“Quái sao hôm nay con bé về trễ vậy?” Cụ Tấn lẩm bẩm...
Cụ Tấn nhìn qua khung cửa sổ nhỏ của căn chúng cư Fairview. Cụ cứ nhấp nhổm nãy giờ. Ðói nhưng cụ không muốn ăn một mình mà chờ con về cùng ăn cho vui mặc dù nồi cơm điện với cái nút hồng sáng rỡ trong căn phòng tranh tối tranh sáng có vẻ như mời mọc. Thức ăn gồm rau cải luộc, dưa leo và cá kho cũng đã sắp sẵn tại cái bàn tròn.
“Quái sao hôm nay con bé về trễ vậy?” Cụ Tấn lẩm bẩm.
Thức ăn và chén bát đã sẵn sàng trên bàn làm cụ phải nhìn. Cụ vẫn thường nghĩ cụ đã cao tuổi, ăn sao cũng được; ăn thanh đạm thế này là tốt, nhưng cái con bé nó còn trẻ, còn đang hoạt động mà ăn theo cụ thì nó yếu sức đi hay không đủ sức làm việc. Cụ ngần ngừ nhìn cái tủ lạnh rồi mở cửa tủ nhìn vào chỗ để rau, trái.
Nhìn đi nhìn lại thấy hai quả mướp hương, cụ Tấn lấy ra ngồi ở bàn gọt vỏ. Rau, dưa đã có nhưng cụ nghĩ, con gái cụ lại thích mướp xào thịt gà, tại sao không làm cho nó ăn cho ngon miệng, nhất là mình còn ngồi đây đợi nó về.
Cái tính thích mướp hương là từ ông chồng cụ ngày xưa, bây giờ chuyền sang cô con gái. Ăn gì thì ăn mà hễ có đĩa mướp xào là bữa ăn thịnh soạn, ngon lành lên ngay. Hồi xưa, mướp hay xào lòng gà; đôi khi xào với ếch hay thịt lợn, thứ nào cũng ngon. Ở Mỹ, lòng gà không thiếu nhưng ếch tươi không sẵn, cứ ức gà là giản tiện mà ít mỡ.
Hồi còn tinh nhanh, cụ Tấn chỉ gọt một tí là xong trái mướp, bây giờ mắt kém, tay run, cụ phải dùng gấp ba, gấp bốn thì giờ. Gọt xong hai trái mướp, cụ Tấn chẻ dọc rồi cắt khúc. Xong cụ lấy cái ức gà ở ngăn dưới, đặt trên thớt thái mỏng. Cụ phi hành, tỏi cho thơm lên bỏ thịt gà vào xào cho chín, rồi bỏ mướp, miệng cụ cứ nhắc đi nhắc lại:”Con bé hôm nay được ăn mướp xào gà là thích lắm đấy.”
Cụ mỉm cười khi nghĩ đến con cụ có niềm vui.
Hình như lúc nào trong đầu cụ cũng có “con bé”, cả trong giấc ăn, giấc ngủ.
Cụ Tấn cảm thấy đói. Mùi mướp xào bay lên làm cụ càng thấy cái đói rõ rệt hơn.
Cụ chỉ cần mở nồi cơm, xới lưng bát và ngồi bàn ăn với các thức ăn đã có sẵn là đỡ đói ngay, êm bụng ngay nhưng cụ không làm. Cụ đợi cô con gái yêu của cụ về cùng ăn cho vui vì cả ngày chỉ có bữa ăn tối là thuận tiện nhất để hai mẹ con trò chuyện...
Như mọi buổi chiều, giờ này hai mẹ con cụ đã ăn cơm xong, đang ngồi coi TV một chút rồi đi ngủ, chứ đâu có trễ dữ như hôm nay.
Sốt ruột quá, cụ Tấn lấy vung, đĩa lớn đậy các đĩa thức ăn lại rồi ra phía cửa sổ vạch màn gió, nhìn ra bên ngoài.
Nắng đã nhạt, bóng mấy thân cây ô-liu xum xuê và mấy cây dừa cao nhòng trên bãi cỏ và trên khoảng sân cư xá phía trước đã ngả dài, có nghĩa chiều đã muộn muộn, chẳng còn bao lâu nữa là tối. Một đàn chim sẻ có lẽ cả trăm con bu vào một lùm cây ô-liu, tiếng kêu chiếp chiếp rộn cả một khoảng sân. Dăm con quạ đen vẫn nhởn nhơ bay qua bay lại, há mỏ kêu “quạ quạ”. Người Việt Nam ít người thích cái giống ác điểu này. Đi đến đâu nó chỉ mang xui xẻo đến đó. Bỗng dưng có tiếng quạ kêu là người nông thôn khi xưa lại nghĩ có lẽ có ai chết vì có tiếng báo tử của quạ.
Xe cộ và người đi bộ ra vào tấp nập. Dăm đứa trẻ vừa Việt Nam, vừa Mễ, vừa Mỹ đang nô đùa ầm ĩ ngay cạnh cái “bót” gác nhỏ xíu của anh gác dan lo giữ trật tự trong cư xá, ở gần cổng ra vào. Một cái máy cassette đang tuôn ra những bản nhạc Mễ rậm rịch nghe điếc cả tai.
“Quái sao con bé này hôm nay về muộn thế?”
Cụ Tấn lại lẩm bẩm. “Hay xe hư?” Cụ nói cho mình nghe để bớt nóng ruột.
Ðứng nhìn ra một lúc đã hơi mỏi chân, cụ Tấn lại ngồi trên ghế sofa một lúc nữa, chịu hết nổi, cụ lại đứng lên lại bên cửa sổ. Lần này cụ với tay mở cái cửa ra vào, lò dò ra khoảng sân phía trước.
Như mọi lần chờ con, cụ Tấn đứng tựa vào gốc một cây ô-liu già mà tuổi đời của cây có lẽ cũng xấp xỉ tuổi cụ. Ðứng một lát mỏi quá, cụ lại ngồi trên một cái bệ gạch. Trí óc đưa cụ Tấn trở lại những năm xưa.
Cụ Tấn được đi Hoa kỳ nhờ diện đoàn tụ. Cụ làm quen với Cộng đồng này gần năm năm nay, lúc đến Hoa kỳ, tuổi đời của cụ mới chẵn tám mươi.
Vì lý do nhân đạo, Chính phủ Hoa kỳ cho phép cụ đi theo người con gái duy nhất sang đây - người mà cụ vẫn quen miệng gọi là con bé - vì cụ có nhờ anh thông dịch viên nói với phái đoàn Mỹ ở Sàigòn hồi đó là, nếu người con gái độc nhất bỏ cụ lại một mình ở Việt Nam thì “nó đi tuần trước, tuần sau tôi chết.”
Cái con bé của cụ năm nay đã hơn sáu mươi, cũng góa chồng như cụ từ lâu, có 6 người con đã trưởng thành đang ở Mỹ, xin bảo lãnh cho hai mẹ con cụ. Cái con bé ấy mà nếu gọi bằng nhũ danh, cụ vẫn gọi là cái Lụa, như hồi nào Lụa chưa đi lấy chồng.
Bà Lụa mất ông chồng đúng vào dịp 30-4-75 lúc ông đang là sĩ quan Tâm lý chiến Trung đoàn 3 Bộ binh đóng ở Lăng Cô, ngoại vi Ðà nẵng.
Gia đình bà Lụa lúc đó cả thảy 9 người, ngụ trong cư xá Sĩ quan tại Ðà nẵng. Cụ Tấn đã ở với con gái và con rể ngay từ hồi di cư vào Nam năm 1954. Chồng cụ Tấn xưa kia đã ra làm việc hàng xã nhưng chẳng được bao lâu, ông bị bệnh từ trần để lại cho cụ Tấn hai người con gái và một người con trai, Lụa là bé nhất.
Cuộc đời dâu bể, bể dâu, hai người kia, một tử trận khi chiến đấu trong hàng ngũ Quốc gia, một chết vì ung thư, chỉ còn lại bà Lụa. Kể từ đó, cuộc đời cụ Tấn gắn liền với người con gái còn lại duy nhất.
Cuộc sống của gia đình bà Lụa sau ngày 30-4-75 vô cùng khó khăn.
Chồng bỗng nhiên biệt tích, không biết sống chết ra sao. Một mẹ già, 6 đứa con còn nhỏ, đứa lớn nhất mới 19 tuổi, đã đậu Tú tài 2, nhưng chưa có công ăn việc làm. Vốn liếng hạt cải, bà Lụa cùng hai cô con gái lớn mở một quán cà-phê ngay trong chợ Cồn làm kế sinh sống qua ngày.
Cũng may lúc đó hàng cà-phê chưa nhiều, mẹ con bà Lụa bán mỗi ngày trăm tách cà-phê cũng tạm đủ để chi dụng hai thứ cần thiết: hai bữa cơm mỗi ngày và một căn phòng nhỏ trú mưa đụt nắng cho cả 8 người. Đám cán bộ Cộng sản từ Bắc được điều vào Nam, trước đây nào có biết cà phê cà pháo là cái gì, ngay cơm độn ngô khoai không đủ ăn phải nhai lá cây rừng mà sống, nay tiền bạc rủng rỉnh vì đào xới khắp mảnh đất miền Nam, có quyền nạt nộ dân lành nhất là những gia đình có ngưòi làm việc với chính phủ Cộng hòa trước kia nên tiền bạc rủng rỉnh, tha hồ ăn nhậu. Quán cà phê bà Lụa là nơi chúng đến tụ họp, vài ba tên lại để ý hai cô con gái lớn của bà Lụa, tưởng rằng với quyền thế này, tiền bạc này làm gì mà chả được nên đã tranh nhau lấy lòng các cô gái và bà Lụa chờ dịp tấn công. Nhưng bà Lụa rất tinh ý, chỉ nhìn qua là thấy ngay “tim đen” của đám cán ngố nên dặn hai đứa con cứ ừ hữ, ngọt ngào cho qua ngày nhưng chỉ đứng xa xa không cho chúng sáp tới, đợi có chuyến tầu vượt biên là tếch, chớ làm chúng mất lòng, bị để ý mà hư việc. Kế hoạch ấy xem ra hữu hiệu. Được là vua thua là giặc, xưa nay thời nào câu thành ngữ ấy cũng đúng. Những đứa con của một kẻ chiến bại sẽ không có giá trị gì trong xã hội của kẻ thắng! Cách hay nhất là ép mình mà sống cho qua, chờ thời, miễn không làm gì hại đến danh dự con người là được.
Cụ Tấn lúc đó còn làm việc được. Cụ giúp con và cháu đun nước sôi, rửa chén đĩa, làm sạch gian hàng cà-phê. Cụ cũng biết làm vài thứ bánh như bánh đậu xanh, bánh trôi nước, bánh cuốn Thanh trì. Những khách hàng đã thưởng thức bánh cuốn cụ Tấn tráng ngay tại cửa hàng cà-phê một lần thì không còn muốn ăn bánh cuốn ở nơi nào khác nữa.
Bánh cuốn cụ Tấn tráng thật mỏng, mềm và dẻo; nhân mộc nhĩ, thịt heo xào hành thơm phức, nước mắm tỏi chua ngọt có vài giọt cà cuống đúng điệu bánh cuốn Thanh trì Hà nội khi xưa; dân sành ăn không thể bỏ qua.
Bữa cụ Tấn bảo với con, cháu cụ muốn tráng bánh cuốn cho cửa hàng cà-phê có thêm đồng ra đồng vào, bà Lụa nói ngay:
“Thôi mẹ ạ. Hồi còn trẻ mẹ làm gì cũng được chứ bây giờ mẹ yếu rồi. Ðể con và các cháu bán mấy tách cà-phê, bánh ngọt, nếu trời thương may ra cũng kiếm được ngày hai bữa. Tráng bánh cuốn không phải ít việc đâu, rồi mẹ bệnh ra thì khổ cả.”
“Không, tao biết tao làm được.” Cụ Tấn chắc giọng trả lời,” Ðể tao đi chợ mua một cái nồi nhôm lớn, có vung đậy đàng hoàng và một vuông vải phin trắng mới rồi tao làm cho tụi bay coi.”
Nói là làm, ba hôm sau cụ Tấn đã có đủ đồ nghề cho việc tráng bánh cuốn Thanh Trì.
Mảnh vải trắng căng trên mặt nồi. Cụ bảo thằng Yêm, thằng cháu trai, đi chặt một cây tre tươi. Lấy một thanh tre, cụ làm thành cái vòng để giữ cho vuông vải căng thẳng trên mặt nồi. Một thanh tre khác cụ làm cây que dài để nhấc bánh ra khi bánh đã chín.
Cụ Tấn chuẩn bị xong hết rồi chụm củi. Bếp củi cháy thành than đượm làm nồi nước sôi đều. Cụ Tấn ngồi trên cái ghế đẩu chỉ cao chừng hơn gang tay. Cụ dùng muôi múc bột trải đều trên mặt vải, xong đậy vung lại. Cụ đếm trong miệng cho bột đủ chín xong mở vung ra, cầm thanh tre dài, cụ uốn cái que cho chui xuống cái bánh, nhấc bánh ra đặt vào cái đĩa lớn bên cạnh, xong lại dùng muôi múc bột làm cái bánh khác.
Chẳng bao lâu, cụ Tấn đã tráng ra vài chục cái bánh nóng hổi. Bà Lụa múc nhân đã xào sẵn cho vào giữa cái bánh, gói lại như cái chả giò rồi xếp vào đĩa, trên lại phủ thêm tôm chà bông và tỏi phi dòn.
Hai mẹ con tạm ngưng tay, mỗi người ăn nếm một cái bánh xem ngon dở ra sao. Cụ Tấn nói:
“Nhân hơi mặn phải bớt nước mắm đi. Bánh chưa được dẻo lắm, phải pha thêm bột nếp.”
Bà Lụa và cụ Tấn điều chỉnh nhân và bột cho đến khi cái bánh vừa miệng và thật ngon, nhớ lấy tỉ lệ bột, nước và các thứ gia vị để pha chế cho những mẻ bánh sau.
Ngày đầu tiên, cụ Tấn không cho bán mà để cả nhà ăn một bữa bánh cuốn thỏa thuê. Các đứa cháu cụ Tấn đứa nào cũng khen hết lời và chắc mẩm thế nào người đến ăn cũng đông. Chúng còn đề nghị để cái bảng nhỏ phía ngoài:”Bánh cuốn Thanh Trì bà Lụa”; thế là từ đó, tiệm bánh cuốn khách ra vào nườm nượp.
Có nhiều người đặt cọc từ mấy hôm trước mới có bánh. Có người đến ngồi lì uống cà-phê chờ cụ Tấn tráng xong đưa về. Cụ Tấn làm tối tăm mặt mày cũng không đủ bánh bán. Khổ nỗi chỉ cụ tráng mới ra bánh, mấy đứa con gái bà Lụa vừa phần không ngồi lâu được, vừa phần hai bàn tay không khéo, bánh dầy quá ăn không ngon hoặc mỏng quá, gẫy nát hết không gói lại được. Bà Lụa tráng cũng tạm được dù không bằng cụ Tấn nhưng bà là cái chân chạy, quản lý mọi thứ thì cửa hàng cà-phê và bánh cuốn mới mở cửa đều đặn được.
Bà Lụa phải chọn thịt ngon, tươi làm nhân mới ngon. Thịt heo lúc đó đắt và lúc có lúc không, bà phải đặt hàng từ những nhà giết heo, đưa tiền trước cả nửa tháng, người ta mới dành cho thịt đúng ý.
Ðến cái vụ bột mới là phiền. Bột tẻ, bột nếp lúc đó chưa có bán sẵn như sau này, bà Lụa phải mua một cái cối xay bột, mướn một chị người làm ngồi xay cả ngày xuống một cái nồi lớn để chứa, bột tẻ riêng, bột nếp riêng, hôm sau cụ Tấn mới pha trước khi tráng.
Ngày bán khoảng dăm trăm cái bánh cuốn Thanh Trì và ít tách cà-phê, bà cháu, mẹ con cũng có đủ tiền để sinh sống, trang trải. Dần dần, vì quá bận với bánh cuốn, cụ Tấn không làm bánh trôi, bánh đậu xanh nữa mà những thứ này có người bỏ mối đưa đến mỗi ngày. Mấy đứa trẻ chỉ chuyên lo dịch vụ cà-phê.
Tạm lo đủ kế sinh nhai cho gia đình nhưng người ta ít thấy nụ cười trên môi bà Lụa. Giữa năm 1975, rồi cuối năm, tin tức về ông chồng vẫn bằn bặt. Bà Lụa đau đớn nghĩ có lẽ chồng đã chết hoặc bị mất tích trong những ngày lộn xộn cuối tháng 3 và đầu tháng 4 ở miền Trung.
Ngày chót ông về thăm nhà là giữa tháng 3. Ông bảo vợ tình hình khẩn trương lắm. Ông muốn cho vợ con vào Sàigòn trước vì ông nghĩ có bề gì, một thân ông đi theo Trung đoàn cũng dễ dàng hơn. Ông nghi ngờ miền Trung sẽ mất sớm. Sau đó không bao giờ ông về nữa. Bà Lụa đi dò hỏi thì hình như đơn vị ông đi tăng phái cho một đại đơn vị ở Nha Trang rồi sau đó không ai biết ra sao nữa.
Giờ này bà là cột trụ của gia đình. Mẹ bà, các con bà trông vào sự xoay xở, lanh lợi của bà để sống còn trong cơn phong ba. Chỉ sau dăm năm, bà Lụa già đi trông thấy.
Mỗi năm đến ngày 30-4, bà Lụa vẫn đặt hương hoa nhang đèn giỗ chồng. Bà lấy ngày đó làm ngày kị của chồng để các con chúng nhớ đến cha chúng.
Ngoài nhiệm vụ với người đã khuất, bà còn một trọng trách nặng nề với những người còn sống. Bà phải lo cho 6 đứa con có chút tương lai. Và bà kiên quyết thực hiện.
Bà Lụa tần tiện, chắt mót từng đồng để gửi con vượt biên. Cho đến 1985, bà đã gửi được cả 6 đứa con sang Mỹ theo diện đi chui “boat people”. Ðứa ba “cây” (lạng vàng), đứa năm “cây”, có đứa lại cả 15 “cây”, có đứa bị bắt trở lại bà phải chạy chữa đưa ra, nhưng rốt cuộc “hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân” các con bà an toàn đến Hoa kỳ.
Tám năm sau khi đến Mỹ, hai cô con gái lớn của bà đã có việc làm, một cô học ra Dược sĩ, một cô Quản trị kinh doanh, xin bảo lãnh diện đoàn tụ cho mẹ và bà ngoại.
Bà Lụa đến Mỹ ở tuổi 57 nhưng bà không chịu ngồi yên để con nuôi. Bà đi thi lấy bằng lái xe, bảo lũ con mua cho bà một chiếc xe cũ làm chân. Bà đi học ESL (English as a second language), đi làm những công tác thiện nguyện. Thứ bảy, chủ nhật, bà Lụa chở mẹ đi lễ chùa, đến những lớp dạy Tài Chi, hoặc đi thăm bạn bè. Cụ Tấn nhờ vậy cũng khuây khỏa tuổi già.
Trước kia, hai mẹ con sống với vợ chồng cô con gái lớn nhưng phòng ốc ở Mỹ có hạn mà cặp vợ chồng này cứ “quen dạ đẻ cách năm đôi” nên hai mẹ con bàn với nhau đi xin housing Chính phủ và tách ra ở trong chúng cư, vừa tự do cho mình, vừa đỡ cho con, cho cháu phải lo lắng.
Mấy người con nhỏ của bà Lụa, gọi là nhỏ nhưng chúng cũng đã quá cái tuổi 18, chúng đi ở “dorm” trong Ðại học, chúng có công việc ở các tiểu bang khác, chúng không muốn vướng bận với người lớn. Thành ra cuối cùng chỉ còn hai mẹ con gái, một căn chúng cư làm cái tổ và những bữa cơm rau dưa thanh đạm có mẹ có con.
Từ khi cụ Tấn qua Mỹ, bà Lụa đã chở mẹ lên Sở Xã hội để xin cho cụ Phiếu Y tế mỗi tháng. Với tuổi cao như cụ Tấn, sở Xã hội đã thỏa mãn nguyện vọng vì chi phí y tế ở Mỹ rất cao, gia đình bà Lụa không cách gì có thể trang trải được.
Sở Xã hội còn đề nghị cho cụ Tấn vào “Viện dưỡng lão”, chính phủ lo cho mọi thứ từ ba bữa cơm mỗi ngày đến thuốc men, bác sĩ, y tá và các thứ sinh hoạt thường ngày như các cụ cao niên trong Viện dưỡng lão, nhưng bà Lụa từ chối mà cụ Tấn cũng không chịu đi một mình. “Mày có vào đây ở thì mẹ mới ở.” Cụ Tấn bảo bà Lụa. Rốt cuộc, một căn “housing” cho hai mẹ con là cụ Tấn và bà Lụa thấy thoải mái, dễ sống nhất.
Vả lại, nếu cụ Tấn chịu ở một mình trong Viện Dưỡng lão, bà Lụa ắt phải về ở với con gái. Căn nhà chỉ có 3 phòng, hai vợ chồng và 3 đứa con của nó lại nhét thêm bà vào, một điều vạn bất đắc dĩ mới phải làm.
Sau ba năm như trong “giao kèo”, người bảo lãnh phải lo mọi chi phí ăn, ở, thuốc men cho người được bảo lãnh, cụ Tấn, lúc đó đã 83, được Sở Xã hội chu cấp tiền già và phiếu Y tế. Tiền già Cali cao nhất Hoa kỳ, đủ cho một người cao niên ăn, ở, tiền túi và chi tiêu những việc thường thường như đình đám, đi chơi trong vùng v.v...Khi bệnh hoạn, phiếu Y tế giúp trả tiền bác sĩ, tiền mua thuốc và khi cần vào nhà thương hoặc mổ xẻ. Ðược cái an ủi là dịch vụ y tế tuy “cho không” nhưng mọi tiện nghi đều được hưởng y như những người có tiền mua bảo hiểm, chỉ trừ những bảo hiểm cực đắt như của các tài tử Hollywood hay những tay tỉ phú.
Cụ Tấn đã phải vào bệnh viện một vài bận. Cụ không ngờ không tốn tiền mà cụ được hưởng những tiện nghi sang trọng đó. Cụ chỉ nằm một lần ba ngày, một lần có hai ngày vì bị chóng mặt, ăn không ngon, cảm thấy mất thăng bằng khi đi đứng. Ðêm cũng như ngày, các cô y tá thay phiên cho cụ uống thuốc, đo máu, đo nhiệt độ, hỏi han xem trong người cụ ra sao, có đỡ không v.v...Ngày ba lần, cụ Tấn được cho ăn theo kiểu Mỹ, có cá, thịt, rau cải, bánh mì, sữa, trái hoặc kem. Nhưng cái miệng và cái bao tử của cụ chỉ thích rau dưa Việt Nam nên chỉ vài ngày, bà Lụa phải nói với bác sĩ Mỹ cho cụ ăn cơm đưa từ nhà vào. Ông bác sĩ thông cảm, đồng ý liền.
Mỗi buổi sáng, bác sĩ đến tận phòng đo, xem và dặn y tá những điều cần thiết để trị bệnh cho cụ. Bà Lụa đi theo thì có thêm một giường bên cạnh, đêm có thể ngủ lại để coi cụ, vô cùng chu đáo.
**********
Cụ Tấn cứ hóng mắt ra phía cổng, cố nhận diện cái xe Camry cũ, mầu đỏ của con gái. Với tuổi này, cụ cảm thấy cái khổ khi phải chờ một người.
Chị Lương, ở cùng chúng cư, dẫn hai đứa con đi qua, thấy cụ Tấn đứng xớ rớ cạnh gốc ô-liu, chị nhanh miệng hỏi:
“Chào cụ, cụ đứng đây chờ ai vậy?”
“Chị Lương đấy hả? Tôi chờ con gái tôi đấy mà!”
“Cô Lụa hôm nay về trễ hả cụ? Cụ lại nhà cháu chơi một lát rồi cô ấy về. Ði, cụ đi cùng với cháu.”
“Không được đâu chị Lương. Tôi phải đợi nó về mới đi đâu được.”
Chị Lương dẫn hai đứa con đi rồi, cụ Tấn lại ngồi hóng mắt ra phía cổng. Bóng tối như cái cọ khổng lồ của nhà họa sĩ, quét ngang quét dọc vài đường là không gian chìm trong mầu đen. Ðèn trong cư xá đồng loạt bật.
Cụ Tấn nhìn những chiếc xe bật đèn sáng vào trong cổng nhưng cụ không thể nhìn ra chiếc xe của cô con gái. Cụ lặng lẽ thở dài đứng lên toan vào nhà vì sương xuống, đã hơi lạnh, người già như cụ không quen chịu. Ðúng lúc đó, một giọng nói thân quen vang lên phía sau:
“Mẹ đấy hả? Mẹ lò mò làm gì ở ngoài này?”
Bà Lụa còn cách cụ Tấn mươi bước.
Cụ Tấn nhìn sững con. Nước mắt cụ tự nhiên ứa ra. Bà Lụa đến cầm tay cụ dắt vào nhà.
“Mẹ đứng ngoài sương rồi ho cho mà coi. Con đã dặn mẹ cứ ngồi ở trong phòng rồi con về mà!”
Cụ Tấn nấc lên:
“Mày đi lâu quá tao bồn chồn lắm. Tao lại sợ xe hư.”
Bà Lụa đi lấy khăn mặt xả qua nước nóng, đem đến lau mặt cho cụ Tấn:
“Con quên không nói với mẹ. Lớp học Anh văn hôm nay người ta tổ chức tiễn bà giáo, có liên hoan nên con về hơi trễ. Ðể con sắp cơm mẹ ăn nhé!”
Cụ Tấn gật đầu. Bà Lụa dìu mẹ lại bàn, bà biết rõ rằng dù bà có về trễ đến đâu, cụ Tấn vẫn chờ về cùng ăn. Hình như ở nơi đất khách này, mẹ càng cần con, con càng cần mẹ nhiều hơn là hồi còn ở Việt Nam.
Ở cái xứ mà ra khỏi nhà là phải giao tiếp bằng tiếng Anh, ra khỏi nhà là phải lái xe như người ta, đi học, đi làm, đi chơi, đi chợ búa, chùa chiền, nhà thờ nhất nhất cái gì cũng phải hòa nhập với đời sống của dân địa phương thì mới dễ sống, mới không bị lạc lõng, không bị cô lập. Mà ở tuổi cụ Tấn, làm thế nào để cụ nói tiếng Anh và lái xe? Cụ không làm được nhưng có cái may là con cụ còn làm được; đó cũng là điều yên ủi cho cụ. Chứ nếu cả hai mẹ con cùng phải chờ cho người ta giúp thì hoàn cảnh còn khổ hơn nhiều.
Cụ Tấn bảo con hâm lại món mướp. Bà Lụa vừa hâm vừa nói:
“Mướp non và thơm quá hả mẹ.”
Cụ Tấn giơ một ngón tay ra trước:
“Mắt mẹ lẻm kẻm, xuýt nữa đứt tay, chỉ hơi đau.”
Bà Lụa nâng bàn tay mẹ lên nhìn:
“Sướt da ra đây. Ðể con lấy an-côn con bôi cho mẹ.”
Rồi bà lại tủ thuốc nhỏ lấy chai cồn và dúm bông với cái “band aid”.
“May là chưa chảy máu. Từ nay mẹ đừng gọt mướp nữa.”
“Nhưng mẹ thấy mày thích ăn.”
“Ðể con về con làm.”
Cụ Tấn đói quá ăn không biết ngon. Vừa ăn bà Lụa vừa nói chuyện liên hoan tại lớp cho mẹ nghe.
“Mẹ biết không? Người Mỹ mà họ cũng tình cảm lắm. Bà giáo dạy tụi con hai niên khóa, hôm nay phải đổi đi, bà cũng bịn rịn khi chia tay, nói gì người Việt.”
Cuối cùng là những lời khuyên:
“Mẹ phải để ý khi mặt trời lặn rồi chớ có đứng ở ngoài cửa đợi con. Bệnh cảm cúm, ho, sốt v.v...nó rình mẹ, hễ mẹ yếu là nó làm tới. Me ăn cơm xong, con lấy cho mẹ viên Tylenol để mẹ uống phòng ngừa.”
Bà Lụa lo xa rất đúng. Ðêm hôm đó, cụ Tấn húng hắng ho làm cả hai mẹ con cùng không ngủ được. Bà Lụa ra khỏi giường, lấy thuốc ho còn lại lần trước, lấy muỗng đong vào cái li nhỏ, pha thêm chút nước ấm mang lại cho mẹ:
“Con đỡ mẹ dậy mẹ uống chút thuốc ho.”
Bà Lụa đi lấy dầu khuynh diệp lại thoa vào trán và thái dương cho mẹ, thoa bóp hai bàn chân, bàn tay:
“Bây giờ mẹ cố ngủ đi một giấc, nha mẹ!”
Sáng hôm sau, bà Lụa gọi điện thoại đến văn phòng nhà trường. Bà đã học nằm lòng câu tiếng Anh thông dụng:
“Tên tôi là...Xin nói chậm chậm, hôm nay mẹ tôi bệnh, tôi không đi học được. Cám ơn.”
Từ hồi bắt đầu học, bà Lụa không bỏ một giờ học vì bà muốn hai ước vọng tha thiết của bà phải được thực hiện. Lái xe, thì bà đã lái từ ngày đến Mỹ chỉ sau vài tháng. Còn Anh ngữ, bà đã dạn nói hơn xưa và nếu có đi lạc đường, bà đã có thể hỏi thăm Cảnh sát hoặc người đi đường để tìm về nhà. Sự quan trọng nhất đối với bà là phải đi học đều đặn, đi qua những bài dễ mới lên được những bài khó. Chỉ khi mẹ bệnh, bà Lụa mới xin nghỉ để lo cho mẹ mà thôi.
Kì hè vừa rồi, vợ chồng cô con gái lớn của bà Lụa, Sương và Quỳ, muốn mời bà Lụa cùng đi du lịch Âu châu với họ nhưng sau khi hỏi ý kiến cụ Tấn, bà Lụa đành cám ơn nhã ý của vợ chồng cô con gái.
Ở tuổi này, cụ Tấn không thể ngồi máy bay cả hai mươi giờ, cũng không thể đi giầy bata sắp hàng cả giờ đi vào các khu di tích cổ để coi. Miếng ăn, miếng uống ở các tiệm ăn, các khách sạn ê hề ra nhưng cụ Tấn không thể ăn. Món ăn Âu - Mỹ, cụ không ăn được một bữa, mà dù cho ăn được thì sau đó thức ăn lâu tiêu, choáng váng nhức đầu vì nhiều bơ,mỡcũng làm cụ bệnh.(Mời đọc:vietnamexodus.org Trang Văn học)
Quỳ và Sương muốn mẹ đi nên bảo bà Lụa:
“Mẹ cứ để bà ngoại ở nhà. Tụi con mướn một người đàn bà đến săn sóc và lo cho ăn cho uống y như khi mẹ ở nhà cho bà ngoại. Dịp này mẹ không đi được với tụi con và các cháu thì còn lâu lắm tụi con mới đi nữa, có khi không đi nữa mà lại đi nơi khác.”
Bà Lụa nghe con nói mềm lòng, muốn đi, nhưng khi nghĩ đến phải để mẹ lại cho một người xa lạ, bà lại ngần ngừ, nhất là khi thấy mẹ không được khoẻ, bà cương quyết gạt bỏ ý nghĩ đi du lịch.
“Thôi các con và mấy đứa nhỏ đi đi. Mẹ cám ơn các con lo lắng cho mẹ mướn cả người săn sóc bà ngoại nhưng mẹ không yên chí vui chơi khi bà ngoại ở lại nhà với người lạ. Rồi lỡ trong khi mẹ đi, bà ngoại bệnh thì làm sao?”
Quỳ sốt sắng:
“Thế thì mời bà ngoại cùng đi. Tụi con lo hết.”
“Không được đâu con. Bà ngoại yếu lắm không thể đi xa nhà lâu ngày như thế. Bà bệnh ra đó còn khổ cho các con nữa. Bà đi được hay không mẹ biết.”
Chính vì cụ Tấn, đã hai chuyến du lịch đáng lẽ bà Lụa đi với các con, các cháu nhưng đều phải tạ từ.
Khi hỏi cụ có muốn về Việt Nam thăm lại quê hương không, cụ nói:
“Muốn thì muốn lắm nhưng sức không ngồi tầu, xe được. Về e chết bên đó, con cháu chẳng có, lại làm phiền hàng xóm, những người quen khi xưa. Chẳng có gì giúp đỡ họ lại mang gánh nặng cho họ sao yên tâm?”
Mỗi năm đến Ngày Hiền Mẫu tại Hoa kỳ, bà Lụa lái xe đưa mẹ đi dự các cuộc vui trong thành phố. Người ta tặng cụ hoa, đồ kỉ niệm và đám trẻ bằng tuổi các cháu cụ, thay nhau hát những bài ca về tình mẹ con, về tình tự quê hương cho cụ nghe.
Nhờ bà Lụa, nhờ “cái con bé” của cụ Tấn, người ta nhìn thấy cụ rất yêu đời, rất thanh thản an nhiên tự tại và tự tin - những yếu tố cần cho cuộc sống dù già hay trẻ - với nụ cười móm mém nhưng luôn luôn nở trên môi.
(còn tiếp)