một đám cưới diễn ra trong vòng bạn bè thân mật cách đây hai năm.
Thế nhưng, mọi sự diễn ra không được như ước nguyện, mặc dầu họ yêu và quý nhau, tận tình tận nghĩa: Gary lâm bệnh, qua nhiều lần giải phẫu và phải đi xe lăn. Chính Ann đẩy xe cho Gary mỗi lần tới sinh hoạt ở câu lạc bộ, và lo lắng bữa ăn, giấc ngủ cho Gary. Những người bạn trong câu lạc bộ thường xuyên đến chuyện trò thăm viếng. Một người tên John còn tự nguyện mỗi tuần mang kèn trombone đến thổi cho Gary nghe những khúc nhạc jazz ưa thích. Nói chung thì bạn bè ai cũng thương và cầu chúc cho hai người được vui bên nhau.
Vâng, ai cũng mong thời gian còn lại của đôi bạn tình Gary và Ann là một khúc hòa tấu, tuy có đôi trắc trở, nhưng vẫn hòa nhịp tươi vui. Thế nhưng cuộc đời không cho ai được trọn vẹn. Gary bị phát hiện ung thư thời kỳ cuối, chỉ còn chờ ngày ra đi. Nhưng ông vẫn giữ được tinh thần và nụ cười thường lệ. Và Ann thì luôn luôn nhẹ nhàng, thân ái. Bà đúng là người bạn chung tình với ông.
Cách đây hai tháng, một buổi chiều, Tim và hiền nội tới thăm Gary và Ann trong khu Ranch Heritage. Ngôi nhà thật đẹp, trồng hoa petunia rực rỡ. Thơ mộng nhất là cái balcon. Nơi đây, Gary và Ann thường ngắm mặt trời mọc và lặn cũng như nhìn trăng lên trên bầu trời.
Ngồi chơi, ăn bánh kem, Ann cho biết tháng 9 vừa qua là kỷ niệm hai năm đám cưới, Gary mua tặng bà món nữ trang đeo cổ thật đẹp và một cuốn truyện trẻ con có nhan đề The Kissing Hand. Truyện viết về một gia đình Raccoon (một loại chồn) gồm hai mẹ con thương yêu nhau. Mẹ Raccoon thường hôn lên bàn tay của con trai nhỏ và bảo cậu hãy ấp bàn tay đó lên má để cảm thấy hơi ấm của tình thương mẹ trao con. Ngày tháng trôi qua, bé Raccoon chỉ muốn gần mẹ chứ không muốn tới trường. Nhưng làm sao được, cậu đã tới tuổi đi học, đâu thể cứ mãi quyến luyến bên mẹ. Một sáng, mẹ Raccoon dẫn cậu tới ngôi trường gần nhà. Lúc sắp chia tay để cậu vào lớp, mẹ Raccoon hôn bàn tay cậu, rồi bảo cậu ấp tay lên má như thường lệ. Thế rồi mẹ con chia tay nhau.
Chuyện vui vui thôi, nhưng Gary mua tặng Ann có lẽ chỉ để nói lên rằng, cũng như mẹ con nhà Raccoon, chia tay để rồi gặp lại. Ann có đưa cho Tim đọc lời Gary đề tặng bà trên đầu trang sách. Nét chữ Gary viết không được rõ và ngay, khó đọc, nhưng rồi Tim cũng hiểu được ý nghĩa của lời đề tặng. Gary viết đại ý như thế này: “Anh biết rằng anh sắp xa em. Vậy, một lần nữa, anh xin hôn bàn tay em, như trong câu chuyện kể ở sách này, và em sẽ giữ nụ hôn đó và nó sẽ tỏa ấm trong những ngày chúng ta xa nhau. Anh biết thế nào rồi chúng ta cũng gặp lại ở miền đất hứa ấy. Gary.”
Có những tình yêu đẹp và vĩnh cửu như thế. Nó đáng được khắc ghi trên những bờ đá ven biển. Và Tường Vi, còn nhớ không, dường như đã có lần em hứa với chàng là khi chàng ra đi, em sẽ đến bên mồ và đặt lên đó một đóa hồng vàng vào mỗi mùa Hè. Còn đây đóa hồng vàng / Ðưa người sang cõi khác… Lời hứa đó có còn không trên lớp sóng triều Laguna?
TN
Dallas – TX