main billboard

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 và mất năm 1992    

yvan yvu

 

Hai anh em Y Vân, Y Vũ năm 1992, một năm trước khi ông qua đời.

 

Ai là người Việt Nam mà không biết bài “Lòng Mẹ” cua Y Vân, thậm chí còn có thể ngân nga ít nhất là hai câu đầu của bài hát : “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào / Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào…”.

 

Bài hát tha thiết, êm ái và chân thành quá khiến ai cũng có thể… vơ vào để tưởng tượng người mẹ trong bài hát là mẹ của mình, để rồi hát lên và… chảy nước mắt.

Y Vân tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 và mất năm 1992, đúng 60 tuổi, y như bài nhạc twist “60 năm cuộc đời” mà ông đã viết thuở nào.


Y Vân lúc nhỏ nhà nghèo lắm, sống xa bố, chỉ có mẹ hiền và bên ngoại đùm bọc. Có lẽ ông đã thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ từ bên ngoại vì ông ngoại giỏi thơ văn và mẹ cũng rất giỏi thơ văn.

Năm 1954, ông cùng 2 em và mẹ di cư vào Nam với hai bàn tay trắng, lúc vừa 21 tuổi.
Mẹ hiền buôn bán nuôi 3 con.

 

Còn Y Vân thì đã thích nhạc từ nhỏ, học đàn, sáng tác, hòa âm từ trước năm 54 nên vào Nam đã có thể đi trình diễn giúp vui cho đồng bào di cư.

Giai thoại ca khúc Lòng Mẹ :

Sau một buổi trình diễn với Phủ Tổng Ủy Di Cư về, Y Vân bị mưa ướt như chuột lột, quần áo dơ hết.
Mới di cư còn nghèo, chỉ có một bo đồ coi được nhất để trình diễn, Y Vân rất lo lắng vì ngay sáng hôm sau lại phải đi đàn nữa.
Khuya hôm đó, mẹ ông đã đem bộ quần áo ra máy nước công cộng đầu hẻm giặt sạch rồi về nhà đốt than lên hơ cho chóng khô.

Sáng hôm sau, Y Vân đã nghiễm nhiên có được bộ quần áo sạch  mặc đi diễn. Ông cảm động lắm và cảm hứng viết ca khúc đầu tay “Lòng Mẹ”, một bài hát đã đi vào lòng hằng triệu người dân nước Việt.

 

Và đó là khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của một trong những nhạc sĩ tài hoa nhất của Việt Nam.
Người mẹ đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời Y Vân. Mẹ là người nuôi nấng nên người từ khi còn nhỏ và săn sóc con khi đã lớn. Mẹ cũng chính là người dựng vợ cho con.

Một cô gái quen với Y Vân do bạn thân làm mối năm mới 16 tuổi. Cô không mê nhạc mà chỉ thích thơ.
Y Vân về nói chuyện với mẹ. Bà cụ thân hành qua nhà cô để xem mặt. Để tìm hiểu về cô dâu tương lai, bà xin phép xuống nhà dưới đi vệ sinh nhưng mục đích chính là xem thử bếp nước như thế nào. Bà về nói với cô em gái :
– Được lắm! Bếp nước gọn gàng sạch sẽ.
Thế là Y Vân được vợ. Từ lúc quen đến lúc cưới chỉ vỏn vẹn 5 tháng. Ngày đám cưới, Y Vân đã viết bài “Người Vợ Hiền” tặng vợ.

Y Vân là một trong số ít những nhạc sĩ Việt Nam sống hoàn toàn bằng âm nhạc. Ngoài việc sáng tác và làm việc cho các đài phát thanh và truyền hình, ông còn đánh đàn contrebass và guitar tại các phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn và các Club Mỹ.
Là một nghệ sĩ, ông ít có đầu óc thương mại, thường bán đứt bản quyền các bài hát  ăn khách.
Trong một thời gian ông và vợ có thực hiện một số băng nhạc lấy tên Trung Tâm Mây Hồng nhưng cũng không kéo dài lâu.

Sau 1975, Y Vân trở nên nghèo túng như tất cả những người Sài Gòn lúc gạo châu củi quế. Và nhiều bài hát của các nhạc sĩ chưa được cho phép trình diễn, nên ông không hành nghề được phải sống bằng tiền dành dụm.
Đến những năm 80, hoạt động âm nhạc mới trở lại, nhưng lúc này ông ít sáng tác mà chỉ làm nhạc phim và viết hòa âm cho các ca sĩ.

Nhạc sĩ Y Vân mất ngày 28/11/1992, sau một cơn mệt tim nặng. Bà Minh Lâm, vợ cố nhạc sĩ Y Vân tâm sự :
– “Nhiều người thêu dệt Y Vân thành một con người đa tình, trăng hoa. Là vợ chồng, mấy mươi năm đầu gối tay ấp nên tôi rất hiểu nhà tôi. Anh ấy là một người đàng hoàng, có gì cũng thật thà kể với vợ (kể cả những việc sâu kín như trường hợp lấy nghệ danh Y Vân). Anh ấy rất có hiếu với mẹ và thương yêu vợ con.

“Thời gian sau năm 1975, Y Vân tham gia Đoàn ca nhạc Hương Miền Nam, rồi nhận viết nhạc cho nhiều nguồn : phối nhạc cho Saigon Audio, viết nhạc phim, nhạc nền cho sân khấu…
Anh làm việc cật lực bất kể ngày đêm. Ban trưa, nhìn anh xoay trần viết nhạc dưới mái tôn thấp nóng hầm hập, thấy thương vô cùng.
Trời thương, nên giai đoạn đó anh được “đặt hàng” dồn dập, có thể nói là “ăn nên, làm ra”, nhờ đó mà gia đình chúng tôi xây lại được căn nhà tạm gọi là ngăn nắp, nhưng anh làm ra cho mẹ con chúng tôi hưởng, bởi chỉ một năm sau thì anh mất.

“Dạo ấy, đứng trước quan tài của anh đang được quàn tại Hội Âm nhạc TP.HCM, mẹ chồng tôi không hề khóc một tiếng.
Có lẽ tất cả nước mắt để khóc thương con, bà cụ đã âm thầm nuốt ngược vào trong.
Chúng tôi nghe bà cụ nói : “Người đời thường bảo: Con “đi” trước mẹ là bất hiếu, nhưng mẹ chẳng trách con đâu bởi con đã làm tròn chữ hiếu ngay từ lúc viết xong bài Lòng mẹ”… Con đi trước mẹ nhưng không nợ mẹ, vì mẹ nuôi con 20 năm nhưng con đã nuôi mẹ đến 40 năm.

10 tháng sau, mẹ ông mất.